Vùng Biên Ải

Phần I - 1 -

Mình chết thật hay mình chết giả

Mình chết giả thì mình dậy đi.

…Lúc này, người và vũ trụ u mờ, lạnh ngắt

Nơi thiên đình ta dẫn mình đi chơi mọi chỗ.

Phơ-rô-pông chợt nhớ tới những câu hát trong bài Khua kê (Bài hát "chỉ đường” thường hát trong đám ma người Hmông xưa) ở các đám ma người Hmông. Cảnh tượng và không khí lạnh lẽo có cái gì đó rất giống một cuộc tang lễ ở bộ tộc này: tử thi bị dựng dậy, trói vào cột nhà, dưới chân là những hạt cơm rơi và con cháu ngồi khóc than trong tiếng khèn, sáo ủ ê, mù mịt. Nhất là lúc này, trời đã tối. Trong cái lô cốt chìm, bóng đêm vừa tụ lại, và ngọn đèn măng sông vừa được mang vào toả một vầng sáng vàng vọt, ma quái; một thứ lửa hấp hối giống như ngọn lửa thiêu huỷ các giấy tờ, tài liệu, mật mã buổi đêm qua ở đồn Pha Kha này.

"Đây không phải là ngày tận thế!" Phơ-rô-pông cố xua đuổi nỗi sợ hãi. Cũng là lúc ngọn đèn măng sông đã thôi dao động, sáng loà, khiến tất cả các sắc màu trong vòng sáng của nó đều phai bợt, xơ xác. Mắt Phơ-rô-pông không còn màu xanh óng ánh. Làn da thường khi hồng hào hơi men cũng nhợt thếch và chòm râu vàng triết nhân của y bỗng khô cứng như cỏ mùa lạnh.

Ánh sáng là một nghệ sĩ tạo hình. Trong căn hầm chìm sâu dưới lòng đất ở đồn Pa Kha, nơi đồn trú của hai đại đội Ta-bô, một đại đội dõng, đêm hôm khuya khoắt này, khuôn mặt của những kẻ hiện diện đầu giống như một bản sao khuôn mặt Phơ-rô-pông, vừa quái dị, bí hiểm, lạnh lùng, vừa ngơ ngác, mê hoảng. Đó là khuôn mặt sau chiến trận. Đại bác nổ loạt danh dự cuối cùng. Chiến sự chấm dứt. Nỗi thống khổ của thất vọng đang hành hạ những kẻ chiến bại khiến Phơ-rô-pông vừa uất nghẹn vừa bẽ bàng.

"Không! Đây không phải là ngày tận thế. Đây là bình minh của bảy ngày Đức Chúa Trời sinh thành ra thế giới". Phơ-rô-pông nghĩ và đưa mắt sục sạo khắp căm hầm. Mắt y lại dồi dào sinh lực, lại ngời ngời niềm tin khi lướt qua từng khuôn mặt quen thuộc. Tuy vậy, khi điểm đến khuôn mặt kẻ thân tín cuối cùng, y bỗng thấy hẫng một cái như bước hụt.

"Hừ! Hắn vẫn chưa tới! Hay là hắn không tới?" - Phơ-rô-pông nghĩ, bối rối. Dẫu sao thì sau những phút chờ đợi nao lòng, đã đến lúc y phải quyết định bắt đầu cuộc hội họp quan trọng này rồi. Vừa lúc cửa hầm chợt sáng bừng một ngọn đuốc lớn và nhô vào một cái đầu trọc lốc. Tiếc thay, kẻ mà viên quan tư Pháp mong đợi không phải người này. Người này chỉ là Giàng A Lử, đồn trưởng đồn pac-ti-dăng Cán Cấu. Lử huơ bó đóm pơ-mu, cái mặt gồ ghề đen sì một vệt ria to bằng con bọ hung nghênh nghênh, khinh ngạo:

- Bắt đầu chưa, thưa ngài quan tư? Dà dà… tính người Hmông tôi là: có thịt thì băm ngay tức khắc.

- Yêu cầu tắt đuốc!

