Hai ngày tiếp đó Carrie đắm mình trong những suy đoán khoa trương nhất.
Trí tưởng tượng của cô hấp tấp lao vào những đặc ân và những thích thú ngày càng nhiều hơn, đến mức cô tự ru ngủ là con cưng của số phận. Với tinh thần sẵn sàng và lựa chọn nhanh chóng, cô tung bốn đôla rưỡi một tuần bằng bàn tay nhanh nhẹn và duyên dáng. Thực ra, lúc ngồi trên ghế bập bênh trong mấy buổi chiều đó, trước khi đi nằm và nhìn ra đường phố sáng ngời thú vị, số tiền trong tương lai này đã được tiêu sạch cho từng niềm vui và từng đồ trang sức lòe loẹt mà trái tim đàn bà có thể thèm muốn. “Mình sẽ có một thời gian thoải mái”, cô nghĩ.
Chị Minnie của cô không hề biết đến những ý nghĩ khá ngông cuồng này, dẫu chúng dốc hết cho những thú vui mua sắm. Chị quá bận cọ rửa các đồ mộc trong bếp và tính toán mua bữa ăn ngày Chủ nhật với tám mươi xu[5]. Lúc Carrie về nhà, mặt ửng hồng vì thành công đầu tiên và dễ dàng, chị đã quá mệt, không buồn bàn bạc đến những sự kiện thú vị dẫn đến thành công của cô, chỉ mỉm cười tán thưởng và hỏi cô có phải chi tiền vé ôtô trong số đó không. Sự cân nhắc này trước đây cô chưa từng nghĩ đến, và lúc này chẳng ảnh hưởng lâu đến sự sôi nổi của Carrie. Lúc đó cô cho rằng một nền tảng mơ hồ sẽ cho phép trừ đi một số tiền mà không hề nhận thấy bị giảm bớt, cô đang vui.
Bảy giờ tối, khi Hanson về nhà, anh thường hơi cáu kỉnh, một thái độ thường lệ trước bữa tối. Tật này không thể hiện bằng lời nói mà bằng vẻ mặt nghiêm trang và thái độ im lặng lúc anh đi dạo. Hanson thích đi một đôi dép rơm màu vàng và ngay lập tức thay cho đôi giày vững chắc. Rồi, rửa mặt bằng xà phòng thường cho đến lúc mặt đỏ ửng và sáng bóng, là việc sửa soạn duy nhất cho bữa tối. Hanson vớ tờ báo buổi tối và lặng lẽ đọc.
Với một thanh niên, đây là một đặc điểm có chiều hướng khá không lành mạnh và ảnh hưởng đến Carrie. Thực ra, nó ảnh hưởng đến toàn bộ không khí gia đình, khiến người vợ thành ra khuất phục và đối phó, lo tránh những hành động đáp lại lầm lì. Song dù sao, Hanson cũng tươi tỉnh lên vì lời thông báo của Carrie.
- Cô không mất nhiều thời gian, nhỉ? - Hanson nhận xét và hơi cười.
- Không ạ, - Carrie đáp, hơi hãnh diện.
Hanson hỏi thêm một, hai câu nữa rồi quay sang chơi với con, bỏ đề tài này cho đến lúc Minnie khơi lại bên bàn ăn.
Tuy nhiên, Carrie không giảm bớt được mức độ nhận xét thông thường vốn chiếm ưu thế trong nhà.
- Hình như đấy là một công ty lớn, - cô nói về địa điểm. - Các cửa sổ rất lớn, đều gắn kính mờ và nhiều nhân viên. Người đàn ông em gặp nói họ từng thuê nhiều người làm.
- Hiện giờ kiếm việc không quá khó, - Hanson xen vào, - nếu cô tính đúng.
Minnie vui lên vì ảnh hưởng sự phấn chấn của Carrie và tâm trạng thích trò chuyện bất thường của chồng, bèn kể cho Carrie về một số thứ nổi tiếng nên xem, những thứ thưởng thức miễn phí.
