Vào năm Kiến Nguyên thứ tư, tức là khoảng năm 483 ở đất Tề, dưới sự cai trị sáng suốt của Cao đế Tiêu Đạo Thành, đất nước có nhiều quan lại thanh liêm, biết lo lắng cho dân. Tiêu Đạo Thành tuy là Hoàng đế nhưng rất hâm mộ Phật pháp, không những khuyến khích người dân tu hành mà còn lấy nhân nghĩa để cảm hóa con người. Các quan lại cũng vì vậy mà theo gương Hoàng đế, luôn luôn lấy chính trực và đạo đức làm đầu để cai trị. Trong số những vị quan thanh liêm và có tài năng là một vị quan huyện tên là Sử Minh, ông học rộng tài cao, trí tuệ sáng suốt, nhất là tài xét đoán các vụ án thì chưa sai chạy bao giờ. Sử Minh xuất thân từ khoa bảng, đậu Tiến sĩ rồi được bổ về làm Huyện lệnh Lâm Tri, sau nhiều năm làm quan vẫn thanh liêm chính trực, được dân chúng khắp vùng ca tụng.
Một ngày kia có tên vô lại là Triệu Đại đệ đơn lên công đường, tố cáo người bạn tên là Trương Thuận giết người cướp của, sau đó vất xác nạn nhân xuống cái giếng sâu ở ngoại thành. Cái giếng này được người dân ở Lâm Tri gọi là giếng Thâm Tỉnh. Dựa theo lời tố cáo, Sử Minh lập tức viết trát sai bộ khoái tập nã Trương Thuận, giải về công đường thẩm vấn. Khi xét trong nhà của Trương Thuận quả nhiên tìm thấy một số bạc lớn, vì vậy Sử Minh đã toan làm án đưa hắn lên phủ. Thế nhưng Trương Thuận một mực kêu oan, cho biết số bạc ấy là của anh rể mình tên Chử Trung gởi nhờ mua đất cát ở Lâm Tri chứ không phải tài vật cướp được.
Sử Minh liền triệu Chử Trung tới hỏi, quả đúng là hắn đã có gởi Trương Thuận số bạc ấy nên vụ án đâm ra thiếu chứng cứ. Sử huyện quan liền sai lính giải Trương Thuận đến giếng Thâm Tỉnh, tận mắt chứng kiến việc khám xét. Khi bọn lính từ dưới giếng trèo lên có đưa theo một cái xác chết không đầu khiến Trương Thuận kinh hoảng mất cả hồn vía, vội sụp lạy như tế sao nhưng vẫn kêu oan, không hề biết cái xác đó là của ai, tại sao lại tình cờ nằm trong giếng.
Sử Minh cười gằn, chỉ mặt Trương Thuận mà mắng:
- Tang chứng đã quá rõ ràng rồi, còn lại số bạc kia có phải do Chử Trung gởi hay không thì bản quan sẽ xét sau. Có thể hai người cấu kết với nhau làm chứng dối, càng làm cho tội trạng thêm nặng, phải xét rõ rồi trừng trị làm gương cho kẻ khác mới được.
Mặc cho Trương Thuận kêu gào, Sử Minh lập tức sai quân giải về giam trong ngục thất, đồng thời thông báo cho người nhà nạn nhân đến nhận xác đem về chôn cất. Ai nấy cũng tưởng như thế là kết thúc vụ án. Thật ra Sử Minh nhìn ra khá nhiều nghi vấn trong việc này, tạm thời gán tội cho Trương Thuận để có thời gian dò xét cho rõ ràng.
Nguyên ở đất Lâm Tri có người phú hào tên là Vương Tuấn, tuổi còn trẻ mà không chịu học hành, chỉ thích dùng tiền bạc sẵn có của cha mẹ để cho vay nặng lãi. Vương Tuấn càng lớn càng biểu lộ tính tình tham lam, lại rất tàn nhẫn vô nhân, hễ việc gì có lời là hắn tìm đủ mọi cách thu vén tiền bạc về cho mình ngay bất kể người kia bị tổn hại đến thế nào. Vì vậy tuy người cha là Vương Hàn không giàu có bao nhiêu, cũng không để lại gia tài mà Vương Tuấn mỗi ngày một giàu lên thấy rõ, số vàng bạc mà hắn bòn rút của người dân lên đến số mấy vạn lạng.
