Một con chuột gặp phải con mèo ăn chay
Sau khi đã chấp nhận được sự thực rằng Ayumi đã chết, nội tâm Aomame trải qua một quá trình ngắn gần như là điều chỉnh ý thức. Cuối cùng, khi giai đoạn đầu của quá trình ấy kết thúc, nàng mới bắt đầu khóc. Nàng khóc không thành tiếng, hai tay bưng mặt, đôi vai nhè nhẹ run lên, như thể nàng không muốn bất cứ người nào trên thế gian này nhận ra rằng nàng đang khóc.
Rèm cửa kéo kín mít, không có khe hở nào, nhưng không ai biết liệu có người nào đang quan sát hay không. Đêm hôm ấy, Aomame cứ ngồi trước tờ báo buổi chiều mở sẵn đặt trên bàn ăn mà khóc mãi không thôi. Thỉnh thoảng nàng không kìm được mà nấc lên một tiếng, nhưng hầu hết thời gian nàng chỉ khóc lặng lẽ. Nước mắt nàng chảy dọc theo cánh tay xuống tờ báo.
Trên cõi đời này, Aomame không dễ rơi nước mắt. Mỗi khi muốn khóc, nàng thường nổi giận với một ai đấy hoặc với chính mình thay vì khóc. Vì vậy, Aomame rơi lệ thực sự là chuyện hiếm thấy. Nhưng cũng chính vì thế, một khi nước mắt đã trào ra thì nàng sẽ không ngưng lại được. Lần đầu tiên nàng khóc nhiều như vậy là sau khi Otsuka Tamaki tự sát. Chuyện đó đã mấy năm rồi nhỉ? Nàng không nhớ nổi nữa. Tóm lại là đã rất lâu rồi. Dù sao thì lần ấy Aomame cũng khóc liên tục mấy ngày liền, không ăn uống gì, cũng không ra khỏi nhà. Chỉ thỉnh thoảng mới bổ sung lượng nước đã mất đi do chuyển hóa thành nước mắt, rồi gục xuống đất ngủ trong giây lát. Ngoài ra nàng chỉ khóc lóc không ngừng nghỉ. Từ đó đến nay, đây là lần đầu tiên nàng lại khóc.
Thế giới này không còn Ayumi nữa. Cô đã trở thành một cái xác không hơi ấm, lúc này chắc là đang được đưa đến pháp y giải phẫu. Sau khi giải phẫu, vết mổ đã khâu xong, có lẽ người ta sẽ tổ chức một tang lễ đơn giản, đưa lên lò hỏa táng, thiêu xác cô. Cô sẽ hóa thành làn khói vần vít bốc lên, hòa vào mây trời. Sau đó cô lại biến thành mưa, rơi xuống mặt đất, tưới nhuần cho vạt cỏ lặng lẽ vô danh ở một nơi nào đó. Nhưng Aomame không bao giờ có thể gặp lại Ayumi còn sống nữa. Điều đó dường như trái với khuynh hướng của tự nhiên, trái ngược với cả tình lẫn lý, và là một sự bất công đáng sợ.
Từ sau khi Otsuka Tamaki rời khỏi cõi đời, Ayumi là người duy nhất mà Aomame có thể đối đãi bằng tình cảm gần giống tình bạn như vậy. Đáng tiếc, tình cảm này cũng có giới hạn. Ayumi là cảnh sát đương chức, còn Aomame là hung thủ giết người hàng loạt. Mặc dù nàng luôn tin tưởng rằng mình là một sát thủ có lương tâm đại diện cho chính nghĩa, giết người dù sao cũng vẫn là giết người, nhìn từ góc độ pháp luật nàng là một kẻ phạm tội. Aomame thuộc về nhóm những kẻ cần phải bị bắt, còn Ayumi thì ở bên phía những người đi bắt.
Bởi vậy, khi Ayumi cố gắng xây dựng mối quan hệ sâu hơn, Aomame buộc phải dằn lòng, cố không hồi đáp tình cảm ấy. Hẳn Ayumi cũng đã hiểu ra ở một mức độ nào đấy rằng Aomame có bí mật riêng không thể nói cùng ai, vì vậy nàng mới cố ý giữ khoảng cách nhất định giữa hai người. Ayumi là người có trực giác rất nhạy. Vẻ bề ngoài thẳng thắn vui tươi của cô thực ra có đến một nửa là diễn, đằng sau đó ẩn chứa một tâm hồn mềm yếu, dễ bị tổn thương. Aomame hiểu được điều ấy. Việc nàng giữ thái độ đề phòng cảnh giác có lẽ đã khiến Ayumi buồn, cảm thấy mình bị từ chối, bị xa lánh. Nghĩ tới đây, Aomame chợt thấy tim mình đau buốt như bị kim châm.
