Z.28 Vượt Tuyến

Chương VIII

Docsach24.com
hiếc Zis khổng lồ của Bêrếp dừng trước vọng gác Gia Lâm, bên kia cầu Long Biên. Được lệnh từ trước nên tuy cửa xe chưa mở, từ trạm canh một người đội mũ sắt, đeo tiểu liên đã le te chạy ra, nghiêng mình chào Bêrếp. Thò đầu qua khung cửa sau, Bêrếp hỏi, giọng hách dịch:

-Họ qua đây được mấy phút rồi?

Người đó đáp bằng tiếng Nga:

-Thưa, đúng 5 phút rưỡi.

Bêrếp lẩm bẩm:

-5 phút rưỡi, tức là ít nhất họ đã qua Cầu Đuống.

Bêrếp xuống xe, đi vội vào trạm gác. Bên trong, tiếng chuông điện thoại réo vang. Bêrếp cầm ống nghe:

-Alô, trạm Cầu Đuống xin báo cáo. Chiếc Chaika vừa qua. Tuân lệnh, chúng tôi để mặc không xét giấy và không khám xe. Chúng tôi đã báo cáo cho Hải Dương biết.

Bêrếp buông ống nghe, rồi ấn cái nút đỏ trên bàn máy vô tuyến, liên lạc thẳng với Xilốp ở ty R.U. Một tiếng nói khàn khàn nổi lên:

-Alô, Bêrếp đấy ư? Thủy quân của ta đã bắt đầu xục xạo ngoài khơi, cách bờ biển hai chục cây số. Ta đã huy động máy ra đa và máy át đích (1) dò tàu ngầm. Đồng chí Thanh Lâm hiện ở trên tàu, chưa có kết quả. Chưa có tin gì đặc sắc. Lên đường đi thôi.

Bêrếp trèo lên xe ra hiệu cho tài xế nổ máy. Trời mùa đông tuy có trăng nhưng sương mù bao phủ dầy đặc. Tài xế vặn pha sáng quắc mà không chọc thủng được màn sương mù. Bêrếp dựa lưng vào nệm xe êm ái, miệng phì phèo điếu xì gà to tướng. Hắn đã nắm chắc thành công trong tay. Tiềm thủy đĩnh của lão Hoàng, trừ phi mọc cánh mới đằng vân nổi đêm nay khỏi vịnh Hạ Long.

Nghĩ đến thành quả bắt gọn bộ tham mưu gián điệp địch, Bêrếp cười thầm. Thú vị nhất là còng tay nhà bác học Bilatốp ở Đồ Sơn, giải giao cho đại sứ Liên sô ở Hà nội. Phen này Bêrếp sẽ được triệu về điện Cẩm Linh và được thăng chức, ít nhất cũng là giám đốc cơ quan gián điệp sô viết ở Đông Nam Á, từ giã cuộc đời cạo giấy làm phó trưởng ty hạng bét, phụ tá cho Xilốp.

Con đường Hải Dương thẳng băng. Ánh trăng quét lằn bạc trắng xóa dưới luồng đèn pha sáng quắc.

Nóng ruột, Bêrếp dục tài xế:

-Chậm quá, thêm ga chút nữa.

Chiếc Zis lồng lên như con thú bị đạn. Khí lạnh bên ngoài tạt phần phật vào trong xe.

Đã lái xe quen cho phó trưởng ty Bêrếp nên người tài xế hết sức thận trọng tay bánh. Đôi mắt hắn dán  lên mảnh đường nhựa đang cuộn dài trước ngọn đèn pha cực mạnh. Hắn đã biết tính Bêrếp. Lái nhanh không được mà lái chậm cũng không được. Nhanh, chậm, phải tùy theo mệnh lệnh của chủ nhân. Đến ‘’cua‘’, tài xế phải ôm thật sát, nếu lởn vởn ra ngoài, Bêrếp cũng khiển trách thậm tệ.

Đột nhiên hắn thấy đau nhói trong tim. Trước mặt hắn hiện ra quãng đường ươn ướt, không phải ươn ướt vì nước mà vì một chất kỳ lạ. Đó là nhớt chạy máy. Hắn tìm cách đối phó thì đã muộn. Chiếc xe vững tay lái đột nhiên trẹo sang bên. Hắn cố giữ vô lăng thẳng ro nhưng chiếc xe đang chạy trên 100 cây số một giờ không cho phép hắn thực hành ý định để chiều ông chủ khó tính Berếp.

Hai lốp trước dẫm vào vũng nhớt đặc như bị một sức mạnh vô hình kéo lạng sang bên trái. Rồi khi bánh trước đang trượt thì hai bánh sau tiến đến. Cả bốn bánh còn nguyên trớn kéo chiếc xe khổng lồ xuống ruộng.

Trước khi xuống ruộng, không hiểu vì tài xế luống cuống, vì tay lái không nghe theo mệnh lệnh của hai tay nữa, hay vì bác sĩ Triệu Dung và Văn Bình dã tính toán trước mà chiếc xe nặng chĩu còn đâm sầm vào cây cột điện xi măng cốt sắt.

Dưới sức nặng của ba tấn sắt, cây cột bê tông kiên cố bị tiện làm hai như con dao chặt khúc mía. Đâm xong, chiếc Zis hùng dũng bỗng đứng phắt lại, như bị một sức hút vô hình làm bốn bánh xe dính xuống đường, đoạn quay đầu hai vòng như chong chóng trước khi lao xuống ruộng.

Liên sô vừa viện trợ cho Miền Bắc một số lớn cá cơm. Các thửa ruộng dọc đường Hà nội  - Hải Dương được biến thành ao thả cá đầy nước. Chiếc Zis oai vệ rơi tọt xuống ao cá, kêu bõm một tiếng lớn.

Nước tuôn vào trong xe. Tài xế bị đập mặt vào vô lăng, gục ngã không kịp trối. Trong cơn hốt hoảng, Bêrếp quên bẵng những nguyên tắc sơ đẳng về vật lý học, tìm cách đạp tung cửa, song áp lực của nước đã đóng chặt cứng. Tiếng kêu gào của Bêrếp bị làn nước đen sì bóp nghẹt. Vả lại, trên con đường Hải Phòng vắng tanh ban đêm không có ai để nghe được tiếng kêu của viên phó trưởng ty R.U.

Chợt nhớ ra máy vô tuyến, Bêrếp hối hả ấn nút. Dây điện đã bị đứt, máy đã dập nát, Bêrếp mất hẳn liên lạc với đời sống loài người. Nước ruộng tiếp tục vào xe cuốn theo hàng ngàn con cá nhỏ xíu. Bêrếp bị ngập nước đến ngực. Nước dâng ngang vai. Mùi nước tanh tanh làm Bêrếp lợm mửa. Khốn nạn! Đường đường phó trưởng ty R.U., Bêrếp toàn uống rượu vốt ka và bia Đức thay cho nước lạnh, chưa hề dúng lưỡi vào nước lạnh bản xứ, phương chi nước lạnh này lại trộn với hơi cá tanh tưởi và mùi xú uế của đồng ruộng.

