Siêu đặt chén nước chè xuống khay, hỏi Mùi:
"Đã đến giờ đi chưa?"
Mùi nhìn đồng hồ nói:
"Chưa anh ạ".
"Thế sao cô phải dậy sớm thế và đánh thức tôi dậy sớm thế. Chè tàu sáng nay ngon mà phải uống vội mất cả thú".
Ông Lang cũng chen vào:
"Có phải không. Uống chè tàu mà uống vội mất cả ngon. Được cái tôi có tính dậy sớm nên tha hồ thong thả uống nước chè. Người tây họ uống nước chè, họ uống từng cốc to và cho đường vào, thế thì còn lý thú gì".
Siêu nói tiếp:
"Vâng, cháu cũng thấy thế. Và nhà tây nữa, họ ở họ ăn, ngồi chơi mà đi ngoài đường ai cũng cứ nhìn thông thống vào, ở như thế thì khó chịu chết. Có phải không chú?"
Nói xong Siêu mới thấy câu của mình về nhà tây không ăn nhịp gì lắm với việc uống nước chè đường. Nhưng chàng nói ra vì xưa nay chàng vẫn ghét lối sống lồ lộ trước mắt mọi người và sáng nay Mùi đi cân gạo nhắc chàng đến câu chuyện có tiền về quê làm cái nhà lối ta có hiên rộng và có hàng rào găng ta che khuất.
Mùi rót ít nước sôi vào chén uống, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Nàng hồi hộp không yên lúc đã sắp đến giờ ra cửa hàng cân lần đầu. Mùi không muốn ra sớm quá, sợ ngượng với các bà cân khác; vả lại ra sớm mà ngồi trơ ra với cái cân không có người hàng sáo nào, kể cũng hơi phiền trong một ngày mở hàng. Ra chậm quá cũng không được vì người khác ra sớm mua tranh mất nhiều. Thành thử Mùi cứ thấp thỏm, không biết lúc nào ra thì vừa đúng. Sau cùng nàng cặp tráp tiền đứng lên:
"À, nặng quá".
Siêu cũng đứng lên:
"Cô đưa tôi mang cho".
"Không được, anh phải mang gậy cơ mà. Nó có đến mà anh vướng tráp bạc thì làm thế nào".
Lúc đi qua gốc cây thị, Mùi bảo Siêu:
"Cây thị này có ma, mọi sáng đi qua em vẫn sợ lắm. Từ hôm nay giở đi thì hết sợ".
Nghe Mùi nói thế, Siêu lấy cái gậy vụt mấy cái vào thân cây thị, nhưng mặc dầu lý trí bảo chàng không có ma, lúc vụt chàng cũng thấy rờn rợn ở tay.
"Làm gì có ma. Cô chỉ được cái thần hồn nát thần tính".
"Sao anh bảo không có ma. Em đã trông thấy ma rồi, ba con tất cả".
"Ghê nhỉ, cô tả cho tôi nghe".
"Ba con như ba ngọn lửa nó chạy ở trên bãi tha ma".
Siêu cười:
"Ma đâu, lửa đấy. Ma ấy thì tôi có thể làm cho cô xem".
Mùi cũng cười:
"Anh làm được cả ma".
"Làm ra ma không khó gì, nhưng làm được ma cũng không giầu thêm đồng xu nào. Để hôm nào tôi giảng cho cô tại sao lại có ma trơi, ma đống. Xương người chết có chất lân tinh, chất lân tinh ở mộ bốc lên gặp không khí nó cháy, nếu có gió nó đi chơi thì gọi là ma trơi, nếu im gió nó ngồi yên thì gọi là ma đống. Cô đã hiểu chưa và hết sợ chưa?"
Mùi mỉm cười thấy Siêu nói để hôm nào giảng mà lại giảng ngay. Nàng hiểu nhưng nàng thấy chất ấy ở trong xương người chết trong mộ bốc ra rồi tự nhiên lại bùng cháy được, thế thì chất ấy đích thị là ma rồi còn gì nữa. Trước nàng vẫn còn cho có thể là lửa đóm của những người đi bắt ếch, nay được biết rõ là có lửa thật ở mả bốc lên không phải là lửa đóm; nàng lại càng tin là có ma thật.
"Anh nói thế em lại càng sợ thêm".
"Cô sợ chất lân tinh".
"Chất gì không biết. Nhưng anh bảo nó ở xương người chết nó bốc ra, tự nhiên nó lại cháy bùng lên được rồi lúc nó ngồi lúc nó đi chơi, ma ấy mới sợ".
Siêu thấy Mùi nói một cách thành thực, không phải đùa.
"Hôm nào thong thả tôi phải giảng cho cô nghe về khoa học và nhất là hoá học cho cô hết sợ ma. Hoá học nhiều cái thần tình lắm cơ".
Rồi chàng bật cười tiếp:
"Vì hoá học thần tình nên tôi chỉ chuyên về hoá học, thành ra đi thi trượt luôn hai năm. Nhưng không sao, cô cứ cân gạo, tôi cứ cố tìm tòi, xem người nào giầu trước".
Hai người đã đi vào bóng cây đa cốc. Siêu đứng lại nhìn cho đến khi Mùi đi khuất rồi chàng vác gậy trở về.
