ôi xin ông”, cô gái mũm mĩm gọi. “Tôi xin ông hãy dậy trước thời điểm thế giới tận cùng.”
“Càng tốt”, tôi rên lên. Vết thương của tôi đau như xé.
“Sao ông lại nói thế? Có chuyện gì vậy?”, cô bé hỏi.
Tôi hít một hơi thật sâu, lấy tay áo T-Shirt lau mồ hôi trên mặt.
“Hai thằng đàn ông ập vào đây”, tôi phì hơi ra, “và rạch bụng tôi một vết dài sáu phân.”
“Bằng dao?”
“Như mổ con lợn tiết kiệm”, tôi nói.
“Nhưng bọn nó là ai? Và muốn gì?”
“Chính tôi cũng muốn biết”, tôi nói. “Tôi đã nghĩ nát óc suốt buổi. Kết quả là con số 0. Không biết mảy may. Cô có thể cho tôi biết tại sao mọi người giày xéo tôi như một tấm thảm chùi chân không?”
Cô gái lắc đầu.
“Tôi nghi hai thằng đó có thể là đồng bọn của cô. Hai đứa rạch bụng tôi ấy.”
Cô gái mũm mĩm ngơ ngác nhìn tôi một chặp. “Tại sao ông lại nghĩ thế được?”, cô hét lên.
“Tôi không biết. Có thể tôi muốn đổ tội cho ai đó để dễ chịu đựng được chuyện này – một khi không biết điều gì hơn.”
“Nhưng cũng chẳng giải thích được gì.”
“Cũng chẳng giải thích được gì, đúng vậy”, tôi nói. “Nhưng đó đâu phải vấn đề của tôi? Tôi không gây ra chuyện gì. Ông cô đã tra dầu, bôi mỡ và bẻ lái. Cớ gì tôi phải quan tâm giải thích?”
Cơn đau lại dội lên. Tôi mím môi lại và đợi – như một nhân viên hỏa xa canh chắn đường đợi tàu đi qua.
“Ví dụ như hôm nay chẳng hạn! Chưa bảnh mắt thì cô đã gọi điện kêu cứu, vì ông cô biến mất. Tôi vội lao đi, và ai là người không đến? Cô. Tôi về nhà và leo lên giường, lập tức có hai thằng khốn nạn mò đến, đập phá nhà tôi và rạch bụng tôi ra. Sau đó là người của Hệ thống đến hỏi cung tôi. Giờ lại đến lượt cô. Mọi chuyện có vẻ như theo kế hoạch và được thống nhất. Người này chuyền bóng cho người kia. Đúng ra là cô biết gì trong vụ này?”
“Cũng không biết gì nhiều hơn ông, thú thực là vậy. Tôi chỉ giúp ông tôi một tay trong việc nghiên cứu và làm những gì ông tôi bảo. Làm việc này việc nọ, đi đây đi đó, gọi điện, viết thư. Thế thôi. Ông tôi theo đuổi mục đích nào thì tôi cũng biết ít như ông thôi.”
“Nhưng cô đã giúp ông ấy nghiên cứu.”
“Cũng đúng, nhưng chỉ toàn việc kỹ thuật, thuần túy xử lý dữ liệu. Tôi không có kiến thức chuyên môn. Giả sử có nhìn hay nghe thấy gì thì tôi cũng chẳng hiểu nổi.”
Tôi tập trung suy nghĩ, gõ đầu ngón tay lên răng cửa. Tôi cần một xuất phát điểm. Tối thiểu phải bám vào đâu đó trước khi tình thế hoàn toàn mất kiểm soát.
“Cô có nói là ta phải ra tay trước thời điểm thế giới tận cùng. Thế nghĩa là gì? Tại sao thế giới tận cùng, và bằng cách nào?”
“Tôi không biết. Ông tôi nói thế. Nếu xảy ra chuyện gì với ông tôi thì đó là thời điểm thế giới tận cùng. Ông tôi nói thế không để đùa cợt. Nếu ông tôi nói tận cùng thế giới thì nó cũng đến lúc tận cùng.”
“Tôi không hiểu”, tôi nói. “Thế giới tận cùng nghĩa là sao? Ông cô nói thế thật à? Hay nói chữ khác, ví dụ như thế giới kết thúc? Hay thế giới này thế là chấm dứt hoặc tương tự?”
“Không. Ông tôi nói thế giới tận cùng.”
Tôi lại gõ đầu ngón tay lên răng cửa. Tận cùng thế giới.
“Và… chuyện tận cùng thế giới này dính dáng gì đó đến tôi, đúng không?”
