20 Nữ nhân Trung Quốc

- 11 -

Nàng là con gái Vương Di(Dần), làm nghề nhuộm ở phường Vĩnh Khánh, Biện Kinh. Vợ Vương Di sinh con xong thì mất, di lấy nước đậu nành thay cho sữa mẹ nuôi con. Từ bé, Sư Sư không hề gào khóc.

Tục lệ đất Biện, con gái được yêu cầu gửi vào chùa. Di thương con nên gửi con vào chùa Bảo Quang. Lớn hơn một chút Sư Sư đã biết mỉm cười. Một sư già nhìn thấy Sư Sư liền hỏi:

- Ở đâu mà tới đây thế?

Sư Sư òa khóc. Vị sư già lấy tay xoa đầu, liền nín.

Di mừng nói:

- Đứa bé này đúng là đệ tử nhà phật.

Đã ở chùa, thường gọi là sư, do đó đặt tên là Sư Sư. Sư Sư lên bốn thì Vương Di bị mắc tội bị giam rồi mất ở trong ngục. Sư Sư không nơi nương tựa. Có mụ Lý ở kỹ viện đem về nuôi.

Lớn lên, nhan sắc và tài nghệ đều tuyệt vời, cả phường hát ở kinh đô không ai sánh kịp.

Khi vua Tống Huy Tông lên ngôi, ưa thích xa hoa. Bọn Xái Kính, Chương Đôn, Vương Khuất khuyên vua dùng chính sách thanh miêu (thu thuế). Kinh đô được sửa sang đẹp đẽ. Nhờ thu thuế, vàng bạc lụa là lại đầy kho. Bọn Trương Quán, Vương Miễn lại hiến kế xây dựng cung thất, hồ vườn…Vì thế các loại hoa lạ, cây quý, chim muông hiếm đều có ở kinh. Vua còn xây một Ly cung ở phía bắc Biện kinh gọi là Cấn nhạc.

Nhưng cái gì mãi rồi cũng chán, Huy Tông bèn nảy ra ý định vi hành xuống các nơi dân ở. Viên cận thần là Trương Địch, vốn được ưa mến. Khi chưa vào cung, Địch chơi bời quen thân với mụ Lý, bởi vậy Địch tâu với vua là có cô gái Lũng Tây tài sắc vẹn cả đôi đường làm cho vua ao ước.

Một hôm vua sai lấy hai tấm nhung, hai thảm nỉ, hai viên ngọc châu quý, hai mươi lạng bạch kim, nói dối là thương gia Triệu Ất, đến kỹ viện Mụ Lý ở phường Trấn An. Tới nơi, vua bảo tùy tùng ở ngoài, chỉ vua và Trương Địch vào. Mụ Lý ra đón, mời ngồi, bày biện hoa quả mời khách; nhiều thức nhà vua chưa từng thấy bao giờ, ví như loại táo xanh nhỏ như quả trứng. Vua nếm thử mỗi thứ một chút, nhưng mãi vẫn chưa thấy Sư Sư ra.

Trương Địch mượn cớ rút lui. Mụ Lý dẫn vua tới một hiên nhỏ, cạnh song có ghế, phía ngoài bóng trúc xanh mát. Vua ngồi xuống nghỉ. Sau đó Mụ Lý lại mời vua vào nhà có bày cỗ thết đãi các thứ nem gà, gỏi cá…Mụ Lý đứng hầu, còn Sư Sư vẫn không thấy đâu.

Nhà vua hơi ngờ. Mụ Lý mời nhà vua đi tắm rửa - Vua từ chối. Mụ Lý tới gần, ghé tai nói nhỏ:

- Cháu nó vốn tính ưa sạch sẽ, mong quan nhân đừng nóng nảy.

Bất đắc dĩ, vua phải theo lời mụ vào phòng tắm. Tắm xong, Mụ Lý lại dẫn vua vào nhà sau, hoa quả tươi ngon, rượu chè đậm vị, mụ mời vua dùng. Sư Sư vẫn chưa ra. Hồi lâu sau, Mụ Lý mới dẫn vua vào phòng. Vau vén rèm, trong phòng có nến sáng trưng, nhưng cũng không có Sư Sư. Vua càng lạ lùng, ngồi nghỉ trên ghế tựa.

PHải một lúc lâu nữa, Mụ Lý mới đưa một cô gái nhẹ nhàng đi tới. Nàng ăn mặc giản dị, áo lụa trắng không phấn son, cũng vừa mới tắm xong, xinh đẹp như một đóa hoa chớm nở. Thấy vua, nàng lạnh lùng, không chào hỏi. Mụ Lý lại ghé tai vua nói thầm:

- Tính cháu nó hơi gàn dở, mong quan nhân đừng lạ.

