Chính quyền cách mạng Giang Tây bố trí họ ở lại nhà khách quân đội của tỉnh ba ngày, hôm cuối cùng Triệu Tử Xương - thư ký Văn phòng tỉnh dẫn đến 1 sĩ quan trẻ và giới thiệu: “Đây là Hoàng Văn Hoa, thư ký văn phòng, do tỉnh cử đến để quản lý ông bà và cụ, từ nay về sau mọi việc từ lao động sản xuất đến học tập, đọc tài liệu và các hoạt động khác của ông bà đều do anh Hoàng phụ trách”. Đặng Tiểu Bình nhìn người thanh niên họ Hoàng xa lạ mà không hề biểu hiện gì; còn anh, lần đầu tiên mới thấy rõ nhân vật số hai theo chủ nghĩa tư bản, và trong sự im lặng đáng sợ, ông như có một sức mạnh khó nhận biết.
Hoàng mời gia đình lên xe. Đặng đáp lại “vâng” với giọng điệu của người bị quản thúc, chừng mực và lễ phép. Họ đi về hướng Thành Cương, xe qua đại lộ Bát Nhất. Lúc bấy giờ, trong cả nước, con đường này chỉ kém đường Trường An Bắc Kinh mà thôi, kiểu “chơi trội” của tỉnh trưởng Giang Tây khi ấy là Thiệu Thức Bình đã gây xôn xao ở trung ương, nhưng Thiệu dám nói, dám làm và cứ thế mở rộng lộ giới, xây cầu Bát Nhất. Đặng Tiểu Bình nhìn ra hai bên xa lộ, vẫn là tên mình trên các biểu ngữ, hoặc viết ngược đầu xuống đất, chân lên trời, hoặc bị gạch chéo bởi những vạch đỏ. Ai ngờ rằng con đường mà Thiệu đã bất chấp dư luận, tạo dựng lên, hôm nay lại trỏ thành cảnh tượng một trường đấu tố.
“Đây là cầu Bát Nhất, phía dưới là sông Cán Giang. Cán Giang chảy về hồ Phàn Dương. Chỗ chúng ta ở còn khoảng 8 cây số nữa”.
Nghe Hoàng giới thiệu, ông gật đầu và hình ảnh 30 năm về trước khi cùng Hồng quân vượt Cán Giang lại hiện về, còn Phàn Dương, một hồ lớn nhất của Trung Hoa, bao la và nhận mọi cơn sóng dữ của Trường Giang, “ôi khí phách Phàn Dương hồ”, Đặng Tiểu Bình từng cảm thán.
Xe qua thị trấn Trường Lăng, nơi đóng trụ sở huyện ủy Tân Kiến rồi thẳng về Thành Cương, điểm cuối cùng của hành trình. Đây là khu vực của trường bộ binh Nam Xương, ngày xưa là trường Đại học Trung Chính - trường học cao nhất của Giang Tây thời còn Quốc dân đảng. Hiệu trưởng của trường là thiếu tướng họ Đinh, từng ủng hộ phái tả, sau bị điều đi nơi khác. Tòa lầu mà hiệu trưỏng đã ở, quen gọi là “Lầu tướng quân”, tường đỏ ngói xanh nấp dưới vòm cây chim hót quanh năm, đường đi uốn lượn giữa những bãi cỏ được xén tỉa cẩn thận, mỹ quan. Người ta bố trí Đặng Tiểu Bình, vợ và mẹ ở lầu tướng quân. Nếu không vì cảnh lao lý, quản chế thì đây quả là nơi ngoạn mục đối với tuổi già như ông.
Từ hôm đó, Đặng Tiểu Bình bắt đầu 3 năm “lao động cải tạo”, 3 năm tư duy rèn luyện cho một tương lai dữ dội hơn, 3 năm cô độc mà kiên trinh, 3 năm không bình thường trong đời ông.
Sáng hôm ấy, Đặng Tiểu Bình và Trác Lâm trong bộ trang phục màu xanh của công nhân, chân đi giày vải kiểu quân đội, vai vắt khăn bông cùng Hoàng Văn Hoa đến xưởng sửa chữa máy kéo của huyện Tân Kiến. Ba người rời khỏi lầu tướng quân, xuống một dốc ngắn, vượt qua cổng trường bộ binh, và cứ thế theo đường lộ Nam Xương khoảng 2 cây số rồi rẽ trái 200 mét là đến nơi lao động. Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch ủy ban cách mạng của xưởng niềm nở bắt tay và giới thiệu: “Đây là một xí nghiệp cỡ nhỏ của huyện, chỉ có 80 công nhân”. Đặng Tiếu Bình liền hỏi: “Xưởng có còn Hồng vệ binh nữa không?”. Bí thư vui vẻ trả lời: “Chúng tôi không có Hồng vệ binh, hầu hết là công nhân lớn tuổi, rất an phận”.
