ay gắt, mặt trời, trước khi lặn, chiếu một thứ ánh sáng vàng đỏ như thu cả cảnh vật vào trong khu vực một đám cháy dữ dội. Nước phù xa đỏ ngầu lại chiếu hắt ánh sáng gay gắt ấy lên không gian. Giữa lúc nắng xiên khoai khó chịu. Phú thấy như trên đầu, dưới chân, sau lưng, chỗ nào cũng có mặt trời. Thật vậy, mặt trời ở trên, ở tả, ở hữu, ở cả chung quanh mình Phú, ở khắp tứ phía!
Chàng bèn khoanh tay trên đầu gối, kề đầu vào một cành ổi, nhắm mắt lại để thở. Cụ Cử cũng nói với ra xa:
- Thôi hãy nghĩ tay một lát đã, con ạ.
Phú nhắm mắt được một lúc bỗng lại choàng mở mắt. Chàng lẩm bẩm: "Chết! Tối đến nơi rồi, mình không cố không xong". Rồi chàng nhìn xuống nước.
Một vài con niềng niễng bay tung tăng, đậu vào một vài cái lá ổi rồi lại bay xuống nước, đảo đi đảo lại mấy vòng rồi chìm lỉm. Những con vẽ bùa - những chấm đen tròn - trên mặt nước, phô ra cái quang cảnh tưng bừng của một cuộc khiêu vũ cuồng khấu và vô ý thức. Xa xa, trong làn nước đỏ đục lờ có mấy cái cành cây mục, mấy lá tre khô, một vài con đỉa lẳng lặng ngoi lên ngóng mồi rồi lại từ tốn nấp dưới một cây tre thả dài có vẻ như chỉ chờ Phú có việc gì phải thả chân xuống nước là kéo ùa nhau đến, sẵn lòng. Phú cau mày lại, kinh tởm, nhổ một bãi nước bọt xuống nước, và tình cờ, đã đuổi đàn vẽ bùa ra một nơi xa.
Chàng bực mình với làn nước đã làm cho bao nhiêu người khổ sở, để cho những loài vật gớm ghiếc như thế sống sung sướng ở những chỗ chẳng phải của chúng. Làn nước, làn nước khốc hại đã phá bao nhiêu hoa màu của bao nhiêu ruộng đất phì nhiêu để cho hàng mấy vạn người đói khổ và một ít người ở chỗ khác, nhân cơ hội, trở nên sung sướng. Ngẫu nhiên và dĩ nhiên, Phú nghĩ đến cái quyền thế thiêng liêng an bài ra những cái họa phúc ấy: Trời. Chàng nghĩ đến số phận hẩm hiu của đồng bào, rồi nghĩ đến những tai họa kế tiếp dồn dập nhau đến hành hạ người dân quê lầm than: sưu thuế, mất mùa, hạn hán, lụt, bão, xổ số, bã rượu lậu, bao nhiêu là cái nó làm cho cả một dân tộc phải chịu triền miên trong sự suy vong, trong sự đốn mạt, và thẳng tiến đến cái diệt chủng. Phú thấy rằng nếu có Trời thì ông Trời ấy kỳ quặc lắm, ở chỗ như có thâm thù gì riêng với người Việt Nam. Cái óc không tín ngưỡng của một thiếu niên vô đạo như Phú bị kích thích mạnh. Chàng lầm bầm như một kẻ hàm phu và vô học: "Thôi, tiên sư cả trời!..."
Cách đấy năm bảy bước, cụ Cử bỗng giật nẩy mình. Cụ thấy hình như bên tai cụ vừa có tiếng vang của một lời càn rỡ. Cụ ngơ ngác nhìn về phía cây ổi, hỏi:
- Hả? Mày vừa nói gì thế, con?
Phú vội vàng chối cãi:
- Con bực mình vì hỏng mất cái này rồi!
- Hỏng mất cái gì.
Phú đứng lên, mó đến cái áo cánh phơi ở một cành ổi khác từ lúc giữa trưa mà rằng:
- Rách toạc mất cả một bên vai áo!
Cái áo chưa khô hẳn, Phú khoanh tay xoa lưng, xoa ngực, và hơi vui vui trong lòng khi thấy rằng hình như ít lâu nay ngực chàng đã nở thêm ra. Bắp thịt ở cánh tay cũng to và rắn hơn cũ. Phú lại thấy đủ sốt sắng để nối đoạn dây thừng, dòng qua mấy cành ổi để cuối cùng thì buộc nó vào giữa thân cây. Thế là xong việc, vì chưa nghĩ ra việc khác.