“Vâng. Ông là chìa khóa. Ông tôi nói vậy. Từ nhiều năm nay, ông tôi hoàn toàn hướng các nghiên cứu của mình vào ông.”
“Cô nghĩ lại đi, hãy nhớ lại!”, tôi nói. “Chữ ‘bom hẹn giờ’ có thể mang ý nghĩa gì?”
“Bom hẹn giờ?”
“Gã đàn ông rạch bụng tôi đã nói chữ ấy. Những dữ liệu số mà giáo sư đưa tôi xử lý là một dạng bom hẹn giờ. Khi nào đến thời điểm là: Bùm! Hắn nói thế nghĩa là quái gì nhỉ?”
“Ông tôi – đây hoàn toàn là một lời phỏng đoán của tôi – bỏ hết thời gian để nghiên cứu tâm lý con người, từ khi phát minh ra kỹ thuật xáo dữ liệu”, cô gái nói. “Tôi tin rằng tất cả bắt đầu với hệ thống xáo trộn. Trước đó bao giờ ông tôi cũng nói chuyện với tôi về mọi thứ trên đời. Về các công trình nghiên cứu, về những việc đang làm, về kế hoạch định làm những gì. Như vừa nói, tôi hầu như không có kiến thức chuyên môn, nhưng những gì ông tôi kể đều rất dễ hiểu và thú vị. Tôi rất yêu những giờ trò chuyện như thế.”
“Sau khi phát triển hệ thống xáo trộn dữ liệu thì đột nhiên ông cô sinh kiệm lời, đúng không?”
“Vâng. Ông tôi lui về phòng thí nghiệm dưới đất và không nói một lời nào có tính chuyên môn nữa với tôi. Mỗi lần tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời vu vơ.”
“Và cô cảm thấy cô đơn?”
“Cô đơn khủng khiếp.” Cô lại nhìn tôi một lát. “Cho phép tôi lên giường ông nhé? Tôi rét quá.”
“Tùy cô – nếu cô đừng chạm vào vết thương của tôi và không động đậy”, tôi nói. Dường như toàn bộ đàn bà trên thế giới này không còn việc gì hay ho hơn là leo lên giường với tôi!
Cô gái đi vòng quanh giường và chui vào chăn mà không cởi bộ đồ màu hồng ra. Tôi đưa cho cô một trong hai cái gối xếp chồng lên nhau. Cô đập gối cho phồng rồi gối đầu lên. Gáy cô tỏa mùi hương dưa bở như tôi đã nhận thấy trong lần gặp mặt đầu tiên. Tôi khó nhọc lăn nghiêng sang một bên để nhìn về phía cô. Chúng tôi nằm nhìn nhau.
“Tôi chưa bao giờ gần một người đàn ông như thế này”, cô gái nói.
“Hừm”, tôi thốt lên.
“Tôi cũng không mấy khi vào thành phố. Vì vậy tôi không thể đến chỗ hẹn sáng nay, tôi không biết đường. Ông đang chỉ đường thì âm thanh bị ngắt.”
“Sao cô không gọi taxi? Có địa chỉ là đủ.”
“Tôi không cầm đủ tiền. Tôi vội đi quá mà quên là người ta cần tiền khi ra ngoài. Vì vậy tôi phải chạy bộ.”
“Cô không còn ai thân thuộc nữa à?”, tôi hỏi.
“Bố mẹ và các em tôi bị chết vì tai nạn giao thông khi tôi lên sáu. Một chiếc xe tải tông vào từ đằng sau xe họ, bình xăng phát lửa, tất cả chết cháy.”
“Cô là người duy nhất sống sót?”
“Lúc đó tôi nằm trong bệnh viện. Cả nhà đang trên đường đến thăm tôi.”
“Ra thế”, tôi nói.
“Từ đó trở đi tôi sống với ông. Tôi không đến trường và cũng ít khi ra ngoài, không có bạn bè…”
“Cô không đến trường?”
“Không”, cô nói, tựa như đó là một chuyện đương nhiên. “Ông tôi cho là không cần thiết. Ông tự dạy cho tôi mọi thứ. Tiếng Anh, tiếng Nga, giải phẫu học. Còn bác tôi dạy nấu ăn và khâu vá.”
“Bác của cô?”
“Bà giúp việc, một phụ nữ đáng yêu sống cùng nhà. Bác chết cách đây ba năm vì ung thư. Từ đó ông cháu tôi sống một mình.”
“Vậy là cô chưa bao giờ đi học từ khi lên sáu?”