Lử nghiêng mặt về phía có tiếng nói, rồi cúi xuống, vẻ khó chịu: giụi bó đóm xuống nền hầm, hắn xếch khẩu poọc-hoọc đeo ở bên sườn, đi vào. Ánh sáng tụt xuống một nấc. Căn hầm lập lòe thứ ánh sáng dè dặt của que diêm hút thuốc. Những lời trao đổi đan xen giữa tiếng ống điếu kêu ùng ục sôi nóng, tiếng bật lửa xẹt xẹt gai góc tóe tia lửa xanh chói lọi. Không khí có cái vẻ hỗn mang thiên địa vì những bóng đen bắt đầu ngọ nguậy, chuyển động. Và cái mặc cảm tăm tối về một cuộc đưa ma lại chập chờn dâng lên trong lòng Phơ-rô-pông.

 

Lúc này, người và vũ trụ u mờ, lạnh ngắt…

 

"Không! Không phải là đám ma. Đây là buổi khai sinh, một cuộc ăn ước, ăn thề ở làng Hmông". Phơ-rô-pông cố giũ ra khỏi ám ảnh, như cố vượt ra khỏi cái eo hẹp của hoàn cảnh, số mệnh.

Khốn khổ thay cho Phơ-rô-pông, Y chẳng được lựa chọn lịch sử để ra đởi! Chàng sĩ quan con nhà nòi, giàu nghị lực tâm huyết, được đào tạo công phu, đầy cá tính, chẳng được hưởng cái may mắn sống trong những thời điểm bình yên như những viên quan cai trị trước y. Trong khi y thừa sức để tạo dựng những công trình danh tiếng như bọn trước y đã làm. Thám hiểm cao nguyên Lâm Đồng, Công Tum, Plây Cu, Đắc lắc. Nghiên cứu và trước tác về người Hmông như đại uý kiêm thầy tu Sa-vi-na. Viết khảo luận về người Dao và dìm phong trào các dân tộc thượng du vào bể máu như đại uý tư lệnh Quân khu III Bon-ni-pha-xy. Tung hoành như con hổ dữ và sau đó cho xuất bản một tập khảo cứu dày dặn về người Thái đen, Thái trắng như quan năm Hăng-ri Ru.

Lịch sử thật không công bình, Phơ-rô-pông ít gặp may mắn. Y luôn luôn phải đi ngược chiều gió. Mà y đâu có phải là kẻ kém tài. Lặn lội ở đất này từ những năm còn trai trẻ. Bị bật đi sau cuộc đảo chính của Nhật, và trở lại đây sau năm 1947 gian nan, y vẫn kiên định chủ thuyết: Thổ ty là tất cả, Hmông bao giờ cũng vẫn là Hmông, một dân tộc trẻ, dễ gây gổ, hung hãn, tên lính xung kích của vùng cao biên giới; cái chủ thuyết rất có thể, sẽ đưa y vọt lên hàng danh nhân của nước Pháp. Chỉ tiếc là y đã không gặp thời. Tất nhiên ba năm chiến tranh đã dạy khôn y: Cộng sản đâu chỉ còn là cái bóng ma xa xôi đối với vùng núi cao hẻo lánh này. Sự vững chắc của nền cai trị của người Pháp ở đất này đã có dấu hiệu giống như sự tồn tại của đế quốc La Mã trước ngày nó sụp đổ.

Chao ôi! Chiến tranh bao giờ cũng đi liền với những cơn chấn động, những khúc ngoặt bất ngờ. Đành là thế. Nhưng, quả là chưa bao giờ Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp lại căng thẳng thần kinh như bây giờ, thu-đông năm một nghìn chín trăm năm mươi này.

Buồn thay! Mới hôm nào các sĩ quan đồn trú còn hí hửng báo cáo rằng: trinh sát Việt Minh đang tăng cường hoạt động quanh thị xã Lào Cai và phi cơ thám thính quả quyết: mũi tiến công chính của Việt Minh thu-đông này là Lào Cai, chứng cớ là đã phát hiện hàng trăm thuyền mảnh của họ đang hối hả vận chuyển lương thực, vũ khí và một binh đoàn Việt Minh mang mật hiệu K18 đang từ Phú Thọ, Yên Bái ngược đường lên Lào Cai. Những nhà chiến lược trong Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh đã mừng thầm. Các-păng-chi-ê, tổng chi huy, A-lếch-xăng-đri, tư lệnh quân viễn chinh ở Bắc Bộ và Mắc-sang, trợ tá của A-lếch-xăng-đri, tư lệnh hành quân, bắt tay nhau hí hửng: "Việt Minh sẽ mở chiến dịch Lào Cai. Nhưng đánh Lào Cai, Việt Minh sẽ phạm một sai lầm không thể tha thứ được”.

