- Remy – bà Sibylle ngập ngừng nói – Mẹ không muốn con hiểu lầm về chuyện dưỡng đường.
- Con không đi đâu, mẹ ạ, đó là điều dứt khoát.
- Nhưng chúng ta chỉ muốn con đi đến đấy, vì thật tình chúng ta tin rằng điều đó tốt cho con.
Nàng thở dài, hối tiếc đã lỡ lời. Nàng nói:
- Cảm ơn mẹ đã có lòng nghĩ đến. Nhưng…
- Trời đất, Remy – Mẹ nàng cười ầm lên – Làm gì mà con phải cám ơn ba mẹ, chúng ta là ba mẹ của con. Ba mẹ yêu con.
- Con biết – Nàng ước chi có thể nhớ được đã cảm thấy một sự gần gũi với mẹ nàng như thế. Nàng ước chi có thể nhớ lại được căn nhà này, căn phòng này.
Nàng bất giác nhìn quanh, tìm xem có gì quen thuộc trong các đồ đạc bày biện ở đấy. Nàng chợt thấy cái chậu Sèvres có bốn chân để trên bàn dọn thức ăn viền vàng chung quanh và có hình vườn Versailles trên nền sứ xanh dương. Tự nhiên nàng biết món đồ ấy có từ thế kỷ IXX, thời đại hoàng kim của các đồ sứ có những họa tiết địa hình. Và nàng cũng biết cái chậu có chân ấy là một di sản mà gia đình được thừa hưởng từ lâu.
- Con đã bao giờ xác định cái chậu này là một món đồ riêng lẻ hay là một cái trong bộ đồ sứ, hở mẹ? - Nàng có cảm tưởng đó là một vấn đề có khả năng hấp dẫn nàng điều tra.
- Con luôn luôn tin rằng nó là một cái trong một bộ đồ sứ, nhưng mẹ không nhớ con đã bao giờ tìm ra một món khác tương đối giống nó về kiểu mẫu và phong cách để chứng minh điều đó – Mẹ nàng đáp – Tuy nhiên, cách đây hai hay ba năm, con đã tìm được vật liệu nguyên thủy để khắc họa hình ấy trên cái chậu. Thật sự là con đã tìm được một bản sao của bức tranh nguyên thủy. Nó ở đâu đó trong nhà, mẹ chắc vậy – Bà đặt tách xuống cái đĩa sứ và nghiêng đầu nhìn nàng với vẻ tò mò – Tại sao con hỏi? Con đã nhớ lại điều gì chăng?
Nàng lắc đầu:
- Con chỉ nhớ là nó đã ở trong gia đình ta nhiều năm rồi.
Bà Sibylle định nói lại điều gì đó nhưng thôi:
- Suýt nữa mẹ quên. Paula gọi điện thoại cho con sáng nay. Cô ta nghe tin con về, muốn mời con đến dự một bữa ăn tối nho nhỏ hôm nay. Tin tức lan đi quá nhanh trong thành phố này, phải không?
- Paula là ai? – Remy cố hết sức vẫn không thấy tên ấy quen thuộc.
- Paula Miches. Cô ta mang họ Michels trước khi lấy Daryl Gaylord. Nó với con là bạn thân nhất từ hồi còn để chỏm. Thật ra các con là một bộ ba: con với Paula và Jenny d’Anton.
Nàng lắc đầu chịu thua:
- Con không nhớ được ai cả.
- Mẹ chắc chắn con sẽ nhớ lại… với thời gian.
- Dạ – Remy nói, và tự hỏi sẽ mất bao lâu – Con có phải gọi lại Paula không?
- Không cần thiết. Khi nó nói cho mẹ biết về buổi chiêu đãi, mẹ đã đón trước và xin lỗi thay cho con. Con không phiền lòng chứ?
- Không, vậy cũng hay.
- Mẹ nghĩ, có lẽ con muốn ở nhà tối nay với ba mẹ.
Có gì bên ngoài cửa sổ làm bà chú ý. Bà nhìn ra, và nói:
- Chiếc xe thùng của người bán hoa vừa vào. Mẹ hy vọng hoa hôm nay tốt hơn tuần rồi. Các hoa cúc rũ xuống thảm hại, và các hoa huệ bị úa các cánh chung quanh. Rủi thay mẹ đã ra ngoài khi họ đưa hoa tới, nếu không mẹ đã từ chối không nhận. Đến gần 6 giờ mẹ mới về, và lúc đó thì đã quá chậm, không xoay sở được gì nữa. Ông bà Girard và ông bà d’Anton đã hẹn đến ăn tối trong hai giờ nữa. Lúc 7 giờ, mẹ còn phải cắt các cành hoa úa đi và quấn đầy kẽm quanh các cánh hoa cúc rũ xuống, cố gắng thu nhặt lại để được vài bó hoa tươi trang hoàng trong nhà. Tệ hơn nữa, cả hoa hồng không tươi được quá ba ngày. Mẹ đã bảo Robert, nếu hoa tuần này không được tốt, mẹ sẽ trả lại hết và từ nay mua hoa chỗ khác – Bà lấy cái khăn ăn lên và đặt cạnh tách dĩa – Mẹ cáo lỗi để đi kiểm tra hoa hôm nay.
