Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Chương 25

Docsach24.com

o với cầu thang xoáy ốc thì leo lên bằng thừng quả là dễ chịu. Cứ ba chục phân lại có một nút thắt, và bản thân sợi thừng cũng vừa tầm tay. Tôi nắm cả hai tay, đu đưa một lúc và tận dụng đà để leo lên từng chặng. Giống như ở rạp xiếc, tuy rằng ở đó dĩ nhiên không ai thắt nút vào thừng vì làm thế khán giả sẽ coi thường tiết mục biểu diễn.

Thỉnh thoảng tôi nhìn lên trên nhưng không thể ước lượng được khoảng cách vì bị ánh sáng chiếu thẳng xuống làm chói mắt. Cô gái chú ý quan sát tôi trong suốt thời gian, có lẽ cô lo cho tôi. Vết thương ở bụng lại nhói lên từng nhịp. Thêm vào đó, đầu tôi vẫn đau sau cú ngã. Không đau đến nỗi không trèo được, nhưng vẫn là đau.

Lên gần đến đỉnh, ánh đèn của cô chiếu đủ sáng vào tôi và khoảng xung quanh. Đó là một ý định tốt, song nó cản trở tôi. Vì tôi đã chuẩn bị tinh thần để leo lên trong bóng tối nên ánh sáng làm tôi loạn nhịp. Đơn giản là không thể đo được khoảng cánh giữa sáng và tối. Các khoảng sáng như lồi lên còn chỗ tối thì lõm hẳn xuống.

Chừng sáu, bảy chục nút thừng thì tôi lên tới đỉnh. Tôi chống cả hai tay vào rìa đá để rướn lên như một người bơi đến thành bể. Tôi cố hết sức vì hai cánh tay đã bại đi như phải bơi mấy cây số. Cô gái nắm thắt lưng tôi kéo lên.

“Vừa vặn kịp”, cô nói. “Chậm vài phút nữa là mình tiêu rồi.”

“Tuyệt vời”, tôi nói, nằm sõng soài ra nền đá phẳng và hít mấy hơi thật sâu. “Quá tuyệt vời. Nước dâng đến đâu rồi?”

Cô gái đặt đèn pin xuống đất và kéo thừng lên. Đến nút thứ ba mươi cô ấn sợi thừng vào tay tôi. Nó ướt nhoẹt. Mực nước khá cao. Quả thực là gấp gáp nếu chúng tôi chậm mấy phút nữa mới vớ được sợi thừng.

“Cô đã tìm được ông cô chưa?”, tôi hỏi.

“Tất nhiên”, cô nói. “Ông ở trong điện thờ đằng kia. Nhưng ông tôi bị sái chân vì sa vào một hố trên đường đi.”

“Và còn lê được đến đây với cái chân sái?”

“Vâng, ông tôi rất sung sức.”

“Tôi cũng thấy thế”, tôi nói.

“Ta đi thôi. Ông tôi đợi. Ông nói là có nhiều chuyện cần kể với ông.”

“Tôi cũng thế.”

Tôi đeo ba lô và để cô dẫn đến điện thờ. Thực ra nó chỉ là một cái hang ăn sâu vào vách đá, rộng như một căn phòng cỡ lớn. Trong một ngách hang có ngọn đèn đốt khí tỏa ánh sáng vàng liu riu. Vách đá lồi lõm tạo ra vô số bóng đen kỳ dị. Giáo sư ngồi cạnh ngọn đèn, trùm lên người một tấm mền. Mặt ông chìm một nửa vào bóng tối. Trông có vẻ như hố mắt ông lõm sâu hơn, nhưng kỳ thực ông già rất sinh động và tỉnh táo.

“Kìa, có vẻ như mọi người vừa vặn thoát nạn thì phải”, giọng ông vui vẻ. “Tôi biết là sẽ có nước dâng lên, nhưng tôi tính là cả hai người đến đây sớm hơn nên không lo lắng gì cả.”

“Cháu bị lạc trong thành phố ông ạ”, cô gái mũm mĩm nói. “Vì vậy chúng cháu mất gần trọn một ngày.”

“Không sao, không sao”, giáo sư nói. “Sớm hơn hay muộn hơn thì bây giờ cũng không có gì khác nhau nữa.”

“Cái gì không khác nhau nữa ạ?”, tôi hỏi.

“Những chuyện phức tạp ta sẽ bàn sau, được không? Anh ngồi xuống đi. Trước tiên phải gỡ hết vắt ở cổ anh đi đã, không thì sẽ bị sẹo.”

Tôi ngồi gần ông giáo sư. Cô cháu gái ngồi xuống cạnh tôi, lấy diêm trong túi ra và đốt cho rụng những con vắt bám ở cổ tôi. Những con vắt đã hút no máu và phồng to như nút chai. Lửa diêm nóng làm chúng phát tiếng xèo xèo. Chúng rơi xuống đất và quằn quại ở đó cho đến khi bị cô lấy giày thể thao di nát. Da tôi xót như bị bỏng, tôi có cảm giác nếu lắc đầu mạnh là lớp da sẽ toác ra như một quả cà chua chín rục. Thêm một tuần như thế này thì có thể dùng ảnh chụp các vết thương của tôi để minh họa cho cả một cuốn sách giáo khoa y học. Hoặc làm một tấm áp phích màu, mỗi vết thương là một ảnh nhỏ, giống như áp phích về nấm chân mà người ta vẫn treo ở hiệu thuốc. Bụng bị rạch, đầu sưng u, da bị vắt hút máu thành vệt, lại còn thêm một ví dụ nhỏ về rối loạn cương dương nữa chứ.

“Hai người có đem theo thứ gì ăn được không đấy?”, giáo sư hỏi. “Tôi lên đường quá cập rập nên không đem được nhiều thứ theo. Từ hôm qua tôi toàn ăn sô cô la.”

Tôi mở ba lô lấy đồ hộp, bánh mì và bi đông nước ra, đưa hết cho ông, kèm cả dao mở hộp.

Trước tiên ông khoan khoái uống một ngụm nước, rồi ông lần lượt ngắm nghía từng hộp đồ ăn một, tựa như chọn mùa nho ngon nhất trong một loạt chai rượu vang. Rốt cuộc ông mở hộp đào và hộp thịt bò muối.

“Hai người có muốn ăn không?”, giáo sư hỏi. Chúng tôi cảm ơn và từ chối. Trong hoàn cảnh này và vào thời điểm này chúng tôi không thấy ngon miệng gì hết.

Ông giáo sư bẻ bánh mì, đặt một lát thịt bò dày lên và nhai một cách khoái trá. Sau đó ông ăn vài quả đào và nâng hộp lên húp nước đào. Trong khi ông ăn, tôi lấy chai rượu dẹp ra nhấp hai, ba ngụm. Lập tức người tôi phấn chấn, các vết đau đỡ hẳn. Không phải chúng dịu đi, mà rượu đã làm tê dây thần kinh, khiến các vết thương như tách hẳn khỏi người tôi để tồn tại biệt lập.

“Được lắm, hai người đã đến đúng lúc”, ông giáo sư cảm ơn tôi. “Thường ngày tôi vẫn có đồ dự trữ ở đây, đủ ăn vài hôm, nhưng lần này tôi quên lấy bù thêm vào. Một sai lầm không thể tha thứ được! Lâu lâu không có gì xảy ra là người ta mất tính cẩn trọng. Đây là một bài học cho tôi. Anh biết người xưa vẫn nói: khi ánh mặt trời xuyên qua mái nhà thì hãy dọi kín, phòng khi mưa. Ha ha ha.”

“Giờ thì ông ăn xong rồi”, tôi nói. “Ta có một vài chuyện cần đem ra bàn. Theo đúng thứ tự từ đầu đến giờ. Ông đã có ý định gì? Và ông đã thực thi chuyện gì? Kết quả ra sao? Vai trò của tôi trong đó là gì? Đề nghị ông kể hết cho tôi biết!”

“Tôi nghĩ là sẽ tương đối đi sâu vào chuyên môn”, ông ngập ngừng nói.

“Được, vậy thì ông giải thích một cách dễ hiểu. Tôi chỉ muốn biết đại ý và việc gì cụ thể cần làm.”

“Nếu tôi kể tuột hết ra thì có thể anh sẽ rất giận tôi…”

“Tôi sẽ không giận”, tôi nói. “Vì giận bây giờ phỏng có ích gì?”

