20 Giờ Đầu Tiên

LƯỚT VÁN

 LƯỚT VÁN

 

BÀI HỌC: VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

Chúng ta chiến đấu không phải bằng máu và thịt, mà bằng cầu oxy, sợi carbon, bằng cái tôi, ước mơ và bằng ý chí bất khuất của chúng ta.

−CHRIS ZEITVOGEL, người chơi lướt ván

▪ ▪ ▪

T

ôi đang ở giữa hồ, liều mình để căng buồm lên. Thật là khó, vì các cơ ở cánh tay, ở chân và ở lưng của tôi đều đang kêu gào.

Một cơn gió tây bắc mạnh cuốn tung những gợn sóng nhỏ khiến con thuyền dưới chân tôi chao đảo. Tôi để cho cánh buồm rơi xuống nước, tạm dừng một lúc để nghỉ ngơi và điều chỉnh sự rung lắc của con thuyền dưới chân.

Tôi nhìn về hướng tây: Một cơn bão đang hình thành, đẩy các đám mây đen về phía núi. Đã đến lúc để quay thuyền lại.

Tôi cúi xuống với đoạn dây kéo, sau đó kéo, nâng thuyền của tôi ra khỏi vùng nước ít nhất là 13 lần trong vòng 30 phút. Tôi hi vọng có thể trở lại đất liền trước khi cơn bão ập xuống.

Bão gần lắm rồi… Tôi không giỏi lái cái máy kỳ cục này, nhưng tôi phải học. Chèo thuyền quay lại bờ biển sẽ khiến tôi già nhanh mất.

Cân nhắc ý tưởng lướt ván

Ý tưởng đầu tiên của tôi là chèo thuyền: Hồ đủ rộng để chèo thuyền. Đáng tiếc là thuyền có mái chèo tiêu chuẩn lại to và kềnh càng, thậm chí những mái chèo nhỏ nhất cũng rất dài và dễ gãy. Đây là cả một vấn đề vì tôi không có khả năng giữ an toàn cho một chiếc thuyền to và dài trên hồ.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với thuyền buồm, cộng thêm vấn đề chi phí nữa: Ngay cả một thiết bị cơ bản nhất cũng tốn cả đống tiền. Ngoài vấn đề phức tạp liên quan đến việc neo đậu, tôi không muốn phải bỏ hàng chục nghìn đô la cho một bộ cơ cấu truyền động.

Khi nghiên cứu các lựa chọn của mình, tôi tình cờ xem được một video của James Douglass, một giáo sư về sinh học biển ở trường Đại học Florida Gulf Coast. Ngoài là một chuyên gia về sinh học, Jim còn là một người chơi lướt ván lão luyện và đã chia sẻ rất nhiều thông tin hữu ích về môn thể thao này trên trang blog riêng của ông.

Trong video, Jim đã trang bị cho chiếc thuyền buồm Formula-class một chiếc máy quay HD chống nước, được gắn trên đầu sào căng buồm, quay được mọi hoạt động cùng một lúc. Sau đó, ông lao xuống nước, lướt trên những con sóng nhỏ và thực hiện những cú đảo chiều nhanh và ấn tượng.

Tôi bị choáng ngợp và đã xem đi xem lại video đó vài lần. Tôi chưa bao giờ chơi lướt ván, nhưng đột nhiên tôi lại muốn thử.

Lướt ván thỏa mãn mọi tiêu chí tôi đề ra: Tôi có thể tự mình trải nghiệm và trang thiết bị cần thiết cũng không lớn hay cồng kềnh. Và dựa trên những tìm hiểu do tò mò của tôi, đó cũng không phải thú vui quá xa xỉ. Tôi cần mua thiết bị, nhưng những thiết bị cơ bản không thể khiến tôi phá sản được.

Lướt ván có vẻ thú vị, nhưng trước khi vào cuộc, tôi muốn chắc chắn nó phải an toàn. Bản chất tôi không phải là một người ưa mạo hiểm. Nếu lướt ván là một môn thể thao nguy hiểm, tôi sẽ chọn chơi một môn khác.

Nếu chơi lướt ván, tôi muốn biết các nguy cơ có thể xảy ra trước khi chơi. Chuyện gì có thể xảy ra?

Lướt ván có nguy hiểm không?

Lướt ván thường được gắn mác là môn thể thao “mạo hiểm”, nhưng mức độ mạo hiểm lại phụ thuộc vào kiểu lướt mà bạn muốn thực hiện. Trên những mặt hồ phẳng lặng, khép kín kiểu như mặt hồ mà tôi sẽ học, điều khiển một chiếc thuyền nhỏ sẽ thú vị, phấn khích hơn. Đó không phải là việc điên khùng.

