201 Câu Hỏi Hay Nhất Có Thể Đặt Ra Cho Nhà Tuyển Dụng

Chương 13: Câu Hỏi Dành Cho Những Cá Nhân Xuất Sắc

NHỮNG CÂU HỎI SẮC SẢO VÀO LÚC NGƯỜI PHỎNG VẤN HIỂU RẰNG BẠN LÀ ỨNG VIÊN PHÙ HỢP NHẤT

Những cá nhân xuất sắc, những ứng viên hiếm hoi nhất, có thể tỏ thái độ kén cá chọn canh. Thậm chí ngay trong nền kinh tế ngày nay, cuộc cạnh tranh để giành những nhân viên có thể đóng góp nhiều và tài năng nhất cũng rất khắc nghiệt. Vì lẽ đó, các cá nhân xuất sắc có thể đặt ra cho người sẽ tuyển dụng họ trong tương lai những câu hỏi mà các ứng viên khác sẽ rất khó đặt ra được. Giáo sư, Tiến sĩ John Sullivan, Trưởng khoa Quản lý Nguồn nhân lực tại Đại học San Francisco, cho biết: “Các cá nhân xuất sắc có thể đặt ra cho công ty những câu hỏi sắc sảo để chắc chắn rằng họ đang lựa chọn cơ hội tốt nhất mà họ được mời chào”. Theo ông, dưới đây là những loại hình câu hỏi mà các ứng viên tự tin nhất thường đặt ra.

Giáo sư, Tiến sĩ Sullivan nói rằng: “Ngay cả khi nếu bạn không (chưa) phải là một cá nhân xuất sắc, việc có thái độ hoài nghi là khá quan trọng vì đôi khi, những đại lý tuyển dụng và các nhà quản lý trực tiếp cố tình tỏ ra là công việc tốt đẹp hơn bản chất thực sự của chúng. Bạn cần xem trước nội dung công việc thật chính xác, và bạn sẽ phải đặt ra những câu hỏi khó cho vị giám đốc tương lai của bạn để có thể tìm hiểu được điều đó. Khả năng và sự sẵn lòng trả lời của người quản lý trực tiếp tuyển dụng đối với những câu hỏi khó này sẽ là một nhân tố quan trọng để bạn quyết định chấp nhận lời mời vào làm việc mà họ đưa ra”.

Chẳng có lý do gì mà bạn lại không thể hành động như một cá nhân xuất sắc và đưa một vài trong số những câu hỏi này vào danh mục câu hỏi của bạn. Ai mà biết được? Có thể nếu bạn hành động như một cá nhân xuất sắc, họ sẽ cư xử với bạn như thể bạn là một cá nhân xuất sắc thực sự đấy.

CÂU HỎI VỀ CÔNG TY

13-1

Tổng lợi nhuận cận biên của bộ phận mà tôi sẽ làm việc là bao nhiêu? Bộ phận đó tạo ra bao nhiêu phần trăm trong tổng lợi nhuận của công ty? Tỉ lệ phần trăm đó đang tăng hay giảm?

Việc nắm bắt được mức độ đóng góp của bộ phận hay đơn vị nơi bạn đang xin vào làm vào tổng lợi nhuận của công ty/tổ chức là rất quan trọng.

13-2

Sản phẩm chủ lực của công ty là gì? Nó chiếm thị phần bao nhiêu? Tôi sẽ làm việc ở mảng đó chứ?

Mỗi công ty có một sản phẩm cốt lõi, sản phẩm đó thường tạo ra phần lớn nhất trong doanh số. Nếu bạn muốn làm việc trong bộ phận có sản phẩm đó, hãy xác nhận chắc chắn là bạn sẽ được nhận vào làm tại đó.

13-3

Ông/bà có thể cho tôi một vài ví dụ về những mặt mạnh nhất và yếu nhất của văn hóa công ty được không?

Liệu người quản lý sẽ trực tiếp tuyển dụng bạn có hiểu biết sâu sắc đủ để biết rằng mỗi môi trường văn hóa công ty đều có những mặt tích cực và tiêu cực không?

13-4

Điều gì khiến công ty ông/bà trở thành một nơi làm việc tuyệt vời? Ông/bà có bằng chứng rõ rệt nào cho thấy (vị trí cấp bậc hay phần thưởng) công ty là một nơi làm việc tuyệt vời không? Năm tới công ty dự định làm gì để hoạt động hiệu quả hơn?

Đây là một câu hỏi khá táo bạo, nhưng nếu công ty có thể yêu cầu bạn chứng minh bạn là ứng viên phù hợp nhất, thì việc bạn yêu cầu công ty làm như vậy cũng đúng thôi mà.