Vậy là, Ayumi đã bị giết. Chắc hẳn cô làm quen với một người đàn ông trên phố, cùng đi uống rượu với anh ta rồi vào khách sạn. Ở đó, trong căn phòng kín tối tăm, họ bày ra trò chơi tình dục dày công kia. Còng tay, bịt miệng, che mắt. Aomame hình dung được rõ mồn một cảnh đó. Người đàn ông lấy đai áo tắm quấn chặt lấy cổ người đàn bà, quan sát cô giãy giụa trong đau đớn, cơn hưng phấn của y trỗi lên cho đến khi y bắn tinh. Nhưng y đã thắt đai áo tắm quá chặt. Lẽ ra y phải dừng lại khi đến đỉnh, nhưng y không kịp thời dừng lại.
Chắc hẳn Ayumi cũng lo sẽ có ngày xảy ra chuyện như thế. Cứ cách một khoảng thời gian, cô lại cần được quan hệ tình dục thật mạnh mẽ dữ dội. Thân xác cô... có lẽ cả tinh thần của cô nữa... cần điều đó. Cũng như Aomame, cô không muốn có một người tình ổn định. Chỉ có điều, khác với Aomame, Ayumi thường có khuynh hướng đắm sâu hơn vào đó. Ayumi thích những cuộc tình đầy rẫy hiểm nguy, có lẽ trong vô thức cô chờ mong mình bị kẻ khác làm cho tổn thương. Aomame thì khác. Nàng cẩn trọng hơn, không để bất cứ ai làm tổn thương mình. Nếu có người đàn ông nào thử với nàng như vậy, hẳn nàng sẽ phản kháng dữ dội. Còn Ayumi, chỉ cần đối phương yêu cầu, bất kể là thế nào, cô đều có khuynh hướng chấp nhận hết. Đổi lại, cô chờ mong đối phương mang đến cho mình điều gì đó. Một khuynh hướng nguy hiểm. Nói gì thì nói, đó đều là những gã đàn ông gặp gỡ qua đường. Bọn họ có dục vọng gì, trong họ ẩn giấu những khuynh hướng gì, chỉ đến lúc ấy mới có thể biết được. Dĩ nhiên Ayumi hiểu mối nguy này, vì vậy cô mới cần một người đồng hành bình tĩnh như Aomame, một người có thể ngăn cô lại vào thời điểm thích hợp, có thể quan tâm che chở cho cô.
Theo cách của mình, Aomame cũng cần đến Ayumi, Ayumi sở hữu vài năng lực mà Aomame không có. Tính cách cởi mở vui vẻ, khiến người khác yên tâm của cô. Sự hoạt bát dễ gần của cô. Tính tò mò tự nhiên của cô. Sự hiếu động, tích cực của cô. Lối nói năng thú vị của cô. Bộ ngực lớn thu hút ánh mắt mọi người của cô. Aomame chỉ cần đứng cạnh Ayumi, nở nụ cười bí ẩn nữa thôi là đủ. Đám đàn ông thảy sẽ đều khát khao được tìm hiểu xem sau nụ cười ấy của nàng ẩn giấu điều gì. Xét theo nghĩa này, Aomame và Ayumi là một cặp lý tưởng, là một cỗ máy tình ái vô địch.
Lẽ ra mình phải cởi mở chấp nhận cô ấy nhiều hơn mới đúng, Aomame nghĩ. Lẽ ra mình phải đáp lại tình cảm của cô ấy, giữ cô ấy thật chặt. Đây mới là thứ cô ấy mong mỏi - mong mỏi được chấp nhận, được ôm ấp vô điều kiện, được ai đó cho cảm giác yên tâm, dù chỉ là trong một khoảnh khắc. Nhưng mình đã không thể đáp ứng nhu cầu của cô ấy. Bởi vì bản năng tự vệ của mình quá mạnh mẽ, quyết tâm không chịu xóa nhòa ký ức về Otsuka Tamaki cũng quá mạnh mẽ.
Vậy nên, Ayumi đã không hẹn Aomame đi cùng, một mình ra phố giữa đêm khuya, để rồi bị siết cổ chết, bị chiếc còng tay thứ thiệt bằng thép lạnh khóa chặt hai tay, hai mắt bịt kín, miệng bị nhét thứ gì đấy chẳng rõ quần tất hay quần lót. Chuyện mà Ayumi vẫn luôn sợ đã trở thành hiện thực. Giá mà Aomame sẵn lòng chấp nhận Ayumi hơn thì ngày hôm ấy có lẽ cô đã không ra phố một mình. Cô sẽ gọi điện hẹn Aomame. Hai người sẽ cùng nhau đến một nơi an toàn hơn, và để mắt trông chừng nhau khi cùng nằm trong tay những gã đàn ông. Nhưng chắc Ayumi ngại không muốn làm phiền Aomame. Còn Aomame thì chẳng bao giờ chủ động gọi điện hẹn Ayumi lấy một lần.
