rong khi ông già trở lên để trả lại tiếng nói cho cô cháu gái mà ông đã bỏ lại trong tình trạng câm lặng, tôi vừa uống cà phê vừa lập bảng tính toán.
Tôi thực sự không rõ ông vắng mặt bao lâu. Tôi đặt chế độ báo thức trên đồng hồ đeo tay theo chu kỳ 1 tiếng – 30 phút – 1 tiếng – 30 phút, và theo nhịp đó tôi làm tính – giải lao – làm tính – giải lao. Tôi tắt chế độ hiển thị giờ. Cứ nghĩ tới thì giờ thì sẽ ảnh hưởng đến việc tính toán. Đối với công việc của tôi thì hiện tại đang là mấy giờ chẳng có ý nghĩa gì cả. Khi tôi bắt đầu tính thì công việc bắt đầu, và khi tôi tính xong thì công việc chấm dứt. Chỉ riêng chu kỳ 1 tiếng – 30 phút – 1 tiếng – 30 phút là quan trọng.
Trong lúc ông già đi khỏi, tôi cho là mình đã giải lao hai hay ba lần. Tôi nằm ra sofa và không nghĩ đến chuyện gì nhất định: Rồi đi vệ sinh, tập chống đẩy. Nằm trên cái sofa này rất thoải mái. Không cứng quá, cũng không mềm quá. Vì công việc của mình tôi đi khắp nơi, và đến giờ giải lao là tôi nằm ra, song hiếm khi tìm được một chiếc sofa thoải mái. Thường là những đồ vật thô thiển mà người ta mua về hú họa chẳng suy tính. Ngay cả những sofa đẹp, thoạt trông biết ngay là loại đắt tiền, cũng thường làm ta thất vọng khi duỗi cẳng ra nằm trên đó. Thật khó lý giải tại sao người ta lại vô tâm vô tính đến thế khi chọn mua sofa.
Tôi tin chắc – một trong những định kiến của tôi – rằng sự tinh tế của con người thể hiện trong chính cách chọn sofa. Sofa là một trong những thành trì vững chãi bất khả công phá. Chỉ ai lớn lên cùng những bộ sofa dễ chịu mới biết điều đó. Hệt như khi người ta trưởng thành trong môi trường sách hay hoặc nhạc hay. Một bộ sofa tốt sẽ sinh ra một bộ sofa tốt, một bộ tồi đẻ tiếp ra một bộ tồi. Đời là vậy.
Tôi quen khối người đi ô tô cực kỳ xịn, nhưng ở nhà thì ngồi bộ sofa giỏi lắm là hạng hai hay hạng ba. Họ không đáng để tôi tin. Ô tô đắt thì có giá trị của nó, không phải bàn, nhưng nó vẫn chỉ là một chiếc ô tô đắt tiền mà thôi. Ai có tiền là mua được. Nhưng để mua nổi một bộ sofa tử tế thì cũng cần, nhưng không chỉ tiền là đủ. Không hiểu thấu đáo thế nào là sofa thì người ta không bao giờ mua được sofa thượng hạng.
Không nghi ngờ gì, bộ sofa của ông già mà tôi đang duỗi dài nằm nghỉ là một bộ hạng nhất. Nó khiến tôi cảm tình với ông. Tôi duỗi chân, nhắm mắt, ngẫm nghĩ về ông già có cách nói cười kỳ khôi. Tôi mường tượng ra việc ông tắt âm thanh: không nghi ngờ gì, với kỳ tích này ông thuộc vào hàng ngũ các nhà khoa học đầu bảng. Lấy đâu ra một nhà khoa học bình thường biết bật tắt âm thanh? Một nhà khoa học bình thường thậm chí còn không nghĩ ra điều đó. Với lại, thêm vào đó ông già này còn phải là người tương đối khác đời nữa. Trong giới khoa học vốn không hiếm loại người lập dị và thù nghịch, nhưng ai tiến xa được đến mức xây một phòng thí nghiệm bí mật sâu tít trong lòng đất, lẩn tránh mắt nhìn của thế gian sau một thác nước?