13-5

Tôi sẽ thấy gì nếu đứng trước cửa công ty vào lúc 5 giờ chiều? Mọi người sẽ mỉm cười chứ? Mọi người ở lại muộn để làm việc hay rời văn phòng sớm? Mọi người có mang việc về nhà làm không?

Bạn hẳn phải thử quan sát những điều đó trước khi đặt ra câu hỏi này? Hãy xem câu trả lời của người phỏng vấn có giống như những gì bạn quan sát được hay không.

13-6

Rất nhiều đối thủ cạnh tranh của công ty ông/bà có những sản phẩm và cả các chương trình nhân sự tuyệt vời nữa. Đâu là nhân tố quyết định giúp cơ hội làm việc với công ty ông/bà trở nên ưu việt hơn? Ông/bà có sẵn sàng đưa ra một vài “lời hứa” cụ thể về điều ông/bà sẽ dành cho tôi nếu tôi chấp nhận vào làm tại vị trí này hay không?

Cá nhân xuất sắc này đang đề nghị người phỏng vấn quảng cáo, tiếp thị công ty đấy.

13-7

Ông/bà có thể cho tôi thấy công ty có một lực lượng lao động đa dạng và bỏ qua sự khác biệt cá nhân không? Công ty có các nhóm cơ cấu giống nhau hay các chương trình tương đồng mà tôi có thể thấy có ích không? Công ty có quy định đặc biệt gì về ăn mặc không? Ông/bà có thể lấy một ví dụ về một “hành vi thái quá” nào công ty có thể tha thứ, bỏ qua mà các đối thủ cạnh tranh của công ty không thể được không?

Công ty khoan dung đến mức nào với những rắc rối mà nhiều cá nhân xuất sắc gây nên trong quá trình làm việc?

13-8

Công ty ông/bà có đưa ra những lợi ích đặc biệt ấn tượng nào không? Công ty có trả lương cao hơn cho các học vị cao cấp không? Công ty có các kỳ nghỉ phép nguyên lương hay không? Có chế độ chăm sóc trẻ không? Có các khoản trang trải cho việc chuyển chỗ ở không? Có các chương trình đào tạo không? Những chế độ này ưu việt hơn so với đối thủ cạnh tranh của công ty ông/bà như thế nào? Việc chia sẻ công việc thì sao? Việc sắp xếp thời gian linh hoạt thì như thế nào? Có được làm việc với công ty qua mạng không? Trong công ty có các phòng tập thể thao không?

Nếu những điều này quan trọng đối với bạn, bạn hãy hỏi người phỏng vấn bằng mọi giá.

13-9

Đã có những nhân viên giỏi nhất rời công ty, tại sao họ lại rời bỏ công ty như vậy và họ thường đi đâu?

Người phỏng vấn thật khó trả lời câu hỏi này vì ông hoặc bà ta không muốn cho bạn biết tên của các giám đốc công ty khác để bạn cân nhắc xin vào làm việc cho công ty khác. Nhưng nếu người phỏng vấn tự tin về công ty mình, thì ông/bà ta sẽ cho bạn biết thôi.

13-10

Đợt cắt giảm biên chế lớn gần đây nhất là khi nào? Những tiêu chuẩn được sử dụng để chọn ra các nhân viên ở lại tiếp tục làm việc là gì? Công ty dành cho những người nghỉ việc các khoản trợ cấp nào?

Các đợt cắt giảm biên chế là một điều thực tế xảy ra trong cuộc sống ngay cả ở những công ty làm ăn ổn định nhất. Việc hỏi về vấn đề quản lý nhân sự khi có cắt giảm biên chế là hoàn toàn hợp lý.

13-11

Công ty có chương trình nào để thưởng công xứng đáng cho những cá nhân đã có các sáng chế hay các sản phẩm tuyệt vời không? Công ty có chương trình nào giúp các cá nhân “khởi nghiệp” với công ty hoặc chi nhánh của riêng họ không? Liệu rồi tôi có phải điền vào các hợp đồng thiếu hợp lý không?

Bạn định tạo ra các tài sản về sở hữu trí tuệ cho công ty. Việc biết rõ công ty sẽ quản lý các tài sản này như thế nào là hoàn toàn hợp lý.

CÂU HỎI VỀ CÔNG VIỆC VÀ BỘ PHẬN

13-12

Sẽ phải trải qua bao nhiêu lần phê chuẩn và tốn bao nhiêu thời gian để một ý tưởng dự án trị giá 110.000 đô la Mỹ của tôi được phê duyệt? Năm vừa rồi, con số phần trăm các dự án phát sinh từ ý tưởng của nhân viên trong công việc này được chấp thuận là bao nhiêu?

Hãy yêu cầu người phỏng vấn lấy ví dụ. Nếu bạn muốn trở thành một phần của một tổ chức nhanh nhạy, thì đây là một cách rất hay để hỏi về điều đó đấy.