Nhưng, than ôi, kẻ mắc sai lầm lại chính là người Pháp. 15-9-1950, cả Bộ tư lệnh kinh hoàng vì một đòn trúng gáy: Việt Minh nổ súng mở màn trận tiến công cứ điểm Đông Khê. A-lếch-xăng-đri vội bỏ dở kỳ nghỉ hàng năm rời Paris về Hà Nội. Các-păng-chi-ê lật đật từ Sài Gòn ra Hà Nội, hấp tấp vù lên Lạng Sơn.

Hỏng rồi! Phòng tuyến đường số 4 sau ba năm cố công xây dựng đã sụp đổ tan tành. 13 tháng 10 mất Na Sầm. 16 tháng 10 thất thủ Đồng Đăng và ngay sau đó, 17 tháng 10, số phận Lạng Sơn đã được quyết định! Hướng chính đã bi thảm như vậy, mặt Lào Cai này sao có được số phận may mắn hơn!

"Vậy thì phải trả lại Xê-da cái gì của Xê-da! Trả lại Thượng đế cái gì của Thượng đế!” Chính trong những ngày khủng khiếp ấy, câu châm ngôn nổi tiếng kia bật ra trong y tưởng Phơ-rô-pông, lạy Chúa, sao lại hợp thời thế! Giờ đây, nheo mắt nhìn đám thuộc hạ đang lúc nhúc trước mặt mình, Phơ-rô-pông càng cảm thấy rõ ràng rằng: tình hình chưa phải là đã tuyệt vọng. Phải, những rường cột của xứ sở này còn nguyên vẹn cả. Chúng đang ngồi kia, lộn xộn một khối và có những đường ranh giới tế nhị.

Bọn Mường Cang túm tụm quanh viên thủ lĩnh Lý Kiêu Đương, cổ cao như cổ đà điểu. Lũ sảo quán (chức quan nhỏ như trung đội trưởng) Pha Linh thiếu tên cầm đầu, nhưng vẫn là những điệu bộ hung hăng, đang gầm ghè nhìn bọn cai, bộ dõng bu quanh Lử mới tới, ngồi ở phía đối diện. Chưa hết. Những tướng cướp gian ác khét tiếng đã quy thuận. Những chánh tổng, lý trưởng, phó lý, tổng đoàn, bang tá, hộ lại ở các châu, các bản. Những thủ túc tin cậy của các thổ ty họ La, họ Nông, họ Hoàng… Những sĩ quan Dao, Nùng, Giáy, Hmông được đào tạo trong ba năm qua, dạn dày với chiến trận. "Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong đám ruộng kia. Phải bán hết gia tài để mua đám ruộng đó”.

Lạy Chúa! Lời Chúa sao thiêng liêng vậy. Kho báu là đây. Cuộc chiến sắp tới tuỳ thuộc ở những gương mặt này. Chính họ sẽ lấp đầy nơi thấp, sẽ san phẳng núi gò. Đường quanh co họ sẽ nắn cho ngay, đường gập ghềnh họ sẽ bạt cho phẳng. Thời kỳ của các thổ ty già nua đường bệ quyền uy đã chấm dứt! Sân khấu đã xuất hiện một loạt nhân vật mới do Phơ-rô-pông tạo dựng: những tài năng thiên bẩm, táo tợn, bất chấp mọi thử thách khắc nghiệt, và trên tất cả là tuổi trẻ Hmông. Chao! Tuổi trẻ Hmông, với tất cả những ưu đẳng đặc thù của lịch sử, giống nòi.

