ô gái mũm mĩm và tôi cuốn đồ đạc vào mấy chiếc áo sạch và buộc lên đầu để chúng không bị ướt khi bơi. Trông chúng tôi khá kỳ khôi, nhưng không ai có thì giờ để cười đùa cả. Tôi gạt lại thức ăn, chai whiskey và mấy thứ không cần thiết khác, bây giờ đồ đạc của tôi khá gọn: đèn pin, áo len, giày, ví, dao và một máy phát sóng. Cô gái cũng không có nhiều hơn.
“Cẩn trọng nhé!”, giáo sư nói.
Trong ánh sáng leo lét trông ông già sọm đi so với ban nãy. Da ông nhăn nheo, tóc thưa thớt, mặt lốm đốm vết đồi mồi. Một ông già mệt mỏi. Sinh, lão, bệnh, tử - các thiên tài cũng không tránh khỏi.
“Tạm biệt”, tôi nói.
Chúng tôi bám theo dây xuống đến bờ nước trong màn đêm. Tôi trèo trước, xuống đến nơi tôi phát tín hiệu bằng đèn pin và cô gái xuống theo. Lội xuống nước trong bóng tối là một cảm giác khá sợ, nhưng tất nhiên chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Thoạt tiên tôi bước một chân xuống nước, rồi để nước ngập dần lên đến tận vai. Nước giá như băng, nhưng ngoài ra có vẻ bình thường, không ô nhiễm gì. Xung quanh im lìm như dưới đáy giếng. Không có gì lay động, trừ không khí đến nước và màn đêm. Chỉ có những tiếng động do chúng tôi gây ra dưới nước tạo nên nhiều tiếng vang được màn đêm tăng âm, những tiếng động như của một quái vật dưới hồ nuốt mồi. Xuống nưới rồi tôi mới nhớ là tôi không nhờ giáo sư băng bó vết thương ở bụng.
“Hy vọng ở đây không có loài cá có móng vuốt”, tôi hỏi về phía mà tôi đoán là cô gái đang bơi.
“Không”, cô nói, “nó chỉ có ở thế giới huyền thoại thôi. Tôi nghĩ thế.”
Mặc dù vậy tôi vẫn không rũ bỏ được ý nghĩ về một con cá khổng lồ đột ngột nhao lên từ nước sâu và cắn nát chân mình. Bóng tối sinh ra đủ kiểu sợ hãi.
“Có vắt không?”
“Tôi không biết. Tôi nghĩ là không”, cô vô tư đáp.
Chúng tôi nối với nhau bằng sợi thừng và bơi vòng quanh “tháp”, khoát tay nhẹ nhàng kiểu ếch để khỏi ướt đồ đạc. Từ phía sau lưng, ánh đèn pin của giáo sư chọc thủng màn đêm như tia sáng của ngọn hải đăng và tạo ra một đường thẳng màu vàng đục trên mặt nước.
“Cứ theo hướng này”, cô nói. Quan trọng là ánh sáng trên mặt nước và ánh đèn pin nằm cùng đường thẳng.
Tôi bơi trước, cô gái theo sau. Tiếng khoát nước của chúng tôi thay nhau vang lên. Thỉnh thoảng chúng tôi ngừng bơi và quay lại nhìn để chỉnh hướng, nếu cần.
“Cẩn thận đừng để nước làm ướt đồ”, cô gọi. “Máy phát sóng bị ướt là hỏng đấy.”
“Đừng lo”, tôi nói. Quả thực không có dễ giữ đồ cho khô. Xung quanh tối đen như mực, tôi không nhận ra nước dâng cao đến đâu. Đôi khi tôi còn không biết tay mình chỗ nào. Vừa bơi tôi vừa nhớ đến Orpheus phải bơi qua sông Styx để đến xứ sở của người chết. Thế giới này có vô vàn tôn giáo và chuyện hoang đường, nhưng nói về chết thì tất cả đều giống nhau không ít thì nhiều. Orpheus phải chèo một chiếc thuyền độc mộc qua dòng sông đen. Còn tôi phải bơi và đội gói đồ trên đầu. Người Hy Lạp cổ thông minh ra phết, ít nhất cũng thông minh hơn tôi. Tôi lo lắng nghĩ đến vết thương nhưng chẳng biết làm gì. Do căng thẳng thần kinh nên vết thương cũng ít đau và tôi sẽ không chết ngay cả khi vết thương bục ra; nó cũng không trầm trọng đến thế.
“Ông thực sự không giận ông tôi lắm à?”, cô gái hỏi. Tôi chịu không đoán ra cô ở đâu và cách bao xa vì tiếng vang trong đêm rất kỳ quái.
“Tôi không biết. Chính tôi cũng không biết”, tôi nói về hướng hú họa. Tiếng tôi cũng vọng lại từ một phía vô định. “Càng nghe ông cô kể thì tôi càng ngán không muốn biết gì thêm nữa.”
“Sao ông có thể nói như thế được?”
“Cuộc đời tôi chẳng quý giá gì. Não tôi cũng vậy.”
“Nhưng chẳng phải lúc nãy ông nói là ông hài lòng với cuộc sống của mình hay sao?”
“Lời nói gió bay. Mỗi đội quân cần một lá cờ để phất thôi.”
Rõ ràng cô suy nghĩ xem lời của tôi có ý nghĩa gì. Chúng tôi im lặng bơi tiếp, một sự im lặng sâu lắng và nặng nề như chính cái chết ngự trị trên mặt hồ ngầm. Con cá kỳ bí có móng vuốt kia đâu? Nhất định nó tồn tại ở một nơi nào đó. Nó đang nằm ngủ dưới đáy hồ hay đang bơi ngang dọc ở một hang động khác? Hay nó đã đánh hơi thấy và đang lao về phía hai chúng tôi? Tôi hình dung ra những móng sắc của nó bập vào chân mình và run bắn lên. Đã sắp đến thời điểm mà tôi phải chết hoặc nói là tắt ngủm đi cũng được, nhưng tôi không khi nào muốn bị một con cá xé xác trong cái hang đen ngòm này. Cái chết hãy đón tôi dưới ánh mặt trời thân thuộc. Tay tôi bại đi trong làn nước lạnh, nhưng tôi lấy hết sức bình sinh bơi tiếp.
“Ông là một người vô cùng đáng yêu”, giọng cô đượm vẻ mệt mỏi như vừa trong nhà tắm bước ra. “Ít nhất thì tôi nghĩ vậy.”
