Vào thời gian đó, trong thành phố có một số tổ chức cứu tế về bản chất tương tự như của người đội trưởng mà Hurstwood lui tới luôn, giống như một người khốn khổ. Một nơi là nhà truyền giáo trên phố Mười lăm, một dãy nhà bằng gạch đỏ của các gia đình, trước cửa treo một cái hộp quyên góp bằng gỗ mộc, trên ghi lời công bố rằng đến trưa có bữa ăn miễn phí cho tất cả những người thích hợp và yêu cầu giúp đỡ. Lời tuyên bố giản dị này khiêm nhường hết mực và khi làm thế, tổ chức từ thiện này thật rộng rãi. Ở New York, có rất nhiều tổ chức từ thiện, có nhiều cơ sở không được chú ý bằng những tổ chức ở nơi thoải mái hơn. Nhưng với những người để tâm đến việc này, họ kiểm tra rất kỹ. Trừ phi có người đặc biệt truy tìm việc này mới có thể đứng ở đại lộ Sáu và phố Mười lăm nhiều ngày vào khoảng buổi trưa, không bao giờ bị chú ý và chỉ trong vài giây, một đám đông tràn ra đường phố huyên náo, những con người nặng nề chậm chạp, dãi dầu mưa gió, mặt mũi hốc hác và ăn mặc lôi thôi. Song sự việc ấy là thật, và những ngày lạnh lẽo nó càng hiển hiện rõ hơn. Trong nhà truyền giáo thiếu không gian và phòng náu nướng, buộc phải thu xếp cho khoảng hai mươi nhăm hoặc ba mươi người ăn một đợt, nên ở ngoài xếp thành một hàng và vào theo thứ tự. Nó tạo nên một quang cảnh thường ngày và trở nên bình thường, tái diễn trong nhiều năm đến mức hiện giờ chẳng ai để ý. Người ta kiên nhẫn đợi như một đàn gia súc, ngay trong thời tiết giá lạnh nhất, đợi tới vài giờ mới có chỗ. Chẳng có câu nào để hỏi và chẳng có dịch vụ trả lời. Họ ăn rồi đi, một số người trong bọn trở lại đều đặn, ngày này sang ngày khác cho đến hết mùa đông.
Một phụ nữ to lớn, trông như người mẹ lúc nào cũng đứng gác bên cửa trong suốt quá trình hoạt động và đếm số người vào. Những người đàn ông tiến lên, khoan thai, trật tự. Không tỏ ra vội vã, háo hức. Gần như là một cuộc diễu hành lầm lì. Trong thời tiết gay gắt nhất, hàng người này ở đây. Dưới ngọn gió buốt giá, họ xoa tay và dậm chân. Những ngón tay và đường nét trên mặt trông như đông cứng lại vì rét. Một nghiên cứu về những người này cho thấy họ gồm đủ loại. Họ thuộc tầng lớp ngồi trên ghế công viên trong những ngày có thể cam chịu, và ngủ trên ghế trong những đêm hè. Họ thường lê vẹt gót giày trên các phố Bowery và East Side, nơi những bộ quần áo nghèo khổ và các đường nét teo tóp không bị nhòm ngó tò mò. Họ là những người ở trong các phòng khách nhà trọ những khi thời tiết ảm đạm và rét mướt, tụ tập tại những nơi trọ rẻ tiền hơn chỉ mở cửa lúc sáu giờ trên các phố East Side. Thức ăn đạm bạc, ăn không đều bữa và nhai ngốn ngấu đã tàn phá xương cốt và cơ bắp của họ. Cả bọn đều nhợt nhạt, nhẽo nhèo, mắt sâu hoắm, ngực lép kẹp, trái ngược lại là mắt lóe sáng và môi đỏ ốm yếu. Tóc họ cắt tỉa nửa vời, tai xanh xao vì thiếu máu, giày rách da, mũi và gót mòn vẹt. Họ thuộc tầng lớp sống vật vờ, mỗi đợt sóng người lại cuốn thêm một người, như những con sóng lớn cuốn theo thanh gỗ trôi giạt tấp lên bờ biển khi bão tố.
Gần một phần tư thế kỷ, trong một khu thuộc thành phố, cứ đến nửa đêm, người bán bánh mì Fleischmann lại đem một ổ bánh cho bất cứ người nào đến bên cửa hàng ông ở góc Broadway và phố Mười. Suốt hai chục năm trời, đêm nào cũng có khoảng ba trăm người xếp thành hàng và đi qua cửa vào một giờ nhất định, nhặt một ổ bánh trong cái thùng lớn đặt ngoài cửa, rồi biến vào đêm tối. Từ hồi đầu đến hiện tại, đặc điểm hoặc số người không mấy thay đổi. Có hai, ba người đã trở thành quen thuộc trong cuộc diễu hành khốn khổ này từ năm này qua năm khác. Hai trong số họ chỉ bỏ lỡ một đêm trong suốt mười lăm năm. Bốn mươi người, hoặc xấp xỉ, là những người đến thường xuyên. Những người còn lại trong hàng là người lạ. Trong những thời hoảng loạn hoặc gian khổ bất thường, thỉnh thoảng số người lên tới hơn ba trăm. Những thời thịnh vượng, ít người thất nghiệp, số người cũng ít khi giảm đi. Vẫn con số ấy, mùa dông cũng như mùa hè, giông bão cũng như lặng gió, trời xấu hay tốt, điểm hẹn nửa đêm u uất này vẫn ở bên thùng bánh mì của Fleischmann.