Ngược lại, lướt ván trên biển sẽ có nhiều nguy hiểm hơn. Sóng xô vào bờ, khiến cho việc lướt ván khó khăn hơn, và nếu thuyền ở xa bờ thì đó là một vấn đề rất lớn. Biển thường đem lại nhiều niềm vui hơn, kiểu như nhảy lên những sóng, nhưng cũng gia tăng nguy cơ. So với việc lướt ván ngoài biển, lướt ván ở sông hồ trong đất liền an toàn hơn nhiều.

Tuy nhiên, dù bạn chọn lướt ván ở đâu thì vẫn có những nguy cơ tiềm tàng, mà chủ yếu là chết đuối và giảm thân nhiệt. Khi bạn đứng trên một miếng ván trôi nổi ở giữa dòng nước, dùng tay giữ cho chiếc thuyền đứng thẳng trong một ngày nhiều gió, những chuyện xấu có thể xảy ra nếu bạn không chuẩn bị trước.

Nguy cơ chết đuối bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: bị thương và kiệt sức. Nếu bạn ngã theo cách có thể khiến cho chân tay bị thương nghiêm trọng hoặc chấn động, bạn có nguy cơ bị bất tỉnh dưới nước. Nếu bạn mệt tới mức không thể quay trở lại ván, hoặc không thể điều khiển ván quay trở lại bờ được, chết đuối là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Cách tốt nhất để ngăn việc chết đuối là (1) sử dụng thiết bị nổi cá nhân (thường được gọi là áo phao) và (2) luôn đi cùng người khác, dù ở trên bờ hay trên mặt nước. Nếu xảy ra vấn đề gì, bạn cần có người nào đó ở bên để giúp đỡ.

Giảm thân nhiệt là một vấn đề nguy hiểm tới tính mạng. Trong điều kiện lạnh, ướt và có gió, cơ thể bạn mất nhiệt rất nhanh. Một khi thân nhiệt của bạn tụt xuống dưới 35 độ C, tim, phổi và hệ thần kinh của bạn bắt đầu ngừng hoạt động, dẫn đến tử vong, dù nhiệt độ cơ thể bạn đang khôi phục lại mức độ bình thường (khoảng 37 – 37,5 độ C).

Điều khiến cho việc giảm thân nhiệt trở nên đặc biệt nguy hiểm là nó xảy ra từ từ. Khi nhiệt độ cơ thể giảm, những triệu chứng như run rẩy, rối loạn, mất kiểm soát và mệt mỏi sẽ xuất hiện, làm giảm độ linh hoạt và khả năng phán đoán. Nếu bạn phải dựa vào khả năng phán đoán và kỹ năng vận động để tìm đường về nhà, thì sự tấn công của hiện tượng giảm thân nhiệt là một nguy cơ lớn nhưng lại hay bị coi thường.

Khi nhiệt độ nước trên 25 độ C, giảm nhiệt không phải là một nguy cơ nghiêm trọng. Dưới ngưỡng 25 độ C đó, cần phải đảm bảo chắc chắn bạn có lớp cách nhiệt trước khi mạo hiểm dấn thân vào dòng nước. Đó chính là lúc cần đến quần áo lặn.

Quần áo lặn được làm bằng chất liệu mỏng, linh hoạt, có khả năng cách nhiệt dưới nước kiểu như cao su tổng hợp. Những bộ quần áo lặn hiện đại được phân loại dựa trên độ dày (tính bằng milimét) của chúng, và thường được thiết kế phần thân dày hơn so với chân tay. Thiết kế này nhằm hai mục đích: cách nhiệt tốt hơn ở phần thân, giúp giữ nhiệt cho cơ thể hiệu quả hơn, còn phần chân tay mỏng hơn, giúp cho việc cử động dễ dàng hơn. Khi lướt ván trong điều kiện lạnh, đồ của bạn cần có tính linh hoạt và cả sự cách nhiệt.

Chuẩn bị

Nguồn thông tin đầu tiên của tôi là trang web của Jim với hàng tá bài viết về bí quyết dành cho người mới bắt đầu. Một trong những bài viết đầu tiên mà tôi đọc là “T rả lời 18 câu hỏi thường gặp nhất về lướt ván”, trong đó có hướng dẫn về các thiết bị cần thiết.

Từ danh sách Q&A (Hỏi & đáp), có vẻ như tôi sẽ cần ít nhất một tấm ván, một cánh buồm, một áo phao và một bộ quần áo lặn. Tôi đọc tất cả các bài viết về lướt ván trên trang web của Jim, lập một danh sách các thiết bị có vẻ hữu ích, cố gắng cắt giảm danh sách đó xuống còn hai lựa chọn mà tôi cho là tốt nhất, sau đó viết cho Jim một e-mail để cám ơn ông, nhân tiện xin ông lời khuyên.

