Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Chương 38

Docsach24.com

ạng sáng, ánh sáng từ đầu lâu ngày càng yếu đi, nhợt nhạt rồi tắt hẳn. Ánh bình minh xám tro xuyên thẳng qua ô của sổ nhỏ sát dưới trần nhà và bắt đầu chiếu sáng nhờ nhờ các bức tường. Ánh sáng đầu lâu ban nãy còn lấp lánh, nay kiệt sức dần. Lần lượt từng tia sáng cùng mọi ký ức nối nhau rút vào bóng đêm sâu thẳm của đầu lâu.

Tôi lướt khẽ đầu ngón tay trên đầu lâu và để hơi ấm của chúng thấm vào người mình cho đến khi đốm sáng cuối cùng mất hẳn. Tôi hoàn toàn không đoán được đã đọc ra được mảnh nào của các tia sáng đó. Kết quả không thể tương xứng với lượng thời gian tôi bỏ ra. Nhưng tôi đã cố quên thời gian đi để chăm chú và cẩn thận nghiên cứu từng đầu lâu một. Bất cứ lúc nào tôi cũng cảm nhận được tâm hồn của cô ở đầu ngón tay một cách rõ rệt, quan trọng nhất là vậy chứ không phải vấn đề số lượng. Đằng nào cũng không thể “đọc ra” một cách thấu đáo tâm hồn con người, cho dù người ta nỗ lực đến đâu. Tâm hồn cô đây rồi, ngay đây, ngay lúc này, và tôi có thể cảm thấy nó, nắm được nó. Còn mong gì hơn?

Đặt chiếc đầu lâu cuối cùng lên giá, tôi kiệt sức ngồi bệt xuống đất và tựa lưng vào tường. Ô cửa trên đầu tôi không cho phép nhận ra thời tiết bên ngoài, nhưng ánh sáng không hứa hẹn gì hơn là một trời mây đen. Ban mai ngầu đục tràn vào phòng như một thứ chất lỏng mềm mềm. Những chiếc đầu lâu lại thiếp vào giấc ngủ sâu. Tôi nhắm mắt, để đầu óc nguội đi bởi hơi lạnh lúc bình minh. Áp tay lên má, tôi nhận ra ngón tay mình còn ấm rực bởi các tia sáng.

Tôi ngồi lì trong góc kho cho đến khi không gian im lặng và cái lạnh xoa dịu tâm hồn xốn xang của mình. Tôi đã mất cảm giác thời gian, vì cảm giác đó bị rời rã và mất định hướng. Nhưng dù tôi ngồi đây bao lâu thì ánh sáng nhợt nhạt chiếu qua ô cửa sổ cũng không hề thay đổi, các bóng đen không hề dịch chuyển. Tôi cảm thấy tâm hồn cô thủ thư xoay lộn trong mình, hòa trộn với bản thể của mình, thâm nhập vào từng góc cạnh của mình. Sẽ còn nhiều thời gian trôi đi cho đến khi tôi nhận rõ hình ảnh tâm hồn cô. Và còn lâu hơn nữa cho đến khi tôi kể cho cô nghe về nó và nó nhập lại được vào người cô. Nhưng dù thời gian đó kéo dài bao lâu, và kết quả có kém hoàn hảo đến mấy – giờ tôi chắc rằng cô sẽ dùng nội lực của mình để làm nó hoàn hảo.

Tôi đứng dậy rời nhà kho. Cô thủ thư ngồi một mình bên bàn đọc và đợi tôi. Ánh sáng ban mai đùng đục khiến bóng cô mỏng manh và nhạt nhòa hơn mọi khi. Đêm qua quá dài đối với tôi, nhưng cũng đối với cô. Nhìn thấy tôi, cô lặng lẽ đứng dậy và đặt ấm lên lò. Trong khi đợi cà phê nóng lên, tôi rửa tay trong bồn ở phòng sau và lau khô. Rồi tôi ra sưởi trước lò lửa.

“Anh thế nào, mệt không?”, tôi hỏi.