Cả ngày hôm nay, từ sáng sớm, Phú đã làm được mấy việc cần kíp. Nào là chặt tre, đóng thành gióng, kê giường phản lên trên, cột cả lại thành một mảng chắc chắn như một cái bè thả lưng chừng nhà. Rồi lấy thừng buộc bốn cột nhà vào cây cau, cây mít, bụi tre, cây ổi, ở bốn phía, phòng cho gian nhà mảnh dẻ khỏi bị sóng gió đánh trôi đi. Theo kiểu ông chánh Mận, Phú đã hoàn thành được chỗ ở kín đáo, vững chãi, cái việc mà mẹ và chị chàng không làm được từ trước. Phú lại vớt được cả cái giại tre ở dưới đất lên, kê nó vào chỗ mái gianh hổng để thay làm một cái phên, phòng mưa. Chàng lại mò được cả một mảnh vại vỡ để cho mẹ có thể dùng nó ngay trên phản làm một thứ bếp, không phải như trước dùng cái bếp đất thó để trên hai cành tre bên ngoài mái gianh. Đó là "chỗ ở" của cụ Cử, cô Tuất, và thằng cu Hiền. Biết rằng không thể sống đụng chạm với người chị còn trẻ tuổi dưới một cái mái gianh mà khi ra vào người ta phải gập gẫy lưng xuống khó chịu như chui vào tổ tò vò, Phú đã dỡ một bên mái bếp ra, lấy những tầu lá gồi phủ ngang dọc lên mấy cành ổi. Dưới cái mái giản dị ấy, Phú buộc một cái võng, mò được ở bếp lên. Cái võng xưa kia mắc ở một bên bếp nên khi dỡ mái bếp xong, Phú chỉ việc cho hai chân xuống nước, dìm người chìm đến ngực, rồi lấy ngón chân là đủ kều lên được. Như vậy, Phú cũng có một "chỗ ở" riêng. Cây ổi ở sau bếp cách gian nhà chừng bốn thước. Hai cây tre là một "cái cầu" cho Phú đi về. Một cây bắc từ một cành ổi, sát với mặt nước để giẫm lên mà đi, cho cây nữa thì bắc cao hơn, để vịn tay. Ấy chính vì cái cầu ấy, vì mực nước có khi tràn lên ngập cầu, mà Phú thấy rằng đỉa là một giống đáng ác cảm.
Làm lụng và xếp đặt như vậy xong, Phú mới ngạc nhiên rằng sao mình lại có thể làm được những việc như thế. Chàng hiểu câu cách ngôn "Le besoin rend ingénieux" và câu "Đói thì đầu gối phải bò". Chàng nghĩ đến chuyện Robinạon đã đọc mấy năm trước. Tuy vậy, chàng vẫn thấy ngứa cả đầu, không biết thu xếp cho con mèo và lồng gà mẹ gà con như thế nào cho ổn thỏa.
- Mày xong chưa thế, con?
- Dạ, con xong rồi.
- Thôi thế sang mà ăn cơm.
- Để con nghỉ lát nữa đã, đẻ ạ.
Phú trèo qua một cành cây, bước qua một cành nữa, rồi nằm vào võng. Chàng nhìn cái mái lá gồi trên mặt, yên tâm, vì ngay lúc ấy, một cơn gió to thổi ào ào mà những tầu lá vẫn ở nguyên khớp lại chứ không suy chuyển gì. Chàng thấy tuy vậy mà cảnh đời lụt lội cũng có những cái thi vị của nó. Chàng khẽ đẩy chân vào một cành cây để đưa võng. Rồi nhìn sang tả, rồi quay về hữu. Lúc ấy, một đám mây to đã che khuất hẳn mặt trời, làm cho giữa không gian có một cái "nhài quạt" và trên chỏm đám mây ấy có một cái "lưỡi chai". nhà cửa, cây cối, cảnh vật bị nước ngập chôn mất một nửa, thì lại được tấm gương trên mặt nước nhân lên với con số hai. Và những con ếch nhái cất tiếng chào ban đêm, đã kêu inh ỏi để phá tan cái im lặng có gió thổi hây hây của buổi chiều. Mải trông cái cảnh trời nước mênh mông như thế, người ta phải lo lắng nghĩ về ngày hôm sau, và thấy trong lòng phân vân, ngao ngán hết sức.