Khoảng gần bốn giờ sáng, không chịu nổi cảnh ở nhà một mình nữa, Aomame bèn đi dép xăng đan vào, ra khỏi nhà. Quần cộc, áo may ô, nàng mặc nguyên như vậy mà đi lang thang không mục đích trên con đường lúc sáng tinh mơ. Có người gọi nàng, nhưng nàng không ngoảnh đầu lại. Nàng cứ đi mãi, cho đến khi cổ họng khô rát thì bước vào cửa hàng đa dụng mở cửa cả đêm mua một hộp lớn nước cam, uống một hơi hết sạch tại chỗ. Sau đó, trở về nhà, nàng lại khóc thêm trận nữa. Mình yêu quý Ayumi, Aomame nghĩ, yêu quý nhiều hơn mình nghĩ. Nếu cô ấy muốn vuốt ve mình, lẽ ra mình nên để cô ấy vuốt ve chỗ nào cũng được, bao nhiêu cũng được thì mới phải.
Báo ngày hôm sau cũng đăng tin “Nữ cảnh sát bị thắt cổ chết trong khách sạn ở Shibuya”. Cảnh sát đang dốc toàn lực điều tra tung tích gã đàn ông. Theo bài báo ấy, các đồng nghiệp của Ayumi đều đang lấy làm khó hiểu. Ayumi là người cởi mở, rất được mọi người xung quanh yêu quý, có năng lực và trách nhiệm, luôn luôn đạt thành tích xuất sắc. Nhiều thân nhân của cô, kể cả cha và anh trai, cũng là cảnh sát, gia tộc của họ rất đoàn kết. Không ai hiểu được sao lại có thể xảy ra chuyện như thế.
Không ai hiểu được, Aomame nghĩ, nhưng mình thì hiểu rõ. Bên trong Ayumi có một lỗ hổng rất lớn, giống như một sa mạc ở nơi rìa thế giới. Dẫu có đổ vào bao nhiêu nước thì chỉ trong chớp mắt tất cả sẽ bị hút vào lòng đất sâu, không còn dù chỉ một chút hơi ẩm. Không một thể sống nào có thể tồn tại được ở nơi ấy. Cả chim chóc cũng không bay qua đó. Rốt cuộc là thứ gì đã tạo ra trong nội tâm Ayumi một vùng đất hoang như thế? Điều này thì chỉ Ayumi biết. Không, thậm chí cả Ayumi cũng chưa chắc đã biết. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, thứ tình dục dị dạng mà những người đàn ông xung quanh Ayumi áp đặt cho cô chính là một trong những nguyên nhân quan trọng. Tựa hồ như để xây hàng rào vây quanh lỗ hổng chí mạng ấy bên trong mình, cô chỉ còn cách ngụy trang bản thân. Nếu bóc hết những lớp vỏ tự ngã ngụy trang ấy đi, cuối cùng chỉ còn lại vực sâu trống rỗng và cơn khát khao cuồng dại đi cùng với nó. Dẫu Ayumi có nỗ lực thế nào để quên đi, cảm giác trống rỗng ấy vẫn cứ cách một quãng thời gian lại đến thăm cô, trong một buổi chiều mưa cô độc, hoặc là buổi bình minh khi cô giật mình tỉnh khỏi cơn ác mộng. Những lúc ấy, cô không thể không tìm người nào đó để được ôm ấp, hạng người nào cũng được.
Aomame lấy khẩu Heckler & Koch HK4 trong hộp giày ra, thành thạo nạp đạn, rồi mở khóa an toàn, kéo quy lát, đưa viên đạn vào buồng đạn, đẩy chốt nổ lên, hai tay cầm chắc báng súng, ngắm vào một điểm ở chân tường. Thân súng không nhúc nhích. Tay nàng không còn run nữa. Aomame nín thở, tập trung tinh thần, sau đó thở ra một hơi dài. Nàng hạ súng xuống, đóng khóa an toàn lại, áng chừng trọng lượng khẩu súng, chăm chú nhìn màu sắc nặng nề của nó. Khẩu súng hầu như đã trở thành một bộ phận cơ thể nàng.
Nhất thiết phải kiềm chế cảm xúc, Aomame tự cảnh cáo mình. Dù mình có trừng phạt chú và anh trai Ayumi, e rằng họ cũng không hiểu vì cớ gì mình bị trừng phạt. Vả lại, chuyện đã đến nông nỗi này, dù mình có làm gì chăng nữa, Ayumi cũng không thể sống lại. Thương cho cô ấy, nhưng sớm hay muộn chuyện này rồi sẽ phải xảy ra. Ayumi vẫn luôn tiến gần đến trung tâm của một vòng xoáy chết người, chậm rãi, song không thể tránh được. Dù mình có quyết tâm hơn, chấp nhận cô ấy với thái độ thật dịu dàng, rất có thể cũng sẽ chẳng mấy có tác dụng. Đừng khóc nữa, mình cần phải điều hòa lại tâm thái. Phải đặt quy tắc lên trên bản thân mình, điều này rất quan trọng, như Tamaru đã nói.
