Rich Dad, Poor Dad - Cha giàu, cha nghèo hay Hai người cha của Robert Kiyosaki.

3047 lượt xem | thứ hai, 26/10/2020 - 13:05

Trong cuốn sách Rich Dad, Poor Dad - Cha giàu, Cha nghèo, Robert Kiyosaki đã dùng hai hình ảnh của hai nhân vật đối lập nhau để bày tỏ được chân thật nhất quan điểm của mình. Cùng là người bố nhưng họ lại thuộc 2 trường phái, suy nghĩ, tư tưởng hoàn toàn khác nhau.

Cha giàu cha nghèo

 Bố ruột được ông gọi với cái tên “Cha nghèo” là người có kiến thức sâu rộng, học hành đỗ đạt. Ông tốt nghiệp từ trường Đại học Stanford, California và trường Đại học Northwestern bằng PhD. Vào thời điểm này, “Cha nghèo” còn trở thành người đứng đầu trong ngành giáo dục ở bang Hawaii. Tuy nhiên, ông lại phải sống một cuộc đời nghèo khổ vì không có khả năng tự lo tài chính cho mình sau khi mất đi công việc.

Người bố còn lại, người mà Robert Kiyosaki đặt cho cái tên “Cha giàu” lại là người trái ngược hoàn toàn so với bố ruột của ông. “Cha giàu” là bố của Michale - một người bạn thân của Robert Kiyosaki. Lên lớp 8 ông đã không chọn con đường học hành để thành công. Ông bỏ học và bắt đầu kiếm tiền. Tuy không học hành tử tế nhưng về sau ông lại trở thành một triệu phú nhờ khả năng tự lo và những kinh nghiệm trong việc sử dụng tài chính của mình.

Một bên là người cha học rộng hiểu cao, nghèo khổ. Bên còn lại là người cha ít học nhưng lại là triệu phú. Đây là hai hình ảnh đối lập hoàn toàn, làm nổi bật được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đồng tiền, sự nghiệp của cuộc đời người đàn ông. Và đây cùng là hai luồng tư tưởng ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và cách mà Robert Kiyosaki vận dụng để thay đổi số phận của bản thân mình.

Cuốn sách “Cha giàu, Cha nghèo” của ông vì thế mà để lại được nhiều ấn tượng đối với độc giả. Bạn có đang tò mò về những gì mà người “Cha giàu” đã dạy cho Robert Kiyosaki hay không?

Cha ruột của Robert Kiyosaki nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.

Nhưng “Cha giàu” lại cho rằng: “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu”.

“Cha giàu” đã dạy cho Robert Kiyosaki nhiều bài học đáng giá về việc vận dụng, sử dụng tài chính của mình. Ông luôn nhắc Robert Kiyosaki rằng phải học để tiền làm việc cho mình, không tiêu hết số tiền mình kiếm được cho cuộc sống hàng ngày. Điều này khiến Robert Kiyosaki thấy được sự đối lập giữa hai người cha này. Bởi lẽ cha ruột của anh hằng ngày chỉ biết kiếm tiền và trang trải cho cuộc sống, trở thành nô lệ của đồng tiền, bị đồng tiền chi phối. Và đó cũng là hình ảnh của hầu hết những người lao động thể lực lẫn trí óc hiện nay trên toàn thế giới.

Không chỉ riêng gì Robert Kiyosaki mà ngay cả tôi và không ít những độc giả khác sẽ có ấn tượng mạnh bởi những suy nghĩ, tư tưởng mà “Cha giàu” đã truyền đạt lại.

Thứ nhất, ông đã cho chúng ta thấy được cách ông làm chủ đồng tiền của mình. Những người nghèo cố gắng học tập, đạt được những thành quả cao và kiếm cho mình một công việc ổn định ở các công ty đó đây.

Nhưng những người giàu họ không làm như thế. Người nghèo sẽ không bao giờ biết được cách mà người giàu làm chủ đồng tiền của mình, không bao giờ biết được cách người giàu dùng tiền như thế nào. Bởi người nghèo đang bận tối mặt với đống deadline, sổ sách với những con số đang nhảy nhót trên màn hình máy tính. Họ như mắc kẹt trong chính sự sợ hãi và tham lam của mình.

Còn đối với người giàu, họ chắc chắn sẽ không chọn cách làm deadline ở văn phòng và chờ đến ngày lĩnh lương hàng tháng. Điều này trở nên quá đơn giản và họ chỉ cần thuê cho mình những nhân viên có đủ trình độ rồi trả lương cho họ hàng tháng. Về vấn đề tài chính của mình, người giàu sẽ dùng để đầu tư, kinh doanh.

Theo quan điểm của Robert Kiyosaki, người giàu sẽ không quan tâm nhiều đến khoản tiền phải trả cho người làm thuê hay nói cách khác là tiền công sau khi hoàn thành công việc nào đó. Điều họ quan tâm đến nhiều nhất chính là việc làm thế nào để tiền có thể tự sinh ra khi họ không có mặt. Họ sẽ không chỉ chú trọng đầu tư vào một địa điểm, một dự án nào đó mà thay vào đó họ đầu tư vào nhiều nguồn khác nhau để mở tăng thêm nguồn thu nhập của mình. Đây là cách mà người giàu làm chủ đồng tiền, không biến bản thân trở thành nô lệ của đồng tiền.

Thứ hai, “Cha giàu” vẫn luôn nhắc nhở Robert Kiyosaki về việc học hỏi, du nhập nhiều kiến thức tài chính khác nhau vì chúng không bao giờ là thừa cả. Việc hiểu biết về tài chính cùng quan trọng giống như việc bạn biết đọc, biết viết. Hãy luôn học hỏi để hiểu được những con số muốn gì, và khi bạn đã hiểu được chúng diễn tả những gì thì đó là lợi thế vô cùng lớn của bạn.

Trong cuốn sách, Robert Kiyosaki cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng: “Mù chữ, về cả chữ viết và con số, là nền tảng của sự khốn khó, vất vả về tài chính.”

Vì thế hay không ngừng học hỏi để tích lũy cho mình nhiều kiến thức hơn, vận dụng vào công việc, vào đời sống của mình để thành công hơn trên những bước tương lai.

Thứ ba, đó là việc tính tự lập trong việc sử dụng tài chính, hãy tự kinh doanh. Đa số người nghèo và tầng lớp trung lưu hiện nay đang dành hết thời gian và công sức của mình để làm thuê cho người khác. Hay có thể nói cách khác đó là người nghèo và tầng lớp trung lưu đang dành hết sức lực để làm thuê cho người giàu. Bạn có thể bứt phá, tập trung vào con đường riêng của bản thân, cho phép mình thử sức với những điều mới lạ để đạt được nhiều thành công hơn sau này.

Được viết bằng những lời văn chân thực cùng ngôi kể trực tiếp, Robert Kiyosaki đã cho người đọc thấy được vấn đề làm chủ tài chính của bản thân là vô cùng quan trọng. “Cha giàu, Cha nghèo” cũng đã tổng hợp được hết những kinh nghiệm mà Robert Kiyosaki học hỏi được từ “Cha giàu” để rồi làm thay đổi suy nghĩ trong ông.