Trận cầu “siêu kinh điển” qua đi cũng là lúc học sinh toàn trường, nhất là khối 12 bọn tôi tập trung trở lại vào việc học tập. Những lời tán dương chỉ trỏ trên hành lang lớp học dành cho đội bóng, trong đó có tôi, cũng dần lắng xuống, nhưng tôi không thấy buồn hay tiếc chút nào. Càng ngày tôi càng nhận ra việc mình cần làm không phải là xưng vương lập đế đệ nhất Sniper trên chiến trường ảo hay mải mê với cái danh xưng “Tia Chớp Vàng” trên sân bóng, mà mục tiêu bây giờ của tôi đang dần chuyển hướng sang việc chuẩn bị cho một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình. Nghe có vẻ hơi giáo điều một chút nhưng các bạn cứ thử ở trong vị trí của tôi sẽ hiểu. Khi bạn yêu một người con gái và thật sự muốn chăm lo cho “người ta” lâu dài thì không thể cứ lông bông suốt ngày ăn với ngủ được, mà phải định hướng cho một tương lai ổn định. Con gái bình thường đã vậy, đằng này Tiểu Mai của tôi lại là một cô tiểu thư xuất thân dòng dõi cao sang, tướng mạo phi phàm, kim chi ngọc diệp lại càng cần một vòng tay đủ vững chắc để chở che.
Nhưng sự thật thì đó chỉ là những suy nghĩ xuất thần bộc phát trong đầu khi tôi “trầm tư mặc niệm”, còn ngoài ra tôi vẫn là thằng ham chơi và ham… gái. Biết sao được, nó ăn vào máu rồi. Hơn nữa dù gì cũng là năm cuối cấp, cuối đời học sinh, biết sau này có còn được gặp nhau mà ăn chơi nhảy nhót như bây giờ không, chi bằng cứ vừa học vừa chơi cho đã để đến lúc răng long chống gậy còn có cái mà kể cho con cháu nghe chứ.
Cái thú vị của đời học sinh (và tương tự có lẽ cũng là với đời… giáo viên) là mỗi năm lại được quen biết thêm nhiều người mới, nghĩa là có thêm nhiều cảm xúc mới cũng như những pha bi hài cười ra nước mắt.
Như hôm đầu tiên có tiết Anh văn. Tất nhiên những chuyện này xảy ra trước trận bóng đá, nhưng tôi để dành bây giờ mới kể vì như vậy mạch truyện sẽ trơn tru hơn. Giáo viên mới là thầy Hùng tổ trưởng. Thầy này cũng khá… già, bét cũng phải ngoài 50, hơi gầy cơ mà nhìn mặt hiền và hài cực, nghe nói dạy lớp nào cũng kể chuyện, hết tiết thầy lặng lẽ đi ra còn cả lớp chảy nước mắt vì cười. Bữa đó vừa vào lớp, thầy Hùng tay không xách cặp như những giáo viên khác mà chỉ cầm độc cuốn sách giáo khoa cũ mèm với vài tờ giấy gì đấy chả biết, đặt lên bàn giáo viên rồi quay xuống đứng ở lối đi giữa lớp.
-Good morning! Nice to meet you all. I am…
Và đó cũng là những câu duy nhất mà tôi hiểu được, bởi kể từ đó trở đi là một tràng lô xích xông tiếng Anh mà tôi đồ là cả lớp ngoài Tiểu Mai ra thì đứa nào đứa nấy há hốc mồm trợn mắt như con chiên ngoan đạo nghe Chúa giáng thế giảng kinh Khải huyền.
-…You know, when I was a child I didn’t have as many opportunities to learn English as you now…
Sau màn giới thiệu “phủ đầu” của thầy thì lớp tôi đành câm nín nhìn nhau cười… khổ. Đứa nào ngoan thì ngồi trơ mắt ếch ra ngó, lâu lâu gật đầu hay cười một cái rõ duyên chứ thực ra hai lỗ tai chắc cũng ong ong như vịt nghe sấm. Những đứa… không ngoan thì đành thua, cúi xuống lật sách xem thầy đang nói bài nào, có tiếng Việt dịch ra không mặc dù biết thừa là tìm tới lúc thi học kì cũng chẳng thấy.
-Hmm, let me see… It seems that you don’t understand what I have said!
Sau một hồi độc thoại nhiệt tình trong bầu không khí yên lặng như ở nhà thờ thì thầy Hùng cũng nhận ra cái lớp này có gì đó… bất thường. Thế là…
-Thầy hỏi thiệt là nãy giờ có em nào hiểu tui nói gì không vậy? Who knows, please?
Tất nhiên cả lớp dồn mắt về Tiểu Mai, nhưng nàng khẽ cau mày, lắc đầu như muốn nói mình không thích gây chú ý, rốt cuộc thầy Hùng lại tiếp tục bài diễn văn:
-Trong tiếng Anh có một câu tục ngữ là “As silent as a goldfish”, có ai hiểu nghĩa là gì không? -Rồi chừng như biết trước câu trả lời, thầy chỉ tay vào thằng lớp trưởng –Hey, do you know? Are you a goldfish?