Miệng Bêrếp chạm làn nước đục. Hắn bị cứng họng, nghẹt thở. Trên bờ, côn trùng đột nhiên nín lặng. Dường như chúng biết chuyện Bêrếp lâm nạn. Đó là giây phút tạo vật mặc niệm đồng chí Nicôlai Bêrếp.

*

Ở Bến Nứa, Phạm Linh chỉ nghe một tiếng động dữ dội kèm theo tiếng kêu thất thanh của Bêrếp rồi máy vô tuyến câm bặt. Phạm Linh toát bồ hôi, ấn nút gọi. Không tiếng trả lời. Điện đàm bị cắt. Ống nghe không còn âm thanh vo vo nữa. Phạm Linh vói tay sang bên, ấn nút khác, tiếp xúc với trưởng ty Xilốp:

-Phạm Linh đây, đồng chí Bêrếp đột nhiên im tiếng. Tôi sang Gia Lâm ngay bây giờ.

Rồi không đợi Xilốp trả lời, Phạm Linh vọt lên chiếc Zis, giành vô lăng trong tay tài xế, phóng như bay sang Gia Lâm. Máy vô tuyến trong xe kêu rè rè. Giọng nói run run của Xilốp:

-Tại sao Bêrếp im tiếng? Máy hỏng hay bị nạn?

Phạm Linh đáp:

-Chắc bị nạn. Tôi nghe một tiếng động mạnh rồi tiếng kêu cứu trời ơi, chết rồi của đồng chí Bêrếp.

Xe hơi của Phạm Linh đến Gia Lâm thì sương mù đã tản. Bản tính thận trọng, hắn ra lệnh cho xe díp dẫn đường. Hai xe đều phóng trên 100 cây số một giờ.

Đến khúc đường có vũng nhớt sát nhân, chiếc xe díp bỗng loạng choạng rồi trượt xuống ao cá. Một trăm thước phía sau, đôi mắt cú vọ của Phạm Linh đã nhìn thấy. Hắn không thấy vũng nhớt nhưng thấy chiếc díp nhào xuống ruộng.

Trong đời hắn đã nhiều phen vào sinh ra tử nên hắn vẫn giữ được bình tĩnh, từ từ đạp thắng chân, kéo thắng tay, và mở điện thoại siêu tần số liên lạc với trưởng ty Xilốp. Tuy nhiên chiếc xe bị đẩy vào vũng nhớt cũng quay ngược một vòng mới chịu đứng lại…

Phạm Linh mở toang cửa xe, nhảy xuống đường. Trong một giây đồng hồ, hắn đã khám phá được nguyên ủy của hai tai nạn vừa xảy ra. Vũng nước quá sâu, hắn không có hy vọng trục xe của Bêrếp và xe díp dẫn lộ.

Bọn cận vệ của Phạm Linh vội vã cởi quần áo, xuống ao cá bố trí cuộc cứu cấp. Phạm Linh ngoắt một thuộc viên ra lệnh cầm tiểu liên đứng gác trong khi hắn báo cáo với Xilốp:

-Chắc đồng chí Bêrếp đã bị thiệt mạng rồi. Bị phá hoại, không phải bị tai nạn.

Giọng Xilốp đầy vẻ lo lắng:

-Bị phá hoại ư? Phá hoại ra sao?

Phạm Linh thuật lại tự sự. Xilốp không ngắt một lời. Sau Xilốp mới hỏi:

-Nghĩa là kẻ thù đã biết ta tổ chức theo dõi?

Phạm Linh lắc đầu:

-Có thể có, cũng có thể không. Có thể chúng đề phòng bị theo dõi nên đậu lại đổ nhớt lên mặt đường. Tuy vậy chúng mọc cánh cũng không thoát khỏi tay ta.

Phạm Linh đi đi lại lại trên đường, mẩu thuốc lá trên miệng  đã cháy tận môi mà hắn không biết nóng. Xa xa có tiếng máy nổ và kêu rú: xe cứu hỏa và xe của Xilốp.

15 phút sau, những nạn nhân mắc kẹt dưới nước được kéo lên, và chở cấp tốc về Hà nội cứu chữa. Bêrếp nằm thiêm thiếp trên cáng, đôi mắt nhắm nghiền, tim đã ngừng đập. Xilốp quay ra với Phạm Linh:

-Xe Chaika chở Bilatốp và Tú Trâm sắp qua Hải Dương. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ đến Phòng. Tôi đã cho toán Hải Dương rượt theo. À, còn xe của thằng Văn Bình nữa.

Phạm Linh lẩm bẩm như trong cơn mơ:

-Văn Bình! Xe của thằng Văn Bình?

Đột nhiên hắn đau nhói ở dạ dầy. Cảm giác này thường đến với hắn mỗi khi hắn bị đối phưong chơi xỏ. Còn xe của Văn Bình nữa? Trong cuộc tâm tình hồi tối với Tú Trâm, Văn Bình nói rõ sẽ đi sau xe Tú Trâm. Tức là khi lên đường với Bilatốp, Tú Trâm đã biết trước có Văn Bình theo sau, tại sao Tú Trâm lại đổ nhớt đầy đường? Trừ phi người đổ nhớt không phải là Tú Trâm, hoặc trừ phi Tú Trâm đã biết người đi sau không phải là Văn Bình mà là nhân viên Phản gián Hà nội!

Nội vụ đã sáng rõ như thủy tinh. Bêrếp và hắn bầy kế bắt Văn Bình nhưng chính Bêrếp và hắn mới là nạn nhân. Văn Bình đã tương kế tựu kế lừa phỉnh sở Phản gián và ty R.U. như bọn học trò con nít.

Phạm Linh nghiến răng ken két như muốn cho máu ở nướu trào ra để pha loãng cơn tức. Sau đó, hắn thở dài nói với Xilốp. Cả hai đứng thần người bên xe Zis. Hồi lâu, Xilốp mới tỉnh mộng, hấp tấp quay ra máy vô tuyến, miệng dặn vói Phạm Linh:

-Chỉ còn một cách: chận bắt xe Chaika trước khi chúng đến Đồ Sơn.

-Đồng chí nói đúng. Tôi có cảm tưởng câu chuyện giữa Văn Bình và Tú Trâm là một thủ đoạn của địch. Có thể địch đã lập kế lừa chúng ta. Chỉ có cách thộp cổ Tú Trâm mới tìm ra manh mối.