Nếu ông tung kỹ thuật tắt bật âm thanh này ra bán thì chắc chắn sẽ kiếm được bộn tiền. Trước tiên là các trang bị âm thanh sẽ biến khỏi mọi phòng hòa nhạc. Người ta sẽ không cần các máy tăng âm khổng lồ nữa. Người ta có thể triệt tiêu mọi tạp âm. Máy bay lắp máy triệt âm sẽ được dân chúng ở cạnh sân bay tưng bừng chào đón. Mặt khác, công nghệ này sẽ được ứng dụng cho vô số mục đích quân sự và hình sự. Người ta sẽ khẩn trương thiết kế các kiểu phi cơ ném bom không tiếng động và súng ống vô thanh. Nhưng cũng sẽ xuất hiện loại bom mà sóng nổ của nó xé nát óc, và kỹ thuật giết người bằng hệ thống âm thanh sẽ ngày càng tinh xảo hơn. Chắc chắn ông già ý thức được điều đó, giữ kín kết quả nghiên cứu của mình, vì vậy ông không phổ biến chúng. Mỗi lúc, ông càng chiếm nhiều cảm tình của tôi hơn.
Tôi đang trong chu kỳ làm việc thứ năm hay thứ sáu thì ông già quay về. Ông xách một giỏ lớn.
“Tôi có cà phê mới pha và mấy cái bánh mì kẹp”, ông nói. “Nhân dưa chuột, giăm bông và phô ma. Hy vọng đúng ý anh.”
“Rất cảm ơn ông. Đúng món tôi thích”, tôi nói.
“Anh có muốn ăn ngay không?”
“Tôi làm hết đợt này đã.”
Khi đồng hồ phát tiếng báo hiệu thì tôi đã rửa được năm trong số bảy danh sách số liệu. Việc đã gần xong. Tôi đứng dậy, vươn vai hết cỡ và vớ lấy chỗ bánh mì kẹp, có lẽ phải nhiều bằng năm, sáu suất ăn ở nhà hàng hay quán ăn nhanh. Tôi lặng lẽ ngồi ăn một mình hết hai phần ba chỗ bánh. Mỗi lần rửa số lâu lâu là tôi rất đói. Tôi đút bánh vào mồm đúng thứ tự: dưa chuột, giăm bông, phô ma, rồi chiêu thêm cà phê nóng cho trôi.
Trong lúc tôi ăn hết ba cái bánh mì thì ông già ăn một cái. Chắc là ông thích dưa chuột: ông tẽ đôi các miếng bánh mì kẹp, thận trọng rắc một lượng muối như nhau rồi ăn hết; nghe có tiếng nhai rào rào rất khẽ. Trông ông già ăn bánh kẹp tôi liên tưởng đến một chú dế có nết ăn uống lịch thiệp.
“Anh ăn đi, cứ thoải mái mà ăn”, ông nói. “Già rồi thì kém ngon miệng đi, làm có chừng mực. Còn người trẻ thì phải chén thoải mái. Chén thoải mái và lên cân thoải mái. Nói chung người ta không thích lên cân và béo, nhưng tôi nói để anh hay lý do là vì người ta béo không đúng cách. Béo không đúng cách thì sinh bệnh và xấu xí. Nhưng béo đúng cách thì khác hẳn. Người ta hưng phấn, tăng hứng thú tình dục, đầu óc sáng suốt. Bây giờ tôi gần như cái que, nhưng hồi còn trẻ tôi cũng béo!” Ông già cười rổn rảng. “Anh thấy bánh kẹp cũng khá đấy chứ?”
“Cực ngon là đằng khác”, tôi khen. Bánh ngon thực sự. Trong chuyện bánh mì kẹp tôi cũng kỹ tính như khi chọn sofa, song đúng là mấy cái bánh này hoàn toàn đạt yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt của tôi.
“Cháu gái tôi làm để thết anh đấy!”, ông già nói. “Bánh kẹp là sở trường của nó.”
“Bánh rất tuyệt. Chẳng bếp trưởng nào làm hơn được.”
“Thế thì tôi rất vui. Và nếu con bé nghe thấy anh khen cũng sẽ rất vui. Hiếm khi chúng tôi có khách, nó chẳng khi nào có dịp làm các món và nghe ý kiến của người khác. Nó vẫn vào bếp, nhưng khi ăn thì chỉ có hai chúng tôi thôi.”
“Hai ông cháu sống một mình?”
“Phải, đã mấy năm nay. Tôi rút lui khỏi thế giới này lâu rồi, và chuyện đó lây sang con bé khiến tôi rất khổ tâm. Nó không bao giờ ra ngoài. Nó thông minh và khỏe mạnh, nhưng không chịu tiếp xúc với mọi người. Khi trẻ thì người ta phải tiếp xúc với xung quanh. Động lực tình dục phải được xử lý đúng hướng. Xét về tình dục thì trông nó hấp dẫn đấy chứ, anh thấy sao?”
“Đúng thế thật, không có gì phải bàn”, tôi nói.
