Xử án trong tu viện

Chương X

Giữa lúc khốn đốn đó, Dịch Nhân Tiết nghe có tiếng chân người bước vào phòng. Một giọng nói cất lên:

À! Chú mày lo săn chuột có phải không? Phải trở về lập tức ở góc cũ của chú mày!

Con vật gầm lên một một tiếng dài, từ từ lùi ra xa. Vị phán quan mở cánh cửa và thở không khí mát lạnh bên ngoài lọt vào một cách sảng khoái. Dịch Nhân Tiết nhìn thấy Ngẫu Dương đang đốt nến. Đốt xong, nàng mở một hộc tủ bốc lấy một nhúm trái khô liệng về phía con vật và nói:

Hãy bắt cho giỏi xem nào!

Con vật gầm lên một tiếng nhỏ, nhưng đó là tiếng gầm thỏa mãn.

Dịch Nhân Tiết trút một tiếng thở dài khoan khoái. Danh dự của vị phán quan bị tổn thương thật đó, nhưng dù tự ái có bị tổn thương còn hơn là để cho con vật xé ra từng mảnh.

Giữa lúc Dịch Nhân Tiết định nói lên sự hiện diện của mình thì cũng vừa lúc ấy, vô tình Ngẫu Dương cởi chiếc áo ra. Dịch Nhân Tiết có vẻ bối rối, nhưng rồi lại nghĩ rắng, tốt hơn hết là hẵng đợi cho nàng mặc quần áo ngủ vào đã. Dịch Nhân Tiết định khép cánh cửa, nhưng nửa chừng, vị phán quan dừng tay lại. Ngẫu Dương có vóc dáng mảnh mai nhưng bắp thịt tay, chân nàng xem ra vạm vỡ trông giống như đàn ông, lông lá đầy mình. Ở cánh tay trái Ngẫu Dương có một đường sẹo rõ dài. Khi Dịch Nhân Nhân Tiết nhìn thấy rõ ràng Ngẫu Dương quả là một thanh niên, vị phán quan lúc này mới lên tiếng:

Ta là phán quan Dịch Nhân Tiết. Sự hiện diện của ta ở đây là do kết quả của một sự lầm lẫn đáng tiếc.

Thấy con vật vừa gầm lên lại muốn tiến tới, Dịch Nhân Tiết cuống cuồng la lớn:

Kìa! Sao không gọi nó dừng lại!

Ngẫu Dương chưa hết sửng sốt khi thấy bóng người khách lạ nhưng cũng vâng lời ra lệnh cho con vật đứng lại. Con gấu đưa chân cào cào xuống nền nhà, lông cổ nó dựng đứng lên.

Ngẫu Dương lên tiếng:

Ngài có thể bước ra khỏi tủ. Con vật chẳng dám làm gì ngài đâu!

Dịch Nhân Tiết bước ra khỏi tủ, lại gần chiếc ghế đặt cạnh bàn nhưng đôi mắt vị phán quan vẫn không rời khỏi con vật.

Xin mời ngài ngồi xuống. Tôi xin nói với ngài không có gì phải sợ hãi nó nữa.

Có thể như vậy, nhưng ta muốn nàng hãy cột nó lại.

Sau khi vứt cái mão xuống. Ngẫu Dương choàng một sợi dây xích thật to vào cổ con gấu, cột một phía đầu dây vào cánh cửa sổ. Dịch Nhân Tiết cảm thấy yên lòng hơn, khoan khoái ngồi xuống ghế.

Ngẫu Dương mặc thêm bộ quần áo bên ngoài rồi ngồi cạnh Dịch Nhân Tiết hỏi:

Bây giờ ngài biết rõ bí ẩn của tôi, vậy ngài có điều gì dạy bảo?

Nhà ngươi có phải là anh ruột của Mai Quế không?

Đúng vậy! Nhưng người đàn bà béo mập kia không phải là thân mẫu của tôi. Lý do nào ngài phán đoán được điều đó?

Ta bắt đầu thắc mắc là vì sao Mai Quế tỏ ra rất bình thản lúc nhà ngươi đóng tuồng trên sân khấu với con gấu của nhà ngươi, nhưng trái lại, Mai Quế lại tỏ ra khiếp đảm lúc Mặc Đức đưa kiếm chém sát vai nhà ngươi. Hơn nữa, sau khi vãn hát, ta nhìn thấy có cái không khí gia đình giữa nhà ngươi và Mai Quế rõ rệt hơn.