Sau khi Vương Hàn và vợ theo nhau chết thì Vương Tuấn lại càng hung hăng, không còn kiêng nể ai hết, ngày đêm rượu chè trai gái, chơi bời hưởng lạc. Lúc còn sống, Vương Hàn đã nhìn ra tính của con, quyết định bắt Vương Tuấn phải lấy một người con gái họ Phùng về làm vợ. Phùng thị vốn xinh đẹp nhưng không lả lơi dâm đãng, hết sức đoan trang cẩn trọng, Vương Hàn hy vọng nhờ đó sẽ kềm chế bớt tính ngông cuồng háo sắc của Vương Tuấn phần nào. Chẳng ngờ Vương Tuấn rất thích những cô gái lẳng lơ hơn người vợ hiền, thường bỏ bê vợ vò võ ở nhà một mình, đi tìm lạc thú “lá gió cành chim, liễu ngõ hoa tường”.
Một hôm hắn uống rượu đã ngà ngà say, có lẽ không tìm được gái vừa ý nên bò về nhà, quát tháo bắt đem rượu ra uống tiếp. Nhìn kỹ, thấy vợ mình cũng khá đẹp, Vương Tuấn nổi hứng bắt Phùng thị phải vào nhà thay đổi xiêm y cho thật hở hang rồi phải bắt chước các điệu bộ lẳng lơ dâm dục của bọn kỷ nữ chuốc rượu cho mình. Tất nhiên Phùng thị quen tính đoan trang nên nhất định không bằng lòng.
Đang lúc men rượu làm cho mất cả thần trí, Vương Tuấn nổi hung lên, xông đến đánh đấm Phùng thị một trận tơi bời, sau cùng lại đá trúng vào chỗ nhược khiến Phùng thị ngã nhào xuống đất, trợn ngược hai mắt rồi tắt thở lập tức. Khi ấy bao nhiêu men rượu tan biến đâu mất hết, Vương Tuấn vội đưa xác vợ lên giường rồi hô hoán, báo tin là vợ bị trúng phong mà chết.
Thế nhưng anh em họ Phùng đến nơi xem xét, thấy có vết tích do cú đá vào chỗ nhược thì làm ầm lên, đòi kiện cáo. Vương Tuấn cả sợ, phải lòi ra rất nhiều tiền lo liệu chuyện này mới dàn xếp êm xuôi. Chỉ vài tháng sau, tính trăng hoa của Vương Tuấn lại nổi dậy, nhân đã có tư tình với một người con gái lẳng lơ tên là Đào Nương, hắn bèn bỏ tiền bạc ra thuyết phục người cha gả cho mình, hối hôn với họ Trần.
Đào Nương về nhà chồng rồi càng tỏ ra phóng túng, suốt ngày chỉ biết trang điểm, tổ chức ăn chơi hát xướng, thậm chí sẵn sàng liếc mắt đưa tình với bất cứ chàng trai nào ả thấy vừa mắt. Với việc tiêu xài hoang phí như vậy, chẳng bao lâu Vương Tuấn đã gần như khánh kiệt, phải tìm cách buôn bán nhỏ sống qua ngày. Thấy chồng không còn giàu sang như trước, Đào Nương lập tức trở mặt, không những chửi mắng Vương Tuấn thậm tệ mà còn sẵn sàng làm gái để vừa thỏa mãn nhục dục vừa kiếm nhiều tiền. Quả là nhân quả nhãn tiền, một tên khốn khiếp như Vương Tuấn bây giờ phải chịu nhục, không dám nói lời nào với chính vợ mình.
Dần dần Đào Nương càng lộng hành hơn, đưa hẳn một tên đồ tể là Đỗ Bưu về nhà ăn nằm, có lúc vui chơi khoái lạc ngay trước mặt Vương Tuấn, không coi người chồng bạc nhược này ra gì nữa. Vương Tuấn hết sức căm tức và nhục nhã nhưng Đỗ Bưu nổi tiếng hung bạo, lại có sức mạnh nên không dám làm gì, cắn răng nhục nhã nhìn cảnh vợ mình giao du với người khác.
Thấy Vương Tuấn chịu nhịn, Đào Nương và Đỗ Bưu càng lúc càng lấn lướt, thậm chí bắt Vương Tuấn phải xuống bếp ngủ, để giường chiếu êm ấm cho bọn chúng truy hoan, không cho ló mặt lên nhà trên.
Dù đã cố nhịn nhục nhưng cuối cùng Vương Tuấn cũng không thể cứ nhìn mãi cảnh đê tiện này được nữa, thu góp chút vốn liếng đi nơi khác buôn bán. Thế là Đỗ Bưu và Đào Nương trở thành vợ chồng chính thức, chiếm luôn căn nhà của hắn.