“Hứng thú tình dục là một năng lượng tích cực, chắc chắn là thế. Nếu nó không có van điều chỉnh, nếu nó bị đè nén thì não không làm việc sáng suốt được, và người ta sẽ mất cân bằng cơ thể. Cả ở đàn ông lẫn đàn bà. Đàn bà sẽ bị kinh nguyệt thất thường, và kinh nguyệt thất thường đi đôi với tâm tính bất ổn.
“Ra thế”, tôi nói.
“Con bé phải chóng có một người đàn ông hợp với nó. Tôi tin chắc như vậy, với tư cách là người giám hộ và nhà sinh học.”
“Ông đã chỉnh được âm thanh của cô ấy cho đúng như cũ chưa?”, tôi hỏi để đổi đề tài. Trong lúc làm việc tôi không thích nghe kể về động lực tình dục của người khác cho lắm.
“À, tôi quên không kể cho anh nghe”, ông già nói. “Tất nhiên rồi, âm thanh được phục hồi lại rồi. Tôi cũng phải cảm ơn anh đã nhắc nhở. Không thì chẳng biết con bé sẽ không phát âm được bao lâu nữa. Mỗi lần chui xuống đây là còn lâu tôi mới lên trên kia. Mà sống thiếu âm thanh cũng khó chịu lắm.”
“Đúng thế đấy”, tôi đồng tình.
“Như tôi đã kể, con bé hầu như không có quan hệ xã hội, vì vậy thiếu âm thanh cũng không thiệt thòi gì, nhưng ví dụ khi dùng điện thoại thì sẽ có vấn đề. Đã vài lần tôi gọi điện lên và ngạc nhiên không thấy ai nhấc máy. Tôi đãng trí quá đi mất!”
“Nếu không phát âm thì cô ấy có vấn đề khi đi chợ không?”
“Không, không sao”, ông già nói. “Thế giới ngoài kia có những siêu thị mà không cần nói một lời nào cũng mua hàng được. Rất thoải mái. Nó thích siêu thị, và rất hay đến đó mua hàng. Có thể nói là cuộc sống của nó diễn ra giữa siêu thị và văn phòng.”
“Cô ấy không về nhà sao?”
“Nó thích văn phòng. Ở đấy có bếp và nhà tắm, có thể sống tử tế. Nó về nhà nhiều nhất là mỗi tuần một lần.”
Tôi gật đầu không rõ lý do và uống một ngụm cà phê.
“Nhưng anh đã giao tiếp tốt với nó”, ông già nói. “Anh làm thế nào? Thần giao cách cảm à?”
“Bằng cách đọc môi. Trước đây tôi có theo một khóa học buổi tối về đọc môi. Hồi ấy tôi rỗi rãi không biết làm gì, và tôi nghĩ có thể một lúc nào đấy sẽ có lợi.”
“Đọc môi, à, tất nhiên”, ông già nói và gật gù liên tục. “Đúng là một kỹ thuật lợi hại. Tôi cũng biết một chút. Thế nào, ta thử nói chuyện câm một chút xem sao nhé?”
“Không nhất thiết. Tôi thích nói ra tiếng hơn”, tôi vội nói. Hai lần liền trong một ngày thì hơi quá.
“Tất nhiên đọc môi là một kỹ thuật cực kỳ thô sơ, có nhiều khiếm khuyết. Trời tối là không hiểu gì, và luôn luôn phải nhìn vào miệng người kia. Nhưng có thể dùng làm kỹ thuật quá độ cũng được. Anh học môn này, chúng tỏ có tầm nhìn xa trông rộng.”
“Kỹ thuật quá độ?”
“Chính xác”, ông già nói và gật đầu lần nữa. “Nói riêng cho anh biết: thế giới này sẽ hoàn toàn không có tiếng động trong tương lai.”
“Không có tiếng động?”, tôi bất giác hỏi lại.
“Chính xác. Im phăng phắc. Trong quá trình tiến hóa của con người, tiếng nói không chỉ không cần thiết, mà còn gây cản trở nữa. Chẳng chóng thì chày, tiếng nói và âm thanh sẽ mất đi.”
“Ông định nói là”, tôi hỏi, “tiếng chim hót, suối reo, ca nhạc và các tiếng khác sẽ biến mất?”
“Chính là ý tôi muốn nói.”
“Thế thì sẽ buồn tẻ và đơn côi lắm.”
