Điều này nghe có vẻ hơi lạ nhưng trở thành doanh nhân tức là biết xử lý thất bại – một phần không thể tránh khỏi của quy trình sáng tạo. Như nhà phát minh bóng đèn dây tóc Thomas Eddison đã nói:
Trong 200 bóng đèn không thành công, mỗi thất bại đều cho tôi một điều gì đó để có thể kết hợp cho lần thử tiếp theo.
Tuy nhiên, dường như với mọi người, thất bại là một từ không hay. Không có nhiều sách nói về thất bại. Mọi người xem đó như một căn bệnh truyền nhiễm mà bạn sẽ mắc phải khi nói về nó. Việc này cũng giống như quân đội không bao giờ dạy quân lính cách rút quân.
Có những lúc thất bại lại tốt cho bạn và cho cả doanh nghiệp của bạn. Hy vọng đó chỉ là những thất bại nhỏ. Nhưng rồi bạn sẽ có khả năng giải quyết vấn đề, và hãy bước tiếp, điều đó quyết định thành công cho doanh nghiệp của bạn.
Ngay cả Richard Branson trước khi thành công rực rỡ với thương hiệu và hãng hàng không của mình cũng đã phải trải qua rất nhiều công việc, bao gồm một tờ báo sinh viên, một cửa hàng bán qua thư và ở một phòng khám kế hoạch gia đình. Nhưng ông vẫn tiếp tục tiến lên.
Vinh quang lớn nhất của đời người không phải là việc không bao giờ vấp ngã mà chính là luôn đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
“Tôi bắt đầu kinh doanh bằng lòng nhiệt huyết tràn trề. Năm đầu đầy khó khăn. Tuy nhiên, sau hai năm làm kinh doanh, công việc vẫn không có gì tiến triển. Liệu tôi có nên từ bỏ?” (Christina)
Đó là bức thư xúc động nhất mà tôi nhận được từ một độc giả. Đừng từ bỏ! Tuy nhiên, công việc kinh doanh của Christina có gì đó không ổn và đã đến lúc cô cần phải xem lại. Có hai kiểu “thất bại”.
1. Đã đến lúc phải hy sinh con bò tế thần
Một đồng nghiệp người Đan Mạch nói với tôi: “Đôi khi bạn phải chuẩn bị để hy sinh con bò tế thần.” Bạn cần phải đối mặt với thực tế là dù bạn đã đổ nhiều mô hồi, công sức và thời gian nhưng hoạt động kinh doanh của bạn không tiến triển và thật sự đang khiến doanh nghiệp của bạn thụt lùi. Khi đó, bạn phải ra quyết định chấm dứt hoạt động này và tập trung vào những hoạt động khác.
Câu chuyện của hãng Shell cho thấy một công ty đi lên từ một cửa hàng nhỏ “thất bại” thành một công ty bán lẻ lớn nhất thế giới. Tương tự, Tom Farmer đã bắt đầu công việc dọn rửa đồ dùng bếp ở Edinburgh và từ đây ông đã gây dựng nên một doanh nghiệp trị giá 1 tỷ bảng.
Vì vậy, nếu công việc kinh doanh của bạn không tiến triển, bạn có thể thay đổi bằng cách đưa sản phẩm tương tự đến với những khách hàng khác nhau; thay đổi cách chuyển hàng bằng cách cho thuê, hoặc tìm kiếm tư vấn chứ không nên bán đứt toàn bộ doanh nghiệp.
Một ví dụ khác:
Tôi bắt đầu công việc kinh doanh là xuất bản và bán cuốn kỷ yếu. Nó khá ổn, nhưng sau khoảng ba năm, lợi nhuận tăng không đáng kể, và công việc kinh doanh chỉ mang tính thời vụ. Vì vậy, chúng tôi quyết định đa dạng hóa thành một công ty xuất bản và nó phát triển khá nhanh. Tuy nhiên…
Năm ngoái, tôi phát hiện thấy có ba sinh viên trẻ ở Mỹ đã bắt đầu công việc kinh doanh kỷ yếu, và họ làm trực tuyến. Giờ đây họ đã nhận được lời đề nghị mua lại từ Yahoo với giá 1 tỷ đô-la.
Đa dạng hóa theo cách của Caspian là như thế.
2. Khi cảm thấy đã dần mất rất nhiều thứ
Có nhiều lúc dù bạn tin tưởng vào thành công lâu dài của doanh nghiệp, nó vẫn có vẻ như là đang tụt dốc.
Có thể một khách hàng lớn của bạn bị phá sản, một nhân viên chuyển sang làm một công việc khác tốt hơn, bạn bị phá đám, đối thủ của bạn giành được công việc rất tốt và bạn bị ốm.
Khi xét từng việc riêng lẻ, những điều này không làm bạn phải lo lắng quá nhiều. Nhưng khi gộp chúng lại với nhau, từng chút, từng chút một thì những phản hồi tiêu cực bắt đầu hình thành một dòng nước lớn tuôn ra từ lòng tự trọng của bạn. Một sáng bạn tỉnh dậy và nghĩ: “Hãy bỏ nó đi, đây không phải là trò chơi dành cho mình” và cân nhắc việc từ bỏ. Như Gill, một độc giả, đã viết cho tôi:
“Có lời khuyên nào để tôi có thể dừng những thứ đang làm tôi kiệt quệ không?”
Đây không phải là lúc từ bỏ, mà là lúc cần phải có phương thuốc cho động lực của bạn. Hãy đọc chương tiếp theo.
Thực tế là có một kiểu ‘thất bại’ thứ ba mà rất ít người có thể nhận thức được bởi nó được ngụy trang sau thành công của họ. Một ví dụ điển hình:
Derek điều hành doanh nghiệp trong sáu năm. Dù có thu được lợi nhuận song họ cũng không phát triển nhiều trong vài năm cuối. Anh làm việc sáu ngày trong tuần và đến tận đêm. Mới đây, nhân viên của anh đã chuyển sang làm việc cho đối thủ và kiếm được nhiều hơn cả khoản tiền Derek có thể tự trả cho mình. Anh không thể tăng giá cao lên vì anh có rất nhiều đối thủ. Anh không muốn từ bỏ vì anh đã dành quá nhiều công sức vào nó và sẽ không ai mua nó vì anh là người làm chính của doanh nghiệp.
Derek không nhận thấy rằng không phải anh sở hữu doanh nghiệp mà là doanh nghiệp sở hữu anh.
Một cuốn sách hay nên đọc là E-Myth: Để trở thành nhà quản lý hiệu quả1 của Michael Gerber. Nó giải thích cách những người chủ dành nhiều thời gian làm “công việc kinh doanh của họ” chứ không phải vào “doanh nghiệp của họ”. Họ cần phải cho mình không gian và thời gian xem xét cơ cấu doanh nghiệp và phương thức hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải chỉ làm việc.
Dù bạn cảm thấy đau lòng khi phải chấp nhận doanh nghiệp của mình không tiến triển bao nhiêu sau những nỗ lực bạn đã bỏ ra, nhưng có cố gắng hơn nữa cũng không thể thay đổi được tình hình. Do vậy, bạn cũng phải cân nhắc ‘chi phí cơ hội’. Chi phí bạn phải bỏ ra cho doanh nghiệp lại chính là lợi nhuận bạn có thể kiếm thêm được ở một doanh nghiệp khác. Thế giới thật buồn tẻ nếu Richard Branson là người duy nhất được biết đến như là ‘Người xuất bản báo sinh viên hàng đầu Anh quốc’.