Vũ Hội Hoá Trang

Chương 11

Mặt trời từ từ mọc làm tan sương mù còn lại ban sáng và bầu không khí ở khu phố trong trẻo một cách lạ thường. Nhưng cái lạnh ẩm ướt vẫn còn khiến Remy thọc hai tay vào hai túi trước cái áo khoác ngoài bằng len màu đen, và mừng vì đã mặc bên trong một áo len màu vàng cam, và cái quần xốp bằng len sọc carô đen trắng.

Nàng đã thức dậy từ khi hừng sáng, bồn chồn và bực bội quá, không nằm yên trong phòng được cho đến khi cả nhà đều dậy. Ý nghĩ đầu tiên của nàng là đi thơ thẩn trong căn nhà để xem các đồ vật quen thuộc có khơi dậy một vài ký ức nào của nàng không, như bác sĩ Gervais đã gợi ý. Nàng đi qua phòng khách màu xanh lam, rồi đi vào phòng lộ thiên có các ghế mây bọc nệm và những chậu cây cảnh, nhưng trong lòng cảm thấy căng thẳng, ruột nóng như lửa đốt không để ý đến gì cả. Và căn nhà trống rỗng cũng như tiếng bước chân nàng dội lại rỗng tuếch đã ám ảnh nàng.

Cuối cùng nàng không chịu được phải đi ra ngoài, trong sân đầy sương mai càng dày thêm do hơi nước bốc lên từ hồ bơi nước nóng. Suốt thời gian đó, sự thúc giục nàng đi khỏi nơi đây, đi, đã trở nên mỗi lúc một mạnh thêm. Sự thúc đẩy làm như một phần nào liên kết với cảm giác của nàng rằng một nơi nào đó đang cần sự có mặt của nàng.

Cuối cùng nàng không cưỡng được nữa, và để lại một mảnh giấy trong phòng nàng cho cha mẹ nàng biết rằng nàng đi dạo một vòng. Nàng rời ngôi nhà im lìm và ra đi, để cho sự thúc đẩy ấy hướng dẫn nàng đi, hy vọng rằng nó sẽ đưa nàng đến chỗ phục hồi lại trí nhớ phần nào.

Khi chiếc xe điện đến gần nhà thờ St. Charles, nàng trèo lên và đi suốt đến khu phố Canada, rồi băng qua đường đi vào khu phố Pháp.

Đi thơ thẩn dọc theo các con đường hẹp ở khu cổ thành, Remy ý thức sự yên tĩnh của khu phố còn đang ngủ. Còn quá sớm để nghe tiếng lọc cọc của các xe ngựa, quá sớm để thấy các nghệ sĩ chơi nhạc, đóng kịch câm hay nhảy múa trên đường phố, quá sớm để thấy các họa sĩ móc các tranh của họ lên hàng rào sắt xung quanh quảng trường Jackson, và quá sớm để các người ăn mừng lễ Mardis Gras trong đêm vừa qua thức dậy và đi lại. Không khác gì nàng có cả một thành phố dành riêng cho nàng. Nhưng không, không hẳn thế, vì nàng thấy một người đàn ông mặc áo thun có tay ngắn và quần sọc vén tấm màn ở cửa sổ lầu hai một căn nhà, lừ đừ nhìn ra bầu trời ban mai. Rồi Remy thấy hai bàn tay một người đàn bà luồn qua eo anh ta và ôm lên ngực anh. Miệng anh ta nhếch lên mỉm cười và bỏ màn xuống lại. Remy cũng mỉm cười, hơi buồn rầu một chút vì con đường phố rã rượi cũng đang khơi dậy trong nàng những nỗi nhớ nhung vô kể.

Tiếp tục đi, nàng ngắm nhìn các tòa nhà cũ kỹ nằm hai bên các phố ở khu Quartier, lơ đễnh thưởng thức vẻ đẹp của các mặt tiền đắp bằng thạch cao và các lan can bằng sắt uốn như đăng ten ở các bao lơn. Thế nhưng ở các mặt tiền ấy không có chỉ dấu gì về những sân trong bị che khuất. Có cái gi giống như mặt ngoài của nó bao giờ đâu? Đây là khu phố Pháp, nhưng kiến trúc lại theo kiểu Tây Ban Nha.

Một tiếng kèn clarinet vang lên trong sự im lặng của ban mai, những âm thanh trầm bổng và dịu dàng. Remy ngừng lại để tìm xem nó từ đâu phát ra. Kia kìa, trên một cái bao lơn, một người da đen đang ngồi, vẫn còn mặc cái áo sơ mi trắng và bộ đồ đen của đêm trước. Anh ta gác hai chân lên lan can bằng gang và cái ghế nghiêng ra sau trên hai chân trong khi anh ta thổi bản nhạc để đón vầng đông mọc sớm. Không có âm điệu than vãn, không có nhạc jazz trong đó. Chỉ có âm điệu êm ái, dịu dàng, buồn và khao khát.

Và cái đó cũng là New Orleans, Remy nhận thấy vậy. Dù rằng mặt ngoài trưng ra cho cả thế giới thấy là vui nhộn, nóng bốc hơi và cuộc sống sung túc, nhưng có một vẻ buồn rầu tế nhị ở đằng sau. Đây là quê hưong của nhạc jazz, nhưng cũng là nơi lớn lên của các ca khúc blues. Người Pháp có một câu gì đấy? “những vùng nhiệt đới buồn rầu”.

