Theo thống kê, trong số những chứng bệnh tâm lý mà học sinh tiểu học và trung học của Trung Quốc mắc phải, có tới 30% nguyên nhân gây bệnh là do các bậc cha mẹ nói “được” với con cái, làm chúng thiếu sức đề kháng. Trẻ em ngày nay hưởng thụ điều kiện vật chất tốt, càng ngày càng trở nên yếu đuối, không chịu nổi sóng gió. Bệnh viện An Định, thành phố Bắc Kinh từng tiến hành điều tra hơn hai ngàn trẻ em, kết quả cho thấy 23% trẻ em gặp khó khăn trong khi thích nghi với xã hội, biểu hiện chủ yếu là cãi nhau ầm ĩ khi người khác không làm theo ý muốn của mình; gặp một chút trở ngại là nói mình không thể làm được hoặc oán trời trách người. Những biểu hiện này đều liên quan trực tiếp đến việc phụ huynh không bồi dưỡng kỹ năng vượt khó cho trẻ.
Về sự việc trước đây, khi một số công nhân viên của Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Foxconn liên tiếp nhảy lầu tự tử gây xôn xao dư luận, ngoài vấn đề lương bổng, nó cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm về sức đề kháng của thế hệ 8x và 9x. Không chỉ công nhân của Foxconn, ngay đến một số học viên cao học, nghiên cứu sinh của các trường đại học nổi tiếng cũng chỉ vì chuyện học hành, đi làm và giao tiếp gặp trắc trở mà tự chọn con đường cùng cho bản thân. Nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng này không phải là do chỉ số EQ, mà đó là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng vượt khó. Chỉ số AQ thấp là trở ngại sinh tồn của giới trẻ và cũng là bài học quan trọng nhất cha mẹ cần truyền đạt cho con cái trước khi đẩy chúng ra đấu trường xã hội. Nó giống như một cơ chế tự chữa bệnh hay chiến lược “phòng thủ phản công’’ trong nội tâm, không có nó, bạn thua không thể gượng dậy, đã thua không thể gượng dậy thì làm sao có tư cách chiến thắng?
Vậy chỉ số vượt khó là gì? Ngoài chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc ra, các chuyên gia giáo dục của Israel rất đề cao khái niệm chỉ số vượt khó (Adversity Quotient). Thậm chí các chuyên gia tâm lý giáo dục của Israel còn khẳng định, 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công. Mỗi năm, tạp chí thương mại của Israel đều đưa tin về sự trở lại thần kỳ của những doanh nhân trong năm, giữa họ đều có một điểm tương đồng là khi gặp khó khăn và nghịch cảnh, họ vẫn luôn giữ tâm trạng vui lẻ lạc quan, không dễ dàng từ bỏ. Nói cách khác, họ đều có chỉ số AQ cao.
Phụ huynh Israel rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng vượt khó cho con từ nhỏ, một số tổ chức giáo dục còn đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra chỉ số AQ, thông thường bài kiểm tra có bốn nhân tố quan trọng sau: Kiểm soát (Control), quy thuộc (Ownership), kéo dài (Reach) và nhẫn nại (Endurance). Ví dụ, trong bài kiểm tra, trẻ kiểm soát bản thân kém thường chọn đáp án: “Tôi không thể làm.” Trong khi đó, trẻ kiểm soát bản thân tốt chọn đáp án: “Tuy rất khó, nhưng nhất định sẽ có cách giải quyết.” Có chuyên gia tiến hành nghiên cứu, theo dõi những đứa trẻ từng tham gia trắc nghiệm AQ, ông phát hiện ra rằng, trẻ có chỉ số AQ cao, sau này lớn lên thường nhận thức rõ ràng nguyên nhân khiến mình rơi vào nghịch cảnh và sẵn sàng gánh chịu tất cả trách nhiệm, kịp thời rút ra bài học xương máu, đứng dậy từ nơi vấp ngã.