- Các bạn cộng sự thân mến của tôi - Cất lời, Phơ-rô-pông cố giữ thật điềm đạm như giọng kẻ rao giảng - Tình hình thời cuộc đã tới những giây phút mà chúng ta phải gặp nhau để bàn định…

Căn hầm im phắc trong các cung bậc tình cảm khác nhau. Phô-rô-pông hiểu điều đó. Ngay trong đám hiện diện, sự khác biệt xúc cảm cũng đã có thể nhận ra. Cạnh lũ trai trẻ hăng hái, vẫn là những lý trưởng, chánh tổng đứng tuổi, nghe Phơ-rô-pông nói, đều ngước cả lên, cặp mắt sợ sệt như con chiên nhìn Đức Jê-hô-va, miệng lẩm bẩm lời khẩn cầu: "Người ơi, Người đi, tôi không có chỗ gối đầu! Người ơi, kẻ mù loà phải nhờ cậy người sáng mắt đưa đường”.

Trong cái đám ấy, Phơ-rô-pông chỉ ưa có mỗi khuôn mặt dài như mặt ngựa, hai con mắt hắt lên một niềm tin ánh ỏi thôi. Người này đứng giữa Giàng A Lử và một gã mặt sẹo tên là Seo Cấu. Lão có một vẻ xúc động rất lạ. Miệng lão cứ há hốc như muốn nuốt từng lời của y. Và khi Lử hét: "Chúng tôi không sợ!" thì lão cũng như bọn trai trẻ nhảy cỡn cả lên, rồi giậm chân, vung tay hò hét trong một cơn kích động thật mãnh liệt.

- Không sợ!

Lử lại thét:

- Ai sợ, ai thích đi, cứ đi! Cho cả ông tỉnh trưởng La Văn Đờ đi! Cút mẹ nó cả cha con Hoàng Văn Chao - Hoàng Văn Tưởng đi! Chuồn về Hà Nội và ngủ với đĩ! Đồ con gián. Ở đây là bọn tôi. Đánh nhau với Việt Minh là bọn tôi! - Lử thét và đấm bịnh một cái vào ngực mình.

Mặt Phơ-rô-pông đỏ gắt lên. Trước mặt y là hiện thân của những mộng tưởng, của những khả năng mà y đã tiên cảm thấy. Rạo rực, viên quan tư cũng bật lên tiếng gào:

- Chúng ta không bao giờ xa nhau!

- Ta là kim với chỉ. Ta không bao giờ xa nhau như vợ với chồng! - Lử rống tiếp và những gã trai trẻ cạnh hắn cũng há toác miệng rống lên theo hắn.

Phơ-rô-pông nuốt nước bọt:

- Tôi thực sự cảm động khi nghe được những lời tâm huyết ấy của các bạn. Các bạn ơi, hôm nay chúng ta họp với nhau như một cuộc họp ăn thể ở làng các bạn. Tôi có cảm tưởng tốt đẹp như vậy. Nhưng mục đích chung đã cố kết số phận chúng ta lại với nhau. Nay mai đây, cho dù có mỗi người một ngả thì chúng ta hãy nhờ tới giây phút đầy xúc động này.

Kể từ giờ phút ấy, căn hầm đã có hơi men. Lử sòng sọc rít thuốc lào. Seo Cấu ngọ nguậy, nghiêng nghé. Lũ Sảo quán hau háu và các chức dịch thôn bản thì đờ mặt lắng nghe. Cho tới khi tiệc rượu bưng lên, bày đặt ngổn ngang trên hai cái bàn lớn thì không khí như bột phát niềm hứng khởi. Không còn một gợn thất vọng. Chẳng còn một nét hoang mang. Tất cả đều như động cỡn, như lên cơn cuồng chấn trước chai rượu đỏ như tiết, món chim rán béo ngậy, miếng thịt bò bít tết ngọt lừ, trước những ảo ảnh huy hoàng của những ngày sắp tới. Những ngày sắp tới gian khó nhưng hấp dẫn xiết bao!

- Uống đi cho sướng. Sau này là ở trong hang, ăn ngô sống, uống nước lã đấy nhé!

Giữa những ồn ào, hoan hỉ, hả hê, chợt có một giọng khê đặc cất lên. Phơ-rô-pông quay nhìn. Y muốn tìm cái kẻ vừa nói cái câu vừa tinh khôn vừa tầm thường ấy quá. Nhưng sáp ngay đến trước mặt y là một thân hình cao, gầy, lụng thụng trong cái áo ca pốt dạ. Đó chính là cái mặt ngựa mà lúc nãy y vừa để ý tới.