- Dạ.
Remy theo dõi bà đi ra khỏi phòng ăn. Tách cà phê của nàng đã cạn, nàng không muốn ngồi nán lại một mình ở bàn ăn. Nàng ra ngoài phòng ăn và thơ thẩn băng qua đại sảnh giữa nhà, và phòng khách chính.
Dù kiểu kiến trúc vĩ đại và có nhiều nét cổ kính ở trần nhà cao vút, căn phòng có vẻ đầy đủ tiện nghi và thường có người ở đấy. Cái bàn nhỏ kiểu Louis Napoleon để đầy các báo ảnh, và một cái áo dài bằng len mỏng màu trắng vắt ngang lưng chiếc ghế nệm dài kiểu Victoria bọc gấm màu nho khô, và hai bên có hai cái ghế ăn màu. Bên cạnh cái ghế dựa bọc vải nhung màu mỡ gà có một băng màu tía chạy quanh, là cái khung thêu của mẹ nàng, và cạnh đó là cái túi đựng dụng cụ thêu đan của bà.
Một cái bàn giấy kê ở góc phòng cạnh cửa sổ. Remy thơ thẩn bước tới gần và đưa tay xoa lên mặt gỗ, băn khoăn tự hỏi trước đây nàng có ngồi ở đây làm bài hay không, hay thay vì thế chỉ nhìn qua cửa sổ. Nàng sờ lên các hình hoa phong lan bạc màu, rồi mỉm cười khi nhìn thấy các tấm màn dệt vải hoa phong lan rũ xuống trên sàn nhà. Một dấu hiệu điển hình nhung tế nhị của sự giàu có trong thời đồn điền cũ, và là một truyền thống một lần nữa trở thành thời thượng. Quay lại, nàng nhìn quanh căn phòng một lần nữa, để ý cái bệ lò sưởi bằng cẩm thạch đen và tấm thảm Đông phương trên sàn nhà, với màu sắc đậm đà xứng hợp với các màu trang trí trong phòng.
Nàng đã từng ở trong phòng này bao nhiêu giờ? Chắc là hàng trăm. Thế nhưng không có gì ở đó khơi dậy những ký ức của nàng.
Nén một tiếng thở dài vì vẫn trống rỗng. Remy đi qua tiền sảnh, ở đó nổi bật là cái cầu thang lớn uốn cong xinh đẹp bằng gỗ gụ. Mắt nàng ngước lên nhìn hình hoa văn ở đầu tường chạy theo đường viền của trần nhà, và cái phù hiệu cầu kỳ có cắm lông móc ngọn đèn treo bằng đồng mạ vàng. Các vách dán giấy vẽ phong cảnh màu xanh, lặp lại một loại giấy có tính cách lịch sự nổi tiếng do Dufour chế tạo. Một tấm thảm làm ở Brussels trải dài trên sàn nhà bằng gỗ bách của tiền sảnh.
Có gì xao động ở bên lề trí óc của nàng, và nàng nhắm mắt lại. Hình ảnh hiện ra cũng là hình ảnh hiện có trước mắt nàng, ngoại trừ có thêm các cành lá mộc lan kết ở chung quanh lan can chạm trổ của cầu thang. Nàng nghe tiếng cười khúc khích dội lại và thấy nàng đang chạy ào xuống cầu thang, cố xuống đến chân cầu thang trước Gabe. Ông già Noel đã đến. Ông già Noel bằng tên Pháp của ông.
Từ trong màn sương của ký ức đó hiện ra một ký ức khác, của mùa đại hội hóa trang vài năm nàng bắt đầu vào đời, khi nàng đi lướt xuống cầu thang trong chiếc áo dài để khiêu vũ, một cái áo đẹp kinh hồn bằng vải xatanh trắng và ren, kết các hạt cườm và hạt đá quý lấp lánh. Và một lần khác mặc cái áo dạ vũ khác, kết những hạt trai và lông chim. Remy đã được bầu làm hoa hậu của hai buổi dạ vũ, làm mẹ nàng nở mặt nở mày, vì đó một là danh dự rất hiếm có chưa có ai được hưởng trước đó, và là dấu hiệu dòng họ Jardin có quyền thế và có uy tín lớn.
Remy cau mày cố nhớ lại cảm nghĩ của nàng về tất cả những cái đó. Nàng đã thích thú khi dự các buổi tiệc tùng, chiêu đãi và khiêu vũ quay cuồng ấy, hay nàng chỉ miễn cưỡng tham dự, vì coi chuyện được giới thiệu vào “ xã hội thượng lưu” là lỗi thời trong thế giới phóng khoáng ngày nay? Cả hai đều không đúng. Nàng đã coi việc đó như là một bổn phận, và việc nàng chấp nhận thi hành bổn phận ấy như là một sự thừa nhận gia đình nàng, cũng như việc nàng không được nhận những danh dự ấy có thể việc nàng không được nhận những danh dự ấy có thể phản ánh không tốt vào gia đình nàng.
"Có những điều người ta chờ đợi ở cô vì cô là một người của dòng họ Jardin” – nàng nghe những tiếng ấy trong trí óc nàng, nhưng không nhớ được ai đã nói. Nhưng những tiếng ấy vẫn còn lắng xuống ở đó, vừa âm vang, vừa duy trì một sức ép mà ngay cả bây giờ nàng vẫn còn cảm thấy.
