Z.28 Bản Án Tử Hình

Chương IX

Docsach24.com
uệ Lan xây xẩm mặt mày sau khi nghe điện thoại. Văn Bình, tổng thanh tra của Sở, vừa ra lệnh gọi nàng.

Nàng ngồi rất lâu trước máy chữ. Trống ngực nàng đập thình thịch. Từ ngày làm việc tại ban tài chính H-4, chưa bao giờ nàng được gọi lên tầng lầu của ban thanh tra. Ban này có trách nhiệm thanh sát và kiểm tra nhân viên của Sở ở trong và ngoài nước.

Nàng được nghe nhiều tin đồn về Văn Bình. Chàng rất lịch thiệp với phụ nữ. Tuy nhiên nhiều khi đã tỏ ra cứng rắn, vô cùng cứng rắn. Các nữ đồng nghiệp trong ban Biệt vụ thuật lại nhiều khi Văn Bình xả sung bắn vào phụ nữ, hoặc bóp nát cuống họng những người đàn bà yếu đuối.

Văn Bình gọi nàng lên văn phòng làm gì? Dĩ nhiên, không phải để nhìn nàng bằng cặp mắt đắm đuối. Vả lại, bộ ngực phẳng lì và tấm thân gầy gò của nàng khó thể mê hoặc một người đàn ông kinh nghiệm và chiến thắng về sắc đẹp như Văn Bình. Chỉ có một lý do: Lê Tùng. Trước ngày từ giã Sài Gòn, chàng đã gặp nàng và hai người đã tâm sự với nhau trong nụ cười và nước mắt.

Lê Tùng đã tiết lộ một bí mật quan trọng: sự dàn xếp kiên nhẫn và khôn ngoan của ông Hoàng. Sống để dạ, chết đem đi, nàng không thể nói lại với Văn Bình, dầu bị hăm dọa. 

Căn phòng rộng rãi của ông tổng thanh tra làm nàng rợn người. Tâm trí nàng bấn loạn đến nỗi nàng không để ý tới bức tranh thiếu phụ khỏa thân khêu gợi treo trên tường, sau bàn giấy. Văn Bình ngẩng đầu lên khi Huệ Lan bước vào. 

Mặt chàng nghiêm nghị như ông giáo sửa soạn phạt cậu học trò nghịch ngợm trong lớp. Nụ cười đang nở trên đôi môi cong cớn của Quỳnh Bích, nữ bí thư của Văn Bình, bỗng tắt ngúm. 

Chàng nói, giọng cộc lốc: 

- Mời cô Huệ Lan ngồi. 

Nàng đáp lí nhí: 

- Chào... ông.

Lệ thường, nàng vẫn chào Văn Bình bằng anh. Trừ ông tổng giám đốc già lụ khụ được gọi là ông, toàn thể nhân viên đều dùng tiếng anh thân mật. Như không quan tâm đến cách xưng hô của nàng, Văn Bình hỏi: 

- Cô đối với Lê Tùng thế nào? 

Nàng đáp, giọng nhát gừng: 

- Thưa... khá... thân.

- Tuần trước, cô gặp Lê Tùng mấy lần? 

Huệ Lan khám phá ra thủ đoạn của Văn Bình. Chàng đang tìm cách bắt nọn nàng. Nàng bèn đáp: 

- Một lần. 

- Cô nhớ lại xem. 

- Tôi nhớ kỹ lắm. 

- Hừ, cô nói không đúng sự thật. 

Mặt Huệ Lan đỏ bừng:

- Tôi cương quyết phản đối lối buộc tội này. Vả lại, tôi gặp Lê Tùng mấy lần là chuyện riêng của tôi, chuyện liên quan đến tình cảm cá nhân, không can dự đến Sở, và chức vụ của tôi trong ban tài chánh. 

- Không, cô lầm rồi. Làm nghề này, người ta không còn phân biệt giữa chuyện riêng với chuyện chung nữa. Nhân viên trong ban Biệt vụ cũng là phụ nữ như cô, song mọi chi tiết về đời sống tình cảm phải được báo cáo lên cấp trên. Họ đi coi xi nê, hoặc hẹn hò với ý trung nhân, phải bỏ trong xắc một cái chuông vô tuyến. Khi nào tổng hành doanh kêu họ, chuông sẽ kêu reng reng. Đã nhiều lần chuông reo ban đêm, vào lúc 2, 3 giờ sáng. Hạnh phúc của họ bị quấy phá mà họ không dám phiền trách vì đó là một phần của nếp sống tình báo.

- Tôi là nhân viên văn phòng, không phải cán bộ Biệt vụ thuộc về hành động. 

- Cô quên giấy cam kết rồi sao? Nếu cô quên tôi sẽ đọc cô nghe... Tôi cam đoan bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp cho Sở mọi chi tiết liên quan đến đời tư của tôi, vì đời tư của nhân viên tình báo luôn luôn dính liền với sự an toàn của Tổ chức...

Huệ Lan im lặng. Nàng đã ký tên vào tờ cam kết, và đã đưa bàn tay lên tuyên thệ. 

Biết nàng chịu thua, Văn Bình hỏi tiếp: 

- Cô gặp Lê Tùng bao nhiêu lần?  

- Ba. 

- Ở đâu?

- Một lần, chúng tôi rủ nhau đi ăn trong Chợ Lớn. 

- Tiệm nào?

