“Công Nữ Ngọc Vạn” của tác giả Ngô Viết Trọng viết về một nhân vật khá tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam đó chính là Công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sinh thời, bà là người đã góp phần quan trọng cho công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam của nước ta.
Thời kỳ phân tranh đất nước, chúa Nguyễn vì để củng cố vị thế của mình đã tìm cách giao hảo với các nước phương Nam, trong đó có Chân Lạp. Nước Chân Lạp khi ấy đang bị Xiêm La chèn ép nên đã quyết định cầu thân với chúa Nguyễn để chống lại sự khống chế của Xiêm La. Bởi vậy, công nữ Ngọc Vạn đã được gả cho vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Chey Chetta II. Sau đó, bà trở thành hoàng hậu của nước Chân Lạp. Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa hai nước được giữ vững và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng lãnh thổ đất nước sau này.
Trong truyện “Công Nữ Ngọc Vạn”, ngoài những cơ sở lịch sử có thật, tác giả còn xây dựng thêm một nhân vật hư cấu là chàng tráng sĩ Trần Đình Huy, mối tình thuở ban đầu của công nữ Ngọc Vạn.