Cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi qua từng ngày như vậy, ba đứa con vây quanh bếp lò ấm áp chờ tôi nấu cơm. Cho tới một hôm, chị hàng xóm sang nhà tôi chơi, trông thấy tôi làm luôn chân luôn tay, nấu nướng xong xuôi lại cẩn thận xới từng bát cơm đầy ắp cho bọn trẻ, đặt lên bàn ăn, chị không vừa mắt, thẳng thắn góp ý: “Các cháu lớn cả rồi, sao vẫn như khách quý như vậy, nhìn mẹ tất bật như thế mà không xắn tay giúp? Tại sao các cháu có thể ngồi ì ra đợi mẹ hầu như thế?”
Tiếp đến, chị hàng xóm quay sang mắng tôi: “Em đừng đem kiểu giáo dục đó đến Israel, đừng nghĩ em đẻ con ra có nghĩa em là mẹ của chúng. Chẳng có người cha người mẹ nào là không yêu con cái, chỉ có điều chúng ta cần phải biết yêu con có chừng mực, có nguyên tắc và có phương pháp.”
Lời nói bộc trực của chị hàng xóm làm tổn thương lòng tự trọng của người khác, ba đứa con của tôi đều rất khó chịu. Tôi an ủi bọn trẻ: “Không sao đâu, các con đừng để bụng chuyện này, mẹ chịu đựng được, mẹ thích chăm sóc các con, mẹ không hề mệt chút nào. Các con còn nhỏ, cố gắng học tập tốt là ngoan nhất rồi.”
Chị hàng xóm thấy chướng mắt vì tôi ôm đồm mọi việc, hầu hạ bọn trẻ từng li từng tí, ngay cả khi chúng đã hơn mười bốn tuổi. Cũng khó trách, sau khi đến Israel, tôi mới phát hiện ra, không có một đứa trẻ nào trong các gia đình Israel không làm việc nhà, vả lại trẻ em nhà càng giàu càng bị cha mẹ đẩy ra ngoài xã hội. Người Israel không có câu “Không ai giàu ba họ’’, trong quan điểm của chúng tôi, giàu hoàn toàn có thể giàu ba họ, quan trọng là cha mẹ thể hiện cách yêu thương con cái như thế nào.
Người Trung Quốc phân biệt rạch ròi yêu là yêu, dạy là dạy, còn người Do Thái cho rằng yêu cũng là một cách dạy con. Cho nên, tôi đã sớm có sự chuẩn bị tâm lý trước lời phê bình của chị hàng xóm, chỉ không ngờ chị lại nói thẳng băng như vậy.
Chị chẳng kiêng nể gì, nói rằng: “Sara, em làm vậy không phải là yêu con mà là hại con. Em sợ bọn trẻ làm việc nhà sẽ tốn thời gian học tập của chúng, nên tự nghiến răng gánh hết mọi việc. Nhưng em cần phải cho bọn trẻ ý thức được, chúng cũng là thành viên trong nhà nên phải có trách nhiệm với gia đình. Chúng phải san sẻ gánh nặng của người lớn trong khả năng cho phép của mình. Như vậy tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến việc học của chúng. Ngược lại, khi bọn trẻ tìm được cảm giác giá trị và tôn trọng, chúng sẽ chủ động học tập, hiển nhiên hiệu quả học tập cũng cao hơn. Còn khi chúng không có cảm giác trách nhiệm, không có cảm giác giá trị, dẫu ngồi vào bàn học thì chúng cũng chỉ nghĩ ngợi lung tung, không tập trung học được.”
Dân tộc Do Thái là dân tộc vô cùng coi trọng tri thức, người chưa có trình độ học vấn cao cũng đọc rất nhiều sách. Tuy chị hàng xóm của tôi không phải là giáo sư, tiến sĩ gì, nhưng những lời chị nói làm tôi thức tỉnh, nó vẫn có ý nghĩa sâu xa cho đến tận ngày hôm nay.
