Theo mệnh lệnh của “hiệu trưởng”, lính tráng chia làm nhiều toán và trong chốc lát đã hoàn thành nhiệm vụ của mình:
Chiếm chiến hạm Trung Sơn, thu toàn bộ vũ khí.
Bao vây lầu Văn Đức, nơi cư trú của Lý Chi Long, viên trung tướng trẻ vừa mới tân hôn bị cắt ngang tại giường cưới.
Cục hải quan bị chiếm lĩnh.
Toàn bộ vũ khí của hội đồng bãi công bến cảng bị tịch thu.
Giam lỏng Chu Ân Lai.
“Bảo vệ” tư dinh của Uông Tinh Vệ.
Giới nghiêm trong toàn thành phố Quảng Châu. Và tiếp được mật lệnh của Tưởng Giới Thạch, Hà Ứng Khâm đã bắt toàn bộ đảng viên Trung Cộng nằm trong quân ngũ của quân đoàn 1 đồn trú tại Triều Sán.
Tất cả diễn ra theo đúng kịch bản và sự đạo diễn của Tưởng Giới Thạch. Một hành vi tắc trách của Ân Tích Chung - nghe sai điện, cường điệu hoá công hàm, mạo danh “theo lệnh của hiệu trưởng” v.v... đã dẫn đến cơ sự như thế này. Có lẽ đó chỉ là cái cớ rất ngẫu nhiên làm bùng nổ cả một mưu đồ xưa nay từng nung nấu của Tưởng Giới Thạch, bao oán hờn với Trung Cộng, với đoàn cố vấn Nga Xô và cả Uông Tinh Vệ nữa nay mới có dịp mượn sự kiện chiến hạm Trung Sơn để ra tay báo oán, Tưởng còn tung tin “Chính biến vũ trang do Trung Cộng bí mật phát động”.
Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông không phải là người trong ban lãnh đạo Trung Cộng, nhưng ông vẫn tìm cách đi gặp Trần Diên Niên - bí thư khu uỷ cộng sản ở Quảng Đông (con trai Trần Độc Tú). Với “quan hàm của Quốc dân đảng cấp - Trung ương uỷ viên và quyền Trưởng ban Tuyên truyền, Mao Trạch Đông vượt qua mọi hàng rào giới nghiêm, cùng Thẩm Nhạn Băng lần tới trụ sở của đoàn cố vấn, Trần đang họp ở đó.
Mao Trạch Đông dặn Thẩm Nhạn Băng chờ ông tại phòng thường trực và sau đây là trích đoạn hồi kí do Thẩm - một nhà văn lớn của Trung Quốc, từng cộng tác với Mao Trạch Đông trong hàng ngũ Quốc dân đảng ghi:
“Tôi chờ Mao Trạch Đông ở phòng thường trực và nghe rất rõ tiếng nói phía bên trong, rất nhiều giọng, tranh cãi nhau, kể cả Mao. Một lúc sau Mao bước ra, nét mặt vô cùng bực tức, chúng tôi lặng lẽ trở về cư xá, đợi Mao bình tĩnh, tôi mới hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Trần Diên Niên cho biết, Tưởng Giới Thạch không chỉ bắt mỗi Lý Chi Long mà gom hết đảng viên Trung Cộng của quân đoàn 1 giam vào một căn nhà và tuyên bố: quân đoàn 1 không cần cộng sản. Quý Sơn Gia còn nói thêm: Tưởng Giới Thạch muốn đuổi cả đoàn cố vấn quân sự Liên Xô về nước.
- Làm thế nào bây giờ? Tôi hỏi.