Mấy năm gần đây, chúng ta thường nghe mọi người đề cập rất nhiều đến cụm từ giáo dục khen ngợi, đồng thời đề xướng phương pháp giáo dục nghịch cảnh, dội cho trẻ một gáo nước lạnh ở mức độ vừa phải, nhưng chúng ta lại hiếm khi thực hiện. Là một vị phụ huynh, tôi biết giáo dục khen ngợi có thể giúp con trẻ xây dựng sự tự tin, có tâm trạng vui vẻ, mặt khác giáo dục nghịch cảnh khiến chúng thắng được thì cũng phải thua được, dám chấp nhận thất bại, rút ra bài học kinh nghiệm từ trong thất bại, tránh làm tổn thương đến lòng tự tin, bằng không con cái của chúng ta sẽ không thể đứng dậy được.
Rất nhiều trẻ em từ nhỏ tới lớn đều sống trong những lời tán dương, khen ngợi thậm chí là khoe khoang của cha mẹ, cho nên chúng thường quá chú ý đến bản thân và vô cùng bảo thủ, tự cho mình là người hoàn hảo nhất, thông minh nhất, coi cái gì của mình cũng hơn người khác, đó là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu phụ huynh không kịp thời điều chỉnh những biểu hiện sai lệch này ở con em mình theo hướng đúng đắn, thì nó sẽ có ảnh hưởng không tốt tới trẻ, hình thành tính cách ích kỷ, thậm chí là tự yêu bản thân, để lại mảng màu tối trong bức tranh cuộc sống sau này của chúng.
Tôi chợt nhớ tới cô cháu gái của một người họ hàng, từ nhỏ con bé luôn nằm trong ban cán sự lớp, học tập rất nghiêm túc, tự giác và nó luôn đặt ra yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân. Nếu trong một bài kiểm tra, con bé chưa lọt vào danh sách ba người đứng đầu lớp, nó sẽ nỗ lực phấn đấu, lần sau nhất định phải đứng đầu lớp mới hài lòng. Song, con bé không chịu được sự phê bình, có lần nó trả lời sai câu hỏi trên lớp, thầy giáo tận tình chỉ ra lỗi sai của học trò, không ngờ con bé khóc ngay trước lớp. Nó thắng thì vui vẻ, còn thua thì không chịu được, thấy vui vẻ thoải mái khi đối diện với vinh dự vẻ vang, còn hễ gặp khó khăn, trở ngại thì lại không chịu được sự công kích, sa vào “tâm lý vỏ trứng”. Trên đời này, không có ai là người chiến thắng mãi mãi. Các bậc phụ huynh nên cố gắng cho con em mình thể nghiệm thành công, xây dựng niềm tin trong các hoạt động giáo dục hằng ngày. Đồng thời phụ huynh cũng phải cho trẻ hiểu rằng, con người không thể tránh khỏi những thất bại trong cuộc sống, quan trọng là khi gặp thất bại chúng ta phải biết dũng cảm đối mặt với nó. Người Do Thái coi kỹ năng vượt khó là món hàng đắt giá nhất. Họ hình dung số phận của mỗi người như chiếc thuyền trên dòng sông chảy xiết, còn kỹ năng vượt khó giống như mái chèo trong tay mỗi người, nó có thể đưa bạn cập bờ vinh quang nhưng cũng có thể khiến bạn trôi theo sóng nước.
Các con tôi cũng có rất nhiều cú ngã bất ngờ, nếu chúng có chỉ số AQ thấp, cứ mãi chìm đắm trong oán hận thì không thể thoát khỏi tâm trạng chán nản và cũng không có được thành công như ngày hôm nay. Như hồi Huy Huy nhà tôi làm việc cho một công ty nước ngoài, quản lý nghiệp vụ thị trường của công ty ở Trung Quốc, khối lượng công việc rất nhiều. Đúng lúc đó, công ty tuyển dụng một nhân viên mới là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, Huy Huy nhiệt tình chỉ dạy những kiến thức về giám định kim cương cho cô ta, âu cũng là giảm tải khối lượng công việc của nó.