Remy mở mắt ra, và cơn mê vụt tan biến. Tiền sảnh trước mắt nàng trở lại là một tiền sảnh của một toà dinh thự, mang đôi chút dư âm của những kỷ niệm xa xưa. Nàng tần ngần thêm một lát, rồi băng ngang qua tấm thảm Brussels, qua khỏi chân cầu thang, tới cánh cửa hai lá mở vào phòng làm việc của cha nàng. Dừng lại bên trong cửa, Remy đứng yên giữa các vách màu xanh rực rỡ của căn phòng. Hai bên lò sưởi là những kệ sách bằng gỗ, bệ lò sưởi cũng làm bằng đá cẩm thạch đen có sọc xám rất đẹp. Gần cửa sổ là một cái bàn thư viện bằng gỗ mun đen với các đồ dùng bọc da các đồ gỗ, cái ghế nệm dài và các ghế dựa bọc đã làm cho căn phòng có vẻ đàn ông rõ rệt hấp dẫn nàng. Nàng bước tới gần một cái ghế xích đu cũ kỹ, bọc da màu xanh lục đậm và có những đinh bằng đồng. Trên mặt bàn bằng gỗ mun để sát tường, cạnh cái ghế, để một cuốn sách của Virgil đã có bàn tay lật ra nhiều lần. Nàng khẽ vuốt lên mặt bìa da sờn của cuốn sách, rồi ngửi thấy mùi thuốc lá, và mắt bị thu hút vào cái giá để các ống điếu cạnh bên cuốn sách.
Những hình ảnh hiện ra nhanh chóng trong trí nàng như những hình chụp bởi một cái máy ảnh được bấm liên tiếp. Nàng cố tập trung chú ý vào những hình ảnh ấy và níu kéo những ký ức ào ạt trồi lên vẫn còn lẫn lộn với cái nền bên dưới chúng. Đột nhiên nàng thấy lại cha nàng đang ngồi nghỉ trên cái ghế xích đu, với mái tóc quăn ngay ngắn không có một sợi nào bị rối. Gương mặt nghiêm trang của ông đang nở một nụ cười tự hào và tán thành, trong khi ông đưa tay ra cầm một cái gì đó ở tay nàng.
Cái ống điếu. Đúng là cái ống điếu này! Remy lấy lên cái ống điếu bằng gỗ briar cũ, cái đuôi bị cắn gần nát hết một nửa, miệng ống điếu đã cháy sém nhưng cạo sạch hết thuốc và than. Bên cạnh nó, là một cái bàn thấm mực bằng bạc ròng, có các chữ đầu tên của ông khắc trên đó. Cái đó do nàng tặng cho ông vào dịp lễ Giáng Sinh khi nàng 12 tuổi. Remy nhìn xuống cái ghế xích đu và nhớ, và nghe lại tiếng nói của cha nàng, đầy khen ngợi và thương mến. Tình yêu thương chứa chan trong đó làm nàng sung sướng, cũng như đã tác động như vậy trong nhiều năm qua.
Mẹ nàng đi vào phòng, tay bưng một cái bình pha lê cắm hoa tuylip màu ngà, nổi bật lên giữa những cành lá trúc tơ xanh lục. Thấy Remy, bà hơi giật mình:
- Con làm mẹ giật mình. Mẹ tưởng không có ai trong này – Bà tiến tới bàn thư viện và đặt bình hoa vào một góc – Các hoa tulip trắng này đẹp tuyệt, phải không? Robert gởi tới để đền tội đợt hoa bị hỏng hết tuần rồi. Mẹ nghĩ rằng, các hoa này mà cắm ở đây thì tuyệt hảo, và biết rằng ba con sẽ thích lắm.
- Con đã nhớ lại ba rồi, mẹ ạ – Nàng qua bận tâm về sự nhớ lại tuyệt vời nên không sá gì một bó hoa tulip màu trắng hiếm hoi - Con đã nhớ lại ba - Ông không còn là một người xa lạ đối với nàng, một gương mặt vô nghĩa, một cái tên không có ý nghĩa gì riêng – Ba xưa kia hay để cho con nhồi thuốc vào ống điếu, và ba chỉ cho con cách nhồi làm sao để hút cho thông. Ba không chịu để cho ai khác làm, vì chỉ có con mới nhồi đúng cách – Nàng nhìn sững vào cái ống điếu cầm ở tay, ý thức có một cái gì nghẹn ở cuống họng, khi nàng nhận ra mình thương ông biết chừng nào, tôn thờ ông biết chừng nào. Trước đó, nàng không biết chắc chắn cảm nghĩ của nàng xưa kia đối với ông ra sao. Không biết hai cha con có gần gũi nhau không. Ông có quan tâm đến nàng không? Hay Gabe, con trai ông? Ông đã dành hết sự chú ý cho anh ấy? Bây giờ thì nàng biết – Đây là ống điếu ba con thích nhất!