- Arc-en-Ciel. Tối thứ bảy tuần trước. 

- Ai trả tiền? 

- Lê Tùng. 

- Lần thứ nhì, ở đâu? 

- Lê Tùng dẫn tôi qua cầu Tân Thuận hóng mát, chiều thứ ba. Sau đó, đi ăn và về Mỹ Phụng nhảy đến đêm. 

- Cũng Lê Tùng trả tiền?

- Vâng. 

- Rồi sao nữa?

- Lần thứ ba, anh ấy đến nhà tôi ở Thị Nghè.

- Lê Tùng nói những gì với cô? 

Mặt Huệ Lan lại đỏ bừng, nhưng không vì giận dữ mà vì thẹn thò. Giọng Văn Bình chuyển sang ôn tồn: 

- Tôi không tò mò tìm hiểu những lời tâm sự giữa cô và Lê Tùng. Tôi chỉ muốn biết những lời của Lê Tùng liên quan đến công việc, và chương trình tương lai mà thôi.

Gò má của nàng mỗi lúc một đỏ thêm: 

- Chúng tôi đã bàn về hôn nhân. 

- Bao giờ làm lễ? 

- Chưa định. Vì còn một vài trở ngại. 

- Lê Tùng sắp đi làm ở đâu? 

Huệ Lan nói dối: 

- Chợ Lớn. Một hãng buôn tư. 

- Lương tháng bao nhiêu? 

- Trên 10 ngàn. 

- 10 ngàn chưa đủ trả tiền rượu. Một chai bacadi ở đây gần ngàn đồng. Mỗi ngày Lê Tùng uống hết một chai. Vị chi mỗi tháng riêng tiền rượu mất 30 ngàn. Đó mới là rượu rom. Còn huýt ky, thuốc lá, thuốc phiện, và tiền chơi bời nữa. Tôi muốn hỏi cô: Lê Tùng lấy tiền ở đâu? 

Đang đỏ hồng, da mặt Huệ Lan trở nên xanh tái. Nàng nói, giọng mất hẳn bình tĩnh: 

- Tôi... không biết. 

Văn Bình gay gắt: 

- Là nhân viên tình báo, cô phải biết. Trừ phi... 

- Thưa ông... bao giờ tôi cũng trung thành với Sở. 

- Cám ơn cô. Nhân danh ông Hoàng, tôi báo cô biết là Lê Tùng đã biệt tích. Sau khi Lê Tùng được phóng thích, nhân viên công an được lệnh theo dõi ngày đêm. Lê Tùng cũng được lệnh tới trình diện hai ngày một lần tại bót quận nhì. Anh ta không ở Trần Hưng Đạo nữa. Và đã vắng mặt trong hai buổi trình diện. Theo chỗ tôi biết, dường như Lê Tùng đã xuất ngoại.

Nghe Văn Bình nói, nàng rối như tơ vò. Lê Tùng nói là ông Hoàng ra lệnh cho chàng. Văn Bình lại nói là Lê Tùng có hành động mờ ám. Nàng sinh ra ngờ vực tất cả. Tốt hơn là giữ thái độ im lặng. 

Văn Bình dằn giọng: 

- Tôi cho cô 24 giờ để suy nghĩ. Nếu Lê Tùng đã có cử chỉ hoặc ngôn ngữ nào khả nghi trong thời gian qua, cô hãy báo cáo lại cho tôi. Trong trường hợp cô cố tình che chở cho Lê Tùng – trường hợp mà tôi hy vọng không xảy ra – bất đắc dĩ Sở phải có hành động kỷ luật với cô. 

Như người bị xâm, Huệ Lan loạng choạng ra ngoài. Nàng giận sôi lên khi thấy Văn Bình thản nhiên ngồi xuống ghế, châm thuốc hút, và nhìn nàng bằng cặp mắt tàn nhẫn. Song muôn ngàn đom đóm đã bay tung tóe trước mặt nàng. Nàng gắng gượng mở cửa. Niềm căm phẫn tột độ dâng lên trong lòng đã giúp nàng sức khỏe để khỏi té xỉu. Nàng phải đứng vững để cứu Lê Tùng, người đàn ông nàng yêu tha thiết và nguyện lấy làm chồng.

* * * * *

Một tiếng động làm Lê Tùng tỉnh dậy. 

Đêm qua, cửa phòng đóng kín từ 10 giờ mà đến gần sáng hai người mới chịu ngủ. 6 giờ đồng hồ thần tiên vụt qua rất nhanh. Lê Tùng tưởng có 6 phút. Cẩm Phương mệt nhoài, quay mặt vào tường, và trong chớp mắt giấc ngủ đã tới với nàng. Toàn thân Lê Tùng cũng đau nhừ, tuy nhiên cơn đau không làm chàng nhức nhối. Trái lại, chàng cảm thấy một hơi nóng bừng lên trong các thớ thịt, khiến lục phủ ngũ tạng của chàng đê mê. 

Cẩm Phương vẫn ngủ say. 