- Cô sẽ thích đại lộ Michigan. Ở đó có nhiều tòa nhà đẹp. Đấy là một đường phố huy hoàng.
- “H.R. Jacob” ở đâu ạ? - Carrie ngắt lời, nêu tên một trong những nhà hát kịch mà cô đã có lúc đi ngang qua.
- Ồ, nó không xa đây lắm, - Minnie trả lời. - Ở phố Halstead, phía trên kia kìa.
- Em muốn đến đấy. Hôm nay em đã đi qua phố Halstead phải không?
Đáp lại câu này một cách tự nhiên là một lát tạm dừng. Những suy nghĩ là một nhân tố lan tỏa lạ lùng. Thấp thoáng sự phản đối không nói ra với lời gợi ý đi xem hát của Carrie, kéo theo một khoản phí tổn, ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu Hanson rồi đến Minnie và ảnh hưởng nho nhỏ đến không khí ở bàn ăn. Minnie đáp: “Phải”, nhưng Carrie cảm thấy ở nhà này, đi xem hát là một chủ trương không được ủng hộ. Chủ đề này hoãn lại một lát, cho đến lúc Hanson ăn xong bữa, vớ lấy tờ báo và đi vào phòng đằng trước.
Lúc còn lại hai chị em, họ trò chuyện có phần thoải mái hơn, Carrie khe khẽ ngân nga lúc họ rửa bát đĩa.
- Em thích đi lên phố Halstead nếu không xa quá, - lát sau, Carrie nói. - Sao chị em mình không đi xem hát tối nay?
- Ồ, chị nghĩ tối nay Sven không muốn đi đâu, - Minnie đáp. - Anh ấy phải dậy sớm lắm.
- Không sao đâu, anh ấy sẽ thích mà, - Carrie nói.
- Không, anh ấy rất ít khi đi đâu, - Minnie đáp lại.
- Còn em thích đi, - Carrie nói. - Vậy chị em mình đi nhé.
Minnie ngẫm nghĩ một chút, không phải nghĩ xem liệu chị có nên đi hay không, mà tìm cách hướng cô em gái sang chủ đề khác.
- Lần khác chúng ta sẽ đi, - cuối cùng chị nói, không tìm ra cách thoát dễ dàng.
Ngay lập tức, Carrie cảm nhận được căn nguyên của sự chống đối.
- Em có tiền mà, - cô nói. - Chị đi với em.
Minnie lắc đầu.
- Anh ấy cũng có thể đi cùng, - Carrie nói.
- Không, - Minnie nhẹ nhàng đáp, tiếng bát đĩa lách cách át cuộc trò chuyện. - Anh ấy sẽ không đi.
Vài năm nay Minnie không gặp Carrie, trong thời gian đó tính cách của cô em gái đã phát triển khác đi ít nhiều. Sự rụt rè tự nhiên trong mọi việc liên quan tới sự tiến bộ của cô, nhất là khi thiếu khả năng hoặc sự tháo vát, sự ham muốn khoái lạc của cô mạnh đến mức trở thành trở ngại duy nhất cho bản tính của cô. Chị sẽ nói điều đó khi mọi sự đã lắng lại.
- Hỏi anh ấy xem, - cô dịu dàng năn nỉ.
Minnie nghĩ đến cuộc giải trí mà Carrie sẽ thêm vào tiền ăn. Khoản đó sẽ trả tiền nhà và sẽ làm cho chủ đề chi tiêu đỡ khó khăn khi nói chuyện với chồng chị. Nhưng nếu Carrie tưởng suôn sẻ ngay từ đầu rồi sẽ vướng ở đâu đó. Trừ khi Carrie phục tùng vòng quay trang nghiêm của công việc và thấy cần phải làm ăn chăm chỉ, đừng có thèm khát vui chơi, việc cô đến thành phố này có lợi gì cho họ kia chứ? Những suy nghĩ này không hẳn thuộc bản tính lạnh lùng và khắc nghiệt, chúng là những suy nghĩ thực tế của người lúc nào cũng phải tự thu xếp mà không được than phiền nhiều với xung quanh, vì chị vốn là người siêng năng.
