Hoà thượng Chân Hiền cảm thấy nhẹ nhõm khi đã nhận ra các vị khách. Những nét căng thẳng trên mặt bớt lần, tuy giọng nói của vị hoà thượng hãy còn run run:
Hân hanh…
Dịch Nhân Tiết ngắt ngang câu nói:
Xin hoà thượng cùng vào. Bản chức có điều muốn thưa với hoà thượng.
Chân Hiền dẫn Dịch Nhân Tiết và Tùng Lập qua phòng riêng đi tới thư viện. Một mùi thơm quen thuộc phảng phất trong căn phòng mà vị phán quan biết đó là mùi từ một cây hương lớn toả ra.
Đến đây Chân Hền chỉ tay xuống một chiếc ghế mời Dịch Nhân Tiết ngồi, còn vị hoà thượng ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của mình, vừa ra hiệu cho Tùng Lập ngồi vào một chiếc ghế đặt gần cửa sổ. Chân Hiền chưa nói gì. Có lẽ vị hoà thượng vẫn còn bị xúc động mạnh mẽ về sự viếng thăm quá đột ngột của vị phán quan.
Dịch Nhân Tiết ngồi xuống ghế. Sau khi dò biết nét mặt của Chân Hiền, vị phán quan lên tiếng:
Một ngàn lần bản chức có lời xin lỗi hoà thượng vì đã đến khuấy rầy hoà thượng trong giờ giấc khuya khoắt này. Nhưng thật ra trời cũng sắp hửng đông rồi. Cớ sao hoà thượng thức dậy sớm như vậy? Ngài định đi đâu khi đã mặc quần áo chỉnh tề như thế? Chẳng hay ngài đang chờ đợi ai?
Không đợi ai cả. Chẳng qua là tiện hạ ngồi nghỉ trên ghế, rồi thiu thiu ngủ. Vì nhận thầy trời sắp sáng, có nằm ngủ lại cũng vô ích. Ồ! Nhưng tại sao quan lớn lại gõ cửa phía sau.
Dịch Nhân Tiết buông một câu nói ngoài đề nhưng có cả ngụ ý ở bên trong:
Hoà thượng Ngọc Kinh sống lại!
Nhận thấy nét sợ hãi thật sự trên khuôn mặt Chân Hiền, Dịch Nhân Tiết nói tiếp:
Nói vậy thôi nhưng sự việc đó không thể nào xảy ra được! Bản chức xin bảo đảm việc đó với ngài vì bản chức mới đến thăm nơi cất dấu di hài của cố hoà thượng.
Hoà thượng Chân Hiền lúc này đã tự chủ được nên đứng dậy, với giọng lạnh lùng không còn che giấu.
Quan lớn đã đi xuống nơi cất dấu di hài? Tiện hạ từng nói với ngài là mùa này trong năm...
Vâng. Bản chức nhớ điều dặn đó nhưng bản chức nhận thấy rất cần phải tới duyệt xét những tài liệu do cố hoà thượng Ngọc Kính đã để lại. Bản chức muốn cứu xét vài chi tiết khi nhận thấy những chi tiết đó xét ra còn mới mẻ ở trong trí nhớ của bản chức. Do đó mà bản chức đã phải khuấy rầy hoà thượng ở vào giờ giấc này. Hẳn hoà thượng còn nhớ những gì đã xảy ra trong ngày cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính chớ? Chính hoà thượng đã dùng cơm trưa với hoà thượng Ngọc Kính ở phòng ăn. Rồi sau đó đã xảy ra những việc gì?
Hoà thượng Chân Hiền tiếp lời ngay:
Rồi hoà thượng Ngọc Kính rút về thư viện, nghĩa là ngay trong căn phòng mà chúng ta đang ngồi ở đây. Phòng này thường là nơi lui tới của các vị hoà thượng trong ngôi thiền viện này.
Bản chức biết điều đó.
Nói xong Dịch Nhân Tiết nhìn lên ba cánh cửa sổ cao.
Những cánh cửa này nhìn xuống một cái sân chánh. Có phải thế không?
Chính phải! Ban ngày, căn phòng này rất sáng sủa. Cũng vi vậy mà hoà thượng Ngọc Kính thích ở lại đây để vẽ tranh. Hội họa là thú giải trí duy nhất của hoà thượng Ngọc Kính đó!
Một thú giải trí đáng nêu gương!
Suy nghĩ một lát, Dịch Nhân Tiết nói tiếp:
Bản chức muốn nhắc đến một việc. Trong khi bản chức đang đàm đạo với ngài ở phòng tiếp khách, có một kẻ đã vô lễ tông cửa bước vào, hoà thượng có lên tiếng phàn nàn về thái độ của kẻ đó, vậy xin hoà thượng cho bản chức biết là hoà thượng còn nhớ mặt tên vô loại đó không?
Hoà thượng Chân Hiền ngập ngừng:
Không... Đó... Đó là Mặc Đức - Diễn viên múa kiếm.
Xin cảm ơn hoà thượng.
Dịch Nhân Tiết vuốt râu, vừa nhìn chằm chằm Chân Hiền.
Im lặng kéo dài trong lúc đó hoà thượng Chân Hiền lại tỏ ra lo lắng hơn. Tùng Lập ngồi không yên trên chiếc ghế đặt gần cửa sổ. Dịch Nhân Tiết bất động, lắng tai nghe tiếng mưa rơi lộp độp bên ngoài tấm liếp. Mưa bớt nặng hột hơn lúc nãy.
Có tiếng gõ cửa. Tào Can bước vào cầm một cuộn giấy trong tay trao cho Dịch Nhân Tiết, đoạn vị quan hầu cận lùi lại ngồi vào chiếc ghế đặt gần cửa lớn.