- Phải… thật là khốn khổ. Mẹ đã muốn vứt bỏ cái ống điếu hôi hám ấy từ nhiều năm rồi, nhưng ba con không chịu. Tại sao? Mẹ cũng chả biết. Chẳng phải là vì ông không còn các ống điếu khác – Bà Sibylle khoát tay chỉ vào cái giá mang nhiều ống điếu.
- Mẹ không biết con đã cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào – Remy thú nhận – Con đã bực bội vì đã không nhớ được ba.
Bà Sibylle dịu dàng mỉm cười thông cảm:
- Ba con cũng bực bội vì chuyện đó, mẹ chắc con cũng đoán ra như thế. Ba con rất lo lắng về con, Remy ạ. Và ba con cũng cảm thấy có lỗi do việc cả nhà đã rời khỏi Nice vì đoán rằng con đã đi đâu đó vài ngày một mình, như con đã có ý định trước đấy. Cuối cùng, khi biết có chuyện gì không hay đã xảy ra, ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng, đáng lẽ chúng ta phải biết, con không đời nào rời du thuyền mà không một lời từ giã gia đình.
- Đáng lẽ ba không nên tự trách mình vì chuyện đó.
- Mẹ biết, nhưng ông vẫn vậy. Và thêm vào đó, còn đang có chuyện rất căng thẳng. Ông để cho mình bị ảnh hưởng. Ông vẫn đang bị như vậy – Bà loay hoay sửa bình hoa – Mẹ chắc vì vậy ba con đã gắt gỏng với con trong bữa điểm tâm sáng nay.
- Mẹ muốn nói khi con cãi lại ba về việc đi vào dưỡng đường phải không? – Remy đoán.
Bà Sibylle ngoái lại nhìn có vẻ sửng sốt, bà vội vã nói để che giấu:
- Phải, chuyện ấy nữa.
Remy biết ngay nàng đã đoán nhầm.
- Mẹ muốn nói về chuyện con hỏi về ông Brodie Donavan, phải không?
Do dự một chút, bà Sibylle nói:
- Phải – Bà quay lại với bình hoa và nói tiếp – Mẹ ước chi con đừng hỏi ba con về ông ta, mặc dầu thật sự đó không phải lỗi tại con. Trách nhiệm là của anh chàng Cole ấy đã khơi lại mọi sự. Anh ta không có quyền gì hạ bức chân dung của ông nội xuống và treo hình ông kia vào chỗ đó. Có thể mẹ không nên nói, nhưng Remy ạ, mẹ hy vọng con không bao giờ nhớ lại chút nào về cảm tình gắn bó của con đối với anh ta trong thời gian qua. Mẹ đã lo ngại cho con có một hành động gì điên rồ… - Bà bỏ lửng câu nói.
- … như làm phép cưới với anh ấy, phải không? – Remy gợi ý, nàng bỗng ý thức rằng bà Sibylle Jardin không thể nào chấp nhận một người có lai lịch như của Cole làm con rể.
Mẹ nàng quay lại:
- Remy, nếu mẹ muốn con làm vợ một người đàn ông tốt và được an toàn, thì điều đó có gì sai?
Remy nghĩ, đáng lẽ bà nên nói thêm ba chữ “chấp nhận được” sau chữ “tốt”.
- Mẹ ạ, con không bao giờ có thể lấy chồng để được “an toàn” – Nàng mỉm cười cãi lại.
- Không nên coi nhẹ sự an toàn. Hôn nhân không phải bao giờ cũng bảo đảm có hạnh phúc, Remy ạ. Đối với một người phụ nữ, tốt hơn hết là nên yêu một cách khôn ngoan.
- Mẹ đã làm vậy hả mẹ? – Nàng cảm thấy bực tức.
- Mẹ hết lòng vì ba con, và ba con hết lòng vì mẹ. Chúng ta đã sống 35 năm tuyệt vời bên nhau – Bà nói ngay để tự bào chữa – Và một phần lớn kết quả ấy là do chúng ta biết chia sẻ với nhau nhiều điều: cùng một lai lịch, cùng chung một số bạn bè…
- Những quan điểm giống nhau về cái gì nên hay không nên chấp nhận – Remy xen vô – Xin lỗi mẹ, con thấy chuyện này khó chịu quá.
Nàng quay gót định đi ra, nhưng vừa bước đi, nàng bị mẹ nắm tay giữ lại:
- Remy, mẹ rất tiếc. Mẹ không định làm chạm tự ai của con khi nói những điều ấy – Bà nói, có vẻ ăn năn thật sự – Có thể mẹ đã nói như một người kỳ thị giai cấp, nhưng mẹ đã thấy chuyện gì xảy ra khi hai người thuộc thành phần khác xa nhau lấy nhau. Mẹ đã thấy sự bối rối, sự ngượng nghịu, sự cứng nhắc trong các buổi họp mặt xã hội thượng lưu và những cố gắng can đảm để bắc cầu giữa hai giai cấp khác nhau. Không bao lâu sau đó, vấn đề một cuộc hôn nhân như vậy có được hạnh phúc hay không trong phòng ngủ chỉ là một phần nhỏ của một cuộc hôn nhân. Nếu bên ngoài phòng ngủ, cuộc hôn nhân không tồn tại được, thì cuối cùng nó sẽ không tồn tại được chút nào cả. Đó là lý do tại sao mẹ vui mừng thấy con không có hành động sai lầm với anh chàng Buchanan ấy. Con hiểu chứ?