Cuối cùng chị đủ nhân nhượng để hỏi ý Hanson. Với chị, đây là một việc miễn cưỡng, chẳng hề có chút thèm khát.
- Carrie muốn mời chúng ta đi xem hát, - chị vừa nói vừa nhìn chồng. Hanson ngước mắt khỏi tờ báo, và họ trao đổi một thoáng nhìn, nói lên thật rõ ràng: “Đây không phải là điều chúng ta mong”.
- Tôi không muốn đi, - anh đáp. - Mà cô ấy muốn xem gì vậy?
- H.R. Jacob, - Minnie nói.
Hanson lại nhìn xuống tờ báo và lắc đầu từ chối.
Khi Carrie thấy họ nhìn nhận lời đề nghị của cô ra sao, cô có một cảm giác rõ ràng về cách sống của họ. Nó đè nặng lên cô, nhưng không có một hình thái phản đối rõ rệt.
- Em nghĩ là em sẽ đi và đứng đợi ở chân cầu thang, - một lát sau, cô nói.
Minnie không phản đối và Carrie đội mũ rồi xuống dưới nhà.
- Carrie đi đâu đấy? - Hanson hỏi, anh ta trở về phòng ăn lúc nghe thấy tiếng đóng cửa.
- Cô ấy bảo xuống chân cầu thang, - Minnie trả lời. - Em đoán cô ấy chỉ muốn nhìn ngó bên ngoài một lúc.
- Em có nghĩ là cô ấy không nên phí tiền vào nhà hát không? - Hanson nói.
- Em cho là cô ấy chỉ tò mò tí chút thôi, - Minnie đánh bạo. - Mọi thứ đều mới mẻ quá mà.
- Anh không hiểu, - Hanson nói rồi trở lại với con, trán anh hơi cau lại.
Anh ta coi việc cô gái mải mê là hoàn toàn phù phiếm và hoang phí, và tự hỏi liệu Carrie dự tính một việc như thế vì hãy còn quá ít việc để làm.
Hôm thứ Bảy, Carrie đi chơi một mình, trước hết là đến dòng sông mà cô rất thích, rồi quay trở lại, đi theo phố Jackson, hồi đó có nhiều ngôi nhà đẹp đẽ ven đường và những bãi cỏ xanh mướt, sau này trở thành một đại lộ. Cô sửng sốt vì những bằng chứng giàu sang, mặc dù có lẽ không có người nào trên phố có hơn một trăm ngàn đôla. Cô thích ra khỏi nhà, vì thấy nó chật chội, buồn tẻ, sự thích thú và niềm vui ở mãi tận đâu đâu. Lúc này ý nghĩ của cô tự do hơn và cô nhấn mạnh chúng với bao suy đoán xem Drouet ở đâu. Cô không dám chắc nhưng anh ta có thể ghé đến bất cứ lúc nào vào tối thứ Hai, và trong khi bối rối vì khả năng ấy có thể xảy ra, cô vẫn thoáng mong anh ta sẽ đến.
Hôm thứ Hai, cô dậy sớm và chuẩn bị đi làm. Cô mặc sơmi bằng vải mịn đã cũ, có những chấm xanh lơ, váy bằng hàng séc màu nâu nhat bạc màu, đội cái mũ rơm nhỏ đã dùng suốt mùa hè ở thành phố Columbia. Giày cô cũ kỹ, khăn quàng bằng vài nhăn đã phẳng bẹt vì thời gian và dùng nhiều lần. Bề ngoài nom cô giống hệt một cô gái bán hàng thông thường, ngoại trừ nét mặt. Có một cái gì đó hơn hẳn bình thường, tạo cho cô một vẻ ngoài duyên dáng, riêng biệt và ưa nhìn.
