Yêu Thương Để Lại

Yêu Thương Để Lại

Kính dâng Hương Hồn Bố

(Chuyện Đời như nước chảy hoa trôi

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có Tình Thương để lại Đời.)

Trưa nay, tình cờ chạy ngang qua căn nhà xưa, lòng Tôi thấy buồn vui lẫn lộn.  Tôi tách xe vô lề, đậu lại rồi bước xuống đi gần đến nhà, đứng nhìn ngẫn ngơ.  Đã mấy chục năm qua rồi, cảnh vật chung quanh có nhiều thay đổi, căn nhà cũng vậy, khung cửa mới, màu sơn, sân, vườn, mọi thứ trông đều khác đi, nhưng Tôi vẫn nhìn ra được ngôi nhà của ngày xưa thân ái.  Căn gác phòng Tôi ngày nào vẫn còn đó, Tôi ngước nhìn hoài.  Ước gì Tôi được bước vào bên trong nhà, để thấy lại bao hình ảnh và kỉ niệm thân yêu của ngày xưa cũ, để được thấy dáng Bố hao gầy ngồi bên khung cửa phòng ăn quen thuộc mỗi buổi sáng, đọc kinh cầu nguyện cho mọi người trước khi Bố đi làm.  Tôi nhớ Bố quá!  Nỗi nhớ quặng thắt lòng Tôi.  Bố ơi, Bố ơi!  Làm sao con có thể tìm lại được nữa, những hương tình của ngày xưa dấu yêu, bên Bố.  Dù cuộc sống đơn sơ, đạm bạc nhưng tình thương thì không bao giờ thiếu và Bố luôn là bóng mát che đời Tôi nắng mưa.  Có lẽ, người đã thay đổi, làm nên cả cuộc đời Tôi hôm nay và để lại dấu chân yêu thương in sâu đậm nhất trong trái tim Tôi là Bố.  Nên mỗi khi nhớ Bố, là tim Tôi thổn thức, buồn vui, ân hận, trách than ngỗn ngang, xót đau cả lòng.  Nhất là mỗi mùa lễ Father's Day đến, đi ngang qua hàng bán thiệp.  Có hôm Tôi lật đật đi qua luôn để nước mắt mình không rơi rớt,  nhưng có ngày Tôi cũng dừng lại, cầm đọc những tấm thiệp đượm tình cho Bố, Tôi cũng mua một cái, đem ra mộ Bố, đốt tan.

Những suy nghĩ miên man đã dẫn bước chân Tôi đến đứng trước garage nhà...người ta từ hồi nào không biết?  Nếu có ai trong nhà hoặc người hàng xóm nào để ý nhìn thấy Tôi bây giờ, chắc họ sẽ gọi cảnh sát, hoặc là sẽ ra mà cho Tôi một bài học chính đáng, vì Tôi đang rất tự nhiên... xâm phạm bất hợp pháp vào vườn nhà của người ta!  Tôi đứng cười một mình, rờ vào cái cột garage, dù không còn là cột cũ của năm xưa, nhưng Tôi vẫn nhớ ở góc cột này, ngày trước, Tôi đã nhiều lần "quẹt" xe của Bố khi Tôi mới học lái xe, chạy ra chạy vô garage này!  Và Bố thì lúc nào cũng mĩm cười thông cảm, dù nụ cười của Bố có hơi...nhăn một chút.  Vâng, thì tại Bố rất thích hiệu xe Mỹ, nên xe của Bố thì to, rộng, còn Tôi thì bé xíu, ngồi vào ai cũng không thấy Tôi đâu, chỉ thấy chiếc xe tự nhiên mà...chạy và...đụng rầm rầm!

Từ ngày Tôi biết lái xe, Bố càng tin tưởng rằng xe Mỹ an toàn hơn những xe hiệu khác nhiều!

Tôi đang cười hạnh phúc thì có tiếng người đằng sau lưng đi tới, hỏi to:

Cô tìm nhà ai hở?

Tôi thiu thiủ quay sang, một ông Mỹ to con đứng nhìn Tôi, mặt ông không "ngầu" lắm nhưng cũng khiến Tôi thấy ái ngại, Tôi vội vàng nói:

-Rất xin lỗi, Tôi đã quấy rầy...Tôi tình cờ đi qua đây, nhớ nhà xưa nên ghé vào nhìn..

Ông nghe ra thì "Ồ" lên một tiếng và chỉ vào nhà ông, cười, hỏi:

-Ngày xưa cô ở nhà này sao?

Tôi cũng cười, gật đầu:

-Vâng, đã mấy chục năm qua rồi...

Ông lại "Ồ" rồi bảo Tôi:

-Nếu vậy thì cô cứ từ từ và tự nhiên đi quanh mà xem!  Tuy Tôi đã sửa sang lại nhiều nhưng kiểu nhà thì vẫn như cũ, cô còn nhận ra được chứ?

Tôi lại gật đầu, ngước nhìn căn nhà một lúc rồi nói với Ông:

-Một lần nữa, rất xin lỗi đã làm phiền, Tôi xin chào..

Ông đi theo Tôi ra xe, cười hiền:

-Khi nào cô muốn ghé qua, cứ tự nhiên nhé.

Tôi nhìn Ông, cảm động:

-Xin cảm ơn, chúc Ông một ngày vui.

Nói rồi, Tôi vào xe, ngước nhìn căn nhà thân thương một lần nữa rồi chạy xe đi.  Tôi không lái ra hướng freeway về nhà, mà rẽ sang đường cái dẫn đến nghĩa trang, Tôi phải đi thăm Bố mới được, Tôi nhớ Bố quá!

