hi Phú về làng thì ba phần tư người làng đã bỏ làng đi từ bao giờ rồi. Chàng buồn bã lắm, thấy thổn thức muốn khóc khi đi qua những túp lều gianh bị bỏ hoang, về làng mà tưởng chừng như một mình lạc bước trong rừng sâu. Tuy vậy, chàng cũng được yên tâm khi thấy mẹ không đau đớn vì Minh bị bắt, như mình đã lo sợ. Bà Cử chỉ buồn rầu qua loa thôi. Phú hơi ngạc nhiên về chỗ ấy, không hiểu rằng đến lần thứ nhì thấy con lại bị bắt, người mẹ, vì quen đi nên chẳng còn đủ sức đau đớn như lần thứ nhất nữa. Cô Tuất với đứa con vẫn ở bên họ nhà chồng. Phú đã sang thăm ông chánh Mận để hỏi tin tức về người anh. Ông này cũng bị quan trên đòi hỏi song may lại không bị bắt. Chính phủ cho ông chỉ là một kẻ a dua nghe theo những kẻ phiến loạn nhà nghề. Mà trong số những kẻ phiến loạn nhà nghề ấy chỉ là một mình giáo Minh, với cái chức nguy hiểm là cựu chính trị phạm. Ông chánh Mận ra ý vui vẻ được vô can, và nhất là sau này thì không còn sự kiếm chuyện của viên lại già ở huyện nữa. Ông vẫn nhắc đến việc hỏi cô Tuất. Minh đã nhận hết mọi tội. Phú đành ở làng.
Dân vẫn cứ đói.
Họ vẫn phải bỏ làng, bỏ những túp lều gianh mà nước lụt đã đánh dấu ở lưng chừng các vách, hay là đã đánh lở vách xuống cho hở xương tre ra. Không đào đâu ra được thứ gì bỏ vào mồm, họ dỡ nhà xuống chặt thành củi, đem bán rong hoặc đem đến chợ. Nhưng mà chỗ nào thì cũng có nhiều người bán hơn là người mua. Họ bán củi và đi ăn mày - một lúc làm cả hai nghề. Vì rằng chỉ có một số rất ít người nhiều ruộng là được chính phủ cho vay tiền mua mạ cấy tái giá. Cho nên ngày ngày, cứ từng tốp hàng ba chục năm chục, hàng trăm, dân quê lại vẫn cứ kéo nhau lũ lượt đi lang thang trên con đường thiên lý, với những cái chiếu rách ôm cạnh nách, với những cái khăn tay nải ở sau lưng. Nhiều người gánh hai cái thúng, trong mỗi thúng, có một vài đứa bé, trong mỗi đứa bé có vài ba ngày đói khát.
Mặt trời đã mọc trên một quang cảnh thương tâm như là chưa bao giờ loài người đã trông thấy như thế. Trong làng mạc cũng như ngoài đồng áng, đâu đâu cũng có dấu vết của điêu tàn. Sau trận lụt thì vẫn cứ nguyên là hạn hán mãi, cho nên cỏ chưa kịp mọc. Các bờ ruộng bị san phẳng, các đường lối bị phá phách vì phù sa hoặc cát già, trong khi theo nước mà lùa vào, đã bồi cao những chỗ thấp, hạ thấp những nơi cao. Những cây cau bị thối mất rễ, đã nằm xuống một lượt. Những cây chuối thì bói cũng không thấy nữa. Chỉ những cây đã to hàng ôm, đã sống hàng thế kỷ như cây gạo, cây đa, cây muỗm, cây ôi là còn sống nổi theo luật thích giả sinh tồn. Tuy nhiên những rặng tre là ngà, chung quanh các làng, cũng vẫn sống sót, với những lá úa, những cành khẳng khiu. Việc gì cũng là vào lúc bắt đầu làm, hay là phải làm lại. Đó là một cảnh não lòng, khi ta trông thấy một vùng quê mà màu đỏ của đất, màu nâu của bùn lầy, lại nhiều hơn màu xanh của cỏ, cây.
