Xin Hãy Quên Em

Chương 6

Tôi cứ nghĩ là Patrick sẽ gọi cho tôi một vài ngày sau đó nhưng anh ta không làm thế. Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì mình lại thấy thất vọng vì điều đó. Nhưng cũng kỳ lạ là đồng thời tôi lại thấy vui vì ít ra nó cũng chứng tỏ rằng tôi còn có hứng thú với một người đàn ông khác nữa.

Một tuần sau đó tôi tình cờ gặp lại bà Joana Silver ở cửa hàng thực phẩm.

“Cám ơn cô rất nhiều vì buổi nói chuyện hôm đó,” bà ta nói khi chúng tôi đảo qua quầy bán phomát. “Buổi tối hôm đó là một thành công lớn - ồ, cô làm ơn lấy loại có hình con gấu to ấy - chúng tôi quyên góp được bốn ngàn bảng. Nhưng mà cô biết cái anh đoạt giải nhất của phần bốc thăm à?” Bà nói tiếp. “Anh Patrick Gilchrist ấy?”

Tôi quay lại nhìn bà. “Đó là một sự tình cờ thú vị.”

“Không, không phải thế đâu,” bà ta đính chính lại. “Bởi vì hóa ra là anh ta mua gần hết chỗ vé: bốn trăm sáu mươi chiếc! Nửa bảng một chiếc! Thế mà ngày hôm sau khi tôi gọi, anh ta lại bảo không muốn nhận hai giải kia vì như thế có vẻ tham lam quá. Anh ta được đấy chứ?”

“Rất được,” tôi tỏ vẻ đồng ý. Vậy cái giải duy nhất mà anh ta muốn nhận là được tôi tư vấn - điều này càng lạ lùng hơn khi anh ta chẳng hề gọi tôi.

Hai tuần nữa trôi qua và Patrick vẫn không liên lạc lại. Vậy nên tôi quyết định quên hẳn anh ta, đinh ninh rằng anh ta là kẻ lập dị. Rồi đột nhiên tôi nhận được một email anh ta gửi, trong đó nói rằng anh ta vừa đi xa một thời gian nhưng hiện đã quay về và muốn tôi đến thăm và xem khu vườn của mình. Xét thấy công việc đang bận rộn suốt tuần với dự án ở Boltons nên tôi đề nghị đến nhà anh ta vào chiều thứ Sáu.

Vậy thống nhất là thứ Sáu này nhé, anh ta email trả lời tôi. Vào 4.30. Tôi cũng hy vọng cô sẽ nán lại để uống một chút gì đó.

Tôi nhấn nút Trả lời: Nếu thu xếp được với người giúp việc thì tôi sẽ rất sẵn lòng.

“Chị phải đi bây giờ đây,” tôi giải thích chậm rãi với Luisa vào khoảng 3.30 chiều thứ Sáu đó. “Chị có cuộc hẹn mà chị đã kể với em rồi đó, nhớ không? Chị sẽ về lúc bảy giờ ba mươi và chị sẽ tự tay cho Milly ngủ. Tự tay chị sẽ cho nó ngủ,” tôi nhắc lại. Tôi gối đầu mình lên hai bàn tay để ra dấu là đang ngủ.

Luisa ngơ ngác. “Chị đi ngủ giờ này à?”

“Không, Luisa,” tôi thở dài đánh thượt một cái. “Không phải là đi ngủ bây giờ. Chị đi làm việc. 7.30 chị về.” Tôi viết con số ra. “Chị quay về”- tôi đưa hai ngón tay làm hiệu như đang đi trên bàn - “7.30.” Lạy Chúa!

“Ah, sí,” con bé vừa nói vừa ra dấu. “Comprendo. Las siete y treinta. Buerno.”

“Buerno!” Milly nhại lại và chúi mũi vào quyển sách của nó.

“Luisa,” tôi nói với vẻ chán nản. “Em phải chăm học tiếng Anh hơn nữa. Em đã ở đây được hai tháng mà mới tiến bộ có một chút xíu thôi.”

“Sí - tiến bộ chút xíu,” nó cười sung sướng.

Tôi thầm kêu trời rồi cúi xuống hôn tạm biệt Milly. Và tôi chợt dán mắt vào quyển truyện tranh mà nó đang đọc. “Con lấy cái này ở đâu vậy, con gái? Nó đẹp quá.”

“Luisa đưa cho con,” con bé trả lời.

“Thật hả em, Luisa?” Tôi hỏi. “Em đưa cho Milly quyển sách này à?”

Tôi cố làm cho nó hiểu bằng cách cầm quyển sách lên, chỉ vào nó rồi vào Milly.

“Sí.” Nó nhún vai. “No, es nada - không có gì đâu ạ”

“À, như thế... rất tốt.” Tôi lật mặt sau của quyển sách - giá của nó là mười hai bảng. “Cám ơn em, nó rất đẹp. Tạm biệt con gái yêu của mẹ.” Tôi hôn Milly lần nữa.

“Adios, Mamá!” Nó nói.

Trong khi lái xe qua Hammersmith, tôi băn khoăn không hiểu Luisa làm gì suốt những buổi sáng nó ở lớp học tiếng Anh. Không thể tiếp tục như thế này được. Lỡ có chuyện gì khẩn cấp xảy ra mà con bé không biết nói năng như thế nào cả thì nguy.

Tôi tìm thấy một chỗ đậu xe ở đường Black Lion, dẫn vào khu St. Peter. Tôi xịt một chút nước hoa và ngắm lại dung nhan qua cái gương chiếu hậu. Tôi chợt ỉu xìu. Mái tóc tôi trông thật luộm thuộm. Chỉ vì nó đã sáng quá rồi nên tôi không phải nhuộm vàng nữa, chỉ cần tỉa bớt một chút là vẫn ổn. Tôi nghĩ mà phát ghen với Cassie vì những bím tóc đen, dài và quý phái của nó khi cầm cây lược chải nhanh mái tóc. May mà nó cũng che được gáy. Vừa khóa xe, tôi vừa nghĩ là phải nhớ đi gặp Sandra, cô thợ làm đầu của tôi trong suốt mười hai năm qua, rồi tôi đi lại góc phố và tìm số nhà 36.