Khang mập tần ngần đứng dậy, đưa mắt láo liên tìm sự trợ giúp của tổ tư vấn. Khốn nỗi tổ tư vấn cũng dốt đặc cán mai chứ có hơn gì nó, chỉ nghe mỗi thằng Chiến thều thào:
-Yes, yes đi mập! Giống như trong máy tính vậy á, cứ “Yes” là xong hết!
Thằng Khang như chết đuối vớ được cọc, cười rõ tươi dõng dạc:
-Yes, sir! I’m a goldfish! –Như thấy câu trả lời chưa đủ dài, nó bồi thêm một câu chẳng biết lấy ở đâu ra –I like gold, too!
Lúc đó thì chúng tôi vẫn chưa hiểu được “tầm vóc” của câu trả lời bất hủ này, chỉ có mỗi Tiểu Mai che miệng cúi mặt cười khúc khích. Thầy Hùng cũng bật cười đầy… thống khoái, rồi cho thằng mập ngồi xuống. Sau đó tất nhiên là chúng tôi được một bài học về “goldfish” và “silent”, còn thằng Khang trở thành một “huyền thoại sống” nữa của A khoá 2005-2008!
Đến môn lí, thầy Khánh tiếp quản lớp tôi năm nay. Nghe giang hồ đồn là thầy này cũng… giang hồ lắm, nói chuyện lúc vui thì “thầy”, “tui”, “em”, còn lúc không vui thì “mày”, “tao” hệt như dân anh chị. Các bạn đừng nghĩ tôi “nổ”, không tin lúc nào ghé Phan Thiết chơi rồi hỏi thầy Khánh dạy lí trường chuyên là biết, vì sau khoá bọn tôi thì thầy chuyển công tác về đầu quân cho “đại kình địch” tới nay. Chuyện xưng hô này thì không chỉ lớp tôi mà tất cả những lớp đã và đang “qua tay” thầy đều được nếm trải không ít, nhưng còn một “giai thoại” nữa là thầy Khánh chỉ dữ dằn với lớp mình dạy, còn khi dạy thế hoặc coi thi lớp khác thì hiền đến… khó tin. Và tôi tình nguyện làm nhân chứng cho sự bất công này.
Hôm đó là thứ ba có 2 tiết văn cuối, khỏi nói thì ai cũng biết cái khung cảnh lớp học nó ra làm sao. Trong làn gió mát hiu hiu của hai cây quạt trần lủng lẳng như muốn rớt bất cứ lúc nào và tiếng giảng văn êm ái như… hát ru của cô Tuyết, cả lớp hơn 40 mạng thì gần nửa đã “gục lên sách vở bỏ quên lời”, đám còn lại sức chịu đựng cũng tới cực hạn nên chỉ lâu lâu hí hoáy vài dòng vào vở cho có, còn thì cứ vật vờ như chết trôi.
Tôi thấy tình hình không ổn, hai mí mắt cũng nặng trĩu nên rủ Tuấn rách đi ra nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo.
Đang hướng WC thẳng tiến thì nghe giọng thầy Khánh oang oang vang lên từ một lớp phía trước, nên hai thằng bảo nhau đi chậm lại nghe ngóng.
-THẰNG KIA, ĐỨNG DẬY!
Tôi nhìn góc bảng thì biết là 12A10, lớp này hôm trước thấy thầy Thịnh dạy nên hôm nay thầy Khánh chắc chỉ thế một tiết. Hình như đang kiểm tra, vì đứa nào cũng cắm cúi viết vào tờ giấy cặp trên bàn, nhưng vừa nghe tiếng quát kinh hồn bạt vía kia ai nấy đều quay về hướng một thằng cuối lớp. Thầy Khánh từ chỗ bàn giáo viên mặt như hung thần ác sát, nộ khí xung thiên, lừ lừ đi xuống.
Nam mô a… men, phen này thì từ chết đến bị thương thôi con trai ơi! Hai thằng tôi cũng nhìn nhau ngán ngẩm.
-Mày quay bài đúng không? -Thầy Khánh trừng mắt, hỏi rất… nhẹ nhàng.
-Dạ… em…
-Lấy cuốn sách trong hộc bàn ra, NHANH! –Câu này thì bắt đầu có mùi bạo lực rồi.
Thằng nhóc tay run run kéo cuốn sách ra, mặt vẫn cúi gằm. Thầy Khánh giật lấy cuốn sách rồi… đập lên đầu thằng kia, sau đó véo tai thật mạnh làm mặt nó nhăn tũn mà không dám kêu lên, kèm theo đó là tiếng… gầm nơi hoang dã:
-SAO NGU VẬY HẢ? MÀY BIẾT QUAY BÀI LÀ HẠ HẠNH KIỂM KHÔNG? NGU!