Nói tóm lại, tôi chỉ có một cái tội là đã giả gái để sống chung trong một đoàn hát, tội đó xem ra cũng nhẹ khi tôi hành động có mục đích của tôi.

Nhà ngươi tiếp tục giải thích ta nghe. Nhưng trước hết, tên thật của nhà ngươi là gì?

Quảng Tế. Tôi là trưởng nam của Quảng Du, một tay lái buôn gạo tại kinh đô. Mai Quế là em gái duy nhất của tôi. Cách đây 6 năm, nàng yêu say đắm một nho sinh. Nhưng thân phụ tôi lại thấy rằng nho sinh đó không xứng đáng làm chồng nàng nên đã không chấp thuận lễ cưới hỏi. Sau đó ít lâu, nho sinh đó bị té ngựa, gãy xương sống và qua đời. Thất vọng, Mai Quế đổ tội cho thân phụ của tôi phải gánh chịu cái chết của người yêu nàng. Ít lâu sau, Mai Quế tuyên bố là nàng nguyện sẽ đi tu. Song thân tôi cố thuyết phục nàng đổi ý nhưng nàng vẫn không chịu, còn dọa sẽ tự tử nếu người ta không để nàng thực hiện lời nguyện. Đầu tiên nàng xin vào tu ở tu viện Bạch Hạc.

Quảng Tế đưa lưỡi liếm lên môi trên – nơi đó trước đây có bộ râu - rồi nối tiếp chuyện với giọng buồn rầu:

Đó là một thiền viện ở kinh đô. Nhiều lần tôi đến đó, cố thuyết phục nàng. Tôi nói là sở dĩ thân phụ tôi chống đối cuộc hôn nhơn đó vì chàng nho sinh kia có tính ham mê tửu sắc vô lượng, không xứng đáng làm chồng Mai Quế. Tôi thuyết phục nàng một cách lưu loát nhưng kết cuộc là nàng đã không nghe còn từ chối không bao giờ muốn gặp tôi nữa. Lúc tôi trở lại tìm nàng lần nữa thì bà tu viện trưởng cho tôi hay là Mai Quế đã ra đi và chính bà ta cũng không biết Mai Quế đã đi đâu. Tôi biếu cho người giữ cửa tu viện một số tiền nhỏ thì được bà nầy cho hay Mai Quế có làm quen với một người đàn bà tên là Bảo Mẫu, sau đó nàng đã đi theo bà này. Song thân tôi mỗi ngày lo lắng thêm hơn. Tôi lại ra công tìm kiếm và cuối cùng tôi biết bà Bảo Mẫu đã đưa Mai Quế vào tu ở thiền viện này. Tôi quyết định đến thiền viện cố giải thích một lần nữa cho nàng rõ. Nhưng thâm tâm tôi nghĩ rằng nàng sẽ từ chối không tiếp tôi, do đó tôi phải hóa trang thành một nữ diễn viên mục đích để được gần gũi nàng tâm sự. Nhờ thân hình mảnh mai, hơn nữa, tôi lại là một diễn viên tài tử nên tôi đã đạt được thành công ngay lúc đầu. Tôi mang tên là Ngẫu Dương tìm gặp Quan Lai để xin gia nhập đoàn. Quan Lai bằng lòng, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập thiền viện ông ấy muốn tôi ra mắt với đoàn luôn trong đêm hát tối nay. Bẩm quan lớn, Quan Lai không biết gì hết về lai lịch của tôi. Kế hoạch của tôi như thế là thành công cũng nhờ một phần nào ở tài múa kiếm của Mặc Đức. Lối múa kiếm của Mặc Đức đã làm cho Mai Quế lo sợ đến tính mạng của tôi khiến nàng quên hết mối di hận. Sau khi diễn tuồng xong, nàng đánh lạc bước chân theo dõi của bà Bảo Mẫu, đến gặp tôi và cho tôi biết nàng đang ở trong tình trạng khó xử. Bà Bảo Mẫu đối với nàng rất tốt, coi nàng như con gái, với một ý muốn là nàng theo hẳn vào dòng tu. Nhưng trong lúc sống ở tu viện này, Mai Quế lại làm quen với Tùng Lập, nàng bỗng thắc mắc không rõ là nàng có lầm lạc chăng khi nàng muốn ra ngoài đời. Mặt khác Mai Quế không muốn làm cho bà Bảo Mẫu thất vọng vì người đàn bà đó đã an ủi nàng rất nhiều khi chính gia đình nàng “xoay lưng lại với nàng” - Bẩm quan lớn, chính Mai Quế đã dùng mấy tiếng “xoay lưng lại với nàng”. Tôi bảo nàng hãy trở về phòng riêng của tôi vì ở đó chúng tôi được yên ổn để bàn thảo công việc và cùng chọn giải pháp thích hợp. Tôi đưa ra ý kiến với nàng là hãy cởi chiếc áo dài ra. Nếu cùng mặc bộ áo dài bên trong như nhau thì mọi người có thể lầm tưởng nàng là tôi. Nàng cởi áo, vo tròn áo lại trong ống tay áo, rồi từ giã tôi.