"Nhất định làm gì có ma".
Tuy nghĩ thế và tin chắc là thế, Siêu cũng thấy rợn cả người lúc đi qua một mình dưới gốc cây thị. Chàng nắm chặt gậy đề phòng ma báo thù chàng đánh nó ban nãy.
<
Bác Lê gái thấy Mùi đi qua hỏi:
"Hôm nay cô mở cửa hàng cân gạo. Chúc cô phát tài".
Bác nhìn vào cái tráp có vẻ nặng tiền của Mùi:
"Cô đi một mình từ trong nhà ra đấy à?"
Mùi không đáp vì không dám nói đi với Siêu và cũng không dám nói là đi một mình. Lúc đó nàng mới nhận thấy rõ là Siêu đã nói đúng khi bảo là đi đưa nàng không tiện. Mùi nói:
"À, sáng mai phải bảo anh Nhỡ vào đón".
Lúc ra đến chỗ các quán cân gạo, Mùi thấy bà Huyện Thanh, cụ Hai Sinh, bà Đồ Minh đã ra nhưng đương sửa soạn chưa bắt đầu cân. Bỗng Mùi chớp mắt một cách ngạc nhiên nhìn vui sướng; ở trước cửa hàng bác Liễn mà nàng đã thuê để đổ gạo, hàng sáo ngồi đợi đông lắm. Bà Ký Ân chưa ra nhưng chung quanh cân bà ta không có người nào. Mùi cúi đầu chào cụ Hai Sinh và bà Huyện Thanh một cách rất lễ phép, cung kính hơn mọi lần. Nàng thích lắm khi nghe thấy sau lưng tiếng bà Huyện Thanh nói với bà Ký Sinh:
"Con gái tôi thật là đảm đang. Cô ấy năm nay dễ mới mười bảy mười tám".
Hai câu ấy nói liền nhau tỏ ra rằng các bà đương phục nàng còn ít tuổi thế mà đã thông thạo đi cân được gạo. Đám hàng sáo rẽ ra để Mùi đi vào:
"Cô để cháu bán mở hàng cho cô".
"Cô để tôi".
Bác Nhiêu Lịch lấy tay gọi Mùi:
"Cháu đợi cô mãi".
Bác đã đến thật sớm và mưu mô với Nhỡ để Nhỡ đặt hai bị gạo của bác lên trên cái cân và bác đứng chống tay vào đòn gánh canh không cho ai nhắc xuống. Những lúc túng bấn, bác thường đến vay mượn Mùi nên nghe tin Mùi sắp đi cân gạo bác vui mừng lắm và dò hỏi Nhỡ xem đích xác hôm nào và bác nhất quyết mở hàng cho Mùi.
Lúc đó Mùi cũng hồi hộp trong lòng và hơi ngượng. Nàng móc túi lấy ra quyển sổ con và bút chì vì nàng không quen dùng bàn tính. Nhỡ đã treo sẵn chiếc đèn ở cạnh cân; chàng tươi cười nói với Mùi:
"Đông quá mà ai cũng chen nhau đòi mở hàng, cháu không biết làm thế nào. Tuỳ cô muốn để ai thì để".
Mùi ngồi xuống ghế. Thế là sau bao nhiêu lâu, cái mộng đi cân gạo của nàng đến lúc này đã biến thành sự thực: Nàng cũng được ngồi sau cái cân, cái tráp tiền đặt nặng ở trên hai đùi. Nàng ngửng nhìn mọi người và mỉm cười vơ vẩn.
"Nào, ai mở hàng cho tôi bây giờ?"
Những tiếng "cháu, tôi" nhao nhao lên chung quanh cái cân. Bác Lịch khó chịu vì không thấy Mùi nhìn mình, nhưng bác không đời nào chịu để cho ai bỏ gạo của bác xuống cho người khác mở hàng. Mùi đã biết là bác Lịch có gạo để trên cân; vốn biết bác từ lâu và vẫn mến bác vì tính thẳng thắn nên nàng cũng muốn bác mở hàng mình và cho đó là một sự may mắn. Giá bác còn đứng ở xa, Mùi cũng gọi đến; nhưng muốn làm được lòng cả mọi người, nàng vẫn không nhìn bác Lịch, đưa mắt và mỉm cười với tất cả mọi người.
"Ai thì tôi cũng muốn để mở hàng nhưng không biết chọn ai, vậy người nào đến trước nhất thì mở hàng cho tôi".
Bác Nhiêu Lịch lại chống mạnh vào cái đòn gánh hơn trước; bác cũng đưa mắt nhìn tất cả mọi người nhưng để lườm họ và tỏ cái đắc thắng của mình. Mùi giơ tay xê dịch quả cân; tuy chưa quen nhìn gạo mà biết được đúng số cân nhưng nàng cũng đoán hai bị gạo của bác Lịch độ bốn mươi cân. Nàng xê quả cân đến năm mươi vẫn thấy cán cân còn bổng lên. Nàng vừa xê quả cân vừa lẩm bẩm:
"Bác Lịch còn khoẻ nhỉ, gánh nổi hơn năm mươi cân tây gạo".
