Dẫu có nín thở im lặng bao lâu
Đối với Aomame, bị nhốt ở một nơi, sống cô độc và đơn không phải là chuyện gì đau khổ. Buổi sáng nàng dậy lúc sáu rưỡi, ăn bữa sáng đơn giản. Tốn chừng một tiếng để giặt ủi quần áo, quét nhà. Nàng dành ra một tiếng rưỡi buổi sáng sử dụng các thiết bị Tamaru gửi đến để tập trung hoạt động cơ thể với hiệu suất cao. Là huấn luyện viên chuyên nghiệp, nàng biết rõ hằng ngày nên kích thích từng phần cơ bắp ra sao. Nàng cũng hiểu mức độ vận động đạt đến chừng nào thì có ích, vượt qua mức nào thì trở nên quá sức.
Bữa trưa nàng ăn chủ yếu xa lát rau và hoa quả. Buổi chiều, nhìn chung nàng ngồi trên sofa đọc sách, ngủ một giấc ngắn. Lúc chập tối, nàng dành khoảng một tiếng nấu cơm, ăn xong bữa tối trước sáu giờ. Trời vừa sập tối là nàng đi ra ban công, ngồi trên chiếc ghế làm vườn trông chừng sân chơi bên kia đường. Sau đó, nàng đi ngủ lúc mười giờ rưỡi. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại, nhưng nàng không cảm thấy như vậy là nhạt nhẽo.
Tính cách nàng vốn đã không giỏi xã giao. Dù suốt thời gian dài không gặp ai, không nói chuyện với ai, nàng cũng không cảm thấy bất tiện. Hồi học tiểu học, gần như nàng chưa bao giờ nói chuyện với bạn cùng lớp. Nói chính xác hơn, trừ trường hợp bắt buộc, không thì chẳng ai nói chuyện với nàng cả. Trong lớp học ấy, Aomame là một loại khác, “khó hiểu,” là thứ đáng bị bài trừ và coi như không tồn tại. Nàng cảm thấy chuyện này thật bất công. Nếu như bản thân nàng có lỗi lầm, có vấn đề, thì bị xích cũng đành chịu. Nhưng sự thật không như thế. Trẻ con muốn sinh tồn được thì chỉ có cách ngoan ngoãn nghe theo lời bố mẹ. Vì vậy, nàng mới nhất thiết phải lớn tiếng cầu nguyện trước khi ăn, mới theo mẹ đi khắp phố phường khuyên người ta nhập hội vào mỗi Chủ nhật, mới từ chối tham gia những buổi đi bộ đường dài đến chùa chiền hay đền thờ Thần đạo vì lý do tôn giáo, mới ngăn cản tổ chức tiệc Giáng sinh, mới không lời oán thán dẫu bị bắt phải mặc quần áo cũ của người khác. Thế nhưng, lũ trẻ xung quanh nàng không hiểu chuyện ấy, mà cũng chẳng muốn tìm hiểu, chỉ một mực cảm thấy khó chịu. Ngay cả thầy cô giáo cũng cảm nhận được rõ ràng sự tồn tại của nàng khiến những người xung quanh khó xử. Đương nhiên, Aomame cũng có thể nói dối với bố mẹ, bảo trước khi ăn đã cầu nguyện mà thực ra lại không. Nhưng nàng không muốn thế. Thứ nhất là vì, trước mặt Chúa, cho dù Chúa có tồn tại hay không, nàng không muốn nói dối, sau nữa vì nàng cũng thầm oán giận đám bạn học kia. Nếu các người đã ghét tôi như thế thì cứ ghét cho thoải mái đi, Aomame nghĩ. Kiên trì việc cầu nguyện chẳng khác nào sự khiêu chiến với bọn chúng. Lẽ phải nằm ở phía nàng. Buổi sáng thức dậy, mặc quần áo đi học là một sự thống khổ với nàng. Vì quá căng thẳng, nàng thường đau bụng, thỉnh thoảng còn nôn mửa, thậm chí còn phát sốt, thấy đau đầu, tay chân tê liệt. Thế nhưng nàng không bỏ học một ngày nào. Chỉ cần bỏ một ngày, chắc chắn sẽ có lần thứ hai. Cứ như thế hết lần này đến lần khác, sợ rằng nàng sẽ chẳng bao giờ đi học nữa. Thế có nghĩa là nàng đã thua đám bạn học và thầy