Ngồi bên mộ Bố, tay Tôi ve vuốt tấm mộ bia lạnh ngắt, lòng ngậm ngùi, buồn đau xót xa.  Tôi ước gì Bố vẫn còn sống, để Tôi được thấy môi Bố luôn cười, cuộc sống Bố không còn vất vả, nhọc nhằn nữa.  Mắt Bố sẽ vui và tươi bên các con, các cháu đông đúc của mình, bây giờ đời đứa nào cũng đã yên vui cả rồi.  Và bên mâm cơm ấm tình gia đình mỗi khi xum vầy, Bố ngồi thong thả nhâm nhi và tấm tắt khen các món "nhậu" Tôi làm cho Bố bây giờ đã đạt đến mức ngon lắm rồi.  Ôi, Bố ơi!  Ước gì con có được phép thần tiên mà quay ngược giòng thời gian lại, được trở về ngày tháng của xa xưa, khi còn được sống bên Bố Mẹ.  Con sẽ làm lại từ đầu, sống lại cuộc sống thật đàng hoàng, tốt và ngoan hơn, và chắc chắn là con sẽ không hấp tấp, vội vã bước xuống cuộc đời đầy chông gai, để phải rời xa Bố Mẹ quá sớm như hôm xưa.  Hay nếu con chỉ có thể quay lại được một ngày sống bên Bố thôi, thì con sẽ xin được ở bên Bố ngày cuối cùng của đời Bố, để con được nắm lấy và ve vuốt đôi bàn tay của Bố, đôi tay đầy ấp tình yêu thương, đã vì áo cơm của anh em chúng con, vì gia đình ruột thịt còn ở Quê Nhà mà gầy guộc, thô xương.  Để con được nhìn vào mắt Bố buồn, xin với Bố một lần thứ tha cuối cùng cho cuộc đời nhiều lầm lỗi của con, dù Bố chưa bao giờ trách cứ con một lời nào.  Và để con được nói với Bố lời sau cùng là con Thương Bố nhiều lắm, con Thương Bố biết bao nhiêu, ôi Bố rất kính yêu, Bố là Hạnh Phúc trọn vẹn nhất của con.

Bây giờ, Tôi có nói gì, Bố còn nghe được không?  Tôi có muốn làm bao nhiêu điều cho Bố, vì Bố thì cũng chỉ bằng thừa thôi, xương thịt của Bố đã rữa nát, tan thành tro bụi rồi, và hồn của Bố thì đã bay cao về đâu?  Để Tôi mãi hoài ân hận, mãi hoài tiếc thương mỗi khi ra ngồi bên mộ Người, mỗi khi nhớ về Bố của Tôi, nhớ bến đời êm đềm hạnh phúc, yêu thương rợp trời ngày Tôi còn có Bố....

Cuộc đời Tôi mở ra, hình ảnh Bố bắt đầu in đậm, rỏ nét trong trí nhớ của Tôi, có lẽ là khi tuổi thơ lên năm lên sáu..  Một khuya Giao Thừa gia đình xum vầy vui vẽ rồi bước vào mùng một Tết đầy máu, tiếng đạn, tiếng nổ, tiếng khóc.. khi đồn Bố đóng quân bất ngờ bị tấn công.  Bố mình trần, đứng giữa đạn bay, khói mìn mù mịt, gọi to anh em đồng đội xung phong ra trận.  Trời đâu đã sáng, còn tối đen, không biết là Bố hay ai, nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Tôi, cùng Mẹ và các anh chị, dẫm lên xác người, chạy nhanh xuống hầm trú, để chúng tôi ngồi trong đó rồi hối hả chạy ra ngoài..  Tôi cứ ngồi im sợ hãi như vậy rất lâu, nghe tiếng đạn, mìn, tiếng người kêu la, rên khóc bên trong, bên ngoài hầm trú cho đến khi trời sáng, tiếng súng im dần, chỉ còn tiếng người kêu, khóc.  Một chú lính dẫn chúng tôi ra, bước qua một cảnh tượng đớn đau, mà cho mãi đến bây giờ Tôi vẫn còn nhớ rất rỏ và sẽ không bao giờ quên, để yêu tha thiết hơn, một Quê Hương và người dân Việt Nam đầy thống khổ... hình ảnh những xác người chết, đầy máu, vắt trên hàng rào kẽm gai, bên thềm nhà, dưới những đống gạch vụn.. có những khuôn mặt còn rất trẻ, những đôi mắt còn mở trừng, và những bàn chân tay tung toé ở đâu không thấy?  Chúng tôi được đưa vào khu cứu thương, Tôi đứng núp bên anh Tôi, cạnh cánh cửa gẫy nát một nữa, nhìn ra sân.. Tôi thấy đằng xa xa, dáng Bố đi qua đi lại nói chuyện với vài người, mình Bố dính đầy máu, trong đó có cả máu của Bố nữa.

