Yêu Nhầm Chị Hai Được Nhầm Em Gái

Chương 369: Chương 371 ( Ngoại truyện )

Tôi chở Tiểu Mai mà lòng vừa lâng lâng vừa hồi hộp. Hồi hộp thì hẳn rồi, trước mắt là trận đấu sống còn thế kia mà –hay tại tôi nghĩ thế chứ thực ra cũng chỉ là giao hữu thôi. Còn lâng lâng là vì sắp tới đây bọn con trai con gái trường chuyên sẽ được dịp “mãn nhãn” với cặp đôi kim đồng ngọc nữ của trường Phan Bội Châu, à không, phải là của cả thành phỗ Phan Thiết luôn ấy chứ. Tôi tí tởn nghĩ đến cái bộ mặt mắt chữ O mồm chữ A của mấy thằng đầu to mắt cận chưa biết mùi gái đẹp là gì, còn bọn con gái suốt ngày cắm đầu vào học kia thể nào nhìn thấy Tiểu Mai vừa xinh vừa giỏi cũng phải ôm mặt hối hận vì đã để lỡ thời thanh xuân trong đống sách vở. Cứ như hai đứa tôi sắp được tôn làm thánh sống, vũ hoá đăng tiên!


Thực tình tôi cũng chẳng phải cổ suý cho việc yêu đương quên học hành đâu. Ý tôi ở đây là đời người chỉ sống có một lần, tuổi trẻ chỉ có vài năm thì tội gì phải nhồi nhét đầy những thứ mà cả đời chưa chắc đã nhồi hết được? Đành rằng không học thì hư người, trở thành gánh nặng cho xã hội, nhưng “học” đâu chỉ là mở sách ra đọc làu làu, còn phải học ngoài đời, ngoài xã hội nữa chứ. Những gì chúng ta thu nhận được từ sách vở thực chất chỉ là để phục vụ công việc, nghề nghiệp sau này, còn cách đối nhân xử thế, cách chăm sóc yêu thương mọi người thì không có trường nào dạy tốt bằng trường đời và trường… tình. Hai năm qua Khả Vy, Tiểu Mai, Sơn đen và cả… thằng Minh Huy đã dạy cho tôi biết cuộc sống này khác xa so với những gì thầy cô giảng trên lớp. Cho nên có bạn nào lỡ không thi được vào trường chuyên lớp chọn thì cũng đừng dằn vặt mình quá, mất cái này thì được cái kia thôi.


Mới đi ngoài đường mà tôi đã nghe râm ran tiếng hò reo cổ vũ trong sân, kiểu này thì vào đến nơi chắc thủng lỗ nhĩ mất. Và đúng như dự đoán, sau khi lưu luyến tạm chia tay Tiểu Mai cùng chiếc dù màu hồng phớt nàng mang theo để phòng trời mưa lên hàng ghế khán giả thì tôi bước vào cầu trường như… chiến trường mà tim đập chân run. Mọi khi 4000 học sinh trường tôi đã làm cái sân như muốn vỡ ra rồi, hôm nay lại thêm bọn trường chuyên ních đầy ghế. Học sinh trường chuyên Trần Hưng Đạo nhìn vào là biết ngay, cái quần màu xanh rêu đó cả Phan Thiết này có mỗi trường đó chứ ai, đặc trưng đến nỗi bọn tôi còn đùa, mấy thằng trường chuyên mà nổi máu muốn uýnh lộn ngoài đường thì trước hết phải… cởi quần cất vào cặp, chứ để bàn dân thiên hạ trông thấy thì ô nhục thanh danh của trường, vĩnh bất siêu sinh, vạn kiếp bất phục.


Hôm nay bọn nó là khách, được ưu tiên hẳn một bên khán đài B nhưng cũng chỉ lèo tèo khoảng một nửa, chắc bởi đằng nào cũng vào hang sói, đi ít bọn tôi còn nể nang, đi nhiều có khi thằng nào vạ miệng lại xảy ra hỗn chiến cũng nên. Cơ mà đúng là trường chuyên, quân số ít về lượng nhưng chất thì hơn hẳn trường tôi. Tôi nhìn mấy cái băng rôn màu sắc sặc sỡ, chữ kiểu thư pháp như rồng bay phượng múa mà phát thèm, “CHUYÊN TRẦN HƯNG ĐẠO VÔ ĐỊCH, VÔ ĐỐI, VÔ BIÊN, VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU!”, rồi thì “TỨ BẤT TỬ BẤT KHẢ CHIẾN BẠI, BẤT KHUẤT HIÊN NGANG!”. Đệch, chưa vào trận mà đã khủng bố tinh thần thế này…


Nhưng bên đấy có khủng bố thì bên đây có… mĩ nhân kế. Tiểu Mai vừa vào chỗ, còn chưa ngồi xuống thì hết thảy con trai cả hai trường đã quay ánh mắt về khu lớp tôi, tất nhiên bọn trường tôi ít nhiều đã có “sức đề kháng”, tội nhất là bọn bên kia cứ trừng trừng nhìn sang đầy… thèm khát. Hê hê, học cho lắm thì cũng vẫn là người, vẫn phải rung động trước gái đẹp, à nhầm, cái đẹp chứ. Đám băng rôn biểu ngữ như cờ mất gió liền hạ xuống, hay bọn nó giữ sức để tí vào trận mà giơ lên nhỉ? Cũng may trận này có đại diện giáo viên hai trường dự khán, chứ không thì kiểu gì cũng chửi nhau loạn xí ngầu nãy giờ rồi.