Sĩ quan quản giáo và bí thư đưa Đặng Tiểu Bình và Trác Lâm vào xưởng máy, không ai ngờ đó lại là Tổng bí thư - Phó thủ tướng và phu nhân. Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước về tư tưởng và kỷ luật cho công nhân, song khi đó người ta đã rộ lên “Đặng Tiểu Bình!” và ùa đến bên ông như tranh nhau một vinh dự lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy lãnh tụ của đất nước. Giữa vòng vây của những người thợ, với những ánh mắt trìu mến, hoàn toàn khác hẳn với đám Hồng vệ binh Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình và vợ ông như lữ khách trên hoang mạc đã tìm thấy mầu xanh cuộc sông. Thoạt đầu Đặng Tiểu Bình được phân công rửa các chi tiết máy, ông ngồi xổm lâu, hai chân tê cứng, mỗi lần đứng dậy đều té ngã, xưởng trưỏng định chuyển ông sang bộ phận xem bản vẽ, nhưng mắt mờ không tiện, cuối cùng thì đưa về tổ nguội dũa các chi tiết. Thật là hạnh ngộ, vì khi ở Pháp, để kiếm tiền ăn học, ông đã từng làm thợ cho hãng ôtô Renault, bỗng chốc đã hơn 40 năm, nay gặp lại “bạn cũ” - dũa, đục, cưa, búa. Bên bàn nguội étau, với tư thế vững chãi, động tác thuần thục, Đặng Tiểu Bình có dáng dấp như một sư phụ. Và cái tên “già Đặng”, “thợ nguội giỏi nhất” đã lan truyền khắp xưởng.
Nhớ lại những hôm đầu tiên, viên sĩ quan quản giáo cứ “ê, ê” sai, gọi mãi vẫn không tìm ra chủ ngữ. Nếu kêu tên “Đặng Tiểu Bình” thì quá hỗn, còn gọi “Đồng chí Tiểu Bình” như trước đây lại không được, vì đã đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, chống lại Đảng, chống lại Mao Chủ tịch thì “đồng chí” ở đâu. Đặng Tiểu Bình chủ động bảo anh: “Cứ gọi tôi là lão Đặng, già Đặng”“. Đúng, “già Đặng” - cách xưng hô lễ phép với người già - theo tập quán Trung Hoa, và cũng là tỏ thái độ trung tính: không phải địch, không phải ta.
Ba năm, không quản ngày mưa, giá rét, không quản ngày nắng, oi nồng, hai vợ chồng Đặng Tiểu Bình đều có mặt ở vị trí người thợ. Ông rảo bước đi về chỉ trên một con đường từ nhà đến xưởng, từ xưởng về nhà, và mỗi buổi trưa thức dậy lại quay vòng xung quanh lầu tướng quân. Tuy cuộc sống đơn điệu nhưng thân thể ông đã cường tráng hẳn lên, và đặc biệt đầu óc ông đã nảy nở nhiều kế sách. Cũng trong 3 năm ở đây, ông đã đọc một cách hệ thống các bộ sách quý “Tam quốc diễn nghĩa”, “Hồng lâu mộng”, “Thủy hử” và “Tây du ký”, và nhận được nhiều nguồn dinh dưỡng từ kho tàng di sản ấy của dân tộc. Đã nhiều lần sĩ quan quản giáo hỏi ông về việc đọc Mao tuyển và tỏ ý không vừa lòng, Đặng Tiểu Bình trả lời: “Hồi còn ở Trung ương, chúng tôi đã thay đổi hình thức đọc Mao tuyển thành nghe Mao tuyển, và chính ông là người đã có sáng kiến chọn lọc trong thiên kinh vạn quyển của Mao soạn thành cuốn “Lời Mao Chủ tịch” gọn gàng, rõ ràng, súc tích kiểu như kinh thánh mà mọi tín đồ đều thuộc lòng, từng tụng niệm và luôn có trong tay.
Một hôm, Trình Thế Thanh, người đứng đầu tỉnh Giang Tây xộc đến hỏi ông: sáu, bảy tháng rồi, tư tưởng cải tạo ra sao, có gì khó khăn không v.v..., Đặng Tiểu Bình ngồi yên như pho tượng và chỉ nói một câu: “Mọi việc tôi đã viết trong thư gửi về Trung ương qua Chánh văn phòng Uông Đông Hưng rồi”, Trình Thế Thanh bẽ mặt và chờn từ đó. Nhưng về sau Trình đã giúp Đặng nhiều việc, đặc biệt là cho phép con cái của họ được đoàn tụ ở Giang Tây.
“Họa trung đắc phúc”, 3 năm Giang Tây, 3 năm sống cuộc sống của người dân, những bữa cơm đạm bạc theo khẩu vị Tứ Xuyên, những ly rượu nếp tự mình chưng cất, những lần đón con cái về rồi lại tiễn chúng ra đi và để lại bao nhiêu trống vắng, những bước đi trên con đường đất nhỏ mà sau này dân huyện Tân Kiến gọi là “con đường Đặng Tiểu Bình”, những nghĩ suy cho tương lai một Trung Hoa đã nảy sinh trên con đường ấy, và tấm lòng của những người thợ, người dân, nếu so vói nhiều chiến hữu đã ngã xuống trong cuộc đại loạn - Cách mạng văn hóa - thì đây vẫn là hồng phúc, cho ông và cho cả nhân dân nước ông.