Vỡ đê

Phần II / Chương 9

C

ái đồng hồ đánh năm tiếng thong thả. Lúc ấy, trời mới hừng sáng. Ông huyện ở chỗ vỡ đê mới về. Ông đã thức cả đêm. Ông đã gắt mắng cả đêm. Ông nhọc. Bây giờ ông không muốn nói gì nữa. Ông ngồi dựa ghế, nghe lời trình của viên lục sự già, thỉnh thoảng lại lắc đầu, lại xua tay, lúc nào cũng như không muốn để tai nghe.

Người ta đã dùng cái phòng khách của ông huyện để thiết công đường. Sớm quá, vả, vì lẽ phải giữ kín, nên trong số nha lại họp mặt tại tư thất quan huyện chỉ có viên lục sự già, anh Cạp, người mật thám riêng của ông huyện, một ông nho, và anh lính cơ gác lô- cốt đêm qua. Mọi người trình bày công việc của mình để cho rõ đầu đuôi cái việc bí mật ghê gớm kỳ quặc chưa từng có bao giờ là cái việc vượt ngục của Phú.

Viên lục sự già chỉ vào anh Cạp ra ý phân bua và kể lể:

- Bẩm quan lớn, ấy đầu đuôi tra khảo là như thế, rồi chúng tôi hoãn việc khẩu cung là như thế, khóa cửa và giao thìa khóa trả cho lính cơ là như thế.

Anh Cạp cũng sửng sốt:

- Bẩm... nó vượt ngục như thế thì dễ thường nó có phép tiên, chứ cửa con đã khóa trái kỹ lưỡng, mà lúc anh lính cơ vào khám tù thì phải phá ổ khóa mới vào được.

Sau khi hai người đã khai rành mạch như vậy rồi thì trăm nghìn tội lỗi đổ nặng trĩu cả vào đầu bác lính cơ gác đêm.

Đứng trước bàn ông huyện, hai tay bác chắp lại, mắt bác chỉ dám nhìn xuống đất. Bác hết sức hy vọng rằng quan nên xét đến cái chỗ tài tình của kẻ vượt ngục thì tội sao nhãng của bác cũng được giảm. Nhưng xem ý quan lại càng ngờ rằng trong vụ này, ắt có kẻ đồng mưu, chứ một kẻ vượt ngục chẳng khi nào lại có phép tàng hình mà vượt ngục được như thế!

Sau khi khoan thai kéo một mồi thuốc lào rõ dài, sau khi nhìn vào đám khói xanh như muốn hỏi một điều gì bí mật, quan huyện từ tốn một cách đáng sợ, bảo tên lính:

- Bây giờ đến lượt mày. Mày canh gác ra làm sao? Mày ngủ những lúc nào? nói ra cho rành mạch!

Anh chàng này bỗng cũng đâm ra run sợ, lưỡi ríu lại, thật cũng lúng túng chẳng kém một người cả đời chưa lần nào ra cửa quan.

- Bẩm quan lớn, con nhận rằng vào khoảng gần một giờ đêm thì ông lục và bác Cạp quả có từ lô- cốt ra, có đi qua chỗ con nằm và có để vào bên thành ghế của con cái thìa khóa cửa. Lúc ấy, tuy tay con không cầm đến, nhưng quả có nghe thấy một tiếng cách hẳn hoi. Bẩm thế rồi... lạy quan lớn trăm lạy, con nhọc mệt quá, lúc nào cũng ngủ dở thức dở, có lẽ ngủ nhiều hơn thức con không dám chối, nhưng mà hễ thức là có đánh kẻng làm hiệu ạ. Đêm hôm ấy, con quên khuấy mất cái thìa khóa! Sáng sớm vùng dậy, không thấy thìa khóa đâu, con mới vội vã sang bên ông lục sự con trình... Ông lục sự con nghĩ ngay đến tên can phạm, liền gọi cửa nhỏ, không thấy, và phá cửa lớn mà vào, cũng chẳng thấy nốt! Thật là một việc kỳ dị như có ma!... Bẩm đầu đuôi là như thế, mong quan lớn soi xét.