cô giáo. Trong lớp học không còn nàng nữa, bọn họ chắc chắn sẽ thở phào nhẹ nhõm. Aomame không muốn để đám người ấy được thở phào. Vì vậy, dẫu khó chịu đến mấy, dẫu phải bò lê bò lếch, nàng cũng phải đến trường, sau đó cắn chặt răng âm thầm chịu đựng. So với môi trường khắc nghiệt thuở ấy thì việc ẩn trốn trong căn hộ sạch sẽ, không nói chuyện với bất kỳ ai đối với Aomame thật không nhằm nhò gì. So sánh với nỗi khổ khi những người xung quanh đều nói cười vui vẻ, chỉ mình mình trầm lắng ở nơi chỉ có mỗi mình là thoải mái hơn nhiều, tự nhiên hơn nhiều. Huống hồ, nàng còn có sách để đọc. Nàng đã bắt đầu đọc bộ sách của Proust mà Tamaru gửi đến, nhưng chú ý mỗi ngày đọc không quá hai mươi trang. Nàng dành thời gian nghiền ngẫm từng chữ, cẩn thận đọc đúng hai mươi trang. Sau khi đọc hết số trang quy định, nàng liền cầm quyển khác lên. Và trước khi đi ngủ, nhất định nàng phải đọc mấy trang Nhộng không khí. Vì đó là những gì Tengo viết, nên ở chừng mực ý nghĩa nào đó đây là một bản hướng dẫn để nàng sinh tồn trong năm 1Q84 này.
Nàng cũng nghe cả nhạc nữa. Bà chủ gửi đến một thùng đầy băng cát xét nhạc cổ điển. Nhạc giao hưởng cua Mahler, nhạc thính phòng của Haydn, nhạc cho đàn phím của Bach, đủ thể loại. Có cả Sinfonietta của Janáček mà nàng đã đặc biệt yêu cầu. Nàng nghe Sinfonietta mỗi ngày một lần trong khi yên lặng thực hiện những động tác mạnh mẽ theo tiết tấu nhạc.
Mùa thu ngày một đằm hơn trong lặng lẽ. Trong dòng chảy thời gian, Aomame có cảm giác thân thể mình dường như đang từng chút từng chút trở nên trong suốt. Nàng cố gắng không nghĩ đến chuyện gì, song tất nhiên chẳng thể nào không nghĩ gì được. Chỉ cần có một khoảng chân không là sẽ có thứ lắp đầy nó. Nhưng giờ đây, ít nhất nàng cùng không cảm thấy cần thiết phải căm ghét thứ gì đó. Không cần thiết phải căm ghét bạn học và thầy cô giáo. Nàng đã không còn là đứa nhỏ yếu đuối kia, không ai cưỡng ép nàng tin theo tín ngưỡng gì được nữa. Nàng cũng không cần phải căm ghét những gã đàn ông gây thương tổn cho phụ nữ. Cảm giác phẫn nộ trước kia thỉnh thoảng lại như nước triều trào dâng khắp người nàng, thứ tình cảm kích động mãnh liệt khiến nàng chỉ muốn đấm cho thỏa sức vào bức tường cao trước mặt, không biết từ lúc nào đã tan biến chẳng còn tăm tích. Nàng không biết nguyên do, nhưng thứ cảm xúc ấy đã một đi không trở lại. Đối với Aomame, đây là chuyện hiếm có. Nếu có thể, nàng không muốn làm tổn thương người nào nữa, cũng như không muốn làm tổn thương bản thân nàng nữa.
Trong những đêm dài khó ngủ, nàng nhớ đến Otsuka Tamaki và Nakano Ayumi. Khi nàng nhắm mắt, ký ức về những lần ôm ấp thân thể họ hiện lên sống động tươi mới. Thân thể hai người đều mềm mại, mịn màng, ấm áp nhường ấy. Những tấm thân dịu dàng thăm thẳm, bên trong là dòng máu tươi mới chảy căng tràn, trái tim đập đều đặn, phát ra những thanh âm được ban phước lành. Có thể nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ, nghe thấy tiếng cười khúc khích. Đầu ngón tay mảnh khảnh, núm vú trở nên cương cứng, cặp đùi trơn bóng… Nhưng họ đã không còn trên thế gian này nữa.