“Cô là một trong số rất ít những người như thế.”
“Vâng, tôi nghĩ vậy.”
Tôi vừa bơi vừa nhìn qua vai về phía sau. Ánh sáng đèn pin của ông giáo sư xa lắc xa lơ nhưng tôi vẫn chưa chạm vào đích đến là vách đá. Tại sao lại xa vậy? Và nếu xa thế thì tại sao ông ta không cảnh báo trước để tôi chuẩn bị tinh thần? Con cá đâu rồi? Nó chưa đánh hơi thấy tôi thì phải?
“Tôi không định bào chữa cho ông tôi”, cô gái nói, “nhưng ông tôi không có ác ý. Ông tôi quên hết mọi thứ quanh mình khi lao vào một việc gì. Trong trường hợp ông, ông tôi cũng chỉ có ý định tốt. Trước khi Hệ thống giở trò gì đó với ông, ông tôi muốn giải câu đố theo cách riêng của mình, muốn cứu ông. Ông tôi cũng vô cùng hối hận vì đã cộng tác với họ và làm thí nghiệm trên người. Đó là sai lầm của ông tôi.”
Tôi im lặng bơi tiếp. Đó là sai lầm của ông tôi. Câu ấy có ý nghĩa gì nữa vào lúc này?
“Ông hãy tha lỗi cho ông tôi”, cô nói.
“Tôi có tha lỗi cho ông cô hay không thì để làm gì? Vì sao ông cô lại lôi dự án ra làm tiếp? Nếu trách nhiệm đè nặng lên ông ấy đến mức ấy, sao ông cô không làm nốt dự án trong nội bộ Hệ thống để tránh tăng thêm số nạn nhân? Ông cô không thích làm việc trong một tổ chức lớn, cứ cho là thế, nhưng vì kết quả nghiên cứu của ông ấy mà người ta chết như ngả rạ.”
“Ông tôi không tin tưởng vào Hệ thống nữa”, cô nói. “Hệ thống và Nhà máy, theo lời ông tôi, chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu mà thôi.”
“Nghĩa là sao?”
“Nghĩa là xét về kỹ thuật thì họ cùng làm một việc.”
“Về kỹ thuật thì đúng. Nhưng chúng tôi bảo vệ dữ liệu, còn bọn ký hiệu sư đánh cắp chúng. Hai mục đích khác hẳn!”
“Nếu Hệ thống và Nhà máy cùng do một người chỉ đạo thì sao? Nếu tay trái đánh cắp cái mà tay phải bảo vệ?”
Tôi im lặng rẽ nước và tập trung suy nghĩ những gì cô vừa nói. Đúng là điên rồ, nhưng không phải vô lý. Tôi đã làm việc cho Hệ thống, đúng vậy, nhưng nếu bị hỏi thì tôi khong thể nói gì về cơ cấu bên trong của nó. Đơn giản là nó quá lớn và vì lý do bảo mật mà rất hạn chế phát tán thông tin nội bộ. Chúng tôi nhận lệnh từ cấp trên và cứ thế làm theo lệnh. Cấp trên đó mặt ngang mũi dọc ra sao thì những quân tốt đen như tôi đâu có biết.
“Nếu cô nói đúng thì đó là một mỏ vàng”, tôi nói. “Bọn họ có thể nâng giá lên cao tùy thích trong một cuộc cạnh tranh hư cấu. Và chừng nào thế cân bằng không bị phá thì họ không việc gì phải lo bị sụt giá.”
“Đó chính là cái làm ông tôi giật mình trong khi làm việc ở Hệ thống. Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân có cổ phần nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân hướng về lợi nhuận. Để có lợi nhuận họ sẵn sàng làm tất cả. Hệ thống gọi việc bảo vệ dữ liệu là mục đích, nhưng đó chỉ là vỏ ngoài. Ông tôi lo công trình nghiên cứu của mình chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm mà thôi. Giả sử có thể biến đổi cấu trúc của não người theo ý muốn thì hậu quả sẽ là thảm họa đối với con người và thế giới. Người ta cần một sự tiết chế và kiểm soát, và chính cái đó không tồn tại trong Hệ thống cũng như trong Nhà máy. Vì vậy ông tôi bỏ ra ngoài. Ông tôi rất ăn năn về chuyện ông và các toán sư khác, nhưng trong điều kiện này ông tôi không thể nghiên cứu tiếp được. Vì chỉ có thể tăng thêm số nạn nhân mà thôi.”
“Một câu hỏi nữa”, tôi nói. “Cô biết mọi chuyện ngay từ đầu phải không?”
“Vâng”, cô thú nhận sau một hồi lưỡng lự.
“Sao cô không hé ra một lời với tôi? Như thế cô đã có thể cứu tôi và ngăn được cảnh khốn nạn này.”
“Tôi muốn ông gặp ông tôi và nghe lời giải thích trực tiếp ở đó”, cô nói. “Tôi mà nói thì chắc gì ông đã tin?”
“Có thể thế thật”, tôi nói. Nếu cô vô cớ nói về bảng mạch thứ ba và sự bất tử thì khó mà tin nổi.
Sau vài nhịp khoát tay nữa, chợt tôi chạm phải một vật cứng. Mải suy nghĩ và thoạt tiên rất bối rối nên tôi bị bất ngờ, cho đến khi lờ mờ nhận ra đó là vách đá. Chúng tôi đã bơi qua cái hồ ngầm.
“Ta đến rồi”, tôi nói. Cô gái bơi lại gần. Phía sau chúng tôi ánh sáng đèn pin lấp lóe như một ngôi sao. So với vạch sáng thì chúng tôi bơi lệch sang phải chừng mười thước.
“Chắc ở đâu đó gần đây”, cô nói. “Lỗ hổng nằm khoảng nửa thước trên mực nước.”
“Có khi bây giờ ngập ở dưới.”
“Không, không, nó nằm trên mực nước.”
Tôi thận trọng lách tay vào gói đồ trên đầu để lấy đèn pin. Một tay bám vách, tôi chiếu ánh sáng vàng dọc bờ đá, nửa thước trên mặt nước. Mắt tôi cần một lúc lâu sau mới quen với ánh sáng.
“Không có lỗ nào cả”, tôi nói.
“Ông dịch sang phải một chút”, cô nói.