Remy từ từ gật đầu, hơi gượng gạo một chút:
- Con hiểu.
- Mẹ hy vọng vậy – Bà áp hai bàn tay lên hai má của Remy – Mẹ biết con đã cắt đứt với anh ta, và mẹ rất tiếc lại nhắc đến tên anh ta.
Nàng đã cắt đứt với anh ta, ai cũng nói vậy, kể cả Cole. Vậy mà sáng nay ở bến tàu, khi nàng nhìn thấy chiếc tàu thủy chở container ấy và nhớ lại lần trước họ cùng nhau đến thăm nó, nàng đã nhớ lại mình đã yêu anh ta nhiều như thế nào, và đã tức giận như thế nào khi anh ta cố tình nói bóng gió rằng lai lịch của anh ta là một rào cản giữa họ. Và nàng cũng đã nhớ lại anh ta đã áp môi lên môi nàng như thế nào. Ngay bây giờ nàng còn cảm giác thấy cái hôn nồng nàn ấy như thế nào.
Sau đó, khi anh ta đã ngẩng lên và nàng nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của anh ta, nàng đã cương quyết bảo “em yêu anh, Cole Buchanan. Không có ai và không có gì làm thay đổi được điều đó bao giờ”.
Nhưng một cái gì đã làm “thay đổi” điều đó. Và trí nhớ của nàng trống rỗng về điểm ấy.
- Trông con có vẻ mệt, Remy. Tuy nhiên, cũng là phải thôi, vì con đã dậy sớm và đi lại từ trước khi mặt trời mọc – Bà Sibylle nói với giọng dịu dàng trách móc, và luồn một tay dưới cánh tay nàng, bà đưa nàng đi ra hành lang – Sao con không nằm nghỉ một lát.
- Có lẽ con sẽ nằm nghỉ.
Nhưng Remy không chắc là do mệt nhọc trong khi nàng để cho mẹ đưa mình đi từ phòng đọc sách đến tiền sảnh.
Mẹ nàng dừng lại ở chân cầu thang:
– Con hãy đi nghỉ, mẹ còn phải lo cắm hoa. Nhà sẽ đầy hoa khi con xuống, mẹ đã muốn như vậy khi con trở về nhà.
Remy nhìn theo bà đi về hướng phòng lộ thiên, rồi nàng quay lại cầu thang đi lên hành lang ở lầu hai. Cửa vào phòng ngủ của nàng vẫn để mở. Khi đến gần, Remy nghe có người đi trong phòng, miệng hát một điệu nhạc jazz, thỉnh thoảng chêm vào đôi câu hát. Nàng nhận ra ngay tiếng của Nattie và mỉm cười bước vào phòng vừa lúc chị ta đang hát “tôi có động tác Elgin trong hai hông của tôi với một thời gian bảo đảm là 20 năm…”
- Chỉ 20 năm mà thôi à – Remy nói chọc trong khi Nattie với tay lấy cái gối còn lại ở đầu chiếc giường kiểu cổ – Ít quá vậy?
Nattie giật mình nhìn lên, rồi đứng thẳng dậy, chống nạnh hai tay lên hông:
- Cô lên nằm phải không? – Chị ta hỏi thách thức – Bởi vì, nếu vậy thì tôi dọn giường cho cô để làm gì?
Remy nhìn chiếc giường, tất cả các tấm trải giường đã được lột ra và các trái gối chồng lên nhau trên sàn. Nàng không thể tưởng tượng ra cái gì khác là nàng sẽ chỉ xoay qua trở lại trên giường, dù nàng đã có ý nghĩ lên phòng nằm nghỉ.
- Không, tôi đi tắm và thay áo quần – Nàng đáp và bắt đầu mở nút cái áo vest bằng lên màu đen. Nattie lại cúi xuống nệm, kéo cái gối còn lại – Chị cũng làm cả việc nhà nữa sao, Nattie?
- Tôi? Dọn dẹp tòa nhà lớn này? – Nattie rũ và vỗ vỗ vào cái gối rồi liệng nó vào chồng gối ở trên sàn – Làm sao đủ thì giờ! Không, có những người đến quét dọn nhà mỗi tuần hai lần. Tôi thì làm giường, nấu ăn và coi sóc mọi thứ cho được gọn ghẽ mà thôi!
- Tôi thắc mắc vậy thôi – Cởi áo mặc ngoài sặc sỡ ra, Remy đi đến tủ áo ẩn trong vách, băng ngang trên tấm thảm hiệu Aubusson, cùng màu xanh lục xen lẫn màu vàng như căn phòng. Nàng gỡ một cái móc áo ra, và cau mày nhìn quanh tủ – Tôi tưởng cái nhà cũ này không có tủ ẩn trong tường chứ!
- Xưa kia đó là một cái buồng xép. Hồi còn ông cô, ông cụ thân sinh của cô cho sửa lại thành tủ áo – Nattie vừa nói vừa rũ tấm dra trải giường kêu phành phạch trên tấm nệm.
Remy móc cái áo vest lên móc áo và treo nó lên chung với áo quần khác.
