Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Chương 27

Docsach24.com

uyệt vời”, tôi nói. “Và thật là người ta không thể làm gì được nữa sao? Theo tính toán của ông thì tình hình hiện nay thế nào?”

“Tình hình trong đầu anh?”, giáo sư hỏi.

“Tất nhiên rồi”, tôi nói. Còn tình hình nào nữa! “Sự hủy hoại đã tiến triển đến đâu rồi?”

“Theo tính toán của tôi thì có lẽ tiếp điểm B đã nóng chảy cách đây khoảng sáu tiếng. Tuy nhiên chữ nóng chảy chỉ là một khái niệm tạm bợ, có nghĩa là không nhất thiết một phần não của anh đã bị nóng chảy, mà…”

“Mà bảng mạch thứ hai đã chết và mạch thứ ba đã được định hình, đúng không?”

“Chính xác. Nghĩa là quá trình bắc cầu mà tôi vừa nhắc đến đã hoạt động rồi. Hay nói một cách khác là quá trình sản xuất ký ức. Nếu thể hiện bằng một ẩn dụ thì các ống dẫn lên ý thức hệ bề mặt đã được chỉnh lại cho tương ứng với các biến đổi trong nhà máy voi tiềm thức của anh.”

“Vậy thì”, tôi nói, “cả tiếp điểm A cũng không hoạt động tử tế nữa? Nghĩa là dữ liệu bị rò rỉ từ bảng mạch tiềm thức?”

“Không hẳn thế”, giáo sư nói. “Các ống dẫn đó liên tục tồn tại và không được phép gián đoạn, bất kể ta phát triển thêm bao nhiêu bảng mạch nữa. Nghĩa là ý thức hệ bề mặt của anh – tức bảng mạch thứ nhất – có gốc rễ trong tiềm thức của anh – tức bảng mạch thứ hai. Ống dẫn này là rễ của cây. Không có nó thì não người không hoạt động được. Do đó chúng tôi không đụng chạm vào nó, hay đúng hơn là để lại một cấu trúc tối thiểu để tránh sinh ra rò rỉ hoặc dòng chảy ngược ngoài mong muốn. Tuy nhiên trong trường hợp của anh thì ống dẫn ấy bị hư hại không sao chữa nổi bởi năng lượng phát sinh từ tiếp điểm B bị nóng chảy. Não phản ứng bằng một quá trình bắc cầu.”

“Nghĩa là tôi liên tục và không ngừng sản xuất các ký ức mới?”

“Đúng, nói một cách đơn giản là anh dập khuôn quá trình đó. Vẫn theo nguyên tắc cũ. Quá trình này kéo dài một thời gian nữa, cho đến khi anh cảm nhận thế giới theo các ký ức mới sinh ra.”

“Cảm nhận một thế giới mới?”

“Anh đã hiểu đúng. Anh đang chuẩn bị giai đoạn quá độ đến một thế giới mới đấy. Vì thế mà thế giới anh đang sống sẽ biến đổi từng phần một. Gọi là biến đổi tri giác dần dần. Thế giới của hôm nay và ở đây vẫn tồn tại, nhưng xét về hiện tượng học thì nó chỉ là một trong vô số thế giới. Cường điệu lên thì người ta có thể nói rằng, tùy vào chuyện anh bước chân trái hay chân phải trước thì thế giới đã biến đổi rồi. Vậy thì có gì là lạ nếu nó biến đổi sau khi các ký ức thay đổi.”

“Nghe rất thiên về ngụy biện, nếu ông muốn biết ý tôi”, tôi nói. “và quá trừu tượng. Ngoài ra ông đã bỏ qua yếu tố thời gian. Ông đã đảo lộn thời điểm các sự việc.”

“Không, nghịch lý thời gian ấy chỉ tồn tại trong óc anh”, giáo sư nói. “Anh sản xuất ra ký ức và qua đó tạo nên một thế giới song song của riêng mình.”

“Vậy có nghĩa là thế giới mà tôi sắp có đang từng bước tách rời khỏi thế giới tôi vẫn biết?”