Trong khi Xilốp liên lạc với Hải Dương và Hải Phòng, hạ lệnh các toán hành động đặc biệt chận bắt kỳ được chiếc Chaika khả nghi, Phạm Linh nói chuyện với trụ sở trung ương Hà nội:

-Alô, thường trực hả? Tôi đây, Phạm Linh đây, lập tức gọi điện thoại cho K.4. Bảo hắn là tôi muốn gặp hắn nội đêm nay, không thể hoãn đến mai. Tôi về Sở ngay. Bảo hắn ấn định giờ hẹn. Chỗ hẹn, hắn đã biết trước.

Như kẻ đưa đám, mặt buồn rười rượi, Phạm Linh lái xe cho Xilốp trở về Hà nội.

*

Trên đường Hải Dương, Hải Phòng cuộc săn người toát bồ hôi lạnh bắt đầu.

Vừa ra khỏi Cầu Đuống, chiếc Chaika lồng lên băng mình trong đêm vắng.

Lái xe một mình ban đêm dưới trời trăng lạnh lẽo, Tú Trâm cảm thấy lạnh lẽo thêm. Nàng mới giã từ Văn Bình mà nàng tưởng như từ lâu lắm. Trong nhiều tháng sống cuộc đời bấp bênh, lo ngại, luôn luôn cọ sát với hiểm nguy, chưa bao giờ Tú Trâm lại xốn xang như bây giờ. Lát nữa nàng sẽ rời đất liền, xuống một con tầu bí mật. Và ước gì trên con tầu lạ, nàgn sẽ gặp Văn Bình, chàng điệp viên có con mắt sâu đa tình, cái miệng dễ thương nhưng ngạo mạn, và nhất là tấm thân rắn chắc, gợi cảm, có thể làm rung chuyển trái tim của người đàn bà khó tính nhất, và không người đàn bà nào quên nổi sau một đêm hẹn hò say sưa…

Quen vâng lời, nàng không vặn hỏi tại sao kế hoạch mang Bilatốp đi vào phút chót lại thay đổi. Nàng đã biết nghề điệp báo là nghề kỳ quặc, một nghề mà nhiều khi tay phải làm, tay trái không hay. Nàng cũng chưa tìm ra lý do nàng gia nhập Phong Trào Yêu nước và lãnh nhiệm vụ công tác gay go ở hậu địch. Bất giác nàng nhớ đến những người đàn bà cùng làm công tác điệp báo như nàng. Nàng lẩm bẩm: ‘’Hai mẹ con kỹ nữ Mata Hari không nổi danh một phần tư thế kỷ ư? À, còn người đàn bà bí mật mà làng do thám thường gọi là Cô Đốc nữa (1)

(1) Người đàn bà này có thật, và rất được giới do thám quốc tế mến trọng. Những nguyên tắc về hoạt động gián điệp do nàng đề ra hiện còn được áp dụng trong mọi tổ chức điệp báo trên thế giới. Xin đọc ‘’Gián điệp quốc tế ‘’ đã xuất bản.

Nghĩ đến đó Tú Trâm mỉm cười một mình. Nàng vừa tự so sánh với người đàn bà tuyệt luân được giới gián điệp từ 40 năm nay gọi một cách nể vì là Cô Đốc, tên thật là Elisabeth Sahraagmuller, người lập ra trường do thám đầu tiên trước trận đại chiến 1914 – 18. Cô Đốc không còn ở trên cõi trần này nữa nhưng trước khi vĩnh biệt nàng đã lưu lại cho lũ hậu sinh gián điệp biết bao nhiêu nguyên tắc hành động sáng suốt.

Bỗng nàng giật bắn mình. Một trong những lời căn dặn của Cô Đốc về quy tắc hành nghề gián điệp là bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu đều phải kiểm soát cẩn thận xem có bị đối phương theo dõi hay không. Tấm kính hậu trong xe được để vào vị trí lái đêm nên nàng không thấy rõ phía sau. Nàng liền dùng ngón tay kéo xuống vị trí lái ngày. Và bồ hôi ướt đầm gáy nàng.

Xa xa nổi bật hai lùm sáng to lớn. Lùm sáng của đèn pha xe hơi. Nàng bị rượt đuổi? Không có lý. Hay là xe của Văn Bình và Bilatốp? Nàng cũng không biết nữa. Nàng đâm ra lo sợ, một cảm giác lạ lùng, khó hiểu chẹn ngang cổ họng khiến nàng tức thở.

Nàng xả thêm tốc lực. Chiếc Chaika chồm lên phía trước. Sau lưng, hai lùm sáng đèn pha phóng đến gần hơn. Nàng dán mắt vào kính hậu, trống ngực đập thình thịch. Chiếc Chaika vừa đến một khúc rẽ hiểm nghèo. Xẹt, xẹt, tay bánh của nàng ôm ‘’cua‘’ hơi gắt, vỏ lốp cao xu quẹt mạnh mặt đường nhựa, toàn chiếc xe bay bổng lên không trong một tích tắc đồng hồ. Bao tử của Tú Trâm dội lên dằn xuống như thể nàng đang ngồi trong máy bay từ trên cao rớt xuống  ‘’lỗ trống không khí‘’.

Nàng quẹo gấp, chiếc xe đi sau cũng quẹo gấp. Nàng phóng nhanh, xe sau cũng phóng nhanh. Thôi chết. Nàng đã bị lộ. Đoàn xe công an sẽ ập đến trong khoảnh khắc, nàng sẽ bị còng tay như con vật và bị điệu về Hà nội hành tội. Một liều, ba bảy cũng liều. Nàng sẽ không khai cho Văn Bình… Nhưng liệu nàng có đủ can đảm để ngậm miệng được mãi không? Sức người chỉ có hạn. Nàng đã nghe nói đến những hình phạt công an thường áp dụng để tìm ra sự thật. Rồi nàng đến phải khai mất thôi! Nhưng khai ra ai bây giờ? Nàng không thể khai cho ai vì thật ra ngoài Hồ Liêm, nàng mới biết bằng xương bằng thịt một mình Văn Bình, và sự quen thuộc này cũng chỉ xảy ra từ một hai ngày nay. Văn Bình ở đâu? Nàng không biết. Tổ chức của Phong Trào ra sao, nàng cũng không biết.

Chiếc xe rượt đuổi chỉ còn cách nàng 100 thước. Ánh trăng nhòa nhoạt trong bóng đêm đầy sương, khiến lùm đèn pha đã sáng càng sáng dữ. Và khoảng cách càng gần tốc độ của xe sau càng gia tăng. Nhìn kính chiếu hậu nàng không biết rõ xe hiệu gì nhưng căn cứ vào ánh đèn sáng quắc, căn cứ vào sườn xe đồ sộ và tốc độ nuốt đường của nó, nàng tin chắc là Zil III hoặc Zis.