Tấm chăn mỏng bằng gấm ngũ sắc đã tuột ra khỏi người nàng. Làn da trắng hồng hiện ra lồ lộ dưới ánh nắng xuyên qua khe cửa lá sách vào phòng. Trên người nàng, Lê Tùng không tìm ra một cái thẹo, một vết răn, và một chỗ mỡ thừa. Tấm thân cân đối tuyệt diệu của nàng là kết quả của nhiều năm tập luyện thẩm mỹ đúng phương pháp. Từ 10 năm nay, đêm nào nàng cũng bơi 2 giờ. Lợi dụng trời tối, nàng không mặc gì hết. Theo lời nàng, đó không phải là thủ đoạn gợi tình đàn ông – vì lẽ, ban đêm bãi cát vắng tanh – mà là một phương pháp thiên nhiên làm máu huyết lưu thông dễ dàng trong người, nhất là ở ngực và mông, những bộ phận cần nẩy nở đúng kích thước. 

Cánh cửa kẹt mở. 

Một tên vệ sĩ ló đầu vào. Thấy Cẩm Phượng nằm khỏa thân trên giường, hắn chắt lưỡi. Lê Tùng nghiêm giọng: 

- Gì thế? 

Hắn nhăn mặt: 

- Gần ăn cơm trưa rồi mà còn ngủ ư? 

- Đêm qua, thức khuya quá. 

- Chỗ thân tình nói cho anh biết, không ai ăn đứt được Cẩm Phượng đâu! 

- Trừ tôi. 

- Đừng phách lối. Một người Mỹ nặng 100 kí, bắp thịt to như cột nhà, cũng phách lối như anh. Nhưng chỉ ở đây một tuần là bò lê, bò càng, và xin hàng vô điều kiện. 

- Ha, ha, anh hỏi giùm Cẩm Phượng xem ai thua?

Tên vệ sĩ chìa cho chàng tờ báo:

- Được, chuyện này sẽ xét sau. Mời anh đọc báo, trong đó có bài nói về anh. Lát nữa, ông Chu Nghị tới. Anh dậy sửa soạn thì vừa. 

Tên vệ sĩ tiến lại, vỗ bành bạch vào mông Cẩm Phượng. Nàng càu nhàu, mặt vẫn ngoảnh vào tường: 

- Im đi cho người ta ngủ. 

- Dậy đi bà.

Mở mắt ra thấy tên vệ sĩ, nàng hốt hoảng kéo mền lên che thân thể lõa lồ: 

- Ai cho phép anh vào? 

- Ông Chu Nghị. 

- Đi ra ngay. 

- Không ai thèm nhìn đâu. Đẹp tốt gì mà nhìn. 

Cẩm Phượng quắc mắt: 

- Kệ tôi. Tôi ghét bọn chó săn như anh. 

- A, cô dám gọi tôi là chó săn. 

- Hạng người như anh còn thua chó săn một bực. Nào, có ra không? 

Tên vệ sĩ ngoe nguẩy: 

- Không ra, cô làm gì?

Cẩm Phượng nhìn Lê Tùng, cầu cứu. Chàng bước xuống giường, giọng đàn anh: 

- Chú khép dùm cánh cửa. Và trước khi ra, phiền chú xin lỗi cô Phượng. 

- Anh đừng cậy giỏi võ mà ăn hiếp tôi. 

- Tại sao anh lại bắt nạt cô Phượng?

Chẳng nói, chẳng rằng, tên vệ sĩ lùi lũi ra ngoài. Cẩm Phượng phá lên cười khanh khách: 

- Khoái quá! 

Lê Tùng hỏi dò nàng: 

- Em không sợ hắn trình với Chu Nghị ư?

- Chu Nghị cũng chẳng làm gì nổi em. Em là nhân viên nữ đoàn của bộ Ngoại giao. 

- A, cũng giống như ban Biệt vụ của ông Hoàng. 

- Phải đấy. 

- Anh hỏi tò mò, em tha lỗi. Em có cảm giác nào khi phải ôm ấp người đàn ông mà em không yêu.

- Ồ, quan niệm của anh cổ xưa như thuyết Khổng tử. Việc đó đối với em là thường. Người lính đánh trận bằng súng, còn em đánh trận bằng xác thịt. 

- Nghĩa là em không yêu ai! 

- Không đúng. Hồi đi học, em yêu sai đắm một sinh viên trường Bách khoa. Chúng em không lấy được nhau vì em là đoàn viên Thanh niên Lao động, còn anh ấy thuộc thành phần địa chủ, cha mẹ bị đấu tố. Thú thật với anh, em tin chủ nghĩa mác xít một cách triệt để, song em không thể chọn lựa người yêu theo biện chứng pháp được. 

- Bây giờ người ấy ở đâu?

- Ở dưới đất. 

- Chết rồi. 

- Vâng. Không lấy được em, anh ấy uống thuốc độc tự vận. Em định vào tu viện, song việc qui y không thích hợp với chủ nghĩa mác xít nên gia nhập ngành phản gián, dùng sắc đẹp thể xác của em để giết đàn ông. 

- Em giết bao nhiêu người rồi?

- Nhiều. Không ai sống nổi với em nửa tháng. Anh yên tâm. Em không hại anh đâu. Y sĩ chuyên môn đã khám nghiệm em tại Mạc Tư Khoa, và coi em là một kỳ quan về y học. Tạo hóa phú cho em cái tài giết đàn ông khỏi cần súng đạn. 

- Em bao nhiêu tuổi?

- 25. Vòng ngực 98 phân, không thua các cô đào chiếu bóng nguyên tử ở Hồ Ly Vọng. Mông cũng 98. Bụng 59. Cao một thước sáu bảy. Đi giày vào là 1 thước 78, chưa kể tóc bồng lên thành 1 thước 85.