“Trước tiên tôi phải xin anh thứ lỗi”, giáo sư nói. “Tôi đã lừa gạt và lợi dụng anh, cho dù với lý do khoa học, và qua đó đẩy anh vào tình thế khốn đốn này. Tôi không phải nhận lỗi làm lệ, mà rất hối hận. Nhưng anh nên hiểu là công trình nghiên cứu của tôi có một ý nghĩa và giá trị vô cùng trọng đại. Các nhà khoa học khi đã bập vào một mạch tri trức thường quên hết mọi chuyện bên lề. Nhưng cũng chính vì thế mà khoa học luôn phát triển, không ngừng nghỉ. Nói một cách cường điệu thì khoa học sống bằng động cơ trong trắng ấy… à, mà anh có đọc Aristotles không nhỉ?”

“Hầu như không”, tôi nói. “Tôi hiểu động cơ trong trắng khi ông nghiên cứu khoa học. Nhưng ông đi vào trọng tâm đi.”

“Xin lỗi. Tôi chỉ muốn nói rằng sự trong trắng ấy đôi khi có thể đem lại tác hại cho con người. Giống như các hiện tượng thiên nhiên gây tác hại cho con người vậy. Những ngọn núi lửa vùi cả thành phố dưới lớp nham thạch nóng chảy, lũ lụt cuốn trôi nhiều sinh mạng, động đất triệt hạ nhà cửa – nhưng liệu có thể vì thế mà nói rằng những hiện tượng thiên nhiên ấy về bản chất là độc ác…”

“Kìa ông!”, cô gái mũm mĩm xen vào. “Ta có nhiều thời gian cho những giải thích vòng vèo đó không?”

“Cháu nói đúng, bé con ạ, cháu nói đúng”, giáo sư nói và dịu dàng vuốt lên tay cô cháu. “Ờ, tôi bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi không ưa tiếp cận sự việc theo kiểu trực chỉ và độc đạo, tôi phải giải thích mọi chuyện ra sao bây giờ?”

“Ông đã đưa tôi các số liệu để xáo trộn, đúng không ạ? Chuyện đó có ý nghĩa gì?”

“Để giải thích, tôi phải đi ngược lại ba năm về trước.”

“Vâng, ông cứ làm đi!”

“Hồi đó tôi làm việc trong trung tâm nghiên cứu của Hệ thống. Tuy nhiên không phải là nhân viên khoa học cơ hữu, mà có thể gọi là chuyên viên ngoại vi đặc biệt. Tôi có bốn hay năm nhân viên dưới quyền, một cơ sở được trang bị tối ưu và ngân khoản không hạn chế. Tôi không quan tâm chuyện tiền nong và ghét làm việc bị lệ thuộc, song Hệ thống cung cấp một cơ sở thí nghiệm phong phú khó có thể tìm được ở nơi khác. Các điều kiện thẩm định kết quả nghiên cứu trong thực tế đã khiến tôi bị hấp dẫn và không cưỡng lại nổi. Ngày ấy Hệ thống đang lâm vào một tình thế khó khăn. Thực tế là các chương trình xáo trộn để bảo vệ dữ liệu mà họ thiết kế ra đều bị bọn ký hiệu sư bẻ khóa hết. Mỗi lần Hệ thống nâng cấp các phương pháp của mình thì bọn ký hiệu sư cũng đua theo vòng xoáy với những ký thuật mã hóa phức tạp hơn. Như một kiểu thi nhau dựng hàng rào: một người dựng hàng rào quanh nhà mình và hàng xóm dựng hàng rào cao hơn. Một lúc nào đó hàng rào cao đến mức mất mọi ý nghĩa thực dụng. Nhưng không vì thế mà ai nhường nhịn ai. Ai nhịn là thua. Ai thua là ra rìa. Vậy là Hệ thống quyết định phát triển kỹ thuật xáo dữ liệu dựa trên một nguyên tắc khác hẳn. Một kỹ thuật đơn giản nhưng không bẻ khóa được. Và họ cử tôi lãnh đạo nhóm nghiên cứu đó.

Họ đã chọn đúng. Ngày đó – và tất nhiên cho đến tận hôm nay – trong lĩnh vực sinh lý học thần kinh tôi là nhà khoa học có khả năng nhất và say mê nhất. Tuy bị cộng đồng khoa học lờ đi vì tôi không bao giờ làm mấy trò vớ vẩn như công bố kết quả nghiên cứu hoặc báo cáo tại các hội nghị, nhưng kiến thức của tôi về não bộ con người thì không ai theo kịp. Hệ thống biết rõ, chính vì vậy họ gọi tôi. Họ muốn có một cấu trúc hoàn toàn mới. Không nâng cấp các kỹ thuật sẵn có, không phức tạp hóa, mà biến đổi triệt để cấu trúc từ tận gốc rễ, hoàn toàn mới. Những nhà khoa học từ sáng đến tối đánh vật với các bài viết ngớ ngẩn trong phòng làm việc của trường đại học hoặc đong đếm tiền lương của mình sẽ không bao giờ lọt vào vòng ngắm của họ. Một nhà khoa học thực sự sáng tạo phải có tính độc lập.”

“Chẳng phải bước chân vào Hệ thống thì ông đã từ bỏ sự độc lập của mình hay sao”, tôi hỏi.

“Chính thế, chính thế”, giáo sư nói. “Anh hoàn toàn có lý. Đó là một bước sai. Tôi không hối hận, nhưng đó là một bước sai. Tôi không định thanh minh, anh nên hiểu cho đúng – tôi chỉ muốn biến lý thuyết của mình thành thực tiễn bằng được. Lý thuyết ấy đã nằm xong xuôi trong đầu tôi, nhưng tôi không có điều kiện thẩm định nó trong thực tế. Đó là một nhược điểm trong sinh lý não bộ của con người, ta không thể đem nó ra làm thí nghiệm trên động vật một cách đơn giản như các sinh lý khác. Xét về cách tiếp cận tâm lý tiềm thức hay kỹ thuật ghi nhớ thì cấu trúc của óc khỉ chưa có độ phức tạp như óc người.”

“Có nghĩa là ông đã dùng chúng tôi làm những con khỉ thí nghiệm?”

“Gượm đã, đừng có nhảy cóc đến kết luận như vậy. Trước tiên tôi muốn giải thích lý thuyết của mình một cách dễ hiểu. Trong lĩnh vực mã hóa người ta có một quan điểm chung là không có mật mã nào không thể bị bẻ khóa. Quan điểm đó đúng. Nó đúng vì mã nào cũng lấy một nguyên tắc nhất định làm cơ sở. Và một nguyên tắc, bất kể phức tạp và tinh vi đến mức nào, cũng là một dạng thức tâm lý để có thể nhiều người chia sẻ và hiểu được. Do đó ai hiểu được nguyên tắc này thì cũng bẻ được khóa. Ký thuật mã hóa đáng tin cậy nhất là hệ thống so chữ - hệ thống này lập mã và giải mã bằng cách sử dụng một số chữ nhất định trong các trang và dòng nhất định của một quyển sách mà hai người sử dụng cùng nó. Những mật mã này chỉ hiệu nghiệm chừng nào người ta không biết đó là quyển sách nào. Những người sử dụng luôn phải có quyển sách đó trong tầm tay, rủi ro khá lớn.

Đây là khởi điểm cho suy nghĩ của tôi. Chỉ có một cách để tạo ra mật mã không ai phá nổi: làm biến dạng dữ liệu trên cơ sở một hệ thống cho đến khi không ai hiểu nổi. Nói một cách khác là việc biến dạng dữ liệu phải diễn ra trong một hộp đen hoàn hảo, và phục hồi nguyên dạng cũng vậy. Ngay người lập mã cũng không được biết nội dung và nguyên lý của hộp đen. Người lập mã và người giải mã được phép sử dụng hộp đen mặc dù không hiểu nó. Và do chính họ không hiểu nên chẳng ai bẻ được khóa ấy. Có đúng là hoàn hảo không?”

“Hộp đen đó chính là tiềm thức?”

“Chính xác. Anh để tôi giải thích tiếp. Mỗi hành vi của con người diễn ra đều dựa trên các nguyên tắc đặc thù cá thể. Không có hai người giống nhau như một. Tóm lại là ta nói đến vấn đề bản thể. Bản thể là gì? Bản thể là tính cá thể của cấu trúc tư duy sinh ra bởi các trải nghiệm thu thập. Nói đơn giản là, đó là tâm hồn, là trái tim của con người. Mỗi người có một trái tim khác nhau, không có hai trái tim giống nhau. Tuy nhiên con người hầu như không hiểu được cấu trúc tâm lý của mình. Tôi cũng thế, và anh cũng chẳng khác. Cái mà chúng ta hiểu được hay tưởng rằng hiểu được thì cùng lắm chỉ là năm đến bảy phần trăm của cấu trúc đó. Còn ít hơn hình ảnh quen thuộc mà ta vẫn gọi là chóp nhọn của núi băng. Ta hãy thí nghiệm với một câu hỏi đơn giản: anh là người dũng cảm hay hèn nhát?”