Điều quan trọng nhất là loại ván và buồm mà tôi cần có. Video lướt trên tấm ván Formula-class của Jim rất ấn tượng, và tôi thích mình cũng có thể làm được như vậy, nhưng tôi không biết là bắt đầu với một tấm ván Formula có phải là một ý tưởng tốt hay không. Theo nghiên cứu của tôi thì một lựa chọn khác là tấm ván hiệu Rio do công ty Starboard sản xuất. Rio nổi tiếng là thân thiện (dễ sử dụng) với người mới bắt đầu, và cũng là loại ván phù hợp với hầu hết các điều kiện: nó không bay nhanh như ván Formula, nhưng có thể được sử dụng trong nhiều điều kiện khác nhau.

Tôi không biết phải làm gì, nên tôi đã hỏi ý kiến của Jim:

Tôi là một người hoàn toàn mới đối với môn lướt ván – thậm chí còn chưa đặt chân lên tấm ván lần nào.

Tôi hi vọng ông có thể cho tôi vài lời khuyên để bắt đầu.

Tôi đang tìm mua đủ bộ thiết bị lướt ván, và tôi đang phân vân lựa chọn giữa tấm ván Rio cỡ M và Starboard Formula 167.

Rio có vẻ là tấm ván phù hợp với người mới bắt đầu, nhưng tôi muốn học [lướt trên mặt nước] nhanh nhất có thể. Tôi chỉ lướt ván trên mặt nước phẳng lặng, và lướt trong điều kiện ít gió.

Ván Formula, từ những gì tôi đọc đến bây giờ, lướt nhanh hơn và tốt hơn tr ong điều kiện ít gió.

Xin hỏi là: Học bằng ván Formula có sao không? Tôi có khả năng kiên nhẫn cao độ với những khó chịu ban đầu, và tôi thích mua một tấm ván đơn (chức năng) hơn là một tấm ván đa chức năng. Nếu học bằng ván Formula, liệu tôi có nguy cơ làm gãy nó và bị thương không?

Cảm ơn bất cứ lời khuyên nào mà ông đưa ra. Tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của ông!

Khoảng một tiếng sau, Jim trả lời:

1. Việc ván Formula tốt hơn trong điều kiện gió nhẹ là một hiểu lầm. Loại ván này đúng là có tiềm năng lượn trong điều kiện gió nhẹ hơn bất cứ loại ván nào khác (7 – 8 hải lý), nhưng bạn cần phải là một thủy thủ lão luyện để có thể điều khiển một cánh buồm rộng khoảng 11 – 12 mét vuông thì mới đạt được tiềm năng đó.

2. Chắc chắn bạn sẽ không bị thương nếu cố gắng học bằng một tấm ván công thức, trừ khi cố kéo một chiếc buồm quá to có thể khiến bạn bị đau lưng. Lý do khiến bạn không làm mình bị thương là vì nhiều khả năng bạn sẽ không thể làm cho tấm ván di chuyển được một chút nào! Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể “làm bị thương” tấm ván vì ván công thức có bề mặt mỏng tới mức có thể dễ dàng kêu vang khi bạn làm rơi nó lúc ngã.

3. Ván Rio cỡ M có lẽ là loại ván tốt nhất cho cả việc học cấp tốc và lướt thoải mái, dù GO 171 có thể là một lựa chọn tốt.

4. Chiến lược của tôi là nên có một số loại buồm với các kích thước khác nhau để bạn có thể tăng giới hạn sức mạnh mà bạn có thể xử lý lên, bất chấp sức gió. Với những bước đầu tiên, bạn sẽ cần một cánh buồm nhỏ hơn sáu mét vuông… Tôi có một thiết bị đo sức gió giúp xác định cần phải sử dụng buồm cỡ nào để có thể lướt được trong điều kiện sức gió như vậy.

5. Cơ hội tốt nhất để bạn có thể lướt được gắn liền với buồm loại nhỏ trong điều kiện gió mạnh, vì cần ít kỹ thuật để có thể lái được một cánh buồm loại nhỏ trong điều kiện gió mạnh hơn so với một cánh buồm loại lớn trong điều kiện gió nhẹ.

Những thông tin này đúng là rất quý. Jim đã xóa bỏ một số hiểu lầm của tôi về loại ván mà tôi cần có để bắt đầu, cũng như loại buồm mà tôi nên sử dụng khi bắt đầu. Lòng tốt của Jim khi chia sẻ, đưa ra lời khuyên đã giúp tôi tiết kiệm được vài nghìn đô la, và giúp tôi tránh được tâm trạng thất vọng.