Tôi di chuyển một đoạn, chiếu đèn lên trên. Nhưng không thấy lỗ nào.
“Cô chắc chắn là sang bên phải không?”, tôi hỏi. Khi tôi ngừng bơi, cái lạnh thấu vào tận xương. Các khớp như đóng đá, thậm chí tôi không nói được rõ lời.
“Vâng, sang phải một chút nữa!”
Tôi run rẩy di chuyển tiếp. Rốt cuộc tay trái tôi đang lần theo bờ đá chạm vào một thứ gì, tròn và khum như một tấm biển, to bằng cái đĩa hát. Tôi sờ kỹ. Một họa tiết nhân tạo. Tôi chiếu đèn vào để xem cho rõ hơn.
“Một tấm phù điêu, đúng không?”
Tôi không thốt ra được lời nào, chỉ biết gật đầu. Một tấm phù điêu đúng như tấm chúng tôi đã thấy ở cửa vào thánh địa. Hai con cá kỳ bí có móng vuốt, đầu chạm đuôi và đuôi chạm đầu. Nằm giữa chúng là thế giới. Như vầng trăng rằm lặn xuống biển, hai phần ba tấm biển tròn nhô lên khỏi mặt nước, một phần ba chìm bên dưới. Giống hai tấm phù điêu đã thấy lúc trước, tấm này cũng chạm khắc tinh xảo. Ở địa điểm cheo leo này, chắc đây là một công việc vô cùng khó khăn.”
“Lối ra đây rồi!”, cô nói. “Hình như ở mọi lối ra vào đều treo các phù điêu tương tự. Ông nhìn lên trên nữa mà xem!”
Tôi chiếu ánh đèn lên cao hơn. Vách đá nhô ra một đoạn, do khuất bóng nên tôi không nhìn được chính xác. Hình như bên trên có một cái gì đó. Tôi quyết định trèo lên và đưa đèn cho cô gái.
May mà trên tấm phù điêu có một đoạn hõm vào để tôi chống tay. Tôi cố hết sức kéo tấm thân cứng đờ lên và ngoặc chân vào tấm phù điêu. Tôi vươn tay phải lên bám được vào một mỏm đá chìa ra, nhờ vậy tôi rướn lên nhìn được qua phần nhô ra của bờ đá. Quả thật có một cái lỗ. Tối quá, tôi không thấy gì thêm nữa, nhưng tôi nhận ra một hơi gió thoảng nhẹ, khá lạnh và có mùi ẩm mốc, báo hiệu ở đó phải là một đường hầm. Tôi chống tay vào bờ đá và leo hẳn lên.
“Đường hầm đây rồi!”, tôi hét xuống phía dưới, cố nén cơn đau ở bụng.
“Ơn Trời”, cô nói.
Tôi cầm lại đèn pin rồi kéo cô gái lên. Chúng tôi ngồi run rẩy một hồi trước cửa hang. Áo và quần tôi lạnh như bị nhúng nước rồi nhét vào ngăn đá. Tôi có cảm giác như vừa bơi qua một ly whiskey pha đá khổng lồ.
Sau đó tôi tháo gói đồ trên đầu xuống và thay áo mới. Tôi đưa cô gái áo len của mình, quẳng sơ mi và áo khoác bị ướt đi. Từ hông trở xuống tôi vẫn ướt, nhưng biết làm sao được? Tôi không mang theo quần dài và quần lót để thay.
Trong khi cô gái kiểm tra máy phát sóng, tôi nháy đèn pin nhiều lần về hướng giáo sư trên “tháp” báo hiệu đã đến cửa hang. Chấm sáng vàng hình tròn của giáo sư cũng nhấp nháy vài lần rồi tắt. Thế giới lại chìm vào màn đêm tuyệt đối của nó. Một thế giới không có dài rộng, không có thấp cao, một thế giới của hư vô.
“Ta đi nào”, cô bé nói. Tôi bật sáng đồng hồ đeo tay. 7 giờ 18. Giờ đã là lúc phát bản tin buổi sáng trên mọi kênh. Mọi người trên kia đang ăn sáng và vừa ngái ngủ vừa nhồi nhét thông tin, dự báo thời tiết, quảng cáo thuốc đau đầu và con số ô tô xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khó tính. Không ai biết tôi đã lạc lối cả một đêm trong cái mê hồn trận dưới lòng đất này. Không ai biết tôi phải bơi, phải chịu bầy vắt hút máu và vết dao ở bụng. Và không ai biết là còn 28 tiếng 42 phút nữa thế giới của tôi sẽ chấm dứt. Ti vi không đưa những tin tức kiểu ấy.
Đây là đoạn đường nối hẹp nhất mà chúng tôi từng thấy. Chúng tôi buộc phải bò, nó lại còn ngoằn ngoèo như ruột gà, sang phải sang trái, lên cao xuống thấp. Lúc thì dốc xuống như vào đường hầm, khi thì chúng tôi phải leo lên. Đường hầm có đoạn lộn vòng như làm xiếc. Chúng tôi di chuyển rất chậm chạp và mệt nhọc. Nhất định đoạn này do hiện tượng xói mòn sinh ra chứ không phải do lũ ma đen đào. Một con đường khó đi như vậy thì ma cũng không muốn làm.
Nửa tiếng sau chúng tôi đổi máy phát sóng. Thêm nửa tiếng nữa thì hết đoạn hẹp. Chúng tôi tiến vào một bãi rộng có trần cao. Ở đây im lìm và tối như cửa của một ngôi nhà cổ. Có mùi ẩm mốc. Đường rẽ như chữ T về hai phía. Từ bên phải có một luồng gió thoảng. Cô gái lấy chiếc đèn pin lớn chiếu vào các lối rẽ. Cả hai đều đâm thẳng tắp vào đêm đen.
“Ta rẽ lối nào?”, tôi hỏi. “Rẽ phải”, cô nói, “Từ phía đó có gió ùa đến. Chúng ta đang ở đâu đó dưới Sendagaya, như ông tôi đã dặn, rẽ phải là về phía sân bóng chày Jingu.”
Tôi cố hình dung ra thế giới trên đầu chúng tôi. Nếu cô nói đúng thì chúng tôi đang đứng dưới hai nhà hàng bán mì, hiệu sách Kawade và phòng thu âm Victor. Ngay gần đó là tiệm cắt tóc ruột mà hơn mười năm nay tôi vẫn đến.
“Ta đang ở gần tiệm cắt tóc của tôi”, tôi nói.