Sau ngày kinh hoàng đó, có lẽ Bố không muốn Mẹ và chúng tôi phải sống trong cảnh chiến tranh đẫm máu cùng với Bố nữa, nên gia đình chúng tôi dời đi nhiều nơi để tìm sống, rồi dời xuống Vũng Tàu, Long Điền, cuối cùng thì định cư bên vùng biển Phước Tỉnh, trong một xóm Đạo của người Bắc di cư vào Nam.  Bố ít khi về thăm lắm, có lẽ vì thời gian đó, chiến trường bắt đầu trở nên khốc liệt.  Nên mỗi khi Bố về, gia đình rất vui.  Bố mang cho chúng tôi nhiều quà và tình thương. Bố thường hay tắm gội cho Tôi và dắt Tôi đi học, Tôi rất thích được Bố cõng, mỗi khi Bố cõng Tôi, Tôi vui lắm, hình như Bố cũng vui nữa, dù có hơi nặng và mệt một chút.  Mỗi khi Bố về, Mẹ hay bắt anh chị em tôi ra đứng "xếp hàng" chờ Bố hỏi tội, ở nhà đã làm gì sai với Mẹ, với nhau?  Thường thì bắt đầu từ anh Hai, anh Ba.. và có lẽ vì lâu ngày, hay vì các anh chị Tôi "tội" nhiều, kể hoài không hết nên Tôi phải chờ khá lâu mới đến phiên mình vì Tôi là út.  Lúc đầu, Tôi còn đứng như các anh, chị, đợi hơi lâu, biết Bố chưa để ý đến mình, Tôi từ từ ngồi xuống vì mỏi chân, và vừa kịp khi đến phiên Tôi thì Bố đã thấy Tôi nằm lăn ra...ngủ khò từ bao giờ! (hay giả vờ ngủ?) Và dĩ nhiên, Bố đầy tình yêu thương, nên không gọi Tôi dậy.  Thế là Tôi thoát được tội mình và miễn được một trận đòn.

Rồi một ngày, Bố bị thương, vết thương khá nặng nên Bố được giải ngũ về nhà.  Gia đình chúng tôi lại được xum họp, vui vầy.  Bố quen thân thiết với những người trong xóm rất nhanh vì Bố hay giúp đở người này người kia, và "ông trùm" của xóm cảm thương Bố lắm nên nhận Bố Mẹ làm con nuôi, đở đầu cho gia đình chúng tôi vào Đạo và đở nâng gia đình chúng tôi rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần.  Bố làm quen với nghề đánh cá, những bữa cơm dưa cà, bây giờ lại có thêm cả cá mặn và tình yêu thương của Bố nữa nên cuộc sống vui hơn, Bố và chúng tôi cười nhiều hơn, gia đình chúng tôi thật hạnh phúc.  

Và hạnh phúc bình yên rất ngắn ngủi đó, chưa kịp đơm hoa kết trái xanh màu thì bất chợt tàn héo và tan biến, nhường vào là bao nỗi đắng cay, bàng hoàng, ngơ ngác khi giặc chiếm miền Nam.  Nước mắt lại đầm đià khi lại phải dắt dìu nhau chạy nạn trong một thảm cảnh kinh hoàng, tan tóc.  Lần này, tan tóc và đau buồn càng thảm thiết hơn vì phải rời bỏ cả một Quê Hương yêu dấu, để đi về đâu?  Sống hay chết?  Ai nào biết được.  Bố Tôi là quân nhân, lòng Bố lại bát ngát tình Quê, nên Bố nhất định không chịu đi đâu cả, dù chỉ đi để tạm lánh nạn thôi.  Nhưng Ông Tôi và các cậu bắt buộc Bố phải đi, kinh nghiệm lịch sử 1954 lại tái diễn, nên với bất cứ giá nào, người trong xóm đạo này, một lần nữa, cũng phải đi, rời bỏ Quê Hương thứ hai của mình.  Ông Tôi bảo Bố Tôi thì càng phải nên đi vì Bố Tôi là quân nhân.  Dù Bố không chịu, không muốn, Ông Tôi cũng bắt ép và luà cả nhà xuống tàu, đi đâu thì đi, tới đâu thì tới, sống chết ra sao, không cần tính và biết nhiều nữa, đã trể rồi!  

Và con tàu chở đầy lòng đau, theo sóng biển ra khơi, xa dần Quê Hương, không hẹn ngày trở lại.

Con tàu nhỏ bé lênh đênh trên biển cả bao la, không đâu là bến bờ.  Lòng người thì buồn như đêm đen u hoài.  Rồi bổng chợt thấy một vùng ánh sáng rọi vào, một chiếc hạm đội thật lớn lại gần và vớt từng đợt người lên tàu.  Trong cơn hổn độn, chen lấn, rối bời đó, gia đình Tôi lạc mất anh Hai.  Lên tàu lớn rồi, Bố tất tả đi ngược xuôi tìm kiếm anh Hai, nhưng vẫn không thấy đâu.  Tàu càng đi xa, gương mặt gầy của Bố càng thêm nếp lo âu, vừng trán đầy muộn phiền, đôi mắt buồn đau long lanh.  Từng hàng hàng, lớp lớp người nằm ngồi, rủ rợi trên tàu.  Những đôi mắt ngơ ngác, bàng hoàng và lạc loài giữa biển khơi chới với như đời mình một phút chút mất tất cả và không biết sẽ đi về đâu?  Mưa thường đổ xuống tàu, đổ vào lòng người ủ rủ buồn.  Những khi cơn mưa giông trên biển bắt đầu đổ xuống boong tàu, Bố Tôi đứng dậy, cầm một tấm mền mỏng, giang tay thật rộng để che cho hết Mẹ và chúng tôi vào, để chúng tôi bớt bị ướt, lạnh.  Những giọt mưa hắt mạnh lên mặt Bố, đầm đià nước, Tôi biết trong những giọt ngắn dài nhỏ xuống môi má của Bố, có lẫn lộn nhiều giọt nước mắt, Bố khóc Quê Hương, khóc nhớ, lo cho anh Hai.  Và mỗi khi lãnh cơm về, Bố luôn ngồi nhìn Mẹ cùng anh em chúng tôi ăn, ăn đến khi nào no rồi thì Bố mới ăn.  Ôi, tình của Bố.  Tình Thái Sơn cao vời vợi.