Tôi gật đầu. Tôi đã đọc mười hai tiếng liền không nghỉ, cả người tôi cứng như một khối đất sét, nhấc tay lên đã thấy khó khăn. Nhưng sự kiệt quệ ấy không chạm đến nổi tâm hồn tôi. Như cô thủ thư đã nói hôm đầu tiên khi tôi đến đọc mơ: dù cơ thể có mệt mỏi đến đâu, người ta đừng khi nào được phép để sự mệt mỏi ấy xâm chiếm tâm hồn.

“Sao em không về nhà và nghỉ ngơi?”, tôi nói. “Lẽ ra em không cần ở lại đây!”

Cô rót cà phê ra chén và đưa tôi. “Chừng nào anh ở đây thì em cũng ở lại đây.”

“Đó là quy định à?”

“Vâng, quy định của em”, cô mỉm cười. “Vả lại, những gì anh vừa đọc là tâm hồn của em mà. Em không thể cứ thế để tâm hồn vạ vật đâu đó và đi mất, phải không?”

Tôi gật đầu và uống cà phê. Kim đồng hồ cổ kính đứng trong góc chỉ 8 giờ 15. “Em làm ăn sáng nhé?”

“Anh không muốn ăn”, tôi đáp.

“Nhưng từ hôm qua đến giờ anh không ăn gì!”

“Anh không đói. Anh muốn đi ngủ luôn. Em có thể ở lại đây cả buổi và thức anh lúc hai rưỡi không? Anh muốn em canh giấc ngủ của anh. Em làm cho anh nhé?”

“Nếu anh muốn”, cô nói, trên mặt vẫn thoáng một nụ cười.

“Anh không có ước vọng nào lớn hơn”, tôi nói.

Cô lấy hai tấm mền từ phòng sau và cuộn quanh người tôi. Tóc cô chạm vào má tôi, hệt như ngày ấy. Tôi nhắm mắt lắng nghe tiếng than nổ tí tách. Tay cô đặt trên vai tôi.

“Khi nào hết mùa đông?”, tôi hỏi cô.

“Em không biết”, cô trả lời. “Không ai biết bao giờ hết mùa đông. Nhưng chắc không lâu nữa. Trận tuyết này hình như là trận cuối cùng.”

Tôi vươn tay ra, chạm ngón tay lên má cô. Cô nhắm mắt tận hưởng hơi ấm.

“Đó là hơi ấm của em, ánh sáng của em, đúng không?”

“Em cảm thấy gì?”

“Như mặt trời mùa xuân”, cô nói.

“Anh nghĩ là có thể kể cho em nghe về tâm hồn em”, tôi nói. “Chắc sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng nếu em tin tưởng sắt đá thì một lúc nào đó anh sẽ truyền sang cho em được, nhất định.”

“Em biết”, cô nói.

Rồi cô khẽ áp tay lên mắt tôi. “Giờ thì ngủ đi.”

Tôi thiếp đi.

Cô thức tôi đúng hai rưỡi. Tôi dậy, mặc măng tô, quấn khăn, đi găng và đội mũ lên. Suốt buổi cô không nói một lời, chỉ uống cà phê. Vì măng tô treo cạnh lò sưởi nên bây giờ rất khô và ấm.

“Em giữ hộ anh cây phong cầm nhé?”, tôi nói.

Cô gật đầu, cầm cây đàn trên bàn lên và giữ nó một hồi trong tay như ước đoán trọng lượng rồi để lại chỗ cũ.

“Được. Em sẽ giữ nó cẩn thận như con ngươi mắt mình”, cô gật đầu nói.

Vài bông tuyết lẻ tẻ vẫn rơi bên ngoài, gió đã lặng. Trận bão tuyết tối qua có vẻ như đã thả hết sức tung hoành, nhưng trên cao vẫn vương những đụn mây xám xịt, sứ giả của trận bão tuyết sắp tấn công thành phố. Sự yên tĩnh hiện tại chỉ là một quãng tạm lắng.

