Như một thứ bệnh truyền nhiễm, các ổ phỉ lần lần xuất hiện ở khắp các châu, huyện trong tỉnh, từ Tam Đường, Than Uyên, Phong Thổ, Sa Pa, Bình Lư, đến Bảo Thắng, Bát Xát. Nhiều nơi chúng cướp chính quyền xã, bắt giết chủ tịch xã, xã đội trưởng, phục kích bộ đội, công khai treo cờ Pháp và lập các trạm kiểm soát dọc các tỉnh lộ.
Máy bay Pháp không dứt tiếng ù ù trên các làng xã vùng thấp vùng cao. Những nơi yên bình nhất cũng đầy những hiện tượng khả nghi. Các bộ tộc thiểu số bỗng như biến tướng, trở thành những nhóm người hung tợn thích gây gổ.
Tại Pha Linh, thanh thế Châu Quán Lồ lớn vụt dậy như để chứng minh cho một chân lý: Nước Hmông chỉ có thể do quan lớn Hmông cai trị. Lồ xưng danh tổng chỉ huy thống lĩnh toàn bộ lực lượng "nghĩa quân" biên giới, kể cả số lính Tàu Tưởng nhập tịch ngày mỗi đông. Chúng kéo quân đi đánh châu Mường Cang, mon men xuống Bản Lầu, cắt đứt đường ra thị xã, tỉnh lỵ.
Thị xã bị máy bay Pháp ném bom liên tiếp hai mươi ngày liền. Có lúc nó như hòn đảo nằm giữa sự bao vây của những mối kỳ thị xuất phát từ các bản làng bao quanh.
Bí thư tỉnh uỷ Lê Chính đang chỉ đạo công tác ở Sa Pa tức tốc trở về tỉnh khi cơn khủng hoảng đã phát triển tới đỉnh cao. Báo cáo khái quát tình hình mọi mặt với bí thư xong, phó văn phòng tỉnh uỷ nhấn mạnh:
- Về phía ta, có hai sự kiện nổi lên đáng phải suy nghĩ: một là việc bộ đội đốt phá, giết chóc bừa bãi ở làng Hầu Thào. Vài nơi khác cũng có hiện tượng tương tự nhưng nhẹ hơn. Hai là việc ban cán sự Pa Kha chủ trương lừa tầng lớp trên, mời họ ăn cơm đoàn kết rồi cất vó cả loạt. Địch lợi dụng hai việc đó, kích động dân chúng, bọn tay sai thừa cơ nổi dậy, gây bạo loạn.
Chính nổi nóng:
- Ban cán sự chủ trương?
- Vâng. Anh Đắc gọi điện ra xác nhận rằng đó là chủ trương của chính anh ấy.
- Anh Đắc chủ trương?
- Vâng. Anh ấy mời các đại biểu gọi là tầng lớp trên của các xã lên châu, mời cơm thân mật rồi bắt giữ luôn. Hiện còn giam 52 người.
- Trời!
Chính ôm đầu, ngồi lặng trước bàn làm việc.
Tình hình nghiêm trọng quá! Chậm lúc này là hỏng cả một sự nghiệp. Hôm sau, hội ý thường vụ, bàn giao công việc, Chính đi ngay Pa Kha. Bí thư chỉ mang theo một chiến sĩ cơ yếu.
Ba ngày sau, vượt qua các ổ phục kích và vòng vây của địch, họ tới Pa Kha.
Pa Kha nhộn nhịp chứ không xao xác như Chính tưởng. Bộ đội mới được bổ sung, hăm hở đào công sự, nói cười vang vang, khoái trá vì sắp được chọi nhau với bọn phỉ Châu Quán Lồ. Giữa sân chợ, đang dựng cái bục gỗ cao. Chính hỏi thì được biết đó là nơi toà án sẽ xét xử công khai bọn tội phạm đầu sỏ. Hỏi bọn tội phạm đầu sỏ là ai, một chiến sĩ chỉ vào cái nhà kho xây bằng đá, nói: “Bọn mới tóm được chứ còn ai vào đây nữa!” rồi cười thản nhiên.
