Na đặt cái ba lô, đi vòng quanh nhà. Mấy khóm dong riềng rìa nhà phun hoa đỏ chon chót. Cạnh nhà, một cây đào già khẳng khiu khô héo. Trong chuồng, con nái lưng võng, vú sệt đất, hất hai con mắt trắng dã hằn học nhìn Na, lũ con giạt về góc chuồng nhìn anh bộ đội, cũng chẳng thân thiện gì hơn.
Trời tối dần, "Thôi cứ chờ. Thế nào rồi đồng bào cũng về". Na nghĩ, cởi ba lô, lấy tấm bạt trải xuống thềm, định mắc màn, nhưng chợt nghĩ: đồng bào kiêng màu trắng, nên lại thôi. Muỗi đói bu tới, dày như trấu. úp cái trấn thủ lên mặt, muỗi khôn vẫn qua kẽ hở chui vào được. Không ngủ được, Na ngồi dậy, nhìn trời đêm sao thưa, nghĩ linh tinh đủ chuyện. Nhớ cái đêm vượt làng tề ra vùng tự do, trời đêm cũng hiu hiu thế này. Đời tá điền của Na là đời nô lệ cực nhục. Đời chiến sĩ chiến đấu cho lý tưởng giai cấp có khổ nhưng là khổ vinh quang, tự hào. Chiến đấu, đó là hạnh phúc. Đắc bảo: Cậu sẽ là phó cho tớ. Na lắc đầu: Không thích đâu, anh ơi. Hết giặc, tôi xin ra quân ở lại đây, lập gia đình, cày cuốc thôi. Đắc lắc đầu: ông vẫn nông dân cent pour cent(1). Bàn với Nhương. Nhương mủm mỉm: Hay là về quê anh? Không! Đời chiến sĩ, ở đâu, đó là Tổ quốc. Huống hồ, đây cần mình.
Đêm chuyển vần chậm chạp. Tiếng chim ừ gáy vọng lại nghe buồn bã. Rồi chợt một con gà đập cánh phành phạch. Rìa núi tách ra khỏi bầu trời một nét uốn mềm, nhờ nhờ sáng. Có tiếng lợn rít. Na chạy đến chuồng lợn. Con nái chồm hai chân trước lên gióng chuồng. Nó đói đây mà. Nhìn quanh, thấy mớ rau khoai vứt ở chân cột, Na liền rút dao găm, kê lên khúc củi, băm. Con lợn nái xốc rau, nhai nhóp nhép cùng đàn con.
Na ra sân, cái sân lầy lội, bùn trộn phân lợn tanh tưởi quá. Na tìm cái chổi. Không có. Đập dập một khúc vầu, Na dùng nó thay chổi quét quẹt quẹt. Quét xong, Na lấy cuốc khơi cái rãnh sau nhà, rồi đi vun gốc đào, sửa lối ra ngõ.
Chợt có tiếng chân người, Na ngẩng lên, nhanh nhảu:
- Chào bà, chào chị.
Hai người đàn bà Hmông, một già, một trẻ đứng sững ở ngõ. Người đàn bà già đậm người, váy áo mới, mặt tròn phúc hậu. Người trẻ địu một đứa bé đang ngủ, váy áo xác xơ, mặt trái đào, cằm lẹm, hai mắt gườm gườm. Na định bước lại thì nhận thấy tay mỗi người đều chĩa về phía mình một lưỡi dao nhọn, loại dao lá lúa người Hmông đánh lấy, sắc như dao cau.
Na bập bẹ tiếng Hmông:
- Nả à, nả à… Con là bộ đội Na…
- Chi pâu ề!
Hai người đàn bà cùng đồng thanh, vẫn dao nhọn trong tay, bước qua Na, tránh né và phòng bị. Đi đến cửa, cởi thanh gỗ buộc, cả hai nhanh nhẹn tọt vào trong nhà, rồi sập mạnh cái then cửa. Na tưng hửng.
Gõ cửa gọi, họ không mở. Na lại quanh quẩn quét dọn. Mái ván đứt dây, sã xuống, Na leo lên buộc lại. Cái kiềng cong queo lăn lóc, Na kì cạch gò lại. Cái thúng tuột cạp, Na hí húi cạp lại. Rồi Na xách cuốc ra giãy cỏ luống thuốc phiện trước nhà. Mặt Na ngong ngóng. Chẳng thấy người đàn bà nào ra. Chỉ thấy lịch kịch ở trong nhà và tiếng đứa trẻ khóc than, mệt mỏi.