Mùi xê quả cân đến nấc năm mươi lăm vẫn thấy cán cân bổng.
"Lạ nhỉ, hay là cân hỏng?"
Nàng ngửng lên nhìn bác Lịch. Bác Lịch nói:
"Thế nào ấy chứ chỗ gạo của cháu chỉ độ bốn mươi cân thôi".
Bỗng Mùi bật lên cười:
"Giời đất ơi! Thảo vào mà gần sáu mươi cân. Tôi có mua đòn gánh và người bác đâu".
Lúc đó bác Lịch mới sực nghĩ đến là mình đương đứng tựa cả người trên cái đòn gánh mà đầu đòn gánh lại chống lên mặt cân.
"Ồ, thế mà cháu không biết".
Mọi người đều nhao nhao lên, cười nói một lúc. Có tiếng người bảo là bác Lịch xấu tính, nhân lúc cô Mùi mới đi cân lần đầu chưa thạo nên định mưu đánh lừa. Bác Lịch giơ đòn gánh lên, đưa mắt tìm xem người nào nói thế; nếu bác biết chắc là ai thì bác sẽ đập một cái mạnh vào đầu cho bõ tức, nhưng không chắc hẳn là ai nên bác đành hạ đòn gánh xuống. Mùi bật cười:
"Bác định sinh sự đánh nhau lúc tôi đi khai cân?"
"Nhưng mà cháu tức lộn ruột. Nó lại dám bảo là cháu dám đánh lừa cô. Thế còn giời đất nào nữa không. Thế cô, cô có bảo là cháu định đánh lừa cô không?"
"Thì chính bác đã nói với tôi là chỉ độ bốn mươi cân thôi".
"Đấy nhé cô làm chứng nhé... Cha đời vạn mớ đứa nào vu oan cho bà, nó chết hết đời cha đời ông nhà nó, cả họ xa gần nhà nó, chết băm chết bầm, chết đâm chết chém, chết..."
Không đánh được, bác chửi vì bác nghĩ chửi thì chắc chắn lọt vào tai người nói. Mùi lại can:
"Không đánh nhau thì bác lại xoay ra chửi nhau thì cũng thế. Thôi bốn mươi tư cân, vào đổ gạo đi".
Hết bác Lịch rồi lại đến hai người khác cãi nhau; tuy là một người đàn ông và một người đàn bà nhưng cả hai đều khoẻ ngang nhau và cùng đặt được thúng gạo vào cân đều nhau, nên không ai chịu nhường ai, miệng thì nói tay thì ấn thúng gạo, cứ giằng co như thế một lúc lâu. Mùi mỉm cười vì họ tranh nhau để cân sớm một tí mà lại thành chậm gấp mấy không tranh nhau. Nhưng Mùi cũng không khỏi cắn chặt hàm răng, cứng cả gân người như lấy hết sức hộ người đàn bà khi thấy người đàn bà đã đẩy được thúng gạo của người đàn ông ra khỏi mặt cân. Nàng cũng muốn cho người đàn bà thắng và thấy vui thích khi người đàn bà đẩy được thúng gạo của người đàn ông xuống đất và phủi tay, sửa lại khăn, mỉm cười với nàng. Cân xong, Mùi lại thấy người đàn bà khác đặt được thúng gạo của mình lên cân trước người đàn ông. Người đàn ông có vẻ tức lắm, nhấc thúng gạo của mình đặt lên trên thúng gạo của người kia lấy cớ là đã lỡ lượt trước thì lượt này phải được cân. Lý người đàn bà cũng cứng: ai đặt được gạo lên cân là được cân trước. Rồi hai người cãi nhau một hồi, không ai chịu thua ai. Sau mọi người chung quanh đều nói người đàn ông trái. Mùi cân xong cho người đàn bà, lại đợi xem lần nầy người đàn ông có cho được gạo mình lên cân không hay lại bị người khác tranh mất.
Bây giờ Mùi mới biết là họ cần tranh nhau: giá nàng có gạo đem cân nàng cũng phải tranh, không phải vì sớm được một lúc nhưng bị như người đàn ông kia thì tức chết.
Thế là Mùi bận rối rít; xê quả cân, tính giá tiền, bốc gạo xem, đếm tiền trả họ và bận nhất là hồi hộp xem họ tranh nhau, xem họ cãi nhau đến vui. Được cái hôm nay giá gạo số chẵn nên nàng làm tính nhân rất nhanh, không sợ lầm. Bà Ký Ân lúc đó cũng bê tráp tiền ra cân, thấy cửa hàng Mùi đông và cân mình vắng không có một ai, bà rẽ đến chỗ Mùi, cất tiếng cười to và nói:
"Bà chủ hiệu thuốc Thọ Đường ơi, bà tranh hết cả khách hàng của con này rồi".
Mùi ngửng lên nhìn bà Ký Ân và thấy mặt bà ta có vẻ vui một cách thực tình. Mùi ngửng lên cười lại với bà Ký; hôm nay nàng thấy ai cũng tử tế với mình và cả bà Ký Ân và sáu cô con gái của bà nàng cũng thấy không có gì đáng ghét nữa:
"Bà cứ nói thế. Hôm nay khai cân ai cũng muốn đến mở cửa hàng cho cháu".
