Vỡ đê

Phần II / Chương 4

K

im Dung rất ngạc nhiên vì không thấy bố ngủ trưa. Xưa nay, thường lệ, ông huyện vẫn nghỉ đúng lối Tây phương, và vào những giờ ấy, ai có việc gì can hệ đến đâu cũng phải chờ cho đến lúc quan thức giấc.

Từ hôm mực nước lên to, tuy việc quan có vất vả hơn thường nhật, ông huyện cũng vẫn giữ nguyên giờ ngủ mà chỉ thay đổi cách ngủ. Đáng lẽ bỏ áo dài vào nằm giường tây trong phòng, ngủ hai tiếng đồng hồ, thì ông để nguyên cả quần áo, ngả mình trên cái sập gụ giữa nhà khách chợp mắt độ nửa giờ... Quả đất có thể không quay nữa, chứ ông huyện mà không ngủ trưa thì không xong.

Vậy mà, hôm nay, cơm nước đã xong từ lâu, ông cũng vẫn cứ nguyên lễ bộ ngồi đợi ở phòng khách. Bà huyện lo lắng hết sức, cho rằng trong việc cai trị hẳn có sự gì lôi thôi. Bà đi ra, đi vào, luôn luôn nói: "Được cái tiếng làm quan thì lo mất ăn mất ngủ". Dung cũng lây cái nỗi lo sợ về cớ ấy. Nàng ngồi ở ghế bên cửa sổ, sẵn lòng chờ bố có sai bảo gì không. Nàng đã pha sẵn ấm chè mạn sen, phòng có khách đến. Đáng lẽ Dung ra chỗ lô cốt nghe ngóng một việc gì nhưng vì phòng khách trông thẳng ra con đường nhỏ dắt đến tận nhà giam, nên ông bố không ngủ đi, thì nàng sẽ không được phép ra chỗ cấm ấy. Dung nóng lòng sốt ruột hết sức, căm tức cái đồng hồ nó cứ muốn kéo dài mấy giờ của buổi trưa ra... Mãi chẳng đến lúc ông huyện ra công đường!

Sáng hôm ấy, tình cờ lúc ra phố huyện mua thức ăn, Dung đã trông thấy một dân quê bị giải về lô cốt giữa hai người lính. Dân hàng phố đổ ra xem rất đông, bàn tán huyên thuyên... Để ý nhìn kỹ anh chàng bị bắt, Dung hoảng hốt thấy rõ ràng chính đó là người thiếu niên con một cụ Cử, em ruột ông giáo, mà lại đi làm phu hộ đê, cái người đã được bố mình tỏ vẻ kính trọng, lúc bị đòi hỏi tại điếm, đêm trước. Trong óc Dung lúc ấy bỗng nảy nở ra một câu hỏi: "Vì lẽ gì?" Phải, một người như thế mà bị bắt tất nhiên không thể vì đã làm điều phi pháp nhỏ nhen như những người bị bắt trước được. Thốt nhiên Dung băn khoăn một mối lo sợ, như lo một việc gì can hệ có dính dáng đến Dung. Nàng đã về, và về nhà rồi mới biết rằng trong sáu thứ phải mua thì nàng đã quên mất hai thứ thực phẩm. Cảnh tượng ấy có một sức ám ảnh ghê gớm làm cho một thiếu nữ vô lo, vô lự, sống một cuộc đời thảnh thơi sung sướng, lương tâm nhẹ lâng lâng, ích kỷ chẳng biết mình ích kỷ, vì không bao giờ quan tâm đến sự đau khổ của kẻ khác, bỗng đâu hóa ra như kẻ tha thiết yêu đời.

Chẳng phải lần đầu Dung trông thấy cảnh bắt bớ.

Từ khi mới về huyện, còn đương say sưa tưng bừng ở cái chức tiểu thư con một vị phụ mẫu, Dung đã thấy bố mình hoặc thân hành đi lùng bắt, hoặc ký trát cho sai nha đem xiềng xích đi tìm những người nấu rượu lậu giải về huyện; trong số ấy có khi Dung thấy ông cụ già mù lòa, hoặc bà lão tóc đã bạc phơ, hoặc một người đàn bà toét mắt có đứa con bụng ỏng đeo sau lưng - những người vừa đi vừa mếu máo, khóc lóc kêu oan, trông đáng thương vô cùng. Những khi ấy, quả tim của Dung đã từng thổn thức. Nàng thấy bọn người ấy có lẽ oan thật, mà bố nàng cứ bỏ tù thì thật là quá đỗi nhẫn tâm. Tự nhiên Dung thấy lương tâm cắn dứt, thấy nghề làm quan của bố là một nghề xấu, thấy cái nhân loại thật quả đầy dẫy những mối đau thương đáng bất bình. Đã có lúc Dung thấy xấu hổ là con gái một vị quan phụ mẫu mà công việc đại khái chỉ là như thế.