Quảng Tế đưa tay gãi đầu và vẫn với giọng buồn rầu.

Thế là trong lúc tôi sửa soạn bước theo nàng thì lại gặp chàng Tùng Lập ngông cuồng kia chặn đường tôi lại. Lúc tôi tìm cách thoát được tay chàng, tôi liền chạy về phòng. Tôi không gặp Mai Quế. Tôi liền đến gặp bà Bảo Mẫu. Trong phòng bà Bảo Mẫu cũng không có ai cả. Chán chường, tôi ghé phòng Quan Lai uống vài chén rượu với chàng rồi tôi lại trở về phòng của bà Bảo Mẫu. Căn phòng tối om. Cửa lại khóa. Ngày mai tôi mới có dịp nói chuyện với em gái tôi. Bây giờ thì quan lớn hẳn rõ đầu đuôi mọi việc…

Dịch Nhân Tiết đưa tay vuốt ve chòm râu. Vị phán quan có nghe nói đến tên Quảng Du và ông cho rằng câu chuyện kể ra hữu lý.

Nhà ngươi đã hành động một cách khôn ngoan bằng cách kể rõ sự thật cho bản chức biết…

Bẩm quan lớn. Còn một điều này nữa, tôi xin trình bày quan lớn rõ luôn. Mai Quế lúc này dù muốn dù không cũng là nữ tu sĩ. Bà Bảo Mẫu lại được các tăng sĩ trong Thiền đạo ở kinh đô quen biết khá nhiều. Những vị này ngày nay lại có uy tín khá lớn trong xã hội. Thân phụ tôi lại là đồ đệ của Đức Khổng. Nếu thiên hạ cho rằng thân phụ tôi có tư tưởng chống đối đạo Thiền thì việc buôn bán của ông ta có lẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Nhà ngươi để ta lo công việc ấy! Đến sáng mai, ta sẽ gặp bà Bảo Mẫu và ta có dịp gặp Mai Quế. Ta cố thuyết phục nàng bày tỏ dự định của nàng và nên ngả theo Tùng Lập. Ta không có ý chọn Tùng Lập sẽ làm chồng nàng nhưng Tùng Lập là con trai trong một gia đình nề nếp, năm tháng sẽ giúp chàng trở nên tốt hơn. Hơn nữa, bổn phận của người đàn bà là phải lấy chồng để sinh con, đẻ cái. Ta không đồng ý phụ nữ đi tu, dù họ tu đạo này hay đạo nọ. À! Còn một thắc mắc nữa. Con gấu này ở đâu? Lý do nào mà nhà ngươi dẫn nó tới đây?

Bẩm phán quan. Tôi là người rất thích săn bắn. Tôi đã bắt được con gấu này ở mạn bắc cách đây bảy năm rồi, lúc đó con vật còn rất nhỏ. Từ đó đến nay không bao giờ con vật rời khỏi tôi. Tôi thấy thú vị khi tập cho nó biết vũ, biết chơi qua nhiều trò chơi nhảy múa. Con vật có cảm tình rất nhiều đối với tôi, coi tôi gần như người cha của nó. Nhưng có một lần, do một sự không may, con vật làm cho tôi bị thương ở cánh tay trái. Thật ra, nó muốn vuốt ve tôi đó. Vết thương này đã thành sẹo. Tôi chỉ cảm thấy nhức nhối khi gặp thời tiết đổi thay. Những ngày đó cánh tay trái của tôi cứng đờ không co quắp lại được. Lúc tôi gia nhập đoàn hát của Quan Lai tôi đã dẫn nó theo vì tôi là người duy nhất mà con vật chịu vâng lời, hơn nữa, con vật cũng giúp tôi biểu diễn một màn đặc biệt cho công chúng cùng thưởng lãm…

Dịch Nhân Tiết gật gật đầu. Mọi vấn đề nay được giải thích khá rành mạch. Quảng Tế không sử dụng cánh tay trái được vì vết thương cũ làm cho chàng khó chịu. Mai Quế ép tay vào sát mình vì cố giấu chiếc áo dài đen trong ống tay áo. Mai Quế tìm cách tháo lui mau vì ngại gặp bà Bảo Mẫu. Có lẽ nàng đã nhìn thấy bóng bà Bảo Mẫu ở xa nên nàng đã quyết định sẽ gặp lại Quảng Tế vào ngày mai. Ồ! Mọi việc đã sáng tỏ như ban ngày.