Đến đây, quan huyện xua tay một cách rất chán nản, nhăn mặt lại một cách rất phẫn uất, dằn từng tiếng mà nói:

- Tôi thì công việc đê điều bận rộn là như thế, trông cậy vào có các người ở nhà... Vậy mà các người thừa hành chức vụ là như thế! Có một tên trọng phạm thì để cho nó vượt ngục! Có một cái thìa khóa thì mất cả cái thìa khóa! Việc quan mà các người làm như vậy thì còn ra cái thể thống gì nữa? Trò hề đấy à? Các người cứ liệu cái thần xác!

Chừng như không chịu nổi lời mắng vơ đũa cả nắm ấy, ông lục sự bèn xích ra đứng giữa phân giải:

- Bẩm quan lớn, việc đã xảy ra đến như thế này, âu là xin quan lớn cứ việc thẳng tay cho, đứa nào có lỗi đứa ấy sẽ chịu lỗi. Xin quan lớn tư lên tòa sứ đem một vài người ở sở Liêm phóng Hà Nội về mà mở cuộc điều tra. Chứ một vụ vượt ngục như vụ này không phải là sự thường. Khóa vẫn y nguyên mà phạm nhân ra ngoài lúc nào không ai biết, như vậy, trừ phi có kẻ tòng đảng thì không sao có được một việc lạ lùng nhất từ cổ chí kim như thế được.

Ông huyện bưng đầu ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi chỉ nói:

- Ông lục sự ở lại đây... còn thôi, cho chúng bay lui cả!

Người lính cơ và người mật thám riêng vái dài một cái, đoạn rủ nhau đi về công đường, cái miệng cứ bình phẩm bô bô mãi về sự quan huyện không quở trách gì cả...

Còn lại một ông lục sự già, ông huyện bèn thở dài ngán ngẩm mà rằng:

- Ông lục ơi, phen này thì chết cả mất thôi!

Cái giọng than vãn của ông huyện có một vẻ rền rĩ, một vẻ ảo não đặc biệt, đến nỗi bỗng đâu viên lục sự già cảm thấy đủ tất cả sự nghiêm trọng của lời trách cứ.

Đến lúc ấy, lão mới nói thẳng rằng cái trách nhiệm của mình tuy là gián tiếp mà cũng đủ nặng nề như một vấn đề lương tâm. Ông huyện lại nói:

- Chết thật! Trông đê thì đê vỡ, giữ tù thì tù sổng! Làm quan đến lúc này mà chưa bị cách thì còn đến bao giờ nữa mới bị cách?

Lúc ấy, Dung bước vào phòng khách, tay cầm một mẩu giấy nhỏ. Nàng trù trừ một lát rồi nói:

- Thưa cậu, đây là giấy của bác Khoát, lúc ra đi có viết lại mấy chữ và bảo con đưa cho cậu.

Ông huyện cầm lấy, không đọc vội, lại nhăn nhó, nói với ông lục sự già:

- Như ý ông thì cái việc quái ác này liệu có ai dính vào không? Thằng lính cơ hay thằng Cạp?

- Tôi có nghi thì tôi nghi nhất cho thằng lính cơ. Vì thằng Cạp thì ngay đêm ấy, nó đánh tài bàn cả đêm ở nhà tôi...

- Bây giờ ta làm thế nào?

- Theo ý tôi thì trói cổ thằng lính cơ lại mà khảo để cho kỳ bao giờ nó cung xưng thì thôi.

Nghe thấy thế, Dung hãi hùng vội phải vờ lúi húi tìm tòi một vật gì đó trong tủ chè. May sao không bị bố để ý đuổi ra. Dung liền tìm được một mẹo để cứ ngồi trong phòng khách, nghĩa là chuyên chè từ bao này sang bao kia. Nàng lắng tai nghe chuyện. Người lục sự già tiếp:

- Một mặt nữa thì cho thằng Cạp và một ít lính tráng nữa đi tróc nã phạm nhân, vì hắn đi tất cũng chưa xa. Cái thẻ thuế thân của nó còn đây, ta cứ việc cho lính về tận nguyên quán...

