Vụ án mạng trên con tàu tốc hành Phương Đông

Phần I - Những dữ kiện - Chương I

Docsach24.com

ào lúc năm giờ sáng, con tàu có tên gọi rất kiêu “Taurus Express” (Tốc hành Bò tót) đang nằm yên chờ khách tại nhà ga Alep. Đó là một con tàu tốc hành gồm một toa ăn, một toa ngủ và hai toa khác chở hành khách.

Đứng trên bậc thang của toa ngủ, một thiếu úy trẻ người Pháp ngoài bộ đồng phục, bên ngoài mặc chiếc áo choàng dày đang đứng nói chuyện với một người đàn ông nhỏ thó, quần áo ấm che đến mang tai, chỉ còn chừa có chóp mũi đỏ và bộ ria mép hất quặt lên má.

Với thời tiết buốt giá này, hộ tống một nhân vật quan trọng ra ga không phải là một điều lý thú, nhưng thiếu úy Dubose thi hành nhiệm vụ này một cách hòa nhã và hầu chuyện với vị khách quí này một cách lịch thiệp. Thật ra anh cũng không biết ất giáp gì. Vị chỉ huy của Dubose đã tỏ ra gắt gỏng khi người đàn ông bé nhỏ người Bỉ này đến. Ông đã phải trải qua cuộc hành trình vất vả từ Anh đến Syrie. Một tuần lễ trôi qua trong không khí căng thẳng, nhiều biến cố dồn dập đã xảy ra: Một sĩ quan đã từ chức, một nhân vật giữ chức vụ cao trong bộ máy hành chính đã bị đưa về nước. Và rồi những khuôn mặt lo lắng đã trở lại tươi và một vài biện pháp gắt gao đã được giảm dần.

Dubose đã nghe lỏm được một vài câu chuyện giữa vị chỉ huy của anh và người đàn ông người Bỉ.

- Thưa ông,- ngài chỉ huy già nói bằng một giọng run run - Ông đã làm sáng tỏ một vấn đề khá nặng nề và giúp chúng tôi tránh được nhiều phiền phức. Làm thế nào tôi có thể cảm ơn ông đã nhanh chóng đến nhận lời mời của tôi?

Vị khách nhỏ thó với bộ ria mép độc đáo Hercule Poirot đã trả lời:

- Thưa đại tá, tôi không thể quên có một ngày ông đã cứu sống tôi...

Sau vài câu chuyện, trong đó có đề cập đến nước Pháp, nước Bỉ, vinh quang và danh dự, họ đã từ giã nhau.

Thiếu úy Dubose hoàn toàn mù tịt về nội dung câu chuyện: Anh chỉ nhận trách nhiệm đưa ông Poirot ra ga và anh đã thi hành công việc của mình một cách nhiệt tình.

- Hôm nay là chủ nhật - Dubose nói với Poirot - Chiều mai thứ hai, ông sẽ đến Stambul.

- Chắc thế, - Poirot đáp trả.

- Ồng có định ở đấy vài ngày không?

- Nhất định rồi. Tôi chưa được biết Stambul vả lại chẳng có việc gì phải gấp gáp. Tôi sẽ đi thăm thành phố đó.

- Nhà thờ thánh Sophie là một tuyệt tác! - Thiếu úy Dubose nói mặc dù anh ta chưa bao giờ trông thấy nó.

Một luồng gió lạnh thổi qua sân ga. Hai người đàn ông rùng mình. Thiếu úy liếc nhanh nhìn đồng hồ, 5 giờ kém 5… chỉ còn 5 phút nữa thôi.

Ngỡ rằng Poirot đã trông thấy cử chỉ của mình, Dubose vội tiếp câu chuyện dở dang:

- Rất ít người đi du lịch vào thời gian này - vừa nhận xét, Dubose vừa nhìn lên cửa sổ cửa toa xe ngủ.

- Chắc thế.

- Mong rằng con tàu Tauruss không bị ngừng lại vì tuyết!

- Chuyện này có thường xảy ra không?

- Có chứ, thưa ông! Nhưng năm nay thì chưa thấy.

- Hy vọng rằng đường sẽ không bị nghẽn - Poirot nói - Nhưng những tin tức khí tượng không lấy gì làm khả quan.

- Họ dự đoán sẽ có nhiều trận mưa tuyết ở Balkan.

- Và ngay cả ở Đức nữa.

