Vụ Án Trường Oxford

Chương 10

“Mình ra ngoài hành lang một chút được không? Tôi cần hút điếu thuốc,” Seldom nói. Ông rứt tờ giấy Frank vừa viết ra khỏi tập, liếc nhìn qua rồi thảy vào sọt rác. Chúng tôi lặng lẽ đi ra khỏi căn buồng, rồi bước dọc theo lối đi vắng người đến khi gặp một khung cửa sổ mở ra ngoài. Chúng tôi quan sát một y tá nam đang đẩy chiếc xe về phía chúng tôi. Khi anh ta đi ngang qua, tôi thấy một tử thi liệm trong tấm vải, mặt bị che kín, chỉ thò một cánh tay ra ngoài. Trên cổ tay có treo mảnh thẻ ghi tên và bên dưới, tôi kịp nhìn ra là mấy con số có lẽ chỉ thời điểm tử vong. Người y tá lái chiếc xe đẩy một cách khéo léo, xoay và trượt nó đi qua một khung cửa hẹp rất dễ dàng.

“Nhà xác chỗ ấy à?” tôi hỏi.

“Không,” Seldom đáp. “Tầng nào cũng có một phòng y như vậy. Khi một bệnh nhân chết, thi hài tức khắc được đem ra khỏi buồng để giải phóng giường. Bác sĩ trực tầng đến xác nhận bệnh nhân đã chết rồi viết giấy chứng tử. Bệnh nhân sau đó được chuyển qua nhà xác bệnh viện, ở tầng hầm.” Seldom hất đầu về phía buồng Frank Kalman. “Tôi sẽ ở lại với Frank cho có bạn thêm một lúc nữa. Đấy là một chỗ tốt để ngồi suy nghĩ, ừ, ít nhất thì cũng tốt không kém bất cứ chỗ nào. Nhưng tôi chắc là anh sẽ muốn ghé thăm khu X-quang nhỉ,” ông mỉm cười nói. Khi nhìn thấy sự ngạc nhiên của tôi, mắt ông lấp lánh và nụ cười càng nở rộng hơn, “Oxford là một nơi nhỏ bé mà, anh cũng biết đấy. Dù sao thì cũng xin chúc mừng, Lorna rất tuyệt. Tôi gặp cô ấy vài năm trước trong một lần khám bệnh thường niên. Cô cho tôi mượn khá nhiều truyện trinh thám. Anh đã thấy bộ sưu tập của cô ấy chưa?” Ông nhướng mày vẻ thán phục. “Tôi chưa từng gặp ai hứng khởi với tội ác như vậy. Anh phải đi lên tầng trên cùng, dùng cái thang máy bên tay phải kia kìa.”

Thang máy đi lên với tiếng rên nặng nề như động cơ hơi nước. Tôi đi qua những hành lang chằng chịt rắc rối, theo hướng mũi tên chỉ về khu X-quang, đến khi gặp một phòng đợi bên trong có một người đàn ông ngồi, cái nhìn xa vắng, cuốn sách nằm trong lòng bị bỏ quên không động đến. Qua khung cách ly bằng kính, tôi nhìn thấy Lorna trong bộ đồng phục, đang cúi người phía trên một chiếc giường. Có vẻ nàng đang kiên nhẫn giải thích điều gì đó cho một đứa trẻ. Tôi nhích lại sát khung kính hơn, nhưng không đành lòng cắt ngang công việc của nàng. Nàng đặt một con gấu bông bên cạnh chiếc gối. Đứa trẻ trên giường là một cô bé nhợt nhạt khoảng bảy tuổi, đôi mắt hoảng sợ nhưng tinh nhanh, và những lọn tóc quăn dài phủ đầy mặt gối. Lorna lại nói gì đó và đứa trẻ ôm chặt lấy con gấu. Tôi gõ nhẹ trên khung kính. Lorna nhìn lên, bật cười ngạc nhiên, và nói câu gì đó bị kính ngăn không nghe được. Nàng chỉ cánh cửa ở bên hông, rồi làm điệu bộ cho đứa trẻ hiểu, với một cây vợt tưởng tượng, rằng tôi là bạn chơi cặp quần vợt với nàng. Nàng mở cửa, hôn tôi một cái vội vàng, và bảo tôi chờ một lát.

Tôi trở vào phòng đợi. Người đàn ông giờ đã quay lại đọc sách, cằm ông ta mọc lởm chởm râu và mắt đỏ quạch, như đã lâu chưa được ngủ. Hơi ngạc nhiên, tôi đọc thấy nhan đề cuốn sách: Từ các đồ đệ của Pythagoras tới Jesus. Người đàn ông đột nhiên hạ sách xuống và bắt gặp cái nhìn của tôi.