Remy lại đi, nàng sải bước nhanh hơn, để thoát ra khỏi tiếng kèn clarinet trầm tư ngọt ngào ấy. Nàng không muốn sự yên tĩnh và cô quạnh của khu Quartier nữa. Có một nơi không bao giờ yên tĩnh, ngày cũng như đêm, bất cứ giờ nào, và Remy đi thẳng đến đó, dọc theo ngõ hẻm giữa Cabildo và nhà thờ St. Louis với ba cái tháp sừng sững. Nàng bước đi trên đường phố lát đá tảng đối diện quảng trường Jackson, có các cổng vẫn còn đóng. Trong khi nàng đi vòng quanh quảng trường và bắt đầu đi ngang qua các lô nhà ở Pontabla lịch sử, một đàn bồ câu cất cánh bay lên trắng xoá, đập cánh giữa mùi thơm của các bánh rán và cà phê Lousiana vừa mới pha.

Cầm một tách cà phê thơm phức của tiệm cà phê Monde, Remy trèo lên cái đập và đứng đối diện với con sông Mississippi đục ngầu hôi mùi đất. Chuông nhà thờ đổ giờ và một chiếc xe tải giao hàng chạy qua rầm rầm trên đường Cecatur. Trước mặt nàng là khúc quanh hình lưỡi liềm của sông Mississippi, từ lâu đã cho New Orleans cái tên thân mật là The Crescent city.

Trên sông luôn luôn có hoạt động, luôn luôn có một việc gì xảy ra, luôn luôn có một vật gì đang di chuyển. Tàu kéo và xà lan, tàu buôn và tàu chở dầu, tàu hoa tiêu và tàu có bánh bơi chèo. Lưu thông luôn luôn hai chiều trên sông Mississippi, với những tàu viễn dương trôi dọc từ từ bờ sông, và những xà lan ôm sát bờ tây.

Remy uống một ngụm cà phê và áp hai bàn tay hai bên cái tách, hơi nóng từ thành tách bằng nhựa dẻo thấm qua tay nàng. Nàng bị thu hút bởi mùi hương, quang cảnh và tiếng động. Nàng thấy một tàu chở dầu lướt dưới sâu, trên mặt nước, đang đi về hạ lưu, tiếng máy nổ ì ạch vẳng đến tai nàng. Từ đâu đó ở thượng lưu vẳng đến một tiếng còi tàu hụ thật to.

Đang nhìn chiếc tàu chở dầu thì bỗng nhiên bất ngờ, một cái gì khác thoáng hiện ra như ánh chớp trong trí óc nàng, qua nhanh đến nỗi một giây nàng mới ý thức được đó là hình ảnh một chiếc tàu chở dầu khác bị bao phủ bởi bóng tối và sương mù. Nó hiện ra nhanh quá nên ngoài hình ảnh đó không có gì khác nữa. Nàng nhìn đăm đăm vào chiếc tàu chở dầu đang xuôi về hạ lưu, cầu mong thấy lại hình ảnh trong trí óc, nhưng không được nữa. Nôn nóng, nàng quay đi và bắt đầu đi thơ thẩn ngược lên trên đập, bị thu hút bởi sự náo nhiệt của dòng sông. Khi đến khu bờ kè, Remy vẫn cứ đi. Rồi nàng nhìn thấy biểu tượng của công ty, giống như biểu tượng Cole có trên tấm danh thiếp của anh ta. Chữ C với chữ L dính ở nửa vòng dưới, sơn trên một toà nhà. Nàng dừng lại, hơi sửng sốt. Phải chăng nãy giờ nàng đi theo sự hướng dẫn của tiềm thức đến bờ kè của công ty? Tại sao?

Nàng nhìn đăm đăm vào tòa nhà, hơi dầu dãi nắng mưa, hơi dơ bẩn, như hầu hết các nhà ở bờ kè dọc theo sông. Nàng cố gắng nhưng vẫn không thể nhớ lại nó như một quang cảnh quen thuộc. Phải chăng do ngẫu nhiên nàng đã đến đây thấy nó? Không chịu chấp nhận như vậy, nàng đi quanh tòa nhà dài ra cầu tàu.

Một chiếc tàu buôn bóng loáng đang neo dọc theo bến tàu, và cần trục cao nghệu trên boong đang bốc hàng từ trong khoang tàu bỏ xuống bờ. Trong giây lát, Remy đứng ngắm cảnh tượng trước mắt, tiếng quay ầm ầm của cần trục, tiếng động cơ rầm rầm của các xe nâng hàng, tiếng la ơi ới của các thủy thủ và phu khuân vác, mùi dầu cặn, mùi nước sông, và cả ngàn mùi khác mà nàng không nhận ra được. Một tiếng huýt sáo dài, như một tiếng rú của chó sói xé tan không khí, và tiếp theo là tiếng tán tỉnh thô lỗ:

- Ê, em bé, tối nay có rảnh không?

Qua đuôi mắt, Remy trông thấy một thủy thủ đang nhe răng cười và nhìn nàng từ đầu đến chân. Y đang quay qua nói gì đó với một bạn thân của y, thì một người đàn ông thấp và mảnh khảnh hơn, mặc áo sơ mi cụt tay, cầm một cái bảng kẹp giấy, và túi áo gài đầy bút mực, bút chì, từ đâu đi lại. Ông ta nói gì đó với người đã huýt sáo chọc ghẹo nàng. Ông nói nhỏ quá, Remy không nghe được, nhưng giọng ông rõ ràng là giận dữ.

Một cái gì đó thoáng hiện ra trong ký ức, khiến nàng lơ đễnh. Nàng cau mày, vì biết như vừa nhớ lại một điều gì. Nhưng điều gì? Nàng lại tập trung chú ý vào chiếc tàu buộc ở cầu tàu, có một cái gì cho nàng hay rằng điều vừa suýt nhớ lại có liên quan tới nó.