Một người đã quen ngủ đến bảy hoặc tám giờ như Carrie khi ở nhà, dậy sớm thật không dễ gì. Cô đã mơ hồ có ý niệm về đặc điểm cuộc sống của Hanson, nên lúc sáu giờ, hãy còn ngái ngủ, cô ngó vào phòng ăn và thấy anh đang lặng lẽ ăn nốt bữa sáng. Lúc cô ăn vận xong xuôi, Hanson đã đi rồi, còn cô, Minnie và đứa trẻ ở lại, nó đã đủ lớn để ngồi trên ghế cao và lấy thìa nghịch đĩa. Lúc này, tinh thần cô rất sa sút vì sắp bước vào công việc lạ lẫm và chưa có kinh nghiệm trước mắt. Mọi thứ tưởng tượng chỉ còn lại tro tàn, dẫu vậy, tro tàn vẫn che giấu vài đốm than hồng của hy vọng. Cô cử động khẽ khàng vì thần kinh suy nhược, cô vừa lặng lẽ ăn vừa ôn lại những ý niệm trong tưởng tượng về đặc điểm của công ty, tính chất công việc, thái độ của ông chủ. Cô lờ mờ nhận thấy cô sẽ tiếp xúc với các ông chủ lớn, công việc của cô sẽ ở nơi quan trọng, nơi những người đàn ông ăn mặc hợp thời trang thỉnh thoảng ngó tới.
- May mắn nhé, - Minnie nói lúc cô sắp đi. Họ nhất trí đi bộ là tốt nhất, ít nhất là sáng hôm ấy, để xem cô có thể đi bộ hàng ngày không, dù sao thì tiền vé ôtô sáu mươi xu một tuần cũng là một khoản chi tiêu đáng kể.
- Tối nay em sẽ kể lại với chị, - Carrie nói.
Lúc đã ở trên phố ngập nắng với các công nhân cuốc bộ cùng chiều, những chiếc xe ngựa chạy qua, chật lèn những thư ký và những người giúp việc từng tầng trong các hãng buôn lớn, những người đàn ông, đàn bà đến các vùng lân cận, Carrie cảm thấy hơi vững dạ. Trong ánh nắng buổi sáng, dưới bầu trời xanh rộng rãi, làn gió tươi mát xôn xao, những nỗi sợ - trừ đặc biệt dữ dội - có thể tìm được chỗ trú ẩn chăng? Ban đêm, hoặc trong các phòng ngủ tối tăm của ban ngày, những nỗi sợ hãi và nghi ngờ trở nên mạnh mẽ, nhưng dưới ánh nắng chỉ một lúc thôi, kể cả nỗi sợ chết cũng tan hẳn.
Carrie thẳng tiến đến lúc sang bên kia sông rồi rẽ vào đại lộ Năm. Ở nơi này, đường phố lớn giống như một hẻm núi có tường bằng đá nâu và gạch đỏ bao quanh. Những cửa sổ lớn trông sáng bóng và sạch sẽ. Các xe tải chạy ầm ầm ngày càng nhiều, đàn ông, đàn bà, nam thanh nữ tú từ mọi phía tiến vào. Carrie gặp nhiều cô gái trạc tuổi, họ nhìn cô dường như khinh miệt vẻ thiếu tự tin của cô. Cô băn khoăn vì sự rộng lớn của cuộc sống này và vì cần phải biết thật nhiều để làm được mọi việc trên đời. Sự khiếp hãi vì thiếu khả năng lan khắp người cô. Cô sẽ không biết cách làm, không đủ nhanh nhẹn. Mọi chỗ khác chẳng đã từ chối vì cô không biết làm việc này, việc kia đó sao? Cô sẽ bị quở trách, mắng mỏ, sa thải một cách nhục nhã.
Đầu gối cô yếu hẳn và cô hơi nín thở lúc đến hãng giày đồ sộ ở Adams và đại lộ Năm, rồi vào thang máy. Lúc bước ra tầng tư, không có ai trước mặt, chỉ có khe hở giữa các chồng hộp xếp cao tận trần. Cô đứng đó, khiếp đảm, đợi có người.
Chẳng máy chốc, ông Brown tới. Hình như ông không nhận ra cô.
- Cô muốn gì? - Ông ta hỏi.
Tim Carrie như rụng xuống.
- Ông đã bảo tôi sáng nay đến nhận việc...