“Chưa, nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Tôi biết đủ thứ. Tôi nói bốn ngoại ngữ, chơi dương cầm và kèn xắc xô phôn, có thể lắp điện đài, biết làm hoa tiêu, đi thăng bằng trên dây và đọc rất nhiều sách. Và món bánh kẹp của tôi cũng làm ông ngon miệng đấy chứ?”
“Tuyệt vời”, tôi nói.
“Đến trường học nghĩa là mười hai năm mài mòn trí óc, ông tôi hay nói thế. Bản thân ông cũng chỉ đi học vài hôm.”
“Đáng phục thật”, tôi nói. “Thế cô không thấy cô đơn khi không có bạn bè cùng tuổi?”
“Ồ, tôi không biết. Tôi nhiều việc lắm, chẳng có thì giờ nghĩ tới chuyện ấy. Vả lại tôi cũng khó trò chuyện được với bạn bè cùng lứa.”
“Thôi được”, tôi nói. Cô ta có lý.
“Nhưng tôi rất chú ý đến ông.”
“Vì sao?”
“Trông ông rất mệt mỏi, nhưng sự mệt mỏi ấy dường như lại là một dạng năng lượng vậy. Thật là khó hiểu”, cô thủ thỉ. “Ông có biết chơi kèn xắc xô phôn không?”
“Sao cơ?”
“Ông có đĩa nào của Charlie Parker không?”
“Tôi nghĩ là có. Nhưng tôi không có sức đâu mà tìm trong cái đống ngổn ngang này. Vả lại giàn stereo hỏng rồi, đằng nào cũng không nghe đĩa được.”
“Ông có biết chơi nhạc cụ nào đó không?”
“Tôi không biết chơi gì cả”, tôi nói.
“Cho phép tôi sờ vào ông nhé?”
“Không!”, tôi nói. “Vết thương đau lắm.”
“Khi nào vết thương lành rồi, tôi có được sờ không?”
“Khi vết thương lành rồi, và lúc đó thế giới vẫn chưa tận cùng… Ta quay lại chuyện đang bàn lúc nãy đi. Cô nói là ông cô thay đổi tâm tính từ khi phát triển hệ thống xáo dữ liệu?”
“Vâng, đúng thế, ông tôi như biến thành một người khác, hầu như không nói một lời nào với tôi, tính tình bất thường và hay độc thoại.”
“Cô còn nhớ ông cô nói gì về hệ thống xáo dữ liệu không?”
Cô bé mũm mĩm nghĩ ngợi một hồi, tay mân mê chiếc bông tai vàng. “Ông tôi nói, hệ thống này là cửa mở tới một thế giới mới. Thoạt tiên ông phát minh ra hệ thống này như một chương trình phụ trợ để xáo trộn cơ cấu các dữ liệu máy tính, nhưng nếu sử dụng đúng cách thì, như ông nói, nó có sức mạnh đảo lộn cơ cấu cả thế giới. Như vật lý hạt nhân sinh ra bom nguyên tử vậy.”
“Vậy thì hệ thống xáo dữ liệu là của mở tới thế giới mới, còn tôi là chìa khóa mở cửa ấy, phải không?”
“Tôi không rõ.”
Tôi gõ đầu ngón tay vào răng cửa. Bây giờ có một cốc whiskey với đá thì nhất, nhưng trong nhà này thì bó tay.
“Liệu có thể ông cô muốn làm thế giới này tàn lụi?”
“Không, tuyệt đối không thể thế được. Ông tôi là một người thù nghịch, tính khí bất thường và ngang bướng, đúng, nhưng thực ra là một người tốt. Như ông và tôi.”
“Cảm ơn”, tôi nói. Chưa có ai nói với tôi câu ấy bao giờ.
“Ông tôi lúc nào cũng sợ kết quả nghiên cứu của mình rơi vào tay kẻ xấu và bị lạm dụng. Ông không bao giờ dùng nó cho mục đích độc ác cả. Ông thôi việc ở Hệ thống vì ông tin là ở đó chẳng sớm thì muộn họ cũng làm chuyện đó. Vì vậy ông lui về ẩn dật và nghiên cứu một mình.”
“Nhưng Hệ thống ở phe Thiện, chống lại phe Nhà máy là những kẻ ăn cắp dữ liệu đem bán ngoài chợ đen, và Hệ thống bảo vệ tác quyền.”
Cô bé mũm mĩm nhìn tôi một cách thăm dò rồi nhún vai. “Ông tôi không bao giờ coi đó là vấn đề Thiện và Ác, Thiện và Ác là hai đặc tính nền tảng của con người, tác quyền là một chuyện khác.”
“Cũng được, không phải là ông không có lý”, tôi nói.