Đó là một ngôi nhà kiểu Victoria thời đầu - nhỏ hơn những ngôi nhà khác nhưng lại có những chiếc cửa sổ hình cánh cung rất trang nhã. Tôi bước lên những bậc tam cấp trước cửa và ấn chuông.

“Anna!” Patrick vẫy tay chào tôi. Trông anh ta có vẻ rám nắng.

“Chào anh. Anh đi tắm nắng về à. Chắc anh đã ở một nơi nào đó nóng nực?”

“Nóng hơn ở đây. New Zealand.”

“Đi công tác à?”

“Không...”

“Anh có gia đình ở đó à?”

Anh ta do dự trong một giây. “Con trai tôi sống ở Christchurch.”

Chắc Patrick lên chức bố lúc còn trẻ lắm, tôi nghĩ bụng - hoặc có thể cậu con trai là kết quả của một năm anh ta ra nước ngoài. “Cháu làm gì ở đó?”

“Nó sắp vào trường tiểu học. Nó bốn tuổi rưỡi.”

“Ồ...” tôi lẩm bẩm và chợt thấy động lòng trắc ẩn cho anh ta.

“Dù sao thì...” Patrick nói, “cô đến đây thì thật là tuyệt. Cô có muốn một tách trà trước khi chúng ta bắt đầu không?”

“Không, cám ơn anh. Tôi muốn chúng ta bắt đầu luôn vì chỉ còn một giờ nữa là nắng tắt rồi.”

Anh ta lấy áo khoác treo ở móc rồi gật gù nhìn cái máy ảnh Nikon tôi đang đeo trước ngực. “Máy ảnh này cô tự mua lấy à?”

“Tôi chụp ảnh tất cả các khu vườn tôi thẩm định để có cái nhìn ban đầu về chúng; không phải là anh sẽ phải thuê tôi đâu,” tôi thêm vào ngay. “Chỉ là một cuộc tư vấn thôi mà. Anh có thể hỏi tôi bất cứ điều gì liên quan đến cái vườn của anh, hoặc tôi có thể gợi ý một số cách để làm mới nó bằng việc thêm một số loại cây nữa chẳng hạn, hay làm thêm đường bao mới.”

Chúng tôi đi qua cái sảnh lát gạch vuông dẫn ra bếp và anh ta mở cửa sau. Tôi đặt chân vào khu vườn và khựng lại.

“Nó xinh quá,” tôi nói. “Và rộng nữa.”

“Ở Luân Đôn như thế này là rộng - khoảng ba mươi mét.”

Tôi đi dọc quan sát khu vườn và phải công nhận là nó đã được thiết kế một cách rất chuyên nghiệp, bằng những nguyên tắc thiết kế cổ điển, ở đó khu vườn được chia làm ba phần riêng biệt.

Phần gần với ngôi nhà nhất, sân được lát bằng gạch, ở trên xếp một số chậu trồng hoa lan dạ hương vàng và trắng, có một mái che lớn và phía dưới là chiếc bàn bằng sắt uốn xinh xắn cùng mấy chiếc ghế; có một đường chéo nối ra thảm cỏ chính hình tròn và được bao quanh bởi một hàng chậu hoa treo gồm thủy tiên và ngọc trâm, phía trên là một đường chéo khác chạy dọc bên phải đến tận cuối khu vườn với một nét hoang dã được tạo ra có tính toán.

“Anh mời tôi đến đây chẳng để làm gì cả,” tôi nói. “Khu vườn đã đẹp lắm rồi.”

“Cô nghĩ thế à?”

“Vâng. Nó có rất nhiều điểm nhấn - những lối đi chéo đã khéo léo hạn chế tầm mắt khiến ta không thể quan sát toàn bộ khu vườn cùng một lúc mà dẫn dắt dần dần, những đường viền chạy quanh được bố trí cây cối hợp lý và tạo dáng hấp dẫn. Anh có khá nhiều cây bụi cỡ vừa - những cây hoa trà này thật đẹp - và cái cây Mộc lan kia sẽ ra hoa đẹp không kém. Ngoài ra còn có những cây phù hợp với góc tối, ví dụ những cây lê lư duyên dáng này, một số loại cỏ để tạo nền và một số loài hoa tỏa hương...” Tôi có thể ngửi thấy mùi hương quyến rũ tựa như hoa loa kèn của cây Hoàng liên. “Nếu vào mùa hè mà được như bây giờ thì còn gì bằng.”

“Khu vườn trông cũng được nhỉ.”

“Anh đã chăm nó đấy à?”

“Không. Khi tôi mua ngôi nhà thì nó đã gần như thế rồi.”

“Thật hoàn hảo - anh có người làm vườn không?”

“Hiện tại thì không. Tôi thích tự tay mình làm vì tôi có nhiều thời gian, vả lại nó cũng giúp tôi chữa bệnh.”

“Tôi chẳng biết nên đề xuất gì với anh nữa,” tôi nói khi cả hai đi gần về phía cuối vườn. Những cành cây đã bắt đầu đâm chồi mới; thảm cỏ đã được cắt tỉa và hàng rào cũng vậy, trong thật ngay ngắn; cây thủy tiên trắng đứng lẫn với cây bạch tuyết trong đường viền được uốn thành hình lưỡi liềm. “Chúng ta có thể nói về cách trồng cây nếu anh thích - tôi có thể gợi ý một số giống thường niên lạ với vẻ đẹp tuyệt vào mùa hè: không biết liệu anh có thích cúc zinnia không - có một giống với hoa màu xanh trắng rất xinh - hay là hành kiểng thân cao và cả hướng dương màu đỏ thắm rất bắt mắt nữa - Ồ.” Tôi dừng lại. Có một cái ao nhỏ xung quanh trồng ba cây táo già được cưa bớt cành đi đang sắp ra hoa, bên dưới mỗi cây có một tổ ong đặt trên giá treo. “Anh nuôi ong à?” Tôi lẩm bẩm.

