KHÔNG NGỪNG TRAU DỒI KIẾN THỨC
Bạn có thể có nhiều kinh nghiệm và đã rất thành công trong quá khứ. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đó thôi thì không thể đảm bảo bạn sẽ tiếp tục thành
công và phát huy được hết năng lực trong suốt cuộc đời. Những kinh nghiệm bạn tích luỹ, nếu không được vận dụng vào thực tế thì nó cũng giống như những mảnh vỡ rời rạc không thể phát huy tác dụng. Chúng ta nên biết rằng, người thông minh hơn là người có thể biến những sự kiện hoặc tình huống nhỏ nhất có được thành những đột phá trong suy nghĩ và hành động. Hãy xem cuộc đời như trường học và mỗi kinh nghiệm là một bài học. Bạn sẽ thấy việc trau dồi học hỏi này có ý nghĩa hơn bản thân những trải nghiệm của bạn rất nhiều.
Để có được một tương lai thành công và tươi đẹp, chúng ta phải không ngừng học hỏi, học hỏi ở ngay những kinh nghiệm mình có được. Tuy nhiên, để ứng dụng một cách hợp lý và hiệu quả, chúng ta phải đảm bảo nắm được thực chất của từng kinh nghiệm, bởi bản thân mỗi kinh nghiệm đều luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt “tích cực” là mặt có thể tạo động lực giúp bạn tiến bộ,làm tăng khả năng và sự tự tin của bạn. Mặt “tiêu cực” thì ngược lại: những yếu tố sót lại của kinh nghiệm có thể kìm hãm hoặc triệt tiêu động lực của bạn.
Một khi xác định được đâu là hai mặt của mỗi kinh nghiệm, bạn hãy cố gắng học hỏi những phương pháp mới nhằm tối ưu hoá mặt tích cực và giảm thiểu hoặc loại trừ mặt tiêu cực. Bạn sẽ có được những kiến thức uyên thâm, trí tuệ mới mẻ và phương thức hành động hiệu quả hơn. Trong quá trình này, kinh nghiệm sẽ được chuyển hoá thành nguồn lực phát triển và bản thân nó cũng mang lại những ý nghĩa tích cực mới.
Bài học lớn từ kinh nghiệm nhỏ
Một kinh nghiệm dù rất nhỏ cũng có thể trở thành nguồn kiến thức to lớn.
Catherine đã chia sẻ với chúng ta trải nghiệm của cô ấy.
“Lần nọ sau khi dùng bữa cơm tối, tôi được cha tặng cho một túi đồ ăn, một cái lò vi sóng và một cái bồn rữa mặt để thay cho cái bồn bị bể ở ngôi nhà tôi mới dọn đến.
Về đến nhà, tôi vác cả ba thứ này vào cùng lúc trên hai tay. Khi quay đầu vào nhà,tôi nhận ra là chưa đóng nắp thùng xe. Có một đầu gối lên để đỡ lò vi sóng, tôi với tay đóng nắp thùng xe. Nhưng tôi đã đánh giá sai khả năng của mình. Vì sức nặng cuẫ túi đồ ăn treo trên cổ tay, tôi đã không kịp rút tay ra khi nắp thùng xe sập xuống. Ngón tay tôi bị kẹp,đau ê ẩm. Tôi loay hoay tìm cách đặt chiếc bồn xuống đất. Nhưng không may,nó rơi xoảng xuống. Tôi đành ngậm ngùi cho tay vào túi quần lục tìm chìa khoá trong tư thế đứng trên một chân, và phải cố giữ thăng bằng sao cho chiếc lò không cùng chung số phận với cái bồn. Lạy trời,chìa khoá cốp xe nằm ngay trong túi, nếu không, tôi không biết mình sẽ phải đứng ở tư thế đó đến bao giờ.