“Tôi không biết”, tôi trả lời thành thực. “Thỉnh thoảng dũng cảm, thỉnh thoảng hèn nhát. Không thể nói một cách tuyệt đối.”

“Cấu trúc tâm lý cũng giống hệt như vậy. Chẳng có gì tuyệt đối cả. Tùy theo tình thế và nhu cầu mà anh chọn một cách bất giác và hầu như ngay tắp lự một điểm nào đó nằm giữa hai thái cực dũng cảm và hèn nhát. Sơ đồ nội tâm của anh chính xác như vậy. Nhưng anh hầu như không hiểu gì về nội dung và cơ cấu của sơ đồ ấy. Anh cũng chẳng cần hiểu làm gì. Anh hành động như chính anh, đâu cần phải hiểu tại sao. Đó là quan niệm của tôi về hộp đen. Trong óc chúng ta có một cái gọi là nghĩa địa voi khổng lồ mà chưa người nào đặt chân tới, đó là miền đất lạ cuối cùng của nhân loại – trừ vũ trụ.

Không, nghĩa địa voi không phải là danh từ chính xác. Vì ở đó không tàng chứa những ký ức chết. Có lẽ gọi đúng hơn là nhà máy voi. Ở đó có hằng hà sa số các con chip ký ức và kiến thức được phân loại và kết nối thành các dây phức hợp và sau đó bện thành các bó phức hợp để tạo nên mọi hệ thống. Quả thực nên gọi đó là một nhà máy. Một nhà máy sản xuất. Giám đốc nhà máy đó là anh. Nhưng tiếc là anh không vào tham quan nhà máy được. Muốn thâm nhập vào đó anh cần một dược liệu đặc biệt, như Alice ở xứ sở diệu kỳ vậy. Lewis Carroll quả đã cho ra một tác phẩm bậc thầy.”

“Vậy là mọi hành xử của ta được quyết định bởi những mệnh lệnh từ nhà máy voi đó hay sao?”

“Chính thế”, ông già nói. “Nghĩa là…”

“Khoan đã”, tôi ngắt lời ông. “Tôi có một câu hỏi.”

“Cứ việc, cứ việc.”

“Về cơ bản thì tôi đã hiểu. Nhưng hành xử không thể thực sự bị quyết định đến tận cùng các hành vi diễn ra ở bề mặt ngoài cùng. Khi ăn bánh mì buổi sáng, tôi uống kèm sữa, cà phê hay trà thì chỉ phụ thuộc vào tâm trạng tức thời thôi chứ?”

“Thật vậy”, giáo sư nói và gật đầu. “Tiềm thức tuân thủ một sự biến đổi thường trực, đó là một vấn đề nữa. Nói như một ẩn dụ, nó là cuốn tự điển bách khoa toàn thư mà mỗi ngày ra một ấn bản có hiệu đính. Đó là hai vấn đề cần được khắc phục khi ta muốn ổn định tâm thức của người.”

“Vấn đề?”, tôi nói. “Sao lại gọi là vấn đề? Chẳng phải đó là hành xử hoàn toàn bình thường của con người hay sao?”

“Từ từ, từ từ đã nào”, giáo sư xoa dịu. “Cứ thế này thì ta sa vào lạch thần học mất. Tiền định và định mệnh. Mọi hành vi của con người đều được Thượng đế quyết định trước, hay con người quyết định hành vi theo ý chí riêng? Trong thời hiện đại, các nhà khoa học nhấn mạnh tính bột phát sinh lý của con người. Dù vậy chưa ai tìm được câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi, ý chí tự do là gì. Vì sao? Vì chưa ai hiểu được bí mật của nhà máy voi trong chúng ta. Freud và Jung đã nêu ra nhiều lý thuyết, song nói cho cùng cũng chỉ là các trình bày mang tính khái niệm không hơn không kém. Chúng chỉ tạo ra một dịp để bàn về các hiện tượng đó mà thôi. Vấn đề đã đơn giản đi, đồng ý, nhưng qua đó có hiểu được bản chất sự bột phát của con người không? Hoàn toàn không. Theo tôi, người ta chỉ tráng lên môn tâm lý học một lớp màu kinh viện mà thôi.”

Đến đây giáo sư lại phá lên một tràng cười sang sảng. Cô bé và tôi kiên nhẫn đợi đến lúc ông cười xong.

“Về bản chất, tôi là người thực dụng”, giáo sư tiếp lời. “Như lời người xưa nói, cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar, đừng mó máy vào làm gì. Lý luận siêu hình nói cho cùng chỉ là tán gẫu kiểu triệu chứng học. Trước khi mê đắm vào nó thì hãy làm cho xong núi công việc đang chờ ta ở những lĩnh vực cụ thể đi đã. Chẳng hạn như vấn đề hộp đen của chúng ta. Hãy coi cái hộp là một cái hộp và tận dụng nó như một cái hộp là đủ lắm rồi. Nhưng muốn thế”, giáo sư giơ ngón trỏ lên, “ta phải giải quyết hai vấn đề mà tôi vừa nêu lên. Vấn đề thứ nhất là tính ngẫu nhiên của các hành vi diễn ra ở bề mặt ngoài cùng, vấn đề kia là sự biến đổi của hộp đen xảy ra sau mỗi trải nghiệm mới. Đây không phải là chuyện đơn giản. Đúng như anh nói, đây là hành động hoàn toàn thường nhật của con người. Con người thu thập kinh nghiệm suốt cuộc đời, từng phút, từng giây một. Gạt bỏ việc đó chẳng khác gì ký vào bản án tử hình của mình.

Dù vậy, theo giả thuyết của tôi, sẽ có gì xảy ra khi hộp đen của một người được ghi nhớ vào một thời điểm nhất định? Sau đó có thay đổi gì khác cũng được. Trạng thái được ghi nhớ của hộp đen tại thời điểm đó là một trạng thái bền vững và có thể gọi ra bất cứ lúc nào. Một bức ảnh chụp vào thời điểm cố định.”

“Khoan đã”, tôi nói. “Giống như cấy vào người một ý thức hệ thứ hai, đúng không ạ?”

“Đúng thế, đúng thế”, ông già nói. “Anh nói rất đúng. Anh là một người nhanh trí. Tôi vẫn biết thế. Cấu trúc A vẫn liên tục tồn tại, trong khi trên một bình diện khác nó liên tục biến thành A’, A’’, A’’’, vân vân. Người ta đút một cái đồng hồ chết vào túi quần bên phải, một đồng hồ khác đang chạy vào túi trái. Đại khái thế. Muốn xem đồng hồ nào vào lúc nào thì tùy. Đó là cách giải quyết vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai cũng được thanh toán theo cùng nguyên tắc. Ta chỉ cần triệt tiêu các lựa chọn mở của ý thức hệ nguyên thủy A trên bề mặt ngoài cùng. Anh hiểu chứ?”

Không, tôi chẳng hiểu gì cả.

“Ta tách bỏ bề mặt ngoài cùng, như nha sĩ cạo men răng đi vậy. Chỉ chừa lại những nhân tố cơ bản, những gì ta cần, nghĩa là cốt lõi của ý thức hệ. Khi đó sẽ không thể phạm lỗi lầm nào nữa. Ta cố định cấu trúc tâm lý đó và quẳng vào két sắt. Xong. Đó là dạng thô của kỹ thuật xáo dữ liệu. Lý thuyết của tôi lúc bước chân vào Hệ thống là thế.”

“Vậy thì phải mổ óc ra.”

“Không tránh được”, giáo sư nói. “Trong tương lai có thể một ngày nào đó người ta không cần phẫu thuật nữa. Có thể người ta thông qua một phẫu thuật ngoại vi, một dạng thôi miên, để đạt mục đích mong muốn. Nhưng trình độ hiện tại chưa cho phép. Bộ não vẫn còn được kích thích bằng điện. Nói cách khác là các bảng mạch phải được chỉnh đổi bởi bàn tay người. Không có gì lạ. Nó cũng tương tự như kỹ thuật chuẩn đang được áp dụng để chữa chứng động kinh vì lý do tâm lý. Người ta cắt các dây thần kinh đại não bị lệch luồng và – hừm, tôi có nên bỏ các chi tiết chuyên môn đi không?”

“Có lẽ thế”, tôi nói. “Chỉ các ý chính là đủ.”