Lúc đầu, tôi muốn mua một chiếc buồm lớn, nhưng Gary – người đã có hơn 20 năm dạy lướt ván – đã nhanh chóng khuyên tôi bỏ ý định đó. Ông nói buồm lớn có thể tốt trong điều kiện gió nhẹ hơn, nhưng chỉ trong trường hợp khi tôi đã biết cách sử dụng nó.

Điểm trừ của buồm lớn là chúng nặng hơn và khó nâng lên khỏi mặt nước hơn. Nếu tôi bắt đầu với một chiếc buồm lớn khi vẫn phải tìm hiểu cách giữ thăng bằng và cách rẽ sóng, có nghĩa là tôi đã “chán sống”, theo lời Gary nói.

Tôi không muốn “chán sống”, nên tôi nghe theo lời khuyên của Gary và chọn một chiếc buồm nhỏ hơn. Một lần nữa, cần phải nghe theo lời khuyên của người đi trước dày dạn kinh nghiệm hơn trước khi đưa ra quyết định. Sau khoảng nửa tiếng nói chuyện với Gary, tôi đã quyết định đặt hàng của Isthmus.

Hóa ra các công ty thương mại vận tải tàu thủy có thể, và sẵn sàng chuyển những đồ ngoại cỡ kiểu thiết bị lướt ván tới bất cứ nơi nào bạn muốn, nên việc mua sắm thiết bị đơn giản hơn tôi tưởng. Gary dự tính phải mất khoảng một tuần để nhận được các vật dụng cần thiết, nên trong khi chờ đợi, tôi bắt đầu tự học cách sử dụng chúng.

Dừng lại, anh bạn tay mơ!

Một chút thời gian duyệt web dẫn tôi tới một số nguồn giới thiệu về lướt ván:

Hướng dẫn dành cho người mới bắt đầu và nghệ thuật lướt ván của Frank Fox (1988)

Lướt ván của Peter Hart (2005)

Học lướt ván trong một tuần của Phil Jones (1992)

Người mới bắt đầu tới người thành công (DVD) của Jem Hall (2006)

Những nguồn tài liệu này đều làm tốt công việc giải thích các thuật ngữ, lý thuyết và kỹ thuật cơ bản. DVD hướng dẫn của Jem Hall đặc biệt làm tốt công việc giảng giải cách xử lý ván khi ở dưới nước: Giảng giải các chuyển động phức tạp bằng cách làm mẫu sẽ dễ dàng hơn. Trong trường hợp này, sách bất lợi hơn, vì ngay cả những hình minh họa tốt nhất cũng có thể gây nhầm lẫn nếu so với một video hướng dẫn chi tiết.

Có một điều khiến tôi ấn tượng ngay lập tức là có rất nhiều kiến thức chuyên ngành hàng hải được sử dụng trong lướt ván. Người lướt ván cũng được gọi là những “thủy thủ” và các thuật ngữ được sử dụng trong tài liệu hướng dẫn đều bắt nguồn trực tiếp từ ngành hàng hải.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi tôi đi thuyền, thế nên tôi cần phải xem lại. Nếu bạn không biết các thuật ngữ thì việc đọc sách hướng dẫn có thể rất khó chịu, vì vậy quan trọng là bạn cần phải biết những điểm chính. Dưới đây là một vài điểm như thế: 

 

• Hướng gió – các hướng đông, tây, nam, bắc không mấy hữu ích trong khi đi thuyền, vì gió liên tục thay đổi. Hướng thường được gắn liền với hướng gió: phía đón gió có nghĩa là di chuyển vào vùng gió, còn phía kín gió có nghĩa là di chuyển cùng với gió.

Hướng tàu – tương tự như vậy, “trái” và “phải” có liên quan tới hướng đi hiện tại của tàu, thuyền. Mạn trái có nghĩa là phía bên trái của tàu thuyền, còn mạn phải có nghĩa là bên phải.

Trước và sau – phía trước của tàu thuyền được gọi là mũi tàu còn phía sau được gọi là đuôi tàu. Hướng về mũi tàu được gọi là ở đằng mũi tàu, còn hướng về đuôi tàu được gọi là ở đuôi tàu.

Quay – thuật ngữ dùng để chỉ việc quay tàu là đổi hướng và trở buồm. Sự khác nhau giữa chúng nằm ở chỗ đầu nào của tàu/thuyền sẽ đi xuyên qua gió trong lúc quay tàu. Nếu bạn di chuyển vào vùng có gió và quay đầu, nghĩa là bạn đổi hướng. Nếu bạn ra khỏi vùng có gió và quay đầu, nghĩa là bạn đang trở buồm.

