Xử án trong tu viện

Chương VIII

Mặt vị phán quan biến sắc tỏ ra ông ta không phải là người sành ăn uống, “thực bất tri kỳ vị”, kể ra, đó cũng là một sự thiếu sót. Dịch Nhân Tiết nếm thử một miếng cá bằng bột. Ông nhăn mặt và cố nuốt lấy. Bắt gặp vị hòa thượng để ý đến cử chỉ của mình, Dịch Nhân Tiết vội giả vờ khen:

- Quả thật là tuyệt! Trong tu viện có nhiều tay bếp giỏi.

Dịch Nhân Tiết uống cạn một hơi chén rượu của mình. Ít nhất là chén rượu nấu bằng nếp đó còn thú vị đôi chút. Rượu uống được hâm nóng, khá ngon. Con cá bằng bột nằm trên dĩa như đưa mắt nhìn vị phán quan, nhưng thật sự đôi mắt đó chỉ là hai hạt tiêu sọ điểm vào cho đẹp. Quá nhiều tưởng tượng, vị phán quan chợt tưởng nhớ đến vị hòa thượng đã viên tịch.

Dịch Nhân Tiết ngỏ lời:

- Sau bữa tiệc, bản chức muốn được hân hạnh thăm viếng ngôi đền thờ và được chiêm ngưỡng trước hài cốt của vị hòa thượng đã viên tịch.

Vị hòa thượng đặt chén xuống:

- Bần đạo sẽ đích thân dẫn phán quan đi thăm ngôi đền. Chỉ tiếc rằng vào mùa này lại không thể mở nắp bình đựng hài cốt ra được. Vì nếu chúng ta mở nắp thì e rằng không khí ẩm ướt lọt có thể làm hư hỏng hài cốt của vị hòa thượng viên tịch. Trước khi ướp xác, các chuyên viên đã lấy ruột ra, tuy nhiên còn nhiều bộ phận khác trong cơ thể còn được giữ lấy.

Dịch Nhân Tiết nghe những lời trình bày trên tự nhiên mất hết sự thèm ăn. Vị phán quan vội nốc thêm một chén rượu khác.

Miếng vải bọc vỏ cam quấn quanh đầu quả có hiệu nghiệm thật vì đến giờ phút này vị phán quan đã hết nhức đầu, tuy nhiên Dịch Nhân Tiết vẫn còn cảm thấy nhức mỏi châu thân và đau nhói ở tim. Dịch Nhân Tiết nhìn một cách thèm thuồng đạo sĩ Tuyên Minh đang ăn một cách ngon lành con cá bằng bột dành riêng cho đạo sĩ. Ăn hết một chén cơm, đạo sĩ cầm lấy một chiếc khăn nóng do chú tiểu dâng lên, lau miệng, đoạn lên tiếng:

- Vị hòa thượng đã viên tịch vốn là một tu sĩ học rộng tài cao. Ngài nghiên cứu nhiều kinh sách, chữ viết ngài rất đẹp, ngài cũng thích thú chơi hoa và nuôi loài vật.

Dịch Nhân Tiết khiêm tốn:

- Bản chức sẽ lấy làm hân hạnh nếu được xem các tác phẩm của ngài. Chắc hẳn thư viện của thiền viện còn lưu trữ nhiều tác phẩm của ngài?

Hòa thượng trụ trì ngắt lời:

- Rất tiếc, thiền viện không còn lưu trữ một tác phẩm nào của ngài cả vì theo đúng di chúc, thiền viện đã chôn theo các di bút của ngài cùng với di hài của ngài.

Đạo sĩ Tuyên Minh bỗng sực nhớ một điều gì vội giơ một ngón tay ra rồi nói:

- Còn lại một bức họa chắc sẽ làm hài lòng phán quan. Đó là bức tranh vẽ một con mèo mà hòa thượng rất ưa thích. Bức tranh đó hiện được treo ở chánh điện. Sau khi tiệc tàn, ta sẽ thân hành dẫn ngài tới thưởng lãm.

Ngôi đền chắc cũng chẳng có gì ấm cúng mà bức tranh của vị hòa thượng đã viên tịch e cũng chẳng gây hứng thú mấy cho vị phán quan, tuy vậy ông cũng làm ra vẻ hân hoan khi đ ược nhận lời đạo sĩ dẫn đến xem.

Đạo sĩ Tuyên Minh và hòa thượng trụ trì lúc này đang chăm chú ăn một loại cháo đặc. Dịch Nhân Tiết lấy đũa đùa đùa mấy miếng cái không thể định rõ là thứ gì, nổi lên trên một thứ n ước màu nâu mà ông ta nghĩa rằng mình không thể nào nuốt cho xuôi món ăn này. Tìm tòi mãi trong đầu óc vài câu nói xã giao, Dịch Nhân Tiết nghĩ ra một câu hỏi mà ông tin rằng rất khôn khéo, nên ông bạo miệng lên tiếng:

- Chẳng hay hòa thượng có thể dạy cho bản chức biết qua về thứ tự đẳng cấp trong Lão giáo không?