“Nói ngắn gọn, người ta tạo ra các điểm nối cho dòng thần kinh. Như tiếp điểm của đường ray. Cấy vào đó các đèn cực và pin cực nhỏ. Mỗi khi có tín hiệu là bẻ ghi.”

“Nghĩa là tôi có các điện cực và pin cực nhỏ trong não?”

“Dĩ nhiên.”

“Giỏi”, tôi nói. “Giỏi thật đấy.”

“Cũng không có gì ghê gớm và tồi tệ như anh tưởng tượng ra đâu. Mấy thứ đó không lớn hơn hạt đậu xanh, thiếu gì người mang máy điều hòa nhịp tim hay những thứ tương tự trong cơ thể. Tuy nhiên, có một điểm mà tôi phải nhắc đến. Các mạch dẫn của cấu trúc tâm lý nguyên thủy, nghĩa là của chiếc đồng hồ đang chạy, đều là mạch chết. Nếu anh kích vào đó thì sẽ không có hiệu quả gì. Nói cách khác là anh sẽ không biết mình nghĩ gì hay làm gì. Bắt buộc phải làm thế, vì nếu không sẽ sinh ra nguy cơ là anh tự thay đổi cấu trúc.”

“Ngoài ra có vấn đề gì bởi phát xạ hay phát quang của lõi ý thức hệ từ bề mặt không? Một cộng tác viên của ông có nói về chuyện đó sau khi tôi được phẫu thuật. Việc phát quang có thể gây ảnh hưởng đến não.”

“Đúng vậy. Về điểm này thì có nhiều quan niệm khác nhau. Chỉ có thể phỏng đoán. Do chưa có thí nghiệm nào trước đó nên người ta chỉ đoán mò mà thôi.”

“Anh vừa nói đến dùng người làm khỉ thí nghiệm – thực sự là chúng tôi có làm vài thí nghiệm trên người. Chúng tôi không thể áp dụng ngay vào các toán sư như anh, vì các anh là tài sản lớn. Hệ thống đã lựa ra mười người để chúng tôi phẫu thuật và quan sát diễn biến.”

“Những người đó là ai?”

“Họ không cho chúng tôi biết. Nói chung đó là các thanh niên khỏe mạnh. Họ không có bệnh tâm thần và phải có chỉ số thông minh từ 120 trở lên, đó là điều kiện. Chúng tôi không rõ họ là ai và từ đâu đến. Kết quả rất khả quan. Các đoạn bẻ ghi hoạt động tốt ở bảy trong số mười người. Ở ba người có vấn đề, có thể vì cấu trúc tâm lý bị hạn chế vào một hệ thống duy nhất, hoặc có hiện tượng tư duy bất đồng nhất. Nhưng số bảy là một kết quả chấp nhận được.”

“Chuyện gì xảy ra với những người tư duy bất đồng nhất?”

“Chúng tôi khôi phục lại trạng thái ban đầu. Không ai bị tổn hại gì. Ở bảy người còn lại thì trong quá trình tập huấn tiếp theo có một vấn đề mang tính chất kỹ thuật hoặc cá nhân. Một vấn đề là mật mã để bẻ ghi bị trục trặc. Thoạt tiên chúng tôi dùng chuỗi năm số bất kỳ làm mật mã, nhưng một số người thí nghiệm bị lỗi mạch khi họ ngửi nước nho nguyên chất. Tôi không rõ tại sao. Hiện tượng này xảy ra khi họ uống nước nho trong bữa ăn trưa.”

Cô gái mũm mĩm bên cạnh tôi cười khúc khích, nhưng tôi chẳng thấy có gì khôi hài cả. Sau cuộc phẫu thuật và tập huấn trộn số, rất nhiều thứ mùi làm tôi bối rối. Ví dụ như nước hoa có hương dưa bở của cô gái khiến tôi tưởng là nghe thấy âm thanh trong đầu. Nếu mùi này mùi kia gây ra lỗi mạch trong nhận thức thì quả là một thảm họa!

“Chúng tôi tìm ra giải pháp là đệm giữa các số bằng sóng âm thanh đặc biệt. Phản ứng với một số mùi giống như phản ứng với mật mã. Một vấn đề nữa là cấu trúc nguyên thủy của một số người thí nghiệm không hoạt động chính xác nữa. Chúng tôi nghiên cứu kỹ hiện tượng ấy và rút ra kết luận rằng lõi ý thức hệ của những người ấy ngay từ đầu đã quá mỏng manh và bất ổn định về chất lượng. Những thanh niên đó khỏe mạnh và thông minh, nhưng bản thể tâm lý của họ không định hình, họ không có cá tính mạnh. Ngược lại, cũng có khi tính tự chủ kém. Có bản thể tâm lý, nhưng cơ cấu của nó không phát triển đủ mạnh để sử dụng được trong chuyện này. Tóm lại, người ta không thể phẫu thuật một người bất kỳ và dạy họ xáo dữ liệu được, mà phải có tố chất tương thích.

Cuối cùng còn lại ba ứng viên. Ở ba người này, hễ có tín hiệu mật mã là bẻ ghi, cấu trúc tâm lý nguyên thủy được cố định cũng hoạt động tốt, có thể dùng được. Sau một tháng làm thêm một số thí nghiệm chúng tôi được bật đèn xanh.”

“Để tìm ứng viên xáo dữ liệu?”

“Đúng thế. Chúng tôi thẩm định và phỏng vấn trực tiếp gần năm trăm toán sư để cuối cùng lựa chọn được hai mươi sáu đàn ông có tâm lý vững vàng, ngoài ra còn biết chế ngự hành vi và cảm xúc, cơ thể khỏe mạnh và chưa bao giờ phải điều trị tâm thần. Quá trình tuyển chọn vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Nói cho cùng là nhiều điểm không thể tìm ra được qua sát hạch và phỏng vấn. Sau đó Hệ thống lập hồ sơ cá nhân chi tiết của từng người trong hai mươi sáu ứng viên đó, ghi rõ mọi chi tiết về cá nhân, xuất xứ, khả năng học vấn, gia đình, đời sống tình dục, thói quen ăn uống, tóm lại là đủ mọi thứ. Họ thuộc các anh như lòng bàn tay. Vậy nên tôi biết rõ anh như chính mình vậy.”

“Có một điều tôi không hiểu được”, tôi nói. “Như tôi được nghe kể lại thì các lõi ý thức hệ hay hộp đen của chúng tôi được bảo quản ở thư viện của Hệ thống. Họ làm chuyện đó ra sao?”

“Chúng tôi lần theo đến tận hang cùng ngõ hẻm trong cấu trúc tư duy của các anh, mô phỏng chúng và giữ lại như một ngân hàng dữ liệu trung ương. Nếu không thì chúng tôi sẽ bó tay nếu có chuyện gì đó xảy ra với các anh. Một dạng bảo hiểm.”

“Mô phỏng có hoàn hảo không?”

“Không, dĩ nhiên là không được hoàn hảo, nhưng bóc tách trơn tru được lớp vỏ ngoài đã đơn giản hóa mọi chuyện, nhờ vậy mà mô hình mô phỏng hoạt động gần đạt tới mức hoàn hảo. Về chi tiết thì mô hình này bao gồm ba hệ tọa độ hai chiều và một ảnh giao thoa laser. Tất nhiên không thể sử dụng một máy tính bình thường để tạo ra, nhưng thế hệ máy tính bây giờ có những nguyên tố gần giống một nhà máy voi và có thể tiếp cận những cấu trúc tâm lý phức hợp như vậy. Nói một cách khác thì vấn đề là làm sao cố định được sơ đồ cấu trúc, song tôi sẽ không đủ thì giờ để giải thích. Để cho dễ hiểu, người ta theo dõi các quá trình tâm lý như sau: trước tiên các hình mẫu của dòng chảy trong não do anh tạo ra được liên tục đưa vào máy tính. Giữa các hình mẫu đó có sự khác biệt rất tinh ti, vì anh luôn liên tục tráo các con chip trong dây thần kinh và các dây trong cùng bó dây. Một vài quá trình hoán đổi diễn ra ở quy mô có thể đo được, các quá trình khác thì không. Máy tính phân biệt điều đó. Nó bỏ các quá trình không đo được, còn các quá trình đo được thì nó ghi lại là hình mẫu cơ bản. Việc này được máy tính lập đi lập lại liên tục, với đơn vị đo là hàng triệu. Giống như các lớp chất dẻo dán đè lên nhau và ngày càng dày thêm. Nếu không có gì để bổ sung nữa thì máy tính đúc kết các hình mẫu thu thập được thành hộp đen.”

“Sao chép lại bộ não?”