Để ý gió

Ngoài việc đọc sách, tôi cũng bắt đầu chú ý nhiều hơn tới thời tiết. Trước khi quan tâm tới lướt ván, tôi không bao giờ để ý đến gió, trừ khi gió thổi đặc biệt khác thường. Còn bây giờ, tôi thấy mình thường xuyên theo dõi gió, nghiên cứu cẩn thận ngọn cây để ước lượng tốc độ gió.

Tất nhiên, “loại” gió duy nhất thực sự quan trọng là gió ở vùng nước mà bạn dự định lướt ván. Để kiểm tra tốc độ và hướng gió ở hồ, tôi đã chọn mua một thiết bị đo gió bỏ túi có tên Kestral 3000. Thiết bị nhỏ nhưng tiện dụng này giúp tôi kiểm tra được tốc độ gió hiện tại ở hồ, thế nên, thông tin đó chính xác hơn so với thông tin trên mạng. Chiếc máy đó cũng có thể đo được cả nhiệt độ nước và không khí, vì thế tôi có thể đảm bảo sẽ không ra ngoài (chơi lướt ván) nếu nguy cơ giảm nhiệt cao.

Khi theo dõi gió trong vài ngày, tôi bắt đầu chú ý tới các kiểu gió. Ở hồ, gió nhẹ thường thổi từ hướng đông vào buổi sáng, sau đó tăng tốc và chuyển hướng thổi từ hướng bắc – tây bắc vào buổi chiều (thường là vào khoảng bốn giờ chiều). Vì tôi sẽ hạ thuyền từ hướng đông của hồ, nên tốt nhất tôi nên đi vào lúc chiều. Bốn giờ cũng là thời điểm lý tưởng cho lịch trình chung của tôi: Nếu tôi sắp xếp ngày làm việc hợp lý, tôi có thể ra khỏi nhà trong khoảng một tiếng hoặc lâu hơn mà không bị làm phiền.

Lắp ghép

Lúc này tôi đã có tất cả các thiết bị. Tôi cần phải xác định được cách lắp ván và buồm lại với nhau – quá trình này gọi là lắp ghép.

May mắn là Isthmus đã hướng dẫn cho tôi. Lắp ghép là cả một vấn đề đối với những người mới sở hữu thuyền lướt sóng như tôi, vì đó là một quá trình phức tạp liên quan đến nhiều bộ phận khác nhau. Khi bạn cố gắng xác định cái nào ở chỗ nào, bạn sẽ rất dễ bị nhầm.

Isthmus đã giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp một video chi tiết, vì thế bạn có thể theo dõi quá trình lắp ghép và làm theo. Video hướng dẫn là điều lý tưởng cho việc học kiểu này: Tôi xem video hướng dẫn vài lần và ghi chép lại trước khi thử lắp ghép thiết bị của mình.

Nhờ có những ghi chép của mình, tôi đã có thể lắp ghép thuyền lướt sóng của tôi trong khoảng 30 phút: Không tệ lắm cho lần thử nghiệm đầu tiên. Tôi đang mặc quần áo lặn, thuyền của tôi đã sẵn sàng và gió đang thổi. Đã đến lúc để “hạ thủy”.

Cuộc hành trình đầu tiên

Tôi đem ván và buồm xuống mép nước, gắn cột buồm vào bệ, sau đó thả ván thuyền xuống hồ. Gió đang thổi từ hướng tây bắc với tốc độ khoảng 19km/giờ, tạo thành những gợn sóng nhỏ trên mặt hồ. Không vấn đề gì, tôi đã sẵn sàng.

Tôi trèo lên ván, đứng lên, sau đó nghiêng người để với dây kéo buồm lên (sợi dây được gắn với cột buồm). Bằng cách giật mạnh lên phía trên, tôi có thể kéo buồm ra khỏi mặt nước cho tới khi nó thẳng đứng, gần như vuông góc với ván thuyền.

Khi buồm rời khỏi mặt nước, đoạn dây kéo tự di chuyển về phía kín gió, tránh gió. Điều đó giúp tôi có thể căng buồm lên mà không cần dùng thêm sức, vì thế tôi chỉ cần đứng nguyên tại chỗ, dùng cả hai tay để giữ cột buồm. Vị trí “tự nhiên” này chính là điểm khởi đầu của lướt ván, vì vậy tôi có cảm giác khá dễ chịu. Tính tới thời điểm này, tôi vẫn đang làm rất tốt.