Chiều, vẫn vậy. Na lấy gạo rang ra ăn. Tối, lại trải bạt xuống đất ngủ. Nửa đêm, mưa to, hiên hẹp, ướt hết cả chăn áo, Na ngồi lên khúc gỗ, ôm ba lô gật gà gật gù.
Hai đêm như thế.
Ba đêm như thế. Tới đêm thứ tư, đang thiu thiu ngủ, chợt Na giật mình. Trong nhà có tiếng một người đàn ông. Đúng là giọng đàn ông mếu máo. Lặng đi một lát. Rồi loạt soạt ở khóm đao. Na ngẩng lên, nửa tỉnh nửa mơ thấy một bóng người vừa lẻn ra. Na thức từ đó cho đến lúc cái then cửa kéo sạch một tiếng dài, mặt người đàn bà già ló ra:
- Mày vẫn ở đây à, bộ đội?
- Nả, nả à, mẹ à.
Người đàn bà không để ý đến vẻ mừng rỡ của Na, lẳng lặng đi ra cổng.
Lát sau, khi Na đang buộc ba lô thì bà cụ dắt từ đâu về hai mẹ con con ngựa nâu. “Có lẽ bà cụ gửi bên hàng xóm". Na nghĩ.
Nắng hoe vàng mỏm núi, bà cụ châm lửa ra sân đốt phân ngựa. Na xán đến:
- Nả à, nả để con đốt cho!
Bà cụ thét lên một tiếng bực tức bỏ vào nhà. Còn một mình, Na cứ đốt. Xong việc đó, Na đeo con dao đi rừng. Trưa, vác về một bó trúc. Anh ngồi chẻ nan, đan rổ rá. Thì bịch! Cái ba lô đặt trên khúc gỗ ở hiên bị người phụ nữ trẻ ném ra sân. Na nhặt ba lô, đặt lại, lại ngồi đan. Xâm xẩm tối, Na đã đan được hai cái rổ, một cái rá. Bà cụ từ trong cửa, ngó ra:
- Mày không ăn cơm à?
Na đứng dậy, xách bao gạo. Bà cụ né một bên cửa cho Na vào. Na đưa bao gạo, bà cụ nhận. Nhưng bữa cơm dọn lên, niêu cơm của Na nấu riêng, để riêng. Na lấy mấy con cá khô hí húi nướng. Đặt cá lên bàn ăn, Na gắp cho bà cụ một con, định gắp cho người phụ nữ trẻ thì bà cụ kêu the thé, cầm con cá lẳng ra ngoài sân.
Na không đổi sắc mặt, vẫn vui vẻ hỏi han trò chuyện. Nhưng chỉ có một mình Na nói. Cơm xong, Na vác ống nước, bước ra ngoài sân thì bà cụ gọi giật:
- Bộ đội, tối nay mày vào trong nhà mà nằm, ngoài ấy mưa đấy.
Na cười:
- Vâng, để con đi lấy nước.
- Để con Mỉ nó đi. Mày vác không quen đâu.
Bà cụ nói, giọng đã thương thương.
Bà cụ tên là Doa, đã bảy mươi tuổi, bà là mẹ anh lính phỉ Giàng Seo Giống. Người phụ nữ tên Mỉ, là con dâu của bà. Trong dòng họ, bà là bà cô. Sau hố pẩu, bà là người có uy tín lớn hơn cả với con cháu, dòng họ. Bà có trách nhiệm giữ gìn lý lối phong tục tập quán tổ tiên. Nhưng bà đang bối rối bởi vì chính con trai bà là lính phỉ. Khi Na tới đây, thoạt đầu bà hoảng sợ, bà căm ghét, muốn xua đuổi Na. Nhưng khi thấy Na hiền lành, chịu khó thì bà vơi dần nỗi lo và dần dần thương lại Na.
Sáng hôm ấy, đã hẹn với bà cùng đi làm nương, Na dậy sớm. Mờ đất, cơm nước đã xong, hai người đi. Na dắt ngựa, bà cụ đi sau. Ra tới cổng, nghe thấy tiếng con ngựa con hí gọi, nó vẫn ở trong chuồng, Na dắt ngựa mẹ lộn trở lại, mở gióng chuồng, đón con ngựa con đi.
