Xơ Carrie

Chương IX: Mớ bùi nhùi bùng cháy

Cơ ngơi của Hurstwood ở phía Bắc, gần công viên Lincoln, là một tòa nhà gạch kiểu dáng rất thông dụng hồi đó, một ngôi nhà ba tầng, tầng trệt hơi thấp hơn mặt phố một chút. Tầng hai có một cửa sổ rộng, lối ra ngoài, và duyên dáng nhờ một thảm cỏ nhỏ ở đằng trước, bề rộng chừng sáu mét và sâu ba mét. Đằng sau cũng có một sân nhỏ, hàng rào của các nhà hàng xóm bao quanh, trong sân có một chuồng nhốt ngựa và một cái xe nhẹ hai bánh.

Hurstwood cùng vợ là Julia, con trai George Jr. và con gái Jessica chiếm mười phòng của căn nhà. Ngoài ra còn một hầu gái, đôi lúc được lấy ra làm mẫu mực cho các cô gái nguồn gốc khác nhau, vì bà Hurstwood không phải lúc nào cũng dễ hài lòng.

- George, hôm qua em đã đuổi Mary rồi, - là lời thông báo khá thường xuyên bên bàn ăn.

- Được thôi, - ông chỉ đáp vậy. Ông đã chán bàn bạc về chủ đề đầy ác ý đó từ lâu.

Bầu không khí gia đình vui tươi là một trong những bông hoa của cuộc đời, chẳng gì dịu dàng hơn, tinh tế hơn, có ý định hơn là nâng niu và nuôi dưỡng những bản chất tự nhiên ấy, làm chúng bền vững hơn. Những ai chưa bao giờ trải qua một ảnh hưởng từ tâm như thế, sẽ không hiểu vì sao những giọt nước mắt lại lấp lánh trên mi vì tiếng thì thầm lạ lùng trong một khúc nhạc du dương. Họ sẽ không bao giờ biết đến những hợp âm huyền bí kết chặt và làm bừng bừng dũng khí của đất nước.

Cơ ngơi của Hurstwood không thể nói lên tinh thần của gia đình này. Nó thiếu sự khoan dung và chăm chút, mà như thể ngôi nhà chẳng là gì. Đồ đạc đẹp, sắp xếp khéo léo nhờ khiếu thẩm mỹ của các cư dân. Những tấm thảm mềm mại, các ghế bành, đi văng được bọc lộng lẫy, một cây đại dương cầm, tượng thần Vệ nữ bằng cẩm thạch do một nghệ sĩ vô danh nào đó khắc, một số tượng đồng nhỏ có trời mới biết thu thập từ đâu, nhưng nói chung được bán từ các tòa nhà lớn có sẵn đồ đạc, tạo thành “ngôi nhà trang bị hoàn hảo”.

Trong phòng ăn có một tủ bát đĩa, nặng trĩu các bình thon cổ láp lánh, nhiều đồ dùng và đồ trang trí khác bằng thủy tinh, cách sắp xếp không cần bàn đến. Ở đây có một thứ Hurstwood biết đến. Ông đã nghiên cứu việc này nhiều năm trong nghề. Ông không hài lòng chút nào khi bảo ban từng cô Mary ngay sau khi cô ta tới, về sự khéo léo mà đồ vật đòi hỏi. Ông không lắm lời với bất cứ ngụ ý gì. Ngược lại, ông có thái độ dè dặt tế nhị với cách quản lý kinh tế trong nhà, và tất cả phải hiểu bằng các từ phổ biến và lịch sự. Ông không tranh cãi, song cũng không nói năng thoải mái. Trong thái độ của ông có một cái gì đó giáo điều. Cái gì không đúng, ông lờ đi. Ông có khuynh hướng tránh né những điều không thể.

Có thời ống rất yêu quý Jessica, đặc biệt là khi ông trẻ hơn và mải mê thành công hơn. Tuy vậy, hiện giờ, ở tuổi mười bảy, Jessica phát triển sự dè dặt và độc lập nhất định, không cần đến các kiểu tận tụy phong phú của bố mẹ nhiều. Cô đang ở bậc trung học, có nhiều quan niệm sống dứt khoát của con nhà dòng dõi. Đầu cô đầy những ý niệm về tình yêu và sự thanh lịch độc đáo. Ở trường, cô gặp gỡ các cô gái có bố mẹ giàu và bố họ là người hùn vốn hoặc chủ nhân của các hãng buôn danh tiếng ở địa phương. Các cô gái này ra vẻ ta đây, phù hợp với cơ sở kinh doanh phát đạt mà họ xuất thân. Họ là những người duy nhất trong trường mà Jessica săn đón.