Cứ mỗi câu lại được “khuyến mãi” một cái cốc muốn móp đầu. Tôi và thằng “rách” nửa cười nửa mếu, định đi nhanh để khỏi thấy cảnh thương tâm đau lòng gì tiếp nữa thì nghe thầy Khánh chốt một câu:
-Lần sau quay cho kín vô! Ban giám hiệu đi qua mà thấy là cả tao với mày chết luôn đó! Ngồi xuống làm tiếp đi!
Tôi bật ngửa, còn thằng Tuấn bụm miệng chạy thật nhanh vào nhà vệ sinh chắc để… cười cho đã. Ước gì giáo viên nào cũng… khuyến khích học sinh quay bài như thầy thì đời học trò đã bớt khổ ải biết bao nhiêu! Không biết những trường khác thế nào, chứ ở trường tôi chuyện giáo viên cá tính và… khác người thì nhiều lắm, từ từ tôi sẽ kể tiếp.
Để chừa thời gian ôn thi tốt nghiệp và đại học cuối năm nên chương trình của lớp 12 bị đẩy rất nhanh, nhiều bài còn bị cắt bớt để dành thời gian cho những kiến thức quan trọng, thế nên vốn đã gấp giờ lại càng dồn dập hơn. Nhưng dù nhịp độ học tập kiểm tra hối hả đến mấy tôi vẫn giữ thói quen trưa chủ nhật sang nhà Tiểu Mai ăn cơm, như kiểu “đổ xăng” cho một tuần tiếp theo ấy.
-Sao hôm nay em ăn ít vậy? Không ăn anh ăn hết à nha!
Không hiểu sao hôm nay nàng ăn có hơn một chén đã buông đũa, mọi khi dù ít nhưng cũng phải tầm hai chén. Mà từ lúc sáng sang tôi đã để ý nàng có vẻ hơi mệt nhưng thấy nàng cắm cúi làm bếp nên cũng không tiện hỏi.
-Em cũng không biết nữa, tự nhiên thấy ăn… không ngon! –Nàng thoáng buồn nhìn mâm cơm đầy ắp “cao lương mĩ vị”.
-Anh thấy ngon mà! Em nấu lúc nào chẳng ngon? –Tôi ngạc nhiên
Tiểu Mai cười nhẹ, nhìn tôi nói:
-Chắc tại dạo này học căng quá nên em hơi mệt thôi, không sao đâu! Anh cứ ăn đi!
Tôi tay thì gắp, miệng thì nhai nhưng mắt vẫn không rời Tiểu Mai, không biết học đến mức nào mà tự làm khổ mình vậy chứ.
-Anh ăn đi, nhìn em hoài! -Tiểu Mai bắt quả tang tôi nhìn trộm, nàng nheo mắt tinh nghịch –Hay định… ăn thịt em luôn à? Hi hi!
Tôi thấy nàng vui vẻ lên một chút cũng hùa theo:
-Ừ, chờ đấy! Nhìn cô nương trắng trẻo thơm tho thế kia chắc làm món tráng miệng cũng được nhỉ!
-Giỏi thì cắn thử một miếng đi, rồi soi gương mà đếm lại răng nhé!
Tiểu Mai trả đòn ngay, tôi nhìn khuôn mặt nàng tươi tỉnh hẳn, nụ cười sắc sảo thường ngày trở lại mà lòng nhẹ nhõm, ăn thêm một chén nữa mới buông đũa. Con mèo đần Leo nghe tiếng chén đũa lạch cạch chẳng biết đang nằm khoèo ngủ ở xó xỉnh nào đã chạy ra quẩn vào chân tôi, miệng kêu “Mi… éo” đòi ăn.
Mọi bữa ăn xong thì hai đứa cùng rửa chén cho vui, mặc dù tôi luôn giành phần vì nấu nướng đã một tay nàng làm rồi còn gì. Nhưng hôm nay thấy Tiểu Mai có vẻ mệt nên tôi nhất quyết kêu nàng nghỉ:
-Trời ơi, có phải ngày nào anh cũng được rửa chén của người yêu ăn đâu chứ! Em mệt thì cứ lên phòng nghỉ đi, để anh rửa cho! –Tôi phải đến nước… năn nỉ -Một bữa nay thôi mà!
-Hứ, sợ em rửa không sạch chứ gì? -Tiểu Mai lườm tôi, làm bộ dỗi -Rồi, giao cho anh đấy!
Tôi phì cười nhìn nàng lau tay đi ra ngồi cạnh con Leo đang ăn ngấu nghiến, vừa xoa đầu vừa thì thầm nói chuyện với nó. Cái cục mỡ kia chẳng biết có hiểu cô chủ nói gì không mà cứ rên “grừ grừ” trong khi miệng vẫn không ngừng táp và nhai. Cái giống mèo lạ thật, nghe tiếng rên như vậy tức là nó đang cảm thấy rất… thoải mái, dễ chịu chứ không phải tức giận hay sợ hãi gì cả.
-Anh, hình như Leo hiểu em nói hay sao í! -Tiểu Mai nhoẻn miệng cười, ngước mặt nói với tôi.