- Vậy thì, ngày mai vào khoảng 7 giờ 40 ông sẽ đến Constantinople.

- Phải. - và Poirot tiếp - Nhà thờ thánh Sophie, như người ta bảo với tôi, rất đẹp.

- Hình như nó lộng lẫy lắm.

Cửa sổ của một toa xe ngủ phía trên đầu họ bỗng được nâng lên và một thiếu nữ ló mặt ra.

Mary Debenham đã không hề chợp mắt từ khi rời khỏi Bagdad, thứ năm tuần trước. Trên tàu Kirkur cũng như ở trong khách sạn Mossoul cũng thế. Ngồi mãi, mắt cứ mở trong toa tàu ngột ngạt làm cho cô mệt nhừ, vi thế Mary phải ra cửa sổ đứng nhìn ra ngoài.

Alep, chẳng có gì hấp dẫn đễ xem: bến tàu dài vô tận, tối tăm, ồn ào và toàn tiếng Ả Rập.

Dưới cửa sổ toa xe của Mary, hai người đàn ông đang nói chuyện bằng tiếng Pháp. Một người là một vị sĩ quan trẻ, người kia là một người đàn ông nhỏ thó với bộ ria mép thật dài. Mary mỉm cười khi trông thấy cách ăn mặc của người này. Có lẽ bên ngoài trời lạnh lắm. Và đó cũng là lý do tại sao trong toa xe lại ngột ngạt thế. Mary cố kéo cửa kính xuống nhưng không được.

Người phục vụ toa kút-sét đến gần hai người đàn ông và báo cho họ biết là tàu sắp khởi hành:

- Xin mời ông lên cho.

Người đàn ông nhỏ thó giở mũ ra. Mặc dù tâm trí còn nghĩ đến nhiều chuyện, Mary Debenham không khỏi mỉm cười khi trông thấy cái đầu hói của người đàn ông. Cô tự nghĩ: Làm sao có thể có người kỳ cục đến thế nhỉ?

Thiếu úy Dubose từ giã vị khách. Poirot cũng trả lời lại bằng những ngôn ngữ rất khách sáo.

- Thôi, xin mời ông lên xe cho! - Người phục vụ toa kút sét nói.

Như có vẻ nuối tiếc, Poirot lên tàu và đưa tay vẫy chào thiếu úy Dubose. Tàu bắt đầu chuyển bảnh.

Hercule Poirot thở dài.

Bằng một cử chỉ hết sức trang trọng, người phục vụ chỉ cho Poirot cách sắp xếp hành lý của ông.

- Cái vali nhỏ của ông ở đây.

Bàn tay của nhân viên phục vụ đong đưa đầy ý nghĩa. Poirot liền nhét ngay tiền vào đó.

- Xin cám ơn ông.

Gã tài xế tỏ ra vồn vã.

- Tôi đã có vé cho ngài, xin ngài cho tôi thẻ thông hành nữa. Ngài nghỉ lại Stambul chứ?

- Phải, hình như đông khách lắm trong toa xe nằm này?

- Thưa vâng, chỉ thêm 2 người thôi: 2 người Anh. Một vị đại tá từ Trung Đông trở về, và một bà từ Bagdad. Ngài cần gi không ạ?

- Cần một chai nước suối!

Vào mùa đông, 5 giờ sáng quả là một giờ đáng ghét để đáp tàu hỏa. Mặt trời chỉ ló dạng trong 2 giờ nữa thôi. Mệt mỏi, Poirot thu mình trong một góc và thiếp đi.

Khi Hercule Poirot thức giấc thì đã 9 giờ 30 sáng. Ông vội đi ngay xuống toa ăn để uống cà phê.

Lức bấy giờ trong toa chỉ có mỗi một người. Chắc đấy là cô gái người Anh theo lời nhân viên đã nói. Cô ta cao và mảnh mai, tóc nâu, khoảng chừng 30. Với vẻ từ tốn của một người thượng lưu và quen đi du lịch, cô gọi thêm một tách cà phê nữa. Bộ đồ đen bằng một loại vải thưa cô mặc rất hợp với không khí ngột ngạt của toa tàu.

Không có việc gì làm nên Hercule Poirot ngồi nhìn cô một cách kín đáo.