Chính vội đi lên trụ sở ban cán sự. Lúc ấy, trời đã ngả chiều. Buồng ngoài trụ sở mát lạnh. Nhưng buồng trong thì đang rung lên cơn giận dữ của Đắc.
Chính đứng ở buồng ngoài. Đắc đập bàn:
- Hừ! Anh lại một lần nữa làm hại Cách mạng, anh có biết không, anh Vận?
Tiếng Vận nho nhỏ:
- Dạ thưa anh, lúc ấy em căm thù quá. Em thương các chiến sĩ đã hy sinh, em không kìm được mình…
Giọng Đắc chói gắt, rành rọt:
- Anh tưởng phỉ chỉ là một lũ ô hợp đầu trộm đuôi cướp nên tha hồ trả thù, bất chấp luật pháp? Hay anh cho rằng tất cả người Hmông từ ông già đến trẻ con ẵm ngửa đều là thổ phỉ, cứ việc bắn giết tha hồ tuỳ tiện? Anh chỉ là một tên võ biền ngu dốt. Tưởng cứ bắn giết nhiều là anh hùng à? Đồ vô chính phủ! Quân ăn tàn phá hại!
Đợi Đắc xả hết cơn tức giận, Chính mới đẩy cửa bước vào, với một câu hỏi trao lơ lửng trong tâm trí: "Vậy rốt cuộc, thổ phỉ, một hiện tượng xã hội, cần được giải thích như thế nào?"
Vậy, cái hiện tượng quái gở nhất của giai đoạn lịch sử này mà ta gọi là thổ phỉ, rốt cuộc nó là cái gì? Nó là cái gì mà khi nổi lên, lúc mất đi, rồi lại nổi lên như một chu kỳ của bệnh dịch? Nó là cái gì mà chỉ xảy ra ở miền rừng núi xa xôi hẻo lánh này?
Cuộc sống không đơn giản. May mắn thay cho Chính, trong đoạn đời ngắn ngủi mười năm qua, anh luôn được đứng trước những thử thách nặng nề, luôn được đặt ở vị trí trung tâm của những câu hỏi cần phải được giải đáp. Sống với cuộc sống một cách thật sự, anh đã được chính cuộc sống dậy dỗ. Đối mặt với bọn thổ ty, giáp mặt với bè lũ Quốc dân đảng, chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc chiến đấu này không hoàn toàn là bản sao của một cuộc chiến đấu khác.
Cách mạng không phải là một cuộc thí nghiệm và ở cương vị bí thư tỉnh uỷ, anh luôn luôn nhớ, không được phép phạm sai lầm. Và như vậy, nhiệm vụ khó khăn nhất luôn đặt ra trước mắt anh là phải làm sáng tỏ, phải lý giải thật minh bạch bản chất, nguồn gốc phát sinh cùng đường hướng phát triển của mỗi sự kiện. Cách mạng bao giờ cũng là một khoa học với ý nghĩa nghiêm ngặt nhất của từ này. Vậy thì ta hãy đối xử một cách khoa học với môn khoa học này.
Trước hết, với những sự kiện đã xẩy ra, những tư liệu, bằng chứng đã thu nhập được, bằng sức mạnh của logíc học và lập trường kiên định, hãy chốt vấn đề lại bằng một cái đinh thép: phỉ là hoạt động của kẻ thù, là hoạt động nằm trong âm mưu xâm lược đất nước ta của đế quốc. Đó là cuộc phản công phục thù dữ tợn của bọn thổ ty phong kiến thế tập kiêm kinh doanh mại bản uất ức vì mất lợi quyền, cấu kết lại với nhau, dưới cái gậy chỉ huy của bọn phòng nhì, các cơ quan phản gián chiến lược, chiến thuật Pháp, Tưởng Giới Thạch và Mỹ.