Bà cụ Doa quay lại, nhìn thấy cảnh ấy, mắt chớp chớp, rồi lại cúi đầu, cắm cúi đi.
Nương hoang xam xám màu rạ. Hai người cặm cụi làm cỏ ngô. Hai mẹ con con ngựa nâu thanh thản gặm cỏ ở rìa nương, cạnh đám cao lương. Cái cuốc bướm trong tay bà cụ sồn sột nạo cỏ. Thoáng cái, bà cụ đã leo lên đầu nương. Na bám theo bà cụ.
- Sao mày cứ theo tao như con trai theo con gái thế? - Bà cụ quay lại nhìn Na, môi thoáng nét cười.
- Con theo mẹ học làm - Na vui vẻ đáp.
- Hứ! Tao mắng mày, mày cũng theo à?
- Con thương mẹ.
- Mày thương tao?
- Mẹ con cũng già như mẹ.
- Mày cũng có mẹ à?
- Mẹ con cũng làm ruộng như mẹ. Vất vả lắm. Mẹ con chỉ có mình con. Con làm ruộng thuê cho địa chủ, hai mẹ con lần hồi rau cháo. Bây giờ, con đi bộ đội, mẹ con vẫn ở lại vùng tề.
Bà cụ cúi xuống, vẻ ngẫm nghĩ. Nhưng lát sau, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn trộm Na. Na từ xa đến. Na là người Kinh. Nhưng Na gần gụi. Na biết thương từ con ngựa con.
Chiều xuống, hai người nghỉ tay cuốc, đi lấy củi.
- Nả à, nghỉ tay uống nước đã,nả.
Bà cụ ngồi bệt xuống đất, nhận cái bi đông Na đưa, mắt đăm đăm nhìn Na đang nghênh tai.
- Mày nghe cái gì đấy, bộ đội?
- Con nghe con chim nó hót.
Bà cụ lắc lắc đầu:
- Không phải đâu, nó kể chuyện đấy.
- Nó kể chuyện?
- Ừ, nó kể chuyện cổ tích - Bà cụ cởi khăn, giũ tóc, thong thả - Nó kể rằng ngày xưa, thời nàng Gầu A và chàng Đrầu Ông mới dệt xong trời, mới dệt xong đất, có một nước gọi là Nước Sung Sướng… ở đấy gà ăn tiền bạc, ở đấy lúa chín tự bay về…
Giọng bà cụ thơ thới, êm mượt như gió chiều… Na mừng lắm. Na bắt đầu được bà cụ Doa tiếp nhận rồi.
Buổi tối, người con dâu địu con, vẫn lì lì không nói, ngồi tước lanh. Bên này bếp lửa, bà cụ Doa ngồi nối lanh, se lanh, kể chuyện cổ rồi còn hát cho Na nghe. Lúc đi ngủ, bà cụ thả một cái váy cũ đắp thêm cho Na. Na nằm ngẫm nghĩ: Nhà này còn một người thứ ba nữa. Dấu vết của người đàn ông còn ở khắp nơi: cái điếu, cái cày, cái rìu…
Na thiếp đi. Gần sáng, anh tỉnh dậy vì nghe thấy tiếng chảo nước đồ bột ngô sôi sùng sục. Thì bà cụ đã ghé xuống:
- Bộ đội Na à, đêm qua mày ngủ say.
- Con nằm ấm quá.
- Mày không biết gì à?
- Không ạ.
Na gấp chăn, đến bên bếp lò. Bà cụ nhấc cái chõ đồ bột ngô ra khỏi chảo nước.
- Đêm qua, hổ nó về đấy!
- Thật à nả?
Người con dâu địu đứa bé trước bụng, đeo cái địu sau lưng, cầm túi cơm ngô, tần ngần. Bà cụ đưa mắt ra hiệu cái gì đó, chị liếc Na một cái thật nhanh rồi gần như lẻn ra cửa.
Cúi xuống vắt mũi, bà cụ Doa bỗng nghèn nghẹn:
- Thành hổ hết rồi, bộ đội Na à.
- Mẹ nói gì thế?