- À… ông lý trưởng Giàng Súng - Phơ-rô-pông sực nhớ.

Cái mặt ngựa cúi xuống, thành kính, nhỏ nhẻ:

- Dạ, bẩm quan, Việt Minh có đến thì không hàng ạ. Dạ, sẽ tổ chức thành các nhóm ạ. Đánh du kích ạ. Dạ, họ mạnh thì chạy vào rừng. Vâng, đúng thế. Ám sát nữa ạ. Phao tin đồn ạ. Lập quỹ, lập cả kho nữa ạ. Dạ, phá từ trong phá ra… Dạ, ám hiệu cho tàu bay quan lớn là… ba đống lửa ạ.

Viên quan tư đặt tay lên vai lão lý trưởng:

- Đúng như thế. Trí nhớ của ông lý tốt lắm.

- Dạ, đứng đằng sau bọn trẻ phải nhớ để nhắc nhở họ chứ ạ.

- Không! không… Rắn càng già, nọc càng độc chứ, ông lý!

- Dạ… Hà hà…

Cả hai cùng bật cười. Nhưng, ngay lúc ấy, cả căn hầm bỗng giật mình. Lử vừa giật cái điếu ra khỏi mồm, thét một tiếng to, rồi đứng dậy, nhấc chai rượu, đổ ồng ộc ra hai cái bát lớn và chuệnh choạng đi tới trước mặt Phơ-rô-pông. Đặt kịch hai bát rượu sóng sánh xuống bàn, nhanh nhẹn rút con dao nhọn đeo bên sườn, hắn giơ ngón tay út lên. Xoẹt! Máu tứa ra trên đầu ngón tay Lử. Lử cười, hàm răng chuột nhỏ, nhọn hoắt, và chúc ngón tay ứa máu cho máu nhỏ xuống hai bát rượu.

- Quan lớn!

Tay rung rinh hai bát rượu đỏ hồng, giọng Lử líu ríu:

- Trên trời không có hai Ngọc Hoàng. Tôi họ Giàng tên Lử. Tôi chỉ thờ một bố. Bố tôi là người Pháp. Tôi thù Việt Minh. Dù thân này có vùi dưới ba tấc đất đen. Dù tắt hơi ở ngực…

Bát rượu trên tay Phơ-rô-pông nghiêng ngả. Giọng Lử rin rít:

- Người Hmông tôi thề nào tsồng, không độc! Thề Tắng tù độc hơn. Nhưng, thề mặt trời độc nhất. Sai lời thề, chết cả dòng họ. Tôi lấy cái đèn sáng kia làm mặt trời!

Thật là một ý nghĩ bất ngờ và độc đáo. Phơ-rô-pông muôn vàn trí xảo, khôn ngoan, có vợ Hmông, hiểu kỹ càng tới mức đang viết chuyên khảo về dân tộc này, lần đầu tiên ở vào thế bị động. Y nâng bát rượu, nhìn hai con mắt toé lửa của Lử.

- Ai phản bội, người ấy…

- Ực ực…

- Khà khà…

- Ha ha…

Tiếng reo tán thưởng nổ tung sau đó. Những cuộc ăn thề tay đôi, tay ba, tay tư đã được châm ngòi. Các sảo quán Pha Linh trổ tài cắt cổ gà một nhát chết tươi, dốc tiết gà pha rượu thề. Ăn thề! Cả đám người rên lên hào hứng, khoái trá. Các món ăn lại đưa lên. Xá xíu, xíu nhục, lạp xường, khâu nhục, những món ăn Tầu bên cạnh những món ăn Tây. Trong đời, đã có bao giờ được ăn thoả thích như thế. Chúng hập vào các bát đĩa ngồn ngộn và mặt mũi, tai, cổ đỏ ửng, đỏ gắt, đỏ tía lên rồi tái dần, nhợt xanh, nhợt xám, nhợt bệch. Chỉ có hai con mắt là mỗi lúc một sáng, sáng loé như mắt thú ăn đêm.

