Yamamoto - Con Rồng Thái Bình Dương

- 3 -

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, nên từ lâu đời các lãnh chúa Nhật đã phải nhìn nhận việc phát triển hải quân, để kiểm soát biển cả và phòng vệ đất nước là việc rất hệ trọng. Kinh nghiệm hải chiến đầu tiên của Nhật Bản xẩy ra từ cuối thế kỷ 13, khi vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt tập trung một hạm đội hùng hậu tại Cao Ly nhằm xâm lăng Nhật Bản. May mắn cho người Nhật là khi hạm đội Mông Cổ tiến tới gần Nhật Bản thì một cơn bão lớn nổi lên, đánh đắm tất cả hạm đội xâm lăng của Mông Cổ. Người Nhật gọi cơn bão cứu tinh đó là Thần Phong, trận Gió Thần đã cứu dân tộc Nhật khỏi cảnh tàn phá và nô lệ.

Ðến thế kỷ 16, đại lãnh chúa Hideoshi phái một hạm đội mở cuộc viễn chinh đầu tiên tiến chiếm Cao Ly, nhưng hạm đội Nhật bị hải quân Cao Ly đánh tan. Hideoshi quyết phục thù một lần nữa. Lần này hải quân Nhật mở cuộc tấn công bất ngờ trong lúc Nhật và Cao Ly đang thương thuyết. Quân Nhật thành công đổ bộ lên Cao Ly, nhưng người Cao Ly được người Trung Hoa giúp đỡ thành lập một hạm đội, và đánh bại được hải quân Nhật. Hai lần bị đánh bại, Hideoshi căm phẫn và ra một đạo luật cô lập Nhật Bản, không giao tiếp với thế giới bên ngoài trên hai thế kỷ, cho tới khi hạm đội Mỹ của Perry tới uy hiếp, bắt buộc Nhật Bản phải mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài.

Năm 16 tuổi, Isoroku dự cuộc thi tuyển vào trường Etajima. Vì có quá nhiều thí sinh dự cuộc thi tuyển, Isoroku không lạc quan lắm, và dự định sẽ theo nghề giáo viên của thân phụ nếu thi rớt. Nhưng Isoroku đậu thứ hai trong số 300 thí sinh. Các khóa sinh tại Etajima phải trải qua một giai đoạn huấn luyện rất khắc khổ trong bốn năm, và phải sẵn sàng dâng hiến đời mình cho vinh quang của Nhật Hoàng và tổ quốc. Mỗi ngày, khóa sinh phải bơi ba giờ liền. Ðến mùa hạ, họ phải sống ngoài trời trên một hòn đảo cách trường Etajima 16 cây số. Sau đó tất cả phải bơi về Etajima trong suốt khoảng cách 16 cây số đó. Sau mỗi lần bơi như thế thì 10% khóa sinh bị loại vì thiếu sức khoẻ. Sự huấn nhục ấy đã tạo họ thành những thủy thủ giỏi. Ngày 14-11-1904, Isoroku tốt nghiệp thiếu úy hải quân hạng thứ bảy trong số 200 tân sĩ quan. Ðúng lúc ấy, Nhật Bản đang sửa soạn cho một trận hải chiến lớn đầu tiên.

Vào thời kỳ đó, các nước tây phương tấp nập đi chiếm thuộc địa tại Á Châu và Phi Châu. Nhật Bản cũng muốn nhập cuộc, và nơi Nhật Bản thèm muốn nhất là vùng Mãn Châu thưa người và giàu tài nguyên, nhưng Mãn Châu đã bị Nga Sô chiếm rồi. Nhật Bản rất coi thường Nga Sô và muốn đẩy Nga Sô ra để chiếm lại Mãn Châu. Ðô đốc Iriu có nhiệm vụ gây hấn với chiến hạm Nga Variag đang bỏ neo tại hải cảng trung lập Chemulpo của Cao Ly. Ðô đốc Iriu khiêu khích và đánh đắm được chiến hạm Variag và đổ quân lên Cao Ly. Trong lúc cuộc thương thuyết giữa Nga Sô và Nhật Bản tiếp tục, hải quân Nhật dùng tàu phóng thủy lôi mở cuộc tấn công bất thần về ban đêm vào hạm đội Nga tại hải cảng Lữ Thuận. Hải quân Nhật đánh đắm được một tuần dương hạm và phá hủy ba chiến hạm của Nga. Sau đó đô đốc danh tiếng của Nhật là Togo mở cuộc phong tỏa hải cảng Lữ Thuận trong nhiều tháng, dụ chiến hạm Nga xuất trận. Nhưng tất cả mọi chiến hạm Nga xuất trận đều bị hải quân Nhật đánh chìm.