Cậu Hurstwood Jr. hai mươi tuổi, đã nhắm sẵn một công ty bất động sản lớn, đầy triển vọng. Cậu chẳng đóng góp gì cho sự chi tiêu trong nhà, nhưng đã nghĩ đến việc dùng tiền riêng đầu tư vào bất động sàn. Cậu có một số khả năng, rất kiêu căng và ham khoái lạc song vẫn chưa vi phạm bổn phận, dù là bất cứ điều gì. Cậu đi và về, theo đuổi các kế hoạch và những mê thích riêng, thỉnh thoảng mách nhỏ với mẹ vài lời liên quan đến bố, nhưng nói chung trong các câu chuyện cậu tự buộc mình nói chung chung. Cậu không để lộ những thèm muốn của mình cho bất cứ ai thấy. Cậu không thấy bất kỳ ai trong nhà đặc biệt muốn biết.

Bà Hurstwood thuộc loại phụ nữ từng cố gắng tỏa sáng và ít nhiều thất vọng vì dấu hiệu của các khả năng ưu việt vẫn còn ở tận đâu đâu. Sự hiểu đời của bà dành cho phạm vi xã hội thượng lưu mà bà không ở trong đó, nhưng rất thèm. Bà nhận thức được việc này là không thể, trong khả năng của bà. Bà hy vọng nhiều điều tốt đẹp hơn cho con gái. Thông qua Jessica, bà mới có thể ngoi lên chút ít. Thông qua khả năng thành đạt của George Jr, bà mới có thể lôi kéo các ân huệ về cho mình một cách hãnh diện. Dù ông Hurstwood đang làm ăn đủ khấm khá, bà vẫn mong ngóng những đầu cơ bất động sản nhỏ của ông sẽ phát đạt. Cổ phần bất động sản của ông vẫn còn khá nhỏ, nhưng thu nhập của ông đáng hài lòng và địa vị của ông ở Fitzferald & Moy ổn định. Cả hai quý ông này đều nói năng vui vẻ và khá thân mật với ông.

Bầu không khí tạo nên những cá tính như thế hẳn thể hiện rõ rành rành với tất cả. Nó thể hiện trong hàng ngàn cuộc chuyện trò, tất cả đều cùng kiểu như nhau.

- Ngày mai con sẽ đến Fox Lake, - tối thứ Sáu, George Jr. tuyên bố bên bàn ăn.

- Có việc gì vậy? - Bà Hurstwood hỏi.

- Eddie Fahrway mới mua một con tàu chạy hơi nưóc, ông ấy muốn con cùng đi xem nó hoạt động ra sao.

- Ông ấy mua tàu đó giá bao nhiêu? - Mẹ cậu hỏi.

- Hơn hai ngàn đôla. Ông ấy bảo nó đẹp lắm.

- Ông già Fahrway hẳn kiếm ra tiền, - Hurstwood xen vào.

- Con đoán thế. Jack kể với con là hiện nay, họ chuyển chở biệt được đến Australia, nghe nói tuần trước họ vừa gửi cả một thùng đến Cape Town.

- Thế ư! - Bà FIurstwood nói, - bốn năm trước họ chỉ có một tầng hầm ở phố Madison.

- Jack kể với con mùa xuân sang năm, họ sẽ xây một tòa nhà sáu tầng ở phố Robey.

- Oách quá nhỉ! - Jessica nói.

Nhân dịp đặc biệt này, Hurstwood muốn rời đi sớm.

- Bố nghĩ là sẽ vào khu thương mại đây, - ông nói và đứng dậy.

- Hôm thứ Hai, chúng ta có đến McVickar không? - Bà Hurstwood hỏi, và không đứng lên.

- Có, - ông đáp hờ hững.

Họ tiếp tục ăn, trong lúc ông lên gác lấy mũ và áo khoác. Ngay sau đó, có tiếng cửa lách cách.

- Chắc bố đi rồi, - Jessica nói.

Những tin tức ở trường của cô thuộc loại đặc biệt.

- Người ta sắp tổ chức một buổi biểu diễn ở trên gác Lycerum, - một hôm cô thông báo, - và con sẽ tham gia.

- Thế ư? - Bà Hurstwood hỏi.

- Vâng, và con cần một bộ áo mới. Một số cô gái đẹp nhất trường cũng tham gia ở đó. Tiểu thư Palmer sẽ đóng vai Portia.

- Thế sao? - Bà Hurstwood nói.

- Người ta nói rằng lại có Martha Griswold diễn. Cô ấy tưởng là có thể diễn được.

- Có nghĩa là gia đình cô ấy chẳng có gì hết, nhỉ? - Bà Hurstwood nói, vẻ thông cảm. - Họ chẳng có gì phải không?