“Tôi chỉ muốn nói là không thể ngoại trừ khả năng đó. Không ai biết được chính xác, lại càng không thể chứng minh được. Tất nhiên tôi không ám chỉ những thế giới song song cực đoan mà các tác giả khoa học giả tưởng hư cấu ra. Tất cả, tôi nhắc lại, chỉ là vấn đề tri giác. Thế giới này có dạng thức như ta lĩnh hội nó. Và cách lĩnh hội đó đang biến đổi trong óc anh, quan điểm của tôi là thế.”

“Sau sự biến đổi đó, tiếp điểm A được bẻ ghi và một thế giới hoàn toàn mới sẽ xuất hiện và tôi sẽ phải sống trong đó, đúng không? Quá trình này không thể đảo ngược, và tôi chỉ có thể bó tay ngồi đợi, đúng không?”

“Chính vậy.”

“Và thế giới ấy tồn tại bao lâu?”

“Vĩnh viễn”, giáo sư nói.

“Tôi không hiểu”, tôi nói. “tại sao lại vĩnh viễn? Thể xác không tồn tại vĩnh viễn. Thể xác chết là não chết. Não chết thì tinh thần cũng chết. Chẳng đúng thế sao?”

“Không. Tư duy tồn tại ngoài thời gian. Đó là sự khác biệt giữa tư duy và mơ mộng. Tư duy có khả năng thâu tóm mọi thứ của khoảnh khắc. Nó cũng có thể trải dài vĩnh viễn. Nó có thể tạo ra một hệ tuần hoàn và lặp lại trong đó sự vô tận. Khác với giấc mơ, nó không thể bị ngắt quãng. Nó có vài điểm chung với cây tăm bách khoa toàn thư.”

“Cây tăm bách khoa toàn thư?”, tôi lặp lại như một tiếng vọng.

“Đây là trò chơi lý thuyết, giống như nghịch lý Zeno. Về lý thuyết thì có thể khắc cả một bộ tự điển bách khoa toàn thư lên một cây tăm xỉa răng. Anh có biết làm thế nào không?”

“Ông nói đi.”

“Rất đơn giản. Anh chuyển hóa các dữ liệu hay bài viết trong tự điển bách khoa thành dạng số, kể cả dấu phẩy. Mỗi chữ cái tương ứng một giá trị trong hai số. A là 01, B là 02, cứ thế. 00 là khoảng trống giữa hai chữ. Anh viết các số đó nối nhau rồi đặt dấu phẩy lên đầu dãy và nhận được một số có đuôi dài dằng dặc sau dấu phẩy, ví dụ 0,1732000631… Số này được đánh dấu lên cây tăm ở vị trí tương ứng. Nếu 0,50000… ở chính giữa thì 0,3333… là vị trí một phần ba kể từ đầu nhọn. Anh vẫn theo kịp chứ?”

“Vâng.”

“Cứ như thế. Mỗi điểm trên cây tăm có thể chứa những chuỗi thông số dài tùy ý anh. Dĩ nhiên chỉ trên lý thuyết, thực tế thì bất khả thi. Với kỹ thuật hiện có, không thể khắc một điểm nhỏ như vậy lên cây tăm. Nhưng hình ảnh đó giúp anh hiểu bản chất của tư duy. Thời gian là độ dài của cây tăm. Lượng dữ liệu khắc lên đó không liên quan đến độ dài của tăm, nó có thể nhiều như ta muốn. Gần như vô tận. Đối với số thập phân tuần hoàn thì đúng là vô tận. Nó không có điểm cuối. Anh hiểu không? Vấn đề ở đây là phần mềm. Phần cứng chẳng dính dáng gì cả. Anh dùng một cây gỗ dài 200 thước hay cả vòng xích đạo cũng như nhau. Thể xác của anh có thể chết và ý thức hệ của anh có thể mất đi, nhưng tư duy của anh sẽ chuyển tiếp mãi mãi khoảnh khắc trực tiếp trước đó. Anh hãy nhớ đến thuyết Koan hay nghịch lý mũi tên bay là đang đứng yên. Cái chết của thể xác là hành động bay của mũi tên. Nó bay trực chỉ về hướng óc anh. Không ai tránh được. Một ngày nào đó ai cũng chết. Thời gian đẩy cho tên bay. Nhưng như tôi đã nói: tư duy chia nhỏ thời gian, chia liên tục. Nghịch lý trở thành sự thực. Mũi tên không bao giờ đến đích.”