Nàng không để ý đến người đàn ông đang đi tới gần, cho tới khi ông ta lên tiếng:

- Tôi rất tiếc về chuyện vừa xảy ra, thưa cô Jardin. Cái thằng Bosco điên khùng ấy, đầu óc nó bằng đầu vịt. Nó không có ác ý gì. Chỉ vì nó không biết cô là ai.

- Không có sao, thật mà!

- Sáng nay cô dậy sớm. Cô cần gì không ạ?

Lần này tai nàng nghe thấy giọng nói của ông ta, nhưng không giúp ích gì được cho nàng.

- Không, tôi chỉ đi bộ một vòng.

Nàng để ý thấy biểu tượng của công ty ở ống khói của con tàu. Nàng hỏi:

- Tàu này tên là gì?

- Dạ, tên là Crescent Lady. Xin mời cô xuống xem.

Một cái gì hiện ra như ánh chớp trong óc nàng, nhưng một lần nữa, nó hiện ra quá nhanh và biến mất quá nhanh, nên Remy không nắm được. Nàng ráng sức nhớ lại, không để ý đến người đàn ông đang quanh quẩn bên nàng đầy vẻ lo lắng. Phải là một điều gì quan trọng. Nàng chắc chắn như vậy.

- Xin lỗi cô Jardin, nhưng tôi phải trở lại làm việc – Cuối cùng ông ta nói – Nếu cô cần gì, cứ bảo một cậu ở đàng kia tìm Henry cho cô.

- Cảm ơn.

Nàng đáp lại một cách máy móc mà không thật sự nghe ông ta nói gì. Nhiều ý niệm thoáng hiện ra nữa, nối đuôi nhau thật nhanh. Nàng đứng im lìm, cố không nghĩ, để cho chúng hiện ra. Nàng không thấy người đàn ông rời đi chỗ khác. Nàng không để ý đến những đôi mắt đang nhìn về phía nàng, những tiếng nói hạ thấp quanh nàng, những lời trò chuyện giới hạn vào công việc đang làm, sự thân mật giữa bạn bè bị đè nén trước sự hiện diện của nàng.

Một phút, hai phút, năm phút… Remy không có ý niệm gì về việc nàng đã đứng nhìn trừng trừng vào chiếc tàu bao lâu. Rồi một bàn tay nắm vào cánh tay nàng và kéo mạnh nàng xoay người lại:

- Cô làm gì mà đứng đây? – Cole tức giận hỏi. Anh ta đã không tin, khi Henry báo cáo nàng đứng ở cầu tàu – Cô không biết là không nên đi bộ ở bờ sông giờ này hay sao?

Dù là cái gì khác chăng nữa, New Orleans là một thành phố cảng lớn. Và giống như bất cứ hải cảng nào, nó thu hút nhiều phần tử không tốt. Cole biết điều đó. Anh ta đã lớn lên với nó, nhưng nàng thì không.

- Tôi đã từng đến đây – Nàng nhìn trừng trừng vào anh ta, đưa mắt lướt nhìn vào mặt anh ta với một vẻ xa vắng lạ kỳ, như thể thấy anh ta, mà cũng không thấy anh ta – Anh đã đưa tôi đến đây! – Nàng ngừng lại một chút, đưa mắt nhìn con tàu đang cập bến – Để xem chiếc tàu mới nhất của công ty, chiếc Crescent Lady.

Cole đứng im, lặng thinh, và nhớ lại rõ ràng, một cách sinh động buổi chiều ấy. Tất cả các điểm, từ hơi nắng ấm trên lưng anh ta, đến làn vải len của cái váy nàng mặc bay phất phơ trước ngọn gió mát...

- Sao vậy? Không có sâm banh à? – Nàng liếc mắt trách anh ta với vẻ đùa giỡn - Tôi tưởng anh đưa tôi đến đây để đặt tên cho chiếc tàu mới nhất trong đoàn tàu chứ? Tôi rất thất vọng!

- Lễ nghi đó chỉ được áp dụng khi một chiếc tàu được hạ thủy lần đầu tiên. Chiếc Crescent Lady đã tròn một tuổi rồi – Anh ta đưa nàng đi trên cầu thang lên tàu, bàn tay anh ta đặt len eo lưng của nàng, và ý thức hai hông nàng uốn éo, và hơi nóng của người nàng tỏa ra.

- Và chắc là người ta tin dị đoan nên không dám đặt tên lại một lần thứ hai – Nàng nói, giả vờ thở dài tiếc rẻ – Xưa nay tôi luôn ước ao có dịp đập vỡ một chai sâm banh ở mũi một chiếc tàu thủy.

- Cô phải chờ đến khi công ty có khả năng sắm một chiếc tàu thủy mới tinh để cô thỏa mãn ý thích hão huyền ấy.

- Nếu nói như anh, công ty đang ở trong tình trạng tài chính vô cùng khó khăn, thì làm sao còn đài thọ nổi ngay cả chiếc tàu này?

Cole làm ngơ trước câu hỏi châm chọc của nàng:

- Tai nạn chìm tàu xảy ra cho chiếc Dragon đã là một chuyện tốt lành, tuy ngoài mặt không phải vậy. Khi công ty bảo hiểm trả tiền bồi thường, tôi đã dùng một phần trong số tiền ấy và huy động thêm các nguồn tài trợ thông thường để mua chiếc tàu này.

Nàng liếc nhanh anh ta:

- À ra anh đã chi tiêu tiền bồi thường của công ty bảo hiểm vào mục này.