“Không, não không sao chép được. Tôi chỉ cố định hệ thống nhận thức của anh trên bình diện hiện tượng học mà thôi. Đó là cấu trúc tâm lý ở một thời điểm nhất định. Trước sự linh hoạt của não quy chiếu vào thời gian tính thì ta chỉ còn cách đầu hàng. Tuy nhiên tôi đã tiến được thêm một bước: tôi đã thành công khi hiển thị được hộp đen của anh trên máy tính.” Giáo sư nhìn tôi và cô cháu gái mũm mĩm của mình với ánh mắt mong đợi. “Hiển thị được cốt lõi ý thức hệ của anh! Một việc chưa ai từng làm được – vì từng được coi là bất khả thi. Tôi đã làm được. Anh nghĩ là tôi đã làm như thế nào?”

“Tôi làm sao biết được.”

“Tôi đã đưa đồ vật cho những người tham gia thí nghiệm xem, phân tích các phản ứng điện tử trong óc họ, số hóa các giá trị đó rồi biến thành điểm chấm. Thoạt tiên tôi chỉ nhận được các hình phác họa sơ sài, nhưng nếu liên tục cân bằng và bổ sung thì rốt cuộc cũng có trên màn hình máy tính hình ảnh của các đồ vật như người tham gia thí nghiệm đã nhìn thấy chúng. Không lời nào tả xiết sự gian nan và kiên trì để làm việc ấy. Nhưng đại thể là như tôi vừa miêu tả. Sau khi lặp đi lặp lại vô số lần, cuối cùng thì máy tính cũng nhận ra các hình mẫu và tự động dựa vào các phản ứng của dòng điện trong não để tạo ra hình ảnh. Máy tính quả là những tạo vật đáng yêu. Khi người ta ra lệnh cho nó có logic thì nó cũng làm việc một cách logic.

Bước kế tiếp là tôi cho các dữ liệu hộp đen của anh vào máy tính đã có sẵn các hình mẫu. Và quả thật nó thể hiện lõi ý thức hệ thành hình ảnh, rất xuất sắc. Dĩ nhiên đó chỉ là các mảnh rời rạc và hỗn độn, ở trạng thái thô này không có ý nghĩa gì hết. Phải hệ thống hóa chúng lại, như người ta ghép các hình ảnh thành một bộ phim, một câu chuyện có đầu có đuôi.”

“Một câu chuyện?”

“Có gì kỳ lạ lắm đâu”, giáo sư nói. “Các nhạc sĩ giỏi chuyển ý thức thành âm nhạc, họa sĩ chuyển thành màu, và nhà văn thành câu chuyện. Cùng một nguyên tắc cả thôi. Đương nhiên trong việc này có sự chệch choạc, không phải chi tiết nào cũng theo dõi được chính xác, nhưng về đại thể đó là phương thức nắm bắt được ý thức một cách hữu hiệu. Khi quan sát một loạt hình ảnh sắp xếp hỗn loạn, cho dù mỗi hình ảnh mang tính chính xác thì người ta sẽ không nắm được nội dung. Không nhất thiết mọi thứ đều phải chính xác. Việc thể hiện này tôi làm vì mục đích cá nhân, gọi là thú vui cũng được.”

“Thú vui?”

“Ngày xưa, hồi trước chiến tranh, tôi làm trợ lý cắt cảnh bên điện ảnh. Những việc ấy là sở trường của tôi. Ý tôi định nói là sắp xếp các cảnh hỗn loạn. Tôi chui về phòng thí nghiệm và cắt ghép một mình, không cần các cộng tác viên khác. Tôi tin rằng không ai biết tôi làm gì. Tôi giấu những dữ liệu được hiện hình như của riêng và đem về nhà. Chúng là của tôi.”

“Ông đã hiện hình tất cả hai mươi sáu cấu trúc não bộ?”

“Phải. Tất cả. Mỗi người tôi đánh dấu một tên, đồng thời cũng là tên hộp đen. Tên của anh là ‘Tận cùng thế giới’ phải không?”

“Chính xác. ‘Tận cùng thế giới’. Nhưng lý do tại sao? Thú thực là cái tên này luôn làm tôi ngạc nhiên.”

“Ta sẽ bàn chuyện đó sau”, giáo sư nói. “Dù sao chăng nữa thì không người nào biết đến việc hiện hình thành công cấu trúc của hai mươi sáu não bộ. Và tôi cũng chẳng kể cho ai hay. Tôi không muốn công trình nghiên cứu này dính dáng đến Hệ thống. Tôi đã hoàn thành mỹ mãn dự án mà Hệ thống giao cho, và tôi được phép tiến hành các thí nghiệm cần thiết trên người. Tiếp tục tiến hành các nghiên cứu khác để tạo lợi nhuận cho người khác thì tôi không khoái. Tôi muốn trở lại vị trí một nhà khoa học tự do, lúc thì quan sát vấn đề này, lúc thì xem vấn đề khác. Tôi không phải kiểu người chỉ biết hiến thân cho một nhiệm vụ. Tôi phải bắt tay vào nhiều việc cùng một lúc, đó là tạng người tôi. Nhưng là nhân viên phụ thuộc vào chủ thì khó lắm. Do đó tôi báo với Hệ thống là tôi thôi việc – công việc khoa học đã xong, nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất, phần còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật. Hệ thống không muốn nhả tôi ra. Tôi biết quá nhiều. Họ nghĩ rằng ở giai đoạn đó, nếu tôi chạy sang với bọn Nhà máy thì các hoạch định xáo dữ liệu sẽ là bong bóng xà phòng. Đối với Hệ thống, ai không là bạn nghĩa là thù. Họ đề nghị tôi đợi thêm ba tháng. Tôi được phép rảnh tay nghiên cứu ở đó, không cần làm việc gì cho Hệ thống, họ sẽ phát lương bổng đặc biệt, vân vân. Ba tháng sau, khi thời hạn bảo vệ tối mật chấm dứt thì tôi có thể ra đi. Tôi muốn tự do, không chịu được xiềng xích, nhưng các điều kiện họ mời không đến nỗi tôi. Vì vậy tôi ở thêm ba tháng nữa, làm việc này việc nọ và nghỉ ngơi thoải mái.

Nhưng nhàn cư vi bất thiện. Nhiều thì giờ rảnh khiến tôi nảy ra ý định ghép thêm một bảng mạch nữa vào các anh – những người tham gia thí nghiệm. Trong bảng mạch này tôi cấy thêm lõi ý thức hệ do tôi cắt ghép được.”

“Nhưng để làm gì cơ?”

“Thứ nhất là để xem nó có hiệu quả gì đối với người tham gia thí nghiệm. Tôi muốn biết một ý thức hệ do người lạ cắt ghép và sắp xếp hoạt động ra sao. Đây là một trường hợp chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người. Và dự định thứ hai của tôi – tất nhiên chỉ là một tác dụng phụ - một khi Hệ thống đã cho phép tôi muốn làm gì tùy thích thì tôi sẽ hiểu câu đó theo đúng nghĩa đen và làm những gì tôi thích. Tôi định cấy thêm ít nhất một chức năng mà Hệ thống không hề biết.”

“Đó là động cơ duy nhất của ông hay sao?”, tôi hỏi. “Chỉ vì thế mà ông nghí ngoáy trong não chúng tôi và đặt thêm vài đường ray cho cái tàu hỏa đồ chơi của ông?”

“Anh có quyền nghĩ thế, và tôi rất xấu hổ. Tôi xấu hổ không lời nào tả xiết. Tôi không rõ anh có hiểu không, nhưng trí tò mò khoa học khó bị kiềm chế dễ dàng. Tất nhiên tôi phản đối những thí nghiệm trên người và sinh vật sống mà các nghiên cứu nhân chủng học cộng tác với bọn Nazi đã tiến hành ở trại tập trung, nhưng đồng thời tôi cũng tự vấn trong lương tâm, tại sao khi đã làm các thí nghiệm đó người ta không làm cho khéo hơn và hữu hiệu hơn. Các nhà khoa học lấy cơ thể người làm đối tượng nghiên cứu đều nghĩ như vậy. Vả lại công việc của tôi không bao giờ làm tổn hại đến sinh mạng nào. Tôi chỉ cộng một vào hai cho thành ba. Tôi thay đổi bảng mạch một chút, nhưng qua đó không gây thêm áp lực cho não. Tôi lấy những chữ cái đã có sẵn để lắp thành một khối mới, không làm gì hơn.”

“Sự thật là ngoài tôi ra, các ứng viên khác trong dự án xáo dữ liệu đều chết cả. Tại sao?”