Mười phút nữa bắt đầu, như thường lệ thì tôi đã chạy tới phía khán đài nghe lời động viên của em yêu, nhưng hôm nay “có khách”, mà Tiểu Mai trước giờ không thích bị nhiều người để ý nên chúng tôi đành trao nhau ánh mắt yêu thương từ xa.


Nàng nháy mắt, giơ tay biểu tượng “OK” (tức là chụm ngón cái với ngón trỏ thành vòng tròn, mấy ngón kia giơ thẳng ấy) làm tôi chợt ấm lòng hẳn, tràn đầy tự tin, gật đầu một cái chắc nịch. Một chút hồi hộp lo lắng còn sót lại nãy giờ bỗng chốc tan biến, nhường chỗ cho khí thế bừng bừng. Bọn con trai bên kia lại thêm một cú sốc nổ đom đóm mắt nữa. Hê hê, hoa đã có chủ rồi các bạn nhỏ ạ!


Đội hình hai bên bước ra sân. Lúc này mới nghe tiếng của “Hội bàn tròn”, mới trận gần đây nhất còn là đồng đội kề vai sát cánh thì giờ đã chia li:
-Thánh vật thủ môn bên đó luôn đi thánh ơi! -Tuấn rách hét.
-“Tia Chớp Vàng” xẹt bọn nó bốc khói đêêê! –Khang mập hùa theo.


-Thánh Nam, ai lớp diu, ai lớp ai lớp ai lớp diu! -Thằng Chiến lại bày trò tếu khiến tôi không nhịn được cười.


Chỉ khi ở vị trí tôi lúc đó các bạn mới hiểu hết cái cảm giác bước chân lên võ đài tỉ thí với “ngoại bang”, được cả một “dân tộc” đứng sau lưng ủng hộ nó như thế nào. Tôi gật gật đầu, cười toe với bọn nó, nhưng ngay lập tức đã nghe bên kia khán đài dậy sóng:


-Garrincha huyền thoại, cho bên đó ngửi khói đi!
-Huyền thoại cái thế, đệ nhất cầu trường, dzêêêê!!


Tôi chột dạ. Quái nhỉ, những cầu thủ được tôn vinh là huyền thoại trước giờ tôi chỉ nghe có Pele, Maradona, Ronaldo, Rôbéctô Cạcxilốt… chứ có ai là Ga… Ga-rin-cha gì đó đâu? Hay thằng này là… tân binh ngoại quốc mới nhập tịch?


Tôi nhìn sang đội bạn thì dường như mọi ánh mắt của cổ động viên bên đó đang dồn vào một thằng cao ngang tôi, da hơi rám nắng, nhìn chắc nịch, mà hình như còn… chân thấp chân cao.
Tía má ơi, nhớ ra rồi!


Trong lịch sử bóng đá thế giới thì cái câu “Có tật có tài” gần như lúc nào cũng đúng, mà siêu cầu thủ Garrincha của Braxin là ví dụ điển hình. Cái thời ông còn tung hoành trên sân cỏ thì tôi chưa ra đời, nhưng dựa theo bản tin thể thao tôi xem từ hồi nào không rõ cũng như lượm lặt trên Gugồ thì ở ngay Braxin nhiều người vẫn cho rằng Garrincha vĩ đại hơn Pele. Cầu thủ này khi sinh ra đã có đôi chân dị thường: một chân dài một chân ngắn, đã vậy còn cong về cùng một bên tạo thành hình… dấu ngoặc kép! Chẳng biết có phải nhờ đôi chân thần kì đó hay không mà những pha đi bóng của huyền thoại này luôn khiến khán giả tròn mắt không thể tin được, có thể gọi là… đi ngược lại những qui tắc chuyển động thông thường vậy. Ví dụ như khi hậu vệ đối phương nghĩ rằng ông sẽ dẫn bóng sang phải thì ông lại qua trái –không phải dùng chiêu trò gì như thằng Quốc Toàn, chỉ đơn giản là “đi” thôi. Nói chung Garrincha là một tài năng ngàn năm có một của bóng đá thế giới. Lần này chắc tôi lại được mở mang tầm mắt rồi.


-Vâââng! Thưa quí bạn và các vị, trước mắt chúng ta là sân vận động thánh địa của trường THPT Phan Bội Châu, nơi sẽ diễn ra trận cầu “siêu kinh điển” giữa chủ nhà trường Phan Bội Châu và đội khách trường chuyên Trần Hưng Đạo!