Ông huyện ngơ ngác gặng hỏi một lần nữa:

- Ông chỉ nghĩ được có thế thôi à? Không phải trình sứ việc vượt ngục à?

Người lục sự già đáp:

- Việc trình sứ hay không là tùy quan lớn, còn tôi, ngụ ý là như thế đó.

Ông huyện lúc ấy đứng lên, dõng dạc:

- Không! Không và không!

Ông chắp tay sau lưng, đi đi lại lại:

- Nếu để việc vỡ lở to ra thì không những chỉ nguy cho tên lính cơ, hay cho ông mà thôi, nhưng mà chết lây đến cả tôi nữa! Nếu mình trình sứ ắt tòa sứ phải báo sở Liêm phóng Hà Nội. Như vậy thì có phải rõ thật bỗng dưng "lạy ông tôi ở bụi này" không? Phải giải quyết bằng cách khác... Cái gì nhất cử lưỡng tiện mới được.

Viên lục sự cũng lên tiếng:

- Vâng, nếu vậy thì cũng còn cách khác... Mà cũng chỉ còn có một cách.

Ông huyện cũng nói tiếp một cách mập mờ:

- Có phải thế không hở ông?

- Tuy nhiên cũng phải tra ra cho kỹ cái án này chứ không thì ức lắm.

- Ông nói có lý đấy! Nếu mình không ra oai một bận cho quân khác nó noi gương thì không xong... Vậy thì ông sửa soạn đi, rồi để tôi ký một chữ.

- Bẩm, thế tôi xin ra lấy hồ sơ ở công đường.

- Phải.

- Bẩm lạy quan lớn, chốc nữa tôi xin đem cả vào đây.

- Phải phải! Thế tốt lắm. Mà ông dặn chúng không được tiết lộ...

Người lại già đã đi khỏi, quan lúc ấy để nguyên áo dài nằm thẳng cẳng trên trường kỷ, vừa ngáp vừa bảo con gái:

- Quạt cho cậu mấy cái đây, con ơi!

Vâng lời, Dung ngồi phía dưới chân bố, phe phẩy cái quạt lông, ông huyện chập chờn dở ngủ dở thức, trí não đương vật lộn với trăm nghìn cái dấu hỏi. Ông đương lo lắng về nỗi vỡ đê. Cứ như những tin ông nhận được thì phủ Thông sứ đã cho ông là sao nhãng, định đưa ông ra một hội đồng kỷ luật, và trước khi ấy, sẽ huyền chức ông trong một năm hay là cất chức ông mà gọi tạm về làm bàn giấy ở tòa sứ... Chưa biết đích xác, ông đã phải hết sức xoay xở, cựa cậy, vận động thì... chưa chi lại xảy ra cái vụ vượt ngục ghê gớm này! Ông căm tức bọn nha lại dưới quyền ông đến nỗi cổ ông ắng lại, lưỡi ông đờ ra, không nói gì được nữa, ông đã tưởng cái chức tri huyện thật là đến lúc "bương". Nhưng phàm người ta, bao giờ cũng vậy, có gặp lúc nguy nan thì mới thấy nảy ra cái trí sáng suốt phi thường. Tù vượt ngục, ông có khi nào lại chịu cái trách nhiệm để tù sổng. Đã thế thì, nào, ông lục già! - Mời ông hủy cái khẩu cung cũ, lập cái khẩu cung mới trong đó người ta không buộc được kẻ khai cung lấy một tội nhỏ, nếu đó không là một tội vi cảnh, rồi người ta ký giấy tha bổng cho phạm nhân! Phú vượt ngục? Không! Phú được tha chứ không phải vượt ngục!

Nghĩ thế, ông huyện cũng thấy lối cai trị ấy là khôn khéo. Nhưng ông không khỏi lấy làm kinh hoảng mỗi khi ông lại phải nghĩ rằng cửa lô- cốt vẫn khóa mà tên can phạm lại không biết chui đường nào mà ra.