Cuối cùng, tôi cũng giải thoát được cho ngón tay mình, mặc dù nó bị bầm tím và đau buốt. Chiếc bồn rớt xuống đã làm xước một đuờng lớn trên thân xe và làm rách một vết dài trên chiếc quần jean tôi đang mặc. Tôi thấy mình thật ngớ ngẩn khi hành động quá bất cẩn và hồ đồ như thế.Thế là tôi nổi điên với chính mình. Nhưng sau đó,tôi bỗng nhớ đến lời khuyên của một nguời bạn: “Bạn nên mang một vật bằng hai tay hơn là mang hai vật bằng một tay”. Chính xác là vậy, không có gì đúng hơn nữa.
Tôi chợt nhận ra rằng, từ trước đến giờ, mình vẫn thường làm những việc ngu ngốc như thế. Đã đến lúc phải thay đổi những thói quen này.
Ngón tay của tôi bầm đen suốt cả tháng như một sự nhắc nhở liên tục mỗi khi tôi có ý định làm nhiều việc cùng một lúc. Xe tôi vẫn còn vết trầy nhưng nó không làm tôi phát điên lên nữa. Thật ra, tôi thấy mình may mắn. Tai nạn đã có thể xảy đến khi tôi lái xe trên đường cao tốc,vừa nghe điện thoại vừa ăn kem. Nếu vậy,mọi việc chắc còn tệ hơn nhiều. Mặt tích cực của kinh nghiệm này là nó đã thức tỉnh tôi trước một thói quen xấu làm phương hại đến công việc và bản thân tôi.
Hiện giờ, tôi cố gắng chỉ chú tâm vào một công việc và chấp nhận mất thời gian hơn một tí. Tôi đã học được cách nói “không” khi cần thiết, và tôi cũng biết cách điều phối công việc linh hoạt hơn. Dần dần,tôi ít bị căng thẳng hơn và lạ lùng thay, dường như khối lượng công việc tôi làm được còn nhiều hơn trước. Không bị quay cuồng, bận rộn với quá nhiều việc cùng một lúc đã giúp tôi tập trung giải quyết từng việc tốt hơn và giúp tôi nhìn thấy những khả năng mà trước đây, do bị phân tâm, tôi không hề để ý đẹn”
Học hỏi có sàng lọc
Những kinh nghiệm đã trải qua sẽ để lại cho bạn những bài học vô cùng giá trị. Bạn sẽ cảm nhận được mình trưởng thành từ đó. Tuy nhiên, không vì vậy mà bạn phải học tất cả những gì rút ra được từ quá khứ. Hãy chọn lựa những điều bạn cảm thấy cần thiết,có thể giúp trau dồi kiến thức, tôi luyện cảm xúc và áp dụng được vào thực tế cuộc sống.
Đôi khi, phương pháp học hỏi này có thể tạo ra những đổi mới vượt bậc, như trường hợp của Mary Anne Ehlert.
Mary Anne có một chị gái là Marcia bị chứng bại não. Trong khi các gia đình khác thường xuyên tổ chức những buổi dã ngoại hay cùng ra ngoài ăn tối thì gia đình của Mary Anne không có những khoảng thời gian như thế vì phải luân phiên chăm sóc Marcia. Ba mẹ của Marcia luôn cảm thấy ray rứt vì không thể đem đến cho các con sự nuôi nấng, dạy dỗ tốt hơn được.
Bất cứ đứa trẻ nào bị đặt trong hoàn cảnh gia đình như vậy cũng phải chịu rất nhiều yếu tố tác động từ xung quanh. Khi còn thơ bé, Mary Anne kiên quyết rằng nếu ai không chơi với chị Marcia thì cũng không phải là bạn của cô. Mary lúc nào cũng ở bên chị mình, do đó, cô dần học được cách kiềm chế những cơn động kinh của Marcia và luôn nhiệt tình với bất cứ cách chữa trị mới nào mà ba mẹ cô muốn thử áp dụng cho chị mình. Cô dạy Marcia cách biểu đạt cảm xúc, và giúp gia đình hiểu rằng “đó không phải là việc làm vô ích”. Mặc dù luôn phải sống trong căng thẳng và áp lực nhưng gia đình cô luôn gắn bó,cùng nhau vượt qua khó khăn.