Trong mùa đông khắc nghiệt hiện tại, Hurstwood là khách thường xuyên của cả hai cơ sở từ thiện này. Trong một ngày đặc biệt giá buốt, thấy không thể đi ăn xin trên các phố, ông đợi đến trưa rồi mới tìm đến nơi phát đồ miễn phí này cho người nghèo. Mười một giờ sáng, vài người như ông đã lê bước rời đại lộ Sáu, quần áo mỏng manh của họ đập phần phật trong gió rét. Họ dựa vào hàng rào sắt bảo vệ các bức tường của Kho vũ khí Trung đoàn Chín, mặt trước ở phố Mười lăm, họ đến sớm, mong là người đầu tiên. Chờ đợi một giờ liền, ban đầu họ nấn ná ở một khoảng cách lễ phép, nhưng khi những người khác tiến tới, họ đến gần hơn nhằm bảo vệ quyền ưu tiên của mình. Hurstwood đi từ phía Tây, rời đại lộ Bảy và dừng lại gần cửa, gần hơn mọi người khác. Những người kia đợi trước ông, nhưng ở xa hơn, giờ kéo đến gần, thái độ phớt lạnh, không nói một lời, tỏ ra họ mới là người đầu tiên.
Nhìn thấy sự chống đối này, Hurstwood rầu rĩ nhìn suốt hàng rồi chuyển xuống đứng vào cuối. Khi trật tự đã phục hồi, cảm giác chống đối hung tợn dịu hẳn.
- Chắc phải gần trưa rồi, - một người đánh bạo nói.
- Chắc thế, - người khác nói. - Tôi đợi gần một tiếng rồi.
- Chà, rét quá!
Họ háo hức ngó vào cửa, nơi tất cả phải vào. Một người bán tạp phẩm dong xe tới, khuân vào mấy sọt đồ ăn. Bắt đầu những lời qua lại về những người bán tạp phẩm và giá cả thực phẩm nói chung.
- Tôi thấy thịt lên giá, - một người nói.
- Nếu có chiến tranh, nó sẽ giúp đất nước này nhiều.
Hàng người đông lên nhanh chóng. Đã có khoảng năm chục người hoặc hơn, và những người đứng đầu rõ ràng mừng vì không phải đợi lâu như những người cuối hàng. Họ nghểnh đầu nhìn xuống hàng.
- Tiến lên trước chẳng thành vấn đề, miễn là anh ở trong số hai mươi nhăm người đầu, “Tất cả vào cùng một lúc”.
- Hừm! - Hurstwood thốt lên, ông bị chiếm chỗ ngon lành.
- Thuế độc thân là một việc, - người khác nói. - Chưa đâu vào đâu, cho đến khi ban hành.
Phần lớn im lặng, những con người gầy hốc hác, bồn chồn, nhìn quanh và đập đập cánh tay.
Cuối cùng cửa mở và bà xơ dáng vẻ như người mẹ xuất hiện. Bà chỉ để ý đến thứ tự. Hàng người chuyển lên chầm chậm, từng người một đi vào, cho đến khi đủ hai mươi nhăm người. Lúc đó bà giơ cánh tay mập mạp ngăn lại, hàng người dừng, có sáu người đã ở trên bậc. Viên cựu quản lý ở trong số này. Thế là đợi, một số người nói chuyện, người than cảnh khổ, người như Hurstwood ủ ê suy nghĩ. Rốt cuộc ông được nhận vào, được ăn rồi đi, gần như giận dữ vì khó nhọc lắm mới được thế.
Mười một giờ đêm hôm khác, có lẽ hai tuần sau, Hurstwood ở chỗ phát bánh mì lúc nửa đêm, kiên nhẫn đợi. Hôm đó là một ngày rủi ro của ông, nhưng bây giờ ông chấp nhận số phận khá bình thản. Nếu ông không có bữa tối, hoặc đói lúc khuya, đây là nơi ông tới. Vài phút trước mười hai giờ, một thùng to bánh mì được đẩy ra, và đúng giờ, một người Đức béo tốt, mặt tròn đứng vào chỗ cạnh đó, hô lên: “Sẵn sàng”. Ngay lập tức, hàng người tiến lên, mỗi người lần lượt nhặt một ổ bánh và rồi đi theo đường riêng. Lần này, viên cựu quản lý vừa ăn bánh vừa khó nhọc lê bước qua những đường phố tối tăm, lặng lẽ về giường.
Tháng Giêng, ông kết luận rằng cuộc chơi với ông đã đến lúc chấm dứt. Cuộc sống dường như lúc nào cũng là thứ quý giá, nhưng giờ đây, cảnh túng thiếu triền miên và sức sống giảm sút khiến sức hấp dẫn của cõi trần trở nên khá buồn tẻ và mờ mịt. Vài lần, khi số phận chèn ép khắc nghiệt nhất, ông đã nghĩ đến việc kết thúc những khốn khổ của mình. Nhưng hễ thời tiết thay đổi, xin được hai mươi nhăm xu hoặc một hào là tâm trạng ông thay đổi, và ông lại đợi.