Bình luận viên lần này là một giáo viên chứ không phải tên bựa nhân trời đánh lần trước, cũng dễ hiểu vì giáo viên dù gì cũng không có hiềm khích lẫn nhau như học sinh, nên bình luận công bằng hơn chứ không thiên vị ra mặt như tên kia. Nghĩ lại mà muốn sút luôn quả bóng vào cái mõm nó. Ông thầy này bên trường chuyên, vì tôi lần đầu thấy mặt, sau này mới biết là giáo viên tiếng Anh. Hèn gì nói chuyện dẻo quẹo.


-Đội hình ra sân của hai đội hôm nay như sau… các bạn có thể liên hệ với đội trưởng mỗi đội sau trận đấu, vì thời gian có hạn! Trong hiệp một đội nhà bảo vệ cầu môn phía bên tay phải màn ảnh lớn của tôi…


Đại khái thì đội tôi gồm đội trưởng là thằng thủ môn tên Thắng, hàng thủ tôi chẳng quan tâm mấy, trên này thì ngoài cặp tiền vệ cánh là tôi và Quốc Toàn còn có hai tiền vệ trung tâm Đức và Tài, tên hợp nhau phết, cuối cùng là thằng tiền đạo duy nhất tên Quân mang áo số 10. Bên kia thì tôi chỉ tường thuật theo số áo thôi chứ tên họ quan tâm làm đếch gì. Đội tôi lấy bóng trước.


Đặt quả bóng vào chấm giữa sân, tôi quay lên khán đài tìm ánh mắt Tiểu Mai lần nữa. Nàng mỉm cười, vài món tóc bay bay trong cơn gió của buổi chiều âm u, khẽ gật đầu. Cái này có bị coi là dùng doping không nhỉ?


Bất giác tôi đưa mắt sang hàng ghế giáo viên chỗ thầy Hiệu trưởng, vài tháng trước, Uyển Nhi vẫn còn ở đó…
-“Tí tui đợi ông ở cổng chính nha, ông dẫn tui vô sân, cho tui cái ghế hạng nhất để ngồi chứ!”


-“Hứ, keo kiệt, sợ bạn gái thấy thì nói, bận bận khỉ gió! Tui tự đi cũng được, khỏi cần ông!”
-“Hì hì, đừng có giận, chúc ông chiến thắng nha! Try your best, my baby!”
Ừ, hôm nay tui sẽ cố hết sức, Uyển Nhi à…
-Chuẩn bị! -Tiếng trọng tài đưa tôi về lại trận đấu. Tập trung, tập trung nào…


-HOÉÉÉÉ…T!
-Vâââng! Như vậy là trận đấu được chờ đợi nhất mùa giải đã chính thức được bắt đầu thưa quí vị và các bạn!...


Tiếng hò reo kèn trống của mấy nghìn học sinh át cả tiếng bình luận viên. Các mũi tấn công của hai đội ngay lập tức tràn lên phần sân đối phương. Tôi giữ bóng một nhịp rồi chuyền cho thằng Toàn, nó “tự bật tường” qua được một trung vệ rồi chuyền lại cho tôi, ngay lập tức có hai tên hộ pháp xáp vào truy cản. Công nhận bọn trường chuyên suốt ngày ăn với học mà cũng kiếm đâu ra được hai thằng hậu vệ to cao phết, tôi chỉ xỏ kim qua được một thằng, sau đó phải chuyền lại cho tuyến sau băng lên. Số 9 của đội tôi nhận được bóng, đồng thời thấy tôi chạy chỗ từ biên vào trung lộ liền thực hiện một đường chọc khe hoàn hảo đến chân tôi. Nhưng chưa kịp xâm nhập cấm địa thì tôi đã nghe tiếng bước chân rầm rập sau lưng, tiếp đó là một hậu vệ đội bạn án ngữ trước mặt, thế gọng kìm này tốt nhất là không nên mạo hiểm. Đúng lúc hai ông hộ pháp vượt lên đẩy vai giành bóng thì tôi cũng kịp rướn người đẩy banh cho thằng Quân.


-Ngay những phút đầu của trận đấu đội chủ nhà đã triển khai thế trận tấn công khá mạch lạc, phải chăng đây là cơ hội đầu tiên thưa các bạn? Tiền đạo đội nhà đã có bóng, xâm nhập vòng cấm, sút…! –Ông thầy này có vẻ cũng-Vù… bộp!


Tiền đạo của đội tôi cố gắng tung ra cú dứt điểm nhưng trước sự kìm kẹp của đám hậu vệ đứa nào đứa nấy cao to đen hôi thì cú sút đã bị chệch ra má ngoài nên thiếu lực và bị bắt gọn. Cả khán đài ồ lên tiếc nuối.


-Không vào! Cơ hội đầu tiên đã qua đi thưa các bạn! Thủ môn trường Trần Hưng Đạo phát bóng lên đi em!