“Thế à?”, cô không tỏ vẻ quan tâm.
Có lẽ tôi nên đi cắt tóc trước lúc tận cùng thế giới. Còn gì lớn lao có thể hoàn tất trong 24 tiếng đồng hồ được nữa? Tắm rửa tử tế, thay đồ mới và đi cắt tóc, thế cũng được.
“Cẩn thận”, cô nói. “Mình sắp đến gần ổ ma đen. Đã thấy tiếng và mùi hôi kinh khủng của chúng rồi đấy. Ông đi sát sau lưng tôi nhé.”
Tôi dỏng tai lên nghe và đánh hơi nhưng tuyệt đối không nghe và ngửi thấy gì cả.
“Chúng có biết mình ở gần không?”
“Tất nhiên. Đây là giang sơn của chúng. Không có gì qua mắt chúng đâu. Chúng sẽ tức điên lên vì mình lại gần sào huyệt và đi xuyên qua thánh địa của chúng. Nếu tóm được mình, chúng sẽ quần cho tơi tả. Đi sát vào tôi, không thì chúng sẽ từ trong bóng tối vươn ra tóm ông và lôi đi đâu mất.”
Chúng tôi thu ngắn sợi thừng nối giữa hai người xuống còn khoảng năm mươi phân.
“Chú ý! Đến đây là hết tường!”, cô gằn giọng và chiếu đèn sang trái. Quả thật bức tường đột ngột biến mất. Thế vào đó là một lỗ hổng đầy bóng tối đặc sệt. Tia sáng xuyên qua như một mũi tên thẳng tắp rồi bị nuốt chửng bởi bóng tối còn dày đặc hơn ở phía xa. Tựa như sự tối tăm là một sinh vật biết thở và ngọ nguậy. Như một dạng keo lỏng, bệp bềnh, kỳ bí.
“Ông nghe chưa?”, cô hỏi.
“Rồi”, tôi nói. Giờ thì cả tôi cũng nghe rõ tiếng bọn ma đen. Tuy nhiên, chính xác hơn là một âm thanh rào rào như khi ta bị ù tai. Nó cắt qua bóng đêm và xoáy vào tai như một lưỡi cưa sắc. Tiếng rào rào như hàng triệu côn trùng đập cánh. Tiếng vọng từ các vách làm đau nhói màng nhĩ. Thiếu chút nữa thì tôi quẳng đèn pin và ngồi thụp xuống lấy hai tay bưng kín tay. Có cảm giác như hàng ngàn thanh giũa đang căm thù cứa lên mỗi sợi thần kinh trong tôi.
Đó là một nỗi căm thù khác với các kiểu căm thù mà tôi từng biết. Nó xồ đến như một cơn bão thổi từ địa ngục, toan xé chúng tôi thành trăm mảnh. Một tảng khổng lồ từ hàng nghìn tư duy đen tối đè lên chúng tôi, đen như lớp cặn chưng cất từ toàn bộ đêm đen dưới lòng đất và thời gian ngập ngụa bẩn tưởi trong một thế giới mù đặc không ánh sáng. Tôi không biết là nỗi căm thù có thể nặng nề đến mức ấy.
“Không được dừng lại!”, cô hét sát tai tôi. Giọng cô khô và yếu nhưng không run rẩy. Chỉ khi bị cô quát tôi mới nhận ra là mình vừa đứng lại.
Cô giật sợi dây thừng nối hai người. “Không được dừng lại! Nếu ông dừng lại là chết! Chúng sẽ lôi ông vào bóng tối!”
Nhưng tôi không thể động cựa. Sự căm thù của lũ ma đen đã trói chặt tôi vào điểm đang đứng. Tựa như thời gian chảy ngược dòng, trở lại với ký ức về những ngày đã qua. Tôi không thể đi đâu được nữa.
Cô gái cho tôi một cái tát giáng trời, mạnh đến nỗi tai tôi ù lên không nghe được gì một hồi lâu.
“Bên phải!”, tôi nghe cô quát. “Bên phải! Không hiểu à! Đưa chân bên phải lên! Tôi nói bên phải cơ mà, đồ ngu!”
Rốt cuộc tôi cũng nặng nề đưa được chân phải lên. Tôi có cảm giác như nghe thấy một sự thất vọng nho nhỏ trong tiếng kêu của ma đen.
“Trái!”, cô gái quát. Tôi bước chân trái lên.
“Đúng rồi. Bước từng chân lên một. Ổn cả chưa?”
“Ổn cả”, tôi nói nhưng không rõ là mình có thực sự phát âm ra chữ đó không. Tất cả những gì tôi biết là lũ ma đen – như cô đã nói – toan lôi chúng tôi vào bóng tối dày đặc. Chúng nhỏ từng giọt sợ hãi vào chúng tôi, trước hết vào tai, làm chúng tôi bại hoại để rồi từ từ lôi đi.
Sau khi lại có thể cử động được, tôi cảm thấy động lực ngược lại và chạy vùng lên. Tôi muốn ra khỏi cái xó khốn nạn này, càng nhanh càng tốt.
Tựa như đọc được ý nghĩ của tôi, cô chìa tay ra nắm lấy khuỷu tay tôi. “Chiếu đèn xuống chân”, cô nói. “Quay lưng vào tường và đi từng bước sang ngang. Hiểu chưa?”
“Hiểu rồi”, tôi nói.
“Tuyệt đối không chiếu sáng lên trên!”
“Tại sao không?”
“Vì bọn ma đen ở đó. Ngay trên đầu mình”, cô thì thào. “Ông tuyệt đối không được nhìn bọn chúng, không thì không nhấc nổi chân đâu!”
Chúng tôi chiếu sáng mặt đất từng phân một và đi từng bước sang ngang. Thỉnh thoảng một làn hơi lạnh và hôi kinh tởm như cá ươn sạt qua má tôi, lần nào tôi cũng tức thở. Tựa như tôi bị giam vào giữa đống ruột trương phình đầy dòi bọ của một con cá khổng lồ. Lũ ma đen vẫn không ngừng lên tiếng. Giọng chúng khó chịu. Nghe như bị dùng vũ lực ép ra từ một không gian không tiếng động. Màng nhĩ tôi xô lệch cứng đờ. Trong mồm ứ đầy nước bọt tanh hôi.
Nhưng tôi vẫn bước ngang như máy. Tôi chỉ phải tập trung tinh thần để thay nhau bước chân nọ rồi đến chân kia.