Những phút trạnh lòng hiếm có ấy lại bị những lý do khác xóa sạch, mỗi khi, tối đến, Dung thấy bố phàn nàn với mẹ về việc quan. Nào là quan trên rầy la về trong huyện có nhiều người nấu rượu lậu quá, đến nỗi rượu tá ế ẩm, như vậy hại cho quỹ nhà đoan, mà để công quỹ hao hụt thì cái thang công danh kia rất khó trèo. Bị khiển trách luôn thì có khi mất quan, nếu Dung không phải cam chịu suốt đời là con gái một ông huyện và chẳng có hy vọng gì sẽ được là con ông phủ, con ông án. Hai nữa, nếu chẳng "việc quan xin cứ phép công", mà lại xử nhân đạo với bọn người tuy đáng thương nhưng rất có tội kia, thì ấy là nguy hiểm ngay cho mình, về manh áo, về miếng cơm. Dung chợt nghĩ đến cái áo tân thời trong tủ, cái nhẫn kim cương ở ngón tay, con chim xào trên mâm cơm, thì lại thấy bố là không làm gì đáng trách. Trông thấy một cảnh bắt bớ đến lần thứ hai thì quả tim của Dung đã không đập mạnh nữa. Lần thứ ba, Dung thản nhiên hẳn, thấy mọi sự chỉ là thường. Sau cùng thì nàng quen mắt đi, thế thôi.

Nhưng lần này, việc Phú bị giam khiến Dung bất thần lại quay trở về với những mối xúc động ngây thơ, với những cảm giác thứ nhất... Người đã làm gì nên tội? Sao con một ông Cử, mà lại phải đi đắp đê? Gia thế người ấy thanh bạch đến nỗi như thế nào? Liệu người ấy có được tha không? Nếu bị án, sẽ bị độ bao nhiêu tháng tù? Nếu vào tù, ai nuôi mẹ, ai trông nom vợ?

Những câu hỏi không có câu đáp như thế khiến cho Dung quả quyết tự nhủ; ta phải săn sóc việc này mới được. Nghĩ thế thì thấy lòng tự ái của nàng được nâng niu lắm, vì trong đời hiện có một người mà số phận là đương ở trong tay nàng. Là con gái một ông quan, thì cũng đã đủ là một thứ thế lực. Dung sẽ dò hỏi, sẽ vận động hộ, nếu người bị bắt là không có tội, nếu cảnh ngộ người ấy đáng thương... Dung sẽ khôn khéo hành động thế nào để lung lạc ông bố, và lại cần phải giữ cho bố khỏi biết đến ý nghĩ ấy.

Dung đương nghĩ thế thì ông bố đã bảo:

- Sang phòng bên đi, con!

Đứng thập thò ngoài thềm, đó là một thiếu niên mà Dung thấy quen mặt. Người ấy mặc áo the, đi giày ta, đội mũ tây, có một cái răng vàng trong hai hàm răng đen. Dễ thường gặp Dung ngoài phố mấy lần người ấy đều đã có ngả mũ kính cẩn chào, để Dung cũng phải lễ phép đáp lại, tuy chẳng hiểu người ấy là ai cả. Dung đứng lên đem khay nước ra bàn, rồi sang phòng bên cạnh, lắng tai nghe. Thì ra đó là một tay phóng viên nhà báo.

- Bẩm quan lớn, thấy ngài cho gọi là chúng tôi đến ngay...

- Có một tin quan trọng lắm, ông ạ. Nếu ông dùng điện thoại mà đánh về nhà báo thì tôi chắc ông chủ báo cũng hoan nghênh hết sức... Ông ngồi xuống đây mà chép luôn đi, tôi đọc cho.

- Bẩm xin phép quan lớn.

Tay nhà báo ngồi xuống ghế, lấy quyển sổ tay để ở bàn, lấy bút chì hý hoáy viết... Ông huyện khoanh tay ngồi đọc như một ông giáo đọc ám tả cho học trò.

- "Phải chăng là một đảng viên cách mệnh? Ba trăm phu toan làm reo. Người cầm đầu cho bọn phu hộ đê là một thiếu niên trí thức cũng nhập bọn với dân quê để tiện việc xui giục họ. Tin riêng của đặc phái viên bản báo.

Viết xong mấy dòng ấy, tay nhà báo ngẩng đầu lên, ngừng tay ngẫm nghĩ một lúc lâu, rồi hỏi:

- Bẩm, ngài làm ơn thuật qua câu chuyện cho chúng tôi hiểu rõ đầu đuôi đã, thì có lẽ... tiện hơn.

Nhưng ông huyện cau mặt, xua tay một cái mà rằng:

- Thì ông cứ viết đi có được không? Xưa nay, bao nhiêu tin tức quan trọng tôi vẫn đọc cho ông viết thì ông có phải chữa lại mấy tí đâu nào!