Máy nhắn tin đổ chuông vào sáng ngày thứ năm sau khi Ayumi qua đời. Aomame đang ở trong bếp, vừa nghe tin vắn trên radio vừa đun nước chuẩn bị pha cà phê. Cái máy nhắn tin để ngay trên bàn. Nàng liếc nhìn số điện thoại trên màn hình bé xíu. Chưa bao giờ nàng thấy số điện thoại ấy. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, đây là thông điệp của Tamaru. Nàng liền tới bốt điện thoại công cộng gần nhà gọi lại cho số máy kia. Chuông đổ ba lần, Tamaru bắt máy.
“Chuẩn bị xong xuôi chưa?” Tamaru hỏi.
“Dĩ nhiên,” Aomame đáp.
“Tôi chuyển lời của phu nhân: Bảy giờ tối nay, ở đại sảnh tòa nhà chính của khách sạn Okura. Ăn mặc như mọi khi. Thông báo cho cô bất ngờ thế này, thật hết sức xin lỗi, nhưng họ cũng chỉ vừa thu xếp được vào phút chót.”
“Bảy giờ tối nay, ở đại sảnh tòa nhà chính khách sạn Okura,” Aomame máy móc nhắc lại.
“Tôi rất muốn chúc cô may mắn, nhưng e rằng có chúc đến mấy thì cũng chẳng có tác dụng gì.”
“Bởi anh là người không tin vào vận may.”
“Dù tôi có muốn dựa dẫm vào vận may thì cũng chẳng biết mặt mũi nó thế nào mà dựa,” Tamaru nói. “Tôi đã thấy cái giống ấy bao giờ đâu.”
“Anh không cần chúc may mắn cho tôi. Nhưng có chuyện này tôi muốn nhờ anh giúp. Trong nhà tôi có một cây cao su Ấn Độ, phiền anh chăm sóc hộ. Đáng ra tôi định vứt đi rồi, nhưng không vứt được.”
“Cứ để đấy cho tôi.”
“Cám ơn anh.”
“Chăm sóc cây cao su Ấn Độ đỡ phiền nhiễu hơn chăm sóc mèo con hay cá cảnh nhiệt đới nhiều. Còn gì không?”
“Chẳng còn gì nữa đâu. Những thứ còn lại cứ quăng hết đi hộ tôi.”
“Khi nào xong việc, cô đến ga Shinjuku gọi lại vào số điện thoại này. Đến lúc ấy sẽ có chỉ dẫn tiếp theo.”
“Khi nào xong việc, đến ga Shinjuku gọi vào số điện thoại này,” Aomame nhắc lại.
“Mặc dù chắc chắn cô đã hiểu, tôi vẫn phải nhắc lại: đừng ghi lại số điện thoại. Lúc về nhà thì phá hỏng rồi vứt luôn máy nhắn tin đi.”
“Biết rồi. Tôi sẽ làm vậy.”
“Mọi bước đều đã được sắp xếp ổn thỏa. Cô không cần lo lắng gì hết. Những chuyện sau này cứ giao phó cho chúng tôi.”
“Tôi không lo lắng,” Aomame nói.
Tamaru trầm ngâm một lúc. “Có thể nói mấy câu thực lòng không?”
“Anh nói đi.”
“Tôi không có ý nói việc cô và bà chủ đang làm là uổng công vô ích. Đó là chuyện của hai người, không phải của tôi. Nhưng tôi nghĩ, làm như vậy nói nhẹ nhất thì cũng là rồ dại. Hơn nữa, còn chẳng khi nào chấm dứt được.”
“Có lẽ vậy,” Aomame đáp. “Nhưng chuyện này không thể nào thay đổi được nữa.”
“Như là mùa xuân phải có tuyết lở vậy thôi.”
“Chắc thế.”
“Nhưng, người bình thường với hiểu biết bình thường thì sẽ không lại gần chỗ có thể xảy ra tuyết lở vào mùa có thể xảy ra tuyết lở.”
“Người bình thường với hiểu biết bình thường thì ngay từ đầu đã không thảo luận vấn đề này với anh rồi.”
“Cũng có thể,” Tamaru thừa nhận. “Phải rồi, cô có người nhà nào cần thông báo khi ngộ nhỡ xảy ra tuyết lở không?”
“Không có người nhà.”
“Vốn là không có, hay là có mà như không?”
“Có mà như không,” Aomame trả lời.