- Không phải toàn thể số tiền ấy.

- Tôi nhớ ba tôi đã bực tức – Nàng nói, không e ngại – Ba tôi đã nghĩ rằng phải chia lợi nhuận cho các cổ đông nhân dịp đó.

- Số tiền ấy thuộc công ty, không phải của gia đình.

Nàng cười to:

- Ông thích có quyền hành trên sự chi tiêu của gia đình tôi, có phải không?

Viên thuyền trưởng đang chờ để chào đón họ lên tàu, nên Cole khỏi phải trả lời câu nói của nàng, chẳng phải là anh ta cần phủ nhận. Trong thâm tâm phần nào anh ta thích chí vì có quyền hành như vậy trong tay. Và một phần khác lại sẵn sàng muốn trao đổi cái đó với quyền hành trong mối quan hệ giữa Remy và anh ta mới có từ ba tháng trở lại đây. Hai người đã gặp nhau đều đặn từ đấy, mỗi tuần gặp nhau từ hai đến ba lần, thường thường ở căn nhà của anh ta, thỉnh thoảng đi ăn tối ở ngoài, hay dự một buổi dạ hội địa phương, hay đi nghe hòa nhạc công cộng, hay xem triển lãm ở viện bảo tàng, hoặc một phòng bán tranh. Anh ta không hề đi dự một buổi chiêu đãi nào của xã hội thượng lưu với nàng, và từ chối thẳng thừng bất cứ sự gợi ý nào của nàng muốn anh ta gặp các bạn hữu của nàng.

Tuy nhiên, dạo này họ ở căn nhà của anh ta nhiều hơn. Anh ta đã nghĩ rằng như vậy hay hơn, và anh ta có thể đối phó với cuộc tình đang diễn ra giữa hai người. Anh ta đã nghĩ rằng có thể lợi dụng nàng, cũng như nàng lợi dụng anh ta. Nhưng trong mỗi ngày anh ta đã phải ép mình không nghĩ đến nàng bao nhiêu lần? Bao nhiêu lần anh ta ngồi ở bàn giấy, nhìn trừng trừng vào các báo cáo mà hình dung thấy thân mình thon thả và trắng trẻo của nàng nằm bên anh ta, những đốm vàng như tia nắng hạ bị mắc kẹt trong đôi mắt màu nâu đỏ của nàng, chỉ rực sáng với sự thèm muốn dành riêng cho anh?

Thế nhưng tất cả những cái đó sẽ không bền. Anh ta biết vậy và sự hiểu biết ấy là lá chắn che chở cho anh ta.

Cole giới thiệu Remy với người thuyền trưởng tên là Peder Van de Hor, một người Bắc Âu da thịt hồng hào, tóc vàng ngả qua màu xám tro. Sau khi đi xem sơ qua con tàu, giới hạn trong khu vực nhà bếp, các phòng ở của các sĩ quan, tới cầu chỉ huy, vì boong tàu luôn luôn bị chất chuyến hàng đầu tiên cho công ty, người thuyền trưởng để Remy đứng lại trên cầu chỉ huy vài phút, và Remy được dịp quan sát cần trục tốc độ nhanh đang cẩu các container được chế tạo đặc biệt lên boong tàu để sắp xếp vào các khoang ở dưới. Còn lại một mình với nàng, Cole nhận thức sự im lặng đang có giữa họ, nếu có thể gọi là im lặng, giữa tiếng ồn của các cần trục và tiếng gọi nhau của các phu khuân vác. Anh ta xích lại gần nàng hơn ở lan can, cố tình dán mắt vào các hoạt động trên boong tàu.

- Chi phí điều hành của chiếc Lady sẽ ít hơn nhiều so với Dragon mà nó thay thế. Không những thuỷ thủ đoàn ít người hơn, theo tỷ lệ, giảm bớt chi phí nhân công, mà các container kia còn giảm bớt sự mất mát, làm hạ được chi phí bảo hiểm. Dùng container còn có lợi là có thể chất hàng và xuống hàng trong vòng mấy giờ đồng hồ, nhờ vậy thời gian cập bến rút bớt, và hạ thấp phí tổn về nhân công, và còn có khả năng đi nhiều chuyến hơn, làm lợi thêm cho công ty – Anh ta nói, cố ý để lấp khoảng trống giữa hai người – Như viên thuyền trưởng đã nói khi chúng ta ở trên cầu chỉ huy, cái tốc độ cao hơn trung bình của chiếc tàu này…

- Thôi đủ rồi – Remy cắt ngang, vờ đưa hai tay lên trời ra vẻ đầu hàng, vừa cười vừa lắc đầu quầy quậy – Vô ích, Cole. Tôi sẽ không bao giờ phân biệt được giữa một tàu thuỷ chở container và một tàu thủy chở dầu.

- Cái đó có gì mà phải khoe khoang? – Cole đáp.

- Không phải là khoe khoang mà sự thật là vậy – Nàng quay lưng lại lan can, tựa hai cùi tay lên đó, để gió thổi lùa qua mái tóc – Nếu anh nói về đồ sứ thì là chuyện khác.

Câu nói của nàng hàm ý nhắc anh ta rằng, nàng là đồ sứ, còn anh ta chỉ là đồ gốm do đất sét thường tạo ra. Cả hai điểm anh ta đều không quên, mặc dầu nàng giả vờ không để ý. Anh ta chợt nhìn thấy chiếc phà ở xa xa đang lạch bạch băng qua dòng sông chảy cuồn cuộn để đến bến phà bờ bên kia, Cole quay lại lan can để nhìn theo nó.