Cùng ở huyện có hai thanh niên tên là Trương Thuận và Triệu Đại, nhà ở cạnh nhau. Hai người này trước kia tranh chấp đất đai rất dữ nhưng về sau Triệu Đại biết không thể chống nổi với sức mạnh của Trương Thuận nên xảo trá xoay qua dùng độc kế. Hắn giả vờ xin lỗi Trương Thuận rồi cùng nhau kết thân, toan tính khi nào gặp được cơ hội sẽ ra tay hãm hại. Triệu Đại rất đắc chí, thường tự hào là “không cần dùng sức, chỉ dùng trí” cũng hạ được kẻ thù.
Chẳng bao lâu cơ hội đã tới, nhân lúc say rượu, Trương Thuận bị Triệu Đại nói khích nên dại dột cho rằng phải bất lương mới giàu có được. Thấy Triệu Đại tỏ ý nghi ngờ, Trương Thuận liền chạy vào nhà trong lấy ra mấy chục nén bạc rồi đặt chuyện, huênh hoang kể:
- Hôm ấy đi giữa đường, ta thấy có người mang nhiều vàng bạc mà trời lại tối, chẳng có ai qua lại, liền xông đến đánh chết hắn rồi cướp số bạc này đây.
Triệu Đại mừng thầm trong bụng, giả như ngờ vực hỏi:
- Có thật thế không? Còn cái xác người kia để lộ trên đường thì làm gì giấu được tai mắt của sai nha?
Rượu làm cho Trương Thuận mất hết lý trí, cười khà khà nói với Triệu Đại:
- Bằng hữu ơi! Sao mà ngu ngốc đến thế? Giết người cướp của tất phải phi tang. Nhân ở đó gần giếng Thâm Tỉnh, ta liền vác xác chết quăng xuống luôn. Hà! Hà! Thế là trời không biết, quỷ không hay, số bạc này ta ung dung mà tiêu xài cho đến mãn đời.
Chẳng chờ cuộc rượu tàn, Triệu Đại nghe xong lập tức về nhà viết đơn tố cáo dâng lên quan huyện Sử Minh và ông đã cho xác minh bằng cách đến tận giếng Thâm Tỉnh để lấy cái xác lên. Tuy nhiên có một điểm mà không ai chú ý, đó là Trương Thuận kể đã đánh chết người, riêng cái xác lại không đầu, là chi tiết hoàn toàn sai lạc nên quan huyện Sử Minh nhận ra ngay, tạm thời chưa xét xử vội.
Khi Sử Minh yết thị cho người đến nhận xác chết thì lập tức có Đào Nương đến nhận, khai rằng Vương Tuấn trước khi di buôn đã bán hết ruộng đất được mấy trăm lạng bạc. Sử Minh liền hỏi:
- Có lẽ đúng như vậy nhưng tại sao ngươi biết đó chính là xác của Vương Tuấn? Xác chết đâu có đầu mà nhận diện được mặt mũi?
Đào Nương miệng lưỡi khai rằng:
- Trước khi đi chồng của dân nữ có dặn rằng chừng vài ba tháng sẽ về qua lối Lĩnh Nam, thật trùng khớp với thời điểm Trương Thuận giết người cướp của. Nay đã quá hẹn rồi mà chưa thấy chồng dân nữ về thì tất cái xác dưới giếng là của chồng dân nữ không sai. Hiện nay chúng con rất túng thiếu, xin đại nhân cho nhận xác về chôn cất tử tế, đừng để mang tiếng phụ tình bạc nghĩa. Sau đó dân nữ cũng cúi xin đại nhân soi xét cho nhận lại số bạc vốn liếng đã phải vất vả buôn bán ngược xuôi mới có được.
Sử Minh vuốt râu cười nhẹ, ậm ừ chứ không trả lời dứt khoát, sau đó chợt hỏi:
- Khi ra đi chồng ngươi mặc áo lót màu gì?
Bị hỏi bất ngờ, Đào Nương giật bắn cả người nhưng vốn xảo quyệt nên mau lẹ đáp luôn:
- Hình như chàng mặc chiếc áo lót đã bị rách một chỗ thì phải.