- Phú ơi, tao bắc cơm rồi đây.
- Thôi, chật chội thế, đẻ và chị cứ ăn trước đi. Tôi sẽ ăn sau cùng.
Đáp xong Phú nghển cổ lên, nhìn về phía mẹ. Vừa lúc ấy thấy cô Tuất thấp thoáng trong cái tối mờ của mái gianh, chàng lại hỏi:
- Cháu nó vẫn ngủ à, chị?
- Nó vẫn ngủ.
- Thôi thế chị ăn mau lên không có nó dậy nó lại quấy.
- Cậu cũng ra ăn đi cho xong có được không? Tối rồi, còn gì!
- Ừnào, thì ăn đi cho xong!
Nói đoạn, Phú bỏ cái võng. Chàng ngồi lên rồi vội quờ tay bám lấy một cành ổi vì lảo đảo suýt ngã. Phú quên khuấy là võng treo trên mặt nước. Chàng nghĩ thầm: "Thế này mà giữa lúc ban đêm choàng dậy, còn ngủ mê mà nhảy ùm xuống nước thì chí nguy". Nhân cái sợ ấy, Phú lại nghĩ đến đàn đỉa. Chàng trông trước nhìn sau, bẻ một thanh nứa dài, nghiêng mình cúi xuống mặt nước, cầm thanh nứa khuấy nước bì bõm.
Tức thì tất cả những con đỉa nấp dưới "cầu tre" chạy đến chỗ ấy. Phú đếm nhẩm, thấy ít ra cũng trên một chục con. Chàng rùng mình, vội vàng leo ra mái bếp xuống cầu, vịn thành, chạy ba bước.
Bữa cơm có một nồi cơm thổi lẫn với khoai sọ. Cái nồi ấy mà đầy thì may ra được chín bát đúng. Nhưng nó lại không đầy. Cụ Cử vừa xới cơm ra bát vừa mắng con gái:
- Bảo vay một nửa gạo một nửa khoai thì lại đi vay cả rá gạo!
- Người ta không có khoai thì đẻ bảo vay vào đâu?
Phú nói:
- Cứ phải vay mãi ông chánh Mận thì khổ thật.
Câu nói ấy của Phú làm cho mẹ và chị im lặng. Hồi lâu, cô Tuất nói:
- Biết làm thế nào?
Cụ Cử chép miệng, nói lảng:
- Ấy cơm nước mà được nồi cơm khoai sọ thế này đã là phúc đấy.
Cô Tuất thuật chuyện:
- Ông cụ bô Điềm nhịn đói đến bữa hôm nay đã là ba bữa rồi!
Chợt nghĩ đến ông cụ già tám mươi tuổi ấy, Phú trừng mắt nhìn Tuất rồi ngậm ngùi hỏi:
- Thế à, sao chị biết?
- Thấy bà đám Hương nói chuyện.
- Rõ tội nghiệp nhỉ? Thế lão trưởng đi đê từ độ ấy vẫn chưa về à?
- Nào đã về!
Đến đây, Phú thấy nghẹn ngào, miếng khoai sọ như không nuốt trôi được. Vì ông bô Điềm là một ông già tóc bạc phơ hiền lành, xưa kia lại hết sức có cảm tình với Phú. Chàng lấy làm lạ sao trước một cái tin thương tâm như thế, cụ Cử vẫn cứ ăn uống ngon lành như thường... Cả cô Tuất, người báo tin ấy, cũng vẫn giữ được nét mặt thản nhiên, và xem ý ăn cơm vẫn ngon. Phú kết luận: bị giam trong cảnh đói khát, tâm thuật người ta phải trở nên bần tiện, thiếu tính tình tốt đẹp. Muốn khỏi phải giữ cảm giác nặng nề ấy, Phú nhìn đến thằng cháu rồi hỏi chị:
- Độ này cháu còn hay bú nhiều không?
Cô Tuất vừa lúng búng miếng cơm trong mồm vừa đáp:
- Quấy, đòi bú suốt ngày. Cơm những khoai thế này khó bón cho nó lắm.
- Thôi thế thì chị cứ ăn rõ no cho nó bú còn hơn, chị ạ!