“Đó là bản chất của tiến hóa. Tiến hóa bao giờ cũng cay đắng. Và buồn nữa. Không thể có tiến hóa vui vẻ đâu”, ông già nói và đứng dậy đi ra bàn giấy lấy một cái cắt móng tay trong ngăn kéo. Ông quay lại sofa và cắt móng tay, bắt đầu từ ngón cái tay phải và chấm dứt với ngón út tay trái. “Tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu và không thể nói cho anh biết một cách chi tiết, như về đại thể thì mọi việc sẽ diễn ra như vậy. Tuy nhiên, anh đừng hé một lời nào ra với bên ngoài. Để cho bọn ký hiệu sư nghe phong thanh được chuyện này là sẽ bắt đầu lắm chuyện đấy.”
“Ông đừng lo. Không ai giữ bí mật tốt hơn các toán sư chúng tôi.”
“Biết được thế là tốt”, ông già nói và lấy một tấm bưu thiếp vun các vụn móng tay đổ vào thùng rác. Rồi ông lấy một bánh mì kẹp dưa chuột, rắc muối và ăn. “Ngon thật, không thể nói khác được.”
“Cháu ông nấu giỏi lắm nhỉ?”, tôi hỏi.
“Không, thật ra thì không, giỏi nhất là bánh mì kẹp thôi. Nói thế không có nghĩa là nó nấu ăn kém, nhưng nghệ thuật bếp núc của nó không so với bánh kẹp được.”
“Làm bánh kẹp phải có một năng khiếu riêng”, tôi nói.
“Đúng thế”, ông già nói. “Đúng thế đấy. Tôi có cảm giác là anh hiểu nó rất rõ. Tôi có thể trao nó cho anh không chút băn khoăn.”
“Trao cho tôi?”, tôi hơi giật mình. “Chỉ vì tôi khen món bánh kẹp của cô ấy?”
“Anh không thấy ngon sao?”
“Thậm chí rất ngon”, tôi nói. Và tôi tưởng tượng ra cô gái mũm mĩm, nhưng sơ sơ thôi, không để ảnh hưởng đến công việc tính toán của mình. Rồi tôi uống một ngụm cà phê.
“Nếu anh hỏi thì tôi nói: anh có một thứ. Hay ngược lại: anh thiếu một thứ. Kết quả là một.”
“Đôi khi tôi cũng nghĩ thế về mình”, tôi cởi mở thú thực.
“Chúng tôi, những người làm khoa học, gọi đó là quá trình tiến hóa. Một quá trình bất khả kháng, sớm muộn rồi anh sẽ hiểu ra. Điểm bất khả kháng của tiến hóa là, hừm, anh có biết là gì không?”
“Tôi không biết. Ông hãy khai hóa tôi đi.”
“Là ta không được phép chọn. Tiến hóa nằm cùng danh mục với lũ lụt, tuyết lở, động đất. Trước khi nó xảy ra thì người ta không thể biết, và khi nó xảy ra rồi thì đã muộn.”
“Ra thế”, tôi nói. “Khi nói đến tiến hóa, ông ám chỉ sự mất âm thanh? Tôi sẽ không nói được nữa?”
“Nếu tôi phải nói chính xác thì – không. Vấn đề thực sự không phải là người ta nói được hay không nói được. Đó chỉ là một bước, không hơn không kém.”
“Tôi không hiểu”, tôi nói. Nói chung tôi là một người chân thật. Nếu tôi hiểu thì nói là tôi hiểu, và nếu không hiểu thì cũng nói là không hiểu chứ không nói nước đôi. Tôi cho rằng hầu hết các vấn đề sinh ra từ cách thể hiện không mạch lạc. Nhiều người nói ra không mạch lạc vì họ bất giác, nghĩa là vô ý thức gặp phải vấn đề, tôi tin là vậy và không có một lời giải thích nào khác.
“Thôi ta không nói tiếp chuyện này nữa”, ông già đáp và lại cười theo kiểu rất đặc biệt của mình, làm tôi váng cả tai. “Chúng ta nên giữ chừng mực, mấy thứ quá phức tạp chỉ tổ làm anh rối trí trong khi tính toán.”