“Vâng. Nhưng cô đừng lo - chúng vẫn đang trong thời kỳ ngủ đông. Chỉ thỉnh thoảng mấy con ong thợ mới bay ra để thám thính thôi - giống như những con đang bay vo ve đằng kia kìa - bây giờ vẫn hơi sớm để chúng hoạt động trở lại, nhưng tôi nghĩ chúng sẽ bắt đầu sớm thôi - có thể là tuần tới.”

“Anh nuôi chúng được bao lâu rồi?”

“Kể từ khi tôi chuyển đến đây gần hai năm trước. Lúc đó tôi vừa trải qua một sự đổ vỡ nên cần làm mới mình,” anh nói với vẻ khổ sở khi chúng tôi ngồi xuống một cái ghế dài bằng gỗ. “Tôi có xem một chương trình trên tivi nói về việc nuôi ong và cảm thấy thích ý tưởng đó.”

“Lũ ong sẽ khiến cho khu vườn của anh trở nên đẹp hơn.”

“Chắc chắn sẽ có nhiều hoa hơn bởi chúng là những tác nhân thụ phấn rất cừ.”

“Vậy ra câu hỏi mà anh đặt cho tôi ở buổi quyên góp của nhà thờ là do anh bịa ra - anh đã biết trước câu trả lời mà.”

“Đúng thế. Nhưng chỉ vì tôi muốn... cô chú ý đến tôi lần nữa nên...” Anh ta mỉm cười. “Ngoài ra cũng sẽ có một chút cho công việc của tôi ở đây. Càng có nhiều hoa hấp dẫn với lũ ong trong các khu vườn thì càng tốt cho tôi và những con ong của tôi.”

“Anh đã mua tất cả chỗ vé bốc thăm à,” tôi nói.

“Khỉ thật...” Anh ta đỏ bừng mặt nhưng rồi lại cười. “Làm sao cô biết?”

“Tình cờ tôi gặp bà vợ của cha xứ và bà ấy kể.”

“À thì... tôi muốn đoạt giải nhất.”

“Tôi phổng mũi lên mất.” Tôi cười to. “Nhưng sẽ ít tốn kém hơn nhiều nếu anh cứ việc gọi điện bảo tôi tư vấn cho!”

“Có lẽ thế - nhưng tôi nghĩ làm cách đó sẽ thú vị hơn nhiều. Mặt khác tôi cũng yêu quý cái nhà thờ đó, nơi Sam - con trai tôi - đã được làm lễ rửa tội. Dù sao thì,” anh ta nói, giọng trở nên hồ hởi, “trở lại với mấy con ong...”

“Vâng... lũ ong. Vậy anh làm gì với chỗ mật lấy được?”

“Tôi bán gần một nửa cho các quán rượu và quán cà phê trong khu này. Số còn lại tôi tặng cho các sự kiện quyên góp từ thiện vì đó chỉ là một thú vui - Tôi không định kiếm tiền bằng cách này.”

Tôi nhớ lại những hũ mật ong ở buổi quyên góp tiền cho nhà thờ. “Mật của anh được đặt tên là Ong Tốt à?”

“Đúng vậy.”

“Có một vài tổ ong ở Vườn Vật Lý Chelsea nơi tôi theo học khóa thiết kế - nhưng tôi chưa hề thấy một cái nào ở nhà riêng của ai ở Luân Đôn cả.”

“Ở những thành phố khác có rất nhiều. Một anh bạn của tôi ở Manhattan có mấy cái trên tầng mái. Chúng đi kiếm ăn xa mấy dặm quanh đó, vậy nên tất cả những gì ta cần là chỗ để đặt tổ ong thôi.”

“Nuôi ong có vui không?”

“Rất thú vị - và việc đó làm cho tôi thấy thoải mái. Giờ thì...” anh ta nói. “Trời bắt đầu tối rồi - chúng ta uống chút gì đó nhé.”

Chúng tôi vào bên trong, tôi ngồi chờ ở căn phòng khách màu gạch trong khi Patrick bận bịu ở dưới bếp. Trên chiếc bàn dài cạnh tường là những tấm ảnh gia đình, một vài trong số đó là ảnh Sam - một cậu nhóc kháu khỉnh với đôi mắt to màu gừng giống ba nó. Thật khổ tâm nếu sống xa con như thế, tôi cứ thắc mắc về lý do anh phải làm vậy. Có lẽ Patrick đã dan díu với một người sống ở đó.

Anh quay trở lại với một cái khay đựng rượu gin pha nước tăng lực cho anh và một ly cốc tai nhẹ cho tôi. Anh kể cho tôi về công việc của mình - anh mở một công ty chuyên về mạng Internet mười lăm năm trước, khi bắt đầu nổ ra cuộc chạy đua về công nghệ.

“Công ty chuyên cung cấp các hệ thống thanh toán cho việc mua hàng trên mạng,” anh giải thích khi đang mân mê ly rượu. “Năm ngoái khi tôi nhận được một đề nghị không thể từ chối từ Paypal, tôi đã bán nó.”

“Tiếp theo anh sẽ làm gì?”