Xe sau nháy tắt đèn pha ra hiệu, Tú Trâm chột dạ. Chúng nó nháy đèn giả vờ xin vượt để tìm cách qua khỏi rồi ép mình đây! Không, mình không ngu dại đến độ ấy. Không, mình quyết không chịu sa vào tay chúng. Nếu phải chết, mình sẽ chết trong vinh dự!

Nghĩ vậy, Tú Trâm mắm môi đạp lút chân ga. Những mã lực cuối cùng còn bị nhốt trong chiếc Chaika hùng mạnh được thả tung, đẩy bốn bánh vun vút trên con đường nhựa. Tú Trâm cảm thấy kiêu hãnh. Dẫu sao nàng cũng bỏ rơi được xe công an.

Xe nàng đã ra khỏi Hải Dương lúc nào không biết. Hải Dương ngày nay khác hẳn Hải Dương mấy năm trước. Phố sá nghèo nàn, không còn hàng quán mở đón khách chơi đêm nữa. Hải Dương đã vùi mình vào cơn ngủ mê mệt sau mười mấy giờ đồng hồ lam lũ, nhọc nhằn. Chiếc Chaika băng qua phố chính làm cát sỏi bay lên ào ào. Vọng gác thường trực của công an cuối thị trấn cũng không rộn rịp như thường lệ. Cây cần gỗ chặn ngang thị xã để xét giấy không hiểu đã được rút lên từ khi nào. Tú Trâm lái vút qua.

Chiếc Zis công an không ép xe nàng vào lề như nàng trù tính. Một tích tắc sau, chiếc xe khổng lồ vượt qua xe nàng, rồi biến vào màn đêm thăm thẳm. Nàng cảm thấy ngượng ngùng. Thì ra trong khi quá sợ hãi, nàng đã tự kỷ ám thị đinh ninh bị công an theo dõi. Tú Trâm thở phào. Nàng chưa bị bại lộ! Nàng đánh diêm châm điếu thuốc cuối cùng trong bao thuốc mà Văn Bình để lại.

Chạy khỏi thành phố Hải Dương độ 20 cây số, bỗng nhiên nàng thấy hai vừng đèn pha khác trong kính chiếu hậu. Chắc xe của cố vấn sô viết xuống Đồ Sơn đổi gió? Nhưng không có lý. Không có lý họ ra bãi biển giữa mùa rét ngọt. Nàng rùng mình.

Ngọn gió cuối đông lạnh buốt làm nàng chịu không quen đã trở nên lạnh buốt kinh khủng. Qua ô kính mở rộng, từng đợt lạnh ùa vào xe như những làn dao li ti cắt da mặt và da tay của nàng. Hàm răng nhỏ xíu và bóng loáng của nàng đập vào nhau cầm cập. Tay nàng ôm vô lăng dường như rời rã và tê dại. Nàng bỗng tiếc không mang theo đôi găng lông trừu ấm áp.

Hai luồng pha sáng quắc phía sau gọi nàng quay về thực tại. Luồng pha này không khác luồng pha hồi nãy. Luồng pha của xe chạy đêm trên đường Hải Phòng mà nàng thường gặp. Tại sao nàng run rẩy? Lần này nàng đã truy nguyên được cơn lạnh đang xâm chiếm cơ thể nàng, cơn lạnh không do thời tiết mà là từ tâm hồn tiết ra, một cơn lạnh mênh mông như biển cả, cơn lạnh trùm lấp tạng phủ của người sắp bị đe dọa đến tính mạng.

Giác quan thứ sáu báo cho nàng biết nguy hiểm gần kề. Chiếc xe phía sau phóng như điên trên con đường thẳng tắp. Như máy, Tú Trâm tống thêm ga xăng, mắt không rời cây kim tốc độ. 80…, 100, 120 cây kim ngừng lại ở số 2 như rụt rè, như không muốn nhích thêm nữa. Tại sao? Không lẽ cây kim khuyên nàng đừng tiếp tục phóng nhanh.

120… 125… Tú Trâm đạp mạnh thêm. 135… 145… 150… Chưa bao giờ nàng lái nhanh bằng hôm nay. Và chưa bao giờ nàng có can đảm đến thí mạng như hôm nay. Nhưng nàng chạy nhanh chừng nào, xe sau lại dính sát nàng chừng nấy.

Luồng đèn pha rọi sáng trưng cốp xe Chaika. Ánh vàng dội thẳng vào vào kiếng hậu làm Tú Trâm không nhìn thấy phía trước. Nàng cố gắng bám chặt tay lái, nhưng không hiểu sao khi ấy hai tay nàng không chịu tuân theo mệnh lệnh của thần kinh hệ nữa.

Nàng nghe rõ tiếng máu chạy rồn rập hai bên thái dương trước khi tông lên óc. Mí mắt nàng nặng chĩu dần, nặng chĩu mãi ; một ngón tay vô hình đè bẹp tròng mắt nàng. Rồi thốt nhiên, như được một cánh chim thần bí đưa lùi về quá khứ, nàng nhớ lại những ngày niên thiếu, những phút ôm ấp tấm thân cường tráng và đê mê của Văn Bình, và của những chàng trai cuồng loạn khác nàng đã gặp trong cuộc đời giông bão. Tiếng rồn rập trong óc nổ bùng thành tiếng nổ long trời lở đất. Tú Trâm có cảm giác như mọi vật quanh nàng đang nổ tung thành cát bụi. Nàng quên nàng đang lái xe với một tốc độ tự vận 150 cây số một giờ trên một chặng đường nguy hiểm. Nàng quên hẳn chiếc xe của công an Hải Dương sắp chạm đuôi xe Chaika vô tội của Bilatốp. Nàng quên hẳn mọi sự trên đời. Dần dần quên luôn Văn Bình, quên luôn cái đêm nàng được tận hưởng lạc thú xác thịt của đời người.

Tim nàng đập mạnh rồi chậm lại. Tim nàng ngưng đập. Hơi thở nàng không làm phập phồng cánh mũi khả ái và bộ ngực thẳng vuốt, đầy khêu gợi nữa. Tú Trâm đã sang thế giới bên kia.

Trong loáng mắt, chiếc xe không có người lái nghiêng sang bên, rồi cứ thế phăng phăng xuống ruộng. Phía trước không có cây cối cũng không có cột đèn. Thửa ruộng này không chứa đầy nước. Những cây lúa vừa cắt, còn nguyên gốc rạ nhọn hoắt. Chiếc Chaika giận dữ lướt như xe trượt băng qua một diện tích dài trên 200 thước mà không gặp chướng ngại vật.

Thì đây chướng ngại vật cuối cùng đã hiện ra sừng sững: một ngôi miếu cổ bỏ hoang, trơ vơ giữa đồng trống. Chiếc Chaika húc vào bức tường đá xanh rắn chắc. Những tảng đá lớn đổ xụp. Mất trớn, chiếc Chaika lộn lại một vòng, bốn bánh ngửa lên trời.