Phơ-rô-pông uống ít. Y muốn đứng ngoài cuộc đấu tửu và chốc chốc lại đưa mắt ra ngoài cửa hầm, nao nao nỗi tiếc nuối: "Vậy là hắn không đến? Hắn, con chủ bài, con số một của tương lai, vì sao lại vắng mặt trong buổi gặp gỡ này? Vắng hắn, cuộc sinh đẻ sẽ ra sao?”. Nhưng, một lần nữa, Lử lại làm náo động căn hầm. Lử đứng dậy, lúc lắc cái đầu tróc méo mó, mắt đỏ đọc:

- Đi! Cứ đi hết cả đi! Tất cả các ông Châu. Cả Châu Quán Lồ, cả Châu Quán Lồ một mắt cũng đi đi. Tôi… tôi, Giàng A Lử ở lại đây, làm cái cột đá.

- Húi!

- Cái cột đá buộc lợn là mày.

- Im.

Lử vung tay:

- Họ Giàng tao to nhất. To nhất. Họ Châu, họ La không đủ mặn cho bát canh của tao.

- Câm đi! - Mấy sảo quán Pha Linh bật ngay dậy, tay sờ chuôi dao. Phơ-rô-pông bước ra bàn tiệc.

Và Lử vừa chồm tới:

- Thưa quan bố mẹ! - Lử ôm chầm viên quan tư và đột ngột giụi cái đầu trọc vào ngực y.

- Quan bố mẹ đi! Ừ, thì cái lý phải thế. Nhưng mà lòng tôi nhớ, tôi nhớ…

Phơ-rô-pông rùng mình. Không khí man rợ quá. Y khẽ đẩy cái đầu trọc của Lử ra khỏi ngực mình:

- Ông Giàng A Lử! Chúng ta hãy can đảm lên. Ông Lử, hãy vui vì tuổi trẻ và trọng trách.

Lử ật ngửa đầu, lùi ra. Cũng bất ngờ như khi hắn chốm tới. Hoá ra hắn không khóc, cũng chẳng buồn.

- Ô hô! Thưa quan bố mẹ, tôi vui như chuột rúc trong bụng chứ. Tôi cười đây này. Hé hé…

- Ông Lử, nghe ông cười tôi lại nhớ hồi này năm kia, tôi đưa ông về chơi Hà Nội, Hải Phòng.

- Húi! Tôi được quan bố mẹ cho đi tàu bay, đi tàu hoả kêu tu tu. Ghét nhất là xuống đất rồi mà người cứ đu đưa như bị say thuốc phiện.

- Ông cứ hỏi tôi: sao Hà Nội không có con trâu? Ông thích trèo lên gác chơi. Ông bảo ông nhớ núi.

- Hè hè… Cái đèn điện sáng bằng ông mặt trời.

- Thế mà từ tàu bay bước xuống đất Pa Kha, chân ông chạy về Can Chư Sủ làng ông nhanh như chân ngựa.

- Hé hé… phải thế đấy. Phải thế đấy.

Lử cười sặc sụa, quay lại đám rượu, mặt vênh vênh. Ôi chao, có đứa nào trong bọn này được về Hà Nội chơi bời, ăn uống thoả thuê như Lử.

- Này, các người chưa biết đâu - Lử giơ ngón tay, chỏ vào ngực mình - Tôi, tôi thấy hết rồi. Tàu bay như sao sa nhé. Súng thì nhiều hơn củi của ta. Cả cái thiên lý kính nhìn xa mấy chục ngày đường nhé. Phăng-ki (Pháp) thật là đáng mặt bố mẹ ta rồi!

- Ông Lử - Chầm chậm bước lại cạnh Lử, Phơ-rô-pông hạ giọng, - Ông làm tôi cảm kích quá. Các bạn nữa…

Quay về phía đám rượu, viên quan tư bỗng cất cao tiếng nói:

- Các bạn làm tim tôi se lại trong bữa tiệc ăn thề trước buổi chia tay này. Chia tay với những người ruột thịt. Chúng ta là những người ruột thịt. Chúng ta cùng gốc tích tổ tiên. Người Hmông là người Phăng-ki ở trên núi cao. Thật thế. Ta ăn cũng bằng thìa. Ta đều ở xứ mát. Đàn bà, con gái đều mặc váy. Vợ chồng đi đâu cũng đi đôi, như cúc áo và khuyết áo. Ồ, vừa rồi rôi được biết người Hmông có chuyện cổ Tố nđồ tố tề - Dệt trời, dệt đất. Trời, các bạn ạ, hệt như chuyện Chúa sáng thế, Chúa sinh ra các vì sao, mặt trăng trong bảy ngày.