Nhưng Mùi khó chịu là vì cửa hàng của bà Ký vắng khách nên bà nói chuyện luôn mồm. Mùi đã bận tíu tít lại phải chú ý lắng tai nghe và thỉnh thoảng tuy không nghe rõ bà nói khôi hài về chuyện gì, nàng cũng phải cố gắng cười gượng gạo. Chốc chốc nàng lại phải chen vào những tiếng nói hưởng ứng bà Ký mà không công phạt:
"Thế à bà?"
"Thế cơ à?"
"À ra thế".
"À thế đấy".
Đến chín giờ sáng thì người đến cân gạo đã vãn. Mùi lúc đó mới thấy mỏi rừ cả hai vai và cánh tay phải. Hai đùi nàng gần như bị tê liệt. Nàng đứng lên vươn vai, thấy hơi chóng mặt nặng đầu và cho là tại vì xem họ tranh nhau, cãi nhau nhiều quá. Nàng định ngày mai cũng phải bắt chước mấy bà kia, nghĩa là cứ thấy gạo ở trên cân là cân, đừng để ý đến mọi người. Họ muốn cãi nhau, đánh nhau, đâm chém nhau để được gạo lên cân là việc của họ, nàng mệt một phần vì hồi hộp xem họ tranh nhau và cứ lấy gân, cứng người như là chính nàng phải tranh với họ.
Quay nhìn vào trong nhà, nàng thấy hai đống gạo trắng và đỏ đã lên đến nửa cột nhà và chân hai đống gạo đã gần chạm vào nhau. Mai có lẽ phải vây cót. Mệt nhưng Mùi cũng phải vào trong nhà, giữ miệng bao để Nhỡ đổ gạo. Nàng thấy Nhỡ chăm làm, săn sóc công việc từng ly từng tý và lúc nào cũng vui tươi, làm vừa lòng cả mọi người. Nhỡ nói với Mùi giọng vui vẻ:
"Chưa nhà nào một hôm mà cân được nhiều thế này cô ạ".
Mùi nói:
"Cân càng nhiều càng mệt vào thân. Này anh Nhỡ, giữ miệng bao, tôi mỏi tay lắm rồi".
Suốt mấy giờ đồng hồ giơ tay cân nay lại giơ tay giữ bao, làm những công việc nhẹ ấy, Mùi thấy mỏi cả hai cánh tay nên nàng định tâm xúc gạo, cử động một cách khác và làm việc nặng nhọc hơn có lẽ không mệt nữa. Thế là nàng ra xúc gạo; một lúc lâu nàng phải cởi cả áo cánh bông và mồ hôi ra lấm tấm ở trán. Công việc ấy tuy mệt nhưng nàng thấy trong người nhẹ nhàng dễ chịu hơn và hết nặng đầu. Nàng lại ra sức xúc gạo không ngừng tay, làm cho Nhỡ cũng lấy làm lạ về sức khoẻ của nàng. Bà Huyện Thanh và Đồ Minh cũng chạy sang cửa hàng, Mùi làm như chưa trông thấy hai bà ấy và cứ cặm cụi xúc gạo.
Bà Huyện nói:
"Kìa anh Nhỡ, sao anh không xúc gạo lại để cô ấy xúc".
"Bẩm bà lớn, cô con đòi xúc, nói cầm miệng bao mỏi tay".
Mùi dướn thẳng người lên, lấy tay gạt mồ hôi trán. Bà Đồ Minh nói:
"Hôm nay cô cân dễ đến gần trăm bạc".
"Vâng thưa bà, cháu chưa tính nhưng cũng đến gần chín mươi đồng rồi".
Bà Huyện chợt nghĩ đến chỗ Mùi có số tiền lớn thế, ít ra vốn nàng cũng đến trăm rưỡi. Hiệu Khách có ứng tiền, nhưng nàng có quen gì hiệu Khách lắm đâu và mới đi cân cũng chẳng bao giờ hiệu ứng một số tiền lớn thế. Bà Mùi hỏi:
"Hiệu ứng tiền trước cho cô?"
Mùi đáp ngay:
"Thưa bà không, vốn của cháu".
"Thế à?" Con gái tôi giầu nhỉ.
Hai bà đưa mắt nhìn nhau. Mùi thấy nóng ở hai tai nhưng không phải vì xúc gạo:
"Mấy năm nay, nhờ trời làm ăn cũng khá nên cháu mới dám nghĩ đến cân gạo. Hiệu thì cháu không quen mà đi vay thì sợ thua lỗ đâm nợ".
Bà Huyện mỉm cười nhìn Mùi:
"Con gái cụ Lang Hàn, ở khắp đây đã biết tiếng đảm đang, ai không biết; nhưng tôi không ngờ đâu lại có vốn để dành nhiều thế. Hay là đã đào được con cóc vàng nào. Thực tình, vốn của cô à, cứ nói thẳng cho bà con mừng cho".
Bà Huyện thấy Mùi có nhan sắc, lại đảm đang, bây giờ lại có vốn riêng nhiều thế nên bà định làm mối cho Mùi lấy Luyện, một người cháu họ của bà mới vào học trường Thuốc.