Trưa nắng nóng, chúng tôi không có đủ dép mang, Bố lại đi tìm giây và những tấm carton dầy, bảo chúng tôi để chân lên giấy, Bố vẽ quanh chân chúng tôi rồi đem cắt ra hình đôi dép, xỏ giây vào thành cái quai cho chúng tôi mang.  Khi lãnh thức ăn về, ăn còn dư, Bố gom lại, rồi "bí mật" lặn lội vào rừng, đốt củi, hái lá, nấu cho chúng tôi một nồi đồ kho, một nồi canh rất thơm ngon.  Lúc nào lảnh được quần áo, giầy dép hay đồ gì mới, thức ăn gì ngon, Bố đều để cho Mẹ và chúng tôi dùng trước, nếu còn dư lại thì Bố mới dùng.  Người ta rủ bảo nhau đi nộp đơn xin vào Mỹ, Bố cũng đi hỏi thăm và Bố được biết đảo Guam rất gần với Việt Nam.  Bố nghe xong thì không chịu xin đi Mỹ hay đi đâu hết, Bố muốn ở lại Guam.  Bố bảo ở Guam để khi được trở về Việt Nam thì Bố về cho gần, cho mau.  Đời Lưu Vong, Tỵ Nạn, ngày ấy, với Bố chỉ như là một giấc mơ ngắn ngủi thôi, đợi tình hình đất nước yên ổn rồi, thì mọi người sẽ trở về Quê Hương mình.  Bố và muôn ngàn người Việt Nam tội nghiệp, đáng thương đâu có ngờ được đường trở về Quê Hương đâu phải chỉ là một giấc mơ thôi, mà thật sự là chỉ còn thấy trong mơ thôi.

Gia đình chúng tôi định cư ở Guam.  Cuộc sống mới trên Xứ lạ Quê người, ngôn ngữ không biết, thật dở khóc dở cười, biết bao là nỗi đau lòng, không kể hết. Người bảo trợ gia đình Tôi là một bà Việt Nam có chồng Mỹ, sau vài tháng sống với bà, bà ta mang bỏ gia đình Tôi bơ vơ, hụt hẫn giữa chợ đời lạ quắc, tiền trợ cấp thì bà lấy hết, mãi về sau Bố Mẹ Tôi mới biết là mình có tiền đó.  Nhờ một cơ quan từ thiện giúp đở, Bố Tôi được đi học làm thợ mộc và xây cất.  Bố đi làm, việc làm rất cực nhọc và vất vả nhưng Bố lại vui, vì thỉnh thoảng Bố có thể mua sắm thêm cho Mẹ và anh em chúng tôi một vài bộ quần áo mới, vài món thức ăn ngon. Khi gia đình Tôi dọn về căn nhà tốt hơn, đằng sau có một khu đất hoang rất rộng.  Ngày ngày, sau khi đi làm về hay đến cuối tuần, Bố ra đó đốn nhổ, cuốc cào, biến mảnh đất hoang thành một vườn cây trái xum xê bầu, bí, khổ qua, rau thơm, ớt, khoai mì, khoai lang, đu đủ, chuối.. nhiều quá ăn không hết, Bố đem cho bạn bè, người quen, còn Tôi và Chị Tôi thì đem ra chợ bán.  Từ khi có nhà, thỉnh thoảng đi làm về, Bố dẫn theo con chó, con mèo Bố nhặt được ở nhà hoang nào đó, chổ Bố đến xây cất.  Nhà Tôi lại có thêm vào hai con chó và nhiều con mèo!  Lòng của Bố thật bao la.

Ở Guam bốn năm, gia đình Tôi dọn vào đất liền vì anh chị Tôi sắp vào đại học.  Anh Hai thì đã rời gia đình đăng vào Lính, sống đời hải hồ ngày đây mai đó như Bố ngày xưa.  Khi gia đình Tôi dọn vào căn nhà thân thương mà khi nãy Tôi đi ngang qua thì anh Hai Tôi trở về chung sống, nhưng anh Ba thì lại đi xa.  Từ ngày sang Mỹ, hình như gia đình Tôi có rất ít ngày được sống đoàn tụ cả nhà bên nhau.  Đường đời trăm lối, cứ rẽ chia anh chị em Tôi ra, nên Bố Mẹ Tôi cũng đau lòng và buồn lắm.  Thỉnh thoảng thì Mẹ than trách, còn Bố thì không trách giận chúng tôi bao giờ.

Bố ít có bạn, vì tính Bố "thẳng như ruột ngựa".  Nhưng ai biết Bố, hiểu Bố thì rất mến thương Bố.  Cuộc sống của Bố lúc nào cũng thật đơn sơ, giản dị và đầy tình thương, không những cho Mẹ và anh chị em Tôi, Bố còn cho mọi người chung quanh, không phân biệt ai.  Gần như cuối tuần nào, nhà Tôi cũng có khách đến chơi, phần nhiều là những người tứ cố, vô thân, cô đơn, lở bước trên xứ Mỹ này mà gia đình Tôi quen trong nhà thờ, sở làm, ngoài chợ.  Bố ân cần nấu ăn, đãi khách.  Dù chỉ là một bữa cơm đạm bạc, nhưng mọi người ăn rất ngon, những tiếng cười nói thì vui nhộn, rộn ràng, dòn tan, vang vọng mãi trong trí nhớ Tôi.  Bạn học của Tôi, mới sang Mỹ, sống bơ vơ một mình, khi không có chổ ở, Bố bảo mang bạn Tôi về ở với Tôi, trên gác. Bạn anh Hai Bố cũng nói về đây đi cháu!  Bạn của Bố cũng vậy, khi bị thất nghiệp, Bố gọi đến ở chung.  Nhà Tôi có một cái basement rộng, Bố sửa sang, đóng thêm phòng, và rất ít khi nào phòng dưới basement bỏ trống.  