- Phải thế đấy - Lử đế theo hăng hái.

- Nhân nói chuyện Chúa sáng thế, tôi bỗng nảy ra cái ý so sánh. Hôm nay chúng ta họp mặt ở đây vì một mục đích chung: chúng ta khai sinh ra một thế trận mới.

- Ua la hồ! Phải thế đấy!

Lử gật đầu, sáp đến trước mặt Phơ-rô-pông:

- Được. Với Việt Minh, máu phải đền máu, thịt phải đền thịt. Tôi sẽ ở lại làm việc cho quan bố mẹ. Nhưng quan bố mẹ phải cho tôi cả lon nữa chứ!

Thật là bất ngờ. Phơ-rô-pông bật cười:

- Ông Lử! Chớ lo cho ngày mai. Ngày mai sẽ lo cho ngày mai - Đưa mắt nhìn suốt lượt như điểm mặt tất cả những kẻ có mặt trong căn hầm, giọng viên quan tư trịnh trọng hẳn lên - Các bạn! Tướng Xa-lăng nói: Tôi ghét nhất việc đóng đồn bốt, biến những chiến binh của ta thành những kẻ trưởng giả mũ cao áo dài. Các bạn là những chiến binh dũng mãnh. Các bạn hãy thực hiện lời tướng Xa-lăng. Chúng tôi sẽ thoả mãn các bạn. Kể cả chức tước và lương bổng. Chúng ta sẽ sòng phẳng.

- Được đấy!

Lử thích chí. Và lần này cơn phởn của hắn lại gây đột ngột cho Phơ-rô-pông. Hắn nhảy lên và ôm choàng lấy viên quan tư.

- Quan bố mẹ ơi! Tôi muốn hôn quan bố mẹ quá!

Phơ-rô-pông gượng cười, nhưng vội dang hai cánh tay lực lưỡng ôm cái thân hình nhỏ choắt, rắn đanh lạnh toát của Lử.

"Ju-đa Ich Ca-ri-ốt bán Chúa lấy ba mươi đồng ngay trong bữa tiệc Chúa với mười hai sứ đồ. Ju-đa nói: “Người nào tôi sẽ hôn, ấy là người sẽ bắt lấy".

Rời khỏi cái hôn sặc sụa mùi rượu của Lử, Phơ-rô-pông rùng mình, nghĩ. Và khi nhìn thấy Lử cười, lòng y lại trào dậy nỗi khắc khoải chờ mong từ đầu buổi họp mặt.

"Trời! Thế là con người ta mong đợi không đến thật rồi. Lử không thể để ta tin cậy. Lử, con trai ông Giàng Lẩu, người đầu tộc họ Giàng ở Can Chư Sủ, có em trai là Pao theo Việt Minh từ năm 1945. Lử khác cha, khác em hắn. Hắn cúc cung với ta. Nhưng sớm theo con đường du thủ du thực, nên mặc dầu được chế độ nhà binh rèn giũa, hắn vẫn mang cốt cách một tên đứng đầu đám cướp hơn là một thủ lĩnh dân tộc. Hắn hung hăng, dám làm cả những việc kinh động âm dương, nhưng hắn thô bạo, đồi bại. Hắn chỉ làm cho người ta sợ, người ta ghét thôi. Hắn không có được sự nể trọng, tình yêu mến của đồng loại. Hắn rỗng không, chẳng có gì để thờ phụng. Ta cần con người kia cơ.