Vừa qua khỏi Cầu Đông đi về phía bắc thì tôi thấy khói xám bắt đầu bay lên phía bên ngoài tường thành – như mọi hôm vào giờ này. Thoạt tiên chỉ có vài sợi khói trắng mỏng manh bay lên như tình cờ, nhưng chẳng mấy chốc chúng đã biến thành quầng khói đen đặc từ thịt cháy. Vậy là ông gác cổng đang ở rừng táo. Tôi rảo bước tới trạm gác và ngạc nhiên nhìn những dấu chân lớn sắc gọn của mình để lại trên nền tuyết ngập đến sát đầu gối. Thành phố trải rộng yên bình và lặng lẽ, tựa như mọi tiếng động bị tuyết nuốt hết. Không một làn gió thổi, không một tiếng chim ca, chỉ có tiếng đinh đế ủng đi tuyết của tôi giẫm lên tuyết mới rơi gây tiếng vọng lạ tai.

Không khí trong trạm gác hôi ngạt thở, như mọi khi. Không thấy bóng ai. Lửa trong lò chắc mới tắt chưa lâu, không khí hãy còn vương hơi ấm. Trên mặt bàn vung vãi bát đĩa bẩn và tẩu thuốc của ông gác cổng. Bộ dao và rìu sáng loáng treo ngay ngắn trên tường. Dù vẫn thấy khói bốc lên nhưng tôi vẫn sợ ông gác cổng có thể lặng lẽ bước đến sau lưng bất cứ lúc nào và đập bàn tay hộ pháp lên vai tôi. Đầu óc tôi cuống lên, tựa như hàng trăm con dao, tẩu thuốc và đồ vật khác trong phòng câm lặng trách cứ hành vi phản trắc của tôi.

Tôi với tay giật chùm chìa khóa trên tường, tuy vội vàng nhưng hết sức cố gắng không chạm phải những lưỡi dao sắc như nước. Sau đó tôi cầm chìa khóa chạy ra cửa sau đến trại giam bóng. Ngoài gốc cây du già đen thui nhô lên, trước mắt tôi tất cả trắng tinh khôi, không một dấu giày. Trong một thoáng, tôi cảm thấy mảnh đất này như một thánh địa mà tôi không được đạp lên làm vấy bẩn. Mọi thứ như được sắp xếp tề chỉnh, như nằm trong không khí hòa bình, như chìm trong giấc ngủ khoan khoái của lương tâm thanh thản. Gió tạo trên mặt tuyết những họa tiết tuyệt đẹp. Vài cành cây du đã rũ bỏ sức nặng trắng đè lên và khoan khoái vươn cành cong lên trời. Không có gì lay động. Tuyết hầu như đã ngừng rơi hoàn toàn, chỉ đôi khi có tiếng gió rì rào thổi qua khu đất. Tôi có cảm giác là chúng sẽ không bao giờ quên tôi giẫm đạp lên giấc ngủ ngắn và thanh bình ấy.

Bây giờ không có đường quay lại nữa, không có thì giờ để lưỡng lự. Với ngón tay tê cứng vì lạnh tôi rút phăng chùm chìa khóa và lần lượt đút từng chìa khóa to tướng vào ổ. Không chìa nào vừa. Tôi toát mồ hôi lạnh. Tôi cố nhớ lại xem ông gác cổng mở thế nào. Ông ta có đúng bốn chìa khóa như tôi đang cầm trong tay. Không nghi ngờ gì. Hồi đó tôi đã đếm kỹ. Một trong bốn chiếc phải vừa.

Tôi đút chìa khóa vào túi măng tô và xoa tay cho ấm rồi lần lượt thử lần nữa. Chiếc thứ ba cắm ngập dễ dàng vào ổ. Chìa khóa xoay, một tiếng khô khốc vang lên. Giữa bãi đất không người, tiếng kim khí lạnh lẽo xuyên đến tận tủy tôi. Có lẽ cả thành phố nghe thấy. Tôi đứng sững như hóa đá và lắng nghe, tay vẫn cầm chìa khóa cắm trong ổ - nhưng không có ai động đậy. Không nghe tiếng ai gọi hay bước chân. Tôi đẩy cánh cửa sắt ra một khe, luồn qua đó và để cửa đóng lại thật khẽ.

Lớp tuyết trong trại giam bóng mềm như bông, ngập hết chân tôi. Tiếng chân giẫm tuyết vang lên, nghe như một sinh vật khổng lồ đang từ từ nghiền nát con mồi giữa hàm răng. Tôi đi qua bãi đất, tránh ghế băng phủ đầy tuyết, để lại phía sau dấu vết một sinh vật hai chân tạo thành vệt thẳng. Những cành cây du nhìn xuống tôi một cách đe dọa. Tiếng kêu chói tai của một con chim từ đâu đó chọc vào tai tôi.