Cẩm Phượng tung mền, nhảy xuống giường, và cứ thế thản nhiên vào buồng tắm. Nàng mở nước lạnh ồ ồ và nghêu ngao một bài hát dâm dặc. Lê Tùng đốt thuốc lá, bắt chân chữ ngũ đọc báo. 

Một tin ở cuối trang nhất làm chàng chú ý. Nội dung như sau: 

«Cựu nhân viên tình báo Nam Việt bỏ trốn. 

«Nguồn tin của hãng thông tấn Reuter cho biết một cựu nhân viên tình báo quan trọng Nam Việt vừa biệt tích. Nhân viên này là Lê Tùng, từng giữ một chức vụ cao cấp trong ban hành động hải ngoại. Đương sự vừa mãn hạn tù 6 tháng về tội lường gạt và hành hung nhân viên công lực. 

«Được hỏi về vụ này, phát ngôn nhân của phủ Thủ tướng Sài Gòn từ chối không tuyên bố. Trước sự khẩn khoản của các ký giả, ông chỉ nói vắn tắt: Tôi không biết. 

«Người ta nhận thấy nhà cầm quyền ở Sài Gòn bối rối sau khi Lê Tùng biệt tích. Một nguồn tin riêng cho biết Lê Tùng dường như đã rời Nam Việt. Sự đào tẩu này, nếu đúng, sẽ là một thiệt hại lớn cho các cơ quan tình báo ở phía nam vĩ tuyến 17.» 

Lê Tùng buông tờ báo xuống đất, vẻ mặt mơ màng. Trước khi ấy, Chu Nghị xô cửa vào. Lệ thường, hắn không bao giờ vào phòng chàng. Thấy chàng bâng khuâng, hắn cất tiếng: 

- Anh đọc báo chưa?

Lê Tùng thở dài:

- Rồi.

- Anh nghĩ sao?

- Chiều nay, tôi đi Thụy Sĩ. 

- Thụy Sĩ? Anh ngây thơ quá. Ra đến phi trường Kaitak, người ta sẽ chặn anh lại. Tôi tin là ông Hoàng đã liên lạc với phản gián Anh ở Hồng Kông. 

- Anh có cách nào giúp tôi không? 

- Tôi rất sẵn sàng, nhưng vì anh từ chối nên tôi chưa nghĩ ra cách khác. 

- Anh muốn đưa tôi sang bên kia bức màn sắt ư?

- Tôi không bằng lòng khi nghe anh gọi các quốc gia xã hội chủ nghĩa là «bên kia bức màn sắt».

- Ồ, đó là một danh từ thông dụng từ lâu rồi. Sở dĩ tôi không muốn, vì anh còn lạ gì, các nhân viên phản gián Bắc Việt sẽ tìm kế hại tôi. 

- Người ta chỉ hại anh khi anh còn điều khiển tổ chức gián điệp ở phía bắc vĩ tuyến 17. Ngay cả trong thời gian ấy người ta cũng chỉ hại anh khi anh khước từ hợp tác. Huống hồ bây giờ... Hại anh làm gì vì anh đã biến thành kẻ thù của ông Hoàng... Anh bằng lòng không? Vả lại, anh không còn lối thoát nào nữa. Công an và phản gián các nước phương Tây sẽ bắt anh, giải về Sài Gòn. Tôi đã liên lạc với Hà Nội. Họ sẵn sàng cho anh ẩn náu một thời gian. Sau đó, anh muốn đi đâu, tuỳ ý. 

- Tôi bằng lòng với một điều kiện. 

Chu Nghị rút thuốc lá hút:

- Tôi xin nghe.

Lê Tùng nói: 

- Điều kiện rất dễ: phiền anh chuyển số tiền sáu triệu rưỡi còn lại qua Thụy Sĩ trước khi tôi lên đường đi Hà Nội. 

- Được. Nội ngày nay, anh sẽ biết tin. 

Cẩm Phượng mặc xong quần áo rún rẩy bước ra. Chu Nghị nhăn mặt: 

- Trông cô mỗi ngày một đẹp thêm, khiến tôi rệu nước miếng. 

Cẩm Phượng thỏ thẻ: 

- Mời anh tự nhiên. 

Chu Nghị xua tay: 

- Nói thế, chứ tôi không dám. 

Lê Tùng buộc thắc lưng ki mô nô: 

- Tôi đi chơi với Cẩm Phượng được không?

Chu Nghị mỉm cười: 

- Ban ngày không nên lộ mặt ra ngoài. Còn ban đêm tha hồ, tôi không giữ. 

- Tại sao hôm qua anh cấm đoán? 

- Hôm qua khác. Chẳng giấu gì anh, tôi sợ anh đổi ý kiến. Nhưng từ phút này trở đi, tôi biết anh không thể đổi ý kiến nữa. 

- Anh gớm thật. 

- Cũng chưa giỏi bằng anh. Anh là người đàn ông thứ nhất khuất phục được cô Phượng. 

Cẩm Phượng phá lên cười. Lê Tùng hỏi: 

- Bao giờ tôi đi?

Chu Nghị đáp: 

- Hy vọng đêm nay. 

- Bằng tàu ngầm?

- Không. Chúng mình vượt biên giới, vào lục địa Trung Hoa. Từ đó, đáp phi cơ Hà Nội về Hà Nội. Thôi chào anh. Chúc anh vui thật nhiều với người đẹp. 