Anh nhún vai. “Tôi chưa biết. Tôi đang nói chuyện với một người đồng nghiệp cũ về việc lập một công ty liên danh về Internet nữa, nhưng trong lúc này lũ ong khiến tôi bận rộn - và quay cuồng lên.” Anh mời tôi một quả ôliu. “Còn cô thì sao? Cô bảo cô là một nhà thiết kế vườn hai năm qua, thế trước kia cô làm gì?” Tôi kể cho anh ta nghe về quãng thời gian tôi làm trong thành phố. “Còn cháu nhỏ của cô? Bao nhiêu tuổi rồi? Ba à?”

“Đến tháng Sáu, nó lên Ba.”

“Hiện giờ ai đang trông coi nó?”

“Luisa, cô bé giúp việc của tôi. Tiếng Anh của nó tệ quá, nhưng được cái nó quý Milly và ngược lại.”

“Thế còn cha của Milly?” Anh hỏi thêm với một chút lúng túng.

“À... anh ấy không ở gần đây. Chúng tôi vẫn ổn,” tôi nói tiếp, cố đặt mình trong một tình thế tích cực hơn là buồn bã và cay đắng. “Nhưng mà anh ấy làm việc ở Indonesia. Anh ấy đã sang đó được ba năm rưỡi rồi.”

Tôi thấy Patrick đang nhẩm tính. “Thế thì chắc cô vất vả lắm,” anh nói. “Cả anh ấy nữa,” Patrick có vẻ thông cảm, “sống xa con gái như thế.”

“Đối với anh ấy, việc đó rất khó khăn,” tôi nói. Đặc biệt khó khăn hơn khi bây giờ quan hệ giữa anh ta với Milly đã được thừa nhận, tôi nghĩ. Chỉ được gặp con bé một lúc rồi lại phải chia tay, điều đó còn khổ sở hơn là việc anh ta không bao giờ biết nó tồn tại. “Cả Milly cũng thế. Và anh nữa chứ?” Tôi nói thêm. “Chắc anh chẳng sung sướng gì khi ở cách xa con trai như vậy, phải vậy không?”

Anh khoấy mấy viên đá trong ly rượu. “Tôi không thể chịu được. Sam bị đưa sang New Zealand một ngày sau sinh nhật lần thứ ba của nó.”

“Tôi không nghĩ rằng luật cho phép vợ cũ mang trẻ con ra khỏi nước Anh,” tôi nói, “chứ nói gì là sang nửa bên kia của trái đất.”

“Tôi và mẹ của Sam không cưới nhau. Tôi chưa dám cưới cô ấy,” anh tiếp tục với dáng điệu như là đang phán xét chuyện đó, “chủ yếu là vì tôi chỉ mới biết cô ấy có ba tháng khi cô ấy có thai.”

“Anh có hạnh phúc khi nghe tin đó không?”

“Không, ban đầu thì không - Lúc đó tôi cảm thấy mình bị gạt.”

“Ít ra là anh cũng đã làm một việc đúng đắn là ở với cô ấy trong một nhà,” tôi thấy chua chát khi nghĩ Xan không làm được điều tương tự với tôi.

“Tôi đã chung sống với cô ấy - rồi tôi phát hoảng khi Sam ra đời. Nhưng tôi đã mang lại cho Suzie một cuộc sống dễ chịu. Cô ấy chẳng phải làm gì. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà lớn ở Brook Green. Cô ấy có một người trông trẻ, một người quét dọn và một thợ làm vườn - chúng tôi đã có những kỳ nghỉ thú vị. Cô ấy được chăm sóc rất tốt.”

“Thật là một cuộc sống vương giả,” tôi có vẻ thèm khát.

“Tôi có thể nói như vậy. Nhưng dường như chừng đó là chưa đủ bởi vì khi Sam được hai tuổi tôi phát hiện ra Suzie lăng nhăng với một gã ở câu lạc bộ tennis. Ba tháng sau cô ta bỏ tôi đi, mang theo cả Sam, điều đó thật kinh khủng. Và rồi mấy tuần sau, đùng một cái cô ta bảo hai mẹ con sẽ chuyển sang sống ở New Zealand cùng với người tình của mình - gã đó là một người gốc New Zealand.”

“Nhưng mà... việc đó... không thể ngăn lại được à?”

”Chúa biết là tôi đã thử. Nhưng vì không kết hôn nên tôi không có quyền gì cả, cô ta không cho tôi sử dụng quyền làm cha. Chúng tôi kéo nhau ra tòa và thẩm phán đã phủ bác tôi.”

“Vì sao?”

“Ồ... chỉ vì... Suzie... đã nói dối.” Vẻ cay đắng đột nhiên hiện rõ trên khuôn mặt Patrick. “Cô ta nói dối tôi một cách trắng trợn - thật đáng xấu hổ.” Tôi thầm hỏi không biết cô ta đã nói dối điều gì. “Rồi tôi quyết định kháng cáo nhưng bất thành. Khi tôi chuẩn bị đâm đơn lên tòa thượng thẩm thì luật sư của cô ta gửi thư thông báo Suzie đang mang thai bốn tháng.” Luật sư của tôi khuyên rằng trong hoàn cảnh này, tòa án sẽ không muốn phá vỡ “hạnh phúc gia đình” của cô ta” - anh trợn mắt lên - “thế nên chẳng thể làm gì được nữa.”

Thật là đau đớn khi bị tước mất đứa con trai - nó bị đưa sang một đất nước khác, ở bên kia trái đất - chưa nói đến việc nó sẽ được nuôi dạy bởi một người đàn ông xa lạ.