-Vậy hả! Sao em biết? –Nói vậy chứ tôi biết thừa thế quái nào mà mèo lại hiểu được thứ ngoại ngữ khó nuốt này.
-Nãy giờ em nói xấu anh mà nó không phản ứng gì cả, chỉ gừ gừ đồng ý thôi! Hi hi! –Nàng lại tương một câu làm tôi nghệt mặt ra.
-V… Vậy hả? –Tôi cũng không chịu thua -Ờ, để lát nữa anh hỏi nó coi có đúng vậy không!
Vừa dứt lời thì con mèo đần ngẩng mặt lên quay sang nhìn tôi, kêu một tiếng “Mi… áo” rõ dài. Tiểu Mai bật cười khúc khích:
-Đấy, anh thấy chưa! Leo về phe em rồi!
Lần này thì cả một cái tủ đứng to tổ bố bay vào chẹn họng tôi. Kinh thật, kiểu này thì mấy lần tôi với ông anh doạ cúng nó cho mấy quán tiểu hổ lấy tiền bắn CS chắc nó cũng nghe hết!
Tỉ tê tâm sự một lúc chán chê Tiểu Mai đứng dậy đi lên lầu, tôi cũng vừa quay về tiếp tục công việc “vinh quang đầy nước mắt” thì...
-Á…!
Quay phắt người lại, tôi giật thót khi thấy chỗ chân cầu thang Tiểu Mai đang cúi người lảo đảo, một tay ôm đầu, một tay dựa vào tường. Tôi chẳng kịp lau tay chạy tới quàng qua vai đỡ nàng dậy. Lúc này tới gần mới thấy nàng đang khẽ nhăn mặt, hai tay day day hai bên thái dương.
-Em sao vậy? Lại đau đầu à? –Tôi lo lắng và có phần hơi sợ.
Tiểu Mai khẽ gật:
-Em hơi… chóng mặt. Anh dìu em lên phòng đi…
Những lần trước nàng chỉ tựa vào người tôi vài giây là hết, nhưng lần này cơn đau dường như kéo dài hơn. Tôi chỉ khoác vai để phòng có chuyện gì, còn nàng vẫn tự đi được nhưng cũng chỉ chậm rãi lên từng bậc cầu thang. Vào trong phòng, đỡ nàng lại bên chiếc giường xinh xắn trải ga trắng tinh tôi mới nhẹ nhàng để nàng ngồi xuống, kê một chiếc gối đầu giường.
-Em không sao đâu, chỉ hơi chóng mặt nhức đầu thôi! Nghỉ một lúc là khoẻ ấy mà! –Nàng lại cười trấn an tôi.
Tôi ngồi xuống cạnh bên nắm lấy tay nàng:
-Em lúc nào cũng “không sao”, anh lo lắm! Hay để anh gọi… -Tôi định gọi bác sĩ hoặc chú Ba cho yên tâm.
-Thôi anh, không cần đâu, phiền lắm… -Tiểu Mai hiểu ý tôi liền ngăn lại. Rồi như sực nhớ ra điều gì, nàng níu tay tôi –Đúng rồi, anh gọi bé Trân sang cũng được! Nhưng mà để lát nữa, giờ này chắc con bé đang ngủ trưa! Bây giờ anh cứ để em nằm nghỉ một lúc là khoẻ thôi, thật đấy!
Gọi thì phải gọi ngay bây giờ chứ lát nữa thì còn ý nghĩa gì. Tôi định nạt ngang, nhưng nhìn ánh mắt cương quyết của Tiểu Mai cuối cùng tôi cũng đành thuận theo thiên ý. Đỡ nàng nằm xuống, gối đầu lên chiếc gối êm ái kia, tôi siết chặt bàn tay thanh mảnh:
-Có gì… trong người thấy khó chịu hay đau nhức thì gọi anh nhé!
-Ừm, có anh là em yên tâm rồi!
Nàng mỉm cười gật đầu, tôi đứng dậy định đi ra thì bất giác đảo mắt liếc nhìn căn phòng mình đang đứng, chợt nhận ra đây là lần đầu tiên tôi bước vào phòng của Tiểu Mai. Cũng khá rộng, tường được dán giấy nền hồng có hoạ tiết lá trúc xen kẽ hoa mai nhìn rất thanh nhã và thư thái. Phải nói thêm là vào thời điểm đó nhà nào tường sơn trắng đã được coi là đẹp lắm rồi, còn giấy dán tường thì lần đầu tiên tôi được thấy, nên lúc đầu cứ tưởng nhà nàng… thuê người vẽ lên, sờ tay vào lại có cảm giác là lạ. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất về căn phòng là sự gọn gàng, ngăn nắp, và sau này được Tiểu Mai “bổ túc” cho một bài tôi mới hiểu rõ hơn những gì mình được thấy. Từ cửa phòng đi thẳng đến hết là cánh cửa kính khung gỗ sơn trắng có rèm hai bên mở ra ban công, lúc này đang đóng nhưng tôi vẫn thấy được vài chậu cây hoa đặt trên lan can. Chiếc giường nàng đang nằm là kiểu giường bệt không có gầm, vì người Nhật luôn muốn tiết kiệm tối đa không gian sống. Đúng ra phải đặt ở giữa phòng mới đẹp, nhưng vì còn dành chỗ cho bàn học nên giường được kê sát dọc theo một bên tường, còn phía tường đối diện, ở một góc có một chiếc tủ gỗ lớn chắc là để quần áo, góc kia là kệ sách “cỡ nhỏ” nhưng đối với tôi thì cũng khá… đồ sộ. Kẹp giữa hai “kho tàng” đó là bàn học chất đầy sách vở nhưng nhìn rất gọn gàng chứ chẳng bừa bộn như chuồng lợn ở nhà tôi.