"Vâng thưa bà, vốn cháu để dành trong ba năm nay".
Nói thế nhưng nàng thấy bà Huyện như không tin. Cũng may bà chưa biết bà Cai về xóm. Vả lại dẫu họ đoán bà Cai có tiền đưa nàng thì cũng là một việc không có gì lạ, còn việc ông Cai ở Hải Phòng xa xôi mấy ai đã chú ý đến. Ông Năm Bụng người ở đâu đến, đời ông có sự gì uẩn khúc, nào có ai biết mảy may. Bà Ký Ân nữa, tại sao bà ấy lại có nhiều tiền, cũng không ai biết. Siêu thì đã cẩn thận tránh sự giao du, như thế càng khó lòng có người biết hơn. Nhưng sao bà ấy lại nói bóng nói gió đến con cóc vàng.
Bà Huyện lại nhìn bà Đồ Minh nói:
"Con gái tôi thì giỏi thực".
Lời bà Huyện, Mùi thấy nhiễm đầy mỉa mai. Nàng đã thấy ngứa ran ở gáy và giá nói ra được thì nàng đã nói ngay cho bà Huyện biết việc đó là việc của nàng không việc gì đến bà ấy mà phải hỏi căn hỏi vặn. Nhưng bà Huyện, Mùi phải kính nể nên không dám nói gì. Bà Huyện bỗng hỏi Mùi:
"Năm nay cô bao nhiêu tuổi nhỉ?"
Mùi nhìn bà Huyện trong người nhẹ hẳn, nhưng nàng không đáp lời. Nàng đoán biết bà Huyện định làm mối cho mình lấy người nào và hỏi căn vặn về số vốn của mình là vì lẽ ấy. Nàng lại nhớ đến câu Siêu nói lúc sáng: "thần hồn nát thần tính"; chứ ai hơi đâu bới chuyện riêng nhà mình ra. Có bà Ký Ân hay kiếm chuyện thì lúc nãy sang xem gạo nàng cân, bà ấy không đả động gì đến tiền vốn cân của nàng và cũng không lấy làm lạ rằng nàng có nhiều vốn thế. Mùi hú vía vì lúc nãy nếu không giữ được miệng nói xẵng lại bà Huyện thì một là mình là con gái vô lễ, đáo để - cả đến bà Huyện mà cũng không kiêng nể - hai là tự nhiên tỏ ra có sự gì khuất tất trong số vốn của mình. Mùi cúi mặt, ấn đầu guốc vào cột nhà. Bà Huyện thấy Mùi e thẹn, cho là Mùi tinh ý đã hiểu được ý bà:
"Chắc cô độ mười bảy tuổi chứ gì. Con gái tôi, thì phải lấy chồng Cao đẳng mới xứng. Nào, có muốn lấy chồng Cao đẳng, học trường Thuốc, trường Luật thì nói ra. Tôi có vô số".
Rồi bà quay lại bảo bà Đồ:
"Con gái nuôi tôi đấy, bà ạ. Con gái nuôi mà bây giờ quên cả mẹ. Lúc bà Lang còn sống sang chơi cứ bảo cho cô ấy cho tôi làm con nuôi".
Mùi thì không biết mẹ nàng có nói thế không, còn nàng thì hoàn toàn nàng không biết có việc đó. Thảo nào mà nàng cứ thấy bà ấy gọi mình là "con gái tôi", ba tiếng mà lúc nãy nàng chưa hiểu nghĩa nên thấy đầy mỉa mai.
"Thế nào, trường Thuốc nhé. Cô thì chắc thích lấy chồng trường Thuốc vì là con gái ông Lang mà".
Mùi ngửng lên:
"Thưa bà, học trò Cao đẳng thì bao giờ thèm lấy đến những người như cháu. Với lại, cháu phải ở nhà để trông nom thầy cháu và em cháu đi học".
Nói vậy nhưng trong lòng Mùi thấy vui sướng vì đã có người - mà người ấy lại là một bà Huyện - nói đến việc nàng xứng đáng lấy chồng Cao đẳng. Mùi lại chợt nghĩ đến ông Ninh Ký và mỉm cười.
Bà Huyện rủ bà Đồ đi về. Ra đến ngoài, bà còn quay lại:
"Thôi, nhất định đi. Học trò trường Thuốc nhé".
Bà Huyện và bà Đồ đi khỏi, Mùi bất giác mỉm cười. Nhỡ cũng mỉm cười nhìn Mùi một cái rồi lại cúi mặt cười tủm tỉm một mình.
"Anh Nhỡ cười gì đấy".
"Thưa cô không".
"Rõ ràng anh cười mà lại bảo không".
Mới đầu thấy Mùi mỉm cười thì Nhỡ cũng tự nhiên mỉm cười theo, sau lại nghĩ đến chỗ Mùi mỉm cười vì sắp được lấy chồng Cao đẳng chắc là thích lắm nên chàng lại cúi mặt mỉm cười thêm. Nhưng Nhỡ không đáp lại Mùi, đứng lên mở miệng bao đợi Mùi xúc gạo. Mùi cũng đoán là Nhỡ cười nhạo nàng nhưng không hỏi gặng, toan cúi người bắt đầu xúc; bỗng nàng ngừng lại vì thấy Nhỡ mở miệng bao ung dung đứng đợi làm như chính nàng chỉ thuê Nhờ cầm miệng bao còn xúc gạo nặng nhọc là việc của nàng.
