Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc

9. Cứu núi Chiếc Răng của Kuching

Hồi còn tập đấm bốc ở Kuala Lumpur, tôi có chơi thân với một chị cùng tập. Khi tôi đến Kuching, chị giới thiệu cho tôi gặp bạn của chị, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Jong Saw Kang. Tôi nhanh chóng kết bạn với cả Jong và bạn gái của anh, Hui Hui. Jong và Hui Hui đưa tôi đi thăm quan rất nhiều nơi ở Kuching cũng như Sarawak. Có một chuyện tình cờ thế này. Một năm sau khi tôi rời khỏi Kuching, một người bạn từ Mỹ của tôi sang Kuching làm tình nguyện viên, thế nào rồi lại cũng quen Hui Hui. Khi bạn tôi add Hui Hui trên Facebook, thấy ngay tôi là bạn chung. Thế giới thật là nhỏ bé.

Jong không những dắt tôi đi chơi rất nhiều nơi, mà còn dạy cho tôi những kỹ thuật chụp ảnh cơ bản. Biết tôi thích chơi thể thao, Jong rủ tôi leo núi (rock– climbing) với nhóm leo núi của anh. Anh úp úp mở mở là lần leo núi này có ý nghĩađặc biệt.
Điểm leo là một vách núi nằm trong rừng, cách Kuching khoảng một giờ lái xe. Vách núi này có hình dáng rất đặc biệt, thẳng đứng và nhọn ở phía trên, trông như một chiếc răng khôn vậy. Có lẽ vì thế mà vách núi này có tên là núi Chiếc Răng. Nhóm leo núi của Jong có khoảng hai mươi người, chủ yếu là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc hay tình nguyện ở Kuching. Trưởng nhóm là Malcolm, nghe đòn là tay leo núi kỳ cự bậc nhất đất Sarawak này. Ông tầm khoảng bốn, năm mươi tuổi, nước da cháy nắng đen sạm, khung người cứng cáp đúng kiểu dân thể thao, tác phong quân nhân.

“Chip, leo núi bao giờ chưa?”
“Chưa ạ”.
“Muốn leo thử không?”.
“Có ạ”.
Malcolm hướng dẫn tôi thắt dây bảo hộ và để con trai ông đứng dưới giữdây bảo hộ cho tôi.
Không có giày leo núi chuyên nghiệp, tôi leo bằng giày thể thao thường.
“Đi giày trơn, dễ trượt. Nhưng có dây bảo hiểm, không lo đâu”. Malcolm động viên.
Ban đầu, tôi leo rất nhanh. Nhưng nhanh thì ẩu. Một phút bất cẩn, tôi trượt chân. Phản ứng tự nhiên của dân ngoại đạo, tôi bám tay vào dây bảo hộ. Dây cứa lòng bàn tay tôi chảy máu. Mọi người ở dưới lo cuống lên. Malcolm hét vọng lên:
“Chip, xuống ngay”.
Nhưng lúc đó tôi đã gần lên tới đỉnh, không muốn xuống. Tôi tiếp tục leo tiếp. Malcolm hết sức tức giận. Lúc tôi xuống đến nơi, ông nạt:
“Lần sau mà còn ngoan cố như thế sẽ không cho leo nữa”.
Jong bào chữa cho tôi:
“Nhưng Chip leo giỏi đấy chứ”.
“Ừ, con bé leo tốt, cho tham gia nhóm được”.
Tôi nghe mà mở cờ trong bụng. Tuy mới leo núi lần đầu, nhưng tôi đã thấy thích môn thể thao này. Leo núi không nguy hiểm như mọi người vẫn tưởng, bởi đây là một môn thể thao tinh thần nhiều hơn là sức mạnh thể chất. Trong thời gian ở Kuching, mỗi lần nhóm đi leo núi, tôi đều đi cùng. Và sau này, khi đến các quốc gia khác, tôi cũng luôn tìm cách tham gia các nhóm leo núi tại địa phương. Leo núi không chỉ trở thành một công cụ giúp tôi kết bạn nhanh chóng, mà còn giúp tôi khám phá những địa danh tuyệt đẹp mà ít khách du lịch đặt chân tới được.
Chúng tôi ở đấy khoảng hơn một tiếng thì có nhóm phóng viên đến. Lúc đấy tôi mới biết ý nghĩa đặc biệt của chuyến leo núi lần này. Đây là nỗ lực cuối cùng để bảo vệ núi Chiếc Răng. Bởi vì việc khai thác đá xây dựng đã khiến không ít ngọn núi quanh khu vực này biến mất, núi Chiếc Răng là một trong những ngọn núi hiếm hoi còn sót lại. To tát hơn một chút, mọi người hy vọng lần leo núi này sẽ lôi kéo được sự chú ý của dư luận với việc bảo vệ môi trường. Nhưng những nỗ lực này cũng chẳng đi đến đâu. Một tháng sau, Jong cho tôi hay không còn dấu vết gì còn núi Chiếc Răng nữa. Cái duy nhất tôi còn giữ là bản scan bài báo này trên báo Star, một trong những tờ báo lớn của Malaysia. Bài báo có hình và câu hỏi phỏng vấn tôi nữa. Sau này, tôi sẽ cho con cái tôi xem nó, mặt buồn bã mà nói rằng: Mẹ là một trong những người cuối cùng leo núi Chiếc Răng.