- Chị làm cho gia đình tôi bao lâu rồi, Nattie? – Nàng quay ra và hỏi.
- Đến mồng 3 tháng 11 này là đúng 20 năm - Chị ta vuốt tấm trải giường thật thẳng cả bốn mép vào dưới nệm.
- Mồng 3 tháng 11, bộ đó là một ngày đáng nhớ lắm hay sao mà chị biết đích xác như vậy? - Nàng bước tới gần và dựa vào một cột giường gỗ gụ ở phía chân.
- Tôi biết, vì bắt đầu làm cho gia đình cô hai ngày sau khi tôi mất cái tiệm ăn, vào ngày Lễ các thánh – Chị nói với giọng bình thường không có gì lạ, tuy nhiên hai ban tay chị như thể bị khựng lại một chút.
- Chị đã có một tiệm ăn à? - Remy hỏi lại.
- Có, được 6 tháng. Tiệm ăn ở chỗ tốt lắm. Tôi gọi nó là tiệm Natalie, vì tôi đọc tên theo tiếng Pháp. Tôi đã nghĩ rằng tên ấy gieo ấn tượng tốt hơn ở vùng này – Chị dừng tay một lát, vẻ mặt trở nên xa vắng, và rồi bật cười, tiếng cười nghe như là tự cười mình – Thế đó, khi tôi mở tiệm ấy, tôi đã nghĩ không lâu mọi người sẽ nhắc đến tiệm Natalie cũng như đã nhắc đến tiệm Antoine hay tiệm Brenan. Tôi đã nghĩ lớn lối như vậy đó.
- Chuyện gì đã xảy ra?
- Bị lỗ không còn đồng xu dính túi, chuyện đó đã xảy ra. Tất cả những gì học được về ngành nấu ăn cao cấp ở Pháp, tất cả 10 năm trời tập sự ở trong các bếp của các khách sạn sang trọng, mà khi ở đó, tôi biết là tôi còn giỏi hơn các những đầu bếp đàn ông, tất cả những mơ ước của tôi, mất toi! – Chị ta nhún vai, làm ra vẻ dửng dưng, nhưng Remy biết lòng chị không dửng dưng như vậy.
- Tại sao? – Nàng hỏi cho được, vì nàng cũng tức tối như chị ta.
- Thì cũng là câu chuyện cũ. Hễ là đàn ông vào bếp thì được gọi là đầu bếp trứ danh, còn đàn bà mà vào bếp thì chỉ được gọi là đầu bếp, thế thôi. Và nếu là một phụ nữ da đen, thì khách ăn ai cũng đinh ninh rằng chị ta nấu món ăn chẳng ra gì. Họ chờ đợi thấy trên thực đơn những món như xương cổ, đuôi bò, và cơm gạo xấu, chứ không phải là suplơ, trứng cá hồi, vịt quay sốt vang, hay là bồ câu đút lò. Thế là tôi lỗ vốn, mắc nợ ngập đầu, với một đứa bé gái lên 9 tuổi phải nuôi. Bà nội tôi đã giúp việc cho ông nội cô trong gần 40 năm. Bà xin cho tôi vào làm ở đây, và từ đó đến nay tôi ở nguyên chỗ này.
- Tôi rất tiếc, Nattie.
Chị ta nhún vai và kéo tấm phủ giường lên trên các tấm dra.
- Việc đời thường là như vậy đó!
Remy lắc đầu có vẻ ngơ ngác:
- Làm sao chị kể lại tự nhiên như vậy được? Chị phải thất vọng, đau đớn, tức giận, cay đắng chứ!
- Tôi cảm thấy những cái đó và còn nhiều cái nữa – Nattie thừa nhận – Nhưng tôi không biểu lộ ra ngoài như các người mà thôi. Những người sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo nàn không để lộ ra. Làm như thể chúng tôi đã được giáo dục ăn sâu vào trong lòng như vậy, có lẽ vì có quá nhiều chuyện có thể làm cho tan nát cõi lòng. Chỉ những người sống trong cảnh giàu sang mới có thể tự cho phép mình khóc mùi mẫn, nổi giận lôi đình, tức tối đến xanh cả mặt.
Remy nghĩ ngay đến Cole, nhớ lai sự tự chủ sắt đá của anh ta trên cảm xúc. Quá tự chủ đến nỗi nàng đã thắc mắc không biết anh ta có cảm xúc sâu đậm về một thứ gì hay không. Có lẽ Nattie vừa cho nàng câu giải đáp về điểm đó cũng như thái độ bất cần đời của anh ta, nghĩ tới Cole làm nàng nhớ đến những lời anh ta nói về Brodie Donovan, và phản ứng của Nattie đối với lời giải thích của cha nàng.
- Trong bữa điểm tâm, khi ba tôi nói về ông Brodie Donovan, tôi có cảm tưởng chị không tin ông.
- Tôi không tin.
Chị ta lượm gối ở sàn và chồng từng cặp lên đầu giường.
- Tại sao?
- Bởi vì không phải như vậy.
- Làm sao chị biết? – Remy cau mày.