Bóng bay qua vạch giữa sân. Hai cầu thủ của hai đội đã chọn điểm rơi và huých vai nhau quyết liệt. Thằng trường chuyên khôn hơn, nhảy lên đánh đầu đưa bóng sang cho một thằng khác đã chờ sẵn. Chính là thằng “Garrincha”! Nó cũng mang áo số 10, số áo của rất nhiều danh thủ nổi tiếng. Đón được bóng nó nhanh chóng mở tốc độ bên phía cánh phải, qua mặt một trung vệ ngon ơ. Không biết Garrincha thật tài hoa cỡ nào, nhưng tôi thấy thằng này cũng không phải tầm thường, nó không có tuyệt chiêu gì cả nhưng cách đi bóng nhìn rất… lạ, lúc thì dốc thẳng, lúc lại như ziczac, có lúc còn nổi hứng dùng mũi chân dích bóng qua mặt đối thủ, làm hàng hậu vệ đội tôi hoa cả mắt. Nhưng khi đã vào vòng cấm thì không gì là dễ dàng cả, một bức tường bêtông được dựng lên trước khung thành khiến số 10 phải chuyền sang cho một đồng đội đang thoát xuống ở biên. Thằng này nhắm thấy góc sút quá hẹp liền không dứt điểm mà căng ngang vào trong…


-Cơ hội lại được dành cho đội khách! Garrincha-đôi chân kì diệu đã loại bỏ hai cầu thủ đeo bám, và bây giờ là đồng đội của anh, sút… Không, là một đường căng ngang các bạn ạ! Phía trong chỉ có hai đồng đội và rất đông hậu vệ đối phương, liệu…


Lợi dụng ưu thế về quân số, đội tôi đã kèm cứng hai thằng tiền đạo bên kia. Quả treo bóng vì thế không gây nguy hiểm gì, bóng lại được phát lên.


Thế trận giằng co một lúc lâu, cả hai bên chưa để lộ sơ hở gì. Khán giả hết trầm trồ với những pha đi bóng xuất thần lại xuýt xoa tiếc nuối trước những cơ hội bị bỏ lỡ ngay trước mũi giày, quả không hổ danh là “siêu kinh điển”, long hổ tranh hùng, kì phùng địch thủ. Hai đội không chỉ có các cá nhân xuất sắc mà chiến thuật chiến lược rất bài bản, lên công về thủ kịp thời, co giãn đội hình vô cùng hợp lí. Vì đang thi đấu trên sân nên tôi không thấy được chứ nếu ngồi trên khán đài có lẽ sẽ thấy sân bóng như được thêu hoa dệt gấm, biến ảo khôn lường.


Cái hay của một đội hình toàn người giỏi là ai nấy đều biết vị trí và vai trò của mình, rất ít khi phải hò hét nhắc nhở nhau. Nhưng cũng có cái hại, đó là ai cũng sợ người khác không làm tốt bằng mình, nên nhiều lúc không dám phối hợp với nhau trong những tình huống có thể ghi bàn được. Thế là có lúc tưởng như ăn đến nơi rồi thì “miếng ăn đến miệng lại rơi”.


Đội trưởng đội tôi vừa phát bóng lên sau một cơ hội nữa bị đối phương bỏ lỡ. Thằng Toàn dốc bóng bên cánh phải, “bật” qua hai cầu thủ đối phương, chuyền cho thằng Đức đang ở trung lộ. Thằng này nhác thấy một hậu vệ mặt mày bặm trợn đang chạy tới liền giả vờ đi bóng để nhử rồi gạt sang cho tôi. Tôi nhanh chóng xỏ kim qua một thằng mặt non choẹt chắc mới lớp 10 hay 11, lừa được một cu khác rồi tiến thẳng vào cấm địa. Gần như ngay lập tức cả hàng hậu vệ bên này chĩa mũi giày sang, quyết khoá chặt “Tia Chớp Vàng”. Màn trình diễn của tôi trong những phút vừa rồi xem ra cũng gây ấn tượng cho bọn nó.


-Độn thổ qua luôn đi, khỏi cần lừa thánh ơi! –Tôi nghe giọng Khang mập.
-Dích bóng qua đầu tụi nó đi thánh!


Tuấn rách nói đúng ngay cái điều tôi đang nghĩ. Chiêu dích bóng này tôi cũng tập thường xuyên, rất hữu dụng để chuyền hay ghi bàn bằng cách lốp bóng qua đầu đối phương gây bất ngờ và nhìn khá đẹp mắt, lại ít tốn sức vì chỉ dùng cổ chân chứ không cần đến cả đùi hay hông.


Tôi gẩy mạnh mũi giày, dích bóng qua cho thằng Quân số 10 đang khá là tự do băng vào vì hàng thủ đã bị tôi “hút” gần hết. Cả đám hậu vệ ngớ người mất một giây vì chiêu này, nhưng ngay sau đó đã áp sát tiền đạo đội tôi. Cùng lúc đó thằng Toàn cũng lao xuống yểm trợ phía bên kia, nhưng số 10 quyết định dứt điểm ngay.