Không ngờ, sau một năm ngắn ngủi, cô nhân viên đó đã thay thế vị trí của Huy Huy.
“Tại sao lại ăn cháo đá bát?” Huy Huy thấy rất khó hiểu, nó giống như một “cuộc cách mạng cũ gặp phải vấn đề mới.”
“Người chết vì tiền, chim chết vì miếng ăn. Tôi khuyên anh nên đọc kỹ Hậu hắc học”. Người thế chân Huy Huy giáng cho nó một đòn chí mạng.
Huy Huy vô cùng uất ức, nó hậm hực nói với tôi: “Mẹ, con nghĩ đi nghĩ lại, thật sự con chưa làm sai chuyện gì? Sao lại thành ra thế này?”
“Mẹ, hồi con còn nhỏ, sao mẹ không dạy con Hậu hắc học?” Vì gặp trở ngại nên Huy Huy rơi vào trạng thái hoài nghi bản thân, mất tự tin.
Tôi bảo con: “Mẹ không hối hận khi không dạy con những kiến thức trong Hậu hắc học, vì con người luôn muốn những thứ nguyên sơ nhất, chân thành nhất.”
Nhưng, thanh niên đâu dễ bước ra khỏi ám ảnh của thất bại. Tôi nhớ cả một tháng trời Huy Huy giam mình trong căn phòng khách rộng hơn 40m2, đi tới đi lui làm đầu tôi cũng quay như chong chóng.
Tôi nói: “Con trai, con ngồi xuống đi, con cứ đi đi lại lại làm mẹ chóng hết cả mặt rồi đây này.”
Khó khăn lắm Huy Huy mới chịu ngồi xuống. Tôi vừa mở ti vi lên, nó liền tắt phụt: “Mẹ, mẹ, mẹ nói chuyện cùng con đi.” Lúc đó tôi không đeo đồng hồ bấm giờ, nếu không thì có thể biết trong một buổi sáng, Huy Huy gọi mẹ bao nhiêu lần.
Những lúc như thế này, các bà mẹ hiền từ tuyệt đối không được đổ thêm dầu vào lửa. Tôi đợi những buồn bực trong lòng Huy Huy lắng xuống rồi mới từ từ khuyên giải con.
“Không phải là con sẽ sụp đổ vì chút chuyện cỏn con này chứ?” Tôi hờ hững hỏi Huy Huy.
Huy Huy tỏ vẻ uất ức: “Con nghĩ không thông, cô ta nói con là: Người chết vì tiền, chim chết vì miếng ăn, còn bảo con đọc Hậu hắc học.”
“Vậy chỉ có con mới được vui vì tiền đến, vui vì lợi đến, mà không để cho người khác cũng được như vậy sao?” Tuy tôi hiểu rõ, đôi khi một số hành động bất nghĩa khiến người ta phải trả cái giá không nên trả. Nhưng con người không thể oan oan tương báo. Làm người phải chừa lại cho người ta một con đường sống, sau này còn gặp lại nhau. Tôi hy vọng con trai tôi có thể đổi lấy nhiều vinh hoa hơn bằng sự khẳng khái, chứ không hy sinh phẩm chất con người mình vì cái giá phải trả.
“Mẹ biết trong lòng con rất thất vọng. Nhưng mà, con trai à, con phải chấp nhận sự thật. Con không nên thất vọng về mình, càng không nên lo lắng mẹ sẽ thất vọng về con. Hồi trẻ mẹ cũng gặp rất nhiều chuyện uất ức, nhưng tổng kết lại là, giống như chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói: ‘Phóng tầm mắt nhìn cảnh vật tươi tốt, sẽ thấy bực tức trong tâm bị đứt đoạn.”
Thấy Huy Huy hơi nản lòng, tôi lại tiếp thêm sức mạnh cho con, người mẹ không phải là cây gậy vịn của con, nhưng có thể là cổ động viên tích cực cho con. Tôi nói: “Con trai, mẹ kể cho con nghe chuyện này:
Có một cô gái phàn nàn với cha mình rằng, việc gì cũng khó, cô không biết phải ứng phó ra sao và thấy rất chán nản.