Hòa thượng Chân Hiền tỏ ra khó chịu, do dự một lúc, rồi hòa thượng im lặng hẳn. Cũng may vừa lúc đó, có vị tân khách ngồi bàn bên cạnh đứng dậy mời Dịch Nhân Tiết nâng chén, nên vị phán quan phải đứng dậy theo để đáp lễ. Vị tân khách đó không ai khác là thi sĩ Tùng Lập. Lúc này Dịch Nhân Tiết ngồi đối diện với Tùng Lập. Thi sĩ đã uống khá nhiều rượu nên mặt mày đỏ gay.

Cùng lúc, một chú tiểu ở ngoài bước vào, đi tới trước Dịch Nhân Tiết báo tin là cái trục xe đã được thay bằng trục mới, hai con ngựa đã cho ăn no rồi, đến sáng mai là vị phán quan có thể lên đường nếu ông xét rằng không cần ở lại trong thiền viện thêm một hai ngày nữa.

Dịch Nhân Tiết ngỏ lời cám ơn chú tiểu trong lúc chú còn lẩm bẩm thêm vài câu xin phép được cáo lễ vì còn phải lo buổi tụng kinh ban đêm.

Dịch Nhân Tiết ngồi lại với thi sĩ Tùng Lập. Vị phán quan tỏ ý thắc mắc:

- Dường như bản chức không thấy bà Bảo Mẫu và nàng Mai Quế hiện diện trong bữa tiệc này?

Tùng Lập vẫn giọng khinh đời:

- Ái nữ của bà Bảo Mẫu? Bẩm quan lớn. Thế thì quan lớn có nghĩ rằng con người mảnh mai đó rồi đây cũng chỉ trở thành một đống mỡ không?

Dịch Nhân Tiết trả lời xã giao:

- Ồ! Năm tháng trôi qua thường làm thay đổi vóc dáng con người một cách thấy rõ.

Tùng Lập nấc cụt mấy cái. Hơi thở của chàng nồng nặc mùi rượu.

- Xin ngài xá lỗi cho. Bọn người đó toan đầu độc chúng ta với thức ăn của họ đấy. Lúc này, chính tôi cảm thấy nôn nao khó chịu ở bao tử. Nhưng xin quan lớn được cho tôi nói ra là bà Bảo Mẫu thuộc hạng người nào. Còn Mai Quế không phải là ái nữ của bà ta đâu nha!

Đưa một ngón tay trước mặt như muốn làm dấu hiệu mật, Tùng Lập hạ giọng:

- Vậy quan lớn có nghĩ rằng thiếu nữ đó bị ép buộc vào tu ở thiền viện này không?

Dịch Nhân Tiết chậm rãi:

- Nếu biết điều đó hãy nêu câu hỏi ấy với chính nàng. Mà những thiếu phụ đó đi đâu cả rồi?

- Có lẽ họ đang dùng cơm tối trong phòng riêng của họ. Kể ra đó là một sự khôn ngoan vì để một thiếu nữ trong trắng và đẹp nõn nà dưới cặp mắt đầy dâm ô của bọn người đó thì chính là một cái tội. Ít ra thì đống thịt mỡ kia lúc này có lý.

- Thì chính thi sĩ cũng thèm khát muốn nhìn Mai Quế?

Thi sĩ Tùng Lập bỗng đứng phắt người dậy, long trọng tuyên bố:

- Tôi xin thề ý tưởng của tôi cao thượng hơn.

- Hân hoan biết được điều ấy. Còn về cái bình đựng hài cốt của vị hòa thượng viên tịch như ông kể chuyện với bản chức, thì bản chức có ngỏ ý với hòa thượng trụ trì là muốn được xem nhưng hòa thượng nói rằng về mùa này người ta không thể mở nắp bình ra được.

Tùng Lập lẩm bẩm:

- Rõ ràng đó là mưu chước của họ.

Dịch Nhân Tiết hỏi lại:

- Thế thì thi sĩ có khi nào bước xuống nơi chôn cất hài cốt không?

- Chưa hề … nhưng đợi có ngày. Bọn họ đã đầu độc hòa thượng Ngọc Kính cũng như trong lúc này họ đang muốn đầu độc chúng ta đó. Xin ngài nhớ lấy những lời tôi đã nói ra.

Dịch Nhân Tiết chau mày:

- Nhưng ông say rượu kia mà!

- Thì tôi có chối cãi điều ấy đâu. Vì đó là phương cách giữ cho tâm hồn trong sạch khi ở trong ngôi tu viện này. Nhưng tôi xin cam đoan với ngài là vị hòa thượng viên tịch đã tỏ ra rất sáng suốt khi ông viết bức thư cuối cùng cho thân phụ của tôi.