Đóng bao xong hết chỗ gạo thì u già cũng vừa bưng cơm ra, Nhỡ chạy về nhà ăn cơm. Vì Mùi thuê làm không cơm và sáng sớm đã phải ra cửa hàng nên Nhỡ phải dặn mẹ để phần cơm.
Bác Lê gái lấy cơm để phần đem ra cho Nhỡ ăn:
"Bây giờ không phải đi kéo xe cũng đỡ vất vả".
Nhỡ thì cho là làm gạo vất vả hơn. Chốc nữa muốn kiếm thêm, chàng lại định vác gạo thêm nữa, mà lần đầu vác chắc là mỏi người lắm. Nhưng Nhỡ cũng mỉm cười với mẹ nói:
"Vâng, bu ạ. Nhất là hôm nào mưa bão lại được nghỉ mà vẫn có tiền. Nhưng mà cân gạo chỉ có mùa, hết mùa gạo lại phải đi kéo xe".
Hôm được Mùi thuê làm công, Nhỡ thích lắm. Mùi đã hoàn toàn là một cô chủ và chàng từ nay được dịp ở luôn cạnh nàng, hầu hạ nàng và cố sức làm nàng vui lòng. "Hầu hạ Mùi", Nhỡ nghĩ được hầu hạ Mùi cũng thích như là được yêu Mùi. Nhỡ nhớ lại năm ngoái nước to, kéo xe đưa Mùi sang bên làng Tiên để mời ông Lang Nghệ vì ông Lang Hàn bị cơn suyễn nguy hiểm. Cái cầu tre vào nhà ông Lang Nghệ bị trôi mà nước thì sâu và chảy xiết. Nhưng không lẽ trở về. Chỉ còn một cách là cõng Mùi qua. Mùi thì buồn vì cha ốm và lo mời cho được ông Lang nên cứ bá lấy cổ Nhỡ nhắm mắt để Nhỡ cõng sang; không nghĩ gì đến việc ấy. Nhỡ thì khác nào như anh thuyền chài trong truyện cổ tích được ôm lấy cô công chúa. Và đến lúc về, lại được cõng Mùi lần nữa. Nhỡ tưởng mình được lên tiên khi hai tay Mùi ôm vòng lấy cổ, đè nặng lên vai và hai cái đùi chắc nịch, rất êm sau làn lĩnh trơn đè nặng lên hai bàn tay; hai bắp mà chàng thấy rất cao quý ấy ngờ đâu có ngày chàng lại được đặt tay vào... và thích nhất là chàng nhận thấy hơi nóng của bụng Mùi truyền sang làm ấm cả lưng chàng. Một làn gió tình cờ đã đưa nhẹ vào mũi chàng mùi thơm của tóc Mùi, một mùi thơm lạ lắm. Hương thơm của tóc Mùi chỉ thoảng qua trong một dây như thấm đọng vào tâm hồn chàng không bao giờ phai. Về sau mỗi lần có dịp, Nhỡ lại cố ý để mặt mình sát gần tóc Mùi; nếu may hôm nào tóc Mùi ở đầu gió, Nhỡ lại được ngửi mùi tóc ấy và sung sướng tưởng như còn thấy Mùi đương ôm lấy vai và đùi nàng đè nặng trên hai bàn tay. Nhỡ vẫn ao ước lại có dịp hầu hạ Mùi như thế nhưng khó lòng lại xảy ra sự tình cờ thứ hai nữa. Được Mùi ngỏ lời thuê làm công, Nhỡ không lưu tâm gì đến số tiền công cả nhưng chàng không khỏi lấy làm lạ là lúc thường Mùi rất rộng rãi nhưng lúc thuê lại tính toán từng ly từng tý và chỉ trả chàng một số lương vừa đúng, có phần hơi ít. Nhưng Nhỡ cũng nhận, không suy bì và cũng thấy việc mình nhận rẻ làm Mùi vui lòng.
Ăn xong, Nhỡ lại vội vàng sang bên cửa hàng. Phu gạo chưa đến. Bỗng Nhỡ vội chạy ra cửa. Mùi đương ngồi uống nước giật mình hỏi:
"Việc gì thế anh Nhỡ".
"Cháu ấy à? Cháu đi ra thăm cô hàng kẹo vừng. Ăn xong không có gì tráng miệng, nhạt mồm quá".
Những việc tằng tịu với các cô gái quanh vùng, Nhỡ không thấy ngượng gì cả như là về tình thầm yêu Mùi và đi đâu cũng nói đùa tung ra như là một việc rất thường. Chàng nói thẳng cả ra với Mùi; làm thế Nhỡ có ý bảo chàng chỉ nghĩ đến dan díu với những người vào hạng của chàng thôi nhưng cũng có ngầm cái ý khoe với Mùi rằng mình có số đào hoa, nhiều con gái mê. Về tiếng xưng hô, mấy năm trước chàng vẫn xưng tôi với Mùi vì lúc đó Mùi còn trẻ quá. Gần đây chàng đổi ra xưng cháu vì như thế đặt ngay Mùi lên bực trên và có vẻ thân mật hơn.