- Mấy hôm nay tôi đã nghĩ cách, - Mao Trạch Đông giải thích, - chúng ta phải cứng rắn với Tưởng Giới Thạch, ông ta vốn là bộ hạ của Trần Kỳ Mỹ, có sang Nhật Bản học chút ít quân sự, nhưng sau đó đầu cơ kinh doanh ở Thượng Hải, cùng nhóm với Đới Quý Đào. Tưởng Giới Thạch là hạng người “mềm nắn rắn buông”, chúng ta càng yếu ớt thì ông ta càng lấn tới, ngược lại ta cứng rắn, ông co vòi. Tôi đã đề nghị Trần Diên Niên và Quý Sơn Gia hãy động viên toàn thể các uỷ viên trung ương Quốc dân đảng bí mật tụ họp tại Triệu Khánh - nơi đóng quân của quân đoàn độc lập Diệp Đình, mở hội nghị thảo phạt Tưởng Giới Thạch, chỉ trích ông ta vi phạm điều lệ đảng, luật pháp quốc gia, tước binh quyền, khai trừ đảng tịch. Lý Tôn Nhật - thủ lĩnh quân sự Quảng Đông vốn có mâu thuẫn với Tưởng Giới Thạch, lại thêm cả Lý Tế Thâm, hai lực lượng này rất mạnh, chúng ta có thể lợi dụng được. Trận thế như vậy thì Tưởng Giới Thạch làm sao địch nổi...”.
Bình sinh, đây là lần đầu tiên Mao Trạch Đông đối kháng và giao tranh với Tưởng Giới Thạch, nhưng ông ta chỉ có thể thực hiện được nếu Trần Diên Niên và Quý Sơn Gia đồng ý. Ban đầu Trần ra vẻ ưng thuận, nhưng khi nghe Quý phản đối, ông cũng hùa theo, và Mao Trạch Đông phải giải thích, tranh luận, cãi cọ, cuối cùng thì Mao thua. Sự kiện 3.20 đã trình diễn đúng kế hoạch, bắn một mũi tên trúng được ba đích; bắt Lý Chi Long, đánh vào Trung Cộng. Lý chịu hai tầng oan khuất, nội bộ Trung Cộng nghi ngờ Lý bị lợi dụng, tháng 6 năm 1926 được phóng thích, theo quân Bắc phạt, ngày 6 tháng 2 năm 1928 bị bắt tại Quảng Châu và hôm sau thì người ta hành quyết ông ở Hồng Hoa Cương. Đích thứ hai, đánh động Uông Tinh Vệ, y viện có “tâm trạng không yên, đau đầu đau mắt, khó lòng làm việc” để “tạm thời nghỉ dưỡng”, ngày 25 tháng 3 năm đó tự nhiên “mất tích” và một tay Tưởng Giới Thạch nắm cả ba quyền lực: đảng, chính, quân. Đích thứ ba, bức tường toàn cố vấn quân sự Nga Xô là Quý Sơn Gia rời Quảng Châu về nước và phía Nga cũng phải chấp thuận.
Tưởng Giới Thạch vừa ra quân đã thắng lợi, nhưng vì chưa đủ lông cánh, thế lực Trung Cộng còn mạnh, lực lượng Quốc dân đảng chưa phải “thiên vô nhị nhật, dân vô nhị chủ”, chưa phải mọi người đều nghe Tưởng tất cả... nên với đầu óc của một thương gia, Tưởng Giới Thạch ra vẻ co lại chờ thời. Ông tuyên bố: “Sự kiện chiến hạm Trung Sơn ngày 18 tháng 3 hoàn toàn không liên can gì đến Trung Cộng, Trung Cộng hoàn toàn không có âm mưu gì trong vụ này”. Tưởng bức Quý Sơn Gia về nước nhưng lại mời trưởng đoàn cũ là Gia Luân (tên Trung Quốc) sang làm cố vấn, và như vậy về bề ngoài Tưởng vẫn “liên Nga, thân Cộng”.
Đúng như Mao Trạch Đông nhận định, Tưởng Giới Thạch “mềm nắn rắn buông”. Ngày 3 tháng 4 năm 1926 trên tờ “Hướng đạo” - cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, Trần Độc Tú tán dương: “Tưởng Giới Thạch là một trụ đá vững vàng trong phong trào cách mạng dân tộc của Trung Quốc”, sau đó Trần còn gởi thư cho Tưởng, thư có đoạn: “Kể từ ngày xây dựng Trường quân sự Hoàng Phố đến nay, 20 tháng 3, chưa hề thấy Tưởng có một hành vi phản cách mạng nào... Giờ đây ai muốn đánh đổ Tưởng? Tôi nghĩ chỉ có bọn phản cách mạng mà thôi. Vì vậy, thưa Tưởng tiên sinh, nếu một đảng viên Trung Cộng nào đó chống đối tiên sinh, xin hãy đừng khách sáo!”.