Đôi lúc cô nói gì đó nhưng tôi không hiểu rõ. Giọng nói này, tôi nghĩ bụng, không bao giờ trong đời mình có thể xóa khỏi trí nhớ. Một lúc nào đó nó sẽ trồi lên từ bóng đêm sâu thẳm để tấn công tôi. Và một ngày nào đó, chân tay nhầy nhụa của lũ ma đen sẽ ghì chặt tôi xuống đất.
Bao nhiêu thời gian đã trôi qua từ khi chúng tôi xâm nhập vào thế giới ác mộng này – tôi không nhớ nữa. Máy phát sóng trong tay cô cho thấy vạch đèn xanh, nghĩa là nó vẫn còn hoạt động, vậy thì không thể nhiều thời gian trôi qua. Tôi thấy như đã hàng tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, một lúc nào đó không khí đột ngột thay đổi. Mùi tanh tưởi nhạt đi, áp suất trong tai giảm hẳn. Tiếng lũ ma đen cũng chỉ còn như sóng biển rì rào xa xa. Chúng tôi đã vượt qua đoạn khốn khó nhất. Cô gái chiếu đèn pin lên phía trên; ánh sáng lại gặp phải đá. Chúng tôi tựa vào vách đá, hít thật sâu và vuốt mồ hôi lạnh trên mặt.
Chúng tôi không nói lời nào một hồi lâu. Rốt cuộc tiếng bọn ma đen cũng mất hẳn, im lặng quay trở lại. Ở đâu đó có tiếng nước nhỏ giọt, tiếng vọng yếu và mỏng.
“Chúng nó ghét gì ghê gớm vậy?”, tôi hỏi cô bạn đồng hành.
“Ghét thế giới ánh sáng và cư dân ở đó”, cô đáp.
“Thật không thể tin nổi là Nhà máy liên kết với bọn chúng. Dù để đạt được gì chăng nữa.”
Cô gái không nhận xét gì, thay vào đó cô nắm lấy tay tôi thật chặt. “Ông có biết lần này tôi nghĩ gì không?”
“Chịu”, tôi nói.
“Tuyệt vời xiết bao nếu tôi được theo ông đến thế giới mà ông sắp đến.”
“Và bỏ lại thế giới này?”
“Đúng thế”, cô nói. “Cái thế giới già cỗi chán chường này! Sống trong đầu ông, tôi nghĩ là thú vị hơn nhiều.”
Tôi không nói gì, chỉ lắc đầu. Quỷ quái thật, tôi không muốn sống trong đầu tôi, tôi không muốn sống trong đầu ai cả.
“Ta đi tiếp thôi”, cô nói. “Ta không thể ngồi đây mãi được, phải tìm cho ra đường cống ngầm và lối ra. Mấy giờ rồi?”
“8 giờ 20”, tôi nói.
“Đã đến lúc thay máy phát sóng”, cô nói và bật máy mới lên. Cô chuyển máy cũ sang chế độ nạp rồi giắt nó vào giữa sơ mi và váy. Đúng một tiếng, kể từ khi chúng tôi bước vào hang. Nếu ông giáo sư nói đúng thì sắp đến khúc quành trái, dẫn đến triển lãm nghệ thuật. Từ đó chỉ vài bước chân nữa là chạm đến đường ray tàu điện ngầm. Và tàu điện ngầm chắc chắn là cánh tay nối dài văn hóa trên mặt đất. Từ đó chúng tôi sẽ có cách thoát khỏi vương quốc ma đen.
Một lát sau, như dự tính, đường quành vuông góc sang trái. Gần như chắc chắn chúng tôi ở dưới đại lộ viền cây lá quạt. Bây giờ mới chớm thu, chắc lá cây còn căng mọng màu lục. Tôi tưởng tượng ra ánh mặt trời ấm áp, mùi cỏ và ngọn gió đầu thu. Nếu đang ở trên kia có lẽ tôi đã nằm lăn ra mấy tiếng và ngắm bầu trời. Thêm một chai bia mát lạnh nữa. Trước khi thế giới lụi tàn.
“Trên kia trời có đẹp không nhỉ?”, tôi hỏi cô gái đi trước.
“Ai biết được? Tôi chịu”, cô nói.
“Cô không nghe tin thời tiết à?”
“Không. Tôi lạc đường cả ngày trong khi đi tìm nhà ông.”
Tôi cố nhớ xem đêm qua, khi tôi ra khỏi nhà, trời có sáng sao không. Vô ích. Duy nhất tôi nhớ ra đôi trai gái trẻ nghe nhạc Duran Duran trên chiếc xe Nissan Skyline. Không tài nào nhớ đến trăng sao. Nói cho đúng là đã mấy tháng nay tôi không ngắm sao. Nếu từ ba tháng nay bầu trời hoàn toàn bị quét sạch sao thì tôi cũng không hề hay biết. Những gì tôi đã thấy và nhớ được là sợi lắc bạc trên cổ tay cô gái và que kem cắm trong chậu trồng cây đa, toàn những thứ vặt vãnh, ngoài ra thế là hết. Qua đó mà đánh giá thì tôi có một cuộc đời hoàn toàn đơn sơ và tẻ nhạt. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: nếu tôi sinh ra là một mục đồng Nam Tư thì đêm nào tôi cũng được ngắm chòm sao Đại Hùng Tinh. Chiếc xe Skyline, Duran Duran, lắc bạc, trộn số, bộ com lê vải tuýt màu lam đậm – tất cả hiện ra như một giấc mơ đã mơ từ ngày xa xưa. Mọi ký ức bẹp dí như một chiếc ô tô bị cho vào máy ép thủy lực thành tấm kim loại phẳng, bẹt như tấm thẻ tín dụng – mà vẫn giữ nguyên tính phức hợp. Nhìn từ phía trước chỉ hơi bất thường, song nhìn từ bên cạnh thì không khác một vệt kẻ, hầu như không mang ý nghĩa gì. Tấm thẻ chứa tôi, tất cả, dĩ nhiên, không chỉ là một miếng nhựa mà thôi. Chừng nào người ta không nhét nó vào khe của máy đọc thì nó không có ý nghĩa gì hết.