“Nói cách khác là”, tôi nói, “sự bất tử.”

“Chính thế. Con người bất tử trong tư duy. Xét về nghiêm ngặt thì không phải, nhưng gần như tiến sát sự bất tử. Đó là cuộc sống vĩnh viễn.”

“Và kỳ thực đó là mục đích công trình nghiên cứu của ông, đúng không?”

“Không phải, hoàn toàn không phải”, giáo sư nói. “Mãi sau này tôi mới nhận thức được điều đó trong khi tiến hành các công trình nghiên cứu nảy sinh từ một mối quan tâm nghiêm túc nhưng thoạt tiên rất nhỏ nhoi. Và tôi đã phát hiện ra rằng con người không đạt được sự bất tử bằng cách kéo dài thời gian, mà bằng cách chia nhỏ nó.”

“Rồi thì ông quyết định đẩy tôi vào thế giới bất tử đó chứ gì?”

“Không, không hề, đó hoàn toàn là một tai nạn. Không hề là chủ ý của tôi. Anh nên tin tôi. Đó là sự thật. Tôi không bao giờ muốn làm những việc tương tự. Nhưng bây giờ nếu anh hành động, nếu muốn thì anh vẫn được lựa chọn. Đây là nước đi cuối cùng của anh.”

“Tôi có thể chọn gì?”

“Anh phải chết ngay bây giờ”, giáo sư lạnh lùng nói. “Anh chết trước khi tiếp điểm A bẻ ghi. Như vậy sẽ không còn gì.”

Không khí im lặng trùm lên tất cả. Giáo sư hắng giọng. Cô gái mũm mĩm thở dài. Tôi lôi chai whiskey ra uống một ngụm. Không ai lên tiếng.

“Thế giới… hừm, thế giới ấy là gì?”, rốt cuộc tôi gắng lên giọng hỏi. “Thế giới của sự bất tử ấy là gì?”

“Như tôi đã nói ban nãy”, giáo sư nói. “Một thế giới yên bình. Thế giới của anh, thế giới tự anh kiến tạo. Ở đó anh được phép là chính mình. Ở đó có tất cả, đồng thời chẳng có gì. Anh có thể hình dung ra một thế giới như thế không?”

“Tôi e là không.”

“Nhưng anh đã vô thức tạo ra nó rồi đấy. Không phải ai cũng làm được. Có những thế giới mâu thuẫn và vô nghĩa, ở đó người ta mãi mãi quờ quạng trong sự hỗn mang, đúng thế, nhưng thế giới của anh khác. Anh hợp với sự bất tử.”

“Bao giờ bắt đầu giai đoạn quá độ sang thế giới ấy?”, cô gái mũm mĩm hỏi.

Giáo sư nhìn đồng hồ đeo trên tay mình. Tôi xem đồng hồ của tôi. 6 giờ 25 phút. Đã hết đêm. Báo đã đưa đến nhà.

“Theo tính toán của tôi”, giáo sư nói, “còn hai mươi chín tiếng và ba mươi lăm phút nữa. Dung sai cho phép là cộng trừ bốn mươi lăm phút. Tôi đặt chương trình vào mười hai giờ trưa cho dễ nhớ. Vậy là mười hai giờ trưa mai.”

Chỉ để cho dễ nhớ thôi ư? Tôi lắc đầu và uống thêm một ngụm whiskey nữa. Nhưng rượu không có tác dụng. Thậm chí không có cả vị whiskey. Dạ dày tôi trơ như đá.

Cô gái đặt tay lên đầu gối tôi. “Bây giờ ông định làm gì?”, cô hỏi.

“Chịu”, tôi nói. “Gì thì gì, tôi muốn ra khỏi đây. Tôi không muốn ngồi dưới này chờ mọi sự xảy ra. Tôi muốn lên trên kia, ra ánh sáng. Các việc khác tôi sẽ nghĩ sau.”

“Tôi đã giải thích đầy đủ cho anh chưa?”, giáo sư hỏi.

“Đủ, cảm ơn ông”, tôi đáp.

“Tôi nghĩ là anh vẫn giận tôi?”