Tôi cũng đồng ý và quay về rửa số, vả lại đồng hồ cũng vừa kêu. Ông già lấy một thứ gì đó trong ngăn kéo bàn giấy ra, trong như một cái kẹp gắp than bằng inox, cầm nó vào tay phải và đi đi lại lại trước giá đựng các hộp sọ, gõ vào chỗ này chỗ nọ và lắng nghe. Trông ông như một nghệ sĩ vĩ cầm bậc thầy đứng trước bộ sưu tập các cây đàn Stradivarius, thỉnh thoảng chọn một cây và lấy ngón tay gảy vào dây để thử. Chỉ qua các âm thanh đã có thể thấy, ông già có một tình yêu khác thường đối với các hộp sọ. Mỗi đầu lâu trong bộ sưu tập này đơn giản gọi là “đầu lâu”, nhưng quả thật chúng sinh ra những âm thanh cực kỳ khác nhau. Có cái kêu như cốc whiskey, cái khác nghe như một chậu cây cảnh loại lớn. Và tất cả các đầu lâu ấy đã từng có da thịt phủ lên, chúng đã từng bao bọc những bộ óc có kích thước khác nhau, từng nghĩ đến ăn uống và làm tình. Bây giờ thì tất cả đã tan biến, chỉ còn các âm thanh khác nhau đọng lại. Âm thanh như thủy tinh, chậu cây, ấm trà, như thùng gỗ, ống chì.
Tôi tưởng tượng ra đầu lâu của mình bị lột da róc thịt và hút hết não ra, nằm trên cái giá kia và bị ông già lấy kẹp gắp than gõ vào. Tôi sởn gai ốc. Liệu ông già sẽ nghe thấy gì từ đầu lâu của tôi? Ông sẽ nghe ra những ý nghĩ xa xưa của tôi, hay nghe những gì chẳng liên quan đến ý nghĩ của tôi?
Bản thân cái chết không làm tôi sợ lắm. Như lời Shakespeare: ai chết năm nay thì sang năm khỏi phải chết. Kể ra cũng đơn giản. Nhưng sau khi chết phải làm cái đầu lâu nằm trên giá và bị kẹp gắp than gõ lên thì tôi không khoái lắm. Chỉ nghĩ đến chuyện sau khi chết bị người ta lấy gì trong người ra là tôi đã thấy ngán ngẩm. Cuộc sống không đơn giản, hoàn toàn không đơn giản, nhưng tôi vượt qua ghềnh thác của nó theo kiểu tôi cho là đúng. Và thế là ổn. Như Henry Fonda trong Warlock. Nhưng chết rồi thì tôi muốn ngủ yên. Tôi tin là đã hiểu được các vua Ai Cập, họ nhất định sau khi băng hà phải được chôn trong Kim Tự Tháp.
Mấy tiếng sau thì tôi rửa hết số. Tôi không rõ mình đã cần bao nhiêu thời gian vì tôi không nhìn đồng hồ, nhưng dựa vào tình trạng kiệt quệ của mình mà đoán thì chắc là tám, chín tiếng đã trôi qua. Một công việc đáng kể. Tôi nhỏm dậy khỏi sofa, ngáp trẹo quai hàm và làm mấy động tác thư giãn. Cẩm nang toán sư miêu tả ở dạng biểu đồ một số động tác thư giãn cho hai mươi sáu nhóm cơ. Nếu tập thật chuẩn xác theo hướng dẫn thì bộ não sẽ chóng hồi phục, và hồi phục càng nhanh thì người ta càng làm việc tính toán này được lâu hơn. Hệ thống toán sư mới tồn tại chưa đầy mười năm, do đó không ai biết rõ sẽ làm nghề này được bao lâu. Người này nói mười năm, người khác nói hai chục năm. Lại có người quả quyết làm được cả đời. Song cũng có lý thuyết cho rằng sớm muộn thì toán sư sẽ thành cái xác không hồn. Tất cả đều chỉ là phỏng đoán. Cái mà tôi làm được là tận tụy thực hành thư giãn hai mươi sáu nhóm cơ. Chuyện phỏng đoán thì xin nhường cho các nhà phỏng đoán.
Xong bài thư giãn, tôi ngồi xuống sofa, nhắm mắt và từ từ ghép não phải và não trái thành một thể thống nhất. Đó là bước cuối cùng của công việc. Theo đúng cẩm nang.
Ông già đặt lên bàn một cái đầu lâu, trông như của một con chó to. Ông đo thật chính xác bằng thước rút rồi ghi các số đo bằng bút chì lên bản sao chụp đầu lâu.
“Anh xong chưa?”, ông già hỏi.
“Xong”, tôi nói.
“Một núi việc. Cảm ơn anh!”, ông nói.
“Bây giờ tôi về nhà đi ngủ. Mai hoặc ngày kia tôi sẽ đảo dãy số ở nhà và đem kết quả đến cho ông, chậm nhất vào trưa ngày kia. Như thế là ổn chứ?”
“Tuyệt vời, tuyệt vời”, ông già gật đầu. “Nhưng phải tuyệt đối đúng giờ đấy! Anh không được phép trễ hẹn! Hậu quả sẽ rất khủng khiếp.”