Nhà vua ngắm kỹ dưới ánh đèn thấy nàng xinh đẹp lạ kỳ. Hỏi tuổi, không trả lời. Vua gặng hỏi, nàng tránh ngồi ra xa. Mụ Lý nói nhỏ bên tai vua:

- Tính cháu nó ưa tĩnh, mong quan nhân lượng thứ, không nên vội vã.

Nói rồi mụ buông rèm đi ra. Lúc đó Sư Sư mới đứng dậy. cởi bỏ áo khoác ngoài ra, sắn nhẹ vạt phải, với cây đàn trên vách, ngồi ngay ngắn trên ghế, gẩy khúc "Bình sa lạc nhạn". Vua nghe lâng lâng quên cẩ mệt mỏi. Sau ba khúc đàn, gà đã gáy sáng, nhà vua vội vã đứng dậy, vén rèm đi ra. Mụ Lý cũng dậy, dọn bàn điểm tâm. Vua dùng qua loa, rồi cùng bọn tùy tùng trở về cung cấm.

Mụ Lý bảo Sư Sư:

- Quan nhân họ Triệu đối xử ân cần, sao mi lại hững hờ thế?

Sư Sư giận nói:

- Bọn con buôn ấy con cần gì?

Mụ Lý cười:

- Mi ngang bướng như vậy cho làm quan ngự sử cũng được.

Việc này rồi cũng lộ ra, người dân kinh đô xì xào bàn tán chuyện nhà vua mặc giả khách buôn tới chỗ Sư Sư. Mụ Lý nghe thế sợ hãi, khóc bảo Sư Sư:

- Đúng thế thì nhà ta sẽ bị diệt cả ba họ.

Sư Sư thưa:

- Bà đừng lo. Nếu nhà vua thực yêu con, đời nào lại sát hại con. Và đêm hôm trước, xem ý nhà vua thực yêu thương con nên không muốn cưỡng bức, chỉ tiếc con bạc mệnh, đem thân nhơ bẩn, làm lụy bậc chí tôn. Nếu có thế nào, cũng là đáng tội. Nhưng con tin thánh thượng không làm thế. Xin bà yên tâm.

Tháng giêng năm sau, Huy Tông sai Trương Địch mang tặng Sư Sư cây đàn Sa Phụ (đàn sơn như vẩy rắn) vốn là báu vật trong cung, lại cho 50 lạng bạch kim nữa.

Tháng ba, nhà vua lại vi hành tới chỗ Sư Sư. Sư Sư ăn mặc đạm bạc, quỳ dưới cửa thềm đón chào, nhà vua vui vẻ, cầm tay dắt vào. Có điều nhà cửa hiên vườn đều trang hoàng lộng lẫy, không thấy Mụ Lý ở đó. Khi cho gọi Mụ Lý lo sợ cuống cuồng. Vua không bằng lòng, gọi bằng bà, và dặn mọi người trong nhà đừng sợ hãi gì.

Mụ Lý sụp lạy, đưa nhà vua lên chiếc lầu mới dựng. Sư Sư quỳ tâu nhà vua nên đặt tên cho lầu. Bấy giờ là mua hao hạnh (tên một loại mận), vua Huy Tông bèn cầm bút viết cho ba chữ lớn "Túy Hạnh Lâu".

Lát sau bày tiệc rượu, Sư Sư đứng hầu bên cạnh. Mụ Lý quỳ xuống dâng ly. Vua bảo Sư Sư ngồi bên, và đem cây đàn Sa Phụ ra gẩy. Sư Sư gẩy khúc "Hoa mai". Nhà vua nâng chén, lắng nghe, luôn luôn khen ngợi.

Khi ăn, thấy các thức nem rồng, chả phượng…hỏi ra thì Mụ Lý bỏ tiền ra thuê người cung cấm nấu dùm. Vua cũng không thích, bèn bảo Mụ Lý từ nay không được làm như thế nữa. Rồi cũng không dự hết buổi và trở về cung.

Nhà vua thường ra Viện sách đề thơ rồi giao cho các họa sĩ vẽ. Một năm chỉ được một vài bức trúng cách. Tháng 9 năm ấy nhà vua lấy bức tranh đề hai câu thơ:

Cương vàng ngựa bước vườn thơm cỏ

Lầu ngọc người say khóm hạnh hoa.

Đem tặng cho "cô gái Lũng Tây"(tức Sư Sư). Lại ban cho mười loại đèn như ngó sen, đèn tuyết âm, bấc thơm, phượng lửa…trăm cân các loại chè hảo hạng, các thứ mâm bát quý, cùng ngàn lạng vàng bạc. Chuyện này đồn khắp trong cung, Hoàng hậu họ Trịnh can:

- Kỹ nữ hèn hạ, không nên gần gũi mình rồng, vả lại vi hành đêm tối, lỡ xảy ra điều bất trắc. Mong Thánh thượng giữ gìn cho.