Trong lều lạnh hơn ngoài sân. Máu tôi đông lại trong huyết quản. Tôi nhấc tấm ván và trèo thang xuống.

Bóng ngồi đợi tôi trên giường.

“Tôi tưởng cậu không đến nữa!”, nó nói, thở hơi trắng xóa.

“Tôi đã hứa, đúng không? Và hứa là làm”, tôi nói. “Nào, ta biến thôi. Không chịu nổi mùi hôi ở đây!”

“Tôi không leo lên thang được nữa”, bóng than thở.

“Tôi vừa thử nhưng không xong. Có vẻ như tôi yếu hơn mình tưởng. Quả là trớ trêu. Suốt thời gian tôi diễn trò ốm yếu để rồi cuối cùng không nhận ra mình yếu đến mức này. Cái lạnh đêm qua đã là giọt cuối cùng làm tràn ly…”

“Tôi cõng cậu lên.”

Bóng lắc đầu. “Chẳng có ích gì đâu, vì sau đó tôi cũng có đi nổi bước nào nữa đâu. Tôi không đủ sức đến chỗ trốn nữa rồi. Hết rồi, hết thật rồi!”

“Cậu khởi đầu toàn bộ vụ này! Cậu không được phép buông tay vào phút cuối cùng!”, tôi nói. “Tôi sẽ vác cậu trên vai. Bất kể chuyện gì xảy ra, cậu sẽ ra khỏi đây và sống tiếp!”

Bóng nhìn tôi, cặp mắt chìm trong hố sâu hoắm. “Nếu cậu nói thế thì… nhất định tôi sẽ đi cùng”, nó nói. “Nhưng phải vác tôi chạy trên tuyết thì cậu sẽ mệt lắm đấy, nói cho cậu biết!”.

Tôi gật đầu. “Tôi đâu có định làm một cuộc đi dạo!”

Tôi kéo bóng lên cầu thang như một bao tải sũng nước, vác lên vai và đưa qua sân. Bên phải là bức tường thành đen, cao vút và lạnh lẽo, nó câm lặng dõi theo dấu chân tôi. Một cành cây du không chịu nổi lượng tuyết đè lên nữa, thả tảng tuyết rơi xuống. Tôi thấy cành cây run rẩy vút ngược lên.

“Tôi hầu như không còn cảm giác ở chân nữa”, bóng nói. “Tôi đã quyết tâm giữ gìn sức khỏe trong khi giả ốm để không bị suy nhược, nhưng căn phòng quá nhỏ không tập tành được.”

Tôi lôi bóng xềnh xệch qua cửa sắt ra trạm gác. Tôi cẩn thận treo chùm chìa khóa trả lại chỗ cũ. Có thể - nếu chúng tôi gặp may – ông gác cổng sẽ không nhận ra ngay là chúng tôi bỏ trốn.

“Bây giờ đi hướng nào?”, tôi hỏi bóng đang run rẩy trước lò sưởi đã nguội lạnh.

“Hướng Nam, đến hồ nước”, nó nói.

“Đến hồ nước?”, bất giác tôi nhắc lại. “Có gì ở đó?”

“Có hồ, tất nhiên, còn có gì nữa? Ta nhảy xuống hồ và trốn. Vào mùa này thì chắc chắn ta sẽ bị cảm lạnh, nhưng trong hoàn cảnh này khó có lựa chọn nào dễ chịu hơn.”

“Có khác gì tự sát? Ở đó nhiều xoáy nước mạnh, mình sẽ bị kéo xuống tận đáy hồ.”

Bóng ho và run cầm cập. “Không đúng. Chỉ có một đường thoát khỏi thành phố này. Tôi đã nghiên cứu kỹ vấn đề này và ước tính mọi khả năng. Đường trốn của ta là hồ nước ở phía Nam! Không thể có đường nào khác. Dĩ nhiên là cậu có lý do để lo ngại, nhưng hãy tin tôi và để tôi quyết định, lần này nữa thôi. Trong vụ này tôi liều mạng sống của mình, vậy thì tôi sẽ không làm gì thiếu suy nghĩ đâu. Dọc đường tôi sẽ giải thích cho cậu rõ hơn. Một tiếng hay tiếng rưỡi nữa lão gác cổng sẽ quay về. Lão sẽ nhanh chóng phát hiện ra vụ đào tẩu này và theo chân mình ngay. Ta không được phép chần chừ nữa!”