Tôi lại gần để nhìn cho rõ. Trên mặt bàn ngoài sách vở còn có một dàn búp bê, nhưng không phải loại búp bê vua chúa hoàng hậu quan lại triều thần như trong truyện Conan, mà chỉ là những con nhỏ nhỏ xinh xinh mập mập lùn lùn hình bé trai bé gái đang toét miệng cười híp cả mắt lại, con gái mặc kimono, con trai mặc trang phục gì đó cũng giống giống vậy nhưng gọn hơn. Dàn “người mẫu” này đứng thành vòng cung chắn trước bức hình chụp gia đình nàng, tôi đoán lúc đó chắc Tiểu Mai mới khoảng 7, 8 tuổi gì thôi, nhưng cũng đã… xinh xắn đáng yêu phết. Đúng là xinh từ trong trứng xinh ra. Vẫn đôi mắt đó nhưng chưa quá sắc sảo, đang mở to háo hức nhìn vào ống kính, đôi má phính được kéo lên cao bởi nụ cười… toe toét, mái tóc đen láy mới qua vai một chút đang xoã ra nửa trước nửa sau, một tay cô bé giơ lên nắm lấy tay người đàn ông có gương mặt hiền từ bên cạnh. Nhạc phụ nhạc mẫu trông cũng trẻ hơn nhiều, nhất là người phụ nữ đang đặt tay lên vai Tiểu Mai kia, khuôn mặt xinh đẹp đang mỉm cười nhưng mục quang vẫn toả ra hàn khí băng sương khiến tôi phải đưa ánh mắt sang chỗ khác ngay. Sau lưng ba người dường như là cổng của một ngôi chùa, và ngôi chùa này lớn đến mức đứng ở lối vào cũng có thể thấy bên trong có những chóp mái vươn cao, lấp ló sau những tán cây cổ thụ xum xuê xanh tốt và một rừng hoa anh đào nở rộ trắng xoá cả một góc trời. Chắc chắn đây là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở Nhật, vì xung quanh chỗ gia đình Tiểu Mai đang đứng có rất nhiều người tay đeo túi xách đang đi lại, còn có cả một cậu bé trạc tuổi Tiểu Mai nghịch ngợm thò đầu vào đúng tầm ống kính, thành ra chụp được mỗi cái mặt đang… nhe răng.
Ngoài chồng sách vở, dàn búp bê và tấm hình đó ra thì trên bàn nàng chỉ còn một ống bút bằng gỗ, bên ngoài vẽ hình hai con mèo, một con màu hồng không miệng và một con màu xanh không tai. Vâng, đó chính là hai nhân vật nổi tiếng của xứ sở anh đào, Kitty và Đoremon.
Thứ cuối cùng còn lại là một cuốn sổ bìa đen để ở góc bàn, loại sổ có quai và nút bấm gắn vào bìa để đóng chặt lại ấy các bạn ạ. Cỡ bằng quyển vở học sinh, bìa da hay giả da gì đấy, nằm khuất sau chồng sách nhưng trên mặt không hề bám bụi chứng tỏ nó được sử dụng thường xuyên.
Chắc chắn không phải vở đi học, cũng không phải cuốn sổ chép nhạc tôi từng thấy…
-Anh ơi…! -Tiểu Mai khẽ gọi, nhưng tôi vì đang mải suy nghĩ nên giật bắn người.
-Sao vậy? Em thấy đau nữa à? –Tôi bước tới cạnh nàng, hình ảnh cuốn sổ bay vèo đi đâu mất.
-Hì, em chỉ gọi vậy thôi! Mà anh cứ ở trong phòng thế này, em không ngủ được! –Nàng cười tươi rồi lại vờ xịu mặt, nhìn tôi như… trách.
-À, ừ… Thôi em ngủ đi, anh ra!
Tôi nhận ra cái sự vô duyên của mình nên cười chữa thẹn với nàng rồi đóng cửa biến luôn, ai đời vào phòng con gái người ta mà cứ nhìn ngó lung tung, tò mò tọc mạch.