“Tốt,” Tamaru nói, “Không dính dáng gì là tốt nhất. Cây cao su Ấn Độ giống một gia đình lý tưởng nhất đấy.”
“Ở chỗ bà chủ thấy có cá vàng, tôi cũng chợt muốn nuôi cá vàng. Tôi thấy trong nhà có thứ như vậy cũng hay hay. Vừa nhỏ, lại vừa không nói năng gì, hình như cũng chẳng yêu cầu nhiều nhặn gì. Hôm sau tôi liền ra cửa hàng trước nhà ga để mua cá, nhưng lúc nhìn thấy bọn cá vàng trong đám rong nước thì lại đột nhiên không muốn mua nữa. Vậy là tôi mua cái chậu cây cao su Ấn Độ xấu xí còn sót lại này. Không mua cá vàng nữa.”
“Tôi thấy lựa chọn vậy là chính xác đó.”
“Có khi chẳng bao giờ mua được cá vàng nữa rồi.”
“Có lẽ,” Tamaru nói. “Mua cao su Ấn Độ vẫn hơn.”
Một khoảng lặng ngắn.
“Bảy giờ tối nay, ở đại sảnh tòa nhà chính khách sạn Okura,” Aomame xác nhận lại lần nữa.
“Cô chỉ cần ngồi đợi ở đó là được. Đối phương sẽ tới tìm cô.”
“Đối phương sẽ tới tìm tôi.”
Tamaru khẽ hắng giọng. “À, cô biết câu chuyện con chuột gặp con mèo ăn chay không?”
“Không biết.”
“Muốn nghe không?”
“Muốn lắm.”
“Một con chuột gặp phải một con mèo đực rất to trên mái nhà. Chuột ta bị dồn vào góc chết, không chạy đi đâu được, toàn thân run lên, liền nói: ‘Ông mèo ơi, con xin ông. Xin ông đừng ăn thịt con. Con phải về với vợ con. Lũ nhóc ở nhà đang đói bụng chờ con về. Con lạy ông tha cho con.’ Mèo nói: ‘Không phải sợ. Tao không ăn thịt mày đâu. Nói thực cho mày biết... chuyện này không được đi mà rêu rao đâu nhé... tao là mèo ăn chay, không ăn thịt. Mày gặp được tao là may phước lắm đấy.’ Chuột liền kêu lên: ‘A, thật là một ngày may mắn! Con đúng là con chuột may mắn quá! Không ngờ lại gặp được một ông mèo ăn chay!’ Nhưng đúng lúc đó mèo bỗng nhiên nhảy xổ vào chuột, đè chặt móng vuốt lên thân chuột, hàm răng sắc bén ngoạm vào họng chuột. Chuột ta đau đớn dồn hết chút sức lực cuối cùng hỏi mèo: ‘Ông vừa mới nói ông là mèo ăn chay, không ăn thịt cơ mà? Ông nói dối sao?’ Mèo liếm mép nói: ‘Thật đấy, tao không ăn thịt. Tao không nói dối đâu. Vì vậy tao phải bắt mày về đổi lấy rau ăn’.”
Aomame thoáng nghĩ ngợi giây lát. “Câu chuyện này muốn nói lên điều gì vậy?”
“Chẳng có gì đặc biệt cả. Vừa nãy nói chuyện may mắn, tôi chợt tình cờ nghĩ đến câu chuyện này. Có vậy thôi. Dĩ nhiên, hiểu xem nó nói lên điều gì là tùy ở cô.”
“Một câu chuyện làm ấm lòng người.”
“Còn một việc nữa. Tôi nghĩ trước khi bắt đầu bọn họ sẽ lục soát người cô và kiểm tra đồ đạc mang theo. Đám người ấy cảnh giác cao lắm. Điểm này thì cô cần nhớ kỹ.”
“Tôi sẽ nhớ.”
“Vậy thì,” Tamaru nói, “Hẹn gặp lại.”
“Hẹn gặp lại,” Aomame nhắc lại như một phản xạ có điều kiện.
Đầu bên kia đã gác máy. Aomame nhìn chằm chằm vào ống nghe một lúc, hơi nhăn mặt, rồi đặt xuống. Sau đó nàng nhớ kỹ số điện thoại trong máy nhắn tin trong đầu, rồi xóa đi. Hẹn gặp lại, nàng thầm nhắc lại. Nhưng nàng cũng hiểu rằng, từ giờ phút này, có thể nàng và Tamaru sẽ không bao giờ gặp mặt nhau nữa.