“Sara à, cha mẹ có thể cho con cái rất nhiều tình thương, nhưng không thể trưởng thành thay con. Mỗi người làm cha, làm mẹ đều rất mực yêu thương con cái của mình, nhưng tình yêu ấy cần có chất lượng. Có tình yêu giống như dòng nước mát, sau khi làm thỏa mãn cơn khát trong cổ họng của con, nó không để lại dấu vết gì; có tình yêu lại giống như giọt máu đào đi vào thể chất và tinh thần của con, suốt đời chảy trong con, ban cho con sức mạnh.”
Chị hàng xóm còn kể cho tôi nghe một câu chuyện thấm thía.
Về sau tôi cũng thường chia sẻ câu chuyện này với các bà mẹ:
Một con sư tử mẹ dạy sư tử con săn mồi. Sư tử mẹ bảo hai sư tử con: “Các con nghe này, bây giờ mẹ sẽ dạy các con săn mồi. Nào, Simba, Kovu chúng ta đi bắt thỏ nhé!”
Sư tử mẹ vừa dứt lời, hai chú sư tử con liền chạy băng băng trên đồng cỏ. Đột nhiên, sư tử anh vì chạy quá nhanh mà ngã lăn quay. Sư tử mẹ xót xa: “Từ sau con không cần đi săn mồi nữa.”
Hằng ngày, sư tử mẹ đều đưa sư tử em đi săn, sau khi sư tử em ăn no, nó sẽ mang phần thịt còn lại về cho sư tử anh. Từ đó, sư tử anh sống vô cùng sung sướng.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, sư tử anh và sư tử em đều đã trưởng thành. Một hôm, sư tử mẹ bị bệnh rồi qua đời, hai con sư tử tự đi săn mồi. Chúng mải miết chạy, chia thành hai ngả. Sư tử anh muốn tìm thức ăn nhưng nó chẳng biết làm thế nào. Ba ngày sau, sư tử anh ngã quỵ. Câu nói sau cùng nó thốt lên là: “Mẹ, con hận mẹ!”
Tôi không lạ gì cách giáo dục của chị hàng xóm, vì thuở nhỏ, cha tôi cũng từng dạy tôi như vậy. Sau khi uống trà buổi sáng, người cha già của tôi thường vừa nghe Sông Donau xanh, vừa ôn tồn bảo tôi:
“Sara, con tuyệt đối không được ỷ lại vào sự chăm sóc của cha, vì cha không thể ở bên con cả đời. Lúc nào con cũng phải tự nói với bản thân mình: Hôm nay tôi làm ‘công chúa Hạt Đậu’ nhưng ngày mai tôi có thể ngủ trong phòng chứa củi; hôm nay có cha đánh thức tôi dậy, giúp tôi sửa soạn quần áo, đưa đón tôi đến trường nên tôi muốn ngủ đến mấy giờ thì ngủ, lề mề thu dọn đồ đạc nhưng ngày mai cha không thể đưa đón tôi, tôi biết chuẩn bị đồ đạc ngày hôm sau cần dùng, biết ngủ dậy sớm hơn và tự mặc quần áo gọn gàng. Chỉ có như vậy, con mới ‘biết co biết duỗi’ và cha cũng mới yên tâm về con. Đến khi ra ngoài xã hội, con sẽ không phải chịu nhiều thua thiệt.”
“Sara, sắp tới con phải bước vào cuộc sống tập thể ở trường. Con nhớ kỹ lời cha dặn, nhất định phải siêng năng. Con cần chủ động quét dọn xung quanh nơi ở, đừng quên đó là không gian sử dụng chung của mọi người. Con cần lấy nước nóng cho người khác vì mỗi người đều cần uống nước. Giúp người khác làm nhiều việc, con sẽ chiếm được cảm tình của người ta.”