Cả trưa đó tôi không dám ngủ, sợ Tiểu Mai cần gì thì còn tới giúp, nhưng cuối cùng ngồi ở phòng khách ngáp lên ngáp xuống đọc hết mấy cuốn sách về phong thuỷ, tất nhiên cái này viết bằng tiếng Việt, đến hai giờ cũng chẳng có biến gì. Tôi đứng dậy tới nhấc điện thoại gọi cho Trân.
-A… lô… ! –Nghe giọng là biết bà cô này còn đang ngái ngủ.
-Dậy đi chị hai, qua nhà chị Mai chút được không?
-Có gì không em trai, chị buồn ngủ quá… a… oáp! –Rõ là biết giọng tôi mà vẫn giỡn nhây đây mà. Ai chứ con bé này phải rắn mới được.
-Ừa, vậy thôi ngủ tiếp đi, rồi tha hồ mà hối hận em ạ!
-U… Ủa? Sao vậy anh? Chị bị sao à? -Hết dám nhây, con bé lại sốt sắng.
-Ừ, qua đây nhanh đi, qua rồi biết!
Chừng năm phút sau đã nghe tiếng phanh xe cái “Kí…ít” trước nhà, chẳng bù cho cái hôm tôi chở nó đi chơi sau vụ giả làm bạn trai không thành, chờ dài cả cổ. Ra mở cửa mới thấy con bé đang thở dốc, đi nắng đầu giờ chiều mà không kịp đội nón nên mặt đỏ bừng, mồ hôi ướt trán làm tóc mái bết lại nom đến tội. Đôi mắt to tròn của Trân tỏ rõ sự lo lắng, vừa dắt xe vào sân liền hỏi tôi:
-Chị Mai bị sao hả anh? Chị í đâu? –Con bé nhìn dáo dác vào trong nhà.
-Lúc ăn cơm xong tự nhiên chị bị đau đầu, chóng mặt, đang nằm nghỉ trên phòng ấy!
Nhưng con nhỏ dường như biết trước câu trả lời của tôi nên chẳng thèm nghe mà phi thẳng lên lầu, nhìn bộ dạng khác hẳn bé Trân nhí nhảnh lóc chóc mọi ngày.
Tôi lại ngồi ở phòng khách chờ đợi, cố căng tai nghe xem có gì bất trắc không. Chừng nửa tiếng sau thì hai chị em đi xuống, mặt ai nấy đều tươi như hoa, mỗi người một vẻ mà mười phân thì vẹn một chục. Tôi nãy giờ lòng dạ cứ như lửa đốt, đọc sách phong thuỷ mà đầu óc rối mù, tay chân bứt rứt như trúng phong hàn. Nhưng vừa đứng dậy, chưa kịp mở miệng hỏi thăm thì Trân đã chặn đầu:
-Trời ơi! Lần sau đừng chơi em kiểu đó nha anh hai, em bị yếu tim đó! –Nó nhăn mặt nhưng nghe giọng như đang trêu tôi.
-Là sao? Anh có… làm gì đâu? –Tôi ngớ người.
Con bé chép miệng nhìn tôi đầy… bất mãn, Tiểu Mai đứng cạnh nó, cũng đang mỉm cười.
-Chị Mai không có sao hết, chỉ hơi… mệt thôi! Anh làm em cứ tưởng…
Thấy bộ mặt nghiêm túc của Trân tôi cũng cho rằng mình đã quá cả nghĩ, hai chị em thân nhau như vậy chắc cũng không giấu giếm việc gì, nhất là mấy chuyện như bệnh tật ốm đau đâu phải đùa. Có lời xác nhận này tôi mới thật sự thở phào, trời yên biển lặng. Tiểu Mai nhìn mặt đã hồng hào tươi tắn hơn nhiều, nàng tiến tới khoác tay tôi nói:
-Tóm lại là em khoẻ rồi, anh đừng lo gì nữa nhen! –Nàng chốt vấn đề xong quay sang bé Trân –À mà nhân tiện Trân sang đây rồi, bữa trước em nói có mấy bài toán khó đúng không?
Con bé gật đầu, nhoẻn miệng cười toe rồi quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh chờ đợi…
Và thế là tôi đã bị hai chị em hùa nhau hà hϊế͙p͙, bắt phải nai lưng ra làm thân trâu ngựa giảng không công cho nó mấy bài toán mà theo tôi thấy là dễ như ăn kẹo. Tiểu Mai cũng đem “đồ nghề” xuống học luôn, lâu lâu còn liếc nhìn hai đứa tôi đầy… cảnh giác! Cần thiết phải vậy không hả em, có cho vàng anh cũng chả dám ho he gì đâu, hic!
Nói thông cổ mát họng, à nhầm, khô cổ rát họng một hồi cũng xong mớ bài tập không mời mà đến, tôi định quay sang kiếm chuyện nói với Tiểu Mai thì bất giác liếc qua cái đồng hồ trên tường… Đệch, năm giờ đến nơi rồi!