Tựa như dòng nước u ám mềm mại, nỗi u buồn lấp đầy trái tim Aomame, một cách vô thanh, không báo trước. Những lúc như thế, nàng chỉ còn cách xoay chuyển dòng chảy của ký ức, cố gắng hết sức để nghĩ về Tengo. Tập trung tinh thần, nhớ lại cảm giác về cái nắm tay ngắn ngũi với cậu bé Tengo mười tuổi trong lớp sau giờ tan học. Sau đó, nàng gọi lại trong óc hình ảnh Tengo ba mươi tuổi xuất hiện trên cầu trượt cách đây không lâu. Tưởng tượng ra khi hai cánh tay vạm vỡ của người đàn ông ấy ôm lấy mình.
Anh ấy gần như đã ở trong tầm với.
Lần sau, có thể khi mình với tay ra thì sẽ chạm vào anh ấy thật cũng nên. Aomame nhắm mắt trong bóng tối, đắm chìm trong giả thiết ấy, thả lỏng cho tâm trí nổi trôi về hướng đó.
Thế nhưng giả dụ không bao giờ gặp lại anh ấy nữa thì rốt cuộc mình nên làm gì? Trái tim Aomame run rẩy. Nếu trong hiện thực không có điểm kết nối nào với Tengo, sự việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đối với Aomame việc gặp lại Tengo nay đã trưởng thành từng chỉ là một mộng tưởng, một giả thiết trừu tượng. Nhưng giờ khi nàng đã tận mắt nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, sự tồn tại của anh bỗng trở nên chân thực và chắc chắn hơn bao giờ hết. Cho dù sẽ xảy ra chuyện gì chăng nữa, Aomame cũng phải gặp lại anh, muốn được anh ôm vào lòng, muốn anh âu yếm vuốt ve từng ngóc ngách thân thể mình. Chỉ mới nghĩ rằng chuyện này có thể không bao giờ thực hiện được, trái tim và thân thể nàng cơ hồ như bị xé toang thành hai nửa.
Có lẽ lúc ở trước tấm biển quảng cáo hình con hổ của Esso, mình nên bắn viên đạn 9mm ấy vào đầu cho xong. Nếu vậy thì mình đã không phải sống tạm qua ngày để nếm trải cảm giác đau đớn u buồn này. Có điều, nàng không sao bóp cò được. Nàng nghe thấy âm thanh. Có người đang gọi tên nàng từ một nơi xa xăm nào đó. Biết đâu mình còn có thể gặp lại Tengo! Ý nghĩ này vừa hiện lên trong tâm trí, nàng liền cảm thấy không thể không tiếp tục sống. Kể cả cho dù làm vậy thì Tengo sẽ gặp nguy đến tính mạng như lời Lãnh Tụ nói, nàng cũng không có lựa chọn nào khác. Nàng cảm thấy trong mình bùng lên một sức sống mạnh mẽ và nó logic đành bất lực. Kết quả là thế này đây: nàng nôn nao bất an vì ham muốn mãnh liệt Tango, nó là một cơn khát khôn nguôi cùng với dự cảm về tuyệt vọng.
Aomame chợt hiểu ra đây chính là ý nghĩa của việc tiếp tục sinh tồn. Con người được ban cho hy vọng, rồi dùng nó làm nhiên liệu, làm mục đích để vượt qua cõi nhân sinh. Không có hy vọng người ta không sống nổi. Thế nhưng, chuyện này giống như tung đồng xu vậy. Mặt hình hay mặt chữ ngửa lên, chỉ khi nào đồng xu rơi xuống mới biết. Nghĩ như vậy khiến trái tim Aomame đau thắt, hồ như xương cốt khắp mình nàng đột ngột bị giày xéo phải kêu lên đau đớn.
Nàng ngồi trước bàn ăn cầm súng lên. Mở chốt an toàn, cho đạn lên nòng, ngón tay kéo cái kim hỏa, nhét họng súng vào miệng. Chỉ cần dồn một chút sức vào ngón tay trỏ bàn tay phải, cảm giác đau đớn u buồn này sẽ tan biến thành mây khói. Chỉ cần một chút thôi. Thu ngón tay trỏ vào bên trong chừng một xăng ti mét, không, năm milimet, mình sẽ chuyển đến một thế giới tĩnh lặng không còn ưu sầu. Cảm giác đau đớn chỉ trong chớp mắt, sau đó cái hư vô đại từ đại bi sẽ ùa đến với mình. Nàng nắm mắt lại. Trên tấm biển quảng cáo của hãng Esso, con hổ tay cầm ống bơm xăng đang cười với nàng. Hãy để chú hổ bơm xăng cho xe bạn.