Cẩm Phượng nắm tay Lê Tùng kéo sát vào người. Thường tình, đàn ông súi giục đàn bà, nhưng lần này Cẩm Phượng lại giữ vai trò chủ động. Chu Nghị nện giầy lộp cộp ra hành lang. Cẩm Phượng lim dim cặp mắt, chìa miệng cho Lê Tùng: 

- Hôn em đi anh. Đêm nay, chúng mình xa nhau rồi.

* * * * *

Lê Tùng đã sống một thời gian dài ở Hà Nội sau hiệp định Giơ Neo để chỉ huy tổ chức tình báo của ông Hoàng, nên đã quen với những cột cờ cao chót vót, những loa phóng thanh ong ỏng suốt ngày đêm, và những chân dung lãnh tụ to bằng cái chiếu đứng cao nhìn xuống đoàn người phục sức ảm đạm, nhễ nhại bồ hôi, bước rảo trên hè phố như bị ma đuổi. 

Tuy nhiên, một cảm giác kỳ lạ nhen nhúm trong lòng chàng. Có lẽ đây là lần thứ nhất chàng đến Hà Nội bằng cửa trước, bằng trường bay Gia Lâm, trên phi cơ vận tải Hi út sin 17. Phi cơ này chở được 66 hành khách, song Lê Tùng chỉ là hành khách duy nhất, giữa một toán vệ sĩ lầm lì, đeo súng tiểu liên. 

Suốt chuyến bay từ lục địa Trung Hoa về Hà Nội, Chu Nghị không nói nửa lời. Lê Tùng dựa lưng vào vách phi cơ cố ngủ. Chàng cần ngủ để lấy sức đối phó với cuộc thẩm vấn dài dòng và phiền toái của nhân viên phản gián cộng sản.

Một chiếc ZIL đồ sộ đón chàng tại phi cảng. Chàng đinh ninh được đưa về trung tâm thành phố, tiếp xúc với các thủ lãnh phản gián. Song tài xế lại phóng xe theo những con đường vắng tanh, thẳng vào Hà Đông. Gần đến thị trấn Hà Đông, chiếc xe ZIL rẽ vào một khu trại rộng bát ngát. 

Một thiếu phụ khá đẹp (lại đàn bà!) mở cửa xe, mời Lê Tùng xuống, rồi thân mật cầm tay chàng dẫn vào phòng khách, trang trí theo kiểu xưa. Thiếu phụ lách sang bên, nhường lối cho chàng bước vào phòng ngủ, một căn phòng đỏm đáng, đủ tiện nghi tân tiến, từ cái giường thấp lè tè, trải ga trắng muốt, đến cái quạt trần Marelli chạy êm ru, và buồng tắm thơm mùi nước hoa phụ nữ.

Thiếu phụ kéo ghế cho chàng ngồi, rồi nói: 

- Chắc anh mệt lắm. Em được cấp trên cử ra săn sóc cho anh. Mời anh ngồi nghĩ một lát rồi tắm. Tên em là Nhung. Huyền Nhung. Tắm nước thật nóng sẽ khoẻ lại ngay. Em sẽ đấm bóp cho anh. 

Tuy mệt nhoài, Lê Tùng bỗng thấy tâm thần phấn khởi. Chàng quan sát thiếu phụ từ đầu xuống chân. Nàng không thua Cẩm Phượng ở Hồng Kong là bao. Da nàng không trắng bằng, nhưng màu da hồng hồng, rám nắng, rất hợp với khuôn mặt bầu bĩnh, cặp mắt rộng, mái tóc cắt ngắn, đôi chân dài và bộ ngực rắn chắc. 

Nàng mặc một cái áo choàng xanh nhạt, may khít, trông giống như diều dưỡng viên ở bệnh viện Tây phương. Không đợi chàng trả lời, nàng bước thoăn thoắt vào buồng tắm, vặn nước ồ ồ. 

5 phút sau, nàng trở ra, giọng âu yếm:

- Mời anh cởi quần áo. 

Lì lợm như Lê Tùng mà cũng thẹn chín cả người. Chàng không ngờ cuộc phiêu lưu nguy hiểm này lại được tô điểm bằng những phút thần tiên với đàn bà đẹp. Bất giác, chẳng nghĩ đến Văn Bình. Vai trò của chàng sẽ làm Văn Bình, anh chàng đa tình nhất sở Mật vụ, thèm rệu nước miếng. 

 Lê Tùng đưa sơ mi cho Huyền Nhung treo lên mắc. Ngón tay chàng trở nên lóng cóng khi đụng vào khuy quần. Chàng không còn là cậu thiếu niên mới giáp mặt đàn bà lần đầu. Huyền Nhung cũng không còn là trinh nữ để chàng tần ngần, xấu hổ.

Có lẽ chàng rụt rè vì sự việc xảy ra quá đột ngột. Trong thời gian hoạt động ở phía bắc vĩ tuyến 17, Lê Tùng đã nghe nói nhiều về trung tâm chiêu đãi ME, dành riêng cho nhân viên tình báo Tây phương bị bắt muốn hợp tác, song chàng không ngờ món hàng phụ nữ lại đầy đủ và ngon lành đến thế. 