Hàng ngày, ông tìm từ báo cũ nằm lăn lóc đâu đó và xem có dẫu vết của Carrie không, nhưng suốt mùa hè và mùa thu, ông tìm tòi vô ích. Ông nhận thấy mắt ông bắt đầu nhức nhối và nhanh chóng đau thêm, cho đến lúc ông không thể đọc trong những căn phòng tối tăm của nhà trọ được nữa. Ăn uống tồi tệ và thất thường làm lục phủ ngũ tạng của ông ốm yếu. Nguồn trông cậy duy nhất cho phép ông là ngủ gà gật ở nơi phát chẩn và ông có thể kiếm chút tiền để trọ.
Ông bắt đầu nhận thấy rằng, trong bộ quần áo tiều tụy và thân hình hom hem, người ta coi ông là loại ăn bám và ăn xin rất khó chịu. Cảnh sát xua đuổi ông, những người gác cửa khách sạn và nhà trọ đuổi ông ngay lúc ông vừa xuất hiện, khách bộ hành tránh xa ông. Ông thấy càng ngày ông càng khó xin được bất cứ thứ gì của người đời.
Cuối cùng, ông thừa nhận với mình rằng cuộc chơi đã hết. Sau hàng loạt những lời năn nỉ, kêu xin khách bộ hành và ông luôn bị từ chối, từ chối liên tục, ai cũng hấp tấp bỏ đi cho nhanh.
- Ông ơi, ông có thể cho tôi chút gì không ạ ? - Ông nói với người cuối cùng. - Lạy Chúa, xin ông đoái thương, tôi đang đói lắm.
- Chà, xéo đi, - người đó nói, tình cờ thuộc loại người như ông trước kia. - Đừng giở trò. Ta sẽ không cho mi gì hết.
Hurstwood thọc đôi bàn tay đỏ bầm vì rét vào túi. Những giọt nước dâng đầy mắt ông.
- Đúng thế, - ông nói. - Giờ tôi sẽ không giở trò nữa. Tôi ổn rồi. Tôi có tiền, tôi sẽ bỏ trò này. - Rồi, lòng chết điếng, ông khởi hành xuống Bowery. Người ta thường bật gas trước và chết, sao ông không làm thế? Ông nhớ tới một nhà trọ, có những phòng nhỏ tí, chật chội, trong có đèn khí, hầu như chuẩn bị sẵn cho việc ông muốn làm, tiền thuê chỉ mười lăm xu. Lúc đó ông chợt nhớ ra không có lấy mười lăm xu.
Dọc đường, ông gặp một người đàn ông mặt mũi trông khoan khoái, vừa từ hiệu cắt tóc ra, râu ria cạo nhẵn.
- Ông có thể cho tôi chút gì không ạ? - Ông liều xin người này.
Người đó nhìn ông từ đầu xuống chân và lục tìm một hào. Trong túi ông ta chỉ có những đồng hai mươi nhăm xu.
- Đây, - ông ta nói và đưa cho Hurstwood một đồng rồi xua ông đi. - Giờ thì xéo đi.
Hurstwood đi tiếp, nghĩ ngợi. Đồng tiền xu to, sáng làm ông vui lên chút ít. Ông nhớ mình đang đói và ông có thể kiếm một cái giường với giá mười xu. Với đồng tiền này, ý nghĩ về cái chết qua đi, và lúc này nó ra khỏi đầu ông. Cái chết dường như có ích chỉ khi nào ông không kiếm được gì ngoài những nỗi sỉ nhục.
Một ngày giữa đông, thời tiết giá buốt nhất trong mùa. Ngày đầu tiên, nó xua tan mây xám và lạnh, rồi đến ngày thứ hai tuyết rơi. Vận rủi theo đuổi ông, đến lúc chập tối ông mới chỉ có vẻn vẹn mười xu và ông dùng mua đồ ăn. Đến tối, ông ở Boulevard và phố Sáu mười bảy, cuối cùng ông quay mặt về khu làm phúc Bowery. Mệt mỏi rã rời vì lang thang từ sáng, ông lê bàn chân ướt nhoẹt, kéo lê đế giày trên vỉa hè. Tấm áo khoác cũ kỹ, mỏng tang lật lên tận đôi tai đỏ bầm, cái mũ quả dưa nứt nẻ kéo sụp xuống tận tai làm chúng vểnh ra ngoài. Bàn tay ông thọc sâu trong túi.
- Mình sẽ xuống Broadway, - ông nói một mình.
Lúc ông đến phố Bốn mươi hai, những biển hiệu sáng ngời. Đám đông vội vã ăn tối. Qua các cửa kính sáng rực, có thể nhìn thấy những nhóm người vui vẻ ở khắp mọi nơi trong các khách sạn xa xỉ. Xe ngựa, xe kéo bằng dây cáp đông đúc.
Trong tình trạng mệt lử và đói khát, lẽ ra ông không bao giờ nên đến đây. Sự tương phản quá gay gắt. Nó chỉ khiến ông nhớ lại những sự việc tốt đẹp hơn mà thôi.
“Ích gì đâu! - Ông nghĩ. - Mọi sự với mình đã hết rồi. Mình sẽ từ bỏ việc này”.
Dân chúng quay nhìn theo ông, thân hình ông lê lết vụng về. Vài cảnh sát đưa mắt dõi theo, thấy ông không xin ai hết.