Cô thiếu nữ này, Poirot tự nhủ, thuộc vào loại đàn bà biết cách tự xoay sở trong mọi trường hợp. Cô ta không đẹp, nhưng Poirot thích nét khắc khổ, nước da hơi xanh, mái tóc đen, cặp mắt màu xám và cái nhìn lạnh lùng... Thật ra, cô ta hơi có vẻ nghiêm trang quá để có thể nói là đẹp.

Một người đản ông khoảng 40 đến 50 tuổi dáng người cao, khuôn mặt xương, nước da rám nắng tóc đã hơi điểm bạc, bước vào toa.

“Vị Đại tá từ Trung Đông về đây, - Poirot nghĩ”. Người mới đến chào cô gái.

- Chào cô Debenham.

- Chào đại tá Arbuthnot.

Đại tá Arbuthnot đứng trước mặt cô gái, tay đặt lên thành ghế.

- Tôi không làm phiền cô chứ?

- Không một chút nào. Mời đại tá ngồi!

- Không phải lúc nào người ta cũng muốn nói chuyện khi đang dùng điểm tâm.

- Ồ không, ông cứ yên tâm, tôi không cản đâu.

Đại tá Arbuthnot ngồi xuống.

- Bồi! - Ông ta gọi bằng giọng của một kẻ chỉ huy, - cho trứng và cà phê.

Đại tá Arbuthnot liếc nhìn Hercule Poirot rồi quay đi chỗ khác, hoàn toàn thờ ơ. Poirot đoán có lẽ ông ta đang nghĩ:

- Ôi! Chỉ là một người ngoại quốc.

Như tính khí của mọi người dân Anh, đại tá Arbuthnot và cô Mary Debenham tỏ ra ít nói. Và một lúc sau thiếu nữ đứng dậy về toa của mình.

Cả hai lại ngồi chung bàn vào buổi ăn trưa và họ làm như không biết đến Poirot. Tuy nhiên câu chuyện của họ có vẻ hào hứng hơn. Đại tá nói về Punjah và hỏi chuyện Mary về Bagdad, ở đó cô đã đảm nhận chức vụ giữ trẻ. Qua cuộc nói chuyện, họ nhận ra là đều quen những người giống nhau nên dần dần cả hai đã trở nên thân thiện hơn. Đại tá Arbuthnot hỏi Mary rằng cô sẽ đi thẳng về Anh hay cô định ghé lại Constantinople?

- Không, tôi đi thẳng đến Constantinople.

- Thật tiếc cô không thể viếng thăm Stamboul.

- Tôi đã làm cuộc hành trình này cách đây 2 năm và đã ghé vào Stamboul 3 ngày.

- Trong trường hợp đó thì tôi rất sung sướng rằng cô đã không ngừng lại vì tôi cũng đi thẳng. - Nói rồi, đại tá Arbuthnot cúi đầu và hơi đỏ mặt.

- À đại tá của chúng ta bắt đầu rung động rồi. Tàu hỏa đôi khi cũng nguy hiểm như tàu thủy. - Poirot thầm nghĩ.

Cô Debenham, bằng một giọng bình thản, đồng ý là cuộc hành trình sẽ bớt dài đi nếu có bạn đi cùng.

Hercule Poirot nhận thấy rằng đại tá Arbuthnot đưa cô Mary về tận toa tàu của mình. Một lát sau, con tàu đi qua dãy núi Taurus. Đứng ở hành lang, cô Debenham và đại tá Arbuthnot ngắm nhìn cảnh hùng vĩ của núi đồi. Đứng không xa họ lắm, Poirot chợt nghe thấy tiếng thở dài của cô gái:

- Ồ, đẹp tuyệt, tôi muốn... tôi muốn...

- Gì vậy thưa cô?

- Có thể ngắm nhìn cảnh đẹp này thêm nữa!

Arbuthnot không trả lời, gương mặt ông trở nên nghiêm trang, ông thầm thì:

- Tôi ước mong sao cô không hề dính líu vào vấn đề này.

- Xin ông hãy im đi!

- Phải, cô có lý.

Arbuthnot liếc nhìn Poirot rồi tiếp:

- Cô có biết là tôi đau xót biết ngần nào khi nghĩ đến cảnh cô bị những bà mẹ quái ác và những đứa con tinh nghịch của họ hành hạ trong vai trò giữ trẻ của cô!

- Ông lầm rồi! - Mary vừa cười vừa nói. - Chuyện cô giữ trẻ bị chèn ép xưa rồi, bây giờ thì bố mẹ những đứa trẻ đã thương người giữ trẻ rồi đấy.