Bố Mẹ rất mến thương căn nhà này, Bố thường gọi là "ngôi nhà Hạnh Phúc".  Nhiều lần Bố Mẹ muốn mua luôn, người chủ đã chịu bán, nhưng tiền lời rất cao, suy đi nghĩ lại hoài, cuối cùng Bố Mẹ không mua, vì không đủ tiền trả mỗi tháng.  Lương của Bố Mẹ chỉ đủ tiêu dùng, lo cho anh chị em Tôi và gởi về Việt Nam cho anh em họ hàng.  Lòng của Bố luôn hướng về Quê Hương, luôn nghĩ đến người khác.  Bố bảo nhà không mua được bây giờ, mai này sẽ mua được, nếu không được thì cũng chẳng sao, chết có đem theo được đâu mà ham làm gì?  Bà con họ hàng bên Nhà thì đang cơ cực, túng thiếu đủ bề, cần giúp đở, thôi để dành tiền gởi về Quê chẳng vui hơn không?  Lòng của Bố là thế đó.

Những công việc Bố làm, thường là lao động nặng nhọc, vất vả và hay bị ngưng việc, thất nghiệp nữa chừng.  Bố không bao giờ than, không có việc này, Bố đi tìm việc khác, việc nào người ta mướn thì Bố làm.  Những ngày không đi làm thì Bố hay đóng bàn ghế, đóng kệ sách, tủ cho chúng tôi, cho nhà thờ, bạn bè.  Ai cần gì, Bố cũng giúp.  Bố dạy anh chị em Tôi phải sống như vậy, phải thương yêu nhau, thương yêu mọi người, nhất là những người bất hạnh, không may.  Phải biết Lễ, Nghĩa, Hiếu, Trung, Ơn, Tình, và nhất là phải yêu mến Quê Hương, Dân Tộc.  Bài học hay dạy dổ nào của Bố cũng có hai chữ "Yêu Thương" thật to.

Căn nhà của gia đình Tôi thật là căn nhà Hạnh Phúc.  Chị Tôi đám cưới cũng trong căn nhà này, những người hỏi xin cưới Tôi cũng đến đây, Bố chỉ nhìn Tôi cười và biết là con gái út của Bố đã lớn hẳn rồi. Tôi biết, trong những chàng trai đó, Bố rất mến thương một người, nhưng Bố không nói ra, Bố để cho Tôi tự chọn và quyết định lấy.  Mãi đến hôm nay, thỉnh thoảng chúng tôi gặp lại nhau, lúc nào anh ấy cũng nhắc đến Bố và tình thương Bố dành cho anh, một cách cảm động.  Tình yêu của Tôi cũng bắt đầu nơi căn nhà này, nhưng không là ai trong những người đến hỏi xin. Thời tuổi trẻ ngu ngơ, dại khờ nên tình yêu của Tôi cũng thật dại khờ, ngu ngơ.  Để càng dấn thân vào đời, đời càng phai dần những sắc màu tươi. Đời sống của Tôi nhiều biến động nên Bố lúc nào cũng lo lắng cho Tôi.  Mỗi sáng sớm, Bố thường ngồi bên khung cửa bàn ăn, đọc kinh thánh và cầu nguyện, Tôi hay ngồi giữa các bậc thang lầu, chung vách với Bố, lắng nghe, lời cầu nguyện cho Tôi lúc nào cũng dài hơn.  

Căn nhà Hạnh Phúc của Bố vẫn vang vang tiếng cười vui của mọi người vào ra, càng vọng vào lòng Tôi sâu hơn khi về giữa đêm khuya.  Những đêm trời gần sáng, anh Hai, Tôi và bạn bè "mò" về nhà, mệt nhừ sau các đêm ca hát đấu tranh, đi làm "cách mạng"...cả bọn ngồi quay quần bên nồi cháo gà, cháo vịt Bố nấu cho chúng tôi, mùi cháo thơm ngon đượm tình khiến những con mắt lờ đờ xụp mí bừng tỉnh dậy, mở to, gắp miếng thịt nào cũng trúng hết, và ăn một cách rất ngon lành.  Bố thật vui khi thấy tuổi trẻ chúng tôi yêu Nước thương Nòi, không mất gốc, nên lúc nào Bố cũng đứng sau lưng chúng tôi, ủng hộ, bằng những nồi cơm, cháo, bún thật to tự tay Bố nấu và Bố luôn là ân nhân bảo trợ "chiến" nhất cho các hoạt động của chúng tôi.  Bố lại càng vui hơn nữa khi Tôi mang về những giải thưởng văn chương, báo chí Tôi nhận được.  Khi tập Thơ đầu tay của Tôi xuất bản, Bố cầm xem một cách thật trang trọng và nhìn Tôi cảm động.  Tôi biết Bố hảnh diện lắm vì Bố thường mang khoe với bạn bè.  

Tất cả những gì Tôi có được và mang vào đời, tình yêu mến Quê Hương bát ngát, tình người chứa chan, những từ ái, bao dung.. tất cả yêu thương đó là do chính Bố đã rót vào lòng Tôi, đổ vào tim Tôi. Từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành, bên Bố, Tôi chỉ thấy có một tấm chân tình mở ra bao la, thơm ngát tình người.

Ôi, Bố của Tôi, đỉnh đời yêu thương sáng ngời.