Có lúc ông dừng lại theo kiểu vu vơ, nhìn qua cửa kính của một nhà hàng tráng lệ rồi đến tấm biển hiệu sáng rực, qua những tấm kính lớn có thể thấy những họa tiết trang trí màu đỏ và vàng, những cây cọ, khăn ăn trắng muốt, đồ thủy tinh lấp lánh, và hơn hết thảy là đám đông sung túc. Tâm trí ông mệt mỏi, ông đói thắt ruột thắt gan. Ông dừng lại không nhúc nhích, cái quần sờn xơ ướt đẫm bùn loãng và ngó vào một cách ngớ ngẩn.
- Ăn, - ông lầm bầm. - Đúng rồi, ăn. Chẳng ai muốn gì hơn.
Rồi tiếng ông khẽ hơn, đầu óc ông nửa tỉnh nửa mê, chìm vào tưởng tượng.
- Rét quá, - ông nói. - Rét khủng khiếp.
Ở Broadway và phố Ba mươi chín, tên Carrie sáng rực trên các biển hiệu. “Cô Madenda và đoàn kịch Casino”. Vỉa hè ướt át, đầy tuyết sáng lên vì ánh sáng tỏa ra. Sáng đến mức hút lấy cái nhìn đăm đăm của Hurstwood. Ông ngước nhìn, ảnh Carrie kiều diễm, to bằng người thật trên một tấm quảng cáo lớn, đóng khung mạ vàng.
Hurstwood nhìn chằm chằm một lát, khụt khịt và khom một bên vai, dường như một cái gì đó đang cào xé ông. Song lẽ, ông đã suy sụp đến mức tâm trí không còn minh mẫn.
“Em đấy, - cuối cùng, ông nói với cô. - Tôi chưa đủ tốt với em sao? Hừ!”
Ông nấn ná, cố suy nghĩ cho hợp lý. Nhưng không thể được nữa rồi.
“Cô ấy có, - ông nói, rời rạc, và nghĩ đến tiền. - Bảo cô ấy cho mình một ít”.
Ông bắt đầu vòng sang cửa ngách. Rồi ông quên béng mình định làm gì và đứng lại, ấn bàn tay vào cổ tay áo ấm áp sâu hơn. Bỗng ý nghĩ trở lại. Cửa vào sân khấu! Nó kia. Ông đến gần và bước vào.
- Này, - người gác cửa nói và nhìn ông trừng trừng. Thấy ông đứng lại, ông ta tới và đẩy ông. - Ra khỏi đây, - ông ta nói.
- Tôi muốn gặp cô Madenda, - ông nói.
- Ông muốn à? - Người kia nói, gần như khoái chí. - Ra khỏi đây, - rổi ông ta lại đẩy ông. Hurstwood không còn sức cưỡng lại.
- Tôi muốn gặp cô Madenda, - ông cố giải thích, ngay cả lúc ông bị xô đẩy. - Tôi ổn mà. Tôi...
Người kia đẩy ông cái cuối cùng rồi đóng sập cửa lại. Hurstwood trượt chân và ngã sóng soài vào tuyết. Ông đau, và cảm giác ngượng ngập mơ hồ trở lại. Ông bắt đầu khóc và nguyền rủa thậm tệ.
- Thằng chó, đồ trời đánh thánh vật! - Ông gào. - Lão già khốn kiếp! - Ông gột bùn loãng trên chiếc áo khoác xấu xí. - Trước kia tao... tao đã thuê những người như mày.
Lúc này, cảm giác chống lại Carrie phun trào sôi sục, chỉ một ý nghĩ dữ dội, giận dữ trước khi tất cả trượt khỏi đầu ông.
- Cô ấy nợ ta thứ gì đó để ăn, - ông nói. - Cô ấy nợ ta.
Tuyệt vọng, ông trở lại Broadway lần nữa và lõm bõm tiến lên, ông van xin, khóc lóc, mất dấu vết các ý nghĩ, hết cái này đến cái kia, tâm trí ông rời rã và không thể chắp nối hoặc làm được gì.
Vài hôm sau, một tối lộng gió, một quyết định thầm, kiên quyết đã tới. Lúc bốn giờ, màu sắc ảm đạm của màn đêm đã dày đặc không khí. Tuyết rơi tơi bời, tuyết thanh sạch, vút như roi quất, lao tới trước vì trận cuồng phong thành những dây dài và mảnh. Phố xá phủ đầy tuyết, thành một tấm thảm mềm mại, lạnh giá, dày mười lăm centimét, bị đám đông xô đẩy và những bàn chân người khuấy tung lên thành màu nâu bẩn thỉu.
Dọc Broadway, những người đàn ông quấn áo khoác to sù và che ô chọn đường đi. Ở Bowery, người ta đi lừ đừ, cổ áo và mũ kéo sụp tận tai. Trên các đường phố lớn, doanh nhân và du khách đi tới các khách sạn đủ tiện nghi. Tại đó, những người chạy việc vặt chuyển vào các kho hàng bẩn thỉu, ở những chỗ hẻo lánh nhất đèn đóm lập loè. Những ngọn đèn sớm trong các toa xe chạy bằng dây cáp, tiếng lách cách thường lệ đã giảm xuống vì một màn che quanh bánh xe. Toàn bộ thành phố bị bóp nghẹt bởi màn che dày giả mạo này.