Phú ngừng tay cuốc đất để lau mấy giọt mồ hôi ở thái dương. Chàng vui mừng khi thấy cái vườn rau của mình đã có nhiều màu xanh của rau đậu. Rồi chàng ngao ngán mà nhận ra rằng đã phải trông thấy cái cảnh chết bên ngoài hàng rào, ở chung quanh làng, nghĩa là cái khổ sở của người khác thì chàng mới thấy được cái sung sướng ích kỷ ấy. Trong thời kỳ Minh còn ở nhà, Minh đã biến cái vườn hoang ra một miếng đất có hoa lợi. Minh đã giồng cà- rốt, xu- hào, bắp cải, đậu ván, đậu Hòa- lan. Sau cái bể nước trước kia chỉ có vài cây rau xương xông, thì nay đã là giàn mướp rườm rà, quả đã to bằng những ngón tay trỏ. Bỏ việc dạy học, về làng với mẹ, Phú đã theo đuổi các công việc của anh... Hoa của đậu Hòa- lan, mầm của cà- rốt đã cao một ngón tay, những củ xu- hào đã nhỉnh bằng những hòn bi ve, với những ngành lá lêu nghêu ở xung quanh làm cho chàng yên tâm rằng đến vụ rét thì không phải sợ đói nữa.
Lúc ấy bà Cử đương bưng nồi khoai nước ra để ở cửa bếp, cầm đũa gắp khoai khỏi nồi nước, hơi bốc nghi ngút để bỏ vào một cái rổ. Phú nghĩ đến những bữa ăn đầy cao lương mỹ vị ở nhà ông tham Quang, chàng lẩm bẩm: "Về làng là phải lắm, chẳng đáng ân hận". Trông thấy mẹ mặt mũi vêu vao vì sáu tháng đói khát, quần áo rách rưới một cách thảm hại, Phú giật mình nhớ đến những bà lão ăn mày mặt mũi cũng thế, quần áo cũng thế hằng hà sa số ở các phố của Hà thành và đi đến đâu cũng bị hắt hủi xua đuổi... Thì ra đi ăn mày là sự không khó gì lắm cho bất cứ một ai! Bất thình lình Phú cảm thấy một cách sâu xa cái đểu giả của loài người, sự chó má của xã hội. Chàng bất bình như là đã trông thấy chính mẹ mình phải đi ăn mày. Một lần nữa cái lòng hiếu lại tìm thấy một tiếng vang ròn rã trong trí nghĩ người thanh niên đương oán giận cảnh ngộ, đương nhớ tiếc Hà Nội với những sự cám dỗ ghê gớm, với mọi cái mơ mộng điên rồ, với Kim Dung... Thật thế, Phú đã buồn bã tưởng chừng như không sống nổi nữa. Chàng đã từng ghen giận cả đêm với Hà thành, với những cái phồn hoa đô hội nó đương cướp mất của chàng một thiếu nữ đẹp đẽ mà chàng muốn yêu, mà có thể cũng được yêu, cái đó cũng không biết đâu. Phú đã toan mượn cớ đi Hà Nội vay tiền ông tham Quang để tìm cách trông thấy mặt Kim Dung cho khỏi nhớ, để đánh bạo mà ngỏ cái tâm sự đau khổ. Đã cứu chàng thoát chết, lòng tự ái được phỉnh nịnh hết sức rồi, Kim Dung biết đâu lại không đem lòng yêu chàng, biết đâu... Phải, biết đâu!
Nhưng mà lần này, hình ảnh tiều tụy của người mẹ đã đau khổ suốt đời, gợi ra trong trí não của người con một vấn đề lương tâm.
Phú hoàn toàn tỉnh ngộ.
Chàng tự nhủ: "Kim Dung là cháu một ông tổng đốc, con gái yêu của một ông huyện, một hoa khôi của các cuộc chợ phiên. Còn mình, mình chỉ là một anh dân quê, phải chân lấm tay bùn thì mới khỏi chết đói. Mình là con một bà Cử, nhưng mà một bà Cử không có xu, nghĩa là cũng có thể một ngày kia phải đi... ăn mày!" Chàng ngừng lại một lát, đau đớn rồi lại nghĩ: "Có thể phải đi ăn mày, thật thế!".
Đến đây, cụ Cử lom khom bưng cái mâm gỗ có mấy cái bát khoai nước và một chén muối vừng, từ bếp lên nhà trên. Cụ yếu lắm nên vừa đi vừa thở ỳ ạch loạng choạng. Phú vội chạy ra đỡ lấy:
- Đẻ đưa con bưng lên cho!
Bà mẹ đưa ngay, hổn hển nói:
- Con cũng liệu nghỉ tay mà ăn cơm thôi. Làm từ sáng đến giờ thì cũng đói rồi chứ còn gì!
Phú bưng mâm vào nhà, bà mẹ cũng theo vào.
Bên ngoài, trời đương nắng bỗng rợp, rồi bỗng tối sầm lại.