Sử Minh lập tức cho quân khám nghiệm, quả nhiên xác chết không đầu ấy mặc chiếc áo lót màu trắng có một chỗ bị rách. Đào Nương thấy vậy rất mừng, liền òa lên khóc nức nở, kể lể những nỗi niềm vợ chồng xa cách, nay lại gặp phải đau thương đến mức chẳng còn muốn sống nữa. Sử Minh lẳng lặng nghe những lời ai oán thê lương ấy, bất chợt lại hỏi:
- Gia đình ngươi có mấy người?
Đào Nương tưởng rằng quan huyện hỏi như vậy để xem ai xứng đáng là người thừa kế số bạc nên tươi tỉnh thưa ngay:
- Bẩm đại nhân! Vợ chồng dân nữ cưới nhau chưa bao lâu nên chưa có con cái. Anh em của chàng cũng chẳng còn ai. Hiện tại chỉ mỗi mình dân nữ sống đơn chiếc, vất vả. Nếu đại nhân muốn trả số bạc ấy cho gia đình thì chẳng ai xứng đáng hơn là dân nữ vậy.
Sử Minh gật đầu:
- Hay lắm! Ngươi cứ chờ sau khi ta kết án Trương Thuận xong sẽ trả số bạc này cho ngươi làm vốn liếng lấy chồng khác. Bây giờ hãy cứ ở trong nhà đừng ra ngoài, chờ khi nào bản quan điều tra xong sẽ gọi lên.
Đào Nương cả mừng, sụp đầu vái lạy như tế sao, hết lời khen ngợi quan huyện anh minh sáng suốt. Ả chắc mẩm phen này không những che giấu được tội ác mà còn được hưởng số tiền khá lớn, tha hồ cùng với Đỗ Bưu ăn chới khoái lạc.
Sau đó Sử Minh cho người khám nghiệm tử thi cẩn thận, ghi kỹ vào văn án là xác chết có một vết dao đâm rất sâu. Căn cứ theo thời gian da thịt bị hủy hoại thì vết thương bị dao đâm có trước vết thương nơi chỗ bị cắt đầu, chứng tỏ nạn nhân đã bị đâm chết trước rồi mới cắt đầu để người khác không còn nhận diện được nữa. Hồ sơ án mạng đã lập xong, Sử Minh liền cho gọi tất cả lên công đường xem xử án.
Khi ông bắt Trương Thuận ký vào văn án, tên này nhất định không chịu, hết kêu khóc lại đến van xin nhưng một mực kêu oan. Sử Minh tức giận đập bàn quát lớn:
- Chính tai Triệu Đại đã nghe ngươi khoe khoang giết người cướp của rồi đẩy xuống giếng. Nay ta đã tịch thu được tang vật cùng với chứng cứ là xác chết rành rành ra đó, còn lẻo miệng kêu oan hay sao? Ngươi khôn hồn thì mau ký vào án văn kẻo tan da nát thịt thì đừng trách bản quan đấy.
Trương Thuận lắc đầu cãi lại:
- Số bạc này đã được anh rể tiểu dân là Chử Trung gởi mua đất lập nghiệp. Còn cái xác chết là của ai thì thật tình tiểu dân không hề hay biết, xin đại nhân anh minh soi xét cho. Tiểu nhân chỉ vì chút rượu mà nói càn quấy, thật sự chưa bao giờ dám giết người, oan uổng vô cùng đại nhân ơi.
Thấy Trương Thuận cứ kêu gào mãi, quan huyện Sử Minh đâm bực, lớn tiếng quát:
- Gian nhân này ngoan cố quá! Bay đâu, đánh cho hắn hai mươi trượng xem có gan mãi được không?
Bọn sai nha dạ vâng rồi xúm lại đè Trương Thuận xuống đất, vừa giơ roi lên chưa kịp đánh thì chợt Sử Minh lại kêu lớn:
- Khoan đã! Bản quan không muốn dùng tới cực hình kẻo người không hiểu lại cho rằng bức cung. Họ Trương kia, ngươi hãy mau khai đi, lần này ta đã khoan nhượng cho ngươi lắm rồi đấy.
Trương Thuận cả mừng vì tránh được roi đòn nhưng vốn tính thật thà, vẫn nhất quyết không chịu khai nhận. Sử Minh tức quá, sai nha lại mang dụng cụ kẹp chân tay đến bày ra trước mặt rồi gằn giọng nói:
- Tên gian hoạt khốn khiếp kia, ngươi cho rằng ta nhân hậu không dám tra tấn ngươi chắc? Đây là lần cuối, ngươi hãy khai tình thực đi.