Cha cô là một người đầu bếp, ông dắt con gái vào bếp, rồi mang ra ba thứ, một củ cà rốt, một quả trứng gà và một túi cà phê. Ông bỏ riêng ba thứ vào ba cái nồi, đổ ngập nước, bắc lên trên bếp than đang cháy rừng rực.
Cô gái bối rối, không biết cha mình có dụng ý gì. Khoảng mười phút sau, người cha dập lửa, vớt cà rốt, trứng gà ra, sau đó lại đổ cà phê vào một cái khăn. Sau khi làm xong các công đoạn, ông quay người hỏi con gái: ‘Con gái, con nhìn thấy cái gì?’
‘Cà rốt, trứng gà, cà phê’. Cô gái không hiểu ý đồ sâu xa của người cha.
Người cha bảo con gái sờ vào củ cà rốt trước, sau đó lấy trứng gà, bóc vỏ trứng, cuối cùng ông bảo con gái nếm cà phê. Thấy con gái đần mặt ra, ông liền giải thích, cà rốt, trứng gà và cà phê đều gặp phải nghịch cảnh giống nhau là bị bỏ vào trong nước, nhưng phản ứng của chúng lại khác nhau. Cà rốt từ cứng chuyển sang mềm; trứng gà từ dễ vỡ trở nên cứng chắc; còn cà phê hòa vào nước làm một.
Vậy đâu là con? Khi gặp chuyện không như ý, con muốn làm cà rốt, làm trứng gà hay cà phê?”
Ai cũng mong muốn bản thân mình làm việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng đó mãi mãi chỉ là một mong muốn tốt đẹp. Hầu hết mọi việc trong đời đều không được như ý, con đường phía trước không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng chính thái độ của mỗi người khi đối diện với nghịch cảnh mới quyết hướng đi trong cuộc đời người đó.
Tôi nói với Huy Huy: “Cuộc đời luôn có hai cơ hội. Bất cứ việc gì đều có hai khả năng xảy ra và có kết quả hoàn toàn khác nhau, nhưng dù kết quả tồi tệ cũng sẽ ẩn chứa hy vọng, trong lựa chọn tốt nhất cũng có mầm tai họa. Giải thích theo triết học cổ đại Trung Quốc thì đó là vô thường, tái ông thất mã, biết đâu họa phúc.”
Tôi thầm cảm ơn con trai vì nó không chìm đắm trong oán hận, nó lại vùi đầu vào công việc bán lẻ kim cương ở Trung Quốc. Cùng với tình hình tiêu thụ kim cương trong nước đang có xu hướng tăng cao, sự nghiệp của Huy Huy cũng coi như đã vươn đến đỉnh trời khác. Đến nay, sự trưởng thành của nó vẫn hiện rõ trước mắt tôi. Rất nhiều người thành công và tiến bộ không phải vì họ ít trải qua nghịch cảnh, mà hoàn toàn ngược lại, trên thực tế rất nhiều người thành công trưởng thành trong quá trình cọ xát với khó khăn, nghịch cảnh. Người thành công hiểu rằng, nghịch cảnh là một phần của cuộc sống, trốn chạy nghịch cảnh chẳng khác nào trốn chạy cuộc sống, chỉ người có chỉ số AQ cao mới như cá gặp nước trước sóng gió của cuộc sống.