Sau đám hỏi của Tôi thì căn nhà Hạnh Phúc của Bố không còn..hạnh phúc nữa!  Gia đình Tôi phải dời đi nơi khác vì chủ nhà cần phải bán, Bố Mẹ lại tiếc rẽ muốn mua nhưng rồi lại thôi, Bố lại bảo tiền để dành hàng tháng nên gởi về Việt Nam hơn gởi vào nhà bank!  Gia đình Tôi đành phải bùi ngùi dọn ra, để lại sau lưng một nỗi buồn và biết bao nhiêu là kỉ niệm... Những tiếng cười dòn tan, tiếng nói rộn ràng, và cả tiếng khóc nữa, trong căn nhà thương yêu này, sẽ mãi vang vọng một trời, một đời, trong Tôi.

Từ ngày rời xa ngôi nhà Hạnh Phúc của Bố, anh em Tôi cũng chia tay nhau vào đời trăm ngã, để lại Bố Mẹ quạnh quẻ với hai chiếc bóng cô đơn, với nỗi buồn nhớ thương, lo lắng cho các con của mình.  Anh chị em Tôi hấp tấp vào đời nên cuộc sống ai cũng không được vui, cũng ít nhiều đoạn trường, cay đắng khiến lòng Bố Mẹ héo uá đi.  Mẹ thì vẫn thường hay khóc than, Bố vẫn với tấm lòng bao dung nên khi buồn nhất, Bố chỉ thở dài.  Tôi lập gia đình, dời đi tiểu bang khác, bỏ lại Bố Mẹ và cái nôi tình thương êm ả đã ru Tôi ấm nồng suốt một thời thơ dại, rồi lớn dần, rồi chia xa.  Tôi như con chim vừa mọc đủ lông cánh, nhìn thấy ngoài khung trời bao la kia, sao nhiều sắc màu đẹp quá nên vội vã bay đi.  Chim quên những cơn mưa,  giông gió, bảo bùng vẫn thường hay đổ trút xuống đời.  Đôi cánh còn chưa đủ sức để bay xa, nên chim thường hay bị...gẫy cánh, nằm buồn giữa đời cô đơn, nhớ tổ xưa lại muốn bay về, nhưng không đủ sức để bay về.

Tin Bố bị Stroke đến bất ngờ khiến lòng Tôi se thắt, nhói đau.  Từ ngày lập gia đình, đời thật sự không như là mơ, cuộc sống bẽ bàng buồn nhiều hơn vui nên Tôi ít khi về thăm Bố Mẹ, Tôi chỉ điện thoại hỏi thăm, nhưng thường chỉ là những lời ngắn, gượng vui, Tôi không muốn Bố biết Tôi buồn để Bố phải lo thêm cho Tôi, Bố Mẹ cũng đã buồn rất nhiều rồi từ khi anh chị em Tôi mỗi người mỗi ngã. Bố thương Tôi lắm, nếu biết cuộc sống Tôi không vui, Bố sẽ rất đau lòng.  Tôi mua vé máy bay, vội vã về thăm Bố.  Nhìn Bố nằm trên giường nhà thương, tay chân không cử động được, muốn gọi tên Tôi Bố cũng không gọi thành tiếng.  Nước mắt Tôi tuông rơi, Tôi ôm Bố thật chặt.  Như con chim bây giờ thiết tha mong bay về tổ ấm, nhưng đường bay về đã mịt mù, rối bời giăng ngang, làm sao Tôi có thể về được bên Bố, lo cho Bố như Bố đã luôn lo cho Tôi.  Tôi biết ngày tháng tương lai của Bố rất khó khăn, rất cần sự giúp đở, mà Tôi lại không thể ở bên cạnh Bố, lòng Tôi thật buồn, thật đau và đầy ân hận.  

Tình thương Bố cho đi vào đời quá nhiều, nên khi Bố bệnh xuống thì nhiều bạn bè thường xuyên đến thăm, chăm sóc và giúp đở phụ lo với Mẹ.. đúng là "..con xa không bằng láng giềng gần".  Tuy không thể trở lại bình thường được nữa, nhưng Bố vẫn luôn cố gắng thật nhiều, tập tành vận dụng cơ thể yếu đuối mỗi ngày, để trông mong sớm đến một ngày Bố không còn phải nhờ ai làm gì cho Bố nữa.  Mẹ bảo phải mất thời gian lâu lắm Bố mới cài được một nút áo, nhưng Bố sẽ rất giận nếu Mẹ hay ai đến cài hộ cho Bố, Bố muốn tự làm lấy, dù phải mất bao nhiêu thì giờ, cho đến khi nào được mới thôi.  Ý chí kiên cường không khuất phục và đầy can đảm của Bố đã giúp Bố tập đi, tập nói lại được rất nhanh.

Và ngày Bố đứng trước sân nhà Tôi với chỉ một cây gậy khiến Tôi vừa mừng vừa tủi, nước mắt nghẹn ngào trào dâng.  Đó là lần duy nhất Bố Mẹ xuống thăm Tôi, khi Tôi mới sinh đứa con đầu lòng.  Chuyến Bố Mẹ con thăm nhau chứa đầy nước mắt đắng cay mà suốt đời Tôi hối hận, không quên.  Bố biết cuộc sống Tôi buồn nên lòng Bố mênh mông sóng đổ.  Đêm khuya, Tôi đứng lặng bên ngoài cửa phòng, nghe tiếng Bố thở những hơi thở dài não nề và lời cầu nguyện cho Tôi thì thật là xót xa.  Tôi muốn bước vào phòng để nói một câu xin lỗi với Bố Mẹ, xin lỗi cho lầm lở này của Tôi. Hay đúng hơn, Tôi muốn bước vào để được Bố ôm Tôi trong lòng, vổ về ủi an, cho Tôi những lời khuyên, những lời khích lệ đầy yêu thương và bao dung, như những lần Tôi vấp ngã, sai lầm.  Tôi không đủ can đảm bước vào, không đủ can đảm nhìn Bố Mẹ, nhìn Tôi, đau lòng nhìn nhau.  Nên Tôi qùy xụp xuống cửa phòng, lậy Bố Mẹ để tạ lỗi, đền ơn.