Ôi, cuộc chiến đấu sắp tới muôn phần gian khó. Con người kia mới là kẻ mà Bộ Chỉ huy Pháp chọn mặt gửi vàng. Phải, con người ta mong đợi, hắn, chính hắn mới là xương bởi xương, thịt bởi thịt của dân tộc hắn, một dân tộc không đất đai, vô tổ quốc, lang thang trong suốt trường kỳ lịch sử, lúc nào cũng cảm thấy thiếu không gian sinh toả, luôn ấm ức, không khuất phục, cuồng tín, đa nghi, do hun đúc liên miên trong cạnh tranh mà xuất hiện tài năng chinh chiến, trải qua bao xáo trộn càng trở nên cố chấp, cực đoan trong việc bảo lưu nền văn hoá riêng biệt của mình. Sao hắn không đến? Cuộc khai sinh ra một thế giới mới sẽ ra sao, nếu thiếu hắn?".

Gần sáng, cuộc họp kín phác thảo cho cuộc chiến tranh sắp tới mới kết thúc. Lử say khướt. Hắn dựa vào vai tên mặt sẹo - seo phải (thôn trưởng) Seo Cấu - chuếnh choáng, lử lả ra khỏi căn hầm. Sương ướt đầm cây cỏ. Bóng cây tông qua mu mờ nhoè trong sương. Seo Cấu còn tỉnh, hắn giữ vai Lử:

- Này, ông Tây nói gì dài quá, tao đ. nhớ được.

Lử khặc khừ:

- Nó nói nó đi. Nhưng nó vẫn là người chỉ huy.

- Đ. mẹ. Nó bỏ con Seo Váy à?

- Nó chịu để hố pẩu (người gốc, đứng đầu dòng họ) phạt hai mươi đồng bạc trắng, một tạ lợn rồi - Lử chớp mắt, lông mi dựng nhọn như gai chanh - Mày thích con Seo Váy hả? Nó về Can Chư Sủ rồi đấy. Hé… nó trắng thật. Nhưng không xinh bằng con Seo Ly, vợ mày. Không bằng con Pàng chị dâu tao. Đ. mẹ, con ấy khoẻ, tao hiếp nó, nó ăn lá ngón chết, tiếc quá!

Seo Cấu cúi đầu, lầm lầm bước:

- Vợ tao nó vẫn nhớ thằng Pao! Mày có biết thằng Pao em mày giờ làm gì không?

- Nó theo Việt Minh ba năm nay rồi. Có đứa nói nó làm quan to bên Việt Minh. Đ.mẹ, tao thù nó! Có tiếng chân ngựa rập rập ở phía sau. Rồi mấy bóng ngựa nâu vụt qua, sặc mùi hôi.

- Bọn sảo quán Pha Linh về đấy - Seo Cấu thầm thì - Chúng nó không đi theo ông Tây hả, Lử?

Lử kéo tay tên seo phải. Mặt Lử chợt nổi gân:

- Mặc mẹ chúng nó. Ba trăm thằng đi theo ông tư kia. Nhưng, kệ chúng nó. Này, Seo Cấu, tao hỏi: Người Tây có tin tao không?

- Tao có ở trong bụng nó đâu?

- Chúng cào nả (tiếng chửi) - Lử đẩy tên seo phải, tức tối ngồi thụp xuống - Nó tin Châu Quán Lồ hơn tao. Tao thấy mắt nó ngóng đợi thằng Châu Quán Lồ. Cả sau lúc tao hôn nó, nó cũng vẫn mong thằng Lồ. Đ. mẹ Châu Quán Lồ, thằng chột! Mày không đủ làm canh tao ăn. Tao là cái cựa gà trống mới mọc. Tao sẽ làm quan to. Tao sẽ làm tỉnh trưởng. La Văn Đờ, Nông Vĩnh Yêng. Hoàng Văn Chao… tất cả cút mẹ chúng mày đi!

Trời tảng sáng.

Lử đứng dậy. Mắt hắn nhoè nước. Hắn khóc hay sương làm ướt mắt hắn?

Cấu kéo tay Lử. Hắn muốn an ủi bạn. Nhưng Lử hất tay hắn và xốc khẩu poọc-hoọc:

- Thôi, tao về đồn đây. Thế nào cũng chơi nhau với Việt Minh đấy.

Đi được vài bước, Lử bỗng dừng chân quay lại, như bâng quơ:

- Này, Seo Cấu, tại sao đêm qua thằng Châu Quán Lồ nó không đến nhỉ?

Lử đã tỉnh, nhưng vẫn như say.