Trong căn phòng đầy đủ tiện nghi ở Waldorf, lúc này Carrie đang đọc Lão Goriot theo lời khuyên của Ames. Chỉ một lời khuyên của anh đã khuấy động sự quan tâm của cô, mạnh đến mức cô nắm bắt gần như đầy đủ ý nghĩa đồng cảm trong đó. Ngay từ lúc đầu, tác phẩm đã cho cô thấy toàn bộ những thứ cô đọc trước kia mới ngớ ngẩn và vô giá trị biết bao. Tuy vậy, cô mệt mỏi, ngáp và đến bên cửa sổ, nhìn xuống đoàn xe cộ uốn khúc trên đại lộ Năm.
- Xấu trời quá nhỉ? - Cô nhận xét với Lola.
- Kinh khủng! - Cô tiểu thư bé nhỏ vào hùa với cô. - Mình hy vọng tuyết đủ dày để có thể đi lại bằng xe trượt tuyết.
- Ồ, bạn thân mến ơi, - Carrie nói, vẫn đang thấm thía những đau khổ của lão Goriot. - Đấy là mọi thứ cậu nghĩ sao? Cậu không thương những người chẳng có gì tối nay ư?
- Lẽ tất nhiên là có, - Lola nói, - nhưng mình thì làm gì được? Mình chẳng có gì hết.
Carrie cười mỉm.
- Nếu có, cậu cũng không quan tâm, - cô đáp lại.
- Mình quan tâm chứ, - Lola nói. - Nhưng lúc mình cháy túi, có ai cho mình gì đâu.
- Bão khiếp quá nhỉ?! - Carrie nói và ngắm nghía cơn bão mùa đông.
- Nhìn người đàn ông ở đằng kia kìa, - Lola cười to, cô bắt gặp cảnh một người ngã. - Trông đàn ông ngã rõ ngượng, nhỉ?
- Tối nay chúng mình phải gọi xe thôi, - Carrie trả lời, lơ đãng.
Trong hành lang của Imperial[56], Charles Drouet vừa tới, giũ tuyết khỏi chiếc áo choàng rất bảnh bao. Thời tiết xấu khiến anh về nhà sớm và khuấy động sự ham vui bị trời tuyết và cuộc sống ảm đạm ngăn chặn. Một bữa ăn ngon, bầu bạn với một phụ nữ trẻ, một tối ở nhà hát là những công việc chủ yếu của anh.
- Chào Harry! - Drouet nói với một người nhàn rỗi trong chiếc ghế ở hành lang đầy tiện nghi. - Cậu khoẻ không?
- Cũng như cậu vậy, - người kia đáp.
- Thời tiết khó chịu quá nhỉ?
- Ừ, mình cũng thấy thế, - người kia nói. - Mình vừa ngồi đây vừa nghĩ nên đi đâu tối nay.
- Đi với mình, - Drouet rủ. - Mình sẽ giới thiệu cho cậu một loại đặc sắc nhất hạng.
- Ai vậy? - Người kia hỏi.
- Ờ, có hai cô gái ở phố Bốn mươi, chúng ta sẽ có một thời gian mê hồn. Mình đang đi tìm cậu đấy.
- Chúng mình đón họ đi ăn tối chứ?
- Nhất định rồi, - Drouet nói. - Đợi mình lên gác thay đồ nhé.
- Còn mình vào hiệu cắt tóc, - người kia nói. - Mình muốn cạo râu.
- Được, - Drouet nói, cót két đôi giày đẹp đến thang máy. Con bướm già vẫn rung rinh đôi cánh như thường.
Trong toa xe Pullman mới tinh, chạy với tốc độ bốn mươi dặm một giờ xuyên qua mưa tuyết buổi tối, có ba người liên quan đến câu chuyện này.
- Mời đến ăn tối ở toa ăn, - người phục vụ toa Pullman mặc áo khoác và tạp dề trắng muốt thông báo, lúc vội vã len qua lối đi.
- Em nghĩ là không muốn chơi nữa, - người trẻ nhất, một mỹ nhân tóc đen, khinh khỉnh vì giàu sang, nói lúc gạt ván bài ucơ đi.
- Chúng ta đi ăn tối nhé? - Chồng cô, lúc nào cũng ăn vận chải chuốt, hỏi.
- Ồ, chưa đâu, - cô trả lời. - Song em không muốn chơi nữa.
- Jessica, - mẹ cô nói, lúc nào bà cũng xem xét kỹ quần áo đẹp có thể được việc cho tuổi tác, - kéo cái kim cài trên khăn của con xuống, nó hếch lên kìa.
Jessica vâng lời, tình cờ sờ lên mái tóc đẹp của cô và nhìn vào chiếc đồng hồ xinh xắn, mặt nạm đá quý. Chồng cô ngắm cô, vì người đẹp ngay cả lúc lạnh lùng vẫn hấp dẫn từ mọi góc nhìn.
- Chúng ta sẽ không phải chịu thời tiết này nhiều hơn nữa, - anh ta nói. - Chỉ hai tuần là đến Rome thôi.
Bà Hurstwood thoải mái rúc vào một góc và mỉm cười. Thật dễ chịu khi là mẹ vợ một thanh niên giàu có, người có tình trạng tài chính thỏa mãn sự thẩm tra khe khắt của chính bà.
- Anh có chắc tàu ra khơi đúng giờ không? - Jessica hỏi, - nhỡ nó ì ra như cái này?
- Ồ, chắc chứ, - chồng cô trả lời. - Tàu này không làm khác được.