“Ông cứ tin tôi”, tôi nói.
“Và anh chú ý đừng để danh sách bị mất cắp. Nếu chúng bị mất thì tôi sẽ bay đầu. Cả anh nữa.”
“Ông đừng lo. Về mặt này thì chúng tôi được đào tạo cực tốt, không ai ăn cắp được số liệu đã rửa đâu.” Tôi lấy trong túi bí mật may lẩn trong túi quần ra một vật trông như ví tiền bằng kim loại dùng để cất các tài liệu quan trọng, cho danh sách dữ liệu vào đó rồi khóa lại. “Chỉ mình tôi mở được khóa này. Nếu người khác thử phá khóa thì tài liệu sẽ bị hủy.”
“Thông minh đấy”, ông già nói.
Tôi cất ví vào túi bí mật trong túi quần.
“Anh có muốn ăn thêm vài chiếc bánh kẹp không? Còn mấy cái nữa đây, trong khi làm việc hầu như tôi không ăn gì, mà để thừa thì phí quá.”
Tôi nhận lời mời vì vẫn thấy đói, và ăn hết chỗ bánh còn lại. Bánh kẹp dưa chuột mà ông già thích ăn đã hết, chỉ còn bánh kẹp giăm bông và phô ma. Nhưng do tôi không khoái dưa chuột lắm nên thế là ổn. Ông già rót thêm cà phê.
Tôi mặc lại áo mưa vào, đeo kính bảo hộ và cầm đèn pin đi ngược trở lại con đường ngầm. Lần này ông già không đi cùng.
“Tôi đã dùng sóng âm để đuổi bọn ma đen đi rồi, trước mắt chúng sẽ không quay lại lần nữa đâu”, ông già nói. “Bản thân bọn chúng cũng sợ mò tới đây, chẳng qua là bị lời đường mật của bọn ký hiệu sư gạ gẫm, vì vậy chỉ cần dọa một chút là đủ.”
Tuy nhiên, sau khi biết bọn ma đen hay đồng đảng của chúng có mặt dưới lòng đất này, tôi thấy không thoải mái lắm khi một mình đi xuyên màn đêm. Và càng ngại hơn, khi tôi không biết bọn ma đen thực sự là cái gì, chúng có hình dạng gì, thói quen gì, và phải làm gì để tự vệ khi gặp chúng. Tôi đi trở lại con đường cũ, dọc theo con suối ngầm, tay trái cầm đèn pin, tay phải cầm dao.
Tới chân chiếc thang nhôm dài mà tôi đã trèo xuống lúc đến đây, tôi phát hiện cô nàng béo trong bộ đồ hồng đứng đó và cảm thấy như vừa được giải cứu. Cô lia đèn pin. Khi tôi đến trước mặt, cô nói gì đó nhưng tiếng suối chảy hình như đã được bật trở lại, khiến tiếng nước réo át hết tất cả. Trời tối làm tôi không đọc được cử động môi, vì thế chẳng hiểu cô ta nói gì.
Chúng tôi trèo thang lên trên, lên phía ánh sáng. Tôi trèo trước, cô gái theo sau. Thang dài kinh khủng. Khi trèo xuống, do tối mịt nên tôi cứ trèo mà không thấy sợ. Nhưng bây giờ tôi có thể tưởng tượng ra độ cao sau từng gióng thang một; mồ hôi lạnh túa ra trên mặt và dưới nách tôi. Chắc thang phải cao bằng ba, bốn tầng nhà, thêm vào đó là hơi ẩm làm các gióng thang trơn nhẫy, phải thận trọng từng bước để khỏi trượt chân.
Giữa chừng tôi chỉ muốn nghỉ lấy hơi, nhưng có cô gái thì không dừng lại được, rốt cuộc chúng tôi trèo một lèo hết thang. Nghĩ đến chuyện ba hôm nữa phải đi đường này xuống phòng thí nghiệm là tôi gai cả người, nhưng biết làm sao bây giờ? Tất cả được tính trong số tiền thù lao cả rồi.
Chúng tôi trèo qua tủ tường vào phòng, cô gái đỡ lấy kính và cởi áo choàng cho tôi. Tôi lột ủng ra và đặt đèn pin cạnh đó.
“Công việc xong xuôi rồi chứ ạ?”, cô hỏi. Giọng cô – lần đầu tiên tôi nghe được – mềm mại và trong trẻo.
Tôi nhìn cô và gật đầu. “Nếu chưa xong việc thì tôi đã chưa quay lại. Việc chúng tôi là thế.”