Ta  không rõ con gấu như thế nào? Nếu nhà ngươi không tới kịp thì con vật có tìm cách phá cánh cửa không?

Dạ không. Chúng khôn ngoan thật nhưng lại ít sáng kiến. Không bao giờ con vật biết làm một việc gì nếu việc đó con người chưa dạy bảo cho nó làm ít nhất một lần. Cũng vì như thế mà tôi đã để nó thong thả trong phòng không cần phải cột nó lại vì biết rằng nó không biết mở cửa ra đi. Con vật vẫn chờ đợi cho đến lúc ngài bước ra khỏi phòng, lâu lâu nó lại đánh hơi, cào vào bàn ghế, như có ý đoán chắc ngài vẫn còn ở lại đây. Sự kiên nhẫn của nó có thể nói là vô tận…

Dịch Nhân Tiết lại hỏi:

Chúng thích vồ lấy nạn nhân?

Nó quật ngã xong, đoạn tung nạn nhân lên cao như con mèo vờn con chuột. Có lần tôi đã gặp xác một tên thợ săn bị con vật xé ra từng mảng. Trông đến ghê sợ!

Dịch Nhân Tiết buông một tiếng thở dài:

Nguy hiểm đến thế sao!

Quảng Tế vội nói:

Nhưng tôi chưa bao giờ phải buồn vì nó. Con vật cũng có cảm tình với Mai Quế, tuy nó không vâng lời nàng như đã vâng lời tôi. Nhưng nó ghét những người mà nó không hề thấy mặt. Những người đó làm cho nó dễ nổi giận. Nhưng có khi nó cũng rất dễ thay đổi tính tình. Có lúc nó chẳng thèm để ý đến ai cả. Lúc này tính tình nó trở nên khó khăn hơn vì lâu nay nó không trải qua một cuộc tập dượt nào cả. Thường thường vào lúc gần sáng, giờ mà hoạt động của thiền viện êm ả nhứt, tôi dẫn nó đến một cái sân nhỏ - nơi đây trước kia nhốt các tu sĩ vô kỷ luật – cho nó tự do chạy nhảy. Việc làm này chẳng làm hại đến ai cả.

Dịch Nhân Tiết gật đầu:

Đó là một sáng kiến. Á! Thế nhà ngươi có gặp Mặc Đức trong khi nhà ngươi đi tìm Mai Quế không?

Quảng Tế lắc đầu:

Dạ. Không. Gã ấy suốt ngày tìm cách la cà gần nàng Đinh, chọc ghẹo nàng. Vai trò của tôi ở đây làm cho Mặc Đức mất giá đôi phần. Rất tiếc là hắn to lớn và khỏe hơn tôi, nhưng tôi đang cố luyện tập võ nghệ để có ngày cho hắn một bài học. Ngay bây giờ tôi tìm cách làm lành với hắn hầu hắn để nàng Đinh yên thân. Bẩm phán quan, nàng Đinh không chỉ là một thiếu nữ xinh đẹp mà còn là một nữ lực sĩ nữa đó! Nàng cỡi ngựa rất giỏi. Nếu nàng là vợ tôi, cả hai chúng tôi cùng đi săn bắn thì thích thú biết mấy. Thật nàng không giống một chút nào mấy thiếu nữ mà song thân tôi định cưới hỏi cho tôi. Tiếc thay là hiện nàng chưa ưng chịu một chàng trai nào cả.

Dịch Nhân Tiết đứng dậy.

Cứ ướm thử đặt các câu hỏi đó với nàng đi. Đợi coi nàng trả lời ra sao. Bây giờ ta phải đi rồi! Tào Can đang đi tìm ta.

Vị phán quan nhìn con vật như ra dấu hiệu từ giã. Nhưng con vật chong đôi mắt nhỏ nhìn vị phán quan như không hề có một sự thay đổi nào về tình cảm của nó đối với Dịch Nhân Tiết…