Là công tử rất được cưng chiều của ông chủ nhà băng cũng ở Chicago, anh ta vừa đi xuống lối đi vừa khao khát ngắm nhìn người đẹp kiêu kỳ này. Thậm chí đến bây giờ, anh ta vẫn không ngần ngại liếc nhìn cô, và cô ý thức được điều đó. Phô trương vẻ hững hờ có sức khêu gợi đặc biệt, cô quay hẳn bộ mặt xinh đẹp đi. Nó chẳng giống sự nhún nhường của người vợ chút nào. Cô rất thỏa mãn vì sự kiêu hãnh của mình.
Vào lúc đó, Hurstwood đứng trước tòa nhà bốn tầng ở một phố ngách gần Bowery, cái áo khoác trước đây màu da bò của ông nay đã sạm vì bám đầy bồ hóng và vì mưa gió. Ông lẫn vào đám đàn ông, một đám đông đã và vẫn tụ tập dần dần.
Bắt đầu là hai hoặc ba người, lảng vảng gần những cánh cửa gỗ khép chặt và dậm dậm chân cho ấm. Họ đội mũ quả dưa bạc màu có hình dập nổi. Những chiếc áo khoác không vừa của họ nặng trĩu vì tuyết tan và cổ áo lật cao. Quần họ chỉ là những cái bị, mòn xơ ở đũng, lùng thùng trên những đôi giày quá to, sũng nước, rách mọi phía và mòn gần như là những mảnh vụn. Họ không cố vào bên trong, nhưng quanh quẩn rất thảm não, thọc sâu tay vào túi, liếc nhìn đám đông và những ngọn đèn. Nhiều phút sau, số người đông thêm. Những ông già râu tóc xám xịt, mắt trũng sâu, những người đàn ông tương đối trẻ, đang độ trung niên nhưng teo tóp vì bệnh tật. Không có người nào béo. Giữa đám người ấy có một bộ mặt trắng bệch như một con bê kiệt quệ. Một bộ mặt khác đỏ như gạch. Người vai gầy, người vai tròn, nhiều người có chân bằng gỗ, còn những người khác còm cõi đến mức quần áo đập phần phật quanh người. Những cái tai to tướng, những cái mũi sưng phồng, môi cứng lại, và hơn hết thảy là những cặp mắt đỏ ngầu, vằn tia máu. Trong cả đám người ấy, không có lấy một bộ mặt bình thường, khỏe mạnh, không một dáng người ngay ngắn, không một cái liếc nhìn thẳng thắn, bình tĩnh.
Họ chen lấn nhau trong gió và mưa tuyết. Những cổ tay không được áo khoác hoặc túi áo che chắn, đỏ bầm vì rét. Những đôi tai che đậy nửa vời bằng một thứ trông giống mũ, cứng quèo và tê buốt. Trong gió tuyết, họ đổi chân liên tục, lúc chân này, lúc chân khác, gần như lắc lư theo cùng một nhịp.
Đám người đông dần quanh cửa, một tiếng rì rầm lan tỏa. Không phải là trò chuyện mà là tiếng bình luận về bất cứ cái gì đó chung chung. Nó là những tiếng nguyền rủa, chửi thề và tiếng lóng.
- Mẹ kiếp, ước gì họ nhanh nhanh lên.
- Nhìn cái thằng cớm kìa.
- Giá không phải là mùa đông, nhỉ!
- Tôi ước đang ở trong ngục Sing Sing[57].
Đúng lúc đó, làn gió rét buốt hơn ào qua, cắt đứt câu chuyện và họ túm tụm vào sát nhau hơn. Họ là một đám đông cáu kỉnh, mưu mẹo, cố gắng đến cùng. Không một lời giận dữ, van xin, hoặc đe dọa. Tất cả là sự chịu đựng buồn thảm, không được trí thông minh hoặc tình bằng hữu chiếu rọi.
Một cỗ xe rung leng keng chạy qua, có người ngồi dựa trong đó. Một trong những người gần cửa nhất nhìn thấy.
- Nhìn cái thằng cha trong xe kìa.
- Hắn không bị rét nhỉ.
- Này, này, này! - Người khác hét lên, song chiếc xe đã chạy khói tầm nghe từ lâu.
Đêm trôi qua, từng tí, từng tí một. Một đám người đang trên đường về nhà. Những người bán hàng, cả nam lẫn nữ bước nhanh. Những xe chở khách qua thành phố đông dân. Những ngọn đèn khí sáng chói, các cửa sổ rực rỡ với ánh sáng đỏ hoe, đều đều. Đám đông vẫn quanh quẩn bên cửa, không nao núng.
- Họ định không mở cửa chắc? - Một giọng khàn khàn thắc mắc, gợi ý.
Câu này dường như nối lại sự quan tâm chung với cánh cửa đóng chặt, và nhiều người nhìn chằm chằm về phía đó. Họ nhìn với cái nhìn hung hãn, lầm lì, như những con chó vừa cào vừa rên rỉ, nhìn
chăm chăm vào quả đấm cửa. Họ đổi chỗ, chớp chớp mắt và càu nhàu, lúc thì nguyền rủa, lúc lại bình luận. Họ vẫn đợi, còn tuyết vẫn xoay tít, quay tròn và quất những bông tuyết buốt giá vào họ. Tuyết đọng thành đám trên những chiếc mũ cũ kỹ và những đôi vai nhọn hoắt của họ. Tuyết tụ lại thành nhiều đống và những đường cong nhỏ mà không ai dọn. Ở giữa đám người, hơi ấm và hơi nước làm tuyết tan, nước chày rỏ giọt ở vành mũ và xuống mũi, các chủ nhân cũng không buồn gạt đi. Ở viền ngoài, nhiều nắm tuyết chưa tan. Hurstwood không thể len vào giữa, ông đứng cúi đầu và gập người lại.