Dáng Bố khập khểnh chân thấp chân cao, tay cầm cái gậy, bước chậm đi trong ánh nắng ban mai là hình ảnh mà Tôi không bao giờ quên và mỗi khi nhớ đến, nước mắt Tôi chứa chan.  Đó là ngày Bố rời nhà Tôi, ra về, để lại trong lòng Tôi, trong đời Tôi một nỗi buồn đau không bao giờ xóa nhoà.  

Sau ngày đó, Tôi cứ miên man suy nghĩ, tính tới tính lui, không biết làm sao Tôi có thể dọn trở về sống gần bên Bố. Tôi không muốn ở xa Bố bao giờ nữa, Tôi cần Bố lắm. Tôi nói với Bố và năn nỉ Bố thế nào, Bố vẫn không cho Tôi về.  Bố bảo Tôi đã có chồng rồi thì đắng ngọt gì Tôi cũng phải theo chồng.  Đời nghiệt ngã, nên Tôi và Bố vẫn phải xa nhau.  Tôi chỉ có thể về thăm thôi.  Sức khỏe của Bố bây giờ đã tốt hơn rất nhiều, Bố có thể lái xe, đi lại, làm việc gì cũng dể dàng hơn.  Bố mừng lắm khi gia đình Tôi về thăm, Bố đâu biết được là Tôi còn mừng hơn cả Bố gấp trăm lần nữa!  Tuy tay Bố yếu, nhưng Bố vẫn cứ thích ẳm bồng nựng nịu con Tôi, và cứ mang hết món này món kia ra bảo vợ chồng Tôi ăn, còn Bố thì chỉ ngồi nhìn chúng tôi và cười. Những ngày về thăm nhà ngắn ngủi, hạnh phúc, gợi cho Tôi nhớ bao nhiêu là kỉ niệm xa xưa sống êm đềm bên Bố, khiến Tôi  quyến luyến, không muốn rời xa, không đành lòng cất bước trở về đời sống bơ vơ, hụt hẫn của mình.  

Ôi, Bố ơi!  Đời tàn nhẫn hay con là hoa chùm gởi, như nhánh lục bình, không thể định được hướng mình sẽ trôi về đâu?  Con cứ trôi mãi mà vẫn chưa về lại bên Bố, để con có bao giờ ngờ và biết trước được đâu, lần chia tay với Bố, tháng Tám đó, cũng là lần sau cùng con thấy Bố của con.

Tôi không nhớ Chị Tôi hay ai, gọi cho Tôi lúc gần ba giờ sáng, báo tin Bố bất ngờ qua đời.  Tôi đang ở bên phòng con, cho con bú. Tôi ném tung chai sửa, và cũng không biết là Tôi đã đặt con mình nằm xuống ở đâu?  Tôi chạy vội ra cầm điện thoại hỏi đi hỏi lại coi có đúng thật là Bố Tôi không?  Và Tôi qụy xuống sàn nhà, mọi thứ trong Tôi cũng xụp đổ xuống lòng, xuống đời, không bao giờ có thể nhặt gắn lại được nữa.

Anh chị em chúng tôi về đám tang Bố, những ánh mắt nhìn nhau nghẹn ngào, những vòng tay ôm nhau chặt đau.  Đã rất lâu rồi, gia đình Tôi không được xum vầy, có đầy đủ mọi người như hôm nay.  Nhưng sao lại không còn tiếng cười nữa, và Bố thì không nói với chúng tôi một lời gì?  Bố chỉ nằm yên với giấc ngủ thảnh thơi, như đời không còn u buồn, khổ nhọc nào nữa, Bố nhỉ?  Mà sao Bố lại ra đi vội vàng quá vậy?  Tuổi Bố chỉ năm mươi lăm thôi mà.  Bố ra đi như vậy, để lại trong đời chúng con nhiều nỗi ân hận, nhiều nỗi thương tâm và một lòng sầu không bao giờ nguôi ngoai.

Đời sống của Tôi vốn đã không vui, sau ngày Bố mất càng sầu ngổn ngang.  Tháng ngày qua, Tôi cứ ôm hoài mối hận lòng, hận đời mình, đã không sống tốt, đã không làm khác đi, đã không ân cần nâng niu quí trọng những năm tháng còn được sống bên Bố Mẹ, đã ngu ngốc lao thân vào đời vội vã..

để ánh mắt Bố dần kém tươi, lòng Bố héo hon, và Bố ra đi phải mang theo bóng dáng Tôi buồn, thảm thương.  Bây giờ, Tôi có muốn làm gì, sữa đổi gì hay dọn ngay về bên Bố thì Bố cũng đã không còn thấy gì nữa để mà vui, mà cười, Bố đã không còn nữa rồi.  Nhánh lục bình này, từ nay có muốn trôi dạt về đâu, Tôi cũng bỏ mặc cho nước đời cuốn đi.

Bố mất được hơn sáu tháng thì ông xã Tôi bất ngờ báo tin là chúng tôi sẽ dọn về thành phố cũ, món quà kỉ niệm ngày cưới ông xã cho Tôi, dù đã quá muộn màng nhưng Tôi cũng thật mừng, cầm lấy với nước mắt chảy dài, vì Tôi đã có thể bỏ lại được sau lưng, bỏ lại nơi này những ngày tháng tủi nhục, đớn đau.  Tôi có thể sống lại cuộc đời của chính Tôi, cho Tôi.