Hình như bảng mạch thứ nhất đã yếu đi. Vì thế mà các ký ức thật sự của tôi bẹp dí, tựa như chúng thuộc về một người khác. Đầu tôi đang chuẩn bị rời xa tôi. Tấm thẻ nhận dạng của tôi ngày càng mỏng đi, mỏng như giấy, rồi biến mất hẳn.
Trong khi bước theo cô gái như cái máy, tôi nhớ đến đôi trai gái trên chiếc xe Skyline. Thật khó hiểu, vì sao tôi cứ khăng khăng bám vào hai người này, nhưng tôi không còn biết nên nghĩ về cái gì khác. Lúc này, tám rưỡi sáng, hai người đó đang làm gì nhỉ? Tôi không hình dung ra được. Có thể họ còn ngủ say, có thể họ đang trên tàu, mỗi người một nẻo đến nơi làm việc. Tôi biết gì nhỉ? Giữa thế giới thực và trí tưởng tượng của tôi khong còn sợi dây liên lạc tử tế nào nữa. Một nhà biên kịch truyền hình sẽ dễ dàng dựng ra cốt truyện nào đó: người đàn bà từng học đại học ở Paris và lấy ông chồng Pháp, ông này bị tai nạn giao thông và hôn mê sâu, bà ta ngán cuộc sống này và bỏ chồng quay trở về Tokyo, làm việc tại đại sứ quán Bỉ hoặc Thụy Sĩ, dây lắc bạc là quà tặng của chồng bà. Chuyển cảnh hồi ức: bãi biển Nice, mùa đông, bà không bao giờ cởi lắc, lúc tắm cũng không, lúc làm tình cũng không. Chuyển cảnh: người chồng Nhật của bà từng tham gia phong trào sinh viên chiếm Yasuda Hall và luôn đeo kính râm như vai chính trong Ashes and Diamonds của Wajda, một đạo diễn sáng giá ở truyền hình và luôn có ác mộng về lựu đạn cay, vợ cũ của ông ta trước đây năm năm cắt mạch máu tự sát. Chuyển cảnh (phim truyền hình này quả thật có nhiều cắt cảnh và chuyển cảnh). Mỗi lần thấy chiếc lắc bạc đung đưa ở cổ tay vợ mới là ông nhớ lại cổ tay bết máu me của vợ cũ, ông đề nghị bà đeo nó qua tay phải. “Không được”, bà nói. “Tôi chỉ đeo lắc bên tay trái.”
Cũng có thể đưa thêm một người chơi dương cầm vào như trong phim Casablaca, một kẻ nát rượu, trên dương cầm luôn thấy một ly rượu Gin, pha chút chanh. Người chơi dương cầm là bạn của cả hai, chơi nhạc jazz tài ba nhưng chìm đắm trong rượu.
Đến đây thì tôi bỏ cuộc, vì chuyện ngu quá. Kịch bản chẳng liên quan gì đến thực tế cả. Nhưng thực tế là gì? Câu hỏi này chỉ làm tôi rối trí thêm. Thực tế mờ nhạt và nặng nề như một thùng bìa cứng đầy cát, và vô nghĩa nữa. Từ vài tháng nay tôi không thấy trăng sao rồi!
“Tôi không chịu được nữa!”, tôi nói.
“Không chịu được gì?”, cô gái hỏi.
“Mọi thứ, bóng tối, mùi mốc, ma đen, chiếc quần ướt, vết thương trên bụng, mọi thứ, tất cả mọi thứ. Thậm chí ta còn không rõ thời tiết trên kia ra sao. Hôm nay là thứ mấy?”
“Sắp hết rồi”, cô gái nói. “Ta sắp ra ngoài rồi.”
“Đầu tôi rối tung cả lên”, tôi nói. “Tôi không còn nhớ bên ngoài ra sao nữa. Các suy nghĩ của tôi đi sai hướng cả.”
“Ông đừng nghĩ gì cả. Ta sắp ra đến bên ngoài rồi.”
Vậy thì tôi không nghĩ gì nữa. Lúc này tôi ý thức được rằng chiếc quần dính vào da lạnh ngắt, làm nửa dưới người tôi hạ nhiệt và vết thương lại phát đau. Mặc dù lạnh, tôi vẫn không thấy có nhu cầu tiểu tiện. Tôi đái lần cuối cùng lúc nào nhỉ? Tôi dồn mọi mảnh hồi ức lại và lục lọi trong đó. Vô ích. Tôi không biết gì nữa.
Nhất định tôi chưa đái từ khi chúng tôi xuống dưới lòng đất. Còn trước đó? Trước đó tôi lái xe. Ăn một cái bánh humburger và thấy đôi trai gái trong chiếc Skyline. Trước nữa? Trước đó tôi ngủ. Cô bé mũm mĩm đến và đánh thức tôi. Lúc ấy tôi có đi đái không? Không, hình như không. Cô ấn cả hai tay, như người ta nhồi quần áo vào va li vậy, đánh thức và kéo tôi đi cùng luôn. Không có thì giờ mà đái. Còn trước đó? Tôi không nhớ gì nữa. Tôi ở chỗ bác sĩ thì phải, ông ấy khâu bụng. Bác sĩ nào? Chịu, đại khái là một bác sĩ. Một bác sĩ vận áo choàng trắng đã khâu bụng tôi sát trên vạch lông mu. Trước đó tôi có đi đái không?
Quên hết.
Chắc là không. Nếu trước đó có đi đái thì nhất định tôi sẽ thấy đau ở vết thương, và bây giờ sẽ nhớ lại. Song tôi không nhớ, vậy là chắc chắn tôi không đái. Có nghĩa là đã khá lâu rồi tôi không đái. Bao nhiêu tiếng rồi?
Thời gian. Đầu tôi lộn xộn như cái chuồng gà lúc sáng sớm. 12 tiếng? 28 tiếng? 32 tiếng? Nước tiểu tôi biến đi đâu? Tôi đã uống bia, Coca, whiskey! Tất cả chảy đi đâu?”
Khoan đã, hình như người ta khâu bụng tôi từ hôm kia, tôi ở bệnh viện hôm kia. Có vẻ như hôm qua là một ngày khác hẳn. Ngày nào? Có gì xảy ra? Tôi không hiểu gì cả. Hôm qua là một khối thời gian chập chờn. Tròn như một củ hành hút no nước và nở phồng lên đến mức khổng lồ. Ở đâu đã xảy ra chuyện gì, ấn vào đây thì sẽ làm sao, không hiểu, chẳng hiểu gì cả.