13-13

Ông/bà (và công ty) sẽ mất bao nhiêu ngày để ra quyết định tuyển dụng nhân viên cho vị trí này?

Cá nhân xuất sắc cũng có thể hỏi “bao nhiêu tiếng” thay vì “bao nhiêu ngày”. Ngày nay, các tổ chức biết rằng họ phải hành động nhanh chóng để có được những ứng viên phù hợp nhất.

13-14

Ai là người “lạnh lùng” nhất trong nhóm của tôi? Điều gì khiến họ lạnh lùng như vậy? Tôi có thể gặp họ được không? Ai là người làm việc giỏi nhất và tệ nhất trong nhóm, và năm ngoái sự khác nhau về tổng số tiền bồi thường giữa họ là bao nhiêu? Hãy giới thiệu tôi với nhóm và các cá nhân trong nhóm mà tôi sẽ làm việc cùng. Điều gì khiến các đồng nghiệp làm việc gần gũi nhất với tôi trở nên vui vẻ hoặc trở thành những đồng nghiệp tuyệt vời?

Đây là một câu hỏi phức tạp, nhưng tất cả đều tập trung vào việc tìm hiểu những thành viên trong nhóm mà bạn sẽ tham gia. Đây là những người sẽ giúp bạn xác định liệu bạn sẽ thành công hay thất bại.

13-15

“Kế hoạch đào tạo” mà ông/bà dành cho tôi trong sáu tháng đầu tiên là gì? Những năng lực nào ông/bà nghĩ là hiện nay tôi chưa có và cần phát triển? Tôi có thể học hỏi nhiều nhất từ cá nhân nào trong bộ phận? Anh/chị ta có thể dạy tôi điều gì? Tôi có thể gặp người đó không? Công ty có chương trình cụ thể nào giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp không?

Những câu hỏi này buộc công ty phải chỉ rõ những nguồn lực giúp phát triển các kỹ năng của bạn.

13-16

Giả sử rằng tôi vẫn đang thực hiện công việc của mình, tôi có thể không cần trình diện tại văn phòng bao nhiêu ngày mỗi tuần? Tôi có thể nghỉ một ngày mà không có sự cho phép trước của ông/bà không? Bao nhiêu phần trăm trong số những người đã làm việc tại vị trí này làm việc với công ty qua máy tính? Đã có ai trong nhóm được phép nghỉ một tháng (không được trả lương) vì lý do riêng tư chưa?

Nếu quyền tự chủ cá nhân với bạn là quan trọng, thì hãy đưa vấn đề này ra bàn bạc và xác định xem liệu đã có tiền lệ nào nhận được chế độ làm việc như bạn muốn hay không. Việc theo bước một tiền lệ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tạo ra một tiền lệ.

13-17

Ông/bà hãy lấy một vài ví dụ về những quyết định tôi có thể đưa ra trong công việc này mà không cần bất cứ sự phê chuẩn nào cả. Ông/bà có thể cho tôi biết sẽ có thể chủ động và quản lý ở mức độ như thế nào trong vị trí này không?

Đây là một cách khác để hỏi xem công ty đánh giá sự tự chủ trong công việc của cá nhân như thế nào.

13-18

Ông/bà mong đợi mỗi người trong nhóm sẽ làm việc trung bình bao nhiêu tiếng một tuần? Trên thực tế, mỗi người làm việc trung bình bao nhiêu tiếng? Công ty có các chương trình cuộc sống -công sở để tạo nên sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống hay không?

Là một cá nhân xuất sắc, bạn cần chuẩn bị tinh thần làm việc bận rộn – bạn chỉ muốn biết điều đó là như thế nào thôi.

13-19

Hiệu quả làm việc của tôi sẽ được đánh giá dựa trên tiêu chí nào? Ông/bà sử dụng các tiêu chuẩn hàng đầu nào? Bao nhiêu phần trăm trong số tiền bồi thường của tôi được tính dựa trên hiệu quả làm việc của tôi? Công ty có quy trình nào để nhân viên đánh giá người hướng dẫn trực tiếp của mình không? Nếu tôi làm việc tốt/tồi trong 90 ngày đầu tiên, thì cụ thể là ông/bà sẽ để tôi biết điều đó như thế nào? Ông/bà sẽ tiến hành những bước gì để giúp tôi tiến bộ? Ông/bà thi hành kỷ luật với các thành viên trong nhóm như thế nào?

Những câu trả lời cho một loạt những câu hỏi phức tạp này sẽ cho bạn biết công ty đánh giá và thúc đẩy hiệu quả làm việc cũng như điều chỉnh như thế nào khi hiệu quả làm việc chưa cao.

13-20

Ông/bà dự định giao cho tôi nhiệm vụ gì đầu tiên? Nhiệm vụ đó xếp thứ bao nhiêu trong thứ tự ưu tiên của bộ phận? Điều gì biến nhiệm vụ này thành một cơ hội lớn?