“Tôi không biết”, ông nói. “Trong hai mươi sáu ứng viên được chuẩn bị cho hệ thống xáo dữ liệu, hai mươi lăm người đã chết, đúng thế. Tất cả cùng chết một kiểu, hệt như đúc một khuôn. Họ lên giường, ngủ thiếp đi và không tỉnh dậy nữa.”

“Vậy thì tôi sẽ ra sao?”, tôi hỏi. “Có thể mai cũng đến lượt tôi.”

“Chuyện không đơn giản như vậy”, giáo sư nói và ngọ nguậy dưới tấm mền. “Thời điểm chết tập trung vào nửa năm. Trong khoảng tháng thứ mười bốn và hai mươi sau khi phẫu thuật. Tất cả hai mươi lăm người đều chết trong nửa năm đó. Trái lại thì anh vẫn xáo được dữ liệu mà không thấy tác hại nào, đến nay đã được ba mươi chín tháng. Có nghĩa là anh có một cơ địa đặc biệt mà những người khác không có.”

“Ông nói vậy nghĩa là sao, đặc biệt theo nghĩa nào?”

“Từ từ đã nào. Sau khi phẫu thuật anh có thấy xuất hiện một số triệu chứng khó hiểu không? Ảo giác, ù tai, ngất, hay tương tự thế?”

“Không”, tôi nói. “Không có những triệu chứng ấy. Tôi nghĩ là từ đó tôi phản ứng nhạy hơn với một số mùi nhất định. Chủ yếu là mùi trái cây.”

“Những người kia cũng vậy. Hương vị một số trái cây tác động vào bảng mạch đã được cấy trong não. Tôi không biết nguyên nhân, nhưng đó là sự thật. Anh không bị ngất, ù tai hay ảo giác chứ?”

“Không”, tôi đáp.

“Ra thế.” Giáo sư ngẫm nghĩ một hồi. “Anh còn nhận ra điều gì nữa không?”

“Tôi cũng vừa nhận ra một điều. Ý tôi là một số ký ức đã bị lãng quên, nay xuất hiện trở lại. Thoạt tiên chỉ là các nét thoáng qua, không khiến tôi để ý lắm, nhưng lúc này nó hiện ra rõ rệt và trụ lại lâu hơn. Nguyên do chắc chắn là tiếng nước gầm. Song đó không phải ảo giác, mà là ký ức, chắc chắn như vậy.”

“Không, không phải ký ức”, giáo sư phủ định. “Anh tưởng là ký ức, nhưng kỳ thực là những cầu nối nhân tạo do chính anh tạo ra. Giữa cấu trúc nhân cách nguyên thủy của anh và ý thức hệ do tôi cấy ghép dĩ nhiên là có những điểm vênh, và anh muốn san bằng điểm vênh ấy, như thể để công nhận chúng tồn tại.”

“Tôi không hiểu. Chuyện đó chưa hề xảy ra ở tôi, tại sao vào thời điểm này?”

“Vì tôi đã bẻ ghi và cho chạy bảng mạch thứ ba”, giáo sư nói. “Nhưng ta hãy đi theo đúng thứ tự. Như thế sẽ dễ kể hơn, và anh sẽ hiểu câu chuyện rõ hơn.”

Tôi lôi chai whiskey ra uống một ngụm. Cam đoan lại sắp đến một chuyện khủng khiếp nữa.

“Sau cái chết của tám ứng viên đầu tiên, Hệ thống gọi tôi đến. Tôi phải tìm nguyên nhân tử vong. Thú thực là tôi không muốn dây dưa gì với Hệ thống nữa, song nói cho cùng thì kỹ thuật này do tôi làm, và khi động đến tính mạng người thì tôi không thể từ chối được. Vậy là trước tiên tôi đến để lấy thông tin. Họ miêu tả bối cảnh khi chết và cho tôi xem báo cáo xét nghiệm tử thi. Cả tám người, như tôi vừa nói, chết giống nhau, không rõ nguyên nhân. Cơ thể và óc không cho thấy dấu vết vũ lực, hô hấp cứ thế nhẹ nhàng chấm dứt. Tựa như bị đánh thuốc mê vậy. Trên khuôn mặt họ không thấy dấu vết vật lộn.”

“Ông có xác định được nguyên nhân tử vong không?”

“Không. Dĩ nhiên người ta có thể đoán này đoán nọ và đưa ra giả thuyết. Khi tám toán sư được huấn luyện để xáo trộn dữ liệu lần lượt chết thì không thể coi đó là tình cờ được. Phải có biện pháp. Đó là nghĩa vụ của người làm khoa học. Phỏng đoán của tôi như sau: hoặc là một tiếp điểm bị lỏng, tắt hay hỏng đã hủy hoại hệ thống não bộ, các chức năng lão không chịu đựng nổi năng lượng được giải tỏa. Hoặc bộ phận cấy vào vẫn tốt, vậy thì vấn đề phải nằm ở lõi ý thức hệ được kích hoạt trong một thời gian rất ngắn không cần thiết để xáo dữ liệu, và sự kích hoạt ấy quá sức chịu đựng của não người.” Giáo sư kéo chăn lên tận cằm và ngừng một lát mới tiếp lời: “Tôi thì phỏng đoán như vậy. Không nhất thiết là đúng. Nhưng khi ta quan sát toàn bộ tình thế thì hai nguyên nhân ấy có xác suất lớn nhất, thậm chí đồng thời cả hai.”

“Khám nghiệm não không đem lại kết quả nào?”

“Não không phải là cái máy nướng bánh mì hay máy giặt. Người ta không thấy dây điện, không thấy công tắc. Nếu có gì thay đổi thì đó là các dòng chảy vô hình trong não, khám nghiệm các tiếp điểm sau khi chết chẳng có ích gì. Có thể theo dõi các trục trặc khi não còn sống, đúng, nhưng chết rồi là hết. Có thấy thì chỉ thấy tổn thương hoặc ung bướu, nhưng ở họ không có. Tất cả đều nguyên vẹn.

Vì vậy chúng tôi gọi mười người trong số tham gia thí nghiệm còn sống đến phòng thí nghiệm để khám lại lần nữa. Chúng tôi làm điện não đồ, bật đi bật lại giữa các cấu trúc tư duy để tin chắc là các tiếp điểm hoạt động tốt. Chúng tôi trò chuyện chi tiết, hỏi xem họ có vấn đề về cơ thể hay thần kinh, vấn đề về thính giác hay ảo giác – hoàn toàn không. Không có gì đáng phải lo ngại. Tất cả khỏe mạnh, tất cả xáo dữ liệu ổn thỏa. Chúng tôi đoán là ở tám toán sư bị chết đã có sẵn lỗi não bộ, không thích hợp với công tác xáo dữ liệu. Không rõ đó là lỗi gì, nhưng chắc chắn sẽ nghiên cứu ra, chỉ cần giải quyết vấn đề này trước khi giải phẫu thế hệ xáo dữ liệu thứ hai.

Đó chính là sai lầm. Tháng sau có thêm năm người nữa chết, trong đó có ba người vừa được chúng tôi khám nghiệm kỹ lưỡng. Những người mà trước đó đã được chúng tôi chăm sóc theo đúng mọi quy tắc của y tế và cho rằng khỏe mạnh. Quả là một cú sốc. Một nửa trong số hai mươi sáu người tham gia thí nghiệm đã chết mà nguyên nhân không thể tìm ra. Đây không phải là chuyện tương thích hay không nữa, mà là vấn đề sống còn. Nói một cách khác, ý tưởng bật tắt giữa hai ý thức hệ khác nhau đã là chuyện bất khả thi cho não bộ ngay từ đầu. Tôi đề nghị Hệ thống ngừng ngay dự án. Chấm dứt việc xáo dữ liệu và lấy ra các thứ đã cấy vào những người tham gia thí nghiệm còn sống. Bằng không sẽ phải tính đến khả năng cả hai mươi sáu người sẽ chết. Hệ thống không tin, và bác bỏ đề nghị của tôi.”

“Vì sao?”

“Hệ thống xáo dữ liệu hoạt động xuất sắc, nay không thể đột ngột chấm dứt, vì tất cả sẽ bị đình trệ. Thêm vào đó không ai biết chắc là cả hai mươi sáu người sẽ chết, và nếu có ai sống sót thì đó sẽ là nguồn tài liệu nghiên cứu thích hợp cho các nghiên cứu tiếp tục. Lập tức tôi từ bỏ họ.”

“Và tôi là người duy nhất sống sót?”

“Đúng thế.”