Nhìn thấy dụng cụ tra tấn, Trương Thuận hoảng vía xanh xám cả mặt nhưng vẫn kêu lên thảm thiết:
- Trời ôi! Chắc tiểu dân chết mất! Đại nhân bắt khai thì tiểu dân biết khai thế nào đây?
Sử Minh cười nhạt:
- Thì ngươi đã kể với Triệu Đại giết người cướp của ra sao thì cứ theo đó mà khai. Sao lúc có rượu ngươi anh hùng lắm, bây giờ lại như con rùa rút đầu rút cổ thế?
Dù Sử Minh ngon ngọt thế nào Trương Thuận vẫn nhất định một mực kêu oan khiến ông ta phải nổi giận, đập bàn quát lớn:
- Họ Trương kia! Bản quan vốn thương người, nay đã mở cho ngươi con đường sống, nếu ngươi khai thực thì bản quan sẽ làm án nhẹ đi đôi chút, bằng trái lại thì đừng trách.
Thấy Trương Thuận cúi mặt không trả lời, Sử Minh liền nói:
- Bây đâu, kẹp cả mười đầu ngón tay lẫn mười đầu ngón chân hắn cho ta. Lần này phải kẹp thật mạnh vào mới được.
Trương Thuận nghe vậy rùng mình, ngước đôi mắt đỏ hoe lên rồi run giọng thưa:
- Đại nhân đã quyết như vậy thì tiểu nhân chết chắc rồi. Khai cũng chết mà không khai cũng chết. Tiểu nhân nghĩ lại chi bằng đại nhân muốn khai thế nào tiểu nhân đều nhận hết, cùng lắm cũng đến cái chết mà thôi, việc gì phải chịu đau khổ như xuống địa ngục thế này.
Sử Minh mỉm cười, dịu giọng nói:
- Ngươi nghĩ vậy là đúng lắm. Bây giờ hãy khai ra giết người như thế nào để nha lại ghi vào án văn.
Trương Thuận ngơ ngẩn mất một chút bởi hoàn toàn không biết khai ra sao. Sử Minh phải nhắc nhở từng lời hắn mới theo đó mà khai:
- Thưa đại nhân! Chẳng qua là tiểu dân túng thiếu quá nên sinh lòng gian độc, toan tính rằng con đường phía nam vắng vẻ nếu chặn được ai tất sẽ cướp của dễ dàng nên mới phục ở đó mấy ngày. Lúc Vương Tuấn đi qua, dáng hắn nặng nề hình như mang nhiều vàng bạc nên tiểu dân lén quanh ra phía sau, dùng đao chặt vào cổ một nhát thực mạnh. Vương Tuấn rơi đầu rồi, tiểu dân liền chạy đến lục lấy hết tiền bạc, sau đó ném cái xác xuống giếng để phi tang.
Sử Minh gật gù theo dõi lời khai, chợt hỏi:
- Vậy cái thủ cấp ngươi để ở đâu?
Lần này Trương Thuận hết sức bối rối, ấp úng mãi mới nói được:
- Hình như… hình như… để đâu đó tiểu dân quên rồi. Việc này xảy ra đã khá lâu, có lẽ chó sói hay lợn rừng tha đi mất rồi. Tiểu nhân đã nhận tội, đại nhân cũng không cần truy cứu cái thủ cấp rữa nát kia nữa làm gì mất công.
Sử Minh tức quá, đập xuống án thư, mắng:
- Tên đê tiện! Ngươi định dạy bản quan về việc hình án nữa sao? Nếu chưa có cái thủ cấp ấy thì vụ án này chưa thể kết thúc được. Ngươi hãy cố nghĩ xem đã giấu ở đâu, càng mau thì càng chết nhanh cho mát thân.
Trương Thuận nghe vậy vò đầu bứt tai, xuống giọng năn nỉ:
- Nhất thời tiểu dân không thể nhớ ra đã giấu ở đâu. Xin đại quan cho một thời gian, may ra tiểu nhân sẽ nhớ lại. Bây giờ đầu óc tiểu nhân mụ mẫm hết rồi, dù đại quan có dùng tới hình phạt gì đi nữa cũng không làm cho nó sáng ra được đâu!
Sử Minh phải bật cười, nói:
- Được rồi! Bản quan bằng gia hạn cho ngươi thêm ba hôm nữa. Cố mà nhớ đã giấu thủ cấp Vương Tuấn ở đâu để mà cùng với sai nha đi tìm.