- Chiếc phà đang chạy qua Algiers – Anh ta hất hàm về phía chiếc phà để chỉ cho nàng, và nàng quay lại, đưa tay vuốt mái tóc bị gió xoã xuống mặt – Tôi lớn lên ở đấy, trong một ngôi nhà tầm thường cạnh đường Socrates.

Tên đúng của nó là mũi Algiers, và do đâu mà có tên ấy thì không ai còn nhớ cả. Trong thời kỳ Pháp và Tây Ban Nha cai trị, những trại nhốt nô lệ đã được dựng lên tại đó để tiếp nhận những người da đen mới chở đến từ vùng Tây Âu hay Phi Châu. Mặc dầu bị ngăn cách bởi dòng sông Mississippi, Algiers là một phần của thành phố New Orleans, có nhiều người gọi là khu Algiers đen, không phải vì gốc tích của nó.

- Có người bảo rằng Algiers là nơi xuất phát các bài hát Blues – Remy nói, và nhìn về mũi đất nhô ra. Rồi nàng quay lại dán mắt vào anh ta với vẻ thẳng thắn cố hữu của nàng – Gần đây anh có trở về đấy không? Đang có nhiều công trình được phục chế và canh tân rất đẹp. Trên thực tế, khu ấy đang trở thành một nơi được ưa chuộng.

Cole cảm thấy ngay câu nói ấy không phải chỉ là một lời nói suông, mà có ẩn ý gì trong đó. Anh ta hỏi:

- Phải chăng cô hàm ý là tôi có thể trở thành được ưa chuộng?

- Tôi không biết – Nàng quay lại đáp, miệng cười mỉm chi để chọc anh ta – Anh có nghĩ rằng bản thân anh cần được phục chế và đổi mới không?

- Không.

Nàng cười lớn:

- Tôi cũng không nghĩ vậy. Thật tình mà nói, tôi không tưởng tượng được anh khác bây giờ. “chịu hay không chịu”, anh là thế đấy – Nàng bỏ lan can quay mặt lại với anh ta bằng một cử chỉ duyên dáng và xoa hai bàn tay lên vạt áo sơ mi của anh ta, không bị trở ngại vì cái áo vest và cái cravat của anh đã cởi ra và bỏ lại ở nệm sau xe hơi – Và tôi rất mừng vì đã quyết định chịu anh.

Anh ta chặn hai bàn tay đang luồn lên cổ anh:

- Vấn đề là cô định đưa tôi đến tận đâu, Remy? Gia đình của cô không chấp nhận chuyện… tình hiện nay giữa đôi ta.

Nụ cười mỉm vẫn còn trên môi, nhưng nàng rút tay lại và nhích ra xa một chút:

- Có ai nói với anh về việc đó sao?

- Không! – Nhưng anh ta cũng không ngạc nhiên vì thế – Cha cô đang ở trong một tư thế lúng túng. Có lẽ tôi chỉ xứng đáng để điều hành công cuộc kinh doanh của gia đình, nhưng không xứng đáng để lấy con gái của ông. Tôi chắc chắn không qua lọt cuộc trắc nghiệm về máu, để xác định thành phần “máu xanh” (máu quý tộc) trong mạch máu của tôi.

- Tại sao anh cứ nêu lên những chuyện phi lý đó?

Anh ta thấy nàng sắp sửa nổi nóng, nhưng làm ngơ:

- Bởi vì đó là sự thật, dù cô chấp nhận hay không.

- Anh có biết cái gì mới là sự thật không, Buchanan?

Cơn giận của nàng bùng nổ, hai mắt bắn ra những tia vàng rực:

- Anh lớn lên ở khu Algiers và tôi thì ở khu Garden, điều đó là có thật. Xưa kia anh nghèo và tôi sung túc. Anh đã đấu tranh để sống, còn đối với tôi, cuộc sống là những du thuyền trên mặt hồ, những buổi khiêu vũ trong mùa hè, và những buổi dạ vũ hóa trang trong mùa Carnival. Anh đã làm việc để kiếm tiền theo học đại học, còn tôi thì theo học ở một trường đắt tiền. Anh đã đấu tranh để tiến lên địa vị ngày nay, còn tôi thì không! Và tôi nghĩ rằng, như thế thì đã sao? Trời đất, bộ anh nghĩ rằng tôi xét đoán giá trị của một người đàn ông căn cứ vào gốc gác của anh ta hay lai lịch của anh ta hay sao?

Bây giờ nàng lại nói thế, cũng trong cơn nóng giận như vậy, và nhớ lại rõ ràng cả lời lẽ và cảm xúc của nàng lúc đó. Nghe nàng nói, Cole lại cảm thấy rung động dù tự kiềm chế như lúc đó.

Lúc đó, cách đây mấy tháng, nàng đã quay phắt đi nhưng anh ta không để nàng bỏ đi. Anh ta đã nắm tay kéo nàng xoay lại, vì cần thấy mặt nàng, để xem nàng nói thật hay không. Rồi anh đã hôn nàng, ngay trên cầu tàu, giữa tiếng huýt sáo tán thưởng của các phu khuân vác, và cơn giận của nàng đã đổi thành sự say mê âu yếm.

Anh ta cảm thấy bị thúc đẩy muốn diễn lại cảnh này cho đến hồi kết thúc giống như lần trước, và ánh mắt nàng cũng lộ vẻ thèm muốn như thế. Nhưng lúc đó anh ta đã tin tưởng ở nàng, đã tin rằng nàng khác những người khác, anh ta đã tin và đã phải trả giá vì vậy, một cái giá có thể còn lên cao hơn. Không, đã có quá nhiều thay đổi, đã có quá nhiều việc đổi thay. Anh ta không còn dễ tin nữa. Và tệ hơn, nàng cũng vậy.