Tôi đựa đầu vào vách đá sau lưng, nhìn đăm đăm lên trần và xoa tay lên những sợi râu lởm chởm. Lần cuối tôi cạo râu là bao giờ? Tôi không nhớ nữa. Trông tôi chắc phát khiếp.

“Vì sao tôi không chết?”

“Tôi cũng chỉ có một giả thuyết”, giáo sư nói. “Giả thuyết dựa trên một giả thuyết. Nhưng linh cảm nói với tôi rằng tôi không đoán sai lắm. Có lẽ là anh đã luôn luôn dùng một tư duy kép. Tất nhiên là dùng một cách vô thức. Vô thức và bất giác anh đã chia đôi cấu trúc nhân cách của mình. Cho phép tôi dùng lại hình ảnh vừa rồi: anh đã luôn có một cái đồng hồ trong túi quần trái và cái nữa trong túi phải, tiếp điểm đã có sẵn, và anh được miễn dịch về tâm lý. Đó là giả thuyết của tôi.”

“Có dấu hiệu gì chứng minh không?”

“Có chứ. Trong hai, ba tháng vừa rồi tôi đã xem lại tất cả hai mươi sáu hộp đen được hiện hình, tức là hai mươi sáu cấu trúc tư duy. Và tôi nhận thấy rằng hộp đen của anh có cấu trúc mạch lạc nhất, không bị đứt gãy, và có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Tóm lại, hộp đen của anh hoàn hảo. Nó có thể là một tiểu thuyết hay một cuốn phim chỉn chu. Ở hai mươi lăm người kia thì không thế. Chúng hỗn độn, tối tăm, tan tác, ngay cả khi được cắt ghép cũng thiếu mối liên hệ và khó hiểu. Chẳng hơn gì những giấc mơ được nối với nhau. Hộp đen của anh hoàn toàn khác. Nó khác biệt như bức tranh của một nghệ sĩ hội họa so với một đứa trẻ vẽ.

Tôi cứ băn khoăn mãi về lý do và cho rằng chỉ có một lời giải: tự anh đã can thiệp vào và thiết kế. Vì vậy mà trong đống tranh ảnh thu thập có một cấu trúc mạch lạc phi thường. Lại nói một lần nữa bằng hình ảnh: anh đã xâm nhập vào nhà máy voi trong tiềm thức của mình và tự tạo ra một con voi. Dĩ nhiên là không ý thức được điều đó.”

“Tôi thật khó tin chuyện đó”, tôi nói.

“Tôi nghĩ là có nhiều nguyên nhân”, giáo sư nói. “Các trải nghiệm thời thơ ấu, môi trường gia đình, sự khách quan hóa cái Tôi quá mức, ý thức tội lỗi… ở anh chủ yếu là xu hướng tự cô lập mình một cách cực đoan. Không đúng thế sao?”

“Có thể đúng”, tôi nói. “Giả sử mọi phỏng đoán đều đúng, sẽ có gì xảy ra?”

“Chẳng có gì cả. Nếu người ta để cho anh yên thân thì anh sẽ sống trăm tuổi. Nhưng có vài lý do để tin là người ta không để anh yên. Trong cuộc chiến tranh dữ liệu này, bất kể anh muốn hay không, nhưng anh đã giữ một vị trí then chốt. Sắp tới Hệ thống sẽ phát động một dự án kế tiếp mà anh là mô hình. Họ sẽ phân tích anh kỹ lưỡng, tháo anh ra thành từng mảnh nhỏ. Cụ thể họ sẽ làm gì thì tôi không rõ, nhưng sẽ không hay ho gì lắm cho anh đâu. Chuyện đó thì tôi chắc chắn, cho dù tôi là một người khá xa dời thực tế. Bằng cách nào đó, tôi muốn cứu anh.”

“Tuyệt quá”, tôi rên lên. “Ông đanh định cứu tôi bằng cách tẩy chay dự án ấy phải không?”

“Tôi đã nói mấy lần rồi: tôi không thích bán rẻ các công trình nghiên cứu của mình. Ngoài ra tôi không muốn tham gia một dự án mà không biết nó có thể lấy đi tính mạng bao nhiêu người. Trong vụ này tôi đã học được mấy điều. Tôi ngán tận cổ, vì vậy tôi đã xây phòng thí nghiệm dưới lòng đất và tránh giao tiếp với mọi người. Chỉ mình Hệ thống thôi còn tạm được, nhưng giờ đây bọn Nhà máy cũng muốn lôi kéo tôi. Đơn giản là những tổ chức khổng lồ như vậy không hợp với tôi. Họ là những người chỉ nghĩ đến mình trước tiên.”

“Vì sao ông nhọc nhằn nhiều như vậy vì tôi? Vì sao ông ngụy tạo lý do để gọi tôi đến?”

“Tôi muốn thẩm định giả thuyết của mình trước khi bọn Hệ thống hay Nhà máy tóm được anh. Nếu tôi chứng minh được giả thuyết đó là đúng thì có thể anh sẽ được yên thân. Trong các số liệu mà tôi đưa anh tính có mật mã để cập nhật bảng mạch thứ ba. Nói cách khác là sau khi chuyển sang ý thức hệ thứ hai anh đã đẩy công tắc thêm một nấc nữa và tính toán trong hệ thống thứ ba.”

“Hệ thống thứ ba là hệ thống do ông cắt ghép và làm cho hiện hình phải không?”

“Chính xác”, giáo sư gật đầu.

“Tại sao nó giúp ông xác thực giả thuyết của mình?”

“Ta nói đến các điểm vênh. Anh đã vô thức nắm được lõi ý thức hệ của mình. Do đó khi dùng ý thức hệ thứ hai không xảy ra vấn đề gì. Nhưng bảng mạch thứ ba là hệ thống do tôi cắt ghép, do đó khi sử dụng nhất định sẽ có điểm vênh. Các điểm vênh sẽ gây ra phản ứng nào đó ở anh, và tôi muốn đo chúng. Lẽ ra kết quả sẽ cho anh khả năng đánh giá được bản chất, cường độ và điều kiện lệ thuộc của những điều giấu kín trong ý thức hệ của mình một cách chính xác hơn.”

“Lẽ ra?”

“Chính xác. Lẽ ra là thế. Giờ thì mọi chuyện đã qua. Bọn ký hiệu sư đã bắt tay với bọn ma đen để đập nát phòng thí nghiệm của tôi. Tài liệu mất hết rồi. Sau khi bọn chúng đi khỏi, tôi quay về phòng thí nghiệm lần nữa để xem lại cho chắc. Những tài liệu thực sự quan trọng không còn nữa, mất sạch. Tôi không thể xác định được các điểm vênh nữa. Thậm chí bọn chúng còn lấy đi hết các hộp đen được hiện hình.”

“Mọi chuyện ấy liên quan gì đến tận cùng thế giới?”, tôi nói.

“Nói chính xác không phải thế giới nơi ta đang sống sẽ tàn lụi, không phải thế giới ta vẫn biết, mà là thế giới trong ai đó sẽ tàn lụi.”

“Tôi không hiểu”, tôi nói.

“Tóm lại là mọi chuyện xoay quanh lõi ý thức hệ của anh. Trong ý thức hệ của anh, anh đã dự tính đến lúc tận cùng thế giới. Tại sao điều đó khắc sâu vào tâm thức của anh, tôi không rõ. Nhưng sự thực là thế. Tận cùng thế giới trong óc anh. Nói đảo lại thì ý thức hệ của anh sống trong tận cùng thế giới. Trong thế giới ấy hầu như thiếu mọi thứ mà ta có trong thế giới này. Không có thời gian lẫn không gian dãn nở, không có sự sống lẫn cái chết, không có giá trị thực sự và cái Tôi thực sự. Bản thể của con người ở đó bị súc vật khống chế.”

“Súc vật?”

“Thú một sừng”, giáo sư nói. “Ở thành phố của anh có thú một sừng.”

“Chúng có liên quan gì đến chiếc đầu lâu thú một sừng mà ông gửi cho tôi không?”

“Đó là một phiên bản do tôi làm ra. Rất giống, anh có thấy thế không? Tôi đã tạo ra nó theo tưởng tượng hiện hình của anh, một việc tương đối khó nhọc. Bản thân chiếc đầu lâu không có ý nghĩa gì, tôi làm nó chỉ vì quan tâm đến giải phẫu học. Quà tặng cho anh.”

“Từ từ”, tôi nói. “Trong tiềm thức của tôi có một thế giới như vậy, thôi được, tôi hiểu rồi. Ông đã cho thế giới ấy hiện hình rõ rệt hơn và cấy vào não tôi dưới dạng bảng mạch thứ ba. Sau đó ông dùng mật mã để kích hoạt nó, gắn nó vào ý thức hệ của tôi và sai tôi xáo dữ liệu. Tôi hiểu đến đây như thế có đúng không?”