Na hỏi giật giọng. Bà cụ ngẩng dậy, mặt như có tấm màng u ám che phủ:
- Không không…
- Mẹ có điều gì thắc mắc, mẹ cứ bảo con.
Bà cụ nhìn Na, hai con mắt thăm thẳm, hun hút.
- Bộ đội Na ơi, chúng mày có phải là hoa mận hoa đào với người Hmông tao không?
- Phải chứ, mẹ!
- Không phải người trên giời, người trên gió chứ?
- Là những người như con, tốt hơn con, mẹ à. Bà cụ im lặng, ngồi xuống cửa bếp lò, rụt bớt lửa. Lát sau, xoa xoa mặt, như tỉnh hẳn, nói giọng gượng gạo:
- Khổ quá! Con hổ về lại không đi nương được rồi!
- Hổ thật, hả mẹ!
- Mày đừng đi!
Bà cụ nhìn Na mắt lung linh hai đốm sáng ái ngại.
Na xách súng về trụ sở uỷ ban. Chẳng có ai ở đây. Thằng Pùa đang bổ củi, bảo Na:
- Anh Tếnh, anh Quang Ngọc và anh A Sinh đi bắn hổ rồi!
A! Thì ra mọi người đã biết cả. Na cầm súng đi. Hừ, phải bắn bằng được con hổ. Nó quấy nhiễu thì hết làm ăn. Na nghĩ, vượt qua một vạt rừng gianh, ngược lên. Trên cao, rừng chè cổ ngưng một vệt mây trắng đục.
Bỗng Na thấy máy mắt, Có một ngọn khói ở lưng núi đang dông thẳng lên cao, vương vướng con mắt Na nhìn. Đúng là cái nương nhà bà cụ Doa hôm rồi Na đã giãy cỏ. Lại có người, một phụ nữ Hmông đang lúi húi vơ củi. Na rẽ cây đi tới. Khi nhận ra người nọ là Mi, con dâu bà cụ Doa thì anh chưng hửng. Anh và mọi người đã mắc lừa rồi! Không có hổ về. Chứng cớ là lúc sáng khi bà cụ Doa nói có hổ về, người phụ nữ này cứ đi làm, và bây giờ chị ta đang ở đây, lại đốt cả lửa!
- Chào chị Mi.
Người phụ nữ đang cúi, giật nẩy mình, ngẩng phắt lên, cái cổ gầy vươn dài và hai con mắt thất sắc nhìn về phía đống lửa, miệng gào lên mấy tiếng sợ hãi. Cạnh đống lửa, một người đàn ông mặc bộ quần láo lính dõng, vẻ mặt ngờ nghệch, vàng bủng như mắc bệnh gan đang ngồi ôm đứa bé. Nghe tiếng người phụ nữ kêu, anh ta đứng vụt dậy và khi nhận ra Na là anh bộ đội, anh ta liền buột rơi đứa bé, quay đầu, kêu ặc ặc như bị bóp cổ và bổ nhào vào một bụi cây.
- Giời ơi!
Na nhào ngay tới. Đứa bé rơi vào đống lửa đang khóc thét. Na ôm xốc đứa bé. Mẹ nó chạy lại, mặt không còn hạt máu, rên rỉ nhận đứa bé từ tay Na.
- Đù a… Con tôi… con tôi.
- Đồ độc ác, đồ khốn kiếp!
Na xô vào cái bụi. Người đàn ông chồm ra bất ngờ. Khẩu súng rơi cạch xuống đá. Người phụ nữ kêu:
- Anh Giống! Anh Giống. Bộ đội ơi… chồng tôi… chồng tôi… Nó nhớ con.
Người đàn ông đã chụp hai vai Na! A, thằng phỉ. Đồ dã man! Dám đang tay giết con. Na quẫy. Tên phỉ vít cổ anh. Nó thở è è. Số nó hết rồi. Nó muốn thử tài đô Na. Na túm hai chân nó. Không cần! Chỉ một miếng gồng thôi. Tên phỉ không kịp kêu một tiếng đã bật người ngã ngửa dưới đất.
Người phụ nữ ôm đứa con lao tới, chắn ngay trước mặt Na, nước mắt ròng ròng:
- Chồng tôi, chồng tôi… tôi lạy bộ đội… đừng giết nó.