Tôi đến gần sự việc và lại lùi xa, như trên chiếc đu quay. Hai thằng ấy rạch bụng tôi ra – việc ấy xảy ra lúc nào? Sáng sớm tôi ngồi ở quầy cà phê trong siêu thị - trước đó hay sau đó? Tôi đái lúc nào? Vì sao câu hỏi này không buông tôi ra?
“Kia rồi!”, cô gái reo lên và nắm lấy khuỷu tay tôi. “Cống ngầm! Lối ra!”
Tôi gạt chuyện đi đái qua một bên và chăm chú nhìn vào chỗ tường được cô chĩa đèn pin vào. Một lỗ vuông vức như khung cửa để đổ xà bần, đủ rộng để một người lách qua.
“Trông không như ống cống ngầm”, tôi nói.
“Cống ở phía sau. Lỗ này là nơi vào. Ông ngửi xem! Nước thải đấy!”
Tôi thò đầu qua lỗ hổng và hít. Mùi nước thải quen thuộc, không nghi ngờ gì. Sau khi lần mò qua mê hồn trận trong lòng đất, thậm chí mùi hôi này cũng làm tôi xúc động. Một luồng gió thổi đến, rõ ràng rồi. Nền đất rung lên, và tôi nghe tiếng tàu điện ngầm lướt trên đường sắt tận phía xa xa. Tiếng động kéo dài khoảng mươi, mười lăm giây rồi nhỏ dần như một máy nước được vặn lại từ từ. Nhất định rồi, đây là lối ra.
“Cuối cùng thì mình cũng đến nơi”, cô gái nói và hôn lên gáy tôi. “Ông thấy trong người ra sao?”
“Đừng hỏi thì hơn”, tôi nói. “Tôi không cảm nhận được chính mình.”
Cô chui đầu qua lỗ trước. Sau khi thấy phần mông mềm mại của cô khuất đi, tôi cũng chui theo. Lòng ống chật chội chạy thẳng. Đèn pin của tôi chiếu sáng mông và bắp chân cô. Bắp chân cô làm tôi nhớ đến loại cải thảo Trung Quốc trắng và nhẵn. Váy cô ướt nhẹp, quấn chặt vào đùi.
“Ông còn đó không?”, cô hét.
“Ngay sau cô”, tôi hét lại.
“Ở đây có một cái giày!”
“Giày gì?”
“Một cái giày đàn ông màu đen, giày da.”
Lát sau tôi cũng thấy nó. Một chiếc giày cũ, gót mòn vẹt một bên. Bùn lấm ở mũi giày đã khô cứng và chuyển màu trắng.
“Cô nghĩ là bọn ma đen…”
“Chứ sao nữa”, cô nói.
Vì không thấy gì khác, tôi vừa bò vừa nhìn vào váy cô. Đôi khi nó bị tốc lên cao, để lộ da thịt màu trắng sạch sẽ. Ở khúc đùi mà phụ nữ ngày xưa cài tất giấy vào dây đai. Ngày xưa, trước khi phát minh ra tất quần, giữa tất dài và dây đai cài tất vẫn lộ ra một khúc da đùi.
Làn da trắng của cô làm tôi gợi nhớ đến những ngày xa xưa. Đó là thời của Jimi Hendrix and Cream, của nhóm The Beatles và Otis Redding. Tôi huýt sáo đoạn đầu bài I go to pieces của Peter và Gordon. Một bài hát hay. Hơn đứt Duran Duran. Nhưng có thể tôi chỉ cảm nhận như thế vì đã lớn tuổi rồi. I go to pieces là một bài hát thịnh hành trước đây hơn hai chục năm. Ngày ấy ai mà tiên đoán được khúc khải hoàn của tất quần?
“Sao ông huýt sáo?”, cô hét.
“Không biết. Tự nhiên thôi”, tôi trả lời.
“Bài gì thế?”
“Có lẽ cô chưa nghe thấy lần nào đâu.”
“Ông nói đúng.”
“Một bài nổi tiếng từ khi cô chưa ra đời.”
“Nói về gì?”
“Về một vết thương bục ra.”
“Sao ông lại thích huýt sáo một bài như thế?”
Tôi không nghĩ ra lý do đặc biệt nào. Tự nhiên tôi nhớ đến bài hát đó thôi. “Không biết”, tôi nói.
Trong khi tôi đang tìm một giai điệu khác thì chúng tôi đi đến cống ngầm. Kỳ thực đó chỉ là một ống bê tông dày có đường kính một thước rưỡi, mực nước chừng hai mươi phân. Dọc dòng chảy bám đầy những đám nhờn trông như rêu. Phía đầu kia lại một chuyến tàu nữa lướt qua. Tiếng tàu chạy đã rõ hơn, khá ầm ĩ, có thể nhìn thấy ánh sáng vàng thấp thoáng.
“Tại sao cống ngầm dẫn đến đường tàu?”
“Nói đúng ra đây không phải là cống ngầm”, cô nói. “Ở đây nước mạch bị dẫn đến đường thoát nước của tàu điện ngầm, nhưng nó bẩn vì bị nước thải thẩm thấu vào. Mấy giờ rồi?”
“9 giờ 23”, tôi nói.
Cô rút máy phát sóng khỏi váy và đổi chiếc máy đang hoạt động.
“Còn một đoạn ngắn nữa thôi, nhưng không được khinh suất, ông hiểu không? Ma đen khống chế cả mạng tàu điện ngầm. Ông nhìn thấy chiếc giày rồi chứ?”
“Tôi thấy rồi”, tôi nói.
Chúng tôi đi tiếp theo dọc dòng nước trong ống bê tông. Tiếng lép nhép dưới đế giày cao su giẫm lên nước vọng lại từ thành ống, bị át đi khi có tàu đến hoặc đi khỏi. Chưa bao giờ trong cả đời tôi, tàu điện ngầm làm tôi hạnh phúc đến thế. Nó ầm ĩ và vang vọng như chính cuộc sống, tràn ngập ánh sáng long lanh. Đủ mọi loại người lên tàu, đi làm hay đi chơi, đọc nhật trình hay xem họa báo. Tôi nhớ đến những áp phích quảng cáo sặc sỡ treo trên trần toa ở ngăn ngồi và sơ đồ các tuyến in phía trên cửa. Tuyến Ginza trong sơ đồ bao giờ cũng in màu vàng. Tôi không rõ vì sao, nhưng bao giờ cũng vàng. Nhớ đến tuyến Ginza là tôi thấy màu vàng.