Lướt qua hết các ngóc ngách trên tờ báo sáng, nàng không còn thấy tin nào về sự kiện Ayumi bị hại nữa. Từ đó suy ra, có vẻ công việc điều tra không tiến triển tốt cho lắm. Có thể chẳng bao lâu nữa các tạp chí cuối tuần sẽ đăng vụ này, moi móc vào mọi góc độ ly kỳ. Nữ cảnh sát trẻ tuổi đương chức, dùng còng tay chơi trò bạo dâm trong khách sạn tình nhân ở Shibuya, bị thắt cổ chết trong tình trạng lõa thể. Aomame không muốn đọc những bài báo kiểu ấy một chút nào. Từ sau khi sự việc xảy ra, thậm chí nàng còn không bật cả ti vi lên. Nàng không muốn nghe thấy nữ phát thanh viên chương trình thời sự cố ý cao giọng tuyên bố rằng Ayumi đã chết.
Dĩ nhiên nàng muốn hung thủ bị bắt. Bất luận thế nào, hung thủ cần phải bị trừng phạt. Thế nhưng, dẫu hung thủ có bị bắt, bị đưa ra tòa, mọi tình tiết của vụ giết người được phơi bày ra ánh sáng, vậy thì sao chứ? Dù thế nào đi chăng nữa, Ayumi cũng không sống lại được, đấy là chuyện hiển nhiên. Và đằng nào thì phán quyết cũng sẽ rất nhẹ. Có khi người ta còn không phán tội giết người, mà chỉ xử lý như là vô ý ngộ sát. Tất nhiên, kể cả có xử tử hình thì cũng chẳng ích lợi gì. Aomame gấp tờ báo lại, chống cùi chỏ lên bàn, vùi mặt vào hai bàn tay một hồi lâu. Nàng nghĩ đến Ayumi, nhưng nước mắt không chảy ra nữa. Nàng chỉ cảm thấy phẫn nộ.
Vẫn còn rất lâu mới đến bảy giờ tối. Trước lúc ấy, Aomame chẳng có việc gì làm. Nàng không có lịch ở câu lạc bộ thể thao. Chiếc túi du lịch cỡ nhỏ và túi đeo chéo, nàng đã cất hết trong tủ gửi đồ ở ga Shinjuku theo chỉ thị của Tamaru. Trong túi du lịch có mấy bó tiền mặt và quần áo đủ thay đổi trong vài ngày (kể cả đồ lót). Cứ cách ba ngày Aomame lại đến ga Shinjuku một lần, bỏ tiền xu vào, đồng thời kiểm tra lại một lượt các thứ ở trong ấy. Nhà cửa nàng cũng không cần quét dọn, dù có muốn nấu ăn thì tủ lạnh cũng gần như chẳng còn thứ gì tỏa hơi thở cuộc sống. Mọi thứ liên quan tới thông tin cá nhân, nàng đều đã bỏ đi hết. Mọi ngăn kéo tủ đều trống không. Từ mai mình sẽ không ở đây nữa, phía sau mình sẽ không còn lại chút dấu vết gì.
Nàng gấp ngay ngắn bộ quần áo tối nay sẽ mặc, xếp ở trên giường. Bên cạnh đó nàng đặt cái túi thể thao màu xanh lam, bên trong đựng các thứ đồ dùng để thực hiện bài tập co duỗi cơ bắp. Aomame kiểm tra kỹ lại một lần nữa. Một bộ quần áo thể thao, thảm yoga, khăn bông lớn, khăn bông nhỏ, và chiếc hộp đựng cái dùi đục nước đá nhọn hoắt. Mọi thứ đều đã đầy đủ. Nàng lấy cái dùi đục nước đá ra khỏi chiếc hộp nhỏ, rút miếng bấc mềm, lấy đầu ngón tay chạm khẽ vào mũi nhọn, xác nhận cho chắc nó vẫn còn đủ độ sắc bén. Mặc dù vậy, Aomame vẫn cẩn thận hơn nữa, dùng miếng đá mài dao loại nhỏ nhất khẽ mài thêm mấy lượt. Nàng tưởng tượng ra cảnh đầu mũi kim này lẳng lặng chìm vào cái điểm đặc biệt trên gáy người đàn ông ấy, như bị nuốt chửng vào. Giống như mọi lần, trong một khoảnh khắc, tất cả đều sẽ kết thúc. Không thét gào, không chảy máu, chỉ co giật một cái. Aomame cắm đầu kim trở lại vào miếng bấc mềm, cẩn thận cất cái dùi vào trong hộp.
Sau đó nàng lấy khẩu Heckler & Koch gói trong chiếc T-shirt cũ để trong hộp đựng giày, thành thạo lắp bảy viên đạn chín ly vào băng đạn. Viên đạn được đẩy vào nòng súng phát ra âm thanh khô khốc. Nàng mở khóa an toàn rồi lại đóng vào. Kế đó nàng lấy một khăn tay màu trắng bọc súng lại, cho vào túi nylon, rồi giấu túi vào một bộ đồ lót dùng để thay.