Huyền Nhung nhanh nhẹn rút dây lưng của chàng, giọng nhí nhảnh như cô gái đôi tám: 

- Ồ, thay quần áo để tắm mà cũng ngượng ngập. Để em cởi giùm cho!

Lê Tùng chắt lưỡi: 

- Chuyện! Xấu hổ là đúng! Nếu cô làm gương trước, tôi sẽ cởi hết trong vòng một phút đồng hồ.

Huyền Nhung phá lên cười: 

- Trời đất ơi, tưởng gì, chứ khoảng ấy thì dễ dàng quá! Vả lại, em sẽ cởi sau anh, và cởi nhanh hơn anh nhiều. Đây này, anh mất một phút, nghĩa là 60 giây, em nghĩ cần một giây, đúng một giây, không hơn không kém. Song trong thời đại nguyên tử, chậm chạp như anh thì chóng mất mạng. 

Phật một tiếng, cái áo choàng bó người màu xanh được giứt ra khỏi thân thể nàng, rơi xuống đất. 

Lê Tùng trố mắt, đứng sững. 

Hồi nãy, chàng đã đoán lầm. Khỏa thân, nàng gợi cảm hơn Cẩm Phượng nhiều. Những đường cong núi lửa của nàng đều thật trăm phần trăm. Chàng buột miệng: 

- Thân hình cô đẹp quá! 

Huyền Nhung ưỡn ngực cho chàng ngắm: 

- Tại sao lại gọi em là cô?

- Ừ, thì gọi là em. 

- Em cũng chưa được. 

- Vậy muốn gọi bằng gì?

- Bằng mình. 

- Mình làm anh phát điên. 

- Anh còn đợi gì mà chưa ôm em? 

Huyền Nhung ôm cứng Lê Tùng, cố tình cọ sát bộ ngực vĩ đại vào má chàng, rồi ngửa mặt chờ hôn. Dĩ nhiên, Lê Tùng không rụt rè như trước nữa. 

Chàng dìu nàng xuống cái bàn dài, song nàng gỡ ra, giọng trách móc: 

- Thong thả. Hồi nhỏ, trước khi ăn, mẹ em thường bắt em rửa ráy sạch sẽ. Em không thích bẩn thỉu. Vả lại, ngoài kia có phòng riêng thú vị hơn. 

- Anh háu ăn lắm. Tính anh lại nóng như lửa. Tượng đá thấy em cũng bủn rủn huống hồ người trần mắt thịt như anh. 

- Em sẵn sàng chìu anh. Anh đòi hỏi khi nào cũng được. Sáng, trưa, chiều, đêm, bất cứ lúc nào, tuy nhiên... 

- Tuy nhiên, anh phải ngoan ngoãn đối với thượng cấp của em. 

- Anh thông minh ghê. Em ghét thậm tệ đàn ông đần độn. Thiện chí là điều kiện duy nhất để em hiến thân cho anh. Nói cho cùng, thượng cấp của em cũng là thượng cấp của anh. 

- Thượng cấp của chúng mình còn quên một điều quan trọng: ái tình không giống khẩu súng, nạp đạn là bắn. Ái tình phải đi đối với sự cảm thông của tâm hồn, trước khi dẫn tới sự cảm thông của xác thịt. Anh không thích ái tình còm măng. 

- Nếu không thích, anh còn nài ép em làm gì? Thôi, để em mặc áo. 

Lê Tùng cứng họng. Huyền Nhung tỏ ra cao tay hơn chàng. Nàng đã đọc rõ tâm trạng chàng như tấm hình trên màn ảnh. Tuy biết nàng yêu đương theo lệnh trên, chàng vẫn say mê.

Huyền Nhung ngoạm má chàng, giọng õng ẹo: 

- Chịu thua chưa? Đại tá sắp đến rồi, sửa soạn nhanh kẻo không kịp. 

Lê Tùng giả vờ nhìn nàng sửng sốt: 

- Đại tá Bùi Vinh? 

- Phải. Xong việc, anh tha hồ hú hí. 

Bùi Vinh đến trại vào lúc 9 giờ tối. 

Lê Tùng không lạ gì hắn, song đây là lần đầu gặp gỡ bằng xương, bằng thịt. Trong quá khứ, chàng chỉ biết hắn trên ảnh. Trước ngày từ giã Sài Gòn, chàng đã được Văn Bình nói rõ về Bùi Vinh và Phan Thiện. 

Đại tá Bùi Vinh là cánh tay phải của Phan Thiện, trùm phản gián Bắc Việt. Ông Hoàng đã có hàng chục tấm hình của Bùi Vinh, nằm, ngồi, đứng, mặc đồ tắm trên bãi biển, trưng diện dạ phục trong một đại lữ quán ở Hà Nội. Song trong hình, Bùi Vinh hoàn toàn khác ở ngoài. 

Trong hình, hắn có khuôn mặt xương xẩu, thân hình cao gầy, và nụ cười nghiêm nghị. Trên thực tế, hắn cao lêu nghêu nhưng đôi má lại phúng phính bánh đúc, miệng cười thâm hiểm hơn là nghiêm nghị.

Nhìn hắn, Lê Tùng giật mình. Có lẽ bộ ảnh trong hồ sơ của ông Hoàng được chụp từ lâu. Như vậy, có thể ông Hoàng lầm lẫn. Trong nghề điệp báo, sai một li, đi một dậm. Đột nhiên, chàng lo ngay ngáy, và bắt đầu nghi ngờ... Nghi ngờ kế hoạch của ông Hoàng. 