-Một pha xử lí rất khôn ngoan của số 8 trường Phan Bội Châu thưa các bạn -Số 8 là của tôi đấy ạ -Số 10 đã có bóng, một cầu thủ khác cũng vừa xuất hiện trong vòng cấm, rất trống trải. Có lẽ số 10 sẽ chuyền… Không, anh sút ngay! Cú sút rất căng…


Không để đối phương kịp áp sát, thằng tiền đạo tung hết sức sút ngay khi bóng lăn tới chân. Cả sân bóng nín lặng.
Trái bóng xé gió bay về phía cầu môn trong sự ngỡ ngàng của hậu vệ trường chuyên, riêng thủ môn đã chuẩn bị bay người…
-Viu… bộp!


Học sinh trường tôi ồ lên thất vọng khi thằng thủ môn giơ tay ra cản bóng, cú sút đẹp vậy mà...
Nhưng chưa hết…


Thằng thủ môn chỉ “cản” bóng chứ không bắt được bóng. Lực sút cực mạnh khiến quả bóng bật ra phía bên kia. Và Quốc Toàn, đang đực mặt ra vì tưởng cơ hội đã hết, không bỏ lỡ thời cơ…
-Bụp… roạt!


Ở một cự li gần như này thì đến thằng sút dở tệ như tôi cũng cầm chắc phần thắng. Và thế là
VÀOOOO…!!!!
Khán đài như muốn nổ tung, còn đám cổ động viên trường chuyên tức muốn nổ… mắt. Tiếng bình luận có phần… thiểu não chìm nghỉm giữa những tiếng hò reo vang dội.


-Vâng thưa các bạn, như vậy là tỉ số đã được mở cho trường Phan Bội Châu…
-Hay quá thánh ơi, dích bóng như… thánh!
-… Một pha phối hợp đẹp mắt…
-Thằng kia sút như đại bác tụi bây thấy hông? Lớp tao đó, há há!
-… và có phần may mắn…
-Quốc Toàn A muôn năm, dzêêê!


Việc tôi muốn làm ngay lúc này là nhìn lên phía chỗ lớp mình. Tiểu Mai rạng rỡ giữa biển người, đôi mắt hấp háy, vai hơi co lại vì gió lạnh nhưng đôi mắt trong veo toả ra hơi ấm làm tôi cảm thấy lòng đầy hạnh phúc. Bất giác tôi còn thoáng nghĩ tới buổi chiều nay sau khi thắng trận sẽ cùng nàng đoàn viên bên… mái ấm gia đình. Nhưng trận đấu vẫn chưa kết thúc, đành tạm gác giấc mơ hình trái tim đó lại vậy.


Đúng là cũng may mắn thật, công bằng mà nói thì bàn thắng có dấu giày của cả ba đứa nên khán giả cũng loạn xí ngầu, chẳng biết nên tung hô ai. Trên sân bọn tôi vỗ vai nhau cười mãn nguyện, nếu là cùng lớp, cùng chơi với nhau thì có khi còn đè nhau ra sân mà ăn mừng ấy chứ.


Bên phía trường chuyên bọn kia cũng cau có mặt mày ghê lắm, kiểu này chuẩn bị lập mưu trả thù ác liệt chứ chẳng chơi. Cơ mà muốn làm gì thì cũng phải chờ… sau giờ nghỉ đã, vì bây giờ đã là những phút cuối của hiệp một rồi! Hề hề…!


Mười lăm phút giải lao chúng tôi chỉ ngồi uống nước, nghỉ ngơi cho lại sức, thi thoảng tán hươu tán vượn vài ba câu. Cái không khí này khác hẳn những trận trước, khi chúng tôi để thua trong hiệp đầu và phải bàn chiến thuật ỏm tỏi cho hiệp hai. Nhưng một phần nguyên nhân cũng là vì các vị trí đều chơi khá tốt, chẳng có gì phải phàn nàn, mà có phàn nàn thì kiểu gì cũng bị cho là lên mặt dạy đời, bởi thế tôi mới nói đội hình nhiều ngôi sao chưa hẳn đã là hay, dễ mất đoàn kết.


Hai đội trở lại sân chuẩn bị bắt đầu hiệp hai trong tiếng hoan hô của trường tôi và tiếng động viên khích lệ của trường chuyên.
-Èo, mới có 1 trái, lo gì! Tí nữa bên đây trả lại gấp đôi!
-Dập bên đó 10-0 luôn đi các thánh ơi!
Rì rào xì xào…


Mặt trời toả những tia nắng yếu ớt sau một đám mây đen to tướng đang kéo tới. Giọng của bình luận viên vang lên, trở lại vẻ bình thường như thể vẫn còn đang hoà vậy. Vào tay tên thối mồm kia thì tôi đồ là hắn sẽ giở cái giọng đọc… điếu văn ra cho mà xem.


-Thưa quí bạn và các vị, sau hiệp 1 đầy căng thẳng và giằng co, tưởng như hai đội đã rời sân với kết quả hoà thì bàn thắng đã đến ở những phút cuối cùng một cách đầy bất ngờ. Và bây giờ hai đội đang bước ra sân, hiệp 2 hứa hẹn sẽ còn gay cấn hơn nữa khi tỉ số bây giờ là 1-0 nghiêng về phía đội chủ nhà trường Phan Bội Châu…


Trái bóng được trọng tài đặt vào chấm giữa sân, trường chuyên đang bị dẫn nên được lấy bóng.
-Chuẩn bị… ROÉÉÉT!