Nhỡ đi thẳng ra gốc cây đa chỗ Nguyệt ngồi bán kẹo. Nguyệt thấy Nhỡ đi lại vội gắt:
"Này lại sắp ra quấy rầy người ta rồi phải không?"
Nhỡ nhận rõ Nguyệt tuy nét mặt cau có nhưng vẫn ngầm có vẻ vui được gặp chàng.
"Người ta đến người ta ăn kẹo hộ, thích chết người lại còn vờ vĩnh".
Nhỡ ngồi xuống mở cái quả định cho tay vào lấy một chiếc bỏng ngô thì đã bị Nguyệt đập mạnh một cái vào tay và hất ra. Nhỡ kêu đau và cười:
"Sao hôm nay đằng ấy ác thế?"
"Đằng ấy đằng này gì? Có đi ngay cho người ta bán hàng không. Đã ế hàng lại còn đến ám. Có muốn một đòn gánh vào lưng thì bảo".
Thấy nói đến đòn gánh vào lưng, Nhỡ chợt nghĩ Nguyệt chưa biết mình có công việc mới:
"À này chị Nguyệt ạ, bây giờ tôi không đi kéo xe nữa. Cô Mùi thuê tôi trông nom cân gạo, nhàn lắm và lại có nhiều tiền, chị tha hồ bán kẹo".
Nguyệt nói:
"Nhàn. Thảo nào mà ra đây ngồi tán hão. Có cút ngay đi không".
Nhỡ nghiêng đầu, chống cằm trong lòng bàn tay, rồi ngồi yên nhìn Nguyệt, ngắm nghía từ cái lông mi, lông mày rồi lẩm bẩm đến xem có bao nhiêu nốt tàn nhang trên hai gò má: một, hai, ba... Nguyệt thấy Nhỡ ngắm nét mặt mình lại càng cau nét mặt lại. Ngắm nghía một hồi lâu rồi Nhỡ nói:
"Hừ, người thế mà cũng có duyên".
Nguyệt giơ đòn gánh đập vào lưng Nhỡ một cái:
"Này, có đi không? Người thế là người thế nào?"
Nhỡ vội né người ra một bên cho đòn nhẹ hơn:
"Thôi, không đùa nữa. Kẹo vừng chị bán một xu mấy chiếc".
Nguyệt đặt đòn gánh xuống, hơi ngạc nhiên thấy Nhỡ hỏi giá kẹo như có ý mua thật.
"Một xu năm. Hôm nay kẹo ngon lắm".
"Cho tôi mua hai xu. Hai xu thì bao nhiêu nhỉ?"
"Hai xu thì mười chiếc. Có thế mà cũng không tính ra".
Nhỡ lẩm bẩm:
"Hai xu mười chiếc. Nhưng chỗ tôi với chị, chị cho thêm hai chiếc là mười hai chiếc tất cả. Có được không?"
"Ừ thì cho nhà anh thêm hai chiếc".
"Thế à, chị. Chị cho tôi hai chiếc à".
Nhỡ vừa nói vừa giơ tay bốc hai chiếc kẹo bỏ tọt vào mồm rồi đứng ngay lên chạy đi. Nguyệt giơ đòn gánh định đập nhưng không kịp, nàng vội quăng đòn gánh theo Nhỡ:
"Cái nhà anh phải gió".
"Thì chính chị bảo cho tôi hai chiếc mà".
Hai người cùng bật cười. Bỗng Nhỡ quay mặt nhìn bác Xuân gái ngồi bán kẹo ở bờ đường bên kia và đương cười, ngừng hẳn lại. Không biết tại sao Nhỡ lại có ác cảm thậm tệ với bác Xuân gái. Nguyệt cau có nét mặt mỗi khi chàng đến nhưng chàng biết Nguyệt thích được chàng trêu, còn bác Xuân gái tuy nét mặt vẫn thản nhiên nhưng chàng thấy rõ bác ghét nói đùa lắm. Vì thế chàng không nói đùa với bác ta nữa và cũng ghét cả nói chuyện với bác ta. Như lúc này, trông nét mặt bác Xuân tràn đầy khó chịu phải trông cái cảnh chàng và Nguyệt đùa rỡn với nhau. Chắc bác ta cho là chướng mắt lắm.
Thấy Nhỡ về, Mùi hỏi:
"Kẹo đâu?"
"Thưa cô, cháu ăn hết rồi".
"Anh mua mấy xu mà ăn hết chóng thế".
"Thưa cô không phải mua. Cháu cướp giật được có hai cái".
"Tiếc nhỉ. Tôi ở nhà cứ đợi anh về để ăn kẹo. Anh đi mau quá tôi không kịp đưa tiền".
"Thế à, cô".
Thế rồi Nhỡ lại chạy vụt ra chợ. Chàng rút sẵn ra ba xu và mới đến gần chỗ Nguyệt ngồi chàng đã chìa sẵn bàn tay để Nguyệt trông thấy rõ, phòng xa tránh một cái đòn gánh báo thù về hai chiếc kẹo lúc nãy.
"Chị bán cho tôi ba xu".