Phán quan Dịch Nhân Tiết chau mày:

- Hòa thượng có nói rằng cuộc sống của ngài bị đe dọa không?

Tùng Lập gật đầu uống cạn thêm một chén rượu nữa.

- Hòa thượng nghi ngờ ai?

Tùng Lập đập mạnh cái chén rượu xuống mặt bàn:

- Nếu tôi trả lời câu đó thì ngài sẽ kết tội tôi đã tố cáo người ta bằng cách vu khống. Thưa ngài, tôi hiểu luật lắm chứ.

Ghé sát Dịch Nhân Tiết, Tùng Lập nói nhỏ:

- Tôi sẽ nói với ngài khi tôi đã thu thập đủ bằng chứng.

Dịch Nhân Tiết đưa tay vuốt ve Tùng Lập. Hắn như người điên nhưng thân phụ hắn quả là người có tiếng tăm với phong độ cao thượng của ông. Thiên hạ kính cẩn tưởng nhớ đến ông, người dân thương mến mà đến cả giới thượng lưu trí thức, quan quyền cũng tỏ lòng kính phục. Nếu vị hòa thượng đã viên tịch có để lại bức thư tố cáo có người đe dọa cuộc sống của hòa thượng thì cần mở ngay cuộc điều tra về âm mưu đó.

Dịch Nhân Tiết tự hỏi:

- Hòa thượng trụ trì hiện đang suy nghĩ gì?

Tùng Lập mỉm cười đồng ý, đáp:

- Xin phán quan cứ đặt câu hỏi đó với hòa thượng trụ trì. Đối với phán quan chắc chắn ông ấy không thể bày cách này hay cách khác nói dối được.

Dịch Nhân Tiết đứng dậy và bước lại chiếc bàn của ông ngồi lúc nãy. Vừa lúc Dịch Nhân Tiết ngồi xuống thì hòa thượng trụ trì lên tiếng chua cay:

- Ta thấy là Tùng Lập vẫn còn say! Ồ! Vì sao ông ấy không giống thân sinh của ông ấy chút nào cả.

Dịch Nhân Tiết uống một ngụm nước trà xong rồi nói:

- Người ta nói rằng cố tiến sĩ Tùng Thiện là một trong những ân nhân của ngôi thiền viện này, có phải thế không?

Hòa thượng trụ trì đáp:

- Vâng. Ông ấy là một vị ân nhân lớn nhất của chúng tôi. Quả là một giòng họ xuất sắc. Thân sinh của cố tiến sĩ Tùng Thiện là một người nghèo khổ đi làm thuê, ở mướn ở miền Nam. Nhưng ông ta mê say học hành bằng cách ngồi hàng giờ ngoài cửa, lấy tay tập viết trên cát. Cuối cùng, ông ta đậu hương sư. Các tay lái buôn khâm phục ý chí học hỏi của ông ta nên góp tiền, kẻ ít người nhiều giúp ông ta tiếp tục học. Đến kỳ thi tỉnh, ông ta đậu đầu. Triều đình bổ ông làm phán quan. Vợ ông là một cô gái thuộc dòng họ lâu đời. Ông từ trần trong lúc còn tại chức. Tiến sĩ Tùng Thiện là trưởng nam của ông. Ông này nổi tiếng học giỏi, thi đâu đậu đó, cưới vợ con gái một thương gia giàu có. Tiến sĩ Tùng Thiện làm quan tới chức tổng đốc. Ông biết sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan. Gia đình được hưởng sự giàu có sung túc.

Dịch Nhân Tiết có vẻ sảng khoái, ngắt lời:

- Giàu hay nghèo, sinh trưởng trong một gia đình ra sao không đáng kể, những kẻ có tài cuối cùng cũng đạt được những chức vị cao sang, do đó đất nước mới được phồn thịnh. Thôi hãy trở lại với vị hòa thượng đáng kính của chúng ta. Ngài bị bệnh gì mà phải sớm viên tịch?

- Hòa thượng Ngọc Kính không viên tịch vì bệnh. Ngài muốn về chầu trời sớm đó thôi. Khi ngài nhận thấy thời gian ngài ở lại dưới trần đã tạm đủ, ngài sớm muốn về nơi tiên cảnh. Ngài ra đi trong lúc cơ thể còn cường tráng, tinh thần minh mẫn. Thật đó cũng là một điều kì lạ đối với những ai từng được chứng kiến cái chết của ngài.