-Hì hì, cảm ơn anh thầy nhiều nhiều ha! –Con nhỏ xếp vở lại trả cho Tiểu Mai, toét miệng cười xinh ơi là xinh khiến tôi vơi bớt nửa phần bực bội –Úi, năm giờ rồi kìa! Thôi về tắm rửa rồi ăn cơm chứ anh, không là bác gái la đó!
-Trân nói đúng đó anh! Về sớm đi, bữa sau lại sang chơi mà!
Cái bộ mặt ngây thơ vô số tội của Trân cộng với nụ cười của Tiểu Mai cuối cùng cũng đập nát bấy một nửa cục tức còn lại trong tôi. Đành phủi đít đi về thôi, nhưng ra đến cổng tôi còn kịp trừng mắt cảnh cáo con bé lì lợm kia, ấy vậy mà nó vẫn trơ đôi mắt to tròn vẻ… oan ức ra làm tôi không dám nhìn lâu vì sợ bị Tiểu Mai bắt thóp. Haizz, ai bảo mê gái cho lắm vào!
Vừa ăn cơm tối xong là bảy rưỡi, tôi đang xoa bụng phởn đời nghếch mắt lên tivi xem tin quân của Bush thả bom tan tành đống lô cốt của Bin y như trong đột kích thì ngoài cổng có tiếng gọi…
-Anh Nam ới ời ơi!
Mẹ tôi ngồi phía ngoài nên ra mở cổng luôn.
-A, Trân đấy hả con! Lâu lắm rồi mới tới!
-Dạ con chào bác! Dạo này bài vở nhiều, con tranh thủ qua hỏi anh Nam tí thôi ạ! –Cái con bé này đúng là biết nhìn mặt, nói chuyện với mẹ tôi cứ gọi là nhu mì hiền thục.
Vừa dựng xe trong sân xong nó vào nhà xáp lại kéo tay tôi, kèm theo nụ cười không-thể-từ-chối:
-Anh ơi, hồi chiều em còn mấy xấp bài quên hỏi! Anh bày em cho xong luôn nhen!
Tôi nghe cái giọng ngọt lịm đó mà nổi cả da gà, đang tu chai Sting thì suýt sặc lên mũi. Bình thường thì ý tưởng này sẽ được diễn đạt như sau:
-Anh! Còn đống bài này nữa em quên! Giải cho em hết đi, mai em bị điểm thấp là không xong đâu đó!
Nhưng trước mặt mẹ tôi thì con hổ cái này lại hoá thành mèo con ngoan ngoãn lễ phép, thế mới tài. Lại còn “ mấy xấp bài” nữa chứ, ôi mẹ ơi, thế thì sao con học được hả giời!
Nhưng để trọn đạo làm anh trước mặt mẫu hậu tôi cũng đành nhắm mắt cho cô em yêu… quái lôi xềnh xệch lên lầu với cái “xấp bài” kia.
Lâu lắm rồi, kể từ cái hồi Trân ở nhà tôi đến giờ hai anh em mới lại ngồi chung một bàn học thế này. Hôm đầu tiên nó dọn về lại tôi cũng tự nhiên thấy nhơ nhớ, nhiều lúc ngồi học một mình mà buồn vu vơ. Nói ra nghe hơi tội lỗi, nhưng thật sự là từ ngày đầu tiên kèm toán cho Trân đến nay chưa một buổi nào tôi thấy mệt hay chán, ngược lại càng dạy càng hăng, đơn giản bởi vì con bé… dễ thương thế kia cơ mà. Bữa nay cũng vậy, ngồi học mà cứ ngọ nguậy không yên, nhiều lúc còn chọc tôi tức điên lên rồi lại cười khì khiến tôi chẳng kiểu gì giận lâu được. Lúc mới tới Trân thả tóc, đi trước tôi để lại mùi hương nước hoa hay dầu thơm gì đấy, tuy không kiêu sa quý phái như hương bạch mai nhưng rất ngọt ngào mà thanh khiết, mặc dù đã vài lần ngửi thấy và tự nhủ lòng phải tỉnh táo nhưng tôi vẫn không khỏi mê mẩn. Cắm cúi xong được khoảng chục bài thì con bé vươn vai giải lao một cái, tiện tay buộc tóc lên, để lộ cái cổ cao với nước da trắng ngần chẳng kém gì Tiểu Mai. Không hiểu sao tôi vốn rất thích con gái để tóc xoã dài, nhưng từ cái ngày bị Tiểu Mai quăng banh vào mặt lại thấy kiểu buộc đuôi ngựa này cũng đẹp phết. Và đến khi quen biết bé Trân thì tôi đồ là mình đã… nghiện kiểu tóc này mất rồi. Mà có thể vì Trân xinh sẵn nên để tóc kiểu gì cũng xinh ấy chứ?
-Rồi, làm tiếp anh ơi! –Con bé vần vò mớ tóc đen mượt một hồi, buộc xong lại cầm bút lên làm bài tiếp.