Một tia sáng xuất hiện qua cái cửa sổ con bên trên. Nó khiến những người theo dõi hồi hộp. Một tiếng rì rầm nhận biết. Cuối cùng, những chấn song bên trong kêu ken két và đám đông dỏng tai lên. Nhiều tiếng chân lê bên trong và lại có tiếng thì thào. Có ai đó gọi to: “Đằng kia, chậm lại”, rồi cửa mở. Nó bị đẩy và mắc kẹt một lát, im lặng tàn nhẫn, hung bạo chứng tỏ ưu thế của nó, rồi lẫn vào bên trong như những con chó trôi nổi và biến mất. Những cái mũ, những bờ vai ướt nhoẹt, một đám đông rét mướt, teo tóp, càu nhàu ùa vào trong, giữa những bức tường lạnh lẽo. Chỉ mới sáu giờ, và bữa ăn còn in trên mặt những khách bộ hành vội vã. Ở đây không cung cấp bữa ăn, chẳng có gì ngoài cái giường.
Hurstwood đặt mười lăm xu xuống và lê những bước chân ốm yếu đến căn phòng dành cho mình. Nó dơ dáy, bằng gỗ, bụi bặm và thô cứng. Ngọn đèn khí đủ chiếu sáng một góc phòng thảm não.
- Hừm! - Ông nói, hắng giọng rồi khóa cửa.
Ông ung dung cởi quần áo, và dừng lại cầm cái áo khoác, ông nhét nó vào khe dưới cửa. Ông nhét chiếc gilê vào cùng chỗ. Ông đặt nhẹ cái mũ rạn nứt, cũ kỹ, ướt nhoẹt lên bàn. Rồi ông cởi giày và nằm xuống.
Hình như ông suy nghĩ một lát, rồi ông đứng dậy và tắt gas, đứng yên lặng trong bóng tối, khuất khỏi tầm nhìn. Lát sau, chẳng cân nhắc mà chỉ do dự, ông bật gas nhưng không châm diêm. Ông đứng đó, náu mình hoàn toàn trong bóng đêm, trong lúc khói dâng cao, tràn ngập căn phòng. Khi mùi gas đầy lỗ mũi, ông bỏ tư thế ấy và dò dẫm đến giường.
- Ích gì đâu! - Ông nói, yếu ớt lúc duỗi người nghỉ ngơi.
Lúc này, Carrie đã giành được những thứ mà ban đầu dường như là mục đích cuộc sống, hoặc ít ra đó là một phần trong những khát khao đầu tiên mà con người mong đạt tới. Giờ đây, cô có thể lựa chọn y phục dạ hội, xe cộ, đồ đạc và tài khoản nhà băng. Cô có nhiều bạn, như cả giới hiểu - những người cúi chào và mỉm cười, công nhận tài năng và thành công của cô. Đã có thời, cô ước ao những thứ này. Tiếng vỗ tay, được thiên hạ biết đến, cái thời xa vời, những thứ cốt yếu, nhưng giờ đây trở nên tầm thường và hờ hững. Tuy xinh đẹp - vẻ đẹp của cô thuộc loại yêu kiều - song cô vẫn lẻ loi. Những khi không bận việc khác, cô ngồi trên ghế bập bênh, hát và mơ mộng.
Trong đời, từng có trạng thái tự nhiên về trí tuệ và cảm xúc như thế đấy - đó chính là khả năng lập luận và khả năng cảm thụ. Loại khả năng đầu tiên sản sinh ra những con người hành động - các vị tướng và các chính khách; từ loại kia là các nhà thơ và những người mơ mộng, các nghệ sĩ nói chung.
Như những cây đàn hạc rung lên trong gió, những người nghệ sĩ hưởng ứng từng tiếng thì thào của tưởng tượng, rung ngân thường xuyên trong tâm trạng của họ với mọi cung bậc.
Con người vẫn chưa nhận thức được thấu đáo rằng người mơ mộng thường nhiều hơn là người có lý tưởng. Với người mơ mộng, những phép tắc và phẩm hạnh của cõi nhân gian thường đỡ khe khắt. Từng lắng nghe âm thanh của vẻ đẹp, sức căng của cánh chim xa xa, người đó dõi nhìn theo, bàn chân mệt mỏi trong những chuyến đi. Carrie đã quan sát, dõi theo, đu đưa và hát như thế.
Xin nhớ rằng trong việc này, lý trí chỉ có vai trò rất nhỏ. Cô thấy Chicago lúc rạng đông mời mọc hơn vẻ đáng yêu của nó mà cô từng biết, và theo bản năng, do sức mạnh của tâm trạng cô đơn, cô bám lấy nó. Con người dường như thỏa mãn trong bộ y phục đẹp và những vật tao nhã vây quanh. Vì thế, cô đã bị cuốn đến gần những thứ này. Chicago, rồi New York, Drouet, Hurstwood, giới thời trang và giới sân khấu, tất cả đều là ngẫu nhiên. Không phải cô ước mong họ, mà thèm muốn những thứ họ là tiêu biểu. Thời gian đã chứng minh sự hiện thân ấy là giả dối.