Việc tiếp theo của tôi là phải buộc căng dây giữ buồm: Bỏ một tay ra khỏi cột buồm, chụp lấy sào căng buồm và kéo. Bằng cách này, tôi sẽ tạo thêm lực và bắt đầu di chuyển.

Không còn gì nữa…

Tự giải cứu

Trong 40 phút ở trên hồ ngày hôm đó, tôi đã ngã theo đủ các tư thế: ngã về đằng trước, đằng sau và ngã sang hai bên. Tôi thấy đã uống đủ nước hồ để thấy buồn nôn và chân, cánh tay tôi, lưng tôi đều đau nhức vì phải căng đi căng lại buồm.

Cuối cùng, tôi cũng quyết định là đã đủ rồi. Tôi lạnh, mệt và kiệt sức. Đã đến lúc về nhà thôi.

Đáng tiếc là tôi không biết cách điều chỉnh cái ván chết tiệt này, và mỗi khi tôi cố gắng căng buồm, tôi lại khiến cho nó chìm sâu xuống nước nhiều hơn. Gió đẩy tôi về phía nam, rất xa điểm đầu tiên khi tôi xuống nước.

Chính vào lúc đó, tôi quyết định là đã đến lúc luyện tập kỹ thuật tự cứu lấy mình mà tôi đã đọc được từ một cuốn sách nào đó. Tôi nằm xuống ván thuyền, và xếp buồm sao cho nó nằm dẹt trên đầu tôi, với phần đầu của cánh buồm hướng ngược về phía đuôi thuyền. Sau đó, tôi bắt đầu dùng tay làm mái chèo, từ từ đẩy mình về phía bờ.

Thời gian chậm chạp trôi. Tôi không bị đẩy ra quá xa, nhưng cũng phải mất tới 10 phút chèo cật lực để trở về bờ. Tay không phải là mái chèo hiệu quả, ngay cả trong những trường hợp tốt nhất, mà lúc này lại không phải là trường hợp tốt nhất.

Cuối cùng, khi tôi đặt chân lên bờ, thử thách của tôi vẫn chưa kết thúc. Vì tôi ở cách khá xa chỗ xuống lúc đầu, nên cuộc “ra khơi” đầu tiên của tôi kết thúc bằng một cuộc “đi bộ trong xấu hổ”. Tôi buộc cơ thể mệt mỏi rã rời của mình phải mang các vật dụng trở về xe ô tô, lái về nhà và đổ vật ra.

Đó không phải một khởi đầu thuận lợi.

Phân tích sự việc sau chấn thương

Sau khi nghỉ ngơi, tôi đã tổng kết lại chuyến đi của mình. Chuyện gì đã xảy ra ở đó? Tôi đã sai ở đâu?

Trước tiên, gió quá mạnh đối với một người vừa mới bắt đầu. Với người nào đó đã có kinh nghiệm, thì chuyện đó có lẽ không thành vấn đề, nhưng với một người lần đầu tiên đặt chân lên ván thuyền như tôi, gió như thế là quá mạnh, quá nhanh.

Thứ hai, tôi không có kinh nghiệm giữ thăng bằng trên bất cứ loại ván nào. Tôi lướt ván, chưa bao giờ chơi ván trượt, cũng chưa bao giờ làm bất cứ việc gì đòi hỏi phải giữ thăng bằng trên một bề mặt chuyển động. Những con sóng do gió tạo ra đã khiến cho ván thuyền đu đưa và điều đó khiến tôi sợ hãi.

Thứ ba, việc thêm lực cho cánh buồm làm thay đổi trọng lực trên ván thuyền. Nếu tôi không thay đổi vị trí của mình theo đúng cách để bù lại, chắc chắn tôi sẽ ngã. Nếu tôi không nhanh chóng bỏ cánh buồm ra khi cảm thấy mất kiểm soát, thì có khả năng tôi sẽ bị lộn nhào. Tôi cần phải học cách thay đổi vị trí theo bất cứ hướng nào để có thể đứng được trên ván thuyền, đặc biệt khi có gió mạnh.

Thứ tư, tôi không có đủ các thiết bị an toàn thích hợp. Rõ ràng là tôi cần có một chiếc mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu khỏi cột buồm phòng trường hợp tôi bị ngã. Tôi bị “thần chết” gọi tên một lần, nhưng tôi đã may mắn. Tôi sẽ không mắc sai lầm tương tự một lần nữa: Tôi đã đặt mua ngay một chiếc mũ bảo hiểm rồi.

Học từ quá khứ

Có vài việc tôi có thể làm để tránh cho lần luyện tập tiếp theo của tôi không giống lần đầu tiên.