“Cảm ơn ông đã nhắc ông tôi bật lại tiếng. May quá. Cả tuần mất tiếng rồi.”
“Sao cô không viết ra giấy để báo cho tôi? Tôi sẽ rõ chuyện sớm hơn và đỡ được mấy rắc rối.”
Cô gái im lặng đưa mắt nhìn lên bàn làm việc và chỉnh lại đôi bông tai lớn cho ngay ngắn. “Quy định là quy định”, cô nói.
“Không cho phép bút đàm?”
“Đó cũng là một quy định.”
“Ra thế”, tôi nói.
“Tất cả những gì có thể gây ra thoái bộ đều bị cấm.”
“Tôi hiểu”, tôi công nhận. Họ đề phòng.
“Ông bao nhiêu tuổi?”, cô gái hỏi.
“Ba lăm”, tôi nói. “Còn cô?”
“Mười bảy”, cô nói. “Tôi chưa gặp một toán sư bao giờ. Cả ký hiệu sư cũng chưa.”
“Cô mới mười bảy tuổi thật à?”
“Tất nhiên. Tôi không bao giờ nói dối. Tôi mười bảy tuổi thật. Nhưng trông tôi già hơn phải không?”
“Vâng”, tôi thật thà nói. “Trông cô như trên hai mươi.”
“Tôi cũng không muốn trông như mười bảy.”
“Cô có đi học không?”
“Tôi không muốn nói chuyện đi học. Ít nhất là không nói hôm nay. Lần sau tôi sẽ nói.”
“Okay”, tôi nói. Cô ta có lý do của mình.
“Toán sư là người thế nào?”
“Ngoài công việc thì bất kể là toán sư hay ký hiệu sư, chúng tôi sống rất bình thường, như những người rất bình thường.”
“Có thể những người bình thường thì bình thường nhưng cuộc sống của họ không gọi là cuộc sống được.”
“Hừm, nhận định như thế cũng được”, tôi nói. “Ý tôi muốn nói đến một vỏ ngoài rất bình thường. Chúng tôi đi tàu điện và không có gì đáng chú ý, ăn như mọi người, uống bia – à, rất cảm ơn cô về món bánh kẹp. Rất tuyệt.”
“Thật à?”, mặt cô sáng lên.
“Bánh kẹp thì tôi đã được ăn nhiều rồi, nhưng hiếm khi kiếm được loại ngon như vậy.”
“Còn cà phê?”
“Cà phê cũng ngon.”
“Ông có muốn uống một tách nữa ở đây không? Ta có thể hàn huyên một lát.”
“Thôi, cảm ơn”, tôi nói. “Dưới kia tôi đã uống nhiều cà phê lắm rồi, không muốn uống thêm một giọt nào nữa. Với lại tôi muốn về nhà thật nhanh và leo lên giường.”
“Rất tiếc.”
“Tôi cũng thấy thế, thật đấy.”
“Thôi được, tôi đưa ông ra thang máy. Đi một mình chắc ông không tìm ra đường đâu, đúng không? Hành lang như ma trận vậy.”
Cô gái cầm trên bàn một vật hình tròn, giống hộp đựng mũ, và trao cho tôi. Tôi nhấc thử trên tay. Trông to nhưng không nặng. Nếu đúng đây là hộp mũ thì chắc cái mũ bên trong khá lớn. Để nắp không bật ra, người ta đã cột vài vòng băng dính.
“Cái gì thế?”
“Quà của ông tôi tặng ông. Về đến nhà ông hãy mở.”
Tôi khẽ lắc hộp. Không có tiếng động.
“Đồ dễ vỡ, ông nên cẩn thận”, cô gái nói.
“Đồ kỷ niệm?”
“Tôi không biết. Về nhà mở ra ông sẽ biết.”
Cô mở chiếc túi màu hồng của mình và đưa tôi một phong bao đựng tờ séc. Số tiền cao hơn tôi chờ đợi. Tôi cho vào ví.
“Giấy biên nhận?”
“Tôi không cần”, cô gái nói.
Chúng tôi rời phòng, đi ngược lại hành lang dài quay về chỗ thang máy, lên bậc, xuống bậc, rẽ hàng nghìn góc. Và như trên đường tới đây, tiếng gõ giày cao gót của cô vang lách cách trong hành lang. Thân hình mũm mĩm của cô bây giờ không làm tôi bối rối nữa. Đi cạnh cô lúc này hầu như tôi quên là cô béo. Có lẽ tôi đã quen dần với diện mạo của cô.