Kế hoạch lạ lùng này được mệnh danh là Hào quang. Đứng trước hào quang, con người thường quáng mắt. Ông Hoàng bố trí khổ nhục kế, để Lê Tùng rơi vào cạm bẫy của đối phương ở Sài Gòn. Lê Tùng sẽ biến thành một vùng hào quang làm các yếu nhân điệp báo Hà Nội quáng mất rồi thanh trừng lẫn nhau. 

Con người nguy hiểm nhất mà ông Hoàng muốn loại trừ trước tiên là Phan Thiện. 

Đối diện Bùi Vinh, Lê Tùng nhớ lại rõ mồn một những dòng chữ đánh máy li ti trong hồ sơ Hào quang mà ông Hoàng cho chàng độc, trước khi cất kỹ vào tủ sắt kiên cố. 

«...Một trong những cấm kỵ trong nghề điệp báo là cạnh tranh nội bộ. Sự ganh ghét giữa các nhân viên tình báo chuyên nghiệp do đô đốc Canaris chỉ huy với nhân viên tình báo của Đảng Quốc xã dưới quyền Himmler trong đại chiến thứ hai đã làm nhiều hoạt động ở hải ngoại bị tê liệt trầm trọng. 

«Tình trạng này đang xảy ra trong guồng máy Phản gián ở Bắc Việt. Căn cứ vào tài liệu xác thật được phối kiểm chu đáo, guồng máy này được coi là khá đắc lực. Giám đốc Phản gián là Phan Thiện. Hắn chỉ huy một hệ thống phản gián đại quy mô từ bờ bắc vĩ tuyến 17 đến biên giới Hoa-Việt. Hắn còn đặt an-ten tại nhiều thủ phủ trên thế giới, nhất là trong vùng Đông Nam Á. 

«Phan Thiện là cán bộ phản gián chuyên nghiệp, xuất thân từ cơ quan An ninh Liên bang (Sûreté fédérale) và Phòng Sử học (Bureau historique) – cơ quan Phản gián của Pháp ở Đông Dương – sau thế chiến thứ hai. Chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ tháng 12-1946, Phan Thiện đã có liên lạc mật thiết với các yếu nhân điệp báo Lê Giản và Phan Trọng Tuệ, song được uỷ nhiệm ở lại Hà Nội, tiếp tục phục vụ trong cơ quan an ninh của Pháp. 

«Nhờ sự cộng tác hữu hiệu và trung thành của Phan Thiện, các cơ sở nội thành của Việt Minh được bảo vệ kiên cố. Cho đến gần hiệp định Giơ Neo năm 1954, vai trò nhị trùng nguy hiểm của Phan Thiện mới bị bại lộ. Hắn trốn lên Việt Bắc, làm cố vấn cho Trần Quốc Hoàn, sau này làm bộ trưởng Công an. 

«Hắn được đưa đi Mạc Tư Khoa dự lớp huấn luyện cao cấp. Và sau 2 năm ở Nga Sô, Phan Thiện đã tốt nghiệp những trường đại học điệp báo sau đây: 

- trường gián điệp ẩn tế (1) 

- trường phá hoại (2)

- trường gián điệp Fili (3)

«Sau đó, Phan Thiện trở về Bác Kinh học 6 tháng trong trường Kỹ thuật Phản gián Cao cấp ở ngoại ô Thượng Hải. Năm 1957, hắn về nước và được cử làm giám đốc Phản gián. Trên thực tế, Phan Thiện không mang chức vụ giám đốc, và sở Phản gián cũng không có tên chính thức. Các hoạt động phản gián được giấu trong vụ Lễ Tân, trực thuộc Phủ Thủ Tướng, và Phan Thiện chỉ giữ một chức vụ tầm thường là Phó Vụ trưởng Lễ Tân. Tuy vậy, quyền hành của Phan Thiện rất lớn. Sự hồi hương của hắn đã đặt các cơ sở điệp báo của ta vào tình trạng bế tắc.

« Năm 1960, Phan Thiện được đưa vào Ủy ban Trung ương Đảng làm uỷ viên dự khuyết, cùng với Nguyễn Hữu Khiếu, cựu giám đốc Công an Liên khu IV trong thời gian kháng chiến.

«Năm 1962, Bùi Vinh được biệt phái từ bộ Tổng tư lệnh qua vụ Lễ Tân, làm phụ tá cho Phan Thiện. Ngược với Phan Thiện, một chuyên viên điệp báo thuần túy, xuất thân từ thành phần tiểu tư sản thành thị (hắn đã đậu Tú tài Pháp, ban Toán, cha hắn là tham tá phủ Toàn quyền, ông nội hắn là quan lại Nam triều), đại tá Bùi Vinh lại thuộc giai cấp vô sản hoàn toàn. 

«Bùi Vinh gia nhập Vệ quốc đoàn trước ngày kháng chiến bùng nổ. Sinh quán hắn ở Quảng Bình (đồng hương với uỷ viên dự khuyết trung ương Đảng, Nguyễn Hữu Khiếu), cha mẹ là nông dân nghèo, hồi nhỏ phải chăn trâu. 

«Sau khi gia nhập bộ đội, Bùi Vinh mới được học hành. Tư chất thông minh khác thường, sau 2 năm từ mù chữ hắn đã tốt nghiệp bằng tiểu học. 2 năm sau, hắn tốt nghiệp trung học. 