Nàng rút nòng súng cứng ngắc ra khỏi miệng, chầm chậm lắc đầu.
Mình không thể chết. Bên phía đối diện ban công có sân chơi, trong sân chơi có cầu trượt. Chỉ cần còn hy vọng Tengo sẽ trở lại nơi này, mình không thể bóp cò súng được. Khả năng điều có có thể xảy ra đã ngăn cản nàng vào khoảnh khắc cuối cùng. Nàng cảm giác như có một cánh cửa đóng lại bên trong nàng và một cánh cửa khác mở ra, lặng lẽ, yên ắng. Aomame kéo chốt, đẩy viên đạn xuống khỏi nòng súng, đóng khóa an toàn lại đặt trên bàn. Cứ hễ nhắm mắt lại, nàng liền phát hiện ra có thứ gì đó nho nhỏ phát ra ánh sáng lập lòe trong bóng tối đang không ngừng biến mất từng giây. Nhưng nàng không biết đó là gì.
Aomame ngồi trên sofa, dồn chú ý vào những trang Bên phía nhà Swann[1]. Nàng hình dung lại cảnh trong câu chuyện, cố gắng không để những ý nghĩ vụn vặt khác len lỏi vào. Bên ngoài, trời đổ cơn mưa lạnh. Dự báo thời tiết trên đài nói mưa nhẹ sẽ kéo dài đến tận sáng hôm sau. Dải chuyển tiếp giữa hai khối khí nóng lạnh chiếm lĩnh bầu trời Thái Bình Dương, không hề có dấu hiệu di chuyển, tựa như một người cô độc đang chìm đắm vào suy tư, quên cả thời gian.
[1] Tập 1 bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của M. Proust.
Chắc Tengo sẽ không đến. Bầu trời đâu đâu cũng toàn mây đen giăng mù mịt, không thấy mặt trăng. Nhưng Aomame chắc hẳn vẫn sẽ ra ngoài ban công, vừa uống ca cao nóng vừa trông chừng sân chơi phía đối diện. Bên cạnh nàng là ống nhòm và khẩu súng lục, trên người mặc sẵn quần áo để sẵn sàng lao ra bất cứ lúc nào, hai mắt không ngừng trông về phía chiếc cầu trượt trong màn mưa. Bởi lẽ với nàng đây là hành động duy nhất còn có ý nghĩa.
Ba giờ chiều, chuông ngoài cửa chính của khu căn hộ vang lên. Có người muốn vào tòa nhà này. Aomame mặc kệ họ. Không thể nào có người đến thăm hỏi nàng. Lúc đó nàng đang đun nước pha trà. Để đề phòng, nàng tắt bếp ga đi, lẳng lặng nghe ngóng. Tiếng chuông vang lên ba bốn lượt, rồi im lặng.
Khoảng năm phút sau, tiếng chuông lại vang lên. Lần này là chuông cửa căn hộ. Người kia đã vào trong tòa nhà, đang đứng trước cửa căn hộ của nàng. Có lẽ kẻ này bám đuôi ai đó là dân sống ở tòa nhà này mà lẻn vào đây, cũng có thể y nhấn chuông cửa nhà khác, nói vài lời dối trá để người ta mở cửa chính cho. Aomame vẫn giữ im lặng. Cho dù là ai đến cũng không trả lời, chốt cửa từ bên trong rồi nín thở chờ đợi… Tamaru đã dặn dò nàng như thế.
Chuông cửa vang lên phải đến mười mấy lần. Nếu là nhân viên chào hàng thì kẻ này hình như hơi quá cứng đầu rồi. Thông thường bọn họ chỉ ấn chuông ba lần. Aomame tiếp tục giữ im lặng. Đối phương bắt đầu dùng nắm đấm đập cửa. m thanh không lớn lắm, nhưng bên trong chất chứa sự nôn nóng và phẫn nộ mạnh mẽ. “Ông Takai!” Giọng nói ồm ồm của đàn ông tuổi trung niên, hơi khàn, “Ông Takai, chào ông! Mở cửa cho tôi với nào!”
Takai là tên giả dùng trên hòm thư của căn hộ này.
“Ông Takai, tôi biết tôi đến giờ này thật phiền ông quá, nhưng ông mở cửa được không? Tôi xin ông đấy.”