Cole theo dõi sự thèm muốn tắt ngấm trong ánh mắt nàng, và anh ta không hề làm một cử chỉ gì, không hề đưa tay ra để giữ nó lại ở đấy. Có lẽ anh ta nên làm vậy. Có lẽ nàng đã quên hết. Có lẽ nàng sẽ không bao giờ nhớ lại, ngoại trừ một điểm là gia đình nàng sẽ tìm cách làm cho nàng nhớ lại.

Ngọn gió ban mai thổi một lọn tóc của nàng bay xõa xuống má. Nàng vuốt nó lên, và mắt họ không còn nhìn nhau nữa.

- Tôi nhớ giây phút ấy – Nàng điềm tĩnh nói – Chuyện đã xảy ra như thế, phải không?

- Phải – Tiếng anh ta nghe cộc lốc, và anh ta biết vậy. Cố che giấu điều đó, anh ta liếc vào đồng hồ tay – Tôi phải có mặt ở văn phòng trong 10 phút nữa. Tốt hơn, cô nên đi theo tôi, và tôi sẽ gọi taxi đưa cô về nhà.

Remy lắc đầu:

- Tôi đi bộ được.

- Giờ này thì không nên, và khu vực này càng không nên.

Anh ta cầm cánh tay nàng kéo đi khỏi bến tàu. Nàng cưỡng lại một chút, nhưng rồi thôi rồi để anh ta dẫn đến xe hơi.

Remy ngồi im lặng trong khi xe chạy ra khỏi bến tàu. Trước khi rời nhà đi sáng nay, nàng đã hy vọng sẽ nhớ lại một cái gì. Nàng đã nhớ. Nàng đã có được thêm một mẩu ký ức, một mẩu ký ức đẹp đẽ về nhiều mặt. Thế nhưng, sau đó… nàng có cảm giác rất mạnh mẽ là đã mất một cái gì? Tại sao? Tại sao nàng nghĩ vậy? Tại sao nàng cảm thấy vậy?

Nàng liếc trộm Cole. Ngay cả khi nhìn nghiêng, khuôn mặt anh ta cũng mang cái vẻ lạnh lùng và khó chịu đã lộ ra với nàng ở bến tàu. Làm như anh ta thù ghét nàng, cũng người đàn ông đã làm tình với nàng một cách vô cùng dữ dội, như tuyệt vọng, không chừa một điều gì không làm, mới hôm qua đây thôi. Tại sao anh ta đã thay đổi? Nàng đã làm điều gì? Hay là… vì anh ta đã làm một điều gì?

Nàng chợt cảm thấy căng thẳng, ráng sức để nhớ, và liền thư giãn trở lại. Ký ức của nàng không phải là thứ có thể ra lệnh cho nó trở lại, như nàng đã đau đớn nhận thấy. Để thay đổi ý nghĩ, Remy tập trung sự chú ý vào khu buôn bán của New Orleans đang mở ra trước mặt nàng với các phố giống như những cái vực thẳm chạy dài giữa các tòa nhà cao, đủ kiểu kiến trúc chọn lọc, với những tòa nhà theo kiểu thế kỷ IXX xen lẫn những nhà cao tầng bằng kính và bê tông của thế kỷ XX. Nàng chờ cho Cole rẽ vào đường Poydras và vào đến trung tâm của khu ấy. Nhưng anh ta lại rẽ vào ngã dẫn vào khu bán hàng quốc tế.

– Đi vào đây làm gì? – Nàng day qua Cole và cau mày, khi anh ta mở cửa xe phía nàng và đưa một bàn tay ra mời nàng bước xuống – Tôi tưởng anh phải có mặt ở văn phòng chứ?

- Đây là nơi đặt các văn phòng của Công ty Crescent Line – Anh ta đáp, và khoát tay chỉ về hướng tòa nhà baba tầng trong khi anh bước xuống xe không cần anh ta đỡ.

- Tôi không nhớ cái đó – Tại sao? Nàng tự hỏi – Ở đây lâu chưa?

- Từ đầu những năm 60, khi tòa nhà vừa được xây cất. Theo tôi hiểu, ông nội cô đã quyết định dời trụ sở công ty tới đây – Anh ta đỡ cánh tay nàng và dẫn đi vào cửa – Một hành động thông minh vì có khoảng 28 tòa lãnh sự nước ngoài và văn phòng thương mại đặt ở khu bán hàng này, cũng như nhiều xí nghiệp xuất nhập khẩu, công ty xà lan, và công ty tàu thuỷ khác.

Đáng lẽ nàng đã tỏ ra ngạc nhiên vì anh ta khen một hành động của một người trong gia đình nàng là một điều hiếm có, nhưng nàng vẫn còn lạ lùng vì các văn phòng của công ty nằm ở trong toà nhà này. Nàng không cãi lại anh ta, nói đích xác là vậy, nàng chỉ có một cảm giác mơ hồ là anh ta giấu nàng một điều gì, một điều mà nàng “gần như” nhớ ra một mình.

- Có xe taxi vừa đậu kìa! – Tay anh ta nắm chặt tay nàng. Khi anh ta bắt đầu hướng dẫn nàng về phía ấy.

Remy bước lùi lại:

– Không, tôi chưa muốn về nhà. Tôi muốn xem các văn phòng.

Anh ta mở miệng định cãi lại, nhưng rồi im lặng và quay đi về phía tòa nhà.