“Vâng”, tôi nói, “nhưng giận dỗi có ích gì cho tôi nữa đâu? Vả lại chuyện này điên rồ đến nỗi tôi chưa hiểu được thấu đáo. Có lẽ sau này tôi sẽ giận điên lên, song lúc đó tôi đã chết ở thế giới này rồi.”

“Thực ra tôi không có ý định giải thích cho anh biết kỹ đến mức ấy”, giáo sư nói. “Những chuyện ấy lẽ ra nên trôi qua trước khi người ta biết thì hơn. Về mặt tâm lý có thể như thế sẽ nhẹ nhàng hơn. Nhưng anh chớ quên: anh không chết, anh chỉ mất ý thức mãi mãi.”

“Có gì khác đâu?”, tôi nói. “Nhưng thôi, trước sau thì tôi cũng muốn biết mọi chuyện. Vì dù sao đó cũng là cuộc đời tôi. Tôi không muốn người ta bẻ ghi mà không cho tôi biết. Tôi tự quyết định vận mạng mình. Đường ra ở đâu, thưa ông?”

“Đường ra nào?”

“Đường ra khỏi đây, ra ánh mặt trời.”

“Đi khá dài và đi sát qua ổ ma đen. Anh vẫn muốn đi chứ?”

“Không sao. Từ lúc này trở đi không có nhiều thứ khiến tôi sợ nữa.”

“Được”, giáo sư nói. “Anh đi xuống núi cho đến bờ nước. Bây giờ chắc nước đã lặng. Anh có thể bơi qua dễ dàng. Anh cứ bơi thẳng hướng tây nam. Tôi sẽ lấy đèn pin chỉ hướng cho anh. Nếu anh đúng hướng, ở bờ bên kia anh sẽ thấy một lối nhỏ xuyên qua vách đá, cao hơn mực nước một chút. Nó đưa anh đến cống ngầm và đi tiếp đến khi thấy đường ray, đó là đường tàu điện ngầm.”

“Tàu điện ngầm?”

“Đúng thế, tuyến Ginza, gần đúng giữa đoạn nối từ Gaienmae đến Aoyama Itchome.”

“Tại sao lại có đường nối tới tàu điện ngầm?”

“Vì bọn ma đen chế ngự toàn bộ mạng lưới tàu điện ngầm. Có thể ban ngày thì không nhưng đêm đến thì chúng tung hoành trong đường hầm như ở nhà mình. Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo đã giúp lũ đó bành trướng phạm vi hoạt động đáng kể. Tựa như người ta xây đường giao thông cho chúng vậy. Đôi khi chúng tấn công và ăn thịt cả công nhân đường sắt.”

“Tại sao dư luận không biết gì cả?”

“Nếu tin này loan ra thì không thể hình dung nổi hậu quả! Ai còn muốn làm việc dưới tàu điện ngầm nữa? Nhà chức trách tất nhiên biết, họ tìm cách đối phó, đắp tường dày thêm, bịt kín các lỗ hổng, tăng cường chiếu sáng. Nhưng không cản được lũ ma đen. Chỉ qua một đêm là chúng đục thủng tường, dây cáp điện bị chúng cắt đứt trong nháy mắt.”

“Nếu chỗ tôi chui ra ở giữa chặng Gaienmae và Aoyama Itchome thì hiện nay ta đang ở đâu?”

“Ở đâu đó phía dưới miếu thờ Meiji, hướng Omotesando. Chính tôi cũng không biết thật chính xác. Dù sao thì cũng chỉ có một đường ra. Khá hẹp và lắt léo, tốn thời gian, nhưng người ta không thể đi lạc được. Từ đây, trước tiên anh đi về hướng Sendagaya. Anh nhớ là ổ ma đen nằm một đoạn trước sân vận động quốc gia. Ở đó đường quẹo qua trái và đi tiếp về phía sân bóng chày, từ đó qua triển lãm nghệ thuật và đại lộ Aoyama tới ga Ginza. Anh mất chừng hai tiếng để tới lối ra. Rõ cả chưa?”

“Rõ.”