Khi toán công an viên võ trang đến chỗ xảy ra tai nạn thì lốp xe còn quay như cánh quạt. Xăng đổ tung tóe song xe hơi không bị phát hỏa, kể cũng sự lạ. Nhưng lạ nhất là thi thể của Tú Trâm. Nàng sóng soài trên đệm xe, toàn thân không bị một vết thương mặc dầu kính xe vỡ vụn và đầu máy bẹp rúm.

Viên trưởng ty công an Hải Dương chỉ huy cuộc săn người hi hữu rọi đèn bấm cực mạnh vào cửa trước, trong khi thuộc viên lúi húi khiêng xác Tú Trâm ra khỏi xe. Miệng nàng còn nhoẻn nụ cười lưu luyến. Có lẽ ý nghĩ cuối cùng của nàng đã giành cho chàng gián điệp xinh trai.

Tuy vây viên công an trưởng không dám cười mặc dầu hắn đã đạt được mục tiêu mà thượng cấp giao phó. Vì trong mật lệnh, hắn phải chận bắt bằng được chiếc Chaika chở Tú Trâm và nhà bác học Bilatốp. Nhưng Văn Bình cũng như Bilatốp đều tuyệt tích.

Và cũng như Văn Bình, câu hỏi bối rối của viên công an trưởng là: Bilatốp ở đâu? Ai đã bắt cóc Bilatốp?

*

Ai đã bắt cóc Bilatốp?

Ngồi bên cái dĩa đựng đầy mẩu thuốc cháy dở, Văn Bình và Triệu Dung nặn óc cố tìm giải đáp.

Bilatốp bị kẻ lạ mặt bắt cóc hay chính hắn tự tháo cũi sổ lồng? Đó mới là câu hỏi nan giải. Bilatốp đã bị trói chặt, Văn Bình không phải là tập sự viên trong nghề trói. Phòng Tú Trâm trong bin đinh Quan Thánh không mang dấu vết của một cuộc xung đột, dẫu là xung đột nhỏ. Thế tất một bàn tay bí mật thứ ba đã dúng vào: giả thuyết công an cộng sản và Bilatốp tự cứu phải gạt sang bên.

Bàn tay thứ ba là ai?

Chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường dõng dạc điểm giờ. Triệu Dung thở dài :

-Thế là Tú Trâm đã bị…

Văn Bình cũng thở dài :

-Thật là vạn bất đắc dĩ. Trước khi làm, tôi đã nghĩ kỹ. Thoạt tiên tôi định bảo vệ nàng, nhưng xét cho cùng không hy sinh nàng không được. Muốn mang Bilatốp đi trót lọt không còn kế nào hơn kế điệu hổ ly sơn. Mình phải dùng Tú Trâm làm miếng mỡ nhử miệng mèo. Đánh cuộc mười ăn một, nhất định bọn chúng phải rượt theo, và không phải bọn công an thường rượt theo mà là một trong những tay tổ phản gián cộng sản. Lao vào vũng nhớt của ta, xe họ tất bị lật úp.

Triệu Dung hỏi vặn :

-Anh có chắc họ bị lật xe không ?

-Chắc một trăm phần trăm. Kinh nghiệm cho biết chưa xe nào chạy trên 50 cây số một giờ mà không lâm nạn với vũng nhớt 200 lít to lớn ấy. Huống hồ ở đây là xe công an. Xe công an săn người có khi nào chạy dưới 100, hử anh ?

-Nhưng còn Tú Trâm. Anh có tin chắc nàng chết trước khi bị bắt không ?

-Chắc lắm anh ạ.

-Nhỡ ra ?

-Nhỡ thế nào được ? Tôi đã tính sát nút. Họ chỉ ra lệnh đuổi bắt xe Chaika sau khi chiếc xe đầu tiên của họ ngộ nạn gần cầu Đuống. Lúc ấy, Tú Trâm đã qua khỏi Hải Dương. Thuốc độc được tẩm trong thuốc lá cho nàng hút có một tác động khá mạnh. Nàng sẽ tắt thở trước khi sa vào tay họ. Nghĩa là trước khi xe bị tai nạn Tú Trâm đã hết thở, và nàng không còn biết đau đớn nữa.

-Anh vẫn tàn nhẫn như dạo nào còn ở Âu Châu. Dầu sao tôi vẫn còn một chút, một chút thôi, tình cảm với Tú Trâm.

-Có lẽ tôi nói câu ấy mới đúng. Chắc anh chưa biết Tú Trâm yêu tôi. Nàng yêu tôi ngay sau khi gặp tôi lần đầu. Tình yêu của nàng không phải là tình yêu thể xác một đêm, khi thỏa mãn rồi thôi, cũng không phải là tình yêu đùa cợt của tuổi đôi mươi. Nàng yêu tôi thành thật anh ạ.

Dĩ nhiên, anh sẽ phê bình là nàng khờ dại. Nàng không khờ dại đâu anh, vì tôi đã nói cho nàng biết không thể đáp lại mối tình chân thật của nàng, vì những ràng buộc của cuộc đời hành động. Song nàng đáp là nàng chỉ cần biết tôi yêu nàng hay không thôi, nàng không hề cần biết sau này ra sao.

Tôi đã so sánh nặng nhẹ giữa nàng và Bilatốp. Chúng ta chẳng thương gì Bilatốp, song hắn đáng được bảo vệ hơn Tú Trâm chục lần. Vì vậy, tôi đành phải hy sinh nàng để bắt Bilatốp. Anh nghĩ xem, nếu cần, anh và tôi sẵn sàng chịu hy sinh tính mạng, thì Tú Trâm hy sinh cũng là chuyện thường. Phương chi anh bị bắt cả Phong Trào Yêu nước sẽ bị rúng động ! Còn nàng, nàng chỉ có một mình…

-Tôi không phản đối hành động của anh, tuy nhiên tôi cảm thấy hối hận vì chúng ta chưa nghĩ đến cách cứu nàng.