Không kể tới cuộc ăn thề man rợ của Phơ-rô-pông và các cuộc kết giao chính thức giữa bọn Pháp rút chạy và bọn tay sai ở lại, tại các nơi khác mà ta đã biết, giờ đây, cơ quan tình báo ta đã nắm được nhiều tư liệu cơ mật khác có quan hệ, trong đó phải kể đến mệnh lệnh gây phỉ sớm nhất là lệnh tác chiến số 2086/SANO/3 ngày 13 tháng 12 năm 1949 của trung tá Sano đã ghi rõ: "Cần tổ chức ngay các đơn vị võ trang và dân chúng võ trang ở lại đánh du kích khi quân Pháp rút đi!”. Cũng cần biết thêm rằng, Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi sang Việt Nam giữ chức tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp đã nâng vấn đề gây phỉ lên thành một trong bốn nhiệm vụ chiến lược để giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường. Và Xa-lăng, chỉ huy phó của Đờ-lát, 10 năm trong 24 năm binh nghiệp của y hoạt động ở biên giới Việt - Trung, hiện đã trở thành chỉ huy tối cao của hoạt động tình báo gây phỉ này.
Tuy vậy, nghiên cứu sự kiện phải đặt trong khung cảnh mới thấy hết tính độc đáo vô cùng của nó. Chính là tên đế quốc già đời đã tìm thấy ở đây, miền núi, một mảnh đất vô cùng đắc địa để gieo cấy bào tử nấm độc địa này. Những dòng nhật ký của Phơ-rô-pông đâu chỉ là thuần tuý văn chương! Tên thực dân cáo già rất lưu tâm tới những khía cạnh tiêu cực ở đây để tận dụng. Quả thật, nền kinh tế - xã hội, trình độ văn hoá chung thấp kém từ bao đời nay, đã dìm hàng chục vạn con người nơi đây vào u tối, mê muội. Quan hệ dòng họ, quan hệ làng xã với những tập quán, những phong tục quy ước, chế định chặt chẽ, những tổ chức hoà bình theo kiểu gia trưởng, thoạt nhìn tưởng chừng yên làng và tốt đẹp, nhưng thuỷ chung vẫn là cơ sở bên vững của sự chuyên chế lâu đời, thích hợp với sự nuôi dưỡng thói tự thị ngông ngạo.
Nơi đây, trong văn cảnh sống chung, xen kẽ các bộ tộc, với những biến động đầy máu me và nước mắt, từ lịch sử để lại, cũng còn là mảnh đất thuận tiện để nuôi trồng tâm lý hẹp hòi, kỳ thị chủng tộc, và sự tự nguyện cố kết của những người cùng tiếng nói quanh một tầng lớp thống trị tàn ác.
Lại phải hiểu lịch sử hiện đại của vùng đất này; thoạt đầu nơi đây chỉ duy nhất tung bay một lá cờ tam tài. Tiếp đó là cờ Nhật, cờ Quốc dân đảng. Năm 1946, cờ đỏ sao vàng đã bay phất phới trên các phố châu. Nhưng mới được hơn một năm, Phơ-rô-pông đã ra đi lại trở về. Thực tế ấy tạo cho một số dân chúng còn thô sơ trong tư duy cái tâm lý nghi ngờ sự tồn tại của tất cả, trừ sự có mặt của người Pháp.
Song le, tới đây tính phức tạp, nhiều mặt của vấn đề vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ.