Nattie nhìn nàng, mỉm cười ra vẻ khôn ngoan:
- Những người đi vào ngôi nhà này bằng cửa trước chỉ thấy các cột trắng đồ sộ, cầu thang bằng gỗ gụ, và các khối thủy tinh của ngọn đèn treo. Nhưng những người đi vào bằng cửa sau thì biết ở đâu có bụi bặm.
Không cãi được câu nhận xét tinh tế đến vậy, Remy chỉ hỏi:
- Nhưng tại sao ba tôi lại nói với tôi một điều không đúng sự thật?
Chị ta lật tấm phủ giường lên che các gối và nhét các mép vào dưới nệm, đáp:
- Có lẽ là một trường hợp mong mỏi được như vậy. Đôi khi người ta muốn rằng một việc gì đó xảy ra như vậy, và cuối cùng cũng quả quyết là vậy. Thiếu gì gia đình đã sửa lại lịch sử của họ bằng cách đó. Cô hãy xem những gì đã xảy ra hồi trước khi New Orleans còn đang trên đường trở thành một thị trấn, và đàn ông đang không có đủ đàn bà để lấy làm vợ. Chính phủ Pháp gởi đến đây 88 cô, tất cả đều là phạm nhân trong nhà tù. Họ được gọi là những thiếu nữ ở những nhà trừng giới. Rồi 7 năm sau, vào năm 1728, chính phủ bắt đầu gởi đến một số con gái chọn lựa trong các gia đình trung lưu có đôi chút khả năng nội trợ. Họ được gọi bằng cái tên “các cô có rương” vì họ mang theo những cái rương nhỏ đựng quần áo và đồ đạc. Và ngày nay cô sẽ ngạc nhiên nếu biết được có bao nhiêu gia đình cổ xưa đàng hoàng có tổ tiên là một trong những cô gái có rương ấy. Nhưng các cô là gái ở nhà trừng giới thì lạ lùng thay đều không có con cháu gì cả.
- Rất lạ – Remy đồng ý và mỉm cười, rồi một lần nữa trở nên nghiêm túc – Chị nói cho tôi hay, chị biết gì về Brodie Donovan, Nattie. Ông ấy là ai? Có phải ông ta sáng lập ra công ty Crescent? Gia đình Jardin thừa hưởng của ông ta bằng cách nào?
- Để xem… - Nattie cầm một cái áo gối màu vàng và xanh lục giống như tấm phủ giường, và ngừng lại như tập hợp các ý nghĩ trong đầu – Tôi không biết cô còn nhớ được bao nhiêu về lịch sử của New Orleans, nhưng hồi đầu những năm 1830, một thời gian ngắn, sau khi đường xe lửa Ponchartrain dài bốn dặm giữa thành phố và hồ mang tên ấy được thiết lập, một số nhà kinh doanh ở khu phố Mỹ mới mọc lên, quyết định đào một con kênh xuyên qua khu đầm lầy, để cho các tàu chạy nhanh và tàu thủy khác từ Mobile có thể đi theo ngã tắt vào sông Mississippi. Huy động vốn để đào con kênh sáu dặm ấy không phải là vấn đề khó khăn, nhưng tìm ra nhân công mới là vấn đề. Họ không thể dùng các nô lệ, vì hai lý do. Cô thấy không, vào thời kỳ đó đã có luật cấm đem người da đen vào trong nước để làm nô lệ, có nghĩa là họ phải mua những người nô lệ đã có sẵn ở đây. Họ biết rằng, họ cần hàng ngàn nhân công cho công tác ấy, nhưng việc đó quá tốn kém, nhất là họ biết sẽ có rất nhiều nô lệ có thể chết vì làm việc trong vùng đầm lầy.
- Tại sao họ có thể chết?
- Thì cô cứ nghĩ đến những điều kiện làm việc tồi tệ trong thời ấy, cái nóng oi bức, bùn ngập tới bắp vế, và muỗi mòng như trấu, chưa kể rắn rít, và cá sấu. Và đừng quên rằng bệnh sốt rét vàng da là một cái dịch ở Lousiana trong thời đó. Phải đến đầu thế kỷ này người ta mới khám phá ra bệnh ấy do muỗi truyền đi. Trước đó, mọi người hầu hết đều nghĩ rằng, bệnh sốt rét vàng da do những hơi xông lên từ những khu đầm lầy. Dù sao, họ cũng đã nhận thấy rằng, các nô lệ da đen có giá quá cao để làm việc trong một chỗ như thế - Chị ta kể tiếp – Vì vậy, giải pháp tốt nhất là nhập nhân công từ Ailen. Không bao lâu, hết chiếc tàu thủy này đến chiếc tàu thủy khác chở đầy phu Ailen cặp bến ở New Orleans. Brodie Donovan lên 15 tuổi khi đến đây cùng cha và ba người anh trai vào năm 1835. Cũng như đa số các người Ailen, họ làm việc đào kênh. Chưa đầy một năm, một người anh chết vì bị sốt rét vàng da và người cha chết vì bệnh dịch tả. Trong bảy năm đào kênh, có hàng ngàn người chết vì các bệnh dịch tả và sốt rét vàng da. Có một lúc, có quá nhiều xác chết đến nỗi người ta chỉ quăng các thây ma lên các xe cút kít và vùi vào các lỗ đào dọc theo bờ kênh – Nattie dừng lại một chút để ngẫm nghĩ – Cũng là mỉa mai khi ta nghĩ lại chuyện ấy, nhưng thái độ của mọi người lúc đó thì cái chết của một người Ailen có làm cho ai phải quan tâm đâu. Luôn luôn có một người khác đang chờ điền vào chỗ của y.