Chao ôi, tình trạng rối ren của đời người! Chúng ta vẫn nhìn nó mờ ảo biết chừng nào. Như Carrie đây, thuở ban đầu nghèo khổ, chất phác, dễ xúc động, đang được đáp ứng nỗi khao khát bằng mọi thứ đẹp nhất trên đời, song vẫn thấy mình sững lại bởi một bức tường. Phép tắc nói rằng: “Hãy cám dỗ nếu bạn có thể, bằng mọi thứ đẹp đẽ, nhưng chớ bị cuốn đến gần trừ khi chính đáng”. Tục lệ thì nói: “Bạn sẽ không khá hơn tình hình hiện tại của bạn, ngoài lao động lương thiện”. Nếu lao động lương thiện bị trả công thấp và khó mà chịu nổi, nếu con đường đến với cái đẹp quá dài, dài tít tắp mà không bao giờ tới, ngoài bàn chân và trái tim mệt mỏi, nếu lê lết theo cái đẹp như thế, con người phải từ bỏ biện pháp đáng ngưỡng mộ, thà đi theo đường mòn đáng khinh miệt dẫn tới giấc mơ nhanh chóng, ai sẽ ném hòn đá đầu tiên? Không phải là xấu xa, nhưng sự thèm muốn những thứ đó thường dễ dẫn thẳng đến các bước sai lầm. Không phải là tai họa, nhưng sự hào hiệp thường dễ làm xiêu lòng người nhạy cảm không quen lập luận hơn.
Carrie bước đi, bất hạnh trong trạng thái hào nhoáng và huy hoàng của mình. Khi Drouet chiếm được cô, cô đã nghĩ: “Bây giờ mình được nâng lên mức tốt đẹp hơn”; còn khi Hurstwood mời mọc cô khéo léo hơn, cô nghĩ: “Mình đang hạnh phúc”. Nhưng vì cõi đời không thích hợp cho tất cả những ai không chia sẻ sự điên rồ của nó, giờ đây cô thấy mình rất lẻ loi. Trong các cuộc dạo chơi ở Broadway, cô không còn nghĩ đến sự thanh lịch của những người đi qua nữa. Liệu họ có yên bình và đẹp đẽ hơn những thứ lấp lánh chập chờn xa xa, khi họ làm ta thèm muốn?
Drouet đã thôi đòi hòi và cô không gặp anh nữa. Cô không hay biết gì về cái chết của Hurstwood. Một con thuyền màu đen, chậm chạp, mỗi tuần một lần khởi hành từ cầu tàu ở phố Hai mươi bảy, chở cái xác vô danh của ông cùng nhiều xác khác đến cánh đồng Potter.
Mọi liên quan thú vị của hai người này với cô như thế là hết. Ảnh hưởng của họ đến đời cô chỉ có thể giải thích bằng bản chất những ham muốn mãnh liệt của cô. Với cô, có thời cả hai đã là hiện thân cho mọi thứ đầy sức thuyết phục nhất trong sự thành công nơi trần thế. Họ là cá nhân tiêu biểu cho trạng thái may mắn nhất có thể đạt được - với danh nghĩa là đại sứ an ủi và yên bình, làm rạng ngời phẩm chất của họ. Lẽ đương nhiên, khi thế gian mà họ đại diện không còn cám dỗ cô nữa, các đại sứ ắt không còn được tín nhiệm. Dẫu Hurstwood được trả lại vẻ đẹp và danh tiếng ban đầu, giờ đây ông không còn hấp dẫn được cô nữa. Cô đã hiểu rằng trong giới của ông cũng như trong giới hiện tại của cô, không hề có hạnh phúc.
Ngồi một mình, lúc này cô là hình ảnh minh họa cho những con đường vòng vèo mà con người cảm thấy, đúng hơn là suy luận ra, có thể dẫn đến việc theo đuổi, mưu cầu cái đẹp. Dù vỡ mộng nhiều lần, cô vẫn chờ đợi một ngày thanh bình, cô được dẫn tới giữa những giấc mơ trở thành hiện thực. Ames đã vạch ra một bước xa hơn, nhưng luôn luôn ở ngoài tầm với, nếu thực hiện sẽ lừa gạt những người khác vì cô. Nó là cuộc theo đuổi vĩnh viễn ánh hào quang ham thích, phủ màu lên các đỉnh cao xa vời của cõi nhân gian.
Ôi Carrie, Carrie! Chao ôi, những cố gắng mù quáng của trái tim con người! Tiến lên, tiến lên nữa, hãy theo đến nơi cái đẹp dẫn đầu. Dù là tiếng chuông leng keng của một con cừu bơ vơ trên phong cảnh tĩnh lặng hay vẻ đẹp chập chờn của các vùng rừng rú, hoặc sự bộc lộ tâm hồn trong cái nhìn thoáng qua, trái tim nhận biết và tìm ra câu trả lời để đi theo. Khi bàn chân mỏi mệt và hy vọng dường như hão huyền, những nỗi đau buồn và thèm khát trỗi dậy. Lúc đó, nó không cần biết bạn chán ngấy, cũng chẳng để ý là bạn tạm bằng lòng. Trong chiếc ghế bập bênh của bạn bên cửa sổ, bạn sẽ mơ mộng một mình, rất lâu. Trong chiếc bập bênh bên cửa sổ, bạn sẽ mơ đến niềm hạnh phúc ấy, vì có thể bạn chẳng bao giờ cảm thấy.
-- END --