“Quan hệ giữa tôi và Suzie đổ vỡ đến mức một cuộc gặp gỡ cuối cùng được thu xếp, với sự có mặt của một nhân viên công vụ, tại một văn phòng gần Holborn, để cho tôi được nói lời tạm biệt Sam.” Nước mắt tôi chỉ chực trào ra. “Tất cả những gì mà tôi có là được phép “thỉnh thoảng” gọi điện và viết thư cho nó. Thế nhưng tôi đạt được một thỏa thuận riêng với Suzie là tôi có thể đến thăm nó hai lần một năm. May mà tôi kịp làm điều đó,” anh nói tiếp, “vì nếu không tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại con. Thôi thì...” bỗng dưng anh tỏ ra lúng túng. “Tôi không định nói về việc đó. Thật chán nản, nếu có thể nói như vậy, nhưng ngoài ra tôi không thể làm gì khác, tôi phải cố gắng vượt qua nỗi uất ức đang dâng trào - và cả sự căng thẳng nữa.”

“Tôi thấy làm tiếc cho anh,” tôi nói khẽ rồi nhìn cái đồng hồ mạ vàng trên lò sưởi. Đã 7.30. “Ồ...” tôi cầm máy ảnh lên. “Tôi phải đi rồi. Rất vui được nói chuyện với anh nhưng tôi bảo với Luisa giờ này tôi sẽ về và tôi muốn tự tay cho Milly ngủ.”

“Tôi hiểu mà,” Patrick nói với vẻ thông cảm khi chúng tôi đứng lên. “Đó là hạnh phúc của việc làm mẹ.”

Chúng tôi đi qua sảnh. “Tôi sợ mình chẳng nghĩ được điều gì để tư vấn cho anh về khu vườn,” tôi nói. “Nó vốn đã hoàn hảo lắm rồi - một khu vườn kiểu Anh truyền thống được chia thành ô một cách hợp lý, một không gian tuyệt đẹp và cách trồng cây cối rất sinh động.”

“Tôi rất vui vì cô đã đến thăm nó,” anh nói, “và tôi... hy vọng rằng cô sẽ lại đến.” Anh nhìn tôi. “Cô sẽ lại đến nhé?”

“Có thể... đó là... một khả năng...” Tôi mỉm cười với anh.

“Tôi kể cho cô nghe chuyện này nhé?”

“Anh nói đi.” Tôi quay sang nhìn anh.

“Tôi nhìn thấy cô một vài tuần trước trên tivi - tôi không bao giờ xem tivi lúc ăn sáng, nhưng thật tình cờ sáng hôm đó tôi đã bật nó lên. Và cô xuất hiện, tôi bỗng nghĩ cô mới... thú vị làm sao. Cái cách cô nói về các loại cây trồng - niềm đam mê của cô dành cho chúng - cái cách cô nói rằng chúng thậm chí còn có cả “tính cách” nữa.”

“Chúng có mà - chúng có những nét đặc trưng riêng. Mẹ tôi đã dạy tôi điều đó.”

“Đó có phải là điều cô muốn nói khi nhắc đến những cây hoa “Lọ Lem”?”

“Tôi đã nói về những nụ hoa giọt tuyết và những loài hoa khác nở trong xuân sớm. Chúng im lìm gần suốt cả năm nhưng rồi vào tháng Hai, chúng có cơ hội để phô diễn và mọi người sẽ hài lòng vì chúng. Và rồi khi đồng hồ gõ mười hai tiếng, chúng biến mất vào lòng đất và anh chẳng thấy gì sót lại của chúng nữa. Năm tiếp theo khi bà tiên gõ cây đũa thần, chúng lại trỗi dậy.”

“Tôi thích chuyện đó.” Patrick cười. “Sau đó tôi nhận ra cô ở cửa hàng vào buổi sáng thứ Bảy đó, và khi tôi nhặt được chiếc giày nhỏ, hóa ra là của con gái cô, thì...” Anh nhún vai. “Tôi cho đó là định mệnh. Nhưng lúc đó có lẽ cô nghĩ tôi là một gã hâm,” anh bật cười thành tiếng.

“Không - Tôi trông anh có vẻ tử tế; nhưng khi anh mời tôi uống cà phê tôi lại lấy làm lạ.”

“Vì lúc đấy tôi có cảm giác là đã gặp cô rồi - mặc dù cô không thể biết điều đó. Nhưng giờ đây chúng ta đã chính thức gặp gỡ và có lẽ là cô sẽ đến và dùng bữa tối với tôi một ngày nào đó chứ? Tôi muốn nói chuyện với cô và tôi nấu nướng cũng không tồi. Cô chưa phải nhận lời ngay bây giờ đâu,” anh rụt rè nói. “Cô có thể nghĩ về điều đó.” Anh hôn lên má khiến một cảm giác khao khát trào dâng trong tôi.

“Anh biết là tôi muốn đến mà, anh Patrick, cám ơn anh.”

“Ác thú! Ác thú!” Milly hét toáng lên, sáng thứ Hai. Nó vồ lấy cái đĩa Người đẹp và Ác thú và huơ lên trước mặt tôi. “Muốn xem Ác thú, Mẹ ơi!”

“Không phải bây giờ, con yêu,” tôi nói. “Mẹ biết là con thích xem nhưng mà chúng ta phải ăn sáng đã, phải không nào, rồi sau đó chúng ta sẽ đến vườn trẻ Sweet Peas để gặp các bạn con. Vậy con sẽ ăn hết chỗ cốm gạo này nhé.”

“Ốm gạo,” con bé lặp lại với vẻ thích thú khi tôi đổ một ít cốm vào cái bát Thỏ Peter của nó.“Leche!”

“Gì con?”

“Muốn leche!”

“Con muốn uống sữa à?” Tôi mở tủ lạnh. “Mẹ muốn con không nói tiếng Tây Ban Nha nữa, con nhé.”

“Leche!” nó hét lên khi tôi rót sữa ra. “Más!”

Bỗng tôi phát hiện ra Milly đang kẹp một con búp bê. Một con búp bê mới tinh với khuôn mặt cười tươi xinh xắn, mái tóc đỏ xoăn tít, một cái áo da báo màu hồng và chiếc quần dài bằng sa tanh cũng màu hồng”

“Này con - con lấy con búp bê này ở đâu vậy?” Tôi hỏi. Nó có vẻ đắt.