Đến lối ra không còn xa nữa. Người ta bịt bằng cửa sắt, nhưng chấn song kim loại bị phá đủ cho một người chui qua. Ống bê tông đã khơi thông, các thanh kim loại bị tháo mất, chắc chắn là tác phẩm của bọn ma đen. Nhưng lần ngoại lệ này tôi biết ơn chúng. Nếu song sắt còn nguyên vẹn thì tôi sẽ không đi thêm được một bước trong khi đã thấy thế giới ngay trước mũi.
Trước lối ra hình vòm có cột đèn giao thông và một hòm gỗ vuông, chắc để đựng dụng cụ. Giữa các thanh ray là một hàng cột bê tông ám đen đứng thành khoảng cách đều đặn. Những bóng đen ở đó tỏa ánh sáng lờ mờ trong đường hầm nhưng đủ làm mắt tôi đau nhức. Tôi ở dưới lòng đất quá lâu, mắt tôi đã hòa hợp hẳn với bóng đêm.
“Ta đợi ở đây một chốc cho đến khi mắt quen ánh sáng”, cô nói. “Mười đến mười lăm phút là đủ cho ánh đèn yếu ở đây. Sau đó ta đi thêm một đoạn để quen dần với ánh sáng mạnh hơn. Không thì có nguy cơ bị lóa và không nhìn thấy gì nữa. Cho đến lúc đó, ông đừng nhìn vào tàu chạy ngang qua, rõ chưa?”
“Rõ rồi”, tôi nói.
Cô nắm cánh tay tôi dẫn đến một chỗ khô ráo. Chúng tôi ngồi xuống. Cô nắm cánh tay phải tôi bằng cả hai tay như phải dìu tôi.
Một chuyến tàu đến. Chúng tôi cúi gục đầu và nhắm tịt mắt. Đom đóm vàng nhảy múa trên mi mắt một hồi lâu, cho đến khi tiếng ồn váng tai cùng ánh sáng biến mất. Chói đến nỗi nước mắt tôi tuôn ra. Tôi lấy tay áo chùi đi.
“Không lo, sẽ hết ngay thôi”, cô nói. Nước mắt cô cũng trào ra ướt mặt. “Đợi ba, bốn chuyến nữa đi qua thì mắt đủ quen sáng và ta có thể đi sát đến bến đỗ. Bọn ma đen không dám liều mạng tới đó đâu. Và ta ra được bên ngoài.”
“Tôi cảm thấy chuyện này đã có lần xảy ra với tôi rồi”, tôi nói.
“Chuyện gì? Chuyện ngồi đợi trong hầm tàu điện ngầm à?”
“Không, không phải, mà chuyện ánh sáng, lóa đến nỗi tôi trào nước mắt.”
“Ai cũng từng có lần trải qua.”
“Ý tôi không thế. Thứ ánh sáng đặc biệt. Tầm nhìn đặc biệt. Mắt tôi đã quen bóng tối quá lâu và bây giờ không chịu được sáng.”
“Ông còn nhớ gì nữa không?”
“Không, nhớ mỗi chuyện ấy thôi, hết rồi.”
“Chắc đó là ký ức đảo chiều”, cô nói.
Cô dựa vào tôi, áp bên vú phồng lên vào cánh tay tôi. Tôi đang lạnh thấu xương bởi chiếc quần ướt, cả người tôi chỉ có chỗ ấm áp duy nhất là nơi vú cô chạm vào.
“Ông dự định làm gì khi mình ra khỏi đây không? Ông muốn đến đâu, làm gì, gặp người nào nhất định không?”, cô hỏi và liếc nhìn đồng hồ trên tay tôi. “Ông còn hai mươi lăm tiếng và năm mươi phút nữa.”
“Tôi muốn về nhà tắm đã. Và thay đồ. Sau đó có thể đi cắt tóc”, tôi nói.
“Xong rồi vẫn còn thì giờ.”
“Đến lúc ấy tôi sẽ nghĩ tiếp.”
“Tôi có được đi cùng không?”, cô hỏi. “Tôi cũng muốn tắm và thay đồ.”
“Được chứ, tại sao không.”
Chuyến tàu thứ hai về hướng Aoyama Itchome lại gần. Chúng tôi lại cúi xuống và nhắm mắt. Ánh sáng vẫn chói, nhưng nước mắt không ra nhiều nữa.
“Ông không cần cắt tóc”, cô chiếu đèn pin lên đầu tôi và nói. “Vả lại, ông để tóc dài có khi hợp hơn.”
“Tôi không ưa tóc dài.”
“Cũng được, nhưng đúng là ông chưa cần cắt tóc. Ông đến đó lần cuối là bao giờ?”
“Không nhớ”, tôi nói. Đơn giản là tôi quên bẵng đi. Chẳng có gì lạ, thậm chí tôi còn quên lần cuối đi tiểu là bao giờ; những gì xảy ra trước vài tuần thì với tôi là thời đồ đá.
“Ở nhà ông có quần áo gì vừa cỡ tôi không?”
“Tôi không biết. Chắc là không.”
“Không sao. Sẽ ổn thôi”, cô nói. “Ông cần dùng giường không?”
“Giường của tôi?”
“Để ngủ với gái gọi chẳng hạn?”
“Tôi không hẳn đã nghĩ đến chuyện đó”, tôi nói. “Không, tôi không nghĩ là sẽ cần giường.”
“Vậy tôi được phép ngủ ở đó chứ? Trước khi quay về chỗ ông tôi, tôi muốn nghỉ ngơi một chút.”
“Tùy cô. Nhưng bọn ký hiệu sư và Hệ thống có thể đột nhập bất cứ lúc nào. Dạo này tôi là người của công chúng, cô biết rồi đó. Và nhà tôi không có cửa.”
“Tôi không ngại”, cô nói.
Có thể cô ta không ngại chuyện đó thật. Tôi nghĩ. Mỗi người một kiểu.
Chuyến tàu thứ ba từ phía Shibuya sầm sập lao qua. Tôi nhắm mắt và đếm chầm chậm. Đếm đến mười bốn thì toa cuối cùng đi qua. Mắt tôi hầu như không nhức nữa.
Cô thả tay tôi ra và đứng dậy. “Ta đi chứ.”
Tôi cũng nhỏm dậy đi theo cô dọc đường ray về phía Aoyama Itchome.