Trước trạm canh không một bóng người. Trên mặt tuyết chỉ có hai vết chân: vết của tôi đi đến và của ông gác cổng rời trạm canh đi về phía cổng. Ngoài ra còn vết xe cút kít của ông ta. Tôi lại xốc bóng lên lưng. Nó gầy đi nhiều và do đó không nặng lắm, tuy nhiên vẫn còn là một trở lực lớn cho tôi, nhất là trên đoạn đường lên đồi. Tôi chưa thể lượng sức có đi được hết chặng đường xa ấy không, nhất là khi cơ thể tôi đã quen trạng thái nhẹ nhàng không bóng rồi. “Đến hồ còn khá xa. Ta phải đi qua sườn phía đông của Đồi Tây, sau đó vòng quanh Đồi Nam và cuối cùng là đoạn đường mọc đầy bụi rậm.”

“Cậu có nghĩ là ta sẽ làm được không?”

“Ta đi đến chặng này rồi, giờ phải cố lên thôi”, tôi đáp.

Vậy là chúng tôi lên đường về hướng đông, xuyên qua băng tuyết. Những dấu chân mà tôi để lại trên đường tới đây còn rất rõ. Chúng gây cho tôi cảm giác đang đi ngang qua cái Tôi của ngày xưa. Ngoài dấu chân tôi chỉ còn thấy những vết móng nho nhỏ của thứ một sừng. Tôi quay lại nhìn. Phía bên kia tường thành, cột khói to xám xịt vẫn bốc lên thẳng tắp, trông như một ngôi đền màu tro của sự bất hạnh có chóp nhọn bị khuất đi trong mây. Nhìn độ lớn của nó mà đoán ra ông gác cổng hôm nay phải đốt rất nhiều xác thú.

Lượng tuyết đổ xuống đêm qua đã giết chết nhiều súc vật như chưa từng xảy ra. Chắc chắn sẽ còn mất nhiều thời gian nữa để đốt hết núi xác chết, đối với chúng tôi điều đó có nghĩa là được thêm khá nhiều thời gian trước khi ông gác cổng bắt đầy truy đuổi. Tôi hình dung là bầy thú muốn ủng hộ chúng tôi chạy trốn bằng cái chết thầm lặng của chúng.

Mặt khác thì tuyết dày cũng cản trở tôi. Tuyết đóng cứng giữa các đinh đế ủng và hóa băng, chân tôi nặng như chì, vì tôi trượt ngã nhiều lần. Trong thâm tâm, tôi hối hận vì đã không nghĩ đến việc kiếm giày đi tuyết, ván trượt hay những thứ tương tự. Ở một vùng lắm tuyết như thế này, nhất định dễ kiếm những trang bị kiểu ấy. Trong kho của trạm gác chắc chắn có, vì ông gác cổng cất trăm thứ chổi cùn rế rách vào đó. Nhưng giờ thì tôi không thể quay lại túp lều nữa rồi. Cầu Tây đã hiện trước mặt, quay lại sẽ mất nhiều thì giờ. Người tôi mỗi lúc một nóng bừng lên, mồ hôi chảy ướt đầm trán.

Bóng tôi sau tôi, quay lại nhìn và nói: “Dấu chân sẽ làm lộ hướng đi của ta!”

Tôi vừa lội tuyết vừa tưởng tượng ra cảnh bị ông gác cổng bám đuôi. Ông sẽ phi theo sau chúng tôi trên tuyết như một con quỷ thực thụ. Ông ta khỏe hơn tôi nhiều, không so sánh được, và không phải cõng bóng. Ngoài ra tôi cũng không nghi ngờ là ông có thiết bị tử tế để chuyển động dễ dàng trên tuyết. Mỗi bước đi được trước khi ông ta quay về túp lều đều quý giá, không thì hỏng hết mọi việc!

Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh cô thủ thư. Cô ngồi trước lò sưởi trong phòng đọc và đợi tôi. Cây phong cầm nhỏ nằm trên bàn, than cháy đỏ trong lò, ấm cà phê phả khói. Tôi nhớ ra cảm giác được tóc cô chạm vào má, được tay cô đặt lên vai. Không, tôi không để bóng mình chết ở đây! Nếu tóm được nó, ông gác cổng sẽ quăng lại nó xuống nhà hầm, ở đó thần chết đang vui mừng đón đợi. Tôi cố dồn hết sức lực đặt từng bước chân. Phải, trái, phải, trái – và liên tục ngoái cổ lại nhìn để vững dạ rằng khói xám vẫn đang bốc lên bên ngoài tường thành.

Chúng tôi gặp vài con thú trên đường. Chúng u mê giữa tuyết dày và vô vọng kiếm thức ăn. Với cặp mắt xanh sâu thẳm, chúng nhìn tôi cõng bóng trên lưng đi ngang qua và thở luồng hơi trắng xóa. Tựa như chúng biết rất rõ chúng tôi là ai và đang làm gì.

Đến đoạn lên dốc thì tôi mệt đứt hơi. Bắt đầu cảm thấy rõ trọng lượng của bóng. Chân tôi như chôn chặt trong tuyết. Nói cho đúng là lâu lắm rồi tôi không tập thể thao. Hơi thở trắng xóa của tôi ngày càng đặc hơn. Những bông tuyết vừa bắt đầu rơi làm mắt cay sè.

“Vẫn ổn cả chứ?”, bóng hỏi sau lưng tôi. “Cậu có cần nghỉ một chút không?”

“Chỉ năm phút thôi, xin lỗi, năm phút nữa là tôi lại hồi sức.”

“Không sao, cậu đừng lo. Tôi không đi được – đó là lỗi tôi. Cậu nghỉ bao lâu tùy thích. Trời ạ, có vẻ như tôi toàn ra lệnh cho cậu!”

“Nhưng tôi làm việc này cũng vì tôi nữa”, tôi nói. “Hay không phải?”

“Cậu nên tin như vậy”, bóng nói.

Tôi thả bóng xuống, lăn ra tuyết và hớp không khí. Người tôi nóng hừng hực, thậm chí không còn nhận ra tuyết lạnh. Chân tôi cứng đờ. Sờ thấy như hai cột đá nối từ hông xuống ngón chân.

“Đôi khi tôi cũng thấy nghi ngờ”, bóng nói. “Ví dụ như cậu có thể hài lòng và hạnh phúc ở đây nếu tôi cứ lẳng lặng đem hết chuyện xuống mồ.”

“Ừ, có thể thế đấy”, tôi nói. “Nhưng tôi không hối hận đã biết mọi chuyện. Tôi bắt buộc phải biết những gì cậu vừa nói.”

Bóng gật đầu, ngó lên cột khói xám bốc từ rừng táo: “Có vẻ như lão gác cổng còn mất nhiều thời gian nữa để đốt xác súc vật. Ta sắp lên đầu đoạn dốc rồi. Nếu đi vòng qua được chân Đồi Nam thì ta sẽ tạm an toàn, vì lão gác cổng không đuổi kịp mình được nữa.” Bóng cầm một nắm tuyết mềm lên tay và thả nó chảy qua kẽ tay. “Ban đầu chỉ là một dạng linh cảm, khi tôi nghĩ đến lối thoát bí mật ra khỏi thành phố này. Nhưng dần dà nó đã thành một niềm tin vững chắc. Vì sao? Vì đây là một thành phố hoàn hảo. Và sự hoàn hảo đòi hỏi phải có hết mọi khả năng có thể. Nói cho đúng thì đây không phải một thành phố, mà là một dòng chảy, là cả một vũ trụ. Thành phố cung cấp mọi khả năng, biến đổi diện mạo mình từng phút, và qua đó gìn giữ được sự hoàn hảo của mình. Nghĩa là ở thế giới này sự hoàn hảo không phải một tình huống cứng nhắc, mà là một quá trình tuần tự, một chuyển động. Vậy nếu tôi muốn tìm đường trốn thì sẽ có đường trốn! Cậu hiểu ý tôi chứ?”