Thứ nhất, tôi phải chắc chắn lần luyện tập tiếp theo của mình sẽ diễn ra vào một ngày ít gió hơn. Có thể sẽ không thú vị, nhưng điều đó sẽ giúp tôi luyện tập mà không bị choáng ngợp.

Thứ hai, tôi cần phải tập đứng thăng bằng trên ván bằng cách dùng ván thuyền mà không có buồm gắn kèm, sử dụng mái chèo để di chuyển. Bằng cách loại bỏ biến số của cánh buồm, tôi có thể cảm nhận được thế nào là thăng bằng trên ván, và học nghiêng theo bất cứ hướng nào mà không bị lật úp. Đó không phải là một cuộc thử nghiệm hoàn hảo, vì buồm sẽ làm thay đổi trọng tâm của ván thuyền một khi nó được gắn vào ván thuyền, nhưng như vậy vẫn còn tốt hơn là liên tục ngã.

Thứ ba, tôi có thể dành lần tiếp theo để luyện tập với cánh buồm, học cách cảm nhận sự thăng bằng của cánh buồm. Nếu tôi chú tâm, tôi có thể cảm nhận được hướng di chuyển của cánh buồm, và biết điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới ván thuyền. Tôi có thể biết khi nào nên đẩy trọng lực của mình lại để cân bằng lực của cánh buồm, khi nào dừng lại để tránh bị ngã về phía sau, và khi nào để mặc vì gió đột nhiên quá mạnh khiến cho buồm quá nặng, không xử lý được.

Những ngày tiếp theo trời lặng gió, giúp tôi có cơ hội tách bạch việc luyện tập giữ thăng bằng trên ván. Cuộc thử nghiệm đó đã thành công: Cuối buổi luyện tập, tôi không còn sợ nữa và sau đó, một ngày gió mạnh đã cho tôi cơ hội để luyện tập giữ thăng bằng trên ván thuyền khi nước dập dềnh. Tôi vẫn phải vượt qua tính tò mò muốn nhìn xuống và xem nước chảy dưới chân mình, nhưng chỉ một lúc trải qua cảm giác đó đã giúp tôi tiến bộ vượt bậc trong việc chế ngự nỗi sợ.

Vài ngày sau đó, trời nắng ấm, gió không quá mạnh. Tôi chuẩn bị, hạ thủy và kéo dây lên trên, hướng vào trung tâm. Liệu tôi sẽ có một ngày giống ngày đầu tiên không?

Không hẳn: Ngày hôm đó tôi chỉ ngã có hai lần. Tập giữ thăng bằng trên ván thuyền không đã giúp tôi rất nhiều, và tôi đã có thể tránh không bị ngã khi cảm thấy ván thuyền mất kiểm soát. Tôi cũng kéo buồm nhiều lần vào ngày hôm đó, nhưng như thế cũng là tốt lắm rồi, tốt hơn nhiều so với việc phải uống nước hồ. Tôi tập cách thêm lực cho buồm và đột nhiên tôi di chuyển được.

Làm thế nào bạn quay được thứ này?

Làm cho ván thuyền di chuyển mà không ngã là một thành công, nhưng nó lại kéo theo một vấn đề căng thẳng mới: Làm thế nào bạn rẽ được?

Tôi đã thử nghiệm với những điều học được từ sách vở và đĩa DVD hướng dẫn: Việc quay ván thuyền dưới chân khi giữ buồm ở vị trí trung tâm rất có ích. Cũng có ích khi bạn nhớ rằng ván thuyền (và thuyền buồm nói chung) không thể di chuyển trực tiếp vào cơn gió.

Có một khu vực gọi là khu vực “chết” hay “không đi được”, là khu vực mở rộng một góc 45 độ sang mỗi phía của hướng gió. Hãy thử di chuyển ở bất cứ vị trí nào trong khu vực đó, bạn sẽ thấy mình “bị khóa”, và bạn sẽ dừng lại, hoặc bắt đầu di chuyển giật lùi. Để di chuyển vào vùng có gió, bạn cần phải hướng ván thuyền ít nhất 45 độ về một bên (trái phải đều được) của hướng gió, giữ buồm bằng dây lèo, sau đó đổi đường dây theo hướng khác sau khi đã di chuyển được một lúc. Bằng cách trở đi trở lại, bạn có thể chạy theo đường dích dắc tới điểm đích, ngay cả khi ngược gió.

Một điều cũng quan trọng không kém là phải dùng lực để quay/rẽ được ván thuyền. Khi bạn di chuyển, việc thay đổi vị trí của cánh buồm sang trái hoặc sang phải sẽ làm thay đổi trọng tâm của lực, điểm trọng tâm của toàn bộ lực mà gió tạo ra trên cánh buồm. Bằng cách thay đổi vị trí của cánh buồm về phía mũi, đuôi, mạn trái hoặc mạn phải, tương quan giữa những trọng điểm này cũng thay đổi, và ván thuyền sẽ xoay để thăng bằng lại.