Phú nói thế xong mới nhớ rằng nhà vừa phải đi vay gạo. Vừa gặp lúc hết bát cơm thứ nhất chàng bèn để bát xuống cái mâm gỗ:
- Thôi, tôi nhường cho cháu.
Nhưng cụ Cử vội chìa tay ra đòi lấy cái bát mà rằng:
- Đưa đây! ăn bát nữa! Mày đã làm lụng vất vả cả ngày thì phải ăn cho đủ. Cái nhường là để tao! Tao già cả ngồi một chỗ, sống vô ích, sống báo hại con cái, cũng chả nên ăn nhiều mà làm gì.
- Thôi, tôi đã bảo tôi không ăn là tôi không ăn nữa.
- Đưa bát đây! Nồi cơm có chừng sáu bát, thì chị mày nó có con, nó còn phải cho con nó bú, thì để nó ăn ba bát, mày thì ăn hai, còn tao thì ăn một thôi.
Thấy mẹ nói đến con số những bát cơm là một sự bần tiện, Phú đứng lên gắt:
- Thì tôi đã nói thế mà! Sao mà bà nói nhiều thế!
Cô Tuất cũng nói để lời gắt của Phú được nhẹ tội:
- Thì đẻ cứ xơi hai bát như mọi khi có được không?
Biết mình có lỗi, Phú nghĩ ra một cách nói lảng. Lần thứ nhì, chàng lại đem việc thằng cu Hiền bị trói bằng thắt lưng lụa vào cột ra trách chị mình là nhẫn tâm. Rồi chàng chợt đập tay xuống phản, làm bộ mừng rỡ:
- À, để tôi mò cái chạn bát lên mới được! Liệu có còn không hở chị? Hay trôi đi mất rồi? Cái chạn bát ấy, ta rút những thanh tre trên nóc ra, ta để lên phản, rồi đặt cháu nó ngồi vào...
Cô Tuất cũng gật đầu biểu đồng tình:
- Phải đấy, cậu thử mò xem. Nếu còn thì phòng khi đi đâu, không phải trói cháu vào cột nữa.
Cụ Cử phê bình câu chuyện:
- Rõ thảm hại! Tội nghiệp cho cháu tôi!...
Tuy vậy, cụ vẫn nhớ là không ăn bát thứ hai nữa, vẫn có ý nhường cho Phú, thấy vậy, Phú biết rằng không còn nên ngồi đấy nữa. Chàng ngửa cổ, rót nước vối ở một cái ấm đất vào mồm, xong rồi lại qua cái "cầu tre" mà về cái võng của mình.
Cảnh hoàng hôn đã tắt hẳn. Màn đêm đã rủ xuống mặt đất. Một ít tinh tú đã bắt đầu đâm thủng cái xám xịt của không gian để soi lấp lánh một ít chấm sáng yếu ớt. Một con cú kêu lên mấy tiếng nghe mà ghê sợ, trên một cây cao ở đầu làng.
Cái vẻ ảo não thê lương của tiếng cú kêu khiến Phú thấy rùng mình một cách vô căn cứ. Thốt nhiên chàng cũng để trí phán đoán chìm đắm vào dị đoan. Chàng nghĩ đến câu "Cú kêu cho ma ăn". Chàng thấy, đó hình như là một điềm xấu cho ông cụ già đã tám mươi tuổi mà phải nhịn đói đã ba bữa, cụ bô Điềm. Giá trời chưa tối thì thế nào Phú cũng mượn đò sang thăm ông lão...
Lan man, Phú nghĩ đến nhiều cảnh khổ mà nạn vỡ đê đã gây ra. Chàng muốn kết án sở lục lộ, những tay thầu khoán vô lương tâm đắp đê bằng cát, sự săn sóc đê điều của quan trường trong đó người ta đã để cái lợi về tre về phu lên trên cái lòng lo phận sự và thương xót nông dân...
Phú nghĩ đến mai kia, rá gạo mà hết...
Chàng lầm bầm tự hỏi: "Sống? Làm thế nào để sống? ừ, làm thế nào cho sống nổi bốn cái miệng?".
Sau cùng thì chàng thở dài nghĩ đến cái bất trắc của số phận, lo lắng không biết người ta có để yên cho mình sống khổ sở trên mặt nước tìm cách nuôi gia đình hay không? P
hú vẫn thỉnh thoảng lại giật mình về tội vượt ngục.