Người đàn ông dừng một lúc, thăm dò phản ứng. Phát hiện thấy không ai đáp lại, y liền tiếp tục đập cửa, lần này còn mạnh hơn lúc nãy.
“Ông Takai, tôi biết ông ở trong ấy. Chúng ta đừng vòng vo làm gì nữa, xin hãy mở cửa ra đi. Ông đang ở trong nhà, tôi nghe thấy tiếng ông rồi.”
Aomame cầm khẩu súng lục tự động đặt trên bàn ăn lên, mở chốt an toàn, dùng khăn tay bọc kín, nắm chặt báng súng.
Nàng hoàn toàn không biết người kia là ai, muốn làm gì. Không hiểu vì lý do gì mà người này có thái độ thù địch với nàng, cứ ngoan cố ép nàng phải mở cửa. Không cần phải nói, đối với nàng lúc này, việc này thật chẳng đáng hoan nghênh một chút nào.
Tiếng đập cửa rốt cuộc cũng dừng, giọng người đàn ông lại tiếp tục vang lên trong hành lang.
“Ông Takai, tôi đến thu phí nghe nhìn của đài NHK. Phải, chính là đài NHK của tất cả mọi người đấy. Tôi biết ông đang ở trong nhà. Dù ông có giữ im lặng cách mấy tôi cũng biết. Tôi làm công việc này đã nhiều năm nay rồi, tôi có thể phân biệt được khi nào là vắng nhà thật còn khi nào là giả bộ vắng nhà. Người ta có cố gắng giữ im lặng đến chừng nào đi nữa thì vẫn có những dấu hiệu chứng tỏ người ta đang ở đó. Con người ai cũng hít thở, tim đập, dạ dày đang không ngừng tiêu hóa thức ăn. Ông Takai, giờ ông đang ở trong nhà, đang đợi tôi nản lòng mà quay về. Ông không có ý định mở cửa, cũng không định trả lời. Vì ông không muốn trả phí thuê bao.”
Người đàn ông hét lên, giọng to quá mức cần thiết, vang vọng khắp hành lang khu căn hộ. Hắn ta cố ý làm như vậy. Lớn tiếng gọi tên đối phương, châm biếm, nhục mạ, lấy đó để cảnh cáo hàng xóm láng giềng. Aomame vẫn giữ im lặng. Không cần phải bận tâm đến hắn. Nàng đặt khẩu súng trở lại bàn, nhưng để phòng hờ, nàng vẫn mở chốt an toàn. Cũng không phải không có khả năng có kẻ giả mạo nhân viên thu phí của đài NHK. Nàng ngồi bất động trên ghế trong phòng ăn, nhìn chằm chằm vào cửa chính căn hộ.
Nàng muốn nhón tay nhón chân đi lại phía cửa, dòm qua lỗ quan sát thăm dò tình hình bên ngoài. Nàng muốn xem ai đang đứng ngoài kia. Nhưng nàng vẫn ngồi yên trên ghế, không nhúc nhích. Tốt nhất chớ làm gì không nhất thiết phải làm. Đằng nào thì hắn ta cũng sẽ nản lòng mà bỏ về.
Thế nhưng, người kia nhất quyết đọc cả một bài diễn văn trước cửa căn hộ của Aomame.
“Ông Takai, đừng chơi trò trốn tìm với tôi nữa. Tôi cũng chẳng hứng thú gì làm cái chuyện này đâu. Đừng nhìn bộ dạng tôi thế này mà tưởng lầm, tôi cũng bận rộn lắm đấy. Tông Takai, tôi biết ông có xem tivi mà. Chỉ cần có xem tivi thì dù là ai cũng phải trả phí nghe nhìn cho đài NHK. Có lẽ ông không ưa gì chuyện đó, nhưng pháp luật đã quy định thế rồi. Không trả phí nghe nhìn thì cũng giống như ăn trộm tiền của người khác ấy. Ông Takai, ông không muốn bị người ta coi như kẻ trộm chỉ vì mấy đồng tiền vặt này chứ? Ông sống trong khu căn hộ mới cao cấp thế này, chắc không đến nỗi không trả nổi phí nghe nhìn đúng không ông? Chuyện này mà bị khơi ra trước bao nhiêu người thì chắc ông cũng thấy bẽ mặt nhỉ?”