Suốt ba ngày, Trương Thuận cùng với các sai nha đi khắp vùng đất phía nam Lâm Trị, hết trèo lên đồi cao lại xuống khe để tìm bằng được cái thủ cấp của Vương Tuấn, vất vả trăm bề. Thế nhưng tất cả đều hoài công, lại bị bọn sai nha mắng chửi hành hạ đủ điều, Trương Thuận tức quá ngồi luôn xuống đất kêu khóc, không chịu đi nữa:
- Trời ôi! Chẳng biết kiếp trước Trương Thuận này làm nên nghiệp báo gì mà nay phải nhận lấy oan ức tày đình như vậy. Ta đã không giết người cướp của mà phải nhận tội, đã là quá lắm rồi, nay còn phải vất vả trăm bề thì thật là trời không có mắt thương đến chúng sinh.
Hết kêu khóc, Trương Thuận lại đâm ra điên khùng, lảm nhảm nói một mình:
- Hỡi ôi! Hồn Vương Tuấn ở đâu mau về báo mộng cho quan quân biết rõ sự tình. Hay ít nhất ngươi cũng chỉ cho ta biết cái đầu của ngươi nằm chỗ nào mới phải. Còn tên giết người mà không dám nhận tội kia, ta chết rồi cũng không chịu đầu thai đâu, quyết theo sát ngươi mà báo oán, để ngươi còn phải chịu đau khổ gấp trăm lần như thế này thì hồn phách ta mới siêu thoát được.
Trương Thuận kêu khóc quá dữ nên mấy tên sai nha cũng không dám hành hạ nữa, thấy trời đã về chiều thì dìu hắn đứng dậy trở về huyện đường. Trương Thuận hầu như đi không nổi, nghĩ rằng lần này về tới nơi chắc chắn sẽ phải nhận lãnh cực hình đến tan da nát thịt. Chẳng ngờ may mắn sao Sử Minh không hề hạch hỏi chút nào, chỉ sai giam vào ngục thất như cũ.
Sáng hôm sau, Sử Minh cho người dán yết thị, tuyên bố chưa tìm ra thủ cấp nạn nhân, nếu ai tìm được sẽ thưởng 20 quan tiền. Yết thị dán lên chưa được mấy ngày thì đã có Đỗ Bưu đem cái thủ cấp nạn nhân bọc trong túi vải đưa tới xin lãnh thưởng. Sử Minh rất mừng, hỏi:
- Ngươi tìm thấy thủ cấp này ở đâu vậy?
Đỗ Bưu thản nhiên đáp:
- Chẳng biết con gì đã ăn hết thịt da, còn xương thì mang đến ngay hàng rào nhà tiểu dân mà để đấy. Đó là cái số tiểu dân được lộc trời cho vậy.
Sử Minh gật gù tán thành, lập tức sai trích ngân khố huyện ra 20 quan tiền thưởng cho Đỗ Bưu. Sau đó ông phán xử tiếp đến Đào Nương, gọi lên hỏi:
- Thủ cấp của nạn nhân đã được tìm thấy. Thế là vụ án kết thúc. Từ nay trở đi ngươi có quyền lấy chồng khác để đừng uổng nhan sắc đi. Ta sẽ yết thị việc này để người nào đó muốn kết duyên cùng ngươi yên tâm.
Giữ đúng lời, qua hôm sau Sử Minh sai người dán yết thị nói rõ Đào Nương được quyền tái giá, nếu ai muốn lấy thì trình lên quan tác hợp cho. Yết thị dán chưa đến một canh giờ thì Đỗ Bưu đã hớn hở đến huyện dâng thư xin cưới Đào Nương làm vợ. Sử Minh cũng vui vẻ chấp thuận, nói:
- Đây là hảo sự. Ngày mai hai ngươi đến công đường để bản quan đứng ra se duyên cho.
Đỗ Bưu cả mừng, trở về sửa soạn rồi hôm sau cùng với Đào Nương ăn mặc lòe loẹt, dẫn theo một số thân thuộc tới công đường. Nhưng hình như quan huyện Sử Minh quên mất việc se duyên, vẫn thăng đường giống như xử án, đập bàn rồi chỉ mặt Đỗ Bưu và Đào Nương quát tháo:
- Việc giết Vương Tuấn như thế nào? Hãy khai ra mau!
Đào Nương tưởng như mơ ngủ, vội vàng trả lời:
- Trương Thuận giết người rất đáng tội chết. Hắn đã khai rõ trước công đường mấy hôm rồi, sao đại nhân phải hỏi lại làm gì cho thêm bận rộn ngày hôn lễ?