Tên phỉ lồm cồm bò dậy, Na phẩy tay:
- Chị đừng lo. Tôi trị cái tội nó ném đứa con vào lửa thôi.
Thừa cơ Na không để ý, tên phỉ quay người, cắm đầu chạy.
Tận chiều hôm sau, anh lính phỉ Giống mới về tới cái hang bọn Lử ẩn náu Bước chân vào lòng hang. Giống thấy lạnh run. Lử đang ngồi sưởi lửa. Cạnh Lử, mấy cái địu ăm ắp ngô, gạo, bí, một ống vầu đầy muối. Lão quản ma béo ú, áo phanh trần, hở con rồng xăm ở ngực, phẩy cái nón sơn vào mặt, nhìn Lử:
- Mưu Giàng ly trang đấy. Việt Minh cũng phải biết sợ hổ chứ! Giàng ly trang dặn ông: nhà lớn của ông giờ là rừng, nhà bé của ông giờ là hang. Ông đừng về xóm bắt gia súc nhé. Bây giờ bẫy đặt nhiều đấy.
Giống len lén đi qua.
Lử lừ mắt. Mắt Lử làm Giống sởn da gà. Lử tợn lắm. Lử bắt ai làm gì, người đó phải làm theo. Không thì Lử bắn liền. Chạy lên đây, hai chục tên, toàn bọn dõng ở đồn Cán Cấu dưới quyền cai quản của Lử, sợ Lử còn hơn sợ hổ ác.
- Tôi đưa gạo lên cho ông - Lão quản ma nói tiếp- Có một thằng Việt Minh nó nhìn thấy.
Lử hất hàm:
- Thằng nào?
- Việt Minh áo chàm.
- Thằng Pao hả? Hay thằng A Sinh?
- Không! Thằng Pùa!
Lử gật đầu, tóc xoã rung rung:
- Đ. mẹ, Việt Minh áo chàm, phải cẩn thận đấy. Ông nhớ tên nó, bảo tôi. Đứa nào phản người Hmông, tôi trị tội. Đ. mẹ. Tên tôi còn ghi ở trên sổ nhà trời, tôi là tôi không có sợ.
Giống ngồi vào cái hốc đá, lạnh rợn gáy. Giọng Lử phì phì như rắn phun. Hai con mắt hắn như hai lưỡi dao thép lùa vào lòng hang, vào chỗ Giống ngồi. Rồi đột ngột, hắn đứng dậy, đi vào.
Giống đứng cao hơn Lử một cái đầu. Lại to hơn đến nửa người. Nhưng Giống là con ngựa mà Lử là con hổ, con chó sói. Răng hắn nhe nhe, trông thật khiếp.
- Anh Giống này, vợ anh xinh thế mà vào tay bộ đội nhỉ?
Giống nghẹn ứ cổ họng. Lử nhếch mép:
- Thế nào nó cũng hiếp vợ anh thôi.
- Úi!
Lử phất tay.
- Ra đây, tôi bảo anh một việc.
Kinh hãi quá, Lử nói giọng nửa hổ nửa người:
- Anh Giống, anh đi lấy cho ta một ổ rượu ngon rồi tàu bay Pháp về, ta sẽ bảo nó cho anh đi tàu bay về Hà Nội gắn mề-đay bạc, mề-đay vàng.
Giống chẳng thích đi tàu bay, cũng chẳng thích mề-đay vàng, bạc. Nhưng Giống chẳng dám sai lời Lử. Hồi bắt lính cho đồn Cán Cấu, hồi nổi dậy ở Phéc Bủng cũng thế. Súng Lử gí vào ngực Giống: "Mày có muốn thử xem đạn Tây cứng hay mềm không?” Giống vốn nhát. Mà bạo thì cũng chẳng lại được với Lử. Giống không muốn đi lính, không muốn làm phỉ trốn lủi trong hang thế này. Giống chỉ muốn ở nhà, chơi với con. Con bé ốm đau quặt quẹo nhưng xinh xẻo lắm. Giống yêu con, yêu vợ, quý mẹ. Mẹ Giống thơm thảo tốt bụng, thương Giống lắm. Nhưng Lử thì vẫn phải sợ.
Giống lập bập:
- Ông nói thế là…
- Ngu thế! Lấy cho ta một ổ rượu ngon.
- Dạ… nhà tôi không nấu rượu!