Đạo sĩ Tuyên Minh quay sang nói:

- Một kỷ niệm khó quên, ngài Dịch Nhân Tiết ạ! Chính ta được dịp chứng kiến. Trước khi thở hơi cuối cùng, hòa thượng kêu gọi mọi tu sĩ đứng quanh ngài và sau hai giờ lầm rầm cầu nguyện, ngài vòng tay lại, từ từ nhắm mắt, rồi thả hồn …

 

°

° °

Dịch Nhân Tiết bước theo đạo sĩ Tuyên Minh đến cửa, rồi một mình đi tới phòng ăn. Vị phán quan sẽ đi xem các bức tượng đó sau. Những bức tượng đã nằm nơi đó cả hai trăm năm nay, chắc chắn vẫn còn nằm tại đó lâu ngày nữa.

Dịch Nhân Tiết đến gặp Tào Can ở hành lang. Tào Can báo cáo những gì đã nghe thấy.

- Bẩm quan lớn. Vẫn không có một tin tức gì về diễn viên Mặc Đức cả. Theo lời Quan Lai kể thì hắn là một kẻ bất thường tính. Thấy hắn đó rồi đột nhiên hắn lại biến mất, không ai rõ là hắn ta đi đâu cả. Những đồng bạn của hắn đã nói chuyện rất nhiều trong buổi tiệc nhưng không ai nhắc nhở gì đến tên hắn. Bữa tiệc vui vẻ, chỉ có một chuyện nhỏ đáng tiếc xảy ra. Một tu sĩ không có chén ăn, không có đũa. Các chú tiểu bị quở trách nặng nề về sự sơ suất đó.

Dịch Nhân Tiết quắc mắt:

- Thế nào? Nhà ngươi cho đó là bữa tiệc vui vẻ đó sao? Ta chỉ uống vài chén rượu, một ít trà, ngoài ra ta không thể ăn uống gì nữa cả.

- Riêng tôi không có gì phải phàn nàn cả. Thức ăn hậu, ăn lại khỏi tốn một đồng tiền nào.

Dịch Nhân Tiết mỉm cười. Tào Can nói tiếp:

- Quan Lai có nhã ý mời tôi đến phòng hắn uống thêm rượu nhưng tôi từ chối. Tôi muốn được dạo chơi ở hành lang, may ra sẽ gặp được Mặc Đức trong lúc này.

- Ý kiến rất hay! Còn ta sẽ đến thăm bà Bảo Mẫu và ái nữ của bà ta. Để ta hỏi thử bà Bảo Mẫu và nàng Ngẫu Dương có liên hệ giòng họ gì không? Thi sĩ Tùng Lập đoan chắc với ta là Mai Quế không phải là con gái bà Bảo Mẫu. Nàng đi tu cũng là ngoài ý muốn của nàng. Nhưng hắn kể ta nghe những câu chuyện trên trong lúc hắn say. Hắn còn nói hòa thượng Ngọc Kính bị ám sát! Ta có nêu vấn đề đó với hòa thượng trụ trì và cả với đạo sĩ Tuyên Minh. Ta nghĩ rằng Tùng Lập chỉ là một anh chàng ba hoa thôi. Vậy nhà ngươi có biết phòng riêng của bà Bảo Mẫu ở đâu không?

- Bẩm quan lớn. Ở tầng lầu nhứt. Hành lang thứ hai. Ngôi cửa thứ năm.

- Hay lắm! Ta sẽ gặp nhà ngươi ở phòng của Quan Lai. Dường như trời đã tạnh mưa. Bây giờ chúng ta có thể đi ngang qua sân để đi đến cánh phía đông của ngôi thiền viện.

Lúc đó vừa có một chú tiểu xuất hiện. Chú bị ướt từ đầu đến chân và cho biết cơn giông đã hạ, nhưng trái lại, trời vẫn mưa to. Dịch Nhân Tiết và Tào Can lại phải đánh một vòng lớn và lúc hai người đi qua ngôi đền họ thấy rất đông tu sĩ có mặt nơi đó.

Cả hai chia tay trước phòng hội.

Vị phán quan nhận thấy tầng lầu một vắng vẻ. Những ngọn đèn leo lét cháy tỏa ra một ánh sáng mập mờ soi sáng các hành lang. Im lặng hoàn toàn. Người ta chỉ nghe tiếng sột soạt của chiếc áo gấm của vị phán quan theo mỗi bước đi, ngoài ra không có một tiếng động nào.

Đúng vừa lúc vị phán quan đang nhẩm đếm các ngôi cửa ở hành lang thứ hai, bỗng nhiên ông ta nghe thấy như có tiếng thì thầm. Dịch Nhân Tiết lắng tai nghe. Quả có tiếng thì thầm ở phía sau nhưng đồng thời có một mùi hương thoang thoảng lọt qua mũi. Dịch Nhân Tiết muốn quay bước nhưng lúc này ông cảm thấy choáng váng mặt mày và trước mắt vị phán quan, bỗng dưng mọi vật chìm trong bóng tối dày đặc…