Thêm vào cái mát mẻ buổi sáng, gió heo may dìu dịu đem cái hơi lạnh dễ chịu của ngày hạ tàn. Cụ Cử vừa phủi áo cho sạch bụi vừa nói:
- Hôm nay lập thu rồi đây.
Bỗng ngoài ngõ có tiếng chân dẫm đất lạch bạch. Phú nhìn ra, đó là ông chánh Mận. Từ độ lụt lội và hạn hán đến giờ, ông này không còn nổi lấy đôi giày mà đi như xưa. Từ địa vị tư sản, ông đã rơi vào cái hố vô sản, có khi lại khổ hơn vô sản nữa. Ông chào cụ Cử, đưa cho Phú một tờ báo. Phú vội giở ra đọc rồi mừng rỡ mà nói với mẹ:
- Đẻ ạ, anh Minh chỉ bị có năm tháng tù!
Bà mẹ cũng mừng rỡ hỏi lại con:
- May nhỉ! Chỉ có năm tháng thôi à?
- Vâng mà bị bắt hai mươi hôm rồi, thế là chỉ còn có hơn bốn tháng!
Bà mẹ lại nói:
- Năm nay có tháng tư dư, thế nghĩa là anh Minh mày cũng được về nhà ăn Tết. Ông chánh Mận nói:
- Thưa cụ, như báo đăng, thì ra bác giáo cháu cũng chẳng buồn chống án lên tòa trên nữa, mà như vậy có lẽ là phải.
Phú cười mà rằng:
- Thật thế, vì có khi chống án mà lại bị xử nặng thêm lên.
Cụ Cử mời đùa:
- Ông chánh xơi cơm với tôi nhân thể nhé!
- Thưa, xin cảm ơn cụ, cháu vừa ăn xong thì sang ngay đây...
- Cơm nước chả có gì cả!
Nói xong, cụ Cử cầm rổ đậy lên trên mâm cơm. Phú rót nước mời khách. Ông chánh Mận ngồi suy nghĩ một lúc rồi hỏi:
- Thưa cụ, thế việc cháu xin cụ thì cụ đã để ý cho chưa?
Cụ Cử ngồi xuống giường nghiêm trang để đáp lời cho một câu hỏi hệ trọng:
- Thôi thì nói gần nói xa, chẳng qua nói thật! Tôi đã thưa với ông rằng việc ấy là tùy cháu. Giời sinh ra thế, cha mẹ chỉ gả chồng cho con có một lần thôi... Đáng lẽ ra thì cháu nó muốn ở vậy thờ chồng nuôi con kia đấy... Nhưng mà đến khi anh giáo nó được tha về thì anh nó mới lại khuyên nó, thì nghe chừng con bé cũng đã nghe ra. Ông cứ việc sửa soạn đi kiếm lá trầu ra đình đi thì vừa. Còn tôi, việc rổ rá cạp lại, xin thế nào cũng xong. Nhưng mà tưởng giá chờ đến lúc anh Minh nó được tha nữa thì có lẽ hơn.
Ông chánh Mận sung sướng đỡ lời:
- Bẩm cụ dạy chí phải!
Phú nhìn ra sân, nói:
- Tôi tưởng chả cần phải đợi đến lúc anh Minh được ra. Cứ lo cho xong chuyện đi có hơn không? Sớm ngày nào hay ngày ấy chứ! Vả lại, đã lấy chồng đến lần thứ hai thì còn long trọng quái gì nữa mà phải đợi với chờ!
Vốn là người ba phải, ông chánh Mận lại nói:
- Cậu nói cũng chí lý lắm.
Ngoài sân, lá khô bay tung lên. Trời bỗng tối mịt. Một vài hạt mưa lộp bộp rơi xuống. Mưa! Đã mấy tháng trời, trận mưa này là trận đầu! Ông chánh Mận không biết chừng vì mưa hay vì hỏi được cô Tuất, mà cũng bắt chước Phú vừa nhảy vừa reo:
- A! A! Hay quá! Sướng quá!
Cụ Cử phê bình:
- Lịch tầu thế có đúng không!
Thôi lập thu mà thuận ngâu thế này thì là được mùa tháng mười. Phú nói:
- Chứ không lẽ giời cứ để chết người ta mãi!
Chợt ông chánh xin cáo:
- Thưa cụ, chỉ có thằng bé cháu ở nhà, tôi không về thì mấy thứ ở sân hỏng hết mất! Thôi, tờ báo cậu cứ đọc, bao giờ tạnh mưa mời cậu sang chơi. Chào cậu, lạy cụ ạ!