Câu chuyện sau đây rất đáng phải suy ngẫm. Tôi có người bạn làm giáo viên, năm ngoái, lớp cô ấy chủ nhiệm có một học sinh nam rất ngang bướng, hiếu động, hay nói chuyện riêng trong lớp và thích những trò đùa quái đản, cô ấy từng nhẫn nại dạy bảo thằng bé nhưng không hiệu quả. Một lần, trong giờ học, học sinh đó lén lút kẹp bím tóc của bạn gái ngồi phía trước vào hộp đựng bút, bạn nữ bị đau, kêu thét lên. Cô giáo nghiêm khắc phê bình bạn nam và yêu cầu em ấy xin lỗi bạn. Kết quả, cậu bé không hề có ý xin lỗi, còn ương ngạnh nhìn cô giáo. Để không làm ảnh hưởng tới tiết học, cô giáo tạm gác chuyện này sang một bên. Không ngờ sáng hôm sau, phụ huynh của học sinh nam đó gọi điện thoại nói, từ tối hôm qua đến giờ con tôi giận dỗi không ăn một miếng cơm nào, cũng không muốn tới lớp. Hy vọng cô giáo có thể gọi điện khuyên cháu.
Sở dĩ lời phê bình của cô giáo dẫn tới kết quả đáng tiếc này là vì cậu bé lớn lên trong những lời tung hô, khen ngợi của người lớn, tự đánh giá bản thân mình quá cao, nên khi bị đánh vào lòng tự trọng, nó mới có những phản ứng cực đoan. Chúng ta luôn hy vọng thầy cô giáo nâng cao nghiệp vụ sư phạm, nhưng thật ra, cùng với việc thầy cô giáo nâng cao phương pháp dạy học, bản thân các em học sinh cũng cần tăng cường rèn luyện kỹ năng vượt qua nghịch cảnh của mình. Ngẫm lại, có người nào trong số chúng ta không trưởng thành từ phê bình, phê bình có làm tổn thương tinh thần và thể chất của chúng ta không? Tôi có một người bạn mở công ty riêng, anh ta nói với tôi rằng, bây giờ anh ta không dám tạo áp lực cho nhân viên, vì mới có một chút áp lực họ đã ngân ngấn nước mắt.
Trong cuộc sống thường ngày, phụ huynh, người thân và bạn bè hoàn toàn có thể giúp trẻ khắc phục tính tự ti, xây dựng lòng tự tin. Nhưng nếu trẻ tự cho mình hơn hẳn các bạn trong lớp, thậm chí xuất hiện khuynh hướng tự phụ, thì người làm cha làm mẹ cần nói “không” với trẻ một cách thỏa đáng, đồng thời suy tính hợp lý, kịp thời vun đắp chỉ số AQ cho trẻ. Có như vậy đường đời sau này của con trẻ mới thông thuận hơn. Dù sao, trong tương lai bất định sau này, trẻ lớn lên cũng khó tránh khỏi những việc không được như ý, nếu chúng cứ quen có người thân dẹp đường cho mình thì làm sao có thể đối mặt với tương lai?
Có một số phụ huynh không thể chịu nổi khi thấy con mình gặp khó khăn, trở ngại, con trẻ mới gặp một vài khó khăn, phụ huynh đã lo quýnh lên, làm cho con cũng dần trở nên nhạy cảm, không chấp nhận được thất bại. Đó chính là kết quả từ lối ứng xử thiếu đúng đắn của phụ huynh trước những vấn đề của con cái. Nhất là đối với những đứa trẻ có “tâm lý khổng tước” núp dưới sự che chở của cha mẹ, quen đi trên mặt đất bằng phẳng, nghe những lời lọt lỗ tai, làm những việc thuận theo ý mình, nên khi gặp trở ngại thì không chấp nhận được. Bồi dưỡng kỹ năng vượt khó cho chúng là việc không thể chậm trễ.
Phương pháp rèn luyện kỹ năng vượt khó cho con của phụ huynh Israel
1. Giúp con nhận thức đúng đắn về “trở ngại.” Tôi thường chỉ dẫn các con đọc truyện ký của một số vĩ nhân. Đọc nhiều, bọn trẻ sẽ cảm thấy hành trình của cuộc đời là không ngừng chiến thắng khó khăn, chiến thắng trở ngại. Và chúng cũng sẽ nhận ra những khó khăn, trở ngại mà chúng gặp phải không là gì so với các bậc vĩ nhân. Vĩ nhân phải vật lộn với những con sóng to ngoài biển cả, còn những trở ngại của chúng chỉ như gợn sóng khi chèo thuyền trong công viên.