Milly đặt con búp bê ngồi xuống cạnh cái đĩa của nó. “Luisa cho con.”

“Ồ.” Tôi chợt nghe thấy một tiếng cọt kẹt ở cầu thang và Luisa xuất hiện. Nó thường rời khỏi nhà rất sớm - truớc khi Milly và tôi ăn sáng - nên tôi không gặp nó vào mỗi buổi sáng. Milly nhảy ra khỏi ghế và chạy lại ôm chầm lấy nó.

“Caramel de buenos días!” nó khẽ hát khi cúi xuống bế Milly lên và hôn con bé. “Em đến trường học đây, chị Anna à.” Nó mỉm cười.

“Luisa,” tôi nói, “em cho Milly con búp bê này à?”

Nó gật đầu. “Sí. Nó rất đẹp.”

“Nó rất đáng yêu - nhưng em không phải mua gì cho nó đâu. Em đã mua cho nó quyển sách mấy hôm trước rồi. Em rất tốt nhưng em đừng mua quà cho Milly nữa nhé, OK? Như thế tốn kém cho em đấy.”

Tôi ngạc nhiên khi Luisa đỏ bừng mặt, như thể tôi vừa xúc phạm nó.

“Ý chị là,” tôi cố diễn đạt lại, “là em phải tiết kiệm tiền của mình, Luisa à, vì em có kiếm được bao nhiêu đâu.” Nó lại đỏ mặt, thật lạ lùng. “Nhưng chị cũng cám ơn em vì đã làm như vậy.”

“Giờ em đến trường đây,” Luisa nói. Nó hôn Milly một cái rõ kêu, gần giống như tiếng nước chảy xuống lỗ thoát bồn tắm, rồi khoác cái ba lô vào. Nó vẫy tay. “Em đến trường đây.”

“Hasta la vista!” Milly thốt lên.

“Con kể cho mẹ nghe về các bạn của mình đi.” Tôi bảo Milly khi dắt nó đến Sweet Peas một lúc sau đó. Nó đang kẹp con gấu mà Xan cho ở dưới cánh tay. “Tên của các bạn con là gì?”

“Ừm...” Milly dừng lại gãi mũi rồi lại nắm tay tôi. “Carna...”

“Đúng rồi, Carla.” Những cây sêri mọc dọc con phố đang nở những nụ hoa màu hồng.

“Phoebe...”

“Đúng rồi, bạn ấy rất xinh.”

“Ừm... Alfie...và... Lily...và... Ris...”

“Bạn Iris, đúng vậy. Thế còn bạn Erasmus?”

“Không,” giọng Milly cương quyết. “No me gusta. Me mordeó.”

“Con nói gì thế?”

Vườn trẻ Sweet Peas nằm trong một ngôi nhà lớn kiểu Victoria, trông ra Brook Green. Ca sáng bắt đầu lúc 9.30 và phụ huynh ở lại để đăng ký, rồi họ hát với những đứa trẻ một hai bài hát, trước khi những “bài học” bắt đầu.

Khi tôi và Milly đến nơi, chúng tôi phải luồn lách qua một đám xe nôi và xe máy đông đúc như mọi khi, những phụ huynh khác đang treo áo khoác và mũ của con mình lên những cái móc phủ sơn, hay giúp chúng mặc đồng phục vào. Erasmus bước vào - nó mặc một cái quần ngố màu nâu, áo khoác da nhỏ màu xanh và đội một cái mũ bằng vải tuýt - giống như nó sắp đi săn vậy. Sáng này thật bất thường là nó có ba đi cùng. Tôi biết lý do tại sao. Ngày hôm trước Citronella đã dành trọn cột báo của mình để miêu tả việc chị ta sa thải người trông trẻ của mình như thế nào vì cô ta ăn trộm một cái nhẫn vàng của mình, lời buộc tội không có căn cứ làm tôi thấy xấu hổ thay. Citronella viết thêm với một niềm tự hào ngớ ngẩn rằng Claudia là người trông trẻ thứ mười lăm chị ta đuổi việc trong năm.

“Chào buổi sáng, xin chào...” chúng tôi hát theo tiếng nhạc pianô.

“Híp, híp, híp, hooray!

Chúng ta đến trường để học và chơi

Và sẽ vui vẻ suốt cả ngày!”

“Cô Anna?” Bà hiệu trưởng của vườn trẻ, bà Avis, tiến lại gần khi tôi sắp sửa ra về. “Tôi nói chuyện với cô một lát được không?”

“Ồ. Vâng. Tất nhiên là được ạ.” Tôi đi theo bà dọc hành lang sơn màu sáng để vào văn phòng, tim tôi se lại.

“Chúng tôi hơi băn khoăn về trường hợp của cháu Milly,” bà bắt đầu nói sau khi ra hiệu cho tôi ngồi xuống. “Cháu nói không được chuẩn lắm. Tôi không biết cô cảm thấy thế nào, nhưng mà...”

“Tôi cũng thấy như vậy,” tôi đồng tình, mắt nhìn vào cái cầu vồng to được sơn trên tường.

“Nhận thức của Milly thì ổn,” tôi nghe tiếng bà Avis nói. “Nhưng giờ cháu sắp được ba tuổi rồi nên đáng lẽ cháu phải nói được một số câu ngắn, đơn giản có thể hiểu được.”

“Tôi biết.” Tôi nhìn ra cái cửa sổ với khung sắt được uốn khéo léo và cái rèm che bằng nhựa màu đỏ. “Nhưng tôi cho rằng mỗi đứa trẻ có một nhịp độ phát triển khác nhau.”

“Đúng vậy...” bà Avis đan những ngón tay vào nhau. “Nhưng việc làm chúng tôi quan tâm là Milly nói tiếng Tây Ban Nha khá nhiều.”