- Ngu! - Lử đấm bịch vào vai Giống - Ổ rượu ngon tức là hồn thằng đầu sỏ Việt Minh!
Giống bật run. Giống khóc ti tỉ. Bây giờ đi vào địa phận Can Chư Sủ rồi, Giống càng sợ, nước mắt càng trào ra. Thấy bóng người đi tuần, Giống chạy, vấp ngã, rúc bụi. Trời! Sao Giống như thằng đi ăn trộm thế này? Mẹ bảo: "Người lười biếng hay đi ăm trộm”. Lễ ăn ước hàng năm đều có lệ phạt người ăn trộm. Xưa nay, Giống không làm điều khuất tất bao giờ. Sao giờ Giống lại đi làm điều ác? Hay là Giống đang biến thành hổ rồi? Trời ơi, vô tình mà hoá ra đã vứt con vào lửa để thoát thân lúc anh bộ đội phát hiện ra Giống, thế là Giống gây tội ác rồi đấy!
Giống bước lò dò. Không muốn bước đi mà cứ phải bước đi. Muốn qua nhà để xem con bé có bị bỏng không, Giống cũng không dám.
Giống len lén đi đến phía sau trụ sở uỷ ban.
Trụ sở có hai mái cỏ như hai cánh gà ấp, lù lù trong đêm. Ngọn đèn vàng hắt ánh sáng ra ngoài cửa sổ như con mắt. Trong nhà, có hai người. Một người là Pao. Một người là người Kinh. Pao thì Giống chẳng thù hằn gì. Còn người Kinh mới là cái ổ rượu ngon phải lấy. Người Kinh mày tới đây, mày bắt người Hmông phải đóng thuế… Mày hiếp vợ tao… Giống cố nghĩ như thế. Nhưng óc lại chợt nhớ tới anh bộ đội cứu đứa con mình khỏi bị lửa thiêu.
Giống đứng khép nép vào vách. Khẩu súng ép vào ngực. Hai tay Giống ép vào ngực cho đỡ sợ.
Nhưng, lúc ấy có ai làm gì ở đâu mà Giống sợ. Lúc ấy, chẳng ai biết Giống theo lệnh Lử đi ám sát cán bộ Chính cả. Lúc ấy, trong căn nhà cỏ không có ai dõi theo Giống. Lúc ấy, Pao vừa bật khóc!
Pao khóc. Chưa bao giờ, chưa bao giờ Pao được khóc cả. Người ta bao giờ tủi thân tủi phận muốn khóc phải khóc với cha với mẹ, với anh, với chị, với người lớn tuổi hơn mình và thương yêu mình. Pao giờ mới có Chính để khóc.
Pao gục trên hai bàn tay đặt trên bàn. Tóc Pao xoã trên bàn. Bả vai Pao rung lên từng cơn. Tiếng Pao khóc tức tưởi, xót đau. Bao nhiêu nỗi khổ trong gan trong ruột Pao theo nước mắt xối ra.
- Anh Chính ơi. Tôi không sợ súng sợ gươm, tôi không sợ chửi, sợ mắng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, tôi nhìn thấy Seo Cả… Hay là anh cho tôi đi nơi khác đi, anh Chính ơi…
Tiếng Pao nghèn nghẹt.
Giống nép sát vào vách và bỗng tim Giống đập rung cả người. Trời! Giống hiểu. Giống thấy nỗi khổ, cơn đau của Pao. Giống quên cả việc phải lấy ổ rượu ngon cho Lử. Giống đâu dám. Giống không phải người đi gây cái ác, làm cái đau khổ cho người khác.
Trong nhà hình như Pao đã nín. Giống nhìn thấy anh cán bộ Chính đặt tay lên vai Pao. Mắt anh lóng lánh nước. Anh cúi xuống, giọng ngàn ngạt, cay xè:
- Pao ơi, tôi hiểu cái khổ của Pao, cái khổ của dân tộc Pao, cái khổ của những người còn bị áp bức. Nhưng, chính là để không còn những cái khổ ấy, mà có một lớp người phải hy sinh…
Lúc ấy, Giống nhủn hết cả người. Giống buột rơi khẩu súng và đâm sầm vào đêm tối. Giống vừa chạy vừa khóc oà.
Chú thích:
(1) Trăm phần trăm