Cha tôi tận tình khuyên bảo, vì ông lo tôi không thể đối mặt với cuộc sống vô thường, sợ tôi quen cơm bưng nước rót, sau này trở thành một đứa con gái lười biếng, không được mọi người quý mến, càng sợ một ngày ông không còn trên cõi đời này, tôi không thể tự lực cánh sinh, không có chỗ đứng trong xã hội.
Trước khi người Do Thái cho con cái học tập tri thức, họ đều trang bị cho trẻ một số kỹ năng làm việc cơ bản. Đối với họ, một người đến cơm cũng không biết nấu thì không có tư cách để nghiên cứu học vấn.
Ví như một nhà hàng xóm của chúng tôi tại thị trấn Kiryat Shmona, điều kiện kinh tế gia đình họ khá tốt, nhưng vì họ đang sửa nhà nên tạm thời ở cùng nhà chúng tôi và chúng tôi ở trên tầng ba. Họ cho cậu con trai mười tuổi xem các khoản chi tiêu trong gia đình để thằng bé biết tường tận chi phí sinh hoạt của gia đình trong giai đoạn hiện tại, gia đình cần bao nhiêu tiền thanh toán các loại hóa đơn.
Tại sao họ phải làm vậy? Nhà hàng xóm giải thích cho tôi, họ làm vậy vì muốn con cái mình hiểu rõ: “Ai cũng thích chơi, nhưng trước hết con cần phải tiếp cận một môi trường giáo dục tốt, đạt thành tích học tập cao, có kỹ năng làm việc và kỹ năng sinh tồn, có như vậy ngày sau con mới có được sự tự do và những gì con mong muốn.”
Mặc dù, trong tiềm thức tôi đã tán đồng cách dạy con của các bậc phụ huynh Do Thái, tôi cũng nhận ra phương pháp đó nuôi dạy con cái của họ có kỹ năng mưu sinh tốt hơn so với con cái của tôi rất nhiều. Nhưng để bản thân thay đổi cách yêu con, tôi còn lưỡng lự trăm chiều. Tôi lo lắng, nhập gia tùy tục kiểu này sẽ để lại những điều không hay trong lòng bọn trẻ, ngộ nhỡ chúng không hiểu tôi thì sao? Ngộ nhỡ mẹ con tôi không còn thân mật, gần gũi như trước thì sao?
Cũng mừng Dĩ Hoa và Huy Huy nhà tôi rất hiểu chuyện. Một mặt, sau khi rời Thượng Hải tới Israel, hai anh em nó tự mình lĩnh hội phương pháp giáo dục “nắm bắt kỹ năng sinh tồn từ nhỏ” của người Israel, nhận ra các bạn cùng trang lứa dũng cảm, kiên cường, có mục tiêu và kỹ năng sinh tồn hơn mình nên chúng biết lời phê bình của bác hàng xóm dành cho mình là có lý. Mặt khác, chúng cũng muốn làm một nam tử hán nhỏ tuổi, giúp mẹ gánh vác việc nhà. Hai anh em nó cùng ngỏ lời: “Mẹ ơi, có lẽ bác hàng xóm nói không sai. Mẹ cho chúng con rèn luyện một chút nhé.”
Bản thân tôi sống ở Israel cũng dần chịu ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục của người Do Thái, lại thêm lời phê bình thẳng thắn của chị hàng xóm tác động, khiến tôi không khỏi suy nghĩ: Cách dạy con trước đây của tôi phải chăng là quá cảm tính, không khoa học và có phần lạc hậu? Liệu nó có làm hỏng tương lai của các con tôi không? Tôi có nên xây dựng lại giá trị của người mẹ, xem xét lại tình yêu của mình hay không? Những ý nghĩ ấy làm tôi thức tỉnh, thôi thúc tôi so sánh sự giống và khác nhau trong cách yêu con giữa các bà mẹ Trung Quốc và các bà mẹ Israel. Và sự giống và khác nhau đó ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của thế hệ sau?