- Không, - Jessica đáp lại, - họ nghèo rớt mồng tơi.

Cô rất chú ý thể hiện giữa đám nam sinh trong trường, nhiều cậu mê mệt nhan sắc của cô.

- Mẹ biết gì không? - Một buổi tối, cô bình luận với mẹ. - Herbert Crane cố làm thân với con.

- Cậu ta là ai vậy, con yêu? - Bà Hurstwood hỏi.

- Ồ, chẳng là ai cả, - Jessica nói và bĩu đôi môi đẹp. - Cậu ta chỉ là một nam sinh ở trường thôi. Cậu ta chẳng có gì hết.

Nửa khác của bức tranh này là lúc cậu Blylord, con trai chủ hãng xà phòng Blylord đi cùng cô về nhà. Bà Hurstwood đang ngồi đọc sách trên ghế bập bênh ở tầng ba, và bất ngờ nhìn ra đúng lúc.

- Ai đi cùng con thế, Jessica? - Bà hỏi, lúc Jessica lên gác.

- Đấy là cậu Blylord, mẹ ạ, - cô đáp.

- Có việc gì vậy? - Bà Hurstwood nói.

- À, cậu ấy muốn con cùng đi công viên, - Jessica giải thích, hơi đỏ mặt vì vừa chạy lên cầu thang.

- Được, con ạ, - bà Hurstwood nói. - Đừng đi lâu quá đấy.

Lúc hai người xuống phố, cô liếc nhìn qua cửa sổ một cách vụ lợi. Quả thật, đây là cảnh tượng thỏa mãn nhất, rất vừa ý cô.

Ông Hurstwood đã sống trong bầu không khí này nhiều năm, không nghĩ ngợi sâu xa những gì liên quan đến nó. Băn khoăn tìm thứ tốt hơn không phải là bản tính tự nhiên của ông, trừ khi thứ tốt hơn ấy trái ngược rõ rệt và mạnh mẽ. Và cứ thế, ông nhận và cho, thỉnh thoảng bực mình vì những biểu lộ của tính thờ ơ ích kỷ nho nhỏ, hài lòng những lúc chứng kiến sự tử tế được coi là tiến tới chân giá trị và biểu hiện danh dự của xã hội. Sinh hoạt của khách sạn nơi ông quản lý là cuộc sống của ông. Hầu hết thời gian ông ở đấy. Tới tối, khi về nhà, ngôi nhà trông dễ chịu. Trừ những trường hợp hiếm hoi, các bữa ăn có thể chấp nhận được, thuộc loại một người hầu bình thường có thể sửa soạn. Một phần, vì ông thích trò chuyện với con trai và con gái, hai cô cậu lúc nào trông cũng tươi tỉnh. Tính phù phiếm của bà Hurstwood khiến bà luôn trang điểm khá lòe loẹt, nhưng ông Hurstwood thấy thà như thế còn hơn vẻ xấu xí rất nhiều. Giữa hai người, không có tình yêu để mất. Cũng chẳng có gì bất mãn lớn. Quan niệm của bà về mọi việc chẳng có gì đáng chú ý. Họ trò chuyện với nhau chưa đủ để tiến tới tranh cãi về bất cứ vấn đề gì. Theo lời nói thông thường, bà có ý kiến của bà và ông có ý kiến của ông. Đôi khi, ông gặp một phụ nữ trẻ trung, dạt dào sức sống và dí dỏm khiến vợ ông trở nên khá kém cỏi, nhưng sự bất mãn nhất thời bởi cuộc gặp gỡ bất thình lình đó có thể làm lòng ông xao động sẽ là sự phản cân bằng vì địa vị xã hội và cách hành xử của ông. Ông không thể làm cho cuộc sống gia đình của mình rắc rối, vì có thể ảnh hưởng đến quan hệ với các chủ nhân của ông. Họ không muốn xảy ra những chuyện bê bối. Một người đàn ông ở vị trí như ông phải hành xử đàng hoàng, một lý lịch sạch sẽ và một gia đình là điểm tựa đáng kính. Vì thế ông thận trọng trong mọi hành động, và bất cứ khi nào ông xuất hiện công khai vào các buổi chiều hoặc vào Chủ nhật, ông đều đi cùng vợ, thỉnh thoảng có cả các con. Ông đến các khu nghỉ dưỡng trong vùng hoặc ở vùng lân cận Winsconsins ở vài ngày, rất lịch sự và cứng nhắc, tản bộ đến những địa điểm truyền thống và làm những việc theo thông lệ. Ông biết cần phải như thế.