“Rất hiểu”, tôi nói. “Hôm qua tôi cũng ngộ ra rằng ở đây có mọi thứ và chẳng có gì.”

Bóng vẫn ngồi trên tuyết và nhìn tôi một hồi lâu. Nó không nói một lời, chỉ gật đầu mấy lần liền. Tuyết lại bắt đầu rơi mạnh hơn. Hình như thành phố lại đón một trận bão tuyết nữa.

“Một khi đã giả thiết có một con đường thoát ra, ta chỉ việc loại trừ những vị trí vô căn cứ”, bóng nói tiếp. “Vị trí cần loại trừ đầu tiên là cổng thành. Cứ cho là ta chạy được qua cổng thì cũng bị lão gác cổng tóm lại trong nháy mắt. Lão ta thuộc từng ngọn cây, ngọn cỏ ở vùng này! Vả lại tất cả những ai muốn trốn đều nhắm đến cổng thành. Vậy đường ra không thể ở một vị trí mà người ta nghĩ ngay ra. Tường thành cần được loại trừ nốt. Cửa Đông cũng vậy, ở đây không con kiến nào chui lọt; dòng sông bị chắn bởi một lưới sắt kiên cố, không sao qua nổi. Vậy chỉ còn lại hồ nước phía Nam. Chúng mình sẽ cùng nhau rời thành phố theo đường sông.”

“Cậu có thật chắc chắn không?”

“Tuyệt đối chắc chắn. Có gì khó đoán đâu! Mọi lối ra đều bị phong tỏa kín bưng, chỉ có hồ nước là họ không thèm đoái hoài đến. Thậm chí không rào quanh. Cậu có thấy kỳ không? Họ chỉ xây quanh hồ một hàng rào bằng nỗi sợ. Vượt qua được nỗi sợ đó là mình chiến thắng thành phố.”

“Cậu nghĩ được như thế từ khi nào?”

“Khi tôi lần đầu tiên thấy sông. Có lần lão gác cổng cho tôi đi cùng, tới gần Cầu Tây. Tôi thấy sông và nghĩ bụng, chẳng thấy gì độc ác ở con sông này cả, ngược lại, dòng sông tưng bừng sinh lực. Tôi nghĩ, nếu ta lần theo dòng sông, nếu ta trao mình cho nó thì nó sẽ đưa ta ra khỏi thành phố, quay về với thế giới của cuộc sống đích thực. Cậu có dám tin những gì tôi nói không?”

“Có”, tôi nói. “Tôi có thể tin lời cậu. Có thể dòng sông sẽ đưa ta đến đó. Quay lại với thế giới mà ta từng bỏ lại sau lưng. Giờ này tôi liên tục nhớ thêm các chi tiết từ thế giới ấy. Nhớ không khí, tiếng động, ánh sáng – nhớ mọi thứ. Một bài hát đã trả lại cho tôi ký ức ấy.”

“Tôi không dám nói với cậu là thế giới ấy tuyệt vời như vậy, tôi cũng không biết ra sao”, bóng nói. “Nhưng ít nhất thì đó cũng là thế giới dành cho chúng mình. Một thế giới với những cái tốt và xấu, và cả những cái không tốt mà cũng chẳng xấu. Cậu sinh ra ở đó, và cậu sẽ chết ở đó. Khi cậu chết thì tôi cũng biến mất. Đó là điều tự nhiên nhất trên thế giới.”

“Có thể cậu có lý”, tôi nói.

Hai chúng tôi cùng nhìn xuống thành phố lần nữa. Tháp đồng hồ, sông, cầu, tường thành, khói – tất cả biến mất trong bão tuyết. Chỉ còn nhìn thấy mỗi một bức tường tuyết khổng lồ, trông hệt như một thác nước từ trên trời đổ ầm ầm xuống đất.

“Ta đi thôi, hay cậu chưa lại sức?”, bóng hỏi. “Thời tiết này có thể lão gác cổng sẽ chấm dứt đốt xác thú sớm hơn và quay về nhà.”

Tôi gật đầu, nhỏm dậy và phủi tuyết trên mũ xuống.