Văn Bình lại thở dài :

-Tôi đã nghĩ đến, nhưng thực hành không nổi. Nếu Tú Trâm không lái xe đi Đồ Sơn, mình không bắt được Bilatốp. Công an bủa vây tứ phía, Tú Trâm không thể quay về Hà nội với anh và tôi. Chúng ta cũng không thể cho người đón nàng giữa đường. Thử hỏi chờ nàng ở gần Hải Dương rồi mang nàng đi đâu ? Không riêng nàng lâm nguy, ngay cả người đi đón cũng thiệt mạng. Toàn thể tổ chức sẽ bị lay chuyển. Trong trường hợp nàng bị bắt sống, sự thể còn tai hại hơn nữa. Thôi thà dùng nàng làm liều thuốc mê để ru ngủ đối phương…

-Đồng ý với anh, nhưng sự hy sinh của Tú Trâm chỉ có nghĩa khi mình nắm được Bilatốp. Đằng này…

Triệu Dung không nói hết. Chàng đánh diêm châm thêm điếu thuốc nữa. Từ nãy đến giờ chàng hút một hơi trên mười điếu. Chàng nói tiếp, giọng chậm rãi :

-Tính mạng của anh chị em trong tổ chức, đôi khi vì quyền lợi chung, đôi khi vì không muốn họ sa vào tay địch, ta đành phải hy sinh. Điều đó không phải tôi không biết. Nhưng anh ở địa vị tôi mới thấy khó xử. Hy sinh Tú Trâm mà công việc không nhích được bước nào tất tôi phải gánh trách nhiệm. Trách nhiệm về sự thất bại. Anh đã rõ tôi không được phép thất bại. Còn Tú Trâm, hỏng keo này ta bầy keo khác. Giờ đây mất Tú Trâm lại mất luôn Bilatốp. Anh thấy cái nguy của chúng mình chưa ?

Văn Bình ngồi im không đáp. Trong đời, không phải lần đầu chàng bị du vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, tuy nhiên lần nào chàng cũng tai qua nạn khỏi và chiếm phần thắng cuối cùng. Nghề điệp báo dĩ nhiên là nghề cần mưu cơ, cần võ thuật, cần nhiều đức tính hơn mọi nghề nào khác trên trái đất, nhưng nói thế không phải sự may mắn không chiếm phần quyết định. Sự may mắn là một trong những yếu tố thành công của nghề gián điệp. Nhiều khi đôi mắt bị mù tịt như lạc lõng trong đêm tối câm nín, đột nhiên một tia chớp hiện ra, và đột nhiên người gián điệp tìm ra giải pháp.

Triệu Dung cũng ngồi im lặng. Bàn tay chàng hí hoáy mở nút máy thâu thanh, lựa một bản nhạc vui. Nhưng chàng lựa mãi không thấy. Người nữ xướng ngôn viên tiếng Nga trong máy cứ ong ỏng nói mãi. Đó là một vở kịch phát thanh. Câu chuyện xảy ra trên đất Đức trước khi Đảng Quốc xã đầu hàng. Màn kịch đương tới đoạn gay cấn. Một toán điệp vụ S.S. vây bắt một thanh niên cộng sản. Thanh niên này trốn thoát. Rồi hòa bình tái lập, anh ta trở về. Mỗi khi nhắc đến công an quốc xã, vai kịch lại chửi rủa thậm tệ.

Văn Bình quay lại phía Triệu Dung :

-Anh giỏi tiếng Đức không ?

Triệu Dung lắc đầu :

-Kể thì cũng biết. Anh quên hồi chúng mình phiêu dạt đến Đông Bá Linh ư ? Hồi đó tôi phải đóng vai lão già câm điếc. Câm điếc để khỏi phải nói tiếng Đức mà lại.

-Nhưng ít ra anh cũng hiểu được tiếng Der Polizei họ vừ nói trong radô.

-Ồ, tưởng gì ? Tại sao anh hỏi tôi câu ấy ?

-Không. Tôi sực nghĩ đến lời nói cuối cùng của Nguyễn Đoàn trước khi bị bắn chết. Khi nghe Đoàn nói, tôi cứ đinh ninh anh ta biết tôi thạo tiếng Đức, muốn báo tin công an bao vây tứ phía để tôi thoát thân nhưng đêm nay nghe tiếng Der Polizei trong radô tôi lại có một cảm giác hơi lạ.

-Der Polizei ! Das ist fur du ! Ồ, tại sao Đoàn lại dùng tiếng Đức nhỉ ?

Đột nhiên như nhớ ra cái gì, Văn Bình vỗ trán. À, chàng hiểu rồi. Polizei ! Der Polizei ! Das ist fur du ! Công an đến, công an tới để bắt anh !

Cứ 30 giây dồng hồ người tài tử trong vở kịch vô tuyến lại nhắc đến tiếng Der Polizei bằng giọng hằn học.

Triệu Dung nhỏm dậy đi đi lại lại trong phòng. Văn Bình tắt máy thâu thanh. Căn phòng lại chìm vào im lặng hoàn toàn. Triệu Dung lẩm bẩm câu nói kỳ quặc bằng tiếng Đức. Bỗng chàng đứng phắt lại. Một tia chớp lóe sáng trong đầu chàng. Không lẽ một người đa mưu túc trí như Nguyễn Đoàn lại chỉ dặn xuông như vậy ? Hẳn là… Triệu Dung reo lên :

-Có lẽ anh đoán đúng. Nhất định là Đoàn muốn dùng câu nói này để trao lại một mật hiệu, và cũng để bảo vệ mật hiệu nên anh ấy đã gieo mình từ lầu bệnh viện Phủ Doãn xuống sân gạch tự vận. Có lẽ Đoàn muốn chúng mình lưu ý đến Đinh Phúc.

Văn Bình giật mình, hỏi, lại :

-Đinh Phúc, Đinh Phúc nào ? Tại sao anh lại đoán rằng Đoàn muốn liên tưởng đến Đinh Phúc ?

-Đinh Phúc là một nhân viên trong Phong Trào. Sở dĩ nghe tiếng Der Polizei tôi liên tưởng đến Đinh Phúc vì có tiếng Der có chữ D ở đầu như Đinh, còn tiếng Polizei thì có P như Phúc.

-Tại sao Đoàn phải dùng tiếng Đức ? Dùng một câu tiếng Pháp có chữ D và P đi đầu dễ hiểu hơn không vì dẫu sao Đoàn cũng thạo tiếng Pháp hơn tiếng Đức.

Triệu Dung xua tay :

-Không anh ạ. Đinh Phúc rất giỏi tiếng Đức. Và cũng vì muốn ám chỉ Đinh Phúc với tài nói tiếng Đức của hắn nên Đoàn mới dùng tiếng Đức.

-Đinh Phúc đáng nghi không ?

-Cũng đáng nghi vì từ trước đến nay chưa bao giờ tôi tin hắn. Hắn là điệp viên đôi, vừa làm cho ta, vừa làm cho Phòng Nhì của Pháp. Từ trước đến nay, công việc của hắn chưa có gì trục trặc. Tôi chưa rõ hắn thật bụng hoàn toàn với ta hay với Pháp nên chưa giao công tác trực tiếp và quan trọng cho hắn.

-Đinh Phúc quen Đoàn chứ ?

-Quen, vì cùng nằm trong phân tổ với Đoàn.

-Đinh Phúc biết Tú Trâm không ?

Câu hỏi của Văn Bình như quả tạ trăm cân giáng vào đầu Triệu Dung. Chàng tối mắt tối mũi lạng người sang bên. Sự thật dễ hiểu như vậy mà chàng cứ bơi ra bơi vào mãi ! Văn Bình hỏi dồn :

-Sao anh ? Hai người biết nhau không ?