Bạn muốn biết bạn có phải đóng góp sức mình vào một dự án quan trọng, khả thi ngay lập tức không.

13-21

Trong sáu tháng đầu, ông/bà có thể dành cho tôi bao nhiêu tiếng mỗi tuần bàn về công việc này? Bao lâu thì chúng ta sẽ có cuộc họp theo lịch trình?

Bạn muốn biết bạn sẽ có bao nhiêu thời gian gặp mặt trực tiếp với người quản lý của bạn.

13-22

Nếu tôi thấy chán công việc của mình, ông/bà sẽ tiến hành những bước cụ thể nào để giúp tôi vượt qua cảm giác nản lòng đó? Nếu ông/bà chán tôi thì sao? Ông/bà có thể lấy ví dụ cho tôi về những gì ông/bà đã làm cho những người khác trong nhóm của ông/bà hồi năm ngoái để giúp họ vượt qua cảm giác nản lòng như vậy không?

Đây là một câu hỏi cực kỳ tự tin, người hỏi rất thẳng thắn khi cho rằng cảm giác chán nản sẽ thỉnh thoảng xuất hiện. Vấn đề lớn hơn là công ty có các giải pháp gì để giúp giải quyết những cảm giác chán nản đó.

13-23

Đâu là nét đặc biệt của công việc này? Đâu là phần tồi tệ nhất? Và ông/bà sẽ làm gì để tối đa hóa những nét đặc biệt và giảm thiểu những điều tồi tệ? Nếu tôi hỏi người đang giữ chức vụ này về những điều tồi tệ của công việc này, anh/chị ta sẽ nói gì? Tôi có thể nói chuyện với anh/chị ta không?

Câu hỏi thể hiện sự cân nhắc, tuy nhiên hơi có phần hăm dọa này hỏi về những điểm tốt, xấu, không hay của công việc. Mỗi công ty đều do cả ba mặt này tạo nên. Vấn đề lớn hơn là liệu người quản lý trực tiếp tuyển dụng bạn có đủ dũng khí để đối mặt với những điều đó hay không.

13-24

Điều gì sẽ khiến môi trường làm việc vật chất của tôi trở thành một nơi vui vẻ có tác dụng khuyến khích tôi dành thời gian tại đó?

Nếu không gian làm việc vật chất quan trọng đối với bạn thì hãy đề cập đến điều đó. Câu hỏi chung này sẽ có giá trị hơn là hỏi về mảng giải trí hay dịch vụ mát xa của công ty.

13-25

Vai trò của các nhân viên trong những quyết định thuộc bộ phận? Trong quyết định tuyển dụng và đánh giá đồng nghiệp?

Bạn sẽ muốn biết các quy trình quan trọng về làm việc theo nhóm. Hãy chắc chắc là bạn hỏi về những điều cụ thể.

13-26

Tôi có thể có cơ hội chứng kiến nhóm làm việc được không? Tôi có thể tham dự một cuộc họp nhóm được không? Tôi có thể quan sát ai đó trong một ngày được không?

Người phỏng vấn có sẵn sàng tạo dựng hình ảnh công ty rõ ràng cho bạn không? Đây là một cách để tìm ra điều đó.

13-27

Những vấn đề lớn nhất mà bộ phận này phải đối mặt trong sáu tháng tới và trong một năm tới là gì? Những năng lực chủ chốt nào mà ông/bà cho là tôi cần phát triển trong sáu tháng tới để có thể thành công?

Lúc này bạn đang tìm kiếm những điểm quan tâm mấu chốt của người quản lý. Đây là những điểm mà công ty sẽ dựa vào đó để đánh giá hiệu quả làm việc ban đầu của bạn.

13-28

Ông/bà thấy ở tôi điều gì? Những điểm mạnh nhất và điểm yếu có thể thấy ở tôi là gì? Ông/bà có bất cứ điều thắc mắc nào cần tôi giải đáp để tôi có thể trở thành ứng viên hàng đầu không? Có bao nhiêu phần trăm khả năng ông/bà sẽ nhận tôi vào làm việc?

Đây là một câu hỏi thúc giục hành động táo bạo và tự tin, hỏi về bất cứ lý do phản đối nào có thể có.

13-29

Câu hỏi nào là hay nhất/khó nhất mà tôi có thể đặt ra cho ông/bà để tìm hiểu về những mặt không hay nhất của công việc này? Ông/bà sẽ trả lời câu hỏi đó ra sao? Nếu ông/bà là bạn thân của tôi, ông/bà sẽ kể với tôi điều gì về công việc này mà chúng ta chưa hề nói tới?

Đây là nỗ lực cuối cùng để phát hiện ra những thông tin mang tính tiêu cực về công ty.