- Ồ, - ông ta ngắt lời. - Hừm, phải rồi. Cô tên gì?
- Carrie Meeber.
- Phải, - ông ta nói. - Cô đi với tôi.
Ông ta dẫn cô qua những khe hẹp tối tăm, chồng chất các hộp sặc mùi giày mới, đến một cánh cửa thép mở vào xí nghiệp đích thực. Đó là một căn phòng rộng mênh mông, trần thấp, máy móc chạy rầm rầm, lách cách, nhiều người đàn ông đeo ống tay áo trắng và tạp dề vải màu xanh đang làm việc. Cô rụt rè theo ông ta đi qua những máy tự động lách cách, cố nhìn thẳng và hơi đỏ mặt. Họ băng qua một góc phía xa và bắt thang máy lên tầng sáu. Ra khỏi khu máy móc và những ghế dài, ông Brown ra hiệu cho một đốc công:
- Cô ấy đây, - ông ta nói và quay sang Carrie, - cô đi với ông ấy.
Ông Brown quay lại, còn Carrie đi theo cấp trên mới đến một cái bàn nhỏ trong góc, ông ta dùng như một loại văn phòng trung tâm.
- Trước kia cô chưa bao giờ làm bất cứ việc gì như thế này phải không? - Ông ta hỏi, khá nghiêm khắc.
- Vâng, thưa ông, - cô trả lời.
Hình như ông khá bực mình vì phải lo cho một người giúp việc như thế, nhưng ông ghi tên cô rồi dặn cô đến một dãy các cô gái ngồi trên ghế trước những cái máy lách cách. Ông ta đặt bàn tay lên vai một cô gái đang khoan lỗ lên một mũi giày.
- Này cô, - ông ta bảo, - cô hãy chỉ cho cô gái này cách làm việc của cô nhé. Khi nào xong, hãy đến chỗ tôi.
Cô gái được bảo nhanh nhẹn đứng lên và nhường chỗ cho Carrie.
- Không khó đâu, - cô ta nói và cúi người xuống. - Cô chỉ cần cầm lấy cái này, cài chặt bằng cái bàn kẹp này và mở máy.
Cô ta hành động khớp với lời nói, cài chặt miếng da bằng cái bàn kẹp nhỏ, điều chỉnh được, cuối cùng tạo thành nửa bên phải của mũi giày nam giới rồi đẩy một cái cần nhỏ bằng thép ở bên máy. Cái máy nhảy vào khoan, tiếng lách cách gọn sắc, cắt những mẩu da tròn xoe khỏi cạnh mũi giày, để lại những cái lỗ giữ dây giày. Sau khi quan sát vài lần, cô gái để Carrie làm việc một mình. Khi thấy Carrie đã làm đúng, cô ta đi ra.
Những mảnh da đến từ cô gái ở máy bên phải Carrie, rồi chạy sang cô gái bên trái. Carrie nhìn thấy ngay tốc độ trung bình cần thiết hoặc công việc sẽ ùn đống ở chỗ cô và tất cả công đoạn sau sẽ bị chậm trễ. Cô không có thời gian nhìn quanh và lo cúi xuống công việc. Các cô gái ở bên trái và bên phải nhận thức được sự lúng túng của cô và cố giúp cô hết mức dám làm, bằng cách làm chậm lại.
Cô cặm cụi làm việc này không ngừng được một lúc, thấy đỡ hẳn nỗi sợ hãi và tưởng tượng căng thẳng trong chuyển động nhàm tẻ, cơ học của cỗ máy. Sau nhiều phút qua đi, cô cảm thấy căn phòng không quá sáng nữa. Nó có mùi nồng nặc của da mới thuộc, nhưng không làm cô khó chịu. Cô cảm thấy cái nhìn của người giúp kia đè nặng lên cô, sợ cô làm không đủ nhanh.
Có lần, cô lóng ngóng với cái bàn kẹp nhỏ, gây một lỗi nhẹ vào mảnh da, một bàn tay to lớn xuất hiện ngay trước mắt cô và buộc chặt cái bàn kẹp hộ cô. Đó là viên đốc công. Tim cô đập thình thịch đến mức hầu như cô không nhìn thấy gì nữa.