-Có, anh ạ. Cả Đinh Phúc lẫn Tú Trâm đều tốt nghiệp khóa Nga ngữ ở Mạc tư khoa.

-Nhà hắn ở đâu ?

Triệu Dung tiến lại bàn viết, rút ngăn kéo ra một tấm bản đồ Hà nội rộng lớn, trải trên sàn gác. Chàng lấy bút chì đỏ gạch dấu chéo ở khu Kim Liên : nhà của Đinh Phúc.

Một phút sau, Văn Bình nhảy ba bậc xuống thang gác. Chiếc Tatra sơn đen của bác sĩ Triệu Dung còn nóng máy, chìa khóa nằm nguyên ở công tắc. Văn Bình mở máy lái êm ru ra cổng. Chiếc xe rẽ sang Cửa Đông xuống Hàng Bông, ra vườn hoa Cửa Nam, rồi thẳng đường Hàng Lọng phóng tít xuống phía Nam. Thủ đô Hà nội đi ngủ từ nãy. Đã quá 1 giờ đêm. Những buổi họp chánh trị và mét tinh hoan hô đả đảo thường lệ đã giải tán trước nửa đêm. Giờ này là giờ của tội lỗi, nếu không là giờ của những cuộc đấu trí, đấu sức giữa các tổ chức gián điệp quốc tế.

Văn Bình đậu xe gần con đường nhỏ dẫn vào xóm Kim Liên. Nhà của Đinh Phúc cách đó khoảng 200 thước. Chàng lội bộ đi qua một ngôi biệt thự rộng mênh mông. Dưới ánh trăng xuông, tường vôi loang lổ, mốc meo, dường như từ bao năm nay chưa được sơn quét lại. Một cái sân rộng chạy sâu vào bên trong, sau hàng rào gạch cao bằng đầu người. Cây cối um tùm, trong nhà không nhìn rõ ngoài đường vì thân cổ thụ lớn đến hai người ôm không xuể.

Chàng đi hết bề dài hàng rào, hai mắt đảo vào trong. Không một ánh đèn. Chàng không tin Đinh Phúc đánh tháo Bilatốp rồi mang về đây. Chàng chỉ hy vọng hắn lưu lại một vài vết tích hoặc giấy tờ khả nghi dẫn chàng tới mục đích.

Đi được một quãng ngắn, trông trước trông sau không có ai chàng liền nép vào bên đường, quay lộn lại. Ánh điện Kim Liên ban đêm hầu như không có. Tít xa, gần trạm tầu điện mới có một cột điện với lùm sáng nhỏ nhoi, yếu ớt, chìm dưới ánh trăng nhợt nhạt. Ngọn gió ban đêm lành lạnh thổi qua rặng cây đen, giật nốt những cái lá khô bướng bỉnh chưa chịu rơi rụng.

Đến gần cổng, Văn Bình dừng lại một phút nghe động tĩnh. Cổng này kiểu xưa, chật hẹp, cây sắt đâm tua tủa lên trên. Triệu Dung cho biết biệt thự của Đinh Phúc có hai con bẹt-giê dữ tợn, chuyên cắn cổ người lạ.

Văn Bình hươi cánh tay thử chiều gió. Cũng may là gió thổi ngược nên hai con chó chưa đánh hơi ra chàng. Chàng lại sát cánh cổng sắt đồ sộ, cúi thấp, móc trong túi quần ra cái ná cao su thô sơ nhưng thật chắc. Bắn súng lục đã tài, chàng còn bắn cung và ná cao su tài hơn. Cần bịt mõm bọn chó dữ tợn từ xa, chàng hay dùng cây ná bằng nhôm nhẹ. Bắn chó bằng ná cũng là một môn được dạy trong trường do thám ở Minnesota, và trường phản gián ở Fort Halabird (1)

(1) Hai trường này ở Mỹ. Trường Phản gián Fort Halabird ở tiểu bang Baltimore.

Chàng tra vào bọc ná một viên đạn nhỏ bằng thép, rút trong vòng bi xe hơi. Cách xa 20 thước, một viên đạn cỡ này không giết chết nhưng cũng đủ làm chó bất tỉnh trong chốc lát. Như vậy vừa nhanh lại vừa nhân đạo hơn. Lại vừa bảo vệ được bí mật. Sáng hôm sau, chủ nhân sẽ không biết biệt thự bị lục xét, và cặp chó giữ nhà bị bắn ngã. Tiện hơn là dùng súng. Với  súng gắn ống hãm thanh, trong nháy mắt hai con chó kia sẽ gục chết không kêu được một tiếng, nhưng như vậy sẽ để lại vết tích…

Văn Bình định thần nhìn qua khe cổng. Gió vẫn thổi hắt hàng rào. Văn Bình quỳ một chân lên cỏ, hệt như nhà lực sĩ thế vận trên vạch trắng sắp bung mình chạy đua trăm thước. Tay trái chàng nắm chặt cái chạc ba, tay phải chàng cầm cái bọc ná bằng da bò kéo giật về phía sau cho hai sợi dây cao su ô tô căng ra cực độ.

Chàng nhắm đầu con bẹt-giê lớn bằng con bê đang nằm dài trên bục phòng khách của biệt thự. Bắn trúng đầu, nó mới bất tỉnh, song nó lại quan đầu ra chỗ khác. Chàng lượm một viên sỏi nhỏ khẽ ném vào trong vườn. Như cái máy, con bẹt-giê đứng sững lên. Cơ hội chờ đợi đã đến, Văn Bình thả cái bọc đựng hòn bi thép ra, kêu phập một tiếng. Hòn bi bay vèo qua ô cửa sắt. Văn Bình thấy rõ con bẹt-giê bách chiến bách thắng loạng choạng một phút trên hành lang, sau khi bị bắn giữa trán. Rồi con chó ngã khuỵu. Im lặng. Im lặng hoàn toàn.

Sự im lặng này làm chàng e dè. Quái, Triệu Dung nói là Đinh Phúc nuôi hai con bẹt-giê, tại sao chàng mới thấy một ? Còn con kia đâu ?

Thời giờ gấp rút, chàng không được phép trù trừ nữa. Chàng luồn tay rút chốt, đoạn đẩy cổng. Cửa cổng mở vào bên trong. Chàng lách vào thì một khối thịt to lớn nhằm đầu chàng vụt lại như gió. Con bẹt-giê thứ hai.

Thoáng nghe gió rít bên tai, chàng đánh hơi ngay thấy biến. Chàng liền né sang bên rồi bổ nhào trên đất. Thân hình nặng trên một tạ của con chó khổng lồ phóng hụt qua đầu chàng. Nếu trúng đòn nó, ít nhất chàng đã bất tỉnh để rồi chỉ một vài tích tắc sau đó con bẹt-giê được huấn luyện tinh khôn sẽ cắn cổ chàng cho đến chết.