Đó là gia đình, còn về công việc, Mary cũng gặp khá nhiều điều không như ý muốn. Dù có thâm niên 20 năm làm việc trong ngành ngân hàng, cô vẫn kiên quyết từ chức khi không đồng ý với việc cắt giảm nhân sự bằng cách sa thải hơn 1500. nhân viên chỉ trong vòng hai ngày. Sau đó, cô trở thành chuyên viên tư vấn tài chính phụ trách phần hoạch định hưu trí và tài sản thừa kế. Từ đây, cô có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn vấn đề chu cấp cho Marcia sau này, khi cha mẹ đã già yếu. Mary Anne bắt đầu tìm hướng giải quyết và nhanh chóng nhận ra đây là vấn đề mà rất nhiều gia đình có con bị khuyết tật quan tâm. Lúc đầu, cô lấy tình hình tài chính gia đình mình làm thử nghiệm để tính toán, tìm ra những sáng kiến và hướng giải quyết giúp ổn định cuộc sống cho chị mình sau này.
Không lâu sau, cô và nhóm làm việc của mình đưa ra chương trình Bảo trợ
Tương lai, bao gồm hàng loạt các dịch vụ hỗ trợ những gia đình có trẻ khuyết tật ở nhiều mức độ khác nhau. Nhờ kinh nghiệm từ hoàn cảnh riêng của mình mà cô có thể chia sẻ một cách thẳng thắn với những gia đình có hoàn cảnh tương tự, và giúp đỡ họ bằng sự đồng cảm cũng như cảm thông sâu sắc. Chương trình Bảo trợ Tương lai đã không ngừng phát triển nhờ vào những phương pháp hoàn toàn mới mẻ nhằm cải thiện cuộc sống cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong khi một số người có tuổi thơ giống Mary Anne lùi bước trước hoàn cảnh, đầu hàng số phận thì Mary Anne lại chọn cho mình con đường riêng,đó là dùng kinh nghiệm tạo ra sự thay đổi. Bằng cách tìm hiểu mặt tích cực (tình yêu thương gia đình, ham học hỏi, mong muốn cống hiến…) cũng như tiêu cực (căng thẳng, mệt mỏi, cuộc sống bấp bênh,những hy sinh trong gia đình…) trong hoàn cảnh của mình, cô đã tìm ra hướng đi cho gia đình mình và những ai cùng cảnh ngộ. Những đóng góp của cô là vô cùng ý nghĩa và quan trọng đối với một bộ phận không ít người cần sự giúp đỡ đặc biệt. Và cũng trong quá trình này, cô đã tạo dựng được một ngành kinh doanh độc đáo với tiềm năng to lớn.
Kinh nghiệm của bản thân sẽ được làm phong phú thêm bởi những cơ hội học hỏi mà bạn sẽ nhìn thấy nếu chịu tìm kiếm. Biết chuyển hoá kinh nghiệm thành bài học sẽ giúp bạn luôn cảm thấy phấn chấn, yêu đời, và đặc biệt, không bao giờ cảm thấy buồn nản hay thua thiệt vì quá khứ của mình. Bạn hãy để mỗi bài học kinh nghiệm cung cấp cho mình nền tảng tốt hơn trong tương lai.
Thực hành
Chuyển hoá kinh nghiệm
Tập trung vào một kinh nghiệm đã trải qua. Bạn có thể chọn loại kinh nghiệm để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất. Những cảm xúc, tình cảm sẽ tạo ra nguồn năng lượng to lớn thúc đẩy quá trình chuyển hoá. Tiếp theo, bạn hãy tìm hiểu xem đâu là mặt tích cực và tiêu cực của kinh nghiệm đó. Bạn có thể viết ra giấy, rồi suy nghĩ về những việc có thể làm để cải thiện kết quả của lần sau, và xem đây như là một bài học củng cố quyết tâm tiến bước.