Vua nghe lời, không tới nữa, nhưng vẫn cho sứ giả thăm hỏi Sư Sư và ban cho vàng lụa thường xuyên.

Năm sau, nhà vua lại tới chỗ Sư Sư, thấy bức tranh vua cho, treo ở lầu Túy Hạnh. Ngắm tranh xong, chợt quay lại nhìn nàng, nhà vua hỏi đùa:

- Có gọi được người trong tranh ra không?

Ngay hôm đó ban cho Sư Sư vòng vàng tránh lạnh, vòng châu ánh trăng, gương loan múa, đỉnh trần rồng vàng. Hôm sau lại ban cho nghiên "Đoan Khoát", mực "Lý Đình Khê" và bút "Tuyệt Hào", quản ngọc, giấy "Diệm Khoát", Và cho Mụ Lý vạn quan tiền.

Trương Địch tâu:

- Vua đi tới nhà "Lũng Tây", phải thay đổi áo quần, đi đêm, cho nên đi lại không dễ dàng được. Nay Ly cung "Cấn Nhạc" ở phía đông có đất công hai, ba dặm, giáp phường Trấn An. Nếu làm đườnh ngầm ở đó thì rất tiện.

Vua bảo:

- Nhà ngươi thu xếp ngay đi.

Trương Địch lại tâu:

- Ly cung có quân túc vệ, dễ lộ. Bọn hạ thần xin xây dựng những dinh công thự liền tới đó, bên ngoài bao tường, cho tiện việc bảo vệ.

Huy Tông lại nghe theo. Do đó quan tuần tra Vũ Lâm dựng dinh liền tới phường Trấn An, dân thường không được bén mảng tới nữa.

Tháng ba năm sau, vua theo lối riêng đến với Sư Sư, ban cho nhiều vật quý, trong đó có bàn ngọc, quạt vẽ, lãng gấp và nhiều vàng bạc. Sinh nhật của Sư Sư lại được vua ban cho nhiều vật báu và nhiều vàng bạc khác.

Khi thắng quân Liêu, khao thưởng dân chúng. Lai cho Sư Sư nhiều lụa the, đồ vật, tiền bạc. Mụ Lý cũng  được ban cho nhiều tiền.

Có lần trong cung cấm, ngồi chơi vui, tần phi họ Vi hỏi riêng vua:

- Sao bệ hạ quý cô gái họ Lý thế?

Vua nói:

- Bây giờ cho các khanh trăm người mặc quần áo đẹp, trang điểm lộng lẫy, nhưng để cô gái đó đứng chung thì không sao bằng được.

Khi nhường ngôi, vua tự xưng là "Giáo chủ Đạo quân" ra ở cung Thái Ất, dong chơi làm vui - Từ đó thể lực kém suy. Sư Sư nói với Mụ Lý:

- Điềm này thị mẹ con ta mắc vạ tới nơi.

Mụ Lý hỏi:

- Vậy nên làm thế nào?

Sư Sư thưa:

- Bà chớ cho ai hay, cứ để con làm.

Bấy giờ quân Kim gây hấn, đất Hà Bắc báo nguy, Sư Sư thu gom tất cả vàng bạc có được từ trước tới giờ, làm tờ kê khai, nộp cho quan phủ Khai Phong gọi là góp tiền mua vũ khí. Nàng lại nói với Trương Địch tâu vua cho mình đi tu. Huy Tông đồng ý, bảo rat u ở chùa Từ Văn ở mạn bắc thành.

Không bao lâu, quân kim vào Biện Kinh. Tướng của quân Kim lại nói:

- Chúa Kim biết tiếng Sư Sư, muốn có được nàng.

Mấy ngày liền tìm không ra, sau có tên gian thần là Trương Bang Xương dò hỏi được rồi nộp nàng cho quân Kim..

Sư Sư mắng lớn:

- Ta là một đứa con gái nghèo hèn, đội ơn Hoàng Đế, chỉ lấy cái chết để đền đáp. Các ngươi quyền cao lộc lớn, triều đình không phụ bạc  gì, sao lại cúi mình làm tôi đòi cho kẻ khác để nước mất nhà tan. Ta đời nào chịu làm miếng mồi cho các ngươi.

Nói xong, rút cành tram vàng tự đâm vào cổ - không chết - Nàng liền bẻ tram nuốt đi cho tới thác.

Giáo chủ Đạo quân (Huy Tông), ở thành Ngũ Quốc, nghe tin Sư Sư mất, thương nhớ khôn nguôi.