“Rất đúng.”

“Sau khi xáo hết dữ liệu, mạch tự động đóng, và ý thức hệ của tôi quay lại với bảng mạch nguyên thủy thứ nhất.”

“Sai”, giáo sư nói và gãi sau gáy. “Thế thì đã không có vấn đề gì. Nhưng mạch thứ ba không tự động đóng.”

“Nghĩa là nó luôn luôn mở?”

“Đúng, có thể nói như thế.”

“Nhưng hiện tại tôi tư duy và hành động theo bảng mạch thứ nhất!”

“Vì mạch thứ hai bị khóa. Anh xem đồ thị này thì biết”, giáo sư vừa nói vừa rút sổ tay và bút bi trong túi ra vẽ một đồ thị và đưa tôi.

Docsach24.com

“Đây là tình trạng bình thường của anh. Tiếp điểm A nằm ở đầu vào 1, tiếp điểm B nằm ở đầu vào 2. Nhưng hiện nay tình hình như thế này.” Giáo sư vẽ tiếp một đồ thị mới.

Docsach24.com

“Anh thấy không? Tiếp điểm B nằm ở mạch thứ ba, do đó tiếp điểm A tự động bật sang đầu vào 1. Vì vậy anh có thể tư duy và hành động theo bảng mạch thứ nhất. Song chỉ tạm thời thôi. Tiếp điểm B sẽ chuyển nhanh sang bảng mạch số 2. Vì mạch 3 không hoàn toàn là anh. Nếu không làm gì cả thì tiếp điểm B sẽ cháy bởi năng lượng lệch dòng, anh sẽ liên tục ở mạch 3, các dòng chảy của nó được tiếp điểm A bẻ hướng về điểm 2 khiến chính tiếp điểm đó bị cháy. Để tránh chuyện đó, lẽ ra ta phải đo được năng lượng lệch dòng và khôi phục lại trạng thái ban đầu.”

“Lẽ ra?”

“Tôi không thể làm được nữa. Như tôi vừa nói, bọn chó má ấy đã đến phá phòng thí nghiệm của tôi và lấy đi mọi tài liệu quan trọng. Rất tiếc, nhưng tôi không thể giúp anh được nữa.”

“Có nghĩa là tôi vĩnh viễn bị giam ở bảng mạch thứ ba và không bao giờ quay trở lại được nữa?”

“Thế đấy. Anh sẽ sống nơi tận cùng thế giới. Rất đáng tiếc.”

“Ông lấy làm tiếc à”, tôi sửng sốt. “Và ông cho thế là xong việc hay sao? Ông lấy làm tiếc! Nói câu ấy thì dễ nhưng còn tôi sẽ ra sao? Chính ông đã khởi đầu mọi việc. Đây không phải trò chơi, mà là cuộc sống của tôi!”

“Tôi nằm mơ cũng không tin được chuyện này xảy ra. Tôi nằm mơ cũng không tưởng tượng được bọn ký hiệu sư liên kết với ma đen. Chúng biết là tôi đang nghiên cứu gì đó và đánh úp tôi để tìm ra bí mật của kỹ thuật xáo dữ liệu. Giờ thì nhất định Hệ thống đã biết tin. Đối với họ, cả anh lẫn tôi đều là con dao hai lưỡi. Anh có hiểu không? Họ nghĩ là hai chúng ta vạch âm mưu gì đó chống lại lợi ích của Hệ thống. Và bọn ký hiệu sư đang theo đuổi vụ này. Bọn ký hiệu sư đã tung tin đó cho Hệ thống biết. Vì lý do bảo mật, họ sẽ trừ khử chúng ta, ngay cả khi phải hy sinh kỹ thuật xáo dữ liệu. Nói cho cùng thì chúng ta đã qua mặt Hệ thống. Chúng ta là hai nhân vật chính trong hoạch định xáo dữ liệu, nếu chúng ta rơi vào tay Nhà máy thì Hệ thống sẽ đi tong. Bọn Nhà máy đã làm việc này quá giỏi. Nếu Hệ thống khử được ta thì kỹ thuật xáo dữ liệu cũng tiêu tan, thế là tốt, nếu ta thoát được và đầu quân cho ký hiệu sư thì cũng tốt. Đằng nào bọn họ cũng được lợi.”

“Tuyệt vời”, tôi nói. Vậy là hai đứa đập nát căn hộ của tôi và rạch bụng tôi là người của ký hiệu sư. Chúng đã đóng kịch để hướng sự chú ý của Hệ thống vào tôi. Và tôi nhảy tọt vào bẫy của chúng. “Bây giờ tôi ở trong ngõ cụt, đúng không? Bọn Nhà máy săn tôi, Hệ thống cũng săn tôi, còn nếu tôi nằm yên thì tự tôi sẽ chết.”

“Anh không chết. Anh chỉ thoát sang một thế giới khác.”

“Có gì khác đâu cơ chứ?”, tôi nói. “Ông nghe đây, tôi biết tôi là một kẻ vô danh tiểu tốt, xưa nay vẫn thế, người ta phải dùng kính lúp mới tìm thấy mặt tôi trên tấm ảnh chụp cả lớp. Tôi không có gia đình, nếu tôi biến mất thì cũng chẳng ai phải khổ. Tôi không có bạn, sẽ chẳng có ai buồn khi tôi không còn nữa. Vâng, tôi biết cả. Tuy nhiên, cho dù nghe có vẻ buồn cười, nhưng tôi đã từng hài lòng với thế giới này như nó vẫn thế. Tôi không rõ tại sao. Có thể tôi là hai người và sung sướng vui đùa với chính tôi. Tôi không rõ. Dù sao tôi vẫn thấy dễ chịu ở thế giới này. Tôi thích nhiều thứ trong đó. Và đã thích gì là tôi rất thích. Thế giới này có thích tôi không thì tôi không cần biết. Cuộc đời của tôi là thế. Tôi chẳng muốn đi đâu cả. Tôi không cần sự bất tử. Tuổi già không đơn giản, nhưng đâu phải mình tôi phải gánh chịu điều đó. Ai mà chẳng già đi. Tôi không thích thú một sừng, tôi cũng không thích hàng rào!”

“Không phải hàng rào, mà là bức tường”, giáo sư cải chính lời tôi.

“Thây kệ! Tôi không cần hàng rào lẫn tường bao!”, tôi nổi xung. “Ông cho phép tôi lên cơn điên một chút chứ? Ít khi xảy ra chuyện này, nhưng hôm nay tôi không muốn làm người lịch sự.”

“Phải, trong tình huống này tôi nghĩ là anh có đủ lý do mà”, giáo sư nói và gãi tai.

“Như tôi đánh giá thì một trăm phần trăm tội này là của ông! Tôi không dính dáng gì hết. Ông bắt đầu vụ này, ông thúc đẩy nó bùng lên, ông lôi tôi vào cuộc! Ông đã chọc ngoáy vào óc tôi, ông giả mạo ra một nhiệm vụ và sai tôi xáo dữ liệu, ông đã lừa dối Hệ thống, xúi bọn ký hiệu sư tấn công tôi, dụ tôi vào con đường ngầm ngu xuẩn này, và bây giờ ông đang kiếm cách bẩy tôi ra khỏi thế giới này! Ông có thấy hơi quá đáng không? Ông phải khôi phục lại tình trạng cũ cho tôi!”

“Ờ ờ”, ông già ấp úng.

“Ông ấy nói đúng, ông ạ”, cô gái mũm mĩm xen vào. “Đôi khi ông chỉ nghĩ đến mình và không quan tâm chuyện người khác. Ông nhớ lại vụ làm bè sông mà xem! Ông phải ra tay đi!”

“Tôi còn toàn dự định tốt đẹp, chắc chắn như vậy, nhưng tất cả vuột khỏi tay tôi”, ông già rền rĩ. “Giờ thì tôi bó tay rồi. Chẳng có gì mà tôi có thể làm được nữa. Cũng chẳng có gì mà anh có thể làm được nữa. Bánh xe ngày càng quay gấp, không ai chặn được nó nữa rồi.”

“Tuyệt vời”, tôi nói.

“Ở thế giới bên kia anh sẽ lấy lại được tất cả mọi thứ anh đánh mất trong thế giới này. Tất cả những gì anh đã mất và tất cả những gì anh sắp mất.”

“Những gì tôi đã mất?”

“Đúng”, giáo sư nói. “Những gì anh đã mất – đều ở đó.”