“Đến ổ ma đen anh nhớ đi nhanh qua, lần chần ở đó là mang họa đấy. Và chú ý tàu điện ngầm! Ở đó có đường dây điện cao thế và tàu đi qua liên tục. Đang vào giờ cao điểm. Gian khổ lắm mới ra đến đó mà lại bị tàu chẹt thì không hay lắm!”

“Tôi sẽ chú ý”, tôi nói. “Còn ông làm gì?”

“Chân tôi bị sái. Mà có ra đến ngoài đó thì Hệ thống và bọn ký hiệu sư cũng đang săn lùng tôi. Tôi sẽ ở lại đây một thời gian. Không ai mò đến đây. Nhờ anh mà tôi đã có chút thực phẩm. Tôi ăn không nhiều, chỗ này đủ cho tôi ba, bốn ngày”, giáo sư bình tĩnh nói. “Anh đi đi, không cần lo cho tôi.”

“Hai cái máy phát tín hiệu đuổi ma đen thì sao? Tôi cần cả hai khi đi đường, ông sẽ không còn cái nào!”

“Anh cho cháu tôi đi cùng”, giáo sư nói. “Nó sẽ quay lại và đón tôi sau.”

“Cháu sẽ làm đúng lời ông”, cô gái nói.

“Nếu cô gái có chuyện gì thì sao? Nếu bọn ma đen bắt được cô ấy?”

“Bọn nó không bắt tôi đâu”, cô nói.

“Không lo”, giáo sư nói. “So với tuổi thì nó rất cứng cỏi. Tôi tin nó. Vả lại không phải là tôi bất lực khi có hoạn nạn. Có pin, nước và mấy mẩu kim loại nhỏ là có thể lắp được một chiếc máy đuổi ma đen. Tuy thô sơ và không hiệu quả lắm nhưng tôi thông thạo dưới này, nhờ chiếc máy tạm thời ấy tôi có thể khống chế chúng được. Trên đường đến đây tôi có rắc mấy mẩu kim loại nhỏ, anh có nhìn thấy không? Bọn ma đen ngán thứ đó lắm. Nhưng chúng chỉ có tác dụng chừng mười lăm, hai mươi phút thôi.”

“Ông ám chỉ mấy cái kẹp ghim giấy?”, tôi hỏi.

“Đúng thế. Ghim giấy cực kỳ hữu hiệu. Rẻ tiền, chiếm ít chỗ, dễ nhiễm từ và uốn thành hình. Người ta có thể xâu thành dây chuyền đeo cổ. Ghim giấy là tốt nhất.”

Tôi thọc tay vào túi áo gió và đưa ông một nắm. “Đủ chưa?”

“Trời ạ”, giáo sư kinh ngạc reo lên. “Gãi đúng chỗ ngứa! Quả thật là tôi đã rắc quá nhiều trên đường và bây giờ lo không còn đủ. Cảm ơn, anh là người rất nhạy bén.”

“Chúng cháu phải đi thôi ông ạ”, cô cháu gái nói. “Không còn nhiều thì giờ nữa.”

“Cẩn trọng và nhanh chân nhé”, giáo sư nói. “Và đừng để bị bọn ma đen cắn, ha ha ha.”

“Cháu sẽ quay lại sớm với ông”, cô cháu nói và hôn lên trán ông.

Giáo sư quay sang tôi nhắc lại: “Tôi vô cùng xin lỗi vì sự tiến triển đến nước này. Nếu được thì tôi rất muốn thế chỗ cho anh. Tôi đã sống một cuộc đời thỏa mãn và đầy đủ, nay có thể ra đi không luyến tiếc. Nhưng đối với anh thì sự ra đi có lẽ quá sớm. Chắc chắn anh còn nhiều công việc dang dở ở thế giới này.”

Một sự mất mát lớn mà tôi sẽ không bao giờ biết được, có lẽ thế chăng? Tôi im lặng không nói gì.

“Nhưng anh không có gì phải sợ”, giáo sư nói giọng triết luận. “Cái đang đợi anh không phải là cái chết, mà là cuộc sống vĩnh cửu. Và anh sẽ là chính anh. So với thế giới ấy thì thế giới của chúng ta ở đây chỉ là cái vỏ rỗng. Anh chớ quên điều đó!”

“Ta đi thôi”, cô gái nói và kéo tay tôi.