2. Đặt ra một số khó khăn ở mức độ vừa phải để con được trải nghiệm những trở ngại trong cuộc sống. Tôi cố ý tạo ra khó khăn để bọn trẻ tự trải nghiệm. Hồi các con còn nhỏ, tôi thường cho ba đứa cùng tham gia một trò chơi, không nhường chúng để cho chúng hiểu thắng thua là chuyện hết sức bình thường, rèn luyện chúng chịu áp lực tâm lý khi thua cuộc.
3. Dạy con cách đối mặt với trở ngại và cùng con phân tích nguyên nhân dẫn đến trở ngại. Tôi thường xuyên hỏi các con tôi rằng: “Bạn con có ưu điểm gì?” “Con có thể học hỏi được điều gì từ điểm mạnh của bạn ấy?” Đó là cách bồi dưỡng chỉ số EQ tán đồng người khác, tiếp nhận người khác. Các bậc phụ huynh cần tăng cường bồi dưỡng phương diện này cho những đứa trẻ không biết chấp nhận thua cuộc. Khuyến khích trẻ vượt lên chính mình. Cha mẹ dạy con không được coi việc “đánh bại người khác” là mục tiêu, mà phải coi bản thân mình là đối thủ cạnh tranh, tôi của ngày hôm nay phải tốt hơn tôi của ngày hôm qua, khiến trẻ cố gắng hơn nữa, không cho phép mình thua.
4. Nên tạo cho con cơ hội giành lấy thành công. Con cái cần nắm vững những tri thức và kỹ năng cơ bản, vì thiếu tri thức và kỹ năng thường là nhân tố trực tiếp khiến trẻ nảy sinh cảm giác thất bại. Trong trường hợp này, phụ huynh phải dạy cho con những kiến thức và kỹ năng cơ bản để con có cảm giác thành tựu, xây dựng sự tự tin.
5. Vận dụng hợp lý cơ chế tự vệ tâm lý. Đối diện với một số trở ngại xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta không thể ngăn chặn, né tránh bằng nỗ lực chủ quan của bản thân, các bậc cha mẹ cần dạy con cái cách vận dụng hợp lý cơ chế tự vệ nhằm duy trì trạng thái tâm lý khỏe mạnh. Ví dụ trẻ lớn lên với làn da đen nhẻm thường bị mọi người chê cười, phụ huynh có thể an ủi: “Da đen càng khỏe, mẹ thấy con rất đáng yêu.”
6. Giúp con hiểu mối liên hệ giữa trở ngại và thành công. Gặp trở ngại không có nghĩa là thất bại, chưa có trở ngại cũng chưa chắc đã là thành công. Cha mẹ cần dạy con cách ứng xử đúng đắn đối với thành công và thất bại. Tôi thường nói với các con của mình: “Sớm gặp thất bại trong cuộc đời sẽ nhận được những lợi ích thực tế lớn nhất.”
7. Kinh nghiệm thành công và thất bại. Các bậc cha mẹ nên cho con trẻ biết bản thân cha mẹ cũng có lúc thất bại. Cha mẹ đừng cho rằng con mình còn nhỏ, việc cha mẹ cùng con trao đổi, thảo luận về phương pháp xử lý thất bại, bàn tính đường đi nước bước sẽ làm cho trẻ hiểu cha mẹ hơn, đồng thời chúng cũng biết suy nghĩ đến ý nghĩa của thành công và thất bại.
8. Cha mẹ nên bồi dưỡng cho con kỹ năng ứng phó với khó khăn, nghịch cảnh. Nếu nhất thời con chưa thể thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ có thể dạy con biết nhẫn nại hoặc tìm nơi gửi gắm tinh thần khi rơi vào nghịch cảnh như, vận động, vui chơi, tán gẫu…