Còn chuyện gì không thể không làm nữa nhỉ?
Chẳng nghĩ ra được điều gì, Aomame đứng trong bếp, đun nước sôi, pha cà phê. Nàng ngồi bên bàn ăn, uống cà phê, ăn một cái bánh sừng bò. Nàng nghĩ, đây có lẽ là phi vụ cuối cùng của mình, hơn nữa còn là vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất. Hoàn thành xong nhiệm vụ lần này, từ sau mình sẽ không cần giết người thêm nữa.
Aomame không hề ngại việc sẽ mất đi thân phận. Có chăng, đó là điều nàng mong muốn. Nàng chẳng lưu luyến gì tên họ hay dung mạo của mình, cũng chẳng nghĩ ra được chuyện gì trong quá khứ để mà tiếc nuối. Cài đặt lại cuộc đời, có lẽ đây chính là thứ mình mong chờ bấy lâu nay.
Nói ra cũng lạ, thứ duy nhất mà nàng không muốn mất đi trên thân thể mình lại chính là đôi bầu vú gầy đét đó. Từ hồi mười hai tuổi đến giờ, Aomame luôn không hài lòng về hình dạng cũng như kích thước của bộ ngực mình. Nàng thường nghĩ: giá ngực lớn hơn chút nữa, có lẽ cuộc đời mình đã an nhàn hơn hiện tại nhiều. Nhưng khi cơ hội thay đổi kích thước bộ ngực đã đến thật (và cũng là lúc không có cách nào khác), nàng mới nhận ra mình không hề mong muốn sự thay đổi đó. Như bây giờ cũng chẳng sao hết. Kích cỡ như bây giờ có khi lại rất thích hợp.
Nàng lấy tay sờ nắn hai bầu vú qua lớp áo hai dây. Không khác gì thường ngày. Hình dạng chúng giống như hai cục bột mì làm bánh bị trộn sai công thức không thể nào lên men được. Kích cỡ hai bên còn hơi lệch nhau một chút. Nàng lắc đầu. Nhưng mà chẳng sao, đây mới là mình.
Ngoài cặp vú ra, còn có gì để lại cho mình nữa?
Dĩ nhiên, ký ức về Tengo sẽ còn lưu lại. Cảm giác chạm vào bàn tay anh vẫn sẽ còn lưu mãi. Sự rung động nơi sâu thẳm tâm hồn vẫn còn đầy. Nỗi khát khao được anh ôm vào lòng vẫn còn đầy. Dẫu mình biến thành một con người khác, không ai có thể cướp đoạt tình yêu đối với Tengo ra khỏi mình được. Đây là khác biệt lớn nhất giữa mình và Ayumi, Aomame nghĩ. Ẩn sâu trong tâm khảm của cá thể mang tên Aomame không phải sự trống rỗng, không phải một vùng hoang địa khô cằn. Sâu thẳm bên trong mình là tình yêu. Mình sẽ mãi mãi một lòng yêu cậu bé mười tuổi tên là Tengo, yêu thân hình cường tráng ấy, trí óc thông minh ấy, thái độ dịu dàng ấy. Ở nơi đây anh không tồn tại với mình, nhưng thân xác không tồn tại ấy sẽ không bao giờ tiêu vong, những lời hứa chưa một lần được trao sẽ không bao giờ bị bội phản.
Tengo ba mươi tuổi trong lòng Aomame, không phải là Tengo trong hiện thực. Anh chỉ là một Tengo giả định, chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của nàng. Tengo vẫn còn y nguyên dáng vẻ cường tráng, sự thông minh và dịu dàng ấy, hơn nữa giờ đây anh còn có cánh tay tráng kiện của người trưởng thành, lồng ngực rộng cùng bộ phận sinh dục to khỏe, mạnh mẽ. Nếu Aomame muốn, bất cứ lúc nào anh cũng ở bên cạnh nàng, ôm nàng thật chặt, vuốt tóc nàng, hôn nàng. Căn phòng nơi hai người ở lúc nào cũng tối, Aomame không thấy rõ Tengo. Nàng chỉ thấy đôi mắt anh. Cho dù trong bóng tối, Aomame vẫn thấy đôi mắt dịu dàng của anh. Nàng chăm chú nhìn vào đôi mắt Tengo, sâu trong đó nàng thấy được thế giới mà anh nhìn thấy.
Có những lúc Aomame không sao kìm nén nổi cảm giác muốn ngủ với đàn ông, có lẽ chỉ là để cố gắng giữ gìn nguyên vẹn hình ảnh Tengo mà nàng ấp ủ trong tim. Có lẽ, bằng việc làm tình hoang dại với những người xa lạ, nàng muốn giải thoát thân thể mình ra khỏi sự giam cầm của dục vọng. Nàng khát khao được sống trong cái thế giới cô tịch tĩnh lặng đến sau những lần giải thoát như thế, được ở bên Tengo, chỉ hai người với nhau thôi, không bị ai phiền nhiễu. Hẳn đó là điều Aomame mong chờ nhất.