-Ừ… Mà hay thiệt, mấy bài này hồi năm ngoái anh giảng cho đám bạn, tụi nó cứ ngu ra như phỗng ấy! –Tôi nhớ lại lúc đó mà phát nản, giờ mới biết đi dạy học mà có đứa học trò như bé Trân khoẻ biết chừng nào -Công nhận học trò tôi cũng thông minh gớm!
-Ừm, em cũng thấy vậy anh ạ! -Lại còn làm bộ gật gù như đúng rồi.
-Ơ hay, ngon nhể -Tôi trở mặt, giơ tay doạ cốc đầu nó cái tội… láo -Cũng cũng cái…
-Á… Anh hai đánh em gái, huuu!
-Ê ê, ai đánh đâu mà khóc! Ăn không nói có là cốc thiệt đó nghe!
-Đó, lại đánh nữa kìa! Huu… hức!
-Thôi đi cô, không giỡn nữa, làm tiếp cho xong để tôi còn học!
-Hức, ứ làm nữa! Học kiểu phát xít như vầy ai làm cho được! -Lại cái độc chiêu khiến tôi phải xuống nước.
-Rồi, thì “no” đánh, “no” cốc, OK? Tám rưỡi rồi kìa!
-Hì, yên tâm đi anh, mớ này làm đến mười rưỡi chưa chắc xong đâu! Giờ kiếm chuyện gì nói tiếp rồi cứ tà tà mà làm, OK? –Con bé nói tỉnh khô, bộ định “cố thủ” ở đây qua đêm luôn hay sao?
-Lạy hồn! Hồn làm lẹ lẹ xong rồi tha cho con, bài vở con cũng nhiều lắm ạ! –Tôi muốn mếu đến nơi.
-Ừm… có vẻ thành khẩn! –Con nhỏ xoa cằm suy xét -Rồi, thì làm!
Cuối cùng Trân cũng chịu cúi xuống hí hoáy với đống công thức số má kia. Tôi để ý thấy nó tuy làm toán nhưng viết chữ rất cẩn thận, có thể không đẹp như Tiểu Mai nhưng ngay hàng thẳng lối, trình bày sạch đẹp. Chợt nhớ tới Tiểu Mai, tôi hỏi nhỏ:
-Trân nè… Hồi chiều em với chị Mai nói gì vậy? Chị Mai không sao thật à?
Con bé vờ như không nghe tôi hỏi, vẫn chăm chú làm toán.
-Này, anh hỏi em đấy! Chị Mai… bị bệnh gì phải không? Nói thật anh biết đi! –Tôi lắc tay nói, hơi cao giọng vì cảm thấy hai chị em này còn giấu mình chuyện gì đó.
Lúc này Trân cũng không giả vờ nữa, đặt bút xuống quay qua nhìn tôi, đôi mắt không giấu được vẻ rất lạ, nửa buồn nửa… tinh quái.
-Anh lo cho chị ấy lắm à?
Tôi thoáng ngần ngừ trước câu hỏi mà như không hỏi này.
-Ừ, tất nhiên… thì… yêu nhau ai chẳng vậy!
-Anh thì lúc nào cũng chỉ nghĩ cho chị Mai thôi… chẳng biết gì nữa hết, chán!
Tôi cứng họng, nhất thời chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói này thì con bé đã lục tục… cất vở bút vào cặp.
-Em… là sao? Tại anh thấy hồi sáng chị Mai buồn buồn, mệt, rồi chán ăn, lại đau đầu chóng mặt nữa, khác hẳn mấy lần trước… nên anh lo chứ có gì đâu? –Tôi sợ bé Trân dỗi nên lúng búng bào chữa dù chẳng biết mình mắc tội gì.
Đáp lại là con bé đứng dậy, ngán ngẩm nhìn tôi:
-Chị Mai nói đúng thiệt, anh ngốc không tưởng nổi! –Nói rồi nó quay đi ra khỏi phòng trước cặp mắt ngơ ngáo của tôi.
Xuống đến nhà dưới, chào mẹ tôi mà Trân vẫn không thèm nhìn tôi lấy một lần, để thằng mặt đần tò tò theo sau ra đến tận cổng. Tôi quyết định lên tiếng:
-Này, em… giận anh đấy à? Anh có biết gì đâu?
-Chính vì anh không biết gì nên em mới tức! –Con bé quay lại liếc tôi muốn toé lửa.
-Là sao? Không biết không có tội mà? –Tôi nhớ lại cái câu hồi nhỏ hay xài –Em không nói gì sao anh biết?
Trân thở hắt ra, nhẹ giọng nói:
-Thì chị Mai bị như vậy, buồn, mệt, chán ăn, nhức đầu… Anh không biết tại sao thật à?
-Anh… không biết! –Tôi gãi đầu bối rối –Nãy giờ anh hỏi em còn gì?
-Yêu nhau kiểu gì mà vô tâm quá! –Trân gắt.
-………!!
Tôi chưa biết nói sao trước lời buộc tội này thì con bé cúi mặt, hạ giọng nhỏ hết cỡ:
-Chị Mai như vậy… cũng vài năm nay rồi…