Thấy thế, nhà báo lại cúi đầu xuống phục tòng để cho ông huyện đọc tiếp:

- Công việc hộ đê vẫn tiến hành rất gấp ở huyện T. thì mới đây xảy ra một vụ bắt bớ quan trọng. Nhờ sự tận tâm về phận sự của quan huyện sở tại là một người rất mẫn cán, quãng đê V. mới năm hôm nay đã có thêm được một con chạch cao 50 phân tây, và do thế, dân mấy phủ huyện đã có hy vọng tránh được thủy tai. Chẳng dè hôm vừa đây, khi mấy trăm dân phu đương tiến hành công việc thì một người đã đứng ra xui giục họ đình công, đương đầu lại với quan sở tại. Nguyên do dân phu có tụ họp nhau lại một chỗ đòi tiền công. Quan huyện đã phải cắt nghĩa rằng còn đợi lệnh của quan Công sứ đã, Nhà nước tuy có hứa sẽ trả tiền nhưng sự thật là huyện chưa nhận được tiền. Ngờ đâu đã chẳng biết nghe lời nói, dân phu lại còn dùng đến khí giới toan đánh lý dịch, chống lại người Nhà nước...

Đến đây, ông huyện ngừng lại ba phút, hỏi ông phóng viên:

- Thế nào? Nghe xuôi đấy chứ? Ông thử đọc qua lại một lần chúng ta nghe xem...

Phóng viên nhà báo ho khạc để dọn cổ họng. Rồi ngoan ngoãn đọc lại những dòng đã viết. Quan gật gù cái đầu, khoái chí, lại hỏi:

- Có được không? Văn Chương gọn ghẽ, dễ hiểu...

- Bẩm vâng.

- Khúc chiết đâu ra đấy lắm đấy chứ?

- Bẩm vâng.

- Thôi thế ông cứ việc chép đi!

- Bẩm xin quan lớn đọc tiếp...

- "Nếu không có sự điều đình rất khôn khéo của viên tri huyện sở tại thì ắt đã xảy ra một cuộc bạo động, một vụ đổ máu ghê gớm. Trong khi mấy trăm dân hộ đê hung hăng vác xẻng cuốc khiêu khích lính tráng và lý dịch đánh đập một người cai và một người tuần đến nỗi bị thương rất nặng, thì quan huyện đã phải ra lệnh cho đội lính khố xanh bắn súng chỉ thiên để thị uá nên họ mới chịu giải tán và lại chăm chỉ làm việc. Xét ra bọn này có người cầm đầu. Sợ nguy hiểm về sau, ông huyện đã cho bắt giam H. V. Phú, vì tên này quả thực đã diễn thuyết xui dân phu đình công. Ngay khi xảy ra vụ xung đột này, bản báo đặc phái viên đã tức tốc đến tận nơi điều tra rất kỹ lưỡng... H. V. Phú vốn là con cái một họ có tiếng là bướng bỉnh và nguy hiểm. Phụ thân của y, anh ruột y, đã vì chống lại chính phủ mà bị đày đi Côn Đảo. Đến nay, y lại len lỏi vào đám dân quê, cũng đi làm phu hộ đê, để nhân cái phong trào đình công này, mà làm rối trật tự. Vậy thì H. V. Phú là người của V.N.Q.D.Đ. hay là người của Moạcou? Đặc phái viên bản báo còn đương mở cuộc điều tra, được tin gì sẽ đăng tiếp".

Ấy thế là xong cuộc "điều tra" của ông "đặc phái viên" kia. Ông chép xong, lại đọc cho ông huyện nghe lần nữa. Ông huyện bảo:

- À, ông viết thêm vào hộ câu này nữa...

- Bẩm, thêm chỗ nào?

- Ấy! ấy... sau câu "giải tán và lại chăm chỉ làm việc" thì ông viết thêm vào đại khái rằng:

"Lúc giải tán thì dân phu chạy hỗn loạn, có mấy người bị thương là vì xẻng cuốc của dân phu va phải mà nên nỗi, chứ lính tráng không phải đánh đập ai cả".

Chép xong đâu đấy, báo giới lại kính đọc để quan trường nghe. Thật là ý hợp tâm đồng. Một mẩu tin vặt thế mà ngài cứ bình văn mãi, như ngâm nga những áng thơ kiệt tác vậy.

- Bẩm, thế quan lớn lấy cung chưa?

- Dạo này tôi bận việc đê điều, bao nhiêu án từ phải để cụ lục cụ ấy làm hộ cả đấy chứ. Này, gửi dây thép ngay đi nhé! Có kịp số báo ngày mai không?

- Bẩm, ít ra cũng phải đến ngày kia thì báo mới có đăng cái tin này được.

- Ở chơi đã! Uống nước đi vậy! Thuốc đây!

- Thôi, để quan lớn nghỉ trưa. Cám ơn quan lớn lắm.

Nhà báo xếp dọn giấy má bỏ túi, uống nước, hút thuốc, chào ông huyện, rồi cáo lui. Thế là Dung lần đầu trong đời nàng, đã được biết rõ những cái ẩn tình của một vụ bắt bớ, và cái vô lương tâm của một nhà báo.