Ta đã đi vào thực tế:
Giờ đây, nổi dậy chống lại chúng ta là những kẻ nào? Châu Quán Lồ và những tay chân tâm phúc của y - bọn đầu sỏ nguỵ quân, nguỵ quyền, tay sai đế quốc. Giàng A Lử căn bản cũng là vậy tuy có pha thêm chất lục lâm, côn đồ. Bọn này đã tập hợp nhau lại trong thế tan rã, nhưng hung hăng cuồng dại với nghị lực tăng lên hàng chục lần. Được huấn luyện, tiếp tế, lại thông hiểu địa phương, có kinh nghiệm cai trị, chiến tranh là thời cơ tốt nhất để tâng chúng lên vị trí thủ lĩnh dòng họ, bộ tộc, để thực hiện yêu cầu của GCMA: Chống cộng sản ngay trong lòng cộng sản.
Nhưng, một trăm tên Châu Quán Lồ, một trăm tên Giàng A Lử phỏng làm được gì, một khi chúng không có bộ tộc, dòng họ, gia đình chúng; những con người đã hàng nghìn năm bị quá khứ đè nặng và sùng kính quá khứ với tâm lý dân tộc cố hữu, những con người bị lôi kéo bởi một lực hướng tâm và bài ngoại, luôn lo sợ một cuộc sống đổi thay, khác trước. Mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo, doạ nạt, cưỡng chế - những thủ đoạn bọn chúng có thừa - đã khiến Châu Quan Lồ, Giàng A Lử mau chóng liên kết được các thành viên của bộ tộc và chúng trở thành đại biểu của họ. Cuộc nổi loạn thực tế đã trở thành một phản ứng có tính quần chúng rộng rãi là vì vậy.
Vấn đề đã trở nên khó lý giải đối với những nhận thức một chiều, giản đơn. Trong một sự vật, phải tìm được cho hết các mối liên hệ phổ biến, những mối liên hệ hai chiều, ý nghĩa, bản chất và tác động qua lại của chúng với nhau và với sự vật. Tới đây, nổi lên một vấn đề: chúng ta, phải chăng bản thân chúng ta, đã góp thêm một cách không tự giác - tất nhiên - vào cái động lực khiến cho phỉ nổi dậy một cách nhanh chóng ác liệt đến như thế? Một đảng bộ chân chính phải biết thừa nhận những thiếu sót, kém cỏi. Đồng ý với nhau điều trên thì hãy tự kiểm điểm xem, trong các chính sách thuế, dân công, cải thiện dân sinh, mối quan hệ giữa cán bộ với dân trong phương pháp công tác, cách giải quyết các vấn đề… chúng ta đã mắc những khuyết điểm nghiêm trọng gì?
Ngọn nến trên bàn leo lét cháy.
Đắc ngồi cùng Chính. Tranh luận, giải bày, họ có lúc gay gắt với nhau, nhưng tựu trung không ai chỉ vì mình, họ như đôi bạn đồng hành trong hành trình đi đến tự do - khám phá tính tất yếu của sự vật.
- Chúng ta đã vượt qua thời kỳ ấu trĩ non dại - Chính nói - Nhưng vẫn chưa phải là đã trưởng thành, tức là chưa có trình độ lý luận cao. Tất nhiên, đối với một vấn đề phức tạp như vấn đề phỉ thì cũng như chân lý vậy, phải có sự vận động để đi dần dần tiếp cận nó. Cách mạng là một khoa học, một khoa học nghiệt ngã, nhưng thử hỏi ta đã có thái độ khoa học trong đối xử với nó chưa? Riêng mình khi trung ương phổ biến chính sách thuế, dân công… mình có phần lưỡng lự và đáng lẽ phải trình bày thì mình im lặng.
Trời đang chuyển sang một ngày mới. Ánh bình minh lọt qua cửa tái nhợt. Mặt Đắc cũng tái nhợt. Anh hiểu, anh đã mắc sai lầm nghiêm trọng.Và sai lầm này kéo theo sai lầm khác nghiêm trọng hơn.
Đắc hơi cúi xuống, giọng nhiễm đầy u uất:
- Tôi cứ nghĩ… Say mê hăng hái là đặc tính lớn nhất của người chiến sĩ tiền phong. Kẻ nào rút gươm mà lưỡng lự, kẻ ấy không có nhiệt tình với sự nghiệp, không xứng đáng là chiến sĩ.