«Năm 1946, hắn chỉ là binh nhì. Năm 1948, hắn vọt lên thiếu úy trong trận đánh ở Liên khu V. Năm 1950, dự chiến tại Cao-Bắc-Lạng, Bùi Vinh đã đeo lon đại úy. Năm 1954, hắn chỉ huy một tiểu đoàn quyết tử ở thung lũng lòng chảo Điện Biên. Tiểu đoàn của hắn thiệt mạng 9/10 song đã hoàn thành nhiệm vụ. Và hắn được vinh thăng thiếu tá thiệt thụ.

«Nhờ thành phần giai cấp, hắn thăng cấp rất nhanh. Năm 1961, hắn lên đại tá. Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết hắn được bộ Quốc Phòng đề nghị với phủ Chủ tịch lên cấp thiếu tướng. 

«Về chuyên môn điệp báo, Bùi Vinh còn ở mức trung bình, nếu không là sơ cấp. Hắn chưa hề hoạt động điệp báo. Hắn chỉ mới theo học khóa huấn luyện điệp báo cấp tốc của bộ Tổng tư lệnh, và chưa hề bổ túc ở ngoại quốc. 

«Về phần gián điệp, Bùi Vinh mới đạt trình độ tập sự. Nguyên nhân hắn được biệt phái qua vụ Lễ Tân hoàn toàn có tính chất chánh trị. Nếu Bùi Vinh thay thế Phan Thiện, tổ chức của chúng ta sẽ hoạt động dễ dàng hơn, ít nhất trong hiện tại. Vì vậy, công tác cấp thời của chúng ta là tìm mọi cách loại trừ giám đốc Phản gián Phan Thiện. 

«Kế hoạch loại trừ này gặp rất nhiều khó khăn. Phan Thiện là uỷ viên dự khuyết trung ương Đảng, nếu để hắn trở thành uỷ viên thật thụ và nắm giữ toàn bộ hệ thống điệp báo miền Bắc, chúng ta sẽ phải tốn phí nhiều tiền bạc và nhân sự.

«Thoạt đầu, chúng ta dự định ám sát Phan Thiện. Việc ám sát bất thành vì Phan Thiện bố trí phòng vệ rất chu đáo, hai lần nhân viên của ta trà trộn vào cơ quan của hắn, cả hai lần đều bị bại lộ. Vả lại, ám sát không lợi bằng thanh trừng. Vì Phan Thiện bị ám sát, một Phan Thiện khác sẽ được cử ra thay thế. 

«Trong guồng máy điệp báo Bắc Việt, ngoài Phan Thiện ra đang còn một số chuyên viên có đầy đủ khả năng. Biện pháp lý tưởng là loại trừ Phan Thiện bằng cách đưa hắn vào tròng. Chúng ta sẽ tạo chứng cớ giả mạo để giúp Bùi Vinh kết tội Phan Thiện. Trung ương Đảng sẽ phải thanh trừng Phan Thiện về tội phản bội. 

«Sau khi Phan Thiện bị thanh trừng, Trung ương Đảng sẽ không dám bổ nhiệm các chuyên viên thuần túy vào chức vụ cao cấp nữa, và đương nhiên đại tá Bùi Vinh sẽ lên thay thế. Một hậu quả đương nhiên khác là các chuyên viên thuần túy trong guồng máy điệp báo sẽ bị thay thế bởi các đảng viên trung kiên. 

«Việc chính trị hoá điệp báo sẽ làm mực độ hữu hiệu giảm sút, giúp chúng ta đẩy mạnh hoạt động... 

«Sau đây là hồ sơ tướng mạo và đời sống của Phan Thiện, và Bùi Vinh...» 

Lê Tùng nhìn Bùi Vinh như bị thôi miên.

Bùi Vinh lặng lẽ ngồi xuống ghế xa lông, miệng phì phèo điếu xì gà thơm phức. 

Hắn không bắt tay Lê Tùng. Hắn cũng không chào hỏi. Hắn lại không mời chàng ngồi. 

Bùi Vinh mở đầu bằng câu nói dấm dẫn, chứa đầy đe dọa: 

- Lê Tùng! Anh chưa thành thật. 

Lê Tùng chớp mắt, vẻ mặt ngơ ngác: 

- Tôi... 

Bùi Vinh cướp lời, giọng hách dịch: 

- Để yên tôi nói. Anh chưa thành thật. Lê Tùng, anh không giấu diếm được tôi đâu. 

Lê Tùng có cảm giác như trần nhà xụp xuống. Trần nhà xụp xuống đè chàng nát bấy. Đồng thời đè nát bấy kế hoạch Hào quang mà ông Hoàng mất bao công phu sửa soạn.

Chú thích:

(1) Hiệu trưởng trường này là đại tá Dubovik. Trường này được đặt dưới thẩm quyền của Vụ 1, trong trung ương GRU, vụ trưởng là phó đô đốc Bekrenev. 

(2) Trường phá hoại thuộc thẩm quyền của Vụ 5, trong trung ương GRU, do trung tướng Mikhail Andrianovich Kochetkov làm vụ trưởng. 

(3) Trường gián điệp Fili là nơi huấn luyện điệp viên trung cấp GRU. Nhiều yếu nhân điệp báo Bắc Việt đã tốt nghiệp tại Fili.