-Vâââng, như vậy là hiệp hai đã bắt đầu, hai đội đã đổi sân cho nhau. Quí vị khán giả nào không may bỏ lỡ hiệp một thì xin… hỏi người kế bên để có thể theo dõi tiếp diễn biến của trận “siêu kinh điển” ngày hôm nay!...


Tiếng còi vừa cất lên, hết nửa đội hình trường chuyên đã tràn sang qua vạch giữa sân. Chậc, định dùng chiến thuật “tấn công tổng lực” đánh vỗ mặt đây mà. Thế là hàng tấn công bọn tôi cũng không dâng lên quá cao, để có gì còn kịp về phòng thủ, dù gì cũng có 1 bàn lận lưng, cứ cố thủ thì vẫn thắng, dù là không… oanh liệt cho lắm.


Hàng tiền vệ cao to của bên kia nhanh chóng lấy thịt đè người, định dùng sức phá thủng hàng phòng ngự đội tôi. Nhưng hậu vệ bên đây cũng đâu có nhỏ nhắn gì, tranh chấp tay đôi ngang ngửa nhau chứ chẳng chịu kém. Hai “con tượng” đang vờn nhau ở giữa sân thì ở đâu ra một thằng trường chuyên nhỏ thó xáp lại khều bóng trong chân làm hai ông ngơ ra như phỗng, nhìn nó dốc sang cánh trái. Một hậu vệ áp sát thì thằng này liền đẩy sang cho “Garrincha” ở bên trong, rồi chính nó cũng chạy chỗ bó vào trong luôn. Số 10 của đội bạn bình tĩnh đảo người qua một trung vệ, tăng tốc cho một hậu vệ khác xem số áo, rồi chuyền lại cho thằng ban nãy. Một cầu thủ giỏi là người biết lúc nào nên phối hợp và lúc nào nên cá nhân để không bỏ phí cơ hội, và xét trên phương diện đó thì đội trường chuyên có không ít những tài năng “biết người biết ta” như vậy. Hầu hết những pha để mất bóng của bên đó đều là do hàng phòng ngự bên tôi lăn xả tranh cướp, chứ rất ít khi bọn kia ham bóng để bị mất.


-Đội khách đang tấn công ào ạt với sự cơ động và khéo léo của số 10- truyền nhân của Garrincha huyền thoại! Anh đang phối hợp với một đồng đội để xuyên thủng hàng rào bảo vệ vòng cấm địa…


Thằng nhỏ con kia nhận bóng rồi bật tường ngay cho tiền đạo bên đó, còn “Garrincha” giãn ra biên để thu hút hàng phòng ngự. Thằng tiền đạo thấy trước mặt có hai “người gác đền” cao lớn liền co chân định sút ngay, nhưng thực ra chỉ là đòn gió, hai thằng kia đứa quay lưng lại chắn bóng đứa giơ chân ra đỡ thì đều bị lừa. Thằng khôn lỏi này chớp ngay khoảnh khắc hai hậu vệ bị lỡ đà liền ngoặt bóng qua cả hai, tung chân sútthật…


-Vùù… binh!
Trái bóng đi chéo góc, thủ môn tuy rướn người hết cỡ cũng không chạm được vào bóng, nhưng may sao vẫn còn xà ngang cứu nguy. Tôi nhìn pha đó mà trong bụng quặn lên một cơn. Cả mấy nghìn khán giả cũng không kìm được một tiếng ồ, nhưng mang hai cảm xúc khác nhau.


-Thật xót xa thưa quí vị và các bạn! Một pha đập nhả nhuyễn như súp của trường chuyên đã loại bỏ hoàn toàn hàng phòng ngự đối phương, nhưng cú dứt điểm cuối cùng lại thật thiếu may mắn! Tiếc đứt ruột!


Có vẻ như sức nóng của trận đấu cũng đã làm cho ông thầy này mất bình tĩnh mà bỏ qua sự công bằng trong việc bình luận. Gió hiu hiu lạnh, may là không to như cái trận chung kết năm ngoái, mây đen cũng bắt đầu nhiều hơn.


Hậu vệ đội tôi nhận bóng từ thủ môn, phát một đường chuyền dài vượt tuyến lên trên vì bên kia đang dồn khá đông sang phần sân nhà. Tôi và thằng Toàn đã đổi cánh cho nhau từ đầu hiệp để tránh bị đối phương bắt bài, thành ra giờ đây tôi là người chạy đón bóng. Chỉ có một thằng hậu vệ bên này theo kèm, tôi cố đứng trước mặt nó, đỡ bóng được rồi biết không thể chơi tay đôi với đống cơ bắp này liền giật gót ra sau qua giữa hai chân nó, rồi lanh lẹ thoát xuống theo. Hê hê, chiêu này năm ăn năm thua, nhưng ăn thì cứ gọi là đối phương trố mắt ra không biết banh đi đằng nào! Nhưng cú giật gót của tôi hơi mạnh, thành ra một hậu vệ khác đã lao tới sút trái banh về lại phần sân đội tôi.