“Ông tôi nghi ngờ mọi dạng thức quyền lực. Có những lúc ông làm việc với Hệ thống, nhưng chỉ vì ở đó ông được cung cấp đầy đủ tài liệu và điều kiện thí nghiệm, cũng như được sử dụng máy tình lớn để thực hiện các mô hình mô phỏng. Ông tôi thường nói là một khi hệ thống xáo dữ liệu phức hợp đã hoàn tất thì ông sẽ tiếp tục nghiên cứu một mình, vì như thế thuận tiện hơn và hiệu quả hơn. Phần còn lại là công việc của chất xám, ông không cần cơ sở hạ tầng của Hệ thống nữa.”
“Thì ra thế”, tôi nói. “Lúc từ bỏ Hệ thống ông có sao chép và lấy đi các thông số cá nhân của tôi không?”
“Tôi không biết”, cô nói. “Nhưng chuyện đó không khó với ông hồi nắm cương vị giám đốc cơ sở nghiên cứu của Hệ thống, vừa được tiếp cận mọi dữ liệu vừa có quyền sử dụng chúng.”
Có lẽ các phỏng đoán của tôi chính xác. Chắc chắn ông giáo sư đã đánh cắp các thông số cá nhân của tôi để sử dụng trong nghiên cứu của riêng mình và dùng tôi như vật thí nghiệm để phát triển lý thuyết xáo dữ liệu. Mọi chi tiết đều khớp nhau, đúng như tên Còi đã nói, ông giáo sư đã vào giai đoạn quyết định trong nghiên cứu của mình và gọi tôi đến để đưa cho tôi những thông số vớ vẩn khả dĩ gây ra phản ứng tâm lý trong khi xáo dữ liệu bằng một mật mã ẩn.
Nếu đúng thế, phản ứng ấy đã bắt đầu diễn ra trong ý thức – hay đúng hơn là tiềm thức – của tôi rồi. Một quả bom hẹn giờ, theo lời tên Còi. Tôi nhẩm tính thật nhanh xem bao nhiêu thời gian đã trôi qua kể từ khi xáo dữ liệu. Nửa đêm hôm qua là lúc tôi xong việc, nghĩa là đã được gần hai mươi tư tiếng. Đó là điều chắc chắn.”
“Một câu hỏi nữa”, tôi nói. “Tận cùng thế giới, cô đã nói thế, đúng không?”
“Vâng, đó là lời ông tôi.”
“Ông nói câu ấy trước khi sử dụng thông số của tôi trong nghiên cứu, hay sau đó?”
“Sau đó”, cô bé nói. “Tôi nghĩ là sau đó. Mãi dạo gần đây ông tôi mới nói về tận cùng thế giới. Tại sao? Nó có ý nghĩa gì chăng?”
“Tôi không rõ. Nhưng tôi thấy lấn cấn như thế nào đó. Vì mật khẩu xáo dữ liệu của tôi là Tận cùng thế giới. Khó có thể là chuyện tình cờ.”
“Chuyện gì diễn ra trong Tận cùng thế giới của ông?”
“Tôi không biết. Nó xảy ra trong đầu tôi, nhưng ở một vị trí ẩn mà tôi không tiếp cận được. Tôi chỉ biết mật khẩu là Tận cùng thế giới.”
“Có xóa được mật khẩu không?”
“Không thể”, tôi nói. “Cả một tiểu đoàn lính cũng không thể vào được két sắt của Hệ thống. Chế độ kiểm tra rất ngặt, ngoài ra còn lắp một hệ thống bảo vệ đặc biệt.”
“Ông tôi đã lợi dụng vị thế của mình để đánh cắp thông số, đúng không?”
“Gần như chắc chắn. Tuy nhiên tôi cũng chỉ phỏng đoán thôi. Ta phải trực tiếp hỏi ông, không có cách nào khác.”
“Vậy thì ông sẽ giải cứu ông tôi khỏi tay bọn ma đen?”
Tôi ngồi dậy trên giường, tay ép vào vết thương. Đầu nhức như búa bổ.
“Tôi không có lựa chọn nào khác”, tôi nói. “Đằng nào thì tôi cũng không thể để sự việc tự nó tiến triển, kể cả khi không biết ông của cô định làm gì với Tận cùng thế giới. Tôi có cảm giác là người nào đó sắp bị một đòn số phận khủng khiếp nếu ta không ngăn chặt được, dù bằng cách nào.” Và có khi chính tôi là người nào đó.
“Muốn vậy thì trước hết ông phải giải cứu ông tôi đã.”
“Vì ba chúng ta là người tốt?”
“Chính thế”, cô gái mũm mĩm nói.