Khi lên đến lầu thứ 15, nàng thấy biểu tượng của công ty ở cửa, bằng chữ vàng có viền đen đề tên The Crescent Line. Một tấm bản đồ thế giới có ghi các hải cảng quan trọng và các đường hàng hải chiếm cả một bức tuờng ở khu tiếp tân, một cách trang trí rất điển hình của một công ty hàng hải, cũng như các mẫu tàu thủy viễn dương có đường nét đẹp và những kiểu tàu hiện đại lộng lẫy.

Nàng đi theo Cole dọc hành lang rộng đến khu văn phòng ban giám đốc. Nàng máy móc chào lại người thư ký của anh ta, nhưng không dừng lại ở bàn giấy bà ấy khi Cole làm vậy.

- Họ đến chưa? – Cole hỏi, trong khi Remy thơ thẩn không yên trong phòng giấy ngoài, cố tìm một điểm gì quen thuộc, bàn tay sờ lên tay vịn của một cái ghế nệm, và tự hỏi có phải đó là cái ghế mà Cole đã đặt bức tranh in lên để kiểm soát xem có hư hại gì không, rồi tiếp tục di chuyển khi nó không khơi dậy một âm hưởng nào trong đầu nàng.

- Chưa, thưa ông Buchanan – Bà thư ký khó nhọc mới giữ được thân hình mảnh khảnh trả lời, và nói thêm – Tôi đã để một chồng thư trên bàn giấy của ông, chờ ông ký.

Remy dừng lại một chút trước cửa vào văn phòng của anh ta ở góc tòa nhà, mơ hồ nghe Cole nói:

- Cô Jardin sắp về. Bà lo liệu cho có xe taxi chờ sẵn dưới nhà để đưa cô ấy về.

- Tôi lo ngay.

Bàn tay Remy đặt lên nắm cửa cô nhận thấy cần phải nhìn bên trong. Nàng vặn nắm cửa bằng đồng, đẩy cánh cửa mở toang. Nàng ngần ngừ rồi bước vào phòng. Đôi giày bốt cao nện vang trên sàn gỗ cứng cho đến khi nàng bước lên tấm thảm Tabriz dày. Ánh sáng ban mai lùa qua các cửa sổ rộng lớn, làm cho gỗ lát ở vách bóng loáng, gỗ gụ đã lên nước, mà trí óc cho nàng biết không phải chỉ mấy chục năm mới lên nước bóng như thế. Phải một thế kỷ, có lẽ, chứ mấy thập kỷ cũng chưa được. Cái ghế nệm dài bọc da và cả ghế dựa ở khu tiếp khách nhỏ hẹp cho thấy đã có quá nhiều bàn tay sờ vào. Và cái bàn giấy đồ sộ, có chỗ để chân khoét ngay giữa, rõ ràng là một món đồ cổ, hiệu Sheraton, nàng nghĩ thầm. Lạ lùng hơn bao giờ cả, nàng quay lại và bắt gặp Cole đang nhìn nàng theo dõi ngay bên trong cửa.

- Tôi không hiểu. Văn phòng này… cũ rồi.

- Phải. Ông cụ nội của cô dời trụ sở của công ty đi, nhưng đã giữ nguyên phòng giấy của ông cụ. Nó đã được tháo ra từng mảnh: sàn, vách và trần, lắp lại ở đây. Dĩ nhiên ông cụ đã phải chừa các cửa sổ của tòa nhà này ra, một cách miễn cưỡng, như tôi đã nghe nói lại.

- Trong tiềm thức tôi ắt hẳn đã nhớ ra cái phòng giấy này cổ xưa đến mức nào, mà không nhớ là nó đã được dời đến đây.

Nàng đưa tay quay một vòng trái cầu cổ kính trong cái giá Clippendale của nó, và tự hỏi nàng có chơi với nó khi nàng còn bé và đến đây thăm cha hay không.

- Nếu cô đã thoả mãn sự tò mò, hay thứ gì khác, thì tôi có việc phải làm – Anh ta nói cộc lốc và bước ngang qua phòng đến bàn giấy.

Remy ngẩng lên nhìn biết rõ anh ta muốn nàng ra về và nghi ngờ không phải chỉ vì anh ta bận việc. Nàng nói:

- Tôi có một câu hỏi khác.

- Cái gì vậy? – Giọng anh ta gay gắt, như cố ý tỏ ra cứng cỏi với nàng, giống như khi ở cầu tàu.

- Tại sao anh ra khỏi phi cảng tối qua mà không nói một tiếng với tôi hay với ai khác?

- Tôi có một câu hỏi dành cho cô. Tại sao cô không đi theo tìm tôi?

- Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi đó.

- Và có lẽ điều ấy, tự nó đã là một câu trả lời.

- Có lẽ.

Bước ra xa trái cầu, ánh sáng ở cửa sổ phản chiếu lại trên một bức chân dung đóng khung, làm nó mờ đi và lôi kéo sự chú ý của nàng. Trong trí nàng thoáng hiện ra hình ảnh một người đàn ông tóc bạc trắng, đứng cứng nhắc, mình mặc áo vest có hai ve rộng.

- Ông nội! – Nàng nhận ra ngay - Có phải đây là chân dung của ông nội tôi?