“Ông có gia đình rồi chứ?”, cô hỏi.
“Không”, tôi nói. “Tôi đã từng có, nhưng bây giờ thì thôi rồi.”
“Gia đình tan vỡ khi ông trở thành toán sư chứ gì? Người ta hay kể toán sư không phải là người hợp với cuộc sống gia đình.”
“Không liên quan gì đến chuyện ấy. Toán sư cũng có thể có vợ con chứ, tôi quen khối người như thế. Nhưng thực tế đa số có quan điểm là dễ làm việc hơn khi không có gia đình. Công việc chúng tôi gây áp lực tới hệ thần kinh, đôi khi cũng nguy hiểm, vợ con sẽ là gánh nặng.”
“Trong trường hợp ông thì sao?”
“Tôi trở thành toán sư khi đã ly hôn. Không liên quan gì đến nghề nghiệp cả.”
“Thế à”, cô nói. “Ông thứ lỗi cho những câu hỏi ngớ ngẩn của tôi, nhưng ông là toán sư đầu tiên mà tôi gặp nên tôi muốn biết đủ chuyện.”
“Không sao, cô cứ hỏi đi”, tôi nói.
“Tôi nghe nói toán sư xong việc là cực kỳ hứng thú làm tình, có đúng thế không?”
“Tôi không biết. Có thể có chuyện ấy. Công việc này tác động đến đủ các dây thần kinh.”
“Lúc ấy ông có lên giường với cô gái đầu tiên vớ được không? Hay ông đã có người yêu rồi?”
“Tôi không có người yêu”, tôi nói.
“Thế thì ông ngủ với ai? Hay là ông không quan tâm đến tình dục? Hay ông là người đồng tính luyến ái? Hay ông không muốn trả lời?”
“Trật tuốt”, tôi nói. Tôi không phải kiểu người sẵn sàng lôi chuyện đời tư ra kể, song cũng chẳng có gì phải giấu nên tôi sẽ trả lời nghiêm túc cho một câu hỏi nghiêm túc.
“Trong trường hợp ấy thì khi tôi ngủ với người này, khi với người kia.”
“Ông sẽ ngủ với tôi chứ?”
“Với cô thì nhất định không.”
“Tại sao không?”
“Vì nguyên tắc. Ít khi tôi ngủ với người quen. Vì thường là sẽ sinh chuyện rắc rối. Tôi cũng không ngủ với phụ nữ liên quan tới công việc. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ bí mật cho người khác, vì vậy phải có một biên giới rạch ròi.”
“Hay là vì tôi béo và xấu?”
“Thứ nhất là cô không béo đến thế, thứ hai là cô không hề xấu chút nào.”
“Cảm ơn”, cô nói. “Vậy thì ông ngủ với ai? Ông cứ thế bắt chuyện với một phụ nữ nào đó hay sao?”
“Thỉnh thoảng.”
“Hay ông trả tiền người ta?”
“Thỉnh thoảng cũng thế thật.”
“Giả sử tôi nói với ông là tôi ngủ với ông vì tiền, ông có lên giường với tôi không?”
“Không”, tôi đáp, “tôi gấp đôi tuổi cô. Sẽ không ổn.”
“Với tôi thì ổn.”
“Có thể. Nhưng tôi không muốn gây thêm vấn đề vì đã có đủ rồi. Nếu có thể, tôi muốn một cuộc sống bình lặng.”
“Ông tôi nói, lần đầu tiên thì đàn ông trên ba mươi tuổi là tốt nhất. Với cả nếu hứng thú tình dục bị đè nén thì tâm lý mất ổn định.”
“Ông cũng kể với tôi thế.”
“Đúng thế không?”
“Tôi không biết. Tôi không phải là nhà sinh học”, tôi nói. “Nhưng cảm hứng tình dục ở mỗi người một khác. Tôi nghĩ là không nên khẳng định đơn giản như vậy.”
“Cảm hứng của ông mạnh không?”
“Bình thường, tôi nghĩ vậy”, tôi trả lời sau một thoáng suy nghĩ.
“Tôi không biết của mình ra sao”, cô gái mũm mĩm nói. “Vì vậy tôi muốn thử chuyện này chuyện nọ cho biết.”
Trong lúc tôi nghĩ câu trả lời nào tốt nhất thì chúng tôi ra đến nơi. Thang máy mở ra ngoan ngoãn như một con chó được huấn luyện và đợi tôi bước vào.
“Hẹn đến lần sau”, cô gái nói.
Tôi vào thang, và cửa đóng không một tiếng động. Tôi tựa vào vách inox và thở dài.