Khi quay trở lại ván thuyền sau khi bị ngã, thường bạn sẽ thấy mình ở một vị trí kỳ cục. Lý tưởng nhất, bạn muốn ván thuyền vuông góc với gió, và buồm chĩa theo hướng gió thổi. Với vị trí này, bạn có thể kéo dây buồm lên trên không quá khó khăn.

Tuy nhiên, nếu buồm chĩa theo hướng ngược chiều gió thổi, bạn có nguy cơ bị sào căng buồm đập vào mặt khi bạn kéo dây buồm lên để buồm đón gió. Tương tự như vậy, bạn có thể thấy ván thuyền của bạn chĩa về hướng gió, tiến thẳng vào khu vực chết.

Để cân bằng, tốt nhất là sử dụng chân để quay cánh buồm sao cho nó vuông góc với ván thuyền, bất chấp hướng gió thổi. Khi ván thuyền và buồm đã vuông góc với nhau, bạn có thể từ từ kéo dây buồm lên, để gió xoay ván thuyền theo đúng vị trí. Một khi buồm đã ở cùng chiều gió thổi, bạn có thể kéo căng hoàn toàn, sau đó trở buồm theo bất cứ hướng nào mà bạn muốn đi.

Sau vài tiếng tập luyện, tôi đã hiểu rõ. Tôi không được nhanh nhạy cho lắm, và những cú xoay của tôi cũng không được đẹp mắt cho lắm, nhưng tôi có thể hạ thủy ván thuyền của mình, lướt ra giữa hồ, và quay trở lại gần như đúng nơi tôi đã xuất phát. So với lần lướt ván đầu tiên của tôi, thì đây là cả một sự tiến bộ lớn.

Tóm lược phương pháp

Hãy cùng tóm lược lại những điều cốt lõi trong phương pháp mà tôi đã sử dụng để học cách lướt ván:

Tôi đã mua các vật dụng, thiết bị cần thiết: một ván thuyền, một cánh buồm, quần áo lặn, áo phao, mũ bảo hiểm và những thiết bị an toàn khác.

Tôi đã học cách lắp ghép ván thuyền và buồm, cũng như tháo dỡ, bảo dưỡng, vận chuyển và lưu giữ thiết bị một cách an toàn.

Tôi đã học được cách bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ như chết đuối, chấn động và giảm nhiệt.

Tôi đã học được cách hạ thủy ván thuyền từ bờ, kéo buồm lên vị trí trung gian, và thêm lực để buồm bắt đầu di chuyển.

Tôi đã học được cách quay ván thuyền và cách để điều chỉnh buồm di chuyển trong điều kiện gió khác nhau.

Tôi đã học được cách để không bị ngã khỏi ván thuyền, trở lại ván thuyền và kéo dây căng buồm trong trường hợp bị ngã.

Từ đây tôi sẽ đi đâu tiếp?

Tôi sẽ nhanh chóng học lại những điều cơ bản của kỹ năng này, vì thế tôi đang chuẩn bị cho một thử thách mới: chuyển từ ván thuyền sang xuồng máy, nghĩa là tăng tốc một cách chóng mặt. “Kế hoạch” chỉ có thể thực hiện trong điều kiện gió mạnh, và tốc độ tăng cũng đồng nghĩa với nguy cơ va chạm và chấn thương cũng cao hơn, vì thế tôi cần phải thực sự thoải mái với những điều cơ bản trước khi thử.

Tôi cũng sẽ thử sử dụng một cánh buồm lớn hơn. Điều kiện gió nhẹ (và biến động) trên hồ khiến cho việc sử dụng loại buồm lớn hơn trở thành một ý tưởng thú vị, vì thế ngay khi sử dụng thành thạo loại buồm 4,7 mét vuông, tôi sẽ bắt đầu luyện tập với loại buồm 7,5 mét vuông. Với hai loại buồm đó, tôi cần phải thống nhất là sẽ sử dụng buồm loại lớn cho những ngày gió nhẹ và buồm loại nhỏ cho những ngày gió mạnh.

Nói tóm lại, lướt ván là một môn thể thao thú vị. Tôi thích thời gian ở trên mặt nước, đặc biệt là bây giờ, khi tôi không hay ngã nữa. Tôi đang nóng lòng trông chờ mùa lướt ván tiếp theo và sẽ tận dụng hết những ngày trời gió nếu có.