Một thoáng im lặng, có lẽ Arbuthnot xấu hổ về sự quan tâm quá đáng của mình.

- Hai người này như là đang diễn kịch ấy! - Poirot tự nhủ.

Sau này, ông sẽ phải nhớ đến câu nhận xét này.

Tàu đến ga Konia lúc 11 giờ rưỡi đêm. Đại tá Arbuthnot và cô Mary Debenhani xuống sân ga, đi lại để thư giãn gân cốt.

Ngồi trong toa xe, Poirot nhìn cảnh người qua lại trên sân ga. Một lúc sau, Poirot tự nhủ là không khí trong lành sẽ làm mình sáng khoái hơn. Ông bắt đầu sửa soạn để xuống ga. Trùm mình kín trong chiếc áo măng tô, che hai lỗ mũi trong chiếc khăn quàng cổ, đi đôi giày cao su bọc lông và Poirot đặt chân một cách thận trọng lên sân ga đầy tuyết. Đi được một quãng khá xa, bỗng Poirot chú ý đến cuộc đối thoại của hai người đứng trong bóng tối. Arbuthnot nói:

- Mary.

Thiếu nữ cắt ngang.

- Không, không nên bây giờ! Khi mọi việc xong xuôi đã. Hoàn toàn xong… Lúc đó...

Ngạc nhiên, Poirot rảo bước nhẹ nhàng ra chỗ khác.

Ông đã khó nhọc lắm mới nhận ra giọng nói bình tĩnh và hơi có vẻ ra lệnh của cô Debenham.

- Thật lạ lùng! - Poirot tự nhủ.

Hôm sau, khi gặp lại hai người bạn đồng hành, Poirot tự hỏi không hiểu họ có cãi nhau không vì cả hai đều rất ít trao đổi với nhau, và Mary, với cặp mắt thâm quầng, có vẻ lo lắng.

Buổi trưa, khoảng 2 giờ rưỡi, con tàu ngừng lại, những cái đầu lố nhố thò ra khỏi cửa sổ các toa. Một nhóm người tụ tập dọc theo đường rầy xe lửa, đang chỉ những đốm lửa dưới toa xe.

Chồm ra khỏi cửa sổ, Poirot hỏi người phục vụ của toa nằm đang chạy đến. Sau khi nghe xong câu trả lời, Poirot thụt đầu vào quay lại thì đụng ngay phải Mary Debenham đang đứng sau lưng.

- Chuyện gì vậy thưa ông? - Cô ta hỏi - tại sao tàu lại ngừng vậy?

- Ồ chẳng có gì đáng ngại thưa có. Có một cái gì đã bắt lửa dưới toa tàu ăn. Không có gì quan trọng. Ngọn lửa đã được dập tắt và hiện người ta đang sửa chữa. Mọi nguy hiểm đã qua.

Mary đưa tay hất mái tóc như muốn xua tan sự lo lắng.

- Ồ, tôi hiểu, nhưng thì giờ thì sao?

- Sao ạ?

- Phải, sự trục trặc này sẽ làm chúng ta chậm mất.

- Có thể lắm, thưa cô.

- Nhưng, đâu thể như thế được! Con tàu này phải đến lúc 6 giờ 55 và chúng ta phải qua biển Bosphore đế kịp chuyền tàu tốc hành Simplon ở bên kia bờ lúc 9 giờ. Nếu bị chậm trễ, chúng ta sẽ lỡ chuyến mất.

- Có thể lắm thưa cô.- Poirot nói.

Ồng nhận thấy môi cô gái và bàn tay tì vào cạnh thành cửa sổ run lên.

- Đối với cô, việc đúng giờ quan trọng lắm à? - Poirot hỏi.

- Thưa ông, tôi phải đuổi kịp chuyến tàu tốc hành này bằng mọi giá!

Nói rồi, Mary Debenham bực bội đi về phía đại tá Arbuthnot đứng cách đấy vài bước.

Mary đã lo lắng vô ích vì 10 phút sau, con tàu lại bắt đầu đi. Đến Hayda Pasa, tàu chỉ chậm có 5 phút.

Chuyến tàu vượt sông Bosphore làm Poirot hơi mệt. Trên tàu qua biển Bosphore, Poirot mất hút hai người bạn đồng hành.

Đến bến Galata, Poirot đi đến khách sạn Tokatlian.