Trần Độc Tú nhún đến thế là cùng và tội gì mà Tưởng không tiếp tục lấn tới.
... ĐƯỢC ĐÀ, TƯỞNG CÀNG LẤN TỚI
Trong bối cảnh Quảng Châu vừa qua chính biến 20 tháng 3 như vậy thì người ta thấy một nhân vật mới, tuổi ngoại ngũ tuần, gầy gò xương xẩu, chân cẳng khập khiễng, từ Thượng Hải đến Ngũ Dương thành, được Tưởng Giới Thạch trọng vọng như “quân sư”. Ông họ Trương, người Ngô Hưng, Triết Giang, đồng hương với Tưởng.
Năm 20 tuổi, Trương Tĩnh Giang mắc bệnh đau xương, đi lại khó khăn, nhưng ông ta có một cái đầu tinh thông buôn bán, mở công ty vận tải ở Paris, thu được lợi nhuận kếch sù. Năm 1905 trên chuyến tàu biển từ Trung Quốc sang pháp, Trương Tĩnh Giang đã gặp Tôn Trung Sơn, ông ngưỡng mộ Tôn và tự mình bái vọng trước, hứa sẽ tài trợ cho những hoạt động cách mạng của Tôn. Trương Tĩnh Giang dặn Tôn Trung Sơn ám hiệu liên lạc, tuần tự theo ABCDE, nếu điện báo chữ A, Trương sẽ tài trợ một vạn, chữ B hai vạn, chữ C ba vạn, chữ D bốn vạn, chữ E năm vạn. Tôn Trung Sơn bán tín bán nghi. Hai năm sau, lúc ở Tokyo ngân quỹ của Đồng Minh hội cạn kiệt, không còn cách nào khác, Tôn bèn nhớ lại Trương Tĩnh Giang trọc phú và kì quặc đã gặp nhau trên biển, liền điện báo chữ C, quả nhiên ngày thứ hai thì nhận được ba vạn quan tiền Pháp. Ông vô cùng ngạc nhiên, ít lâu sau Trương xin gia nhập Đồng minh hội và trở thành bạn chiến đấu của Tôn, từng giữ chức trưởng ban tài chính Đảng cách mạng Trung Hoa. Trương Tĩnh Giang cũng có tình nghĩa đặc biệt với Tưởng. Năm 1920 nhờ Trương mách bảo, Tưởng đã phát tài bằng bốn cố phiếu, nhưng càng lao vào thị trường chứng khoán Tưởng càng thua lỗ, đổ nợ, phải nhờ Trương trả giúp, cuối cùng Trương khuyên Tưởng nên về Quảng Châu phò tá cho Tôn Trung Sơn. Khi Trần Quỳnh Minh bắn phá chiến hạm Vĩnh Phong, Tưởng Giới Thạch xả thân yểm trợ Tôn Trung Sơn, ông phải đưa hai con nhỏ của mình cho Trương Tĩnh Giang chăm sóc.
Trương hay tin Tưởng Giới Thạch phát hoả sự kiện 3.20 ở Quảng Châu nên tức tốc từ Thượng Hải về đây để bày mưu tính kế, làm người “nhắc vở” cho Tưởng, đúng như Trương Quốc Đào đã hồi ức: “Ông không xuất đầu lộ diện, nhưng ai cũng phải công nhận đó là nhân vật quan trọng đứng đằng sau Tưởng”.
Ngày 15 tháng 5 năm 1925, cả Quảng Châu trong tình trạng giới nghiêm, quân lính tuần tra chặt chẽ và hội nghị toàn thể lần thứ 2 khoá 2 Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng khai mạc, do Tưởng Giới Thạch chủ trì. Đây là một cột mốc quan trọng có tính lịch sử trong cuộc đời chính trị Tưởng Giới Thạch. Theo đề nghị của ông, Trương Tĩnh Giang thay thế Uông Tinh Vệ giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, Đàm Diên Khải thay thế Uông Tinh Vệ giữ chức Chủ tịch Hội nghị chính trị trung ương Quốc dân đảng kiêm Chủ tịch chính phủ Quốc dân, và như vậy Tưởng đã chiến thắng đối thủ quan trọng nhất trong nội bộ, ấy là Uông Tinh Vệ, mặc dù ông không đứng ra làm chủ tịch đảng, nhưng chức vụ đó nằm trong tay Trương cũng có nghĩa là ông nắm luôn.
