Những thành phố sách nổi tiếng trên thế giới có gì đặc biệt?

882 lượt xem | thứ hai, 26/10/2020 - 13:05

Xuất hiện lần đầu tiên tại Anh, ngày nay, thế giới đã có thêm nhiều thành phố sách, là điểm đến yêu thích của nhiều bạn đọc và những con người yêu mến nghệ thuật.

Ý tưởng phát triển “book town” đầu tiên đến từ nhà khảo cổ học Richard Booth với mong muốn biến một số cửa hàng ở quê hương ông trở thành những hiệu sách cũ. Ban đầu, Richard Booth nghĩ ra nơi lý tưởng này chỉ với mục đích để mọi người có thể đến và đọc những cuốn sách cũ mà họ yêu thích. Ngay sau đó, ý tưởng này đã được lan truyền rộng rãi ở các nước châu Âu. Những cửa hàng sách đầu tiên được mở tại thị trấn cổ Hay-on-Wye (Anh), dần dần, xuất hiện thêm nhiều hiệu sách tại nơi này. 

Với gần 2000 hộ dân cư trú, Hay-on-Wye là một thị trấn nhỏ ẩn mình tại vùng nông thôn xứ Wales. Không quá nổi trội về mặt kinh tế, văn hóa nhưng điều khiến chúng ta ấn tượng nhất ở thị trấn này đó chính là những hiệu sách với số lượng lớn, khoảng trên 20 hiệu sách. “Thị trấn sách” hay “thành phố sách” cũng ra đời từ đây.

Smithsonian Magazine thống kê và cho biết, hiện nay, có hơn 10 thành phố sách phân bố tại nhiều nơi trên thế giới như Austalia, Malaysia, Hàn Quốc,… “Book town” chủ yếu sẽ là những thị trấn hoặc thành phố tại các vùng nông thôn. Nơi đây tập trung những hiệu sách cổ và cũ, đôi khi sẽ tổ chức những sự kiện văn học để thu hút độc giả. Đối với nhiều người thích đọc sách, đặc biệt là sách cũ, những “book town” chắc chắn sẽ là nơi lý tưởng để họ thỏa mãn niềm đam mê của bản thân.

Tại Australia, thành phố sách Clunes thường xuyên tổ chức những buổi trò chuyện và cà phê sách hàng tháng để độc giả có thể đọc và trao đổi những tác phẩm của họ.

Ở Anh, những hiệu sách luôn đa dạng về các thể loại. Hay-on-Wye được thiết kế theo mô hình “hiệu sách trung thực”. Những cuốn sách sẽ được đặt lên kệ và không có ai quản lý. Người đọc có thể ghé qua và chọn đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.

Hơn cả, những cuốn sách tại thành phố sách thường đem đến cho chúng ta một cảm giác rất đặc biệt. Bà Ottersten đã chia sẻ:

“Cảm giác khi hít hà một cuốn sách với mùi giấy cũ vẫn rất khác khi chúng ta cầm trên tay máy đọc sách hay điện thoại thông minh. Kiến thức, trọng lượng của mỗi cuốn sách hàng trăm năm tuổi khiến việc bảo tồn nó càng trở nên quan trọng hơn trong thời đại hiện nay”.