Hú vía ! Không dám khinh thường, chàng thu hình sát cổng, đợi đợt tấn công thứ hai của con bẹt-giê xung kích. Khác giống chó giữ nhà tầm thường, con bẹt-giê này không thèm sủa ran để báo chủ. Nó đứng dựng hai chân trước, cao lớn, dữ tợn, đuôi ve vẩy, dáng điệu bình tĩnh. Dường như nó đã quen với lối giết người này.

Nó không nhảy phóc vào yết hầu chàng mà lừ lừ bước một tới, mõm vếch lên, mũi thở phì phò. Cách Văn Bình 3 thước, nó dừng lại. Chàng thấy rõ chân sau nó co lại, đuôi nó rút cao. Chàng hít thật nhiều dưỡng khí vào buồng phổi làm cho các bắp thịt dãn ra, bụng thót lại, yên lặng chờ con chó sát nhân xô tới.

Thuở còn khóa sinh viên trường điệp báo, chàng đã học cách giết chó mà không dùng võ khí. Giết bằng hai tay không. Tương tự như cách chiến đấu bằng tay không mà binh sĩ thủy quân lục chiến mọi nước phải am tường. Vì vậy, chàng nhẩn nha đợi con chó ngoạm cổ.

Cái mõm đầy răng dài lê thê vừa đến gần, cánh tay phải như sắt của chàng đã hoành ra. Bị quất ngay mõm, con bẹt-giê ngã chửng vào cửa cổng ; trong lúc ấy Văn Bình đã rướn lên, tay trái bóp chặt mõm không cho nó kêu, tay phải chẹn cuống họng con chó bồ tượng. Một tiếng ằng ặc nho nhỏ vẳng ra. Toàn thân con bẹt-giê dần dần mềm nhũn.

Văn Bình phủi áo đứng dậy thản nhiên bước vào vườn như thể chủ nhà. Bên trong vẫn vắng lặng. Văn Bình đột nhập hành lang. Phần vì chàng dận giầy đế kếp, phần vì hành lang trải thảm chùi chân bằng vỏ dừa nên tiếng giầy của chàng không gây ra tiếng động.

Cửa chính vào phòng khách đeo lủng lẳng một ổ khóa Yale kếch sù. Đinh Phúc không ngụ ở đây nữa chăng ? Hay đó chỉ là cái khóa treo hờ để đánh lừa những kẻ tò mò ? Theo kinh nghiệm, chàng biết bên trong những biệt thự rộng lớn ít khi mọi cánh cửa đều đóng kín. Hoặc cửa trên lầu hoặc cửa dưới nhà mở hé, hoặc đóng cẩu thả. Quả chàng tính không sai : cánh cửa lá sách từ nhà bếp lên nhà trên vừa được đụng nhẹ đã mở ra.

Văn Bình đứng yên trong bóng tối nghe ngóng. Tứ bề phẳng như tờ. Văn Bình chắt lưỡi, lấy chân trái mở rộng cánh cửa. Chờ một phút sau, không thấy khả nghi chàng tiến vào. Gian phòng nửa tối nửa sáng, ánh trăng bên ngoài rọi vào những tia mờ, không đủ cho chàng thấy rõ đồ đạc.

Gian phòng khá rộng này ba phía có cửa sổ, còn một phía ăn thông với phòng khách bằng cánh cửa gỗ đặc. Đồ đạc có vẻ đơn sơ, chắc là phòng ăn nên có một cái bàn dài, chung quanh kê ghế, nhưng kê bừa bộn, chắc là nhiều người vừa kéo ngồi, hoặc bữa cơm tối chưa kịp dọn xong. Chàng mở luôn cánh cửa sang phòng khách. Cũng như phòng ăn, sự trang trí không có gì đặc sắc. Còn một phòng nữa (phía dưới chỉ có ba phòng), chàng mở nốt. Cũng không thấy gì, ngoại trừ một bàn ping pong đặt ngay ngắn chính giữa còn nguyên hai cây vợt bọc cao su.

Văn Bình trèo lên gác. Biệt thự được xây cất từ lâu lại không được tu bổ nên cầu thang gỗ kêu ọp ẹp dưới chân tuy chàng hết sức giữ gìn. Trên gác cũng có ba phòng như ở tầng trệt. Thoạt tiên chàng ghé phòng làm việc, có cái bàn chất đầy sách vở giấy má. Chàng kéo riềm che cửa rồi vặn đèn. Ánh đèn ấm cúng tỏa tròn như muốn đẩy lui khí lạnh ban đêm ra ngoài. Văn Bình lục ngăn kéo. Toàn là sách truyện bằng nhiều thứ tiếng ngoại quốc. Chàng nhìn lên cái kệ : cũng tiểu thuyết ngoại quốc, nhiều nhất là bằng tiếng Anh và tiếng Đức.

Chợt chàng lưu ý đến miếng giấy màu hồng găm trên cuốn lịch hàng ngày trên bàn làm việc, phía sau bình mực thủy tinh đắt tiền, và bức tượng bán thân của Các Mác bằng thạch cao trắng toát. Chàng kéo ghế ngồi và giật mảnh giấy hồng. Mảnh giấy này là bìa trái một cuốn truyện. Trên tấm bìa chỉ vỏn vẹn mấy giòng chữ viết nắn nót bằng mực xanh. Dưới ánh đèn, hàng chữ đập vào mắt Văn Bình :

Cám ơn bạn đã dời gót ngọc đến thăm tệ xá. Bây giờ lục lọi đã thỏa thích, xin mời bạn ngồi yên đừng cựa cậy và giơ tay lên khỏi đầu.

Vạn tạ, ĐINH PHÚC

Văn Bình cảm thấy khô đắng ở cuống họng. Chưa lần nào chàng bị thua đậm bằng lần này. Bilatốp, miếng ăn đã gắp tới miệng mà còn bị giật mất. Rồi đến lượt chàng mang thân vào hang cọp cho cọp xé xác. Tuy nhiên chàng vẫn không mất bình tĩnh. Đặt mảnh giấy xuống bàn, chàng luồn tay phải vào trong sơ mi, nắm khẩu súng đeo sẵn dưới nách. Nhưng bàn tay chàng chỉ mới đụng làn thép lành lạnh của khẩu súng, một tiếng cười ngạo nghễ từ góc phòng vang lên, kèm theo giọng chắc nịch :

-Bỏ tay xuống. Bỏ tay xuống, nếu không viên đạn này sẽ nổ toang óc.

Biết địch thủ không phải tay xoàng, Văn Bình đành rút tay không ra ngoài, và lặng lẽ nâng lên khỏi đầu.