- Nhiệt tình với sự nghiệp?
- Đúng thế!
- Nên nhớ, một đức tính này phải luôn có một đức tính khác đi kèm mới đảm bảo không bị rơi vào sai lầm. Nhiệt thành, hăng hái phải là kết quả của những suy nghĩ chín muồi, chứ không phải là những hành vi bồng bột.
- Tôi nghĩ đến một ý tưởng của Lê-nin. Mọi cuộc cách mạng chỉ có giá trị nếu nó biết tự bảo vệ.
- Nhưng vấn đề là tự bảo vệ thế nào? Cuộc sống phức tạp mà ta thì giản đơn. Sự việc có quy luật mà ta thì dùng ý chí luận chủ quan để bắt sự vật tuân theo ý ta. Chúng ta đã không hiểu lịch sử, bất chấp lịch sử.
Đứng dậy, Chính tiếp, giọng càng sôi nổi:
- Cậu có biết tại sao mình lại sinh ra chủ quan thế không? Vì chúng ta đã là một Đảng cầm quyền. Vì ta đã nắm chính quyền. Có chính quyền, tức là có quyền lực, nghĩa là có thể sử dụng mọi phương thức, phương tiện. Thế là tưởng muốn làm gì cũng được. Thử nghĩ xem, có phải vì cậu có quyền hành trong tay nên cậu có thể nghĩ ra cách và mời người ta lên ăn cơm đoàn kết sau đó cậu cho bộ đội công an bắt người ta không?
Đắc ngẩng lên, mặt tê tê ram ráp:
- Nhưng dùng thủ đoạn để tiêu diệt tình trạng dã man, chả lẽ thế là sai ư?
- Mệnh đề ấy không đúng trong trường hợp cụ thể này - Chính cúi xuống sát mặt Đắc - Chân lý là cụ thể. Trong trường hợp này, cậu sai. Cậu đã gây ra những kích động nguy hiểm. Cậu động đến tất cả bộ tộc. Cậu làm mất niền tin của dân Hmông, cậu dùng thủ đoạn không đúng chỗ.
- Nhưng có chiến thắng nào mà không có mặt trái của nó.
- Nhưng phải hạn chế các mặt trái, các mặt tiêu cực. Cách mạng không phải là phòng thí nghiệm. Tổn hại ở đây là tổn hại máu xương quần chúng, đồng chí, là làm cách mạng thụt lùi hàng chục năm.
Lần này thì Đắc hoàn toàn gục mặt xuống bàn. Chính mạch lạc, khúc chiết, mà vẫn rất hậu tình, thông cảm. Chính cao hơn nhận thức thường tình, vì đứng trên một nền tảng triết học vững vàng; vì lý luận của anh hoà quyện với thực tiễn sinh động. Chính nghiêm túc và uyển chuyển. Còn Đắc, Đắc mới dừng lại ở cái vỏ của hiện thực và luận lí thôi.
- Tôi sai rồi - Tay vò mái tóc rậm rối tự nhiên, mặt Đắc nhăn nhó đau khổ thành thật - Tôi chưa khai tử được thói phiêu lưu, manh động, bốc đồng tiểu tư sản trong con người tôi. Anh Chính ạ, phải có một cuộc cách mạng nữa ngay trong bản thân tôi…
Chính quay đi:
- Giải phóng con người thật là một khoa học lớn và khó khăn thế đấy. Nhưng, triết học của chúng ta là niềm tin vô biên vào quần chúng. Quần chúng là của ta, chứ không phải là của địch. Nhiều người đã không hiểu điều đó, Đắc ạ.
Trời tang tảng sáng.
Ngoài sân chợ rộn ràng tiếng bộ đội hô tập thể dục.
Hai người bây giờ mới biết họ đã thức suốt đêm.