Suốt mấy tiếng buổi chiều hôm đó Aomame miên man nghĩ về Tengo. Trên ban công chật hẹp, nàng ngồi trên chiếc ghế nhôm, nhìn lên bầu trời, nghe tiếng xe cộ ầm ĩ, chốc chốc lại lấy ngón tay mân mê lá của cây cao su Ấn Độ rầu rĩ, lòng nghĩ về Tengo. Bầu trời ban chiều vẫn chưa thấy mặt trăng. Phải mấy tiếng nữa trăng mới lên. Giờ này ngày mai, mình sẽ ở đâu nhỉ? Aomame băn khoăn. Không làm sao biết được. Nhưng chuyện ấy chẳng quan trọng gì so với sự thực rằng Tengo có tồn tại ở thế giới này.
Aomame tưới nước cho cây cao su lần cuối cùng, sau đó đặt đĩa Sinfonietta của Janáček vào máy nghe nhạc. Các đĩa nhạc khác nàng đã đem xử lý hết cả, chỉ một đĩa này là nàng giữ lại đến phút cuối. Nàng nhắm mắt, chăm chú nghe nhạc, tưởng tượng ra thảo nguyên lộng gió xứ Bohemia. Giá như có thể cùng Tengo thả bước ở một nơi như thế thì tuyệt biết bao nhiêu! Nàng nghĩ. Đương nhiên hai người sẽ tay nắm tay. Gió thổi qua, làm lay động êm ru những ngọn cỏ xanh mềm mại. Aomame cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay Tengo trong tay mình. Giống như một đoạn kết hạnh phúc trên phim, cảnh tượng ấy từ từ nhòa khỏi màn hình.
Sau đó Aomame nằm xuống giường, cuộn mình lại ngủ chừng ba mươi phút. Nàng không nằm mơ. Đây là giấc ngủ không cần mơ. Lúc nàng tỉnh giấc, kim đồng hồ chỉ bốn giờ ba mươi phút. Nàng dùng các thứ còn lại trong tủ lạnh làm món trứng rán với thịt hun khói. Nàng uống nước cam thẳng từ hộp giấy. Sự trầm lắng sau giấc ngủ trưa nặng nề lạ thường. Nàng bật đài FM lên, bản Hòa tấu cho nhạc cụ hơi của Vivaldi liền tuôn ra. Sáo ngắn diễn tấu đoạn piccolo rung nhanh mà nhẹ như chú chim nhỏ lích cha lích chích. Aomame có cảm giác đó như là thứ âm nhạc nhằm nhấn mạnh tính phi hiện thực của cái hiện thực đang ở trước mắt nàng.
Nàng dọn dẹp xong đồ trên bàn ăn, tắm rửa, rồi khoác lên người bộ đồ đã chuẩn bị từ mấy tuần trước cho ngày hôm nay. Kiểu dáng đơn giản, tiện hành động: quần vải bông màu xanh nhạt, áo trắng ngắn tay giản dị. Nàng búi tóc lên, cố định lại bằng lược. Không trang sức gì cả. Quần áo thay ra, nàng không bỏ vào giỏ đựng đồ giặt nữa mà nhét cả vào cái túi nylon đựng rác màu đen. Tamaru sẽ xử lý nó. Nàng cắt móng tay sạch sẽ, đánh răng cẩn thận, lấy ráy tai. Đoạn nàng lấy kéo tỉa lông mày, phủ lên mặt một lớp kem nền mỏng, dấp chút nước hoa vào cổ. Cuối cùng nàng đứng trước gương, kiểm tra lại từng chi tiết trên mặt dưới mọi góc độ, kiểm tra cho chắc là không có vấn đề gì. Sau đó, Aomame xách chiếc túi thể thao có in logo hang Nike bước ra khỏi nhà.
Nơi cửa, nàng ngoảnh đầu lại nhìn một lần cuối, biết mình sẽ không bao giờ quay về đây nữa. Khi nàng nghĩ tới đây, căn phòng bỗng trở nên lạnh lẽo lạ thường, tựa như một gian ngục chỉ có thể khóa trái từ bên trong, không có lấy một bức tranh, một bình hoa. Thứ duy nhất còn lại là cây cao su Ấn Độ mua hạ giá thay cho bể cá vàng, ở ngoài ban công. Nàng thật không ngờ mình lại có thể ở một nơi thế này suốt bao nhiêu năm mà không chút bất mãn hay nghi hoặc.
“Tạm biệt,” Nàng khẽ thốt thành tiếng. Không phải với gian phòng, mà là để từ biệt một Aomame từng tồn tại nơi này.