Bóng bay theo một đường parabol tuyệt đẹp rồi tìm đến đúng vị trí của số 12 đội bạn, thằng này đỡ bóng bằng ngực điệu nghệ, rồi ngay khi bóng vừa nảy ra, nó đã…


-Bóng đã trở lại quyền kiểm soát của đội trường chuyên Trần Hưng Đạo! Số 12 đỡ đường bóng dài từ sân nhà và… Oh my chúa! Anh quyết định thực hiện một cú vôlê chứ không chờ bóng chạm đất! Thật quá nghệ sĩ thưa các bạn!


Thằng số 12 đã làm một việc không ai nghĩ đến, nó chỉ cần hai nhịp đã vẽ ra tiếp một đường parabol trên không, chẳng biết nó có ý đồ gì. Nếu sút thì với khoảng cách như vậy, khi đến nơi lực sút đã giảm đi rất nhiều rồi, khác gì lá vàng… rụng? Nhưng thực tế không đơn giản vậy.


Không biết vô tình hay cố ý, trái bóng chỉ bay qua hết hàng thủ đội tôi rồi hạ cánh ngay trong vòng cấm. Vừa lúc đó, số 10, vâng, chính là thằng “Garrincha” ấy, đã chạy cắt mặt các hậu vệ còn đang ngơ ngẩn nhìn trời và…


-VÀÀÀOOO! Một pha đệm bóng cận thành quá dễ dàng! Good job! Một bàn thắng phơi bày những phẩm chất tinh tuý nhất của Garrincha huyền thoại!...
Khán đài như chết lặng, trừ đám trường chuyên vỗ tay ăn mừng hò hét inh ỏi:
-Huyền thoại ra tay, hoà rồi!
-Thừa thắng xông lên đi anh em ơi! Húúú…!


-Hưng Đạo đại vương hiển linh phù hộ rồi, dze dzeee!


Thì ra cú vôlê kia không hoàn toàn là ngẫu hứng. Thằng 12 thấy phía trước quá đông khó mà phối hợp nên làm liều, rót bóng thẳng vào vòng cấm để đồng đội vốn đã tràn lên từ trước có thể chớp thời cơ, nhất là những thằng nhỏ, gầy dễ luồn lách. Thế mà cuối cùng lại thành công. Bọn tôi chỉ biết đứng nhìn bất lực trước chiến thuật bất ngờ này.


Suốt thời gian còn lại của trận đấu, cả hai đội một mặt cố thủ để tránh thua thêm, mặt khác tổ chức phản công nhanh hi vọng giành chiến thắng. Vì không thể tung hết sức cho cả hai mặt trận nên hầu như không có cơ hội nguy hiểm nào xuất hiện. Mỗi lần có thằng nào đó đối mặt với thủ môn đối phương thì hoặc là không có đồng đội để phối hợp nên bị thủ môn ra đón đầu, hoặc là bị hậu vệ áp sát kịp thời, đến lúc có cơ hội dứt điểm thì lại ra ngoài, rồi thì trúng xà ngang, cột dọc. Có lẽ nguyên nhân một phần là do thế trận giằng co kéo dài khiến cầu thủ hai đội đều đã thấm mệt. Tôi thân là tiền vệ tổ chức cũng không biết bao nhiêu lần phải lùi sâu về hỗ trợ đồng đội trước những pha biểu diễn của thằng “huyền thoại” số 10 kia, giờ cũng đã thở hồng hộc như trâu. Nhưng bù lại món xỏ kim của tôi với “tự bật tường” của thằng Toàn cũng làm tụi trường chuyên khốn đốn ra trò.


Thủ môn đội tôi bắt gọn bóng trong chân tiền đạo đội bạn, liền sút lên trên bên phía thằng Toàn, nó bị kèm chặt nên nhả lại cho thằng Quân tiền đạo đang băng lên. Thằng này không phải ốm yếu gì nhưng trông còn mệt hơn tôi vì nãy giờ phải xông pha ở tuyến đầu, vừa bứt tốc vừa há miệng thở nom đến tội, thấy vậy tôi liền vọt lên song song để nó có thể chuyền sang, nhưng chưa kịp chuyền thì…


-ROÉT!
-Phạm lỗi rồi! Tiền đạo trường Phan Bội Châu trong một nỗ lực đi bóng đã buộc đối phương phải ra tay kéo áo, sẽ có một quả đá phạt…


Thằng tiền đạo bị kéo áo từ đằng sau, chắc tên hậu vệ kia cũng hết hơi đuổi theo nên đành làm trò này, may mà không bị chấn thương gì. Và bây giờ là một cơ hội mười mươi dành cho chúng tôi.