- Bật máy đi, - ông ta bảo, - bật máy của cô đi. Đừng bắt dây chuyền đợi.
Câu này khiến cô đủ tĩnh trí và xúc động mãi, cô hầu như không thở nổi cho đến lúc cái bóng sau cô đi xa. Lúc đó cô thở một hơi dài sườn sượt.
Gần hết buổi sáng, trong phòng nóng hơn. Cô cảm thấy thèm hít thở không khí tươi mát và muốn uống ngụm nước, nhưng không dám liều di chuyển. Cái ghế cô ngồi không có tựa hoặc chỗ để chân, và cô thấy khó chịu. Một lúc sau, cô bắt đầu thấy đau lưng. Cô vặn người và xoay khỏi tư thế cho hơi khác đi, nhưng không thoải mái được lâu. Cô bắt đầu mệt mỏi.
- Đứng dậy, sao cô không đứng, hở? - Cô gái bên phải nói, không hề rào đón. - Họ không để ý đâu.
Carrie nhìn cô ta, hàm ơn:
- Tôi chắc là sẽ đứng, - cô nói.
Cô đứng khỏi ghế và làm việc theo kiểu đó một lúc, nhưng tư thế ấy càng khó khăn hơn. Cổ và vai cô đau nhừ vì cúi xuống.
Khí thế của nơi này gây cho cô một ấn tượng nặng nề. Cô không dám nhìn quanh, nhưng qua tiếng máy lách cách cô có thể nghe thấy một nhận xét tình cờ. Cô cũng nhận thấy một hoặc hai điều qua khoé mắt.
- Đêm qua cậu có gặp Henry không? - Cô gái ở bên trái hỏi người ngồi cạnh.
- Không.
- Lẽ ra cậu nên nhìn thấy cái cà-vạt anh ấy thắt. Mà này, anh ta là một mục tiêu đấy.
- Suỵt, - cô kia nói và cúi xuống công việc. Cô gái đầu tiên im bặt, và ngay lập tức giữ bộ mặt nghiêm trang. Viên đốc công chậm rãi đi qua, quan sát từng công nhân một. Lúc ông ta đi xa rồi, câu chuyện lại tiếp tục.
- Kể đi, - cô gái bên trái bắt đầu, - anh ấy đã nói những gì hả?
- Mình không biết.
- Anh ấy bảo đã nhìn thấy chúng tôi với Eddie Harris ở Martin tối qua.
- Không! - Cả hai cười rúc rích.
Một thanh niên tóc nâu vàng nhạt đã đến lúc rất cần cắt, đi len giữa các máy, cắp giỏ đồ nghề bằng da dưới cánh tay trái, và ép vào bụng. Lúc đến gần Carrie, anh ta duỗi bàn tay phải ra và kẹp một cô gái vào dưới cánh tay.
- Ái, thả tôi ra, - cô ta giận dữ kêu lên. - Đồ ngốc.
Đáp lại, anh ta chỉ cười toe toét.
- Xoa bóp đây! - Anh ta gọi to lúc cô ta nhìn theo. Trong con người anh ta, chẳng có chút gì nịnh đầm.
