Vô Thường

Lẽ Vô Thường

- Bác sĩ biết không, tôi bị bệnh tim. Tôi cứ nghĩ tôi đi trước ổng. Ai ngờ...

Nói xong, cô thở dài. Một buổi sáng rất ảm đạm. Bầu trời xám xịt màu mây. Mình vỗ vai cô như một lời an ủi.

- Hôm trước đem hai mươi mấy cây vàng đi gửi tiết kiệm, tôi để ổng đứng tên. Tiền dành dụm cả đời, ngỡ sắp được hưởng. Ai ngờ...

- Bác sĩ hỏi gì? À, cả nhà tôi đạo Phật. Tôi hay đi chùa đọc kinh ngày rằm và mùng một.

- Vậy chắc cô cũng hiểu rõ đạo lý vô thường?

- Hiểu chứ bác sĩ. Ai rồi cũng mất đi mà. Nhưng đột ngột quá. Chưa kịp chuẩn bị gì hết. Chưa kịp nhìn vào mắt nhau thật sâu. Chưa kịp nói với nhau lời cuối cùng nào. Ai ngờ...

Nhìn dáng cô liêu xiêu đi ra đi vào phòng cấp cứu mà mình thấy thương vô hạn. Hai người sống với nhau gần ba mươi năm, có biết bao nhiêu kỉ niệm. Nay đột ngột một người ra đi, một người ở lại... Biết tìm đâu hơi ấm khi đông về? Biết tìm đâu bàn tay ân cần nắm lấy một bàn tay. Cuộc đời... chỉ một tích tắc, có thể thay đổi tất cả. Có đó, rồi mất đó.

Nhưng nếu mỗi ngày chúng ta biết sống trọn vẹn, thì có lẽ khi vô thường đến gõ cửa, chúng ta sẽ không nói “ai ngờ”.

- Mẹ tôi mất rồi sao bác sĩ?

- Trời ơi, mẹ ơi, sao mẹ bỏ con đi?

Năm người con cùng khóc lên thất thanh. Mình vội nói: Cô chú hãy bình tĩnh. Đây là phòng cấp cứu, những bệnh nhân khác cần được yên tĩnh. Bà cụ đã 82 tuổi rồi.

Mình cố ý nhắc cho họ nhớ bà cụ đã 82 tuổi rồi, thượng thọ.

- Mấy cô chú cứ khóc lóc thảm thiết như vầy, vong linh bà sẽ lẩn quẩn thương tiếc, không siêu sinh được đâu. Thay vì khóc lóc, hãy niệm Phật đi.

Nghe mình nói xong, họ chợt lặng im. Hình như họ nhận ra điều gì đó rất quan trọng. Và họ bắt đầu niệm Phật. Mình cũng lấy lại bình tĩnh viết nốt tờ biên bản trực nội khoa bệnh tử vong.

Trong cuộc sống nhiều lúc gặp biến cố, trái tim chúng ta đau thắt, không kịp dừng lại để nhìn thật kĩ vào vấn đề. Chúng ta bị rối tung lên. Chúng ta cứ cảm tưởng như những khổ đau bất hạnh cứ ập đến đè nặng lên vai chúng ta.

Thật sự bà cụ đã ra đi thanh thản, chẳng phải chịu đau đớn thêm khi hồi sức như sốc điện, đặt nội khí quản, thở máy, chọc dò dịch não tủy. Nhẹ nhàng trút hơi thở cuối.

- Chúng tôi biết chứ bác sĩ, biết ngày này lâu lắm rồi. Lần trước đưa vào đây tưởng chết, ai dè sống. Lần này thấy mới ngồi đó, mới nói cười đó, mới hẹn đi ăn đám cưới đứa cháu ở Vũng Tàu... mà lại mất.

- Đôi khi, bác sĩ biết không, không phải mình mong cầu mẹ sống lâu hơn, nhưng mỗi khi đi đâu xa về, thấy mẹ còn đó, là còn cảm giác bình yên và hạnh phúc.

Mình ngồi lặng im nghe họ nói. Thật sự, mình chưa bao giờ phải trải qua những chuyện tử sinh như thế này. Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới hiểu được thế nào là nước mắt, thế nào là nụ cười, thế nào là niềm đau, thế nào là hạnh phúc.

Mình muốn nói điều gì đó giúp cho họ vơi bớt u uất trong lòng, nhẹ gánh với những thương đau mất mát nhưng ngập ngừng vì thấy lời lẽ thừa thãi quá.

***

- Chú là gì của bệnh nhân?

- Là cậu.

- Ba mẹ bệnh nhân đâu?

- Ngoài Hà Nội. Nó từng gây lộn kịch liệt với bố mẹ, nên nó bỏ nhà vào trong Nam ở với tôi. Mà nó có bị sao không bác sĩ?

- Bị xuất huyết não diện rộng, cả bán cầu phải, chèn ép trung thất, di lệch đường giữa, bệnh nặng lắm, tiên lượng tử vong.

- Hả? Bác sĩ nói gì? Tử vong hả?

Bệnh nhân nam mới có 35 tuổi, nhìn rất nghệ sĩ. Theo như lời ông cậu khai, sáng nay lúc mười giờ, bệnh nhân than nhức đầu dữ dội rồi ngã gục xuống.

- Mới hồi nãy, nó còn tỉnh mà, nói chuyện như sáo. Sao từ lúc đưa vào bệnh viện tới giờ, nó lại lơ mơ và nặng như vầy. Có mổ hay dùng thuốc gì đó được không? Đắt tiền bao nhiêu cũng được.

Chú nhìn xem, đây là ổ xuất huyết. Nó đang tiến triển nặng dần trong não. Chú nên thông báo cho ba mẹ anh ta vô đi, để mà lo đủ thứ chuyện hết.

Người cậu ấy, cũng dáng nghệ sĩ, thân hình gầy gò, mái tóc hoa râm.

Mình không biết ba mẹ của bệnh nhân sẽ nghĩ gì khi nghe báo tin con mình sắp tử vong? Họ chẳng còn kịp gặp mặt con lần cuối để nói lời xin lỗi hay lời tha thứ. Khoảng cách giữa Hà Nội và Sài Gòn đến cả ngàn cây số.

Mình chợt nhớ bài thơ của Thầy Thích Nhất Hạnh:

Giận nhau trong tích môn,

Nhắm mắt nhìn mai sau,

Hơn ba trăm năm nữa,

Anh đâu và em đâu?

Đã tan biến theo cát bụi mất rồi. Còn đâu... Mà đâu cần gì đến cái “ba trăm năm ấy”, chỉ cần một cái chớp mắt thôi...

Mình đã sống thật sâu chưa trong cuộc sống vô thường này, giữa lằn ranh mỏng manh của sinh và diệt?

Mình có hiểu hết và cảm nghiệm hết được hai câu thơ này không:

“Đôi khi lỡ hẹn một giờ

Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.”

- Bệnh nhân không có vợ con gì sao?

- Có vợ, nhưng vừa li dị. Nãy giờ tôi dùng điện thoại của nó gọi cho vợ nó, nhưng được trả lời “thuê bao quí khách vừa gọi đang sử dụng dịch vụ chặn cuộc gọi từ số của quí khách...”

Có lẽ lửa lòng đã tắt, lệ lòng đã vơi... Nhưng có lẽ người ta hận nhau nhiều vì người ta thương nhau sâu quá...