Cho dù nhân viên thu phí cùa đài NHK có hò hét thế nào chăng nữa, giá là lúc bình thường thì hẳn Aomame đã cảm thấy chẳng có vấn đề gì. Nhưng hiện nàng đang trốn tránh tai mắt của kẻ khác. Nàng không muốn căn hộ này thu hút sự chú ý của những người xung quanh dưới bất cứ hình thức nào. Thế nhưng nàng chẳng biết làm gì, đành nín thở im lặng, chờ đợi hắn tự bỏ đi.
“Ông Takai, ông đừng trách tôi cứ lải nhải hoài, một câu cứ nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần. Tôi biết ông đang ở trong nhà, còn đang dỏng tai lên nghe nữa. Tôi biết ông đang nghĩ: Tại sao lại cứ đứng trước cửa nhà tôi mà hét hò ầm ĩ thế kia? Đúng vậy, tại sao chứ, ông Takai? Chắc vì tôi không thích người ta giả bộ đi vắng nhà cho lắm. Giả bộ vắng nhà thì chẳng hay ho gì mấy, nhỉ? Ông có thể mở cửa, nói thẳng vào mặt tôi ông không muốn trả phí cho NHK. Dứt khoát vậy có hơn không! Cả tôi cũng thoải mái hơn, ít nhất còn có đất để mà thương lượng. Chứ tôi không thể chấp nhận cái cách giả bộ vắng nhà thế này. Cứ như con chuột nhát gan trốn trong góc tối, đợi người ta đi rồi mới len lét lẻn ra ngoài. Sống như vậy thì vô vị biết mấy.”
Thằng cha này nói dối! Aomame nghĩ. Cái gì mà biết dấu hiệu có người ở trong nhà chứ! Chắc chắn là hắn ta bịa tạc linh tinh. Mình chẳng phát ra bất cứ tiếng động nào. Bất kể kẻ này là ai, đứng trước cửa nhà người khác mà hò hét khoa trương, đe dọa cư dân xung quanh, đó chính là mục đích thực sự của người này. Ý đồ của hắn là khiến người ta tin rằng thay vì bị người ta bới móc ngay trước cửa nhà mình như thế, chẳng thà cứ ngoan ngoãn nộp tiền cho rảnh nợ. Thằng cha này hẳn đã làm trò tương tự ở nhiều nơi khác, mà lần nào cũng rất hiệu quả.
“Ông Takai, chắc là tôi làm ông khó chịu lắm phải không. Ông đang nghĩ gì trong đầu, tôi biết hết. Đúng đấy, tôi chính là cái loại người khiến tâm trạng người ta bực bội, điều này tôi cũng biết. Nhưng mà, ông Takai à, nếu làm người ta thoải mái dễ chịu thì khôn thu được tiền đâu. Tại sao thế? Vì trên đời này những kẻ cố sống cố chết không chịu trả phí cho NHK nhiều lắm lắm. Đã định thu tiền từ tay những kẻ như thế thì không thể cả ngày khiến bọn họ thoải mái dễ chịu được. Tôi cũng muốn nói với ông: ‘Ồ, vậy hả? Ông không muốn trả phí cho NHK à, tôi hiểu rồi. Xin lỗi, đã quấy rầy’ rồi vui vẻ đi. Nhưng thế đâu có được. Đến gõ cửa thu phí là công việc của tôi, vả lại, cái vụ giả vờ vắng nhà này cá nhân tôi chẳng thể nào ưa nổi.”
Người đàn ông ngậm miệng, ngừng nghĩ giây lát. Sau đó lại vang lên mười mấy tiếng gõ cửa.
“Ông Takai, ông bắt đầu thấy không vui rồi đúng không, bắt đầu cảm thấy mình thật sự là một tên trộm rồi đúng không? Ông nghĩ kỹ đi. Số tiền chúng tôi muốn thu của ông có nhiều nhặn gì đâu, chẳng qua chỉ bằng tiền một bữa cơm ở quán ăn gia đình đầu phố thôi. Chỉ cần nộp chút phí là ông sẽ không bị người ta coi như kẻ trộm nữa. Cũng không bị người ta đứng trước cửa cao giọng dạy bảo, bị người ta đập cửa thật lực nữa. Ông Takai, tôi biết ông đang nấp sau cánh cửa này. Ông tưởng cứ nấp ở đó không nhúc nhích thì có thế thoát khỏi vụ này sao. Được thôi, ông cứ nấp đi. Nhưng dù ông có nín thở im lặng cỡ nào, rốt cuộc cũng sẽ đến ngày có người tìm ra ông. Không dối trá mãi được đâu. Ông thử nghĩ mà xem, khắp nước Nhật này đâu đâu cũng có người nghèo khó hơn ông rất nhiều, nhưng bọn họ tháng tháng đều trung thực nộp phí nghe nhìn. Thế này thì bất công quá.”