Sử Minh cười nhạt, nói:
- Vụ án đã kết thúc đâu! Trương Thuận ta đã thả ra rồi, còn tên giết người thật sự chưa khai thì chưa kết thúc được vụ án.
Đỗ Bưu thoáng biến sắc nhưng trấn tỉnh được ngay, vênh váo nói:
- Đó là việc của đại nhân, chúng tôi làm sao biết được Trương Thuận có tội hay không? Cũng không biết chân dạng phạm nhân mà đại quan vừa nói là ai. Đó là người nào, đại nhân cứ nói thẳng ra đi.
Sử Minh liền đứng dậy, nghiêm nghị chỉ tay vào mặt Đỗ Bưu và Đào Nương, gằn giọng nói từng tiếng rõ ràng:
- Giết người là hai đứa dâm ác đê tiện chúng bây chứ còn ai khác nữa?
Đỗ Bưu và Đào Nương nghe vậy tái xanh cả mặt mày, đồng thanh kêu oan:
- Trời ôi! Đại nhân nói gì vậy? Rõ ràng Trương Thuận giết người cướp của. Sự việc đã điều tra rõ ràng, sao nay đại nhân lại đổ cho chúng tiện dân là thủ phạm?
Sử Minh không thèm để ý đến những lời kêu gào đó, thong thả nói to cho mọi người nghe rõ:
- Ngay từ đầu bản quan đã nhìn ra một số mâu thuẫn trong vụ án nên cố tình ghép tội cho Trương Thuận, vừa kéo dài thời gian xem xét cho chính xác vừa làm kế dẫn dụ hai ngươi lọt vào bẫy phải tự lộ mặt ra. Các ngươi vẫn còn kêu oan ư? Bản quan sẵn sàng đưa ra những câu hỏi, nếu các ngươi trả lời được thì mới là vô tội.
Sử Minh nói xong chỉ mặt Đào Nương quát:
- Ngươi chưa nhìn thấy xác chết đã nhận ngay đó là Vương Tuấn, chẳng phải đã biết trước có cái xác chết đó rồi sao? Vả chăng chồng ngươi uất ức bỏ ra đi, làm sao ngươi biết được mặc quần áo lót màu gì? Ngươi còn biết rõ áo lót bị rách một chỗ thì chắc chắn phải là thủ phạm giết người không sai.
Thấy Đào Nương và Đỗ Bưu lúng túng, Sử Minh cười gằn, tiếp lời:
- Hay thật! Vương Tuấn thu xếp toàn bộ tiền nong đi buôn, thế mà phải mặc cái áo lót rách. Hai ngươi không lạ lùng về việc này hay sao?
Sử Minh nói đến đâu, Đào Nương và Đỗ Bưu mặt mày xanh tái đến đó, không sao thốt ra lời cãi lại được. Sử Minh hỏi mà không cần trả lời bởi sự việc đã quá rõ ràng. Ông thong thả quay sang Đỗ Bưu hỏi:
- Bản quan vừa yết thị thưởng cho ai tìm được cái thủ cấp thì ngươi mau chóng đem đến ngay. Phải chăng đã giấu ở đâu rồi nôn nóng muốn lấy Đào Nương nên cấp tốc đem ra. Hà hà, quả là “nhất cử lưỡng tiện” vừa lấy được vợ đẹp vừa có tiền thưởng. Ngươi thật ngu ngốc khi không nghĩ rằng đó chính là chứng cứ mà ta muốn tìm từ lâu rồi.
Thấy bọn chúng vẫn không cãi được lời nào, Sử Minh liền gọi nha lại:
- Hãy đem giấy mực ra đây, viết thành văn án cho bọn chúng điểm chỉ vào. Hình cụ cũng bày ra sẵn sàng, nếu như bọn chúng ngoan cố thì cứ tra khảo mạnh tay cho ta.
Đào Nương và Đỗ Bưu tự biết mình đuối lý, nếu cố chống cãi chỉ thêm thiệt vào thân nên ngoan ngoãn khai tất cả sự thật. Hóa ra vụ việc còn một số chi tiết mà Sử Minh không ngờ tới. Đó là khi Vương Tuấn buôn bán xong trở về nhà, bắt gặp Đỗ Bưu và Đào Nương đang phè phỡn ăn uống với nhau. Vương Tuấn vẫn cố nhịn nhục nhưng Đỗ Bưu ngang ngược đuổi đi để cho mình được tự do. Lần này Vương Tuấn không sao chịu nổi, nhìn thấy con dao mổ lợn của Đỗ Bưu để ở góc nhà liền chạy đến lấy, toan đâm chết Đỗ Bưu cho hả giận. Chẳng ngờ Đào Nương đứng gần, ôm chặt lấy Vương Tuấn giúp cho Đỗ Bưu giật được con dao. Sẵn bản tính hung ác, Đỗ Bưu liền đâm vào ngực Vương Tuấn một nhát, trúng ngay quả tim nên Vương Tuấn chết ngay tại chỗ.