Brodie Donovan là một người già với tuổi 20 vào lúc hoàn thành kênh đào mới. Cậu ta và các anh xoay qua làm việc ở các bờ kè. Theo bà ngoại tôi kể lại, lần đầu tiên ý nghĩ làm chủ một chiếc tàu thủy đến với Brodie Donovan trong chuyến vượt biển từ Liverpool sang New Orleans. Cái đó có thể là thật, nhưng theo tôi nghĩ, đó chỉ là một ước mơ cho đến khi cậu ta làm tại bờ sông – Môi chị ta hé mở một nụ cười, và đôi mắt lộ vẻ xa vắng – Bờ sông của New Orleans cổ ắt phải là một nơi đáng xem vào thời xa xưa ấy. “Đường chính của thế giới”, người ta đã gọi nó như vậy. Đủ loại tàu bè các cỡ, tàu thủy đi biển, tàu đi sông, tàu chạy hơi nước, tàu buồm, tàu đáy bằng… cặp dọc theo bờ kè trên một khoảng dài bốn, năm dặm, đôi khi cặp bến hàng hai, hàng ba. Theo ý tôi, Brodie Donovan đã thấy các tàu chạy hơi nước cặp vào, chở các kiện bông vải không còn chừa lại một phân vuông nào để trống, và cậu ta cũng đã nói chuyện với các thủy thủ của những tàu chạy trên sông, nghe họ kể về biết bao nhiêu kiện bông vải đang chờ ở thượng lưu, để được chở đến New Orleans và xa hơn. Cậu ta đã nghe, đã thấy. Và cậu biến giấc mơ của mình thành một kế hoạch. Sau một năm làm ở bờ sông, cậu cùng hai anh rời New Orleans đi lên Bayou Sara ở thượng lưu dòng sông. Ở đó ba anh em được một chủ đồn điền thuê phát quang một cụm rừng của ông ta, tiền công là số đồ gỗ họ hạ được. Họ đã dùng gỗ đó đóng một chiếc tàu đáy bằng. Rồi họ chất đầy bông vải lên chiếc tàu và xuôi dòng sông Mississippi xuống đến New Orleans, ở đó họ bán cả bông vải lẫn chiếc tàu. Họ trở lại ngay vùng thượng lưu và làm lại như vậy. Sau chỉ ba chuyến, họ mua một tàu chạy hơi nước cũ. Hai năm sau họ mua một chiếc nữa, rồi sau đó cứ mỗi năm mua thêm hai chiếc. Cuối cùng vào năm 1847, Brodie Donovan có được chiếc tàu đi biển đầu tiên, một chiếc tàu chạy nhanh. Và thế là công ty tàu thủy Crescent được hình thành.
- Nghe giống như giấc mơ của xứ Mỹ- Remy nói.
- Đúng thế – Nattie gật đầu – Sau vài chuyến vượt biển bằng chiếc tàu chạy nhanh, anh ta bán hết các tàu chạy sông và mua thêm tàu đi biển, nâng tổng số lên bốn chiếc chỉ trong vòng một năm. Một thành tích đáng kể, nếu ta xét rằng, chưa đầy 15 năm trước đó, anh ta còn lội trong bùn để đào kênh.
- Nhưng gia đình Jardin có được công ty tàu thủy ấy bằng cách nào? Và tại sao Cole đã bảo họ của tôi đáng lẽ phải là Donovan, chứ không phải là Jardin?
- Đó là vì cô Adrienne.
- Cô Adrienne là ai?
- Adrienne Louise Marie Jardin – Nattie đáp – Cô ta là một cô gái đẹp giống Creole (người da trắng đẻ ở thuộc địa), tóc đen mắt sẫm, người ta thường hay viết truyện kể về đời họ. Cha mẹ cô ta đều đã chết khi cô còn bé, vì bị bệnh dịch sốt rét vàng da. Adrienne và cậu anh trai, tên là Dominique được ông nội là Emil Jardin và một người cô tên là cô Zee Zee nuôi.
Bây giờ, cô nên biết là ở New Orleans đã có những người thuộc họ Jardin gần như từ đầu, vào khoảng năm 1718. Đến khi Brodie Donovan gặp những người thuộc dòng họ Jardin, họ đã làm chủ nhiều tài sản đất đai ở thành phố, cổ phần nhà băng, một đồn điền trồng bông vải ở địa phận Feliciana, và vài đồn điền trồng mía ở Baton Rouge, ấy là chỉ kê ra vài tài sản lớn mà thôi.
- Nói cách khác, họ đã giàu có – Remy xen vào.
Nattie xì một tiếng:
– Hừm, họ là một trong những gia đình Creole giàu nhất thành phố.
- Chị nói Brodie Donovan gặp các người dòng họ Jardin. Việc đó xảy ra hồi nào?
- Anh ta gặp “Adrienne” – Natttie sửa lời nàng – Đó là vào năm 1852…