Vừa nói, Nhỡ vừa bỏ ba đồng xu rơi xuống mẹt. Nguyệt ngạc nhiên hết sức vì lần đầu tiên Nhỡ bỏ tiền ra mua kẹo. Sợ Nhỡ mới nghĩ được mưu mẹo gì để đánh lừa nên Nguyệt vội bỏ ngay tiền vào túi áo. Nàng đếm kẹo, gói lại đưa cho Nhỡ và khi Nhỡ đi xa rồi Nguyệt mới dám chắc là sáng nay đã thật bán được kẹo. Nguyệt đưa mắt nhìn theo Nhỡ, mỉm cười. Lúc nãy đáng lẽ gói mười tám chiếc nàng đã bớt đi hai chiếc Nhỡ ăn lừa nàng và lấy làm lạ rằng Nhỡ không nghĩ đến đếm lại kẹo. Nguyệt chắc khi Nhỡ về tới nhà sẽ đếm lại, biết thiếu tất phải quay trở lại và nàng ngồi hồi hộp đợi. Tuy là tốn kẹo nhưng Nguyệt vẫn mong Nhỡ đến trêu đùa mình, nàng thích nhất là những lúc đánh được Nhỡ một hai cái đòn gánh. Nàng thấy càng đánh mạnh càng thích tay nhưng nàng vẫn giữ đà không dám đánh mạnh quá sợ Nhỡ thấy đau đến khó chịu tất sẽ không dám trêu nàng nữa. Nhưng lần này Nguyệt lại ngạc nhiên hơn nữa là đợi mãi không thấy Nhỡ quay trở lại.
Nhỡ giơ tay đưa Mùi gói kẹo. Mùi mở tráp lấy tiền hỏi:
"Chỗ này bao nhiêu".
Nhỡ vội vàng đáp:
"Thưa cô cháu không biết".
"Lại kẹo cướp giật phải không? Nhiều thế này người ta lại không đánh cho vỡ đầu ra à?"
Nhỡ cười:
"Thưa cô, họ chỉ đánh gẫy lưng thôi".
Mùi đếm kẹo rồi nói:
"Chỗ này dễ đến ba xu, có mười sáu chiếc tất cả".
Nhỡ nói:
"Mười tám chiếc chứ cô".
"Không chỉ mười sáu chiếc".
Nhỡ buột miệng kêu:
"Thôi, chết tôi rồi! Con ranh nó trừ đi hai chiếc ăn cướp lúc nãy".
Mùi bật lên cười:
"Anh Nhỡ nói dối nhớ. Anh đã mua ba xu mười tám chiếc".
Nhỡ vôi đưa tay lên miệng nhưng chậm quá rồi. Chàng thấy nóng bừng ở hai tai; chàng ngượng không phải vì để lộ ra cái khoe mẽ có kẹo không phải mất tiền mua; nhưng chỉ vì để lộ cho Mùi biết chàng đã bỏ tiền ra mua kẹo để được cái thích biếu Mùi, mà lại giấu Mùi. Mùi thì cho là Nhỡ khó chịu vì nàng đã biết Nhỡ khoe mẽ. Nàng đưa cho Nhỡ ba xu. Nhỡ phải ngoan ngoãn cầm lấy sợ từ chối thì tỏ rõ quá cái ý định biếu nàng".
Mùi đương ăn kẹo bỗng bảo Nhỡ:
"Bắt đầu từ ngày mai, sáng nào anh cũng vào trong nhà đón tôi ra. Anh nhớ đem gậy đi theo".
"Để làm gì thế cô?"
"Để nhỡ có kẻ cướp giật. Ăn cướp kẹo như anh thì không sao nhưng nó mà cướp giật mất cái tráp bạc này thì nguy to".
Nhỡ trong người bàng hoàng; chàng không nghĩ đến cái thú được mỗi buổi sáng cùng đi với Mùi trên đường tối, chàng thích chỉ vì có thể xẩy ra việc cướp giật để chàng có dịp cứu Mùi và tiền của Mùi. Chàng quên cả trả lời. Mùi vội nói:
"Anh sợ kẻ cướp à?"
Nhỡ sực nhớ là chưa trả lời Mùi, vội đáp:
"Thưa cô, vâng..."
"Anh mà cũng sợ kẻ cướp à?"
"Thưa cô, không".
Mùi đưa mắt nhìn Nhỡ:
"Anh còn tức cô hàng kẹo có phải không?"
Nàng nói chạnh ra thế để giảng giải những câu đáp đãng trí của Nhỡ. Nàng mang máng thấy Nhỡ cũng đương nghĩ ngợi về việc vào đón nàng. Chính Mùi cũng đã hơi ngượng khi nói bảo Nhỡ vào đón. Nhỡ bằng trạc tuổi nàng và nhất là Nhỡ lại đẹp trai nên việc mỗi buổi sáng đi với Nhỡ trên đường tối, vắng người, Mùi cũng thấy là bất tiện, đúng như lời Siêu nói. Nhưng nàng cũng mạnh bạo nhìn Nhỡ nói như là sai Nhỡ một việc thường:
"Thế mai anh vào đón tôi. Anh khiêng cân xong vào đón thì vừa".