Rốt cuộc, Carrie hầu như không thể ngồi yên. Chân cô bắt đầu mỏi nhừ, cô muốn đứng dậy và co duỗi. Buổi trưa chẳng bao giờ đến sao? Như thể cô đã làm việc suốt cả ngày. Cô không thấy đói, nhưng mệt, mắt mỏi vì căng ra với từng lỗ khoan. Cô gái bên phải nhận ra những cái quằn quại của cô và đâm thương. Cô đang quá tập trung, thực ra việc này ít đòi hỏi tinh thần mà chỉ căng thẳng về thể chất. Tuy vậy, những chuyện vặt rồi cũng qua. Một nửa số mũi giày chồng chất rơi xuống đều đều. Bàn tay cô bắt đầu đau ở cổ tay rồi đến các ngón tay, và đến cuối cùng, hình như cô là một đống đờ đẫn, các bắp thịt nhức nhối, cố định ở một tư thế thường xuyên và thực hiện một động tác máy móc duy nhất, mỗi lúc một khó chịu hơn, cho đến lúc cuối cùng, cô buồn nôn ghê gớm. Đến lúc cô tự hỏi sự căng thẳng này liệu có chấm dứt hay không, thì một tiếng chuông ở đâu đó dưới thang máy vang lên mờ đục và vọng tới. Các cô gái bỏ dụng cụ ngay lập tức và vội vã vào phòng kế bên, nam giới từ gian nào đó mở ở bên phải, đi qua. Các bánh xe quay tít bắt đầu ca hát trong một giai điệu thay đổi đều đều, cho đến khi nhỏ dần thành một tiếng vo vo khe khẽ. Một sự tĩnh mịch có thể nghe thấy, trong đó tiếng nói thông thường vang lên thật lạ.
Carrie đứng dậy tìm hộp đựng bữa trưa. Người cô cứng nhắc, hơi chóng mặt và khát cháy cổ. Trên đường tới khoảng trống nhỏ ngăn bằng gỗ, cất khăn áo và các bữa trưa, cô chạm trán viên đốc công, ông ta nhìn cô chảm chú, khắc nghiệt:
- Ờ, - ông ta nói, - cô xoay xở được chứ?
- Tôi nghĩ thế ạ, - cô đáp lại rất lễ phép.
- Hừm, - ông ta đáp vì không có lời nào hay hơn, và đi thẳng.
Trong các điều kiện vật chất tốt hơn, loại công việc này không đến nỗi tệ, nhưng chủ nghĩa xã hội mới đòi hỏi điều kiện làm việc dễ chịu cho những người làm công lại không nắm giữ các công ty sản xuất.
Nơi này sặc mùi dầu máy và mùi da mới thuộc, kết hợp với mùi cũ rích của tòa nhà, chẳng dễ chịu gì ngay cả trong tiết trời giá lạnh. Sàn nhà tuy tối nào cũng quét, song bề mặt vẫn bừa bãi rác rưởi. Không hề có điều khoản nào dù nhỏ nhất tạo sự thoải mái cho công nhân, ý tưởng hiện tại chỉ là lợi nhuận và cho công nhân ít, làm việc vất vả mà tiền lương lại thấp hết mức có thể. Chúng ta biết rằng ghế để chân, ghế tựa có lưng xoay, phòng ăn cho các cô gái, tạp dề sạch và kẹp uốn tóc miễn phí, phòng giữ mũ áo tươm tất chưa hề được nghĩ đến. Các phòng rửa mặt thật khó chịu, thô thiển, nếu không nói là hôi thối, và toàn bộ không khí là nhớp nhúa.
Sau khi uống hết một lon đầy nước trong giỏ để ở góc phòng, Carrie nhìn quanh tìm chỗ để ngồi ăn. Các cô gái khác đã ngồi gần cửa sổ hoặc trên các ghế dài của các nam công nhân đã ra ngoài. Cô thấy chỗ nào cũng có một cặp hoặc một nhóm các cô gái, và vì quá bẽn lẽn nên không dám nghĩ đến nhập bọn với họ, cô đến máy của mình và ngồi lên ghế đẩu, để bữa trưa trên lòng. Từ chỗ ngồi, cô lắng nghe câu chuyện huyên thuyên và những lời bình phẩm về cô. Phần lớn là lố lăng và chiếu cố, bằng kiểu nói lóng thông dụng. Cuối dãy, vài người đàn ông trao đổi những lời thăm hỏi với các cô gái.
- Này Kitty, - một người gọi cô gái đang xoay vài bước vanxơ trong khoảng không chật hẹp gần cửa sổ, - em đi khiêu vũ với anh nhé.
- Coi chừng đấy Kitty, - người khác gọi, - em sẽ dựng tóc gáy lên mất.
- Nói tiếp đi, Rubber, - là lời bình luận duy nhất của cô ta.