Nhân đây xin có đôi lời về họ Uông, hiện giờ tung tích ở đâu. Sau sự kiện chiến hạm Trung Sơn, ngày 25 tháng 3, bỗng nhiên Uông Tinh Vệ “mất tích”, có người bảo ông đã qua Hương Cảng và đi Liên Xô, kì thực thì Uông vẫn bí mật ẩn cư tại Quảng Châu, dẫu cam chịu để quyền lực rơi vào tay Tưởng một cách dễ dàng như vậy, ông chờ thời cơ. Nhưng vì không nắm được quân đội, đấu không nổi Tưởng, sau một tháng quan sát thấy không còn hi vọng gì, Uông Tinh Vệ mới đi Hương Cảng và cuối cùng sang Pháp.
Lại nói về Hồ Hán Dân, nhân vật có liên quan đến vụ án Liêu Trọng Khải đã bị Tưởng Giới Thạch đuổi khỏi Quảng Châu, Hồ sang Liên Xô và diễn thuyết vô cùng khẳng khái, nghe tin sự kiện 3.20 và Uông Tinh Vệ “mất tích”, liền mò về Ngũ Dương thành, nhưng Tưởng không dùng con bài này và Hồ lại bị bỏ rơi. Sau khi Tôn Trung Sơn vừa tạ thế, Uông, Hồ được xem là những người kế vị xuất sắc, vị trí còn cao hơn Tưởng rất nhiều, thế mà giờ đây cả hai cùng trên một chuyến tàu lưu vong, tự dọn bớt chông gai để cho Tưởng Giới Thạch bước lên con đường lãnh tụ...
Nhờ quân sư Trương Tĩnh Giang bày mưu tính kế, hội nghị 15 tháng 5 năm 1926 của Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng đã thông qua “Phương án chỉnh lí đảng vụ”. Phương án gồm ba điểm quy định: (1) Phàm đảng viên của đảng khác gia nhập vào đảng ta thì đảng đó phải giao cho Ban chấp hành trung ương đảng ta danh sách của họ để lưu trữ quản lí. (2) Phàm đảng viên của đảng khác gia nhập vào đảng ta thì không được giữ chức trưởng ban hoặc bí thư các cơ quan trung ương. (3) Mọi mệnh lệnh của đảng khác đối với đảng viên của họ gia nhập vào đảng ta đều phải thông qua hội nghị liên tịch cùng đảng ta rồi mới được truyền đạt. Đây là vũ khí pháp lí mà Tưởng Giới Thạch đã tự chế tạo để gạt Trung Cộng, ra khỏi nội bộ Quốc dân đảng, vì thuật ngữ “đảng khác” trong phương án này hẳn muốn chỉ cộng sản mà thôi.
Ròng rã một tuần thảo luận tranh cãi, cuối cùng hội nghị dùng phương pháp kí tên để thông qua, Mao Trạch Đông (uỷ viên dự khuyết) kiên quyết phản đối, Trương Quốc Đào tuân theo ý kiến của Trần Độc Tú đã đồng ý và kết quả: theo phương pháp chỉnh lí đảng vụ của Quốc dân đảng, Mao Trạch Đông từ chức quyền trưởng ban tuyên truyền, Lâm Tổ Hàn từ chức uỷ viên tài chính và thư kí ban thường vụ, Đàm Bình Sơn từ chức thư kí ban thường vụ... vì họ đều là đảng viên cộng sản.
Cũng có thể nói, những năm tháng đầu tiên khi mà Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông tay súng tay bút cùng phụng sự cho một sự nghiệp chung đã kết thúc, họ “chia tay”, và mãi 19 năm sau mới gặp lại tại cuộc đàm phán Trùng Khánh. Đây chỉ là khúc dạo đầu cho một bản nhạc, là những phút thăm dò lực lượng đối phương trước khi xông vào cuộc, song ít nhiều đã thể hiện khí chất của hai người - một lái buôn và một nông dân, một tay súng và một cây bút.