Nhờ lời khai này Sử Minh mới biết Đỗ Bưu mới chính là hung thủ, còn Đào Nương là tòng phạm. Khi giết người xong, Đỗ Bưu và Đào Nương cũng kinh hoảng bởi theo luật pháp lúc bấy giờ, dù do nguyên nhân gì hễ giết người phải đền mạng, ngoại trừ trường hợp tự vệ hay bị bức bách. Hai tên này bàn nhau cắt đầu Vương Tuấn để không ai có thể nhận diện được rồi cẩn thận mang mãi đến tận giếng Thâm Tỉnh vứt xuống đó. Tất cả đều được bọn chúng tính toán rất kỹ, tưởng đâu không ai có thể khám phá ra, chẳng ngờ Trương Thuận trong lúc hứng thú nói bừa mà run rủi sao lại gần đúng với thực tế. Quả là trời đất xui khiến, không để cho bọn côn đồ gian dâm thoát khỏi vòng lưới công lý.
Riêng Sử Minh đã nhìn ra những điểm mâu thuẫn trong vụ án, cố tình ghép tội cho Trương Thuận để bọn giết người yên tâm, đồng thời bày ra một loạt mưu kế, dùng yết thị dẫn dụ bọn chúng lộ diện. Ai nấy nghe xong đều nức nở khen Sử Minh là người xét án sáng suốt. Sau khi Đào Nương và Đỗ Bưu khai cung rồi điểm chỉ xong, Sử Minh lại cho gọi Trương Thuận và Triệu Đại ra đối chất, sau đó tuyên án:
- Đào Nương là đàn bà đê tiện hoang dâm, tuy chỉ là tòng phạm nhưng xét theo đạo lý vợ chồng thì còn nặng hơn cả Đỗ Bưu, trước tiên phải đánh năm trăm roi, nếu còn sống sẽ đưa lên tỉnh thụ lý. Đỗ Bưu là kẻ súc sinh, cướp vợ người, chiếm đoạt cả gia sản mà chưa vừa lòng còn xuống tay hạ sát Vương Tuấn thì đến trời đất cũng không thể dung thứ được, ghép vào tội xử trảm nhưng trước tiên cũng phải chịu chút đau khổ, đánh cho hắn bốn mươi trượng thật nặng.
Sau đó Sử Minh chỉ mặt Triệu Đại mắng:
- Còn ngươi mang tiếng bằng hữu mà lòng lang dạ sói, chỉ rình chờ cơ hội hại bạn bè thì cũng phải phạt nặng làm gương cho kẻ khác. Bây đâu! Đem hắn xuống đánh một trăm roi rồi giam vào ngục, khi nào nộp đủ số tiền trăm lượng bạc mới được tha ra. Còn gia sản của Vương Tuấn không có ai kế thừa thì sung công, làm quỹ cứu tế người nghèo.
Quay lại phía Trương Thuận, Sử Minh nhẹ lời khuyên răn:
- Bản quan ngay từ đầu đã biết ngươi không phải thủ phạm nhưng vì muốn điều tra tỏ tường nên bất đắc dĩ phải làm cho ngươi đau khổ một chút. Thế nhưng xét lại thì chính ngươi đã gây ra tai họa cho chính mình chứ không phải bản quan. Nếu như ngươi đừng say rượu ăn nói bừa bãi thì đâu đến nỗi đến cửa quan? Ngươi được tha về nhớ lấy bài học này mà chừa thói rượu chè say sưa đi, như thế mới có thể trở nên người tốt cho xã hội.
Thế là vụ án đã phá xong, thủ phạm bị trừng trị, còn Trương Thuận trở về nhà, rất hối hận nên từ đó tuyệt đối không bao giờ nhìn đến chén rượu nữa. Triệu Đại cũng bị bài học nhớ đời này mà trở thành người tốt, thành thực xin lỗi Trương Thuận rồi sau đó hai người trở thành bạn bè thân thiết.