Không chờ Cole xác nhận, Remy bước tới để tự mình xem lấy. Nàng ngạc nhiên nhìn đăm đăm vào hình người đàn ông bảnh bao trong bức tranh sơn dầu, mặc một cái áo vest có vạt sau dài màu đen và một áo gilê bằng gấm màu bạc. Tóc ông không bạc chút nào, mà màu đỏ sậm, cắt khá ngắn, chỉ đến ngang vành tai, và rẽ ngôi hơi lệch về một bên, chỉ có điểm đó là chỉ dấu ông chịu khuất phục một chút, nếu có. Cặp mắt ông tươi cười, và một cái cười mỉm làm đuôi ria mép của ông vểnh lên, tạo ra hai nếp nhăn trên hai má rám nắng thật sậm của ông. Cảm tưởng toàn bộ là một người đàn ông mạnh khoẻ, đầy nghị lực, thích chấp nhận thách đố, không sợ rủi ro.

- Người trong tranh là ai thế? – Bức tranh này là một bức của anh, phải không? – Ngay khi vừa hỏi, Remy giật mình và hơi tái mặt – Tôi đã hỏi anh câu đó rồi, phải không?

Anh ta gật đầu, và chờ xem nàng còn nhớ được gì nữa không. Nhưng sau đó trống rỗng:

– Anh đã nói gì với tôi khi tôi hỏi?

- Đó là chân dung của người sáng lập công ty. Tôi tìm thấy nó bị chôn lấp dưới bụi bặm đã được 100 năm trong một nhà kho của công ty, dọc theo bờ sông.

Nàng nhìn lại bức tranh:

- Lạ lùng chưa. Ông ta không giống dòng họ Jardin chút nào.

- Bởi vì ông ta không phải là dòng họ Jardin – Cole nói.

- Cái gì? Chuyện ấy không thể có được. Từ xưa, người dòng họ Jardin luôn luôn làm chủ công ty Crescent Line.

- Không phải luôn luôn. Chắc chắn không phải trong lúc đầu. Người này, Brodie Donovan, sáng lập ra công ty Crescent Line.

- Donovan! – Trong lòng nàng muốn phủ nhận tất cả những gì Cole đã nói, vì chắc chắn rằng anh ta phải sai lầm. Nhưng nàng không nhớ được. Anh ta nói đúng chăng? Có phải đây là thêm một mẩu thông tin về gia đình nàng còn bị kẹt sau bức tường quên lãng?

- Đúng ra, Remy – Cole nói tiếp – Tên cô phải là Donovan, không phải là Jardin.

- Anh nói gì vậy? – Nàng hoàn toàn bối rối.

Anh ta định trả lời, nhưng nhìn ra cửa, anh ta ngừng lại một giây, và mỉm cười lạnh lẽo.

- Có lẽ cô nên nhờ chú cô giải thích cho.

Remy quay phắt lại phía cửa thông ra phòng ngoài đang còn để mở. Marc Jardin đứng chân trong chân ngoài ở đấy, cặp mắt màu sẫm của ông ta nheo lại nhìn bức tranh, môi mím lại có vẻ không bằng lòng. Rồi cái vẻ ấy biến mất, không còn lại dấu vết, thay bằng một nụ cười mỉm trống rỗng.

- Đấy là một sự ngạc nhiên, Remy – Ông bước qua tấm thảm tới gần nàng.

- Chú Marc. Chào chú.

Nàng chắc chắn ông ta đã nghe được những câu nói khẳng định của Cole vừa rồi về gia đình nàng, thế nhưng hình như ông ta cố tình làm ngơ. Tại sao? Sự im lặng của ông phải chăng chứng minh những câu ấy là đúng sự thật? Hay Brodie Donovan là một đề tài ông không muốn bàn đến trước mặt Cole? Một tiếng nói khẽ bên trong nàng bảo rằng “ các bí mật của gia đình nên để yên”. Nàng làm theo ông, và đáp:

- Sáng nay cháu đi dạo, và… cuối cùng đến đây.

- Có chuyện gì ông đến văn phòng sớm vậy, Marc? – Cole hỏi với vẻ hơi xa cách và dửng dưng – Vào giờ này thường thì ông còn ngồi với bạn bè ở tiệm cà phê của khách sạn Pontchartrain kia mà?

- Thường thì vậy – Chú nàng thừa nhận – Nhưng có cuộc họp sáng nay.

- Có cuộc họp sáng nay! Nhưng điều đó có liên quan gì đến ông? – Giọng Cole có vẻ lạnh lùng khó chịu, làm cho nhiệt độ trong phòng có vẻ như hạ xuống vài ba độ.

- Tôi cảm thấy nên có mặt ở đây – Marc Jardin trả lời, nụ cười mỉm trở nên hơi gượng gạo.

- Tại sao?

Cổ chú nàng bắt đầu đỏ ửng:

- Tại sao? – Ông ta cười lớn, hơi có vẻ gượng ép – Tôi là một quản trị viên của công ty, Cole, cũng như là một thành viên của hội đồng quản trị và một cổ đông quan trọng.

- Đúng là vậy – Cole đồng ý – Nhưng tôi e rằng ông đã quên bây giờ “tôi” thay mặt cho công ty. Và sự hiện diện của ông hôm nay không cần thiết.

- À ra vậy – Chú nàng lẩm bẩm, vẻ mặt và bộ điệu cứng nhắc, đờ người ra.

Nhận thấy ông ta không có cách nào để rút lui mà không bẽ mặt, Remy vội vàng lên tiếng:

- Nếu người ta không cần chú ở đây, cháu nhờ chú cho cháu quá giang về nhà, được không, chú Marc?

Ông quay lại, mắt ánh lên vẻ biết ơn:

- Chú rất sẵn lòng, Remy – ông đưa cánh tay ra mời nàng vịn vào một cách đùa giỡn. Remy vịn vào và cùng ông đi ra khỏi văn phòng của Cole.