Chào xong, ông chánh lật tà áo dài lên che đầu, vén quần lên, ra khỏi ngõ thì chạy thẳng một mạch. Gió thổi ào ào. Trời đen nghịt những nước, loạn xạ những sấm sét mưa to.
Phú bỏ tờ báo, ra đứng tựa cột tre, nhìn ra sân. Trên mấy cái ống máng làm bằng thân cây cau bổ đôi, nước chảy vào bể như suối. Dưới thềm nhà, chẳng mấy lúc đã có một rãnh nước lênh láng. Phú sung sướng vì từ hôm nay mỗi sáng sẽ không phải ra tận vực đầu làng mới lấy được vài gánh nước về tưới rau. Cụ Cử giục chàng đi ăn cơm nhưng vì trong lòng vui vẻ quá, không thấy đói nữa, Phú mời mẹ cứ ăn trước. Chàng lại cầm lấy tờ nhật báo. Ngoài tin về giáo Minh bị kết án, tờ nhật trình có rất nhiều tin quan trọng.
Khắp xứ Đông Dương, chỗ nào cũng đình công, cũng biểu tình. Bên âu châu thì tình hình quốc tế càng ngày càng găng. Việc Tây Ban Nha nổ bùng ra to, nhiều cường quốc nhảy bổ vào đâm chém. Thế giới chia ra hai phái của hai tư tưởng rõ rệt cộng sản chiến với tư sản, quốc tế chống với quốc gia. Chỗ nào cũng nổi lên phong trào bình dân đương đầu với quân phiệt. Tuy vậy ở Bắc Kỳ, nhà cầm quyền vẫn bắt giam các nhà viết báo đòi mọi cái tự do dân chủ như thường.
Phú liên miên nghĩ đến những người vì nhân đạo mà chịu đựng đủ tất cả các điều khổ sở. Chàng như lại thấy hiện ra trước mắt cái quang cảnh tòa báo Lao Động, với những tay thanh niên hăng hái, con quan, con nhà giàu sẵn lòng vào tù vì cái nghĩa cả đối với tư sản, với bình dân. Phú lại hổ thẹn vì mình đã bỏ chí phấn đấu vì một cái mộng tưởng tình ái hão huyền, trong khi những người thừa tư cách mê gái, thừa tư cách đi nhảy đầm với Kim Dung, lại chỉ vùi đầu vào làm những việc để phụng sự cho cái giai cấp của Phú. Chàng lại như nhìn thấy rõ Hà Nội với bao nhiêu cái hưởng thụ ích kỷ của bọn trưởng giả, bao nhiêu cái đồi bại của phong tục nó làm tiêu mòn mất chí khí của một số đông nam nữ thiếu niên.
Trời vẫn mưa to.
Bể nước đã đầy. Nước mưa thừa đã giàn giụa chảy ra ngoài thành bể. Hạn hán như vậy là hết, thật hết! Mai kia, cỏ sẽ mọc tươi tốt ngoài hàng rào, nụ non sẽ hé miệng trên cành khô. Nước đã đem hạnh phúc xuống cho đất: ruộng nương, đồng áng xưa kia nứt nẻ, bây giờ đã chan chứa hy vọng. Chim muông sẽ chẳng phải sã cánh, thè lưỡi khô, để tìm một giọt nước sau hàng tiếng đồng hồ. Những cảnh vừa vo gạo, vừa giặt quần, giặt váy, vừa tắm, ở những vũng ao tù còn có một ít nước đen ngòm những bùn, hẳn không có nữa.
Xong bữa, bà mẹ đứng lên nói với con:
- Thôi, khá đấy, con ạ. Thế này là thuận ngâu.
Phú ngẫm nghĩ về tương lai, về mọi sự vật chất của cuộc đời nó sẽ làm tăng giá trị cho con người. Chàng thấy không phải lo gì nữa, chỉ ít lâu nữa, anh Minh sẽ mãn hạn tù. Mai đây chị Tuất về với ông chánh Mận, thôi thì cũng là yên phận.
Nghĩ đến đấy, chàng nhớ đến thằng cu Hiền, đứa cháu kháu khỉnh mà chàng đã từng ẵm bế, hôn, hít suốt ngày. Chưa đầy ba tuổi! Bồ côi! Mẹ lại sắp cải giá!
Vũng nước ở sân hợp vào rãnh nước trước thềm nhà. Bây giờ thì lại nhiều nước quá. Nhìn những bong bóng phập phồng hết nở lại tan trên mặt nước, nhớ đến đứa cháu, Phú tựa lưng vào cột tre khẽ ngâm một giọng buồn rầu:
Giời mưa bong bóng phập phồng,
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?
1936