Chúng tôi về lại chốn xưa, tuy không còn Bố nữa nhưng lòng Tôi cảm thấy được bình yên, lắng dịu một chút, cái cảm giác mà từ rất lâu rồi Tôi không còn được có.  Tôi hay về ngang căn nhà Hạnh Phúc xưa, đứng lặng nhìn rất lâu, mỉm cười với hàng nước mắt chảy dài.  Cả một thành phố là hình bóng của Bố thương yêu, đi đâu Tôi cũng thấy Bố cả.  Từng con đường dài, những sáng mùa Đông Bố chở Tôi đi làm, Bố nhắc hoài với Tôi về giấc mơ Hồi Hương của Bố.  Các bãi biển đá gập nghềnh, Bố và Tôi say mê đào những con sò thật ngon dưới nắng Hè, vừa đào hai Bố con vừa tính hôm nay mang về sẽ làm món gì ăn đây?  Những dốc đồi rực rở hoa vàng, hoa đào Bố cùng Tôi thường dừng xe lại, bước xuống bẻ vài cành mang về chưng Tết mỗi độ Xuân sang. Bố và Tôi nghe hoài bài hát "Xuân Này Con Không Về", chẳng bao giờ chán, nghe đến nhão băng luôn.  Mùa Thu lá vàng rơi đầy, Tôi hay về sân cũ, nhặt những chiếc lá trên tay, ngẫn ngơ, nhớ Bố u buồn.  Cũng nơi này, ngày xưa Tôi hay phụ Bố quét lá sân...nhà thờ, hai Bố con vẫn nói chỉ hoài một chuyện, chuyện Nước Non và lòng nhớ thương người áo nâu, dãi dầu mưa nắng âm thầm bước đi giữa núi rừng Quê Hương.

Bố ơi!  Bây giờ hồn Bố đã bay về đến Quê Hương chưa?  Để giấc mơ Hồi Hương của Bố thành sự thật.

Đã hơn hai mươi năm rồi đó Bố, kể từ ngày Bố ra đi và để lại cho đời, cho người, cho chúng con cả một trời đầy tình Yêu Thương bát ngát.  Dù đã bao nhiêu năm qua rồi, tiếng Yêu Thương đó vẫn còn ngạt ngào tỏa hương và vang vọng mãi, quanh cuộc sống này.  Hôm nay, cuộc sống của anh chị em chúng con đã bình yên, tốt đẹp, thành công cả rồi.  Có phải vì Bố đã luôn cầu nguyện và phù hộ cho chúng con không?  Các cháu của Bố thì cũng nhiều, có đứa đã vào đời yên vui, đứa thì vẫn cắp sách đến trường, và đứa còn nô đùa với tuổi thơ ngây, dại khờ trong trắng.  Có đứa còn nhớ Bố, đứa thì chỉ biết Bố qua hình ảnh, không hình dung được Bố ra sao, nhưng rất thích nghe kể chuyện về Bố.  Mỗi khi gia đình đoàn tụ, trở về bên Mẹ xum vầy, con cháu của Bố đều quay quần bên mộ này, cắm hoa, thắp hương và đổ cả beer, rượu cho Bố..."nhậu" nữa!  Mọi người cười nói vang vang, như ngày xưa bên Bố trong ngôi nhà Hạnh Phúc đó.  Bố có thấy, có nghe, có vui và ấm lòng không?  Con biết là con sẽ chẳng bao giờ có thể kéo lại được thời gian xưa, sống lại được cuộc đời mình cho thật tốt hơn, để Bố được vui hơn.  Bố đã chẳng bao giờ trách cứ chúng con, nên Bố cũng không đòi hỏi chúng con phải làm gì cho Bố, vì Bố mà thay đổi gì, Bố nhỉ?  Nếu có, thì Bố chỉ mong chúng con mang tình thương này, tình thương như Bố đã yêu thương và để lại, gởi tặng vào đời, gởi trao vào lòng nhau, lòng người, mỗi ngày, như vậy là Bố đã vui, đã thỏa lòng rồi, phải không Bố?

Con sẽ cố gắng thật nhiều, mỗi ngày, chỉ sống và làm có như vậy thôi.  Yêu thương và yêu thương mãi không ngừng, vì con biết Bố vẫn còn nhìn thấy được con mà, và con chỉ muốn thấy được Bố luôn cười vui, dù là trong giấc ngủ.

Ôi, Bố của con!  Giấc ngủ nào của Bố mà lại không bình yên, thanh thản chứ nhỉ?  Vì trong ngày đó, Bố đã cho đi tất cả tình người yêu thương rồi, Bố đâu còn để lại gì cho mình.  Và giấc ngủ ở đây, đã hơn hai mươi năm qua, và mãi mãi về sau, Bố sẽ không thức dậy.  Nhưng con biết, hồn của Bố  đã bay cao, vẫn rong ruổi đó đây, vẫn luôn tìm đến những tâm hồn cô đơn lạc loài, tứ cố vô thân.  Bố vẫn ở bên cạnh những mảnh đời buồn, những nơi chốn khóc than, khốn khổ.. Chắc là Bố đang cặm cụi nấu ăn, tươi cười đón người lở bước vào nhà, hay là Bố đang bận rộn đóng bàn, sửa ghế, dựng lại hàng rào cho ai đó nhỉ?

Nếu con muốn gặp Bố, con biết tìm Bố ở đâu rồi.

Con đi đây!

Tháng Giêng, Sinh Nhật Bố.

Hoài-Vi