Lúc nghe thấy câu này và những lời đùa bỡn tương tự, quen thuộc của đám đàn ông và các cô gái, theo bản năng Carrie thu mình lại. Cô không quen với kiểu này, cô cảm thấy có một cái gì đó thô cứng và thấp hèn. Cô sợ các cậu thanh niên quanh đó sẽ nhằm những lời bình phẩm như thế vào cô, cô thấy đám thanh niên hình như đều thô lỗ và lố bịch, trừ Drouet. Cô có sự phân biệt bình thường của phụ nữ giữa quần áo, giá trị sử dụng, sự tinh túy và độc đáo trong một bộ y phục dạ hội và loại bỏ mọi thứ không duyên dáng và không đáng chú ý trong các bộ áo khoác và áo chui.
Cô mừng vì nửa giờ ngắn ngủi đã hết và các bánh xe lại bắt đầu quay. Dù mệt mỏi, cô sẽ không để lộ. Sự giả vờ này chấm dứt lúc một thanh niên đi qua và thúc ngón tay cái vào sườn cô trêu ghẹo. Cô vặn người, quắc mắt phẫn nộ nhưng anh ta đã đi rồi và chỉ quay lại cười nhăn nhở. Cô thấy khó mà kìm nổi bật khóc.
Cô gái ngồi bên nhận ra tình trạng của cô.
- Cô đừng để tâm, - cô ta nói. - Hắn quá sỗ sàng.
Carrie không nói gì, chỉ cặm cụi làm. Cô cảm thấy dường như khó mà chịu dựng nổi cuộc sống này. Ý niệm của cô về công việc khác hẳn. Suốt buổi chiều, cô nghĩ đến thành phố với bề ngoài đầy ấn tượng, đám đông và những tòa nhà đẹp đẽ. Thành phố Columbia và khía cạnh tốt đẹp hơn trong cuộc sống quê nhà trở lại với cô. Đến ba giờ, cô ngỡ là sáu giờ, và đến bốn giờ tưởng như người ta quên bẵng giờ giấc và để mặc mọi công việc làm ngoài giờ. Viên đốc công trở thành con yêu tinh đích thực, không ngừng lảng vảng rình mò, cột chặt cô vào công việc khốn khổ. Câu chuyện nghe lỏm được về cô chỉ làm cô tin chắc rằng cô không muốn kết bạn với bất cứ ai trong bọn. Lúc sáu giờ, cô vội vàng, háo hức ra về, cánh tay nhức nhối, tứ chi cứng đờ vì ngồi mãi một tư thế.
Lúc cô đi dọc hành lang sau khi lấy mũ, một tay thợ máy trẻ bị vẻ đẹp của cô thu hút, táo bạo đùa với cô:
- Này Maggie, - anh ta gọi, - nếu em đợi, anh sẽ đi cùng em.
Câu đó ném thẳng về phía cô nên cô hiểu là nói với ai, song cô không bao giờ ngoảnh lại.
Trong thang máy chen chúc, một thanh niên khác nhem nhuốc vì công việc, vô vị, có gây ấn tượng với cô bằng cái liếc vào mặt cô một cách dâm đãng.
Một thanh niên đợi trên đường đi bộ bên ngoài lại xuất hiện kiểu khác, cậu ta cười toe toét lúc cô đi ngang qua.
- Em cùng đường với anh phải không? - Cậu ta gọi, vui nhộn.
Carrie quay mặt về hướng Tây, trong lòng thờ ơ. Lúc rẽ ở góc nhà, cô nhìn thấy qua cửa sổ lớn sáng bóng, cái bàn nhỏ cô đã đến xin việc. Những đám đông tất bật, ồn ào và hăng hái đầy sức sống như nhau. Cô thấy hơi khuây khỏa, nhưng chỉ vì đã thoát nạn. Cô ngượng ra mặt vì những cô gái ăn vận thanh lịch đi ngang qua. Cô cảm thấy lẽ ra cô phải được đối xử khá hơn, và trái tim cô nổi loạn.