“Xin lỗi,” tôi nói. “Tôi bị nhan đề cuốn sách làm cho chú ý. Ông là nhà toán học?”

“Không,” người đàn ông đáp. “Nhưng vì lẽ anh quan tâm đến cái nhan đề, tôi đoán anh mới chính là dân toán học.”

Tôi cười, gật đầu. Người đàn ông nhìn tôi chằm chằm với một sự chăm chú làm người ta thấy nhột.

“Tôi đang đọc ngược từ sau về trước,” ông ta nói. “Tôi muốn biết thuở ban đầu mọi sự như thế nào.” Lần nữa, ông ta chiếu vào tôi cái nhìn chăm chú hơi có vẻ cuồng khích. “Tôi đang phát hiện những chuyện rất đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn, theo anh, có khoảng bao nhiêu giáo phái, hay những phe tín ngưỡng, vào thời kỳ của Chúa Kitô?”

Tôi cho rằng theo phép lịch sự mình phải thử nêu một con số nhỏ, nhưng trước khi tôi kịp trả lời, người đàn ông đã tiếp tục:

“Có hàng chục ở nơi này, hàng chục ở nơi khác. Đám Nazarene, đám Simonite, đám Phibionite. Peter và các tông đồ chỉ là một nhóm nhỏ nhoi. Một nhóm nhỏ nhoi giữa hàng trăm nhóm khác. Mọi sự đã có thể xảy ra khác đi một cách dễ dàng. Họ không phải nhóm đông nhất, hay nhiều ảnh hưởng nhất, hay tiến bộ nhất. Nhưng bọn họ có một mảy khôn ngoan giúp họ nổi bật lên khỏi đám còn lại; một ý tưởng đơn thuần, viên đá góc tường giúp họ theo kịp và loại trừ tất cả những nhóm kia đến khi chỉ còn lại chính mình. Trong khi mọi người chỉ nhắc đến sự phục sinh của linh hồn, thì họ còn hứa hẹn sự phục sinh cho xác thịt. Trở lại sự sống với thân xác của chính mình. Một ý tưởng mà ngay thời ấy nghe đã lố bịch và thô thiển rồi. Chúa sống dậy từ nấm mộ trong ngày thứ ba, đòi người ta cấu mình và ăn cá nướng vỉ. Ừ, thế chuyện gì xảy ra cho Chúa trong bốn mươi ngày trở lại trần thế?”

Giọng nói khàn khàn của ông ta có sự sôi nổi mang hơi hướng quyết liệt của người tự học hay mới cải đạo. Ông ta lúc này đã hơi chồm về phía tôi và môt mùi mồ hôi hăng toát ra từ chiếc áo nhàu nhĩ xộc vào mũi tôi. Tôi lùi lại theo phản xạ, nhưng khó mà tránh được cái nhìn chằm chằm cố định của ông ta. Tôi lắc đầu thú nhận sự dốt nát một cách thích hợp.

“Chính xác,” ông ta nói. “Anh không biết, tôi không biết, chẳng ai biết cả. Đấy là một bí ẩn. Hình như người ta chỉ thấy ngài đòi bị cấu và chỉ định Peter làm người kế nhiệm trên mặt đất. Tiện cho Peter đấy chứ, anh nghĩ thế không? Anh có biết là cho đến thời ấy, thi hài nào cũng chỉ quấn vải liệm mà thôi. Không hề có ai nhắc gì đến chuyện bảo quản xác cả. Nói cho cùng, thân xác chính là cái mà tôn giáo cho là chỗ yếu đuối, phù du nhất, dễ bị sa ngã vì tội lỗi nhất. Phải, không có gì ngoài vài chiếc quan tài gỗ ngăn cách chúng ta với thời kỳ ấy. Có cả một thế giới quan tài ở bên dưới thế giới này. Ở ven rìa mỗi thành phố là một thành phố khác, ngầm trong lòng đất, của những quan tài đặt thẳng hàng, nắp đậy chặt trông thật mủi lòng. Nhưng ở trong xảy ra chuyện gì, chúng ta đều biết. Trong vòng hai mươi bốn giờ đầu tiên, sau khi xác cứng lại, thi thể bắt đầu khô kiệt. Máu ngưng không chuyên chở ôxy, giác mạc mờ đục, tròng đen và đồng tử tán loạn, da nhăn lại. Ngày thứ hai, ruột già bắt đầu thối rữa, và những mảng xanh đầu tiên xuất hiện trên da. Nội tạng đã tắt nghỉ hoàn toàn, các mô nhũn ra. Ngày thứ ba, cùng với tiến triển của sự phân hủy, khí chui vào làm sình khoang bụng, và tứ chi hiện ra một màu xanh lục như cẩm thạch. Một hợp chất của cácbon và ôxy tiết ra từ tử thi, cái mùi xộc vào mũi mà anh ngửi thấy khi bỏ quên thịt bò trong ngăn tủ lạnh. Hệ động vật sống quanh xác chết, kể cả những côn trùng ăn xác chết, bắt đầu đến tìm thực phẩm. Mỗi quá trình trên, mỗi sự trao đổi năng lượng, đều liên quan đến một tổn thất không tái tạo được; không có cách nào trên đời người ta phục hồi được một chức năng sự sống. Đến hết ngày thứ ba, Chúa Kitô sẽ chỉ còn là một mảnh chất thải kinh tởm không thể ngồi dậy, bốc mùi nồng nặc và mù lòa. Sự thật là thế đấy. Nhưng ai thèm quan tâm đến sự thật?