Dịch Nhân Tiết mở cuộn giấy ra đặt trước mặt hoà thượng Chân Hiền.
Đây có phải là tác phẩm cuối cùng của hoà thượng Ngọc Kính?
Đúng vậy! Sau bữa cơm trưa, hoà thượng cùng tiện hạ dùng trà cũng ở trong phòng này, đoạn hoà thượng từ giã tiện hạ và nói là ngài sẽ dùng cả buổi chiều vẽ bức tranh con mèo của ngài. Con vật ngồi trên chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun chạm trổ, như ngài nhìn thấy ở đây. Tiện hạ cũng không ở gần ngài nữa vì từng biết tính ngài thích làm việc trong sự lặng. Khi từ giã ngài, tiện hạ nhìn thấy ngài đã để sẵn một tấm giấy trên chiếc bàn này...
Dịch Nhân Tiết đứng dậy, đập tay mạnh xuống bàn la lớn:
Ngài nói dối!
Chân Hiền vẫn ngồi yên trên chiếc ghế. Vị hoà thượng định lên tiếng, nhưng Dịch Nhân Tiết đã át giọng:
Xin ngài hãy nhìn kỹ bức tranh vẽ này. Đây là tác phẩm cuối cùng của vị hoà thượng đáng kính, đáng mến đó mà chính ngài đã ám sát hoà thượng bằng cách bỏ chất độc vào nước trà ngay sau bữa ăn trưa. Thưa ngài. Sao ngài lại có thể tin rằng người ta có thể vẽ một bức tranh như thế này trong một tiếng đồng hồ không? Hãy xem kỹ lại. Ít nhất bức tranh này cũng đòi hỏi đến hai tiếng đồng hồ làm việc. Ngài đã nói dối khi ngài nói là hoà thượng Ngọc Kính đã bắt tay làm việc ngay sau khi từ giã ngài. Bức tranh phải được vẽ vào buổi sáng, trước bữa ăn trưa mới đúng.
Chân Hiền tức giận, cũng la lớn:
Xin quan lớn đừng đưa ra những luận điệu đó với tiện hạ. Quan lớn nên biết rằng Ngọc Kính là một hoạ sĩ có chân tài. Ngài vẽ rất nhanh.
Dịch Nhân Tiết đáp lại:
Xin đừng kể những chuyện phiếm ở đây. Con mèo, con vật ưa thích nhất của hoà thượng Ngọc Kính. Ít ra trong lúc này cũng đã giúp chủ nó một việc khá quan trọng. Xin hoà thượng hãy xem kỹ đôi mắt của nó. Đôi ngươi con vật mở tròn. Nếu như bức tranh được vẽ vào buổi trưa của một mùa hè, lại ở trong một căn phòng sáng sủa như thế này, đôi mắt con vật phải là hai đường hở nhỏ hẹp.
Nghe đến đây, Chân Hiền bỗng giật mình đánh thót một cái. Vị hoà thượng trụ trì đưa tay lên trán nói ngay:
Tiện hạ muốn tuyên bố một điều quan trọng nhưng cần có sự hiện diện của đạo sĩ Tuyên Minh.
Dịch Nhân Tiết cuốn bức tranh và nói:
Không dám sai ý muốn của ngài!
Hoà thượng Chân Hiền dẫn đoàn người bước xuống một cái cầu thang lớn. Đến bậc cuối của cầu thang, Chân Hiền, với giọng yếu ớt:
Cơn giông đã dứt. Chúng ta có thể đi ngang qua cái sân rộng kia.
Mặt sân còn đọng nước và những miếng ngói bể nằm rải rác đây đó. Dịch Nhân Tiết cũng bước ngang hàng với Chân Hiền, Tào Can và Tùng Lập bước theo sau.
Khi đoàn người đến góc tây nam của sân, Chân Hiền mở cánh cửa lớn và một hành lang nhỏ hẹp cuối cùng dẫn đoàn người đến một cầu thang hình trôn ốc.
Lúc họ toan bước lên cầu thang, bỗng một giọng nói vang lên:
Kìa! Ai làm gì đó giữa đêm khuya vậy?
Đạo sĩ Tuyên Minh cầm chiếc đèn ở tay nhìn đoàn người.
Dịch Nhân Tiết đỡ lời:
Hoà thượng trụ trì muốn tuyên bố một điều quan trong trước sự hiện diện của đạo sĩ!
Đạo sĩ Tuyên Minh cầm chiếc đèn trên tay, đôi mắt nhìn đầy vẻ kinh ngạc vào hoà thượng Chân Hiền.
Hãy bước lại thư viện của ta. Ở đó yên tịnh hơn. Ở đây gió nhiều quá!
Nhìn Tào Can và Tùng Lập, đạo sĩ Tuyên Minh lại nói:
Sự hiện diện của hai người này có cần thiết không?
Bẩm ngài. Cần thiết lắm đó. Vì họ là chứng nhân quan trọng.
À nếu vậy, các ngươi hãy cầm lấy đèn, còn ta đã quen thuộc đường rồi.
Chiếc cầu thang quá dài. Đôi chân của vị phán quan bắt đầu run run. Lúc đoàn người leo lên đến đỉnh cầu thang, đạo sĩ Tuyên Minh đặt chân trước nhất xuống sân thượng… Đi theo sau là hoà thượng Chân Hiền. Giữa lúc Dịch Nhân Tiết sắp bước theo thì tiếng đạo sĩ Tuyên Minh la lớn:
Coi chừng cái lan can.
Cũng vừa lúc, Chân Hiền la thét lên một tiếng ngắn ngủi thì tiếp đó là tiếng rơi của một vật nặng nề khi chạm mặt đất…