-Vị trí đá phạt chỉ cách vòng cấm địa vài mét, góc sút khá rộng, đây có lẽ sẽ là một cơ hội nguy hiểm… Ôi thưa quí vị và các bạn, chỉ còn mười phút nữa là hết giờ! Nếu thành công thì quả phạt này gần như chắc chắn sẽ định đoạt trận đấu!


Và vấn đề bây giờ là ai sẽ đá quả quyết định này? Công thần kiếm về quả phạt thì đã quá mệt nên dù muốn cũng không thể sút được một cú đủ lực tới khung thành, nó nói không ra hơi:
-Tao… mệt lắm rồi, không sút… được đâu! Hộc… Tao nhờ mày… Mày sút đi… hộc!


Thằng Quân chỉ tay vào… tôi, rồi gập cả người xuống hít thở.
Cả đội đã xúm lại để chọn người sẽ quyết định thắng bại ngày hôm nay.


-Hay để thằng Nam sút đi, năm ngoái cú “lá vàng rơi” của nó xém thành bàn rồi đó! –Thằng Thắng đội trưởng đề xuất với giọng điệu như là quyết định luôn vậy.
-Mày sút nha Nam? Cứ coi như lần trước mày làm sao thì lần này y chang vậy! -Thằng hậu vệ cũng động viên tôi.


-Ừ, đúng đó! Mà dù không vào tụi tao cũng không trách mày đâu, hoà là được rồi, làm chủ nhà mà còn thắng… ngại lắm, hề hề! Phải không mọi người?
-Nhất trí, “Tia Chớp Vàng” đá đi!


Tôi thật sự không thể từ chối niềm tin cả đội đã đặt vào mình, dù trước trận ai nấy đều quyết tâm giành chiến thắng nhưng giờ đây lại bảo “hoà là được”, rõ ràng là một lời động viên tôi chứ thực sự nếu hoà trận này cũng coi như thua rồi. Sân nhà, khán giả nhà, đội hình chất lượng… tất cả đều ủng hộ chúng tôi, nếu vì tôi mà trận đấu kết thúc ở tỉ số này…


Tôi lặng lẽ cầm trái bóng đặt vào vị trí, như một phản xạ lại nhìn lên khán đài. Bọn “bàn tròn” đứa nào cũng cười toe, giơ ngón cái lên. Cũng cảm giác này, mấy tháng trước bọn nó còn ở dưới đây, bên cạnh tôi mà động viên an ủi, giờ chỉ có thể dựa vào mình mình mà thôi. Tôi đưa mắt sang chỗ Tiểu Mai. Nàng đặt cây dù lên đùi, đôi tay cũng để trên phần vải màu hồng phớt cho đỡ lạnh, vẫn nụ cười đó như không hề quan tâm cú đá phạt này quan trọng thế nào, và tôi đọc được trong đôi mắt đầy yêu thương kia rằng: “Anh tuyệt lắm! Với em anh vẫn luôn là cầu thủ xuất sắc nhất!”


Tôi quay lại nhìn khung thành với hàng rào của đội bạn đã đứng sẵn. Bầu trời giờ đã đen kịt, một giọt nước rơi trên cánh mũi báo hiệu một cơn mưa to sắp đến. Không thể chần chừ nữa, trời mưa sẽ làm đường đi của trái bóng trở nên khó kiểm soát hơn, lúc đấy cơ hội chỉ là con số 0.


Tôi lùi lại lấy đà. Thằng Toàn vỗ vai tôi "tiếp lửa" lần cuối:
-Nhớ nhé, cứ thoải mái tự tin lên, có gì cả đội cùng chịu, không ai trách mày đâu!
-“Thành bại giao cho mày, tụi tao không có ý kiến gì hết!” -Tuấn rách từng nói với tôi câu này, nghe xa xăm mà cũng như thật gần gũi…


Tôi gật đầu. Hít một hơi thật sâu, nhắm mắt cảm nhận mùi đất dậy lên trước cơn mưa xộc vào từng lá phổi.
Và từ từ chạy về phía quả bóng… đặt chân trụ… vuốt mạnh mu bàn chân đẩy đi…
Cả sân bóng nín thở. Trái bóng bay vượt lên hàng rào, đến gần khung thành và…


RÀÀÀÀÀOOOOOO!!!!!!
Nước trút ào ạt! Cơn mưa rào đến ngay lúc bóng còn ở trên không.


Thế là xong, mưa nặng hạt, lại bất ngờ làm quả bóng như bị nhấn xuống đúng lúc chuẩn bị hạ độ cao theo lí thuyết của cú sút “lá vàng rơi”. Giờ thì quá đơn giản cho thằng thủ môn, nó vươn tay thoải mái đón bóng.
Tôi đứng chết trân tại chỗ, cú sút hỏng hoàn toàn… hỏng thật rồi…


Cái cảm giác ấy lại một lần nữa trỗi dậy, cảm giác bất lực khi ý chí quyết tâm của con người bé nhỏ cuối cùng cũng phải cúi đầu trước sức mạnh vô tình của trời đất.
Lại gục ngã ngay ở nấc thang lên thiên đường sao?!