“Anh đã thấy con gái tôi,” ông ta nói giọng bỗng nhiên đầy uất hận và tuyệt vọng. “Nó cần một phẫu thuật cấy ghép phổi. Chúng tôi đã trông chờ một người hiến phổi cả năm nay, con tôi nằm trong danh sách cấy ghép khẩn cấp. Nhiều lắm thì giờ nó chỉ còn một tháng để sống. Hai lần chúng tôi gặp trường hợp có thể hiến phổi được. Hai lần tôi đã van xin lạy lục. Nhưng cả hai lần hai gia đình đều theo Thiên chúa giáo, và họ muốn con mình có được lễ an táng theo đúng Thiên chúa giáo.” Ông ta nhìn tôi trong sự vô vọng. “Anh có biết là theo luật pháp Anh quốc, nội tạng của cha mẹ tự sát bị cấm không được cấy ghép sang cho con mình không? Đó là lý do,” ông ta gõ vào bìa cuốn sách, “đôi khi cũng thú vị khi đi trở lại điểm khởi đầu mọi sự. Thời thượng cổ người ta có những quan điểm khác về cấy ghép nội tạng. Đồ đệ Pythagoras tin vào sự đầu thai của linh hồn...”

Người đàn ông ngưng bặt và đứng dậy. Cửa mở và Lorna đi ra, vừa đi vừa đẩy một chiếc giường. Cô bé có vẻ như đã ngủ thiếp đi. Người đàn ông trao đổi vài câu với Lorna, rồi bỏ đi, đẩy giường dọc theo hành lang. Lorna đứng yên đợi tôi tiến lại với nụ cười bí ẩn, tay bỏ trong túi. Tạp dề của nàng bằng một thứ vải rất mịn, căng ra bó lấy dáng vóc nàng một cách dễ chịu.

“Thật là một bất ngờ đáng yêu,” nàng nói.

“Anh muốn nhìn em mặc đồng phục y tá xem thế nào.”

Nàng dang tay ra đầy quyến rũ, như thể sắp sửa xoay mình khoe bộ đồng phục, nhưng nàng cũng chỉ cho tôi hôn có một lần.

“Tình hình có gì mới không?” nàng hỏi, mắt mở to vì tò mò.

“Không có thêm vụ giết người nào cả. Anh vừa đi qua tầng hai. Seldom dẫn anh đến buồng của Frank Kalman.”

“Em thấy anh vừa bị bố Caitlin túm phải,” nàng nói. “Hy vọng là ông ấy không làm anh quá buồn thảm. Em đoán là ông ấy lại nói chuyện người Sparta, và đả phá đạo Thiên chúa. Ông ấy góa vợ, và chỉ có Caitlin là đứa con độc nhất. Ông ấy tìm được cách xin tạm nghỉ việc và ba tháng qua gần như lúc nào cũng có mặt ở đây. Vớ được cái gì liên quan đến cấy ghép nội tạng ông đều đọc. Tới giờ em nghĩ ông ấy đã hơi bị...” nàng gõ gõ lên thái dương, “mát dây.”

“Anh đang nghĩ chuyện đi London cuối tuần này,” tôi nói. “Em có đi được không?”

“Cuối tuần thì không được, em phải trực cả hai tối. Nhưng mà đi lại đây, ra phòng ăn, em có thể cho anh một danh sách nhà trọ và những chỗ nên đến thăm.”

“Anh không biết Arthur Seldom đã đến chỗ em rồi đấy,” tôi nói khi đang đi về chỗ thang máy.

Tôi nhìn nàng, nở một nụ cười nhẹ nhàng, và sau một thoáng, nàng cười đáp lại với vẻ thích chí.