Tiếng gõ cửa lại vang lên mười lăm lần. Aomame đếm.
“Tôi hiểu rồi ông Takai. Hình như ông khá là cố chấp. Được rồi, hôm nay tôi về vậy. Tôi không thể cứ bám nhẵng lấy một người như ông được. Nhưng mà tôi sẽ còn ghé thăm ông nữa đấy, ông Takai ạ. Tính tôi một khi đã quyết là không dễ nản lòng đâu. Vả lại, tôi không thích những người giả vờ vắng nhà. Lần sau ghé thăm ông tôi sẽ lại gõ cửa, gõ đến khi cả thế giới đều nghe thấy thì thôi. Tôi nói là làm đấy. Hẹn giữa tôi và ông vậy nhé, ông thấy được không? Vậy, mấy hôm nữa chúng ta gặp nhau nhé.”
Không nghe thấy tiếng bước chân. Chắc kẻ kia đi giày đế cao su. Aomame ngồi yên bất động, đợi thêm năm phút nữa. Nàng nín thở, nhìn chằm chằm vào cửa căn hộ. Hành lang lại tĩnh mịch như tờ, không nghe thấy tiếng động nào. Nàng rón rén bước tới sau cửa, thu hết can đảm nhìn qua lỗ quan sát. Ở đó không một bóng người.
Nàng đóng khóa an toàn khẩu súng, hít thở sâu mấy lần cho nhịp tim bình thường trở lại. Sau đó nàng bật bếp ga lên đun nước, pha trà uống. Chẳng qua là nhân viên thu phí của đài NHK mà thôi, nàng tự nhủ. Thế nhưng trong giọng của kẻ ấy ẩn hàm một thứ gì đó tà ác, thậm chí biến thái. Không thể phán đoán được thứ đó là nhằm vào cá nhân nàng hay nhằm vào nhân vật hư cấu tên là Takai kia. Dẫu vậy, giọng nói khàn khàn và tiếng gõ cửa ngang ngược ấy để lại một cảm giác khiến nàng khó chịu, tựa như phần da lộ ra ngoài của nàng dính phải thứ gì đó nhớp nháp.
Aomame cởi quần áo đi tắm. Nàng xối nước nóng, lấy xà phòng thơm cẩn thận chà xát khắp mình mẩy cho thật sạch. Tắm xong, nàng thay quần áo mới, tâm trạng đã thoải mái phần nào. Cảm giác đáng ghét trên da cũng tan đi. Nàng ngồi xuống sofa, uống nốt chỗ trà còn lại. Nàng định tiếp tục đọc sách, nhưng không sao tập trung nổi vào những trang giấy. Giọng nói của người kia tiếp tục văng vẳng bên tai.
“Ông tưởng cứ nấp ở đó không nhúc nhích là có thể thoát khỏi vụ này sao. Được thôi, ông cứ nấp đi. Nhưng dù ông có nín thở im lặng cỡ nào, rốt cuộc cũng sẽ đến ngày có người tìm ra ông.”
Aomame lắc đầu. Không đúng, thằng cha ấy chẳng qua đang nói lung tung. Chẳng qua chỉ là ba hoa khoác lác, cố ý khiến người ta thấy khó chịu. Thằng cha ấy hoàn toàn không biết gì về mình, mình đã làm gì, tại sao mình ở đây. Thế nhưng, tim Aomame vẫn đập tộn không ngừng.
Nhưng dù có nín thở im lặng cỡ nào, rốt cuộc cũng sẽ đến ngày có người tìm ra.
Lời của tay nhân viên thu phí này thoạt nghe tựa hồ như có rất nhiều ẩn ý. Có lẽ chỉ là ngẫu nhiên. Song, thằng cha ấy dường như biết nói những gì thì có thể khiến lòng dạ mình rối bời. Aomame buông sách xuống không đọc nữa, ngồi trên sofa nhắm mắt lại.
Tengo, anh đang ở đâu? Nàng gọi thầm trong đầu, rồi thử thốt lên thành tiếng. “Tengo, anh đang ở đâu?” Mau mau tìm thấy em đi. Trước khi người khác tìm thấy.