Khi một số trong nhiều người có tiền thuộc tầng lớp trung lưu ông quen biết, lâm vào những chuyện rắc rối, ông lắc đầu. Không đáng để nói đến những việc đó. Nếu thảo luận giữa đám bạn bè được coi là thân thiết, ông không tán thành hành động điên rồ như thế. “Đã đành là đàn ông ai chả làm thế, nhưng sao ông ấy không thận trọng? Một người đàn ông không thể thiếu thận trọng được”. Ông không thông cảm nổi với người đàn ông lầm lỗi và bị phát hiện kia.

Vì lý do đó mà ông vẫn dành một khoảng thời gian nhất định phô phang vợ, khoảng thời gian thực sự chán ngắt. Nếu không vì những người ông cần gặp và chẳng mấy thích thú cũng như chẳng cần đến bà ta có hay vắng mặt. Nhiều lần, ông quan sát bà khá tò mò, vì về mặt nào đó, bà vẫn hấp dẫn và đàn ông vẫn ngắm bà. Bà hòa nhã, rỗng tuếch, là đối tượng để tâng bốc, và ông biết rất rõ sự kết hợp này có thể gây ra thảm kịch trong người đàn bà ở vị trí trong gia đình. Thuộc loại trí tuệ như ông, niềm tin vào sự hấp dẫn giới tính không nhiều. Vợ ông chưa bao giờ có những đức tính để chiếm giữ lòng tin cũng như sự ngưỡng mộ của một người đàn ông có bản chất như ông. Trong chừng mực bà yêu ông mãnh liệt, ông còn tin tưởng, nhưng khi sợi dây ràng buộc ấy không còn, có thể xảy ra chuyện gì đó.

Trong một hoặc hai năm gần đây, chi phí cho gia đình hình như là một vấn đề lớn. Jessica muốn có nhiều quần áo đẹp, còn bà Hurstwood tuy không rạng rỡ hơn con gái, song cũng thường xuyên trang điểm lộng lẫy. Trước kia ông Hurstwood chẳng nói gì, nhưng một hôm ông đã than phiền.

- Tháng này Jessica phải có một bộ mới, - một buổi sáng, bà Hurstwood nói.

- Tôi tưởng nó vừa mua một bộ rồi, - ông nói.

- Bộ ấy chỉ để mặc buổi tối thôi, - vợ ông đáp, vẻ tự mãn.

- Tôi thấy gần đây nó may mặc khá tốn đấy.

Ông không phải là người du lịch nhiều, nhưng mỗi khi đi, ông quen đưa vợ đi cùng. Mới đây có một cuộc tham quan Philadelphia do hội đồng địa phương tổ chức, kéo dài mười ngày. Hurstwood được mời.

- Chẳng ai biết chúng ta xuống đây đâu, - một quý ông nói, ông ta có bộ mặt sửa sang qua loa, quá ư phì nộn, dốt nát và đầy nhục dục. Ông ta hay đội cái mũ lụa có tỷ lệ đường bệ nhất. - Chúng ta sẽ có một thời gian thoải mái. - Mắt trái của ông ta chuyển động giống một cái nháy. - Ông có muốn đi cùng không, George?

Ngày hôm sau, ông Hurstwood thông báo việc đó với vợ.

- Tôi sắp đi xa vài ngày, Julia ạ, - ông nói.

- Đi đâu? - Bà hỏi và ngước nhìn.

- Philadelphia, vì công việc.

Bà nhìn ông có chủ ý, đợi ông nói thêm.

- Lần này tôi phải để mình ở nhà.

- Được thôi, - bà đáp, nhưng ông có thể thấy bà đang nghĩ đây là một việc lạ lùng. Trước khi ông đi, bà hỏi ông vài câu và làm ông bực mình. Ông bắt đầu cảm thấy bà là một thứ phụ tùng khó chịu.

Trong chuyến đi này, ông vô cùng vui thích và khi kết thúc, ông tiếc phải trở về. Ông không sẵn lòng nói quanh co và ghét giải thích những thứ dây dưa đến nó. Toàn bộ sự việc được bưng bít bằng những nhận xét chung chung, nhưng bà Hurstwood khá băn khoăn về chuyện này. Bù lại, bà ra ngoài nhiều hơn, ăn vận lộng lẫy hơn, và đi xem hát tùy thích.

Một không khí như thế hầu như không thể duy trì sinh hoạt gia đình. Nó hoạt động được nhờ sức mạnh của thói quen, nhờ sự bắt buộc của quan niệm truyền thống. Với thời gian, tất yếu nó phải ngày càng khô đi, khô hơn và rốt cuộc, nó trở thành một mớ bùi nhùi, dễ dàng bùng cháy và thiêu rụi.