28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc

Chương 5

Docsach24.com
ai người xa nhau dễ phải hơn năm rưỡi, nay gặp lại. Tưởng Giới Thạch đã hoàn toàn khác xưa, binh quyền nắm chắc trong tay và nghiễm nhiên là tân quý tộc của Quốc dân đảng, còn Mao Trạch Đông - mệt mỏi, xanh xao và theo cách nói của ông, “Triệu Hằng Thích (1) đem quân đuổi bắt tôi, nên phải chạy về Quảng Châu”. Ở Thượng Hải, Mao Trạch Đông thường lui tới số nhà 44 trên đường Hoàn Long (nay là đường Nam Xương) thuộc tô giới của Pháp, đó là trụ sở cơ quan ban chấp hành Quốc dân đảng thành phố, ông đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm khoa văn thư của ban thư kí kiêm thư kí của ban tổ chức, thường ghi chép biên bản cho các hội nghị ban chấp hành. Còn bên Trung Cộng, Mao Trạch Đông cũng là thư kí, và đây là một chức nghiệp đem đến cho ông nhiều phiền toái. Đối với Quốc dân đảng, lí lịch của Mao chưa mấy nổi danh, trong con mắt các bô lão, ông chỉ là “thằng bé tóc còn để chỏm” và trước tiên bị Diệp Sở Thương bài xích. Diệp người Giang Tô, tuy chỉ lớn hơn Mao Trạch Đông năm tuổi, nhưng từ năm 1908 đã gia nhập Đồng Minh hội năm 1912 sáng lập tờ “Thái Bình Dương nhật báo”, năm 1916 làm tổng biên tập tờ “Dân quốc nhật báo”, sau Nhất toàn ông là uỷ viên trung ương Quốc dân đảng trực tiếp làm uỷ viên thường vụ thành uỷ Thượng Hải. Diệp luôn luôn gây khó khăn cho Mao, không chỉ vì Mao, một “thằng bé tóc còn để chỏm” sớm đã leo cao, hơn thế nữa, còn là đảng viên cộng sản, “phần tư liên đảng”. Diệp là người phản đối chủ trương “liên Nga, thân Cộng” của Tôn Trung Sơn, và hiển nhiên, nay dưới trướng của Diệp, Mao Trạch Đông chẳng khác gì một nàng dâu khổ sở. Ngày 17 tháng 11 năm 1924, trên đường công cán phía bắc, Tôn Trung Sơn ghé qua Thượng Hải, Mao Trạch Đông đã trình lên ông một bức thư gồm ba chữ kí của Uẩn Đại Anh, La Chương Long và Mao đều là nhân viên cơ quan thành uỷ, nội dung ghi rõ: “kinh phí từ tháng 8 đến nay chưa được cấp phát, nội bộ thiếu ngưòi chủ trì, công việc của thành uỷ bị đình trệ, nhân viên đã bốn tháng nay chưa nhận lương, khó khăn vô cùng, không sao nói hết, mong Tổng lý nhanh chóng cử chuyên viên tiến hành điều tra giải quyết”. Khi viết thư này để gửi cho Tôn Trung Sơn, quả tình gia cảnh của Mao Trạch Đông thật túng bấn, sáu tháng nay Dương Khai Tuệ và hai con Ngạn Anh, Ngạn Thanh từ quê đã bồng bế nhau lên Thượng Hải chung sống cùng Mao Trạch Đông mà cả nhà chưa có lấy một đồng lương.

Phía Trung Cộng, ban đầu Mao Trạch Đông làm việc thật xuất sắc, hầu như các văn bản của trung ương đều do ông khởi thảo và cùng kí tên với Trần Độc Tú. Sau đó không lâu, sự bất đồng giữa Tổng bí thư Trần Độc Tú và Mao Trạch Đông đã nảy sinh, cộng thêm tác phong “gia trưởng” của Trần, càng làm cho Mao khó ở. Nhà dột lại gặp mưa dai. Mao Trạch Đông năm canh suy nghĩ, mất ngủ, làm việc chểnh mảng, cuối cùng thì đổ bệnh.

Cũng như Tưởng Giới Thạch - người rất yêu mến quê hương bản quán, những khi thất sủng thường trở về nơi chôn rau cắt rốn ngỏ hầu đôi phần an ủi, Mao Trạch Đông nặng tình cố hương hàng xóm, ông đệ đơn “hồi hương dưỡng bệnh”, dắt vợ bồng con rời Thượng Hải đi Hồ Nam. Ngày 11 tháng 1 năm 1925, khi vắng Mao Trạch Đông, Trần Độc Tú triệu tập Tứ đại của Trung Cộng, tổ chức tại Thượng Hải, bầu lại ban chấp hành trung ương, vẫn do Trần chủ trì, còn Mao thì bị đẩy ra ngoài. Từ vị trí thứ hai sau Trần Độc Tú ở Tam đại, nay Mao Trạch Đông lại hoàn tay không.

Đời bỗng chốc mà lên voi, mà xuống chó, thật trớ trêu thay!

Chú thích:

(1) Triệu Hằng Thích - tỉnh trưởng Hồ Nam kiêm Tổng tư lệnh Tương quân - Tương: tên gọi tắt của tỉnh Hồ Nam - là bá vương của vùng này, đồng hương với Mao - ND.