Tác giả cuốn sách, Charles- Édouard Hocquard (1853-1911) là bác sĩ quân y trong quân đội Pháp khi Pháp tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam. Ông ở tại Việt Nam từ tháng 02/1884 đến tháng 04/1886. Khoảng thời gian đó, ông đã đi đến nhiều các tỉnh của nước ta. Ngoài việc là một bác sĩ, ông còn làm một nhiếp ảnh gia, đam mê viết lách và thích trải nghiệm, phiêu lưu. Mặc dù tham gia chiến dịch nhưng ông không trực tiếp tham chiến. Sau chuyến đi, ông đã viết lại ký sự của cuộc hành trình. Năm 1892, từ những nội dung và hình ảnh minh họa của ông, cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” đã được xuất bản.
Cuốn sách có những miêu tả chi tiết về hoàng thành Thăng Long năm 1884. Thành được trổ sáu cổng hoành tráng , mỗi cổng lại dẫn ra phía ngoài bằng một cầu gạch bắc qua con hào. Đặt trên mỗi cổng là một chòi canh nhỏ có mái che, lối lên chòi là bậc thang bố trí phía trong tường thành. Ngoài hình ảnh Điện Kính Thiên, một công trình kiến trúc đã bị người Pháp phá hủy do tác giả chụp, cuốn sách còn có những ghi chép cẩn thận giúp độc giả hình dung rõ ràng hơn về quy mô của điện.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hocquard cũng có những mô tả rõ ràng về cột cờ Hà Nội trước trung tâm hoàng thành. Về phố phường, tác giả cho biết: “Các khu phố ở Hà Nội hoàn toàn chia cách nhau bởi những cánh cổng lớn choán cả chiều rộng phố và đêm đến thì đóng lại”.
Một điểm đáng chú ý của cuốn sách, đó chính là phần tác giả viết về kinh thành Huế đầu năm 1886, sau một năm cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi chống thực dân Pháp. Để thay thế vua Hàm Nghi, tướng De Courcy của Pháp đã đưa vua Đồng Khánh lên ngôi ngay sau sự kiện này. Và khi còn ở Huế, tác giả đã được cho phép vào cung điện của vua Đồng Khánh. Tại đây, ông đã chụp lại nhiều bức ảnh quan trọng về chân dung các vị vua, khung cảnh, đồ vật. Cùng với những bức ảnh này, tác giả cũng sở hữu nhiều bức ảnh khác về đời sống sinh hoạt của người dân, phong cảnh ở nhiều nơi từ Bắc vào Trung trên đất nước ta. Tất cả các hình ảnh này đều trở thành tư liệu quý, đem lại giá trị lớn đối với lịch sử Việt Nam.