Tòng đảng? Cái đó đã hẳn, nhưng mà ai? Không lẽ chính là tên lính cơ! Mà nếu không là tên lính cơ thì ắt hẳn phải một hoặc là nhiều người khác... Ông huyện rùng mình nghĩ đến những đảng chính trị bí mật... Nghĩ đến những đứa ấy, bụng dạ ông hình như phấn khởi lại vừa sợ hãi. Ông nghĩ đến cái đột ngột của một vụ Yên Bái, một vụ Lâm Thao... Ông nghĩ đến ông huyện Hoàng Gia Mô. Phải, trước khi xảy ra những việc như thế, không bao giờ người đời lại dám ngờ rằng sẽ có khi xảy ra những việc như thế.

Người ta cứ chờ những việc ấy nó xảy ra rồi thì người ta mới ngơ ngác hoặc là há hốc mồm ra mà nhìn nhau, thế thôi. Cái khôn ngoan của người quân tử là lo xa đến những điều ấy, trước khi những người trong thiên hạ kịp để ý đến.

Đã thế thì... "Phải tha! Phải ký giấy tha!" ông huyện nghĩ thế xong lại thấy cái cần tự mình dặn mình rằng từ rày trở đi, gặp những kẻ có óc chính trị, ông phải dè dặt lắm mới được. Nếu ông day tay mắm miệng lắm, có khi chỉ thiệt thân riêng cho ông chớ chẳng ích gì!

Còn đương nghĩ ngợi thế thì viên lục sự già đã vào với một tập bìa trong có biên bản, hồ sơ, giấy má, công văn... Lão đưa cho ông huyện thì ông này ngồi nhỏm dậy, lục đến những giấy má dính dáng đến Phú. Ông đưa mắt một lượt so sánh hai cái khẩu cung, một cái mà lão lại thảo có Phú, một cái mà lão chữa lại khi Phú đã trốn thoát... Ông mỉm cười, vỗ đùi khen: "Khá lắm! Thật là lý sự đủ giọng..." Sau cùng thì ông ký tên ông vào chỗ tha bổng cho bị cáo nhân. Chỗ ông ký tên, cố nhiên người ta đã đóng ấn của huyện đường mà đề ngày trước cái ngày Phú vượt ngục.

Ông quan trẻ và viên lại già, sau một việc như thế, nhìn nhau âu yếm, người thì hứa sự che chở, kẻ thì hứa sự trung thành. Thu xếp được ổn thỏa một việc vượt ngục ghê gớm như thế - mà việc ấy chẳng phải là không để một cái mầm tai họa cho mai sau - người ta thấy cần đem tên lính cơ sao nhãng ra tra khảo cho bõ.

Một lệnh của quan vừa truyền xuống, bọn lính tráng đã dậm dạ inh tai. Mười phút sau, tên lính cơ đã gác lô- cốt đêm qua bấy giờ bị bạn đồng ngũ của hắn đè sấp ngay ở phòng khách trong tư thất nhà ông huyện.

- Có một việc canh tù mà lại để sổng tù à? Chúng bay đánh nát đít nó ra cho ông! Chúng bay đánh cho chí kỳ nó cung xưng cái tội thông lưng với tù, mở cửa nhà pha thả tù ra, cho ông xem!

Người lính, trước còn kêu, sau mê man đi, không biết trời đất là gì nữa. Bốn người lính cơ khác thay tay nhau mà cầm côn nện vào đít anh ta. Nằm dài trên kỷ, ông huyện như không để ý đến cảnh tra khảo trước mắt.

Nhưng mà Dung đã đứng phắt lên rồi! Nàng không nhìn nổi cảnh tượng gớm ghiếc ấy nữa! Nàng kêu với bố: "Thưa cậu, cậu sang ngay đây lập tức, con hỏi có việc cần lắm". Biết là có chuyện hệ trọng, ông huyện vội theo con gái sang phòng bên. Nửa giờ sau, ông ra chỗ "công đường", hoãn lệnh đánh người lính cơ, ôn tồn hiểu dụ cả bọn lính:

- Đấy, chúng bay xem, có tội thì phải nọc cổ ra đánh. Nhưng mà vì muốn cứu mày, vì muốn thương mày, tao đã phải chữa lại công văn, ký giấy tha cho phạm nhân để gỡ cái tội sổng tù của mày! Ngồi lên lạy tạ ông đi!