“Ôi trời ơi. Cháu cũng nói ở đây à?” Bà Avis gật đầu. Tôi thở dài. “Cháu học được từ cô giúp việc người Colombia của tôi.”

“Cô ta có nói tiếng Anh không?”

“Không nhiều lắm. Cô ta đi học tiếng hơn ba giờ mỗi buổi sáng nhưng có vẻ tiến bộ rất chậm.”

“Vậy cô ta nói tiếng Tây Ban Nha với Milly à?”

“Suốt cả ngày. Tôi đã nhắc cô ta về việc đó.” Tôi lại thở dài. “Nhưng tôi sẽ nói chuyện với cô ta lần nữa - Milly sẽ làm phiên dịch. Dù sao -” tôi đứng dậy và thở phào vì không có chuyện gì nghiêm trọng quá - “Tôi rất mừng là bà đã báo với tôi.”

Bà Avis vẫn ngồi. “Nhưng tôi e rằng chừng đó chưa phải là hết. Tôi lấy làm tiếc phải thông báo là sáng nay đã xảy ra một số chuyện cắn nhau có sự tham gia của Milly.”

Tôi quay trở lại chiếc ghế. “Milly cắn ai à? Nhưng cháu chưa bao giờ làm thế. Cháu rất ngoan mà.”

“À - để tôi giải thích cho cô rõ: cháu định cắn một bé khác - thực ra là hai lần - nhưng mà bị ngăn lại.”

“Cắn ai vậy?” Tôi hỏi.

“Tôi không thể nói được. Bởi vì với những việc như cắn hay đánh nhau, chúng tôi chủ trương không tiết lộ tên, mà chúng tôi tự xử lý.”

“Tôi hiểu. Ít nhất thì cũng chưa có gì xảy ra, có vẻ là như thế.”

“Chưa. Nhưng lý do mà tôi muốn nói chuyện với cô là vì tôi băn khoăn không biết sự trục trặc về diễn đạt của Milly hiện tại có góp phần làm cho cháu căng thẳng mà dẫn đến việc cháu cư xử như thế không.”

“Cũng có thể,” tôi nói. “Có thể lắm chứ.” Hoặc có lẽ con tôi thiếu vắng một người cha, tôi phỏng đoán trong đau khổ, và số phận sắp đặt để Milly phạm tội.

“Tôi thấy là cô nên biết chuyện này.”

“Cám ơn bà.” Tôi đứng lên. “Tôi sẽ làm những gì có thể để đảm bảo rằng việc này sẽ không xảy ra nữa.”

“Chuyện này rất nghiêm trọng,” tôi nói với ba tôi một vài ngày sau đó. Luisa đã đi bơi - Tôi mua vé cho nó ở câu lạc bộ dưỡng sinh của mình khi họ giảm giá một nửa nhân lễ Phục sinh - Milly đang ngủ còn tôi và ba tôi đang ăn khuya. Vào thời điểm này ba tôi thường đến thăm chúng tôi hai hay ba lần một tuần. Tôi không phiền lòng về chuyện đó, vì ba tôi ở một mình, ông lại đang quen dần với nhịp sống ở Luân Đôn còn tôi vẫn hơi lo việc ăn uống của ông không được điều độ khi không có ai ở cùng. “Milly chưa bao giờ dám cắn con,” tôi nói tiếp và lấy cho ba tôi thêm một ít khoai tây. Tôi để ý là ông vẫn chưa cắt tóc, nó đã mọc dài quá cổ ông.

“Con nghĩ xem có nên thuê một người giúp việc mới không?” Ba tôi hỏi. Tôi cố mường tượng ra cảnh căn nhà thiếu vắng sự hiện hữu ấm áp của Luisa.

“Không, trừ khi con buộc phải làm thật.” Tôi giũ cái khăn trải bàn. “Con thích Luisa và Milly yêu quý nó. Và nó rất cẩn thận về chứng dị ứng với trứng của Milly - nên con tin tưởng nó trước hết về chuyện đó. Nhưng nó sẽ phải học tiếng Anh thêm nữa,” tôi nói một hồi. “Rốt cuộc nó ở đây cũng chỉ vì như thế.”

“Ba chỉ nghe nó nói tiếng Tây Ban Nha suốt thôi,” ba tôi nói. “Ba rất ngạc nhiên khi thấy Milly lại hiểu hết những gì con bé nói.”

“Con cũng thế, trẻ con ở tuổi Milly bắt chước rất nhanh. Hy vọng là thứ tiếng Tây Ban Nha nó đang học là thứ chuẩn,” tôi lo lắng. “Với cách phát ẩm chuẩn và những thứ khác nữa. Nhưng quả thật là con chẳng biết Luisa làm cái gì ở lớp học nữa.”

“Con phải tìm hiểu xem,” ba tôi bảo khi tôi rót cho ông một ly rượu vang đỏ.

“Con đã định gọi điện cho thầy giáo của nó, nhưng anh ta chỉ đến lớp buổi sáng và con cũng chẳng có số.”

“Sao không bảo trường cho số của anh ta?”

“Họ không cho. Dù sao thì họ đang nghỉ Phục sinh đến cuối tuần sau.”

“Ba có cách để kiểm tra xem nó học hành thế nào.”

“Cách gì ạ?”

“Dễ thôi. Con hãy kiểm tra vở bài tập của nó.”

Tôi lấy thêm một chút salad cho mình. “Con cũng nghĩ thế... Nhưng nó cất vở bài tập trong phòng riêng và con không muốn xem trộm.”

“Nó ở với con được bao lâu rồi Anna nhỉ?”

“Hai tháng rưỡi,” tôi đáp đầy chán nản. “Nó đến hồi cuối tháng Giêng.”