“Ông ấy đến tặng em một cuốn sách của ông ấy viết. Em có thể cho anh một danh sách khác nữa, gồm những người đã tới căn hộ của em, nhưng cái này thì phải mất thời giờ hơn nhiều đấy.”

Trở lại phòng mình ở ngõ Cunliffe, tôi thấy cái phong bì chuẩn bị sẵn cho bà Eagleton ở dưới một cuốn vở, và nhận ra mình chưa trả tiền nhà cho Beth. Tôi gom đủ quần áo cho kỳ nghỉ cuối tuần vào túi rồi lên nhà trên cùng số tiền. Sau cánh cửa khép, Beth bảo tôi chờ một chút. Khi cửa mở, trông cô có vẻ nhẹ nhõm và thư thả như thể vừa ngâm mình trong bồn tắm. Tóc cô ướt, chân trần và trên mình mặc một áo choàng dài trong nhà, dán chặt lên người. Cô mời tôi vào phòng khách. Tôi gần như không nhận ra nó nữa - cô đã thay đổi bàn ghế, màn cửa, thảm. Căn phòng giờ nhìn gần gũi và yên tĩnh hơn nhiều, với một sự tinh tế có lẽ được gợi ý từ tạp chí về nội thất nào đấy. Tuy đã thay đổi hẳn, nhìn nó vẫn dễ chịu và giản dị. Cái chính là, tôi nhận xét, nếu cô muốn làm mất đi tất cả những dấu vết nhỏ nhất của bà Eagleton, cô hiển nhiên đã thành công.

Tôi cho cô biết mình sắp đi London cuối tuần này, và cô nói chính cô cũng sắp đi xa vào hôm sau, sau tang lễ, trong một chuyến lưu diễn ngắn với dàn nhạc tới vùng Exeter và Bath. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng nước bì bõm trong phòng tắm, như thể có một người khá to lớn đang bước ra khỏi bồn tắm. Beth có vẻ rất thiếu thoải mái, hệt như tôi đã bắt quả tang cô. Tôi đoán là cô nhớ đến, cùng lúc với tôi, sự khinh bỉ mà cô đã dùng để nhắc đến Michael mới hai ngày trước.

Tôi đáp xe bus đi London và lang thang hai ngày trong cái nắng ấm dễ chịu, như một du khách sung sướng đi lạc đường. Hôm thứ Bảy, tôi mua tờ Thời báo Oxford và tìm thấy thông cáo ngắn về đám tang của bà Eagleton, cùng với một tóm tắt ngắn gọn đầu đuôi sự thể, tuy nhiên không cung cấp thêm thông tin gì. Báo Chủ nhật không nhắc nhở gì đến vụ án cả. Trên đường Portobello, nghĩ đến Lorna, tôi mua một quyển sách khá bụi bặm nhưng được bảo quản nguyên vẹn, hồi ký của Lucrezia Borgia, trước khi đáp chuyến tàu hỏa cuối về Oxford. Sáng thứ Hai, vẫn còn ngái ngủ, tôi rời nhà đi tới Viện.

Cuối ngõ Cunliffe, có một con vật nằm chết giữa đường đi. Chắc là nó đã bị xe cán đêm hôm trước. Tôi phải cố giữ không nôn ọe khi đi ngang qua nó. Đời tôi chưa từng thấy giống vật này bao giờ. Nhìn nó giống như một thứ chuột lớn, nhưng có đuôi ngắn, xung quanh là một vũng máu. Đầu con vật đã bị cán nát, chỉ còn sót lại cái mõm đen. Ở chỗ trước kia là cái bụng nó, lồi ra như từ trong một cái túi rách, một khối lù lù vốn là đứa con của nó không thể nhầm lẫn được. Tôi tự nhiên rảo bước vội hơn, cố thoát khỏi cảnh mình đang nhìn thấy, và nỗi kinh hoàng dữ dội, gần như không giải thích được mà nó đã gợi lên cho tôi. Suốt quãng đường tới Viện, tôi phải vật lộn cố thoát khỏi cái hình ảnh ấy. Tôi bước lên bậc thềm của tòa nhà như đi vào nơi che chở. Vừa toan đẩy cánh cửa quay thì tôi thấy một mảnh giấy được dán bằng băng keo. Điều đầu tiên lọt vào mắt tôi là hình vẽ một con cá, theo chiều thẳng đứng, bằng mực đen, nhìn như hai dấu ngoặc đơn đè lên nhau. Ở bên trên là dòng chữ bằng chữ cái cắt ra từ một tờ báo: “Bước thứ hai của liên chuỗi, bệnh viện Radcliffe, 2:15 chiều.”