Ba tôi cởi khăn ăn ra. “Vậy thì ba cho là con có quyền... điều tra nó. Trước hết, con đã trả tiền cho nó đi học, sau nữa việc nó nói tiếng Anh không tốt đã dẫn đến những trục trặc về hành vi và tình hình học tập kém của Milly.”

***

Tôi thấy bị thuyết phục bởi cách ba tôi nói. Đúng hôm thứ Sáu tuần thánh, khi Luisa chuẩn bị đi xem phim với bạn, tôi vẫy chào nó, đặt Milly vào giường, rồi leo lên tầng ba, lòng cảm thấy có một chút tội lỗi.

Cửa phòng ngủ của Luisa đang khép. Tôi nhẹ nhàng xoay nắm cửa và đẩy nó ra. Căn phòng cực kỳ ngăn nắp khiến tôi rất ấn tượng. Giường đã được dọn với khăn trải giường được cuốn lên và mấy chiếc gối được sắp ngay ngắn ở đầu giường. Trên sàn chẳng có thứ gì ngoài cây ghi ta dựa ở góc và một chồng giấy chép nhạc. Tôi liếc qua chúng. Nó đang học những bản balad cổ điển của Nanci Grifith, Joan Armatrading và Don McLean.

Tôi tiến hẳn vào trong phòng, tim đập thình thịch mỗi khi nghe thấy tiếng động giống như tiếng Luisa quay về bất chợt. Tôi nhìn quanh căn phòng để tìm cái cặp sách màu xanh của nó nhưng chẳng tìm thấy. Con bé gọn gàng đến mức chẳng để ra ngoài cái gì. Tất cả những gì có thể thấy là một tấm ảnh ba mẹ Luisa đang đứng bên ngoài nông trại nhỏ của họ ở Bogota, cái lược chải đầu và vài quyển sách. Trên tủ quần áo là cái vali nhỏ màu xanh nó mang theo khi mới đến. Tôi mở tủ và lục trong đống giày của nó để tìm quyển vở nhưng vẫn không tìm thấy, rồi tôi ngước mắt lên. Thật đáng ngạc nhiên là tủ quần áo của nó chật cứng - chắc nó vừa mua thêm quần áo mới, tôi nghĩ bụng, hèn gì gần đây tôi thấy nó ăn mặc tươm tất hơn. Có vài chiếc sơmi bằng lụa, một cái áo jacket kiểu Chanel, một cái áo varơi màu xanh sẫm, và một cái váy dạ hội lộng lẫy. Tôi sờ tay lên lớp nhung màu đỏ của nó - rồi nhìn cái mác: Joseph.

“Sao nó đủ tiền mua đồ này nhỉ?” Tôi lẩm bẩm.

Tôi đóng tủ lại và tiếp tục tìm kiếm. Tôi ngó xuống dưới giường nhưng chỉ thấy đôi dép lê. Tôi lại tìm dưới bàn trang điểm nhưng quyển vở cũng không có ở đó. Đến lượt cái tủ đứng có ngăn kéo. Đặt bên trên là một cái tivi nhỏ, ngăn kéo trên cùng đựng đồ lót, được gấp một cách cẩn thận, ngăn kế dưới là áo phông, quần dài và vài cái áo chui đầu. Tôi mở ngăn dưới cùng và kia rồi - chiếc cặp sách màu xanh. Tôi lôi nó ra và kiểm tra bên trong, tim đập thon thót. Quyển sách giáo trình tiếng Anh hiếm khi được sờ đến và hai quyển vở bài tập thì trống trơn, ngoại trừ ba hay bốn trang đầu chép từ mới.

“Nó chẳng làm tý bài tập nào,” tôi thở hắt ra, hai hàm răng nghiến lại. Khi đang nhét cái cặp vào chỗ cũ và tự hỏi không biết làm thế nào để nói chuyện với Luisa về việc này mà không để lộ ra là mình đã xem trộm phòng nó - thì đập vào mắt tôi là lọ bánh quy màu vàng nhét sâu ở trong cùng của ngăn kéo. Cơn giận đối với Luisa khiến tôi quên mất việc phải tôn trọng sự riêng tư của nó. Tôi mở nắp cái hộp.

“Ôi Chúa ơi...”

Bên trong là một tập dày toàn tờ năm mươi bảng. Tôi đếm qua - có đến gần tám mươi tờ như vậy - tất thảy là bốn ngàn bảng. Tôi đậy nắp lại, lòng ngổn ngang. Điều này giải thích vì sao nó mua nhiều quần áo mới và cả quà cho Milly. Nhưng nó lấy đâu ra lắm tiền mặt thế nhỉ?

Đột nhiên tôi nghe tiếng Milly khóc. Tôi đặt cái lọ vào chỗ cũ, đóng cửa phòng và chạy xuống cầu thang.

“Chuyện gì vậy con?” Tôi hỏi không ra tiếng.

“Muốn poo,” nó lí nhí.

“Được rồi, con yêu.” Tôi bế nó ra khỏi giường.

“Không,” nó cự lại. “Muốn Pu cơ.”

“Mẹ không hiểu con à.”

“Winnie el Pu! Muốn nhạc!” Rồi nó chỉ tay về phía chân giường, tôi thấy ở đó có một cái hộp nhạc “Winnie the Pooh” mới toanh.

“Luisa cho con cái này à?” tôi thều thào hỏi.

“Sí, mẹ ạ.”

“Chà...”

“Música, Monia! Bây giờ cơ!”

“Được rồi, được rồi. Mẹ bật đây.” Tôi lên dây cót cho nó, đặt Milly xuống và nhón chân đi ra khi tiếng nhạc vang lên và hình của những con vật Tigger, Piglet và Pooh chuyến động xoay quanh cái hộp.

“Đêm